Bạc
Bão
Bay
Bụng
Bướm
Cấm
Câu
Chay
Chót
Cồng
Da
Dối
Đất
Đôi
Ghen
Hài
Khói
Kiện
Ma

Mông

Não
Ngôn
Nóng
Phì
Pho
Quý
Sâm
Sếch
Sếp
Tài

Thi
Thương

Trứng
Ung
Vòng1
Vui

 

Tè là công việc mà các bậc Nho thâm Hán rộng gọi là “giải thủy” và cũng là công việc mà cô con dâu có giáo dục trình với bố mẹ chồng bằng một đường thơ phú “Con đi tháo nước trong người con ra”. Thế là mọi người hiểu ngay đây là công việc mà một ngày mình đã làm tới bao nhiêu lần, một công việc cần thiết nhưng vô duyên, chẳng có gì đáng nói cả. Chẳng có gì đáng nói nên khi muốn nói người ta phải bày chuyện ra mà nói. Như câu chuyện người ta đọc Kiều mà ra tè. Chắc đoạn Kiều sau thì ai cũng nằm lòng:

Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang
Sè sè nấm đất bên đàng
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.

Đó là đoạn Nguyễn Du tả cảnh mả Đạm Tiên. Nhưng tại sao cỏ lại nửa vàng nửa xanh? Dân tán láo đã bình là bởi vì kiến nó bu nên mới có cái màu vàng lạc lõng đó. Tại sao kiến bu? Bởi vì người ta đã tè lên và thủ phạm vụ này lại bị bệnh đái đường nên kiến nó mới tới kiếm chất ngọt!

Cụ Nguyễn Du tài tình thật. Chỉ trong có đúng một câu thơ mà gói ghém được đầy đủ ý nghĩa việc tè đường. Thực ra để chỉ cái hành động tháo nước đó người ta có nhiều chữ lắm. Nhưng chữ tè nghe rất phóng khoáng. Nó không chỉ một hành động cẩn tắc, kín đáo mà con người thường làm một cách “một mình mình biết một mình mình hay” trong những chỗ dành riêng cho cái công việc này. Nhưng nó chỉ một hành động cũng là túm tím, e dè đó nhưng nơi chốn diễn ra cái hành động đó thì rất…cách mạng. Như anh chàng Anthony Mesa, 22 tuổi, làm công cho một tiệm tạp hóa Pix ở Daytona, tiểu bang Florida. Cuối tháng 6 vừa qua, anh chàng này bỗng khoái chí với ý nghĩ là mình thử tè vào đồ uống cho một tên nào đó nếm mùi thì thú vị biết mấy! Thế là anh chàng tè vào một chai nước ngọt Montain Dew, đóng nắp lại và cho vào tủ lạnh để bán như những chai khác. Người…trúng số là một đốc công của một công ty xây dựng. Ông uống một hớp thì đã nôn thốc nôn tháo. Ông đòi cửa hàng bồi thường trước khi mang ra kiện. Tòa xử anh chàng có máu tè phóng khoáng này 6 tháng tù!

Sáu tháng nằm nhà đá là đáng kiếp. Bởi vì tè như thế chưa nói lên được sự phóng khoáng của tè. Tè là phải gió nội mây ngàn, phải hiên ngang chi chí. Muốn được ngon lành như vậy phải sương sương chút đỉnh. Đầu óc có lâng lâng thì hành động mới quả cảm. Những ai đã từng đi ăn nhậu ở Việt Nam chắc đều đã có lần mắc chứng diabète mà nhà thương bó tay. Dân giang hồ trong làng nhậu là phải nhậu đường nhậu xá. Như nhậu ở Ngã Sáu Sài Gòn chẳng hạn. Chiều chiều, khi mặt trời chưa kịp lặn, thì bàn ghế đã hiên ngang nằm ngổn ngang trên đường. Khách giang hồ đã bắt đầu tụ lại lai rai chén chú chén anh. Đánh ngã vài chai bụng dạ đã cấn cái. Giữa đường xá, quán nào quán nấy chỉ phục vụ đường vào chứ không phục vụ đường ra. Khách nhậu cứ thoải mái kê người vào gốc cây, bờ tường mà…hành hiệp! Sau 1975, nền tè đường bỗng dưng được đất. Từ sáng tới khuya, lề đường nào cũng là quán nhậu. Nhậu súc miệng, nhậu với ánh mặt trời, nhậu với ánh trăng, dân chúng cứ thản nhiên chén chú chén anh, chén tôi chén bác thoải mái. Và khi bụng dạ óc ách, lại thoải mái dốc bầu tâm sự. Chỉ cần một mảng tường trong ngõ hẻm, một gốc cây hơi khuất một chút là dân nhậu cứ thoải mái dưới ánh mặt trời. Màn đêm đổ xuống là một thảm họa cho những con đường hẻm gần nơi quán bên đường. Tôi đã từng đi trong những ngõ hẻm Sài Gòn trong những lần về thăm Việt Nam. Tàn dư của bia bọt chảy tràn lan như những dòng suối. Không khéo thì có cơ lội suối như điên!

Cái đặc biệt của Sài Gòn cách mạng là các bà các cô tham gia vào làng chai lọ khá nhiều. Hầu như bàn nhậu nào cũng có những giọng hô “dzô” rất trong trẻo. Những cái bụng bia dễ thương kia biết tìm nơi nào mà vơi niềm tâm sự? Đó là một bí mật mà thời gian ngắn ngủi lưu lại quê nhà chưa cho phép tôi tỏ tường cớ sự.

Cái vụ tè đường, dân ta thoải mái lắm. Những chuyến xe đò liên tỉnh cứ hai ba tiếng lại ngừng lại nơi một bìa rừng hay một cánh đồng bờ bụi cho dân chúng đổ bộ xuống hành quân. Quân ta ào ào tiến tới, khí thế rất khẩn trương, dàn hàng ngang tiến tới mục tiêu tác xạ. Hai cánh quân phân chia rõ ràng. Nam quân tác xạ theo thế đứng. Nữ quân tác xạ theo thế ngồi. Trời sinh sao ta cứ vậy mà tuân theo. Cần chi địa hình địa thế!

Đố quý vị nghe!

“ Cái gì rất cứng, dựng ngược lên, màu trắng, ở đầu mầu đỏ, lại có mùi nước tè?”

“ Ông này bậy nghe!”

“ Bậy đâu mà bậy! Đó là cái cột cây số bên vệ đường!”

Tè đường đa dạng như vậy. Chỗ nào có thể kê chân được là tè được. Sáng tạo ra gì! Dân ta thảnh thơi hơn dân bên đây nhiều!

Hai mươi năm sống trên đất người, mãi tới tuần trước tôi mới thấy một cảnh phóng khoáng. Một ông dí súng ống vào bụi rậm bên đường cho dòng nước nổi trôi trên lá trên cành. Xe cộ chạy ngang qua đều tà tà lại trước một show trình diễn bột phát bất ngờ! Cảnh tè đường bên này hầu như bị tận diệt. Chỗ công cộng nào cũng có nơi kín đáo cho dân chúng giữ được vẻ lịch sự với người khác. Nhà hàng nào cũng nhà tiểu hai bên nam nữ đề huề. Trên những phố đi bộ ở Montreal như đường Sainte Catherine chẳng hạn, dân chúng có chột bụng cũng tìm vào những nhà hàng để tháo nước mặc dù chẳng có nhu cầu ăn uống gì. Sự cẩn thận này không vừa lòng ông bạn Phùng Quốc Điền của tôi khi ông còn ngự tại nhà hàng “55” trên con đường huyết mạch Sainte Catherine. Mỗi lần tới nhà hàng của ông bạn, tôi lại đụng đầu với cái thông báo dán ngay trước cửa chính bằng tiếng Lang Sa xin bàn dân thiên hạ có mở cửa bước vào thì xin ngồi vào bàn chứ đừng đi thẳng tới phòng số một rồi thơ thới đi ra. Não lòng bạn tôi lắm!

Ông kỹ sư Mỹ Richard Deutsch cũng làm não lòng những vị lưu linh biết tuân theo trật tự lắm. Ông vừa sáng chế ra chiếc bồn tiểu biết nói. Cái anh chàng chỉ biết uống nước…khai vị thì nói năng cái chi? Chẳng lẽ hướng dẫn những chiếc súng bất cẩn bằng những câu đại khái như: “ Sir đã chĩa súng đúng vào tôi chưa?” hoặc “ Sir có muốn đứng gần hơn chút nữa không?”. Không, những cái bồn Wizmark này nói những điều lớn lao hơn nhiều! Nhờ được ráp đặt những bộ phận cảm ứng bắt được mùi rượu trong nước tiểu, chúng nắm đầu ngay những đệ tử của lưu linh cái rụp. Khi thấy người…đối diện có mùi, chúng la luôn một lèo 15 giây như thế này: “ Này bạn! Bạn đã sương sương vài ly rồi phải không? Vậy thì nghe đây! Bạn nên gọi một chiếc taxi hoặc nhờ một người bạn đưa bạn về nhà. Chắc chắn điều đó sẽ rẻ hơn và an toàn hơn là những phiền toái khi bạn bị bắt quả tang có hơi rượu. Đừng vừa uống vừa lái!” Don’t Drink and Drive! Mấy ông bạn tôi mỗi khi nhìn thấy hàng chữ…khủng bố này đều phát ngôn rất ngây thơ vô tội. Tớ có vừa lái xe vừa uống bao giờ đâu! Uống xong tớ mới lái!

Đang lâng lâng sảng khoái mà gặp cái anh bồn tiểu vô duyên này thì chỉ có nước chửi thề! Ông ra đường cho biết mặt! Ba cậu thanh niên, một là dân Montreal, hai là dân Ottawa, nhậu xong là nghênh ngang xuống đường. Họ… tè! Có điều là không đúng thiên thời, địa lợi, nhân hòa chi cả. Họ tè vào đúng ngày Quốc Khánh Canada, tại Đài Trận Vong Chiến Sĩ ngay trước tòa nhà Quốc Hội thủ đô Ottawa, giữa lúc buổi lễ vừa tàn dân chúng còn nán lại rất đông! Trong đám dân rất đông đó có một ông Nha Sĩ cựu Thiếu Tá trong quân đội Canada. Ông này có sẵn máy hình trong tay. Bèn bấm. Bức hình được lên trang nhất nhật báo Ottawa Citizen vào ngày hôm sau. Thế là…động đất! Tất cả các phươngtiện truyền thông chỉ chú ý có mỗi một chuyện tè đường. Chưa có một bãi nước thải nào gây nên chuyện ầm ĩ đến như vậy. Các đài phát thanh, truyền hình đưa tin, bình luận, phỏng vấn tưng bừng. Bãi nước tiểu to nhất nước bị khuấy lên khai mù. Khai tới cái mũi lớn nhất nước: Thủ Tướng Stephen Harper! Ông lên tiếng trên một đài phát thanh: “Quả nhiên đây là một việc làm đáng ghê tởm. Tôi cho rằng những thanh niên này không đại diện cho một tầng lớp dân chúng nào ở Canada!” Cảnh sát như ngồi trên đống…khai mù. Họ cương quyết sẽ tìm ra thủ phạm trong thời gian ngắn nhất. Cần gì phải cương quyết cho tổn thọ. Hình chụp trên báo to đùng và rõ mồn một. Mắt đã bao năm làm bạn với mục kỉnh của tôi mà còn thấy rõ mặt mũi thủ phạm, thấy rõ luôn cả dòng nước đang vắt vẻo tỏa ra từ robinet, thấy rõ cả màu sắc quần gin giầy vải của đương sự. Cứ nhắm mắt cũng nắm được gáy anh chàng bị cả nước xỉ vả. Tới chiều thì bạn dân đã hoan hỉ loan báo là đã có ba người cho những tin tức về thủ phạm. Tòa án…nhân dân họp liền. Phạt cái tên láo lếu này ra sao đây? Theo Hình Luật của Canada thì hình phạt có thể leo lên từ phạt treo tới cho nằm nhà đá. Cũng có thể mang luật của Ủy Ban Giao Thông và Tài Nguyên của Thủ Đô ra dùng để bắt thủ phạm móc túi chi 125 đô.

Ông dân biểu đại diện vùng Nam Ottawa, theo truyền thống của các ngài nghị, nhảy vào ăn có liền: “ Chúng ta phải nắm tóc kéo tai tên này và dẫn tới Viện Bảo Tàng Chiến Tranh để hắn biết là hành động của hắn đã xúc phạm đến thế nào. Đây không chỉ là hành động của kẻ say!” Rồi rồi! Bãi nước thải đã mang màu sắc chính trị! Chuyện không còn nhỏ! Khai mù trời rồi! Không chịu thua, một dân biểu khác, ông David McGuinty, kêu gọi Thủ Tướng cho đặt một binh sĩ gác thường trực ngày đêm nơi linh thiêng này và đặt ra luật lệ mới để xét xử những trường hợp xúc phạm này.

Trong khi chờ đợi các bạn dân xích tay anh tè đường, báo chí khai thác ông Nha Sĩ bấm hình. Chắc không có một nhiếp ảnh gia nào lại có thể nổi tiếng ngang xương với chỉ một tấm hình đầu tay được đăng báo như ông cựu Thiếu Tá tốt phước này. Thế mới biết cái hai mặt của cuộc đời. Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm! Tên tuổi ông bỗng được nâng lên ngang hàng với cácvị…anh hùng dân tộc! Cái tên Michel Pilon bỗng nằm trong trí nhớ của cả nước. Cái tên Jean Lamothe cũng nổi tiếng. Jean là ai? Đó là ông bạn dân phụ trách…bãi nước tiểu. Hăng hái với nhiệm vụ, ông bạn dân này tuyên bố vung vít. Một trong những lời vung vít này đáng bị ticket! Ông nói nguyên văn như sau: “ Không có một lý lẽ nào biện minh được cho hành động của những người này. Bởi vì chúng ta có những nhà vệ sinh công cộng và ngoài ra còn có những bụi rậm!” Như vậy là bạn dân đã cho phép tè vào bụi rậm? Vui nhỉ!

Trong khi đó, việc săn đuổi kẻ bị thù ghét nhất nước vẫn tiếp diễn. Một cựu chiến binh của Đệ Nhị Thế Chiến treo giải 1000 đô cho bất cứ ai có thể cung cấp tin tức dẫn đến việc bắt giữ thủ phạm. Bãi tè đã có giá đàng hoàng. Mặt…tè ló dạng. Đó là anh chàng 23 tuổi, người Montreal, cư ngụ trong vùng Dorval, tên Stephan Fernandes, sinh viên ban Kỹ Sư trường Đại Học Concordia. Chúng ta thử theo dõi những giờ phút…lịch sử của bãi nước có mùi.

Sáng ngày 3 tháng 7, hai ngày sau khi bị chụp hình, Stephan được bạn bè thông báo là hình anh đang…khai phóng được đăng trên trang nhất của nhật báo Ottawa Citizen. Anh cảm thấy bối rối và hối hận. Tôi bị shock hoàn toàn! Việc tưởng không có gì lại hóa ra ầm ĩ quá mức. Anh không có ý định xúc phạm các cựu chiến binh và gia đình họ. Chẳng qua là anh đã nghe theo tiếng gọi của…bàng quang với một chút ngông nghênh của lượng rượu trong bụng. Anh không dám nói gì với bố mẹ. Chỉ khi các phóng viên với những dàn máy chụp hình tua tủa ập tới cửa nhà, bố mẹ anh mới hốt hoảng nhìn ông con. Anh chạy vào bếp loanh quanh tìm chữ nói với bà mẹ: “Mẹ! Mẹ có nhớ là cuối tuần qua con đi chơi Ottawa với mấy người bạn không?” Nói được có vậy rồi anh ngừng ngang. Bà mẹ hiểu ra cớ sự. Trả lời phỏng vấn, bà cho biết: “ Tôi đã muốn ngã xuống sàn nhà! Stephen không phải là người như vậy. Ai biết con tôi cũng đều phải nghĩ như vậy. Nó đã tình nguyện làm việc thiện nguyện tại bệnh viện cựu chiến binh ở Ste Anne de Bellevue khi nó theo học tại trường John Abbott”. Anh chàng Stephan nói: “ Sự việc xảy ra thật lố bịch. Thật sự tôi không nhớ những gì xảy ra vào tối hôm đó. Tôi đã uống khoảng 26 ounces rượu vodka và vài chai bia. Tôi cũng chẳng nhớ tấm hình được chụp vào lúc nào nữa.” Anh cà khịa với ông phó nhòm nghiệp dư Michel Pilon: “Tôi muốn biết ông ấy có ý định gì khi chụp hình. Ông ấy muốn tôi có tiền án hay sao? Ông ấy có vui mừng với kết quả này không?” Anh cho biết không muốn mang án tù vì chúng sẽ ảnh hưởng tới tương lai và công ăn việc làm của anh sau này. Stephen sẵn sàng nộp tiền phạt hay làm công việc cộng đồng để chuộc lại lỗi lầm của mình. Anh cũng viết một lá thư xin lỗi và trao cho báo chí phổ biến. Bức thư gồm có bốn đoạn thanh minh là anh không cố ý xúc phạm tới các cựu chiến binh và gửi lời xin lỗi. “ Mặc dù hành động của tôi là không cố ý, nhưng nó đã gây ra sự tức giận và đau khổ cho nhiều người, sự thù hận của cả nước. Vì vậy, tôi xin lỗi. Là một công dân của một trong những quốc gia vĩ đại nhất thế giới, tôi đã được giáo dục phải hiên ngang và nhận mọi trách nhiệm về những hành động của mình, dù ở ngoài chiến trận hay trong đời sống hàng ngày. Đó là lý do tại sao tôi tới đây để nhận trách nhiệm về những hành động của mình. Tôi muốn chính thức xin lỗi tất cả những người đã và đang phục vụ đất nước này, những người mà tôi muốn bày tỏ lòng ngưỡng mộ, và tất cả người dân Canada mà tôi đã xúc phạm bằng việc làm nông nổi của tôi trong ngày 1 tháng 7 năm 2006”.

Có một bãi tè mà vất vả đến thế. Cả nước sôi lên sùng sục. Chuyện tè bậy ồn ào của anh chàng Stephen Fernandes làm tôi nhột nhạt lại với một chuyện tôi đã làm trong lúc tuổi tôi cũng ngang ngang với tuổi anh chàng này. Này! Xin quý vị đừng cười trước. Tôi không mắc bệnh đái đường đâu. Nguyên là lúc đó báo chí Sài Gòn đang rầm rộ chỉ trích về chuyện Đô Thành không chú ý tới việc xây các nhà tiểu công cộng cho dân chột dạ bất tử. Lúc đó tôi đang giữ một mục “phim” hàng ngày cho một nhật báo. Nó cũng tương tự như…phiếm nhưng chuyên chú đánh đấm vào những việc xảy ra hàng ngày. Hên cho tôi là một buổi sáng, trên đường đi làm, tôi thấy một ông cảnh sát đang vạch quần tè vào một gốc cây bên đường. Ông bạn dân này đứng gác lâu tại một ngã tư đường, bụng dạ có đầy nhóc cần giải tỏa cũng là chuyện thường. Nhưng đang hồi “đánh” Đô Thành, vớ được anh phú lít chuyên thổi còi phạt dân tè bậy lại đang làm cái chuyện mình có thể tự thổi còi phạt mình, tôi dễ gì bỏ qua. Tôi đi ngay một bài báo châm chích, hài ra đầy đủ địa điểm, thời gian của anh bạn dân tè bậy. Chuyện đối với tôi cũng thường thôi! Nhưng sau đó, tôi biết anh phú lít này đã bị khốn khổ hành lên hành xuống vì hành động chẳng đặng đừng của mình. Nghe được chuyện, tôi hối hận mãi. Vô tình tôi đã để ngòi viết của mình làm thảm thương một cuộc đời, có thể hơn nữa: một gia đình.

Nhân bãi tè đầy thị phi của anh chàng tuổi cỡ tôi hồi đó, tôi xin…xưng tội vô tình hại người khác. Và nếu anh bạn dân hồi đó có đọc được bài này thì xin liên lạc với tôi, mình sẽ làm một chầu la-de hòa giải. Dĩ nhiên có đầy bụng thì chúng ta cũng nhất định không …xuống đường!

07/2006