Bạc
Bụng
Burqa
Chết
Chửi
Chuyện
Cua
Cúm
Cứu
Đầu
DNA
Dzô
H1N1
Hiếm
Học
Khoe
Làm
Lộn
Mại
Mao
Màu
Nói
Non
Phố
Ruồi
Tết
Thang
Theo
Thuê
Trúng
Túi
Tưới
Vẽ
Vợ

CHỬI

Ngày mới sang định cư nơi xứ người tôi bị một anh chàng đi xe hơi xẹt ngang giơ ngón tay giữa lên với ánh mắt có lửa. Tôi tỉnh bơ. Chẳng có chi mà phải bận tâm. Ở lâu mới biết cử chỉ tưởng là thông thường đó chính là một lối chửi bằng tay. Từ lúc trí óc được mở mang, thấy cái tay có ngón giữa giơ lên là nổi sùng, muốn bẻ gẫy ngay lập tức. Cũng vậy, ở xứ Québec tôi đang ở, chữ chửi thề đầu môi chót lưỡi của dân địa phương là tabarnaque! Đây là chữ được đọc chệch từ chữ tabernacle có nghĩa là chiếc bàn đựng đồ dâng cúng dùng trong các nhà thờ công giáo từ thế kỷ thứ 16! Nghe thấy thánh thiện! Nhưng thực ra đó là một câu chửi có giá trị ngang hàng với chữ  shit trong tiếngAnh. Vô tri bất…giận, không biết thì coi như pha. Biết rồi thì tức như bị bò đá. Muốn không tức thì…tu. Thế nhân muốn nói gì thì nói, mình cứ mũ ni che tai, lòng chẳng chút bụi trần.

Nhưng dễ gì mà tu. Sống ở đời mà đầu cứ cúi xuống coi bộ không giống ai. Nó chửi mình thì mình chửi lại. Dại gì mà…tu! Vậy là lia chia văng ra đủ thứ.

Cái thứ được văng ra nhiều nhất là chữ…Đan Mạch! Bạn tôi rất nhiều ông thích du lịch qua xứ sở này lắm. Nói một câu thường bao giờ cũng khai mào bằng hai chữ Đ. M. Theo đúng nghĩa đen thì đó là một chữ rất xấc xược nhưng xuất ra từ miệng những ông bạn tôi thì nghe ra rất vô tội. Không những vô tội mà còn làm cho câu nói có khí thế.  Có lần tôi đố một ông bạn nói 5 câu mà không đệm tiếng Đan Mạch. Đây là thứ đố vui có thưởng. Phần thưởng là một ly cà phê sữa đá. Vậy mà tuy rất thèm ly cà phê, ông bạn tôi chịu không lãnh được phần thưởng. Ông bạn tôi không là người cô đơn. Chửi thề là một phần trong cuộc sống của chúng ta. Từ những tai to mặt lớn tới thứ dân loàng xoàng. Nhiều đến nỗi trên ti-vi người ta thường phải xóa những tiếng chửi bằng cách chặn một đốm trắng trên miệng của những người được phỏng vấn. Cỡ Tổng Thống cũng văng như ai. Như ông Tonton Sarkozy của Pháp. Ngày 23 tháng 2 vừa qua, ông này tới dự hội chợ triển lãm nông nghiệp lớn nhất thế giới được tổ chức tại Pháp. Ông vui vẻ bắt tay dân chúng. Nhưng một ông dân không thích ông tonton này. Không hiểu vì sao. Tôi không nghĩ là ông này ghen với tonton có cô vợ người mẫu chân dài. Khi tonton Sarkozy tới gần, ông dân này hét lên : “Đừng! Đừng chạm vào tôi!”. Thế có điên tiết không? Đã ban ơn mưa móc cho mà còn làm tàng. Ông tonton điên tiết thật : “Vậy thì biến đi!” Ông người dân không phải vừa, quạt lại : “Ông khiến tôi ghê tởm!” Tonton to tiếng lại: “Biến đi! Đồ đần độn!”. Màn tonton chửi này được đưa lên YouTube cho bàn dân thiên hạ coi để học hỏi cách chửi từ cái miệng có gang có thép. Ông Phó tonton của nước Mỹ còn chửi ngon hơn nữa. Trong một cuộc tranh luận với Thượng Nghị Sĩ đảng Dân Chủ Patrick Leahy tại phòng họp Thượng Viện, Phó tonton Dick Cheney đã chơi nguyên con chữ f**k. Ông diều hâu này rất ngon, chửi xong còn phụ đề tiếp : “Tôi đã nói thế, và tôi cảm thấy khỏe khoắn hơn sau khi nói!”. Có lẽ vì chửi là một phương thuốc bổ cho ông Phó này nên trước đó ông cũng đã f**k lia lịa nhiều lần rồi. Mới đây hơn nữa, ngày 8 tháng 6 vừa qua, ông Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Canada John Baird trình diễn màn f**k off tại Whistler, nơi đồng tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông 2010 vào tháng 2 năm tới. Ông xài từ ngữ chửi này khi giận dữ phê bình về một yêu sách của thành phố Toronto.

Thứ dân xài đòn chửi thì có nhân vật bỗng chốc nổi tiếng khắp thế giới mới đây là bà nhà quê 48 tuổi Susan Boyle cư ngụ ở West Lothian bên Tô Cách Lan dự cuộc thi chọn tài năng Anh quốc Britains Got Talent 2009 cũng  f**k ra trò. Bà này có giọng hát hay làm sững sờ ban giám khảo cuộc thi và các khán giả tham dự và sau đó, nhờ YouTube, tiếng hát của bà bay tràn lan khắp thế giới. Trong bar rượu nơi khách sạn bà trú ngụ, bà ngồi coi ti-vi, khi nghe viên giám khảo Piers Morgan khen thí sinh 12 tuổi Shaheen Jafargholi là “giọng ca trình diễn hay nhất trong cuộc thi bán kết”, bà Boyle đã giơ ngón tay về phía màn ảnh ti-vi và hét lên “f**k off” trước khi bỏ về phòng mình. Thi hào Cao Bá Quát, trước khi bị xử chém nơi pháp trường vì tội làm quân sư cho loạn quân, cũng đã f**k như ai : Ba hồi trống dục đù cha kiếp / Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời!

Chửi thề là món mà ai trong chúng ta chắc cũng đã có lần dùng tới. Nếu một người trong suốt cuộc đời không biết chửi thề, chửi khi lủi thủi một mình hay chửi trước bá quan thiên hạ, thì người đó đáng được tôn là thánh! Một ông thanh tra giáo dục, sau khi thăm một lớp học đã nói với thầy giáo: “Học sinh của anh giỏi lắm, nhưng có điều chúng nó chửi thề nhiều quá!” Thầy giáo bực bội trả lời : “C**! Tôi đã dặn đi dặn lại mấy thằng chó đẻ đó là phải đóng cái lỗ đ** của nó lại khi tiếp xúc với người lạ. Đ. M.! Phen này tôi sẽ cho mấy thằng mặt l** đó một bài học nhớ đời!”

Trong các chương trình giáo dục không có môn học…chửi thề. Tác giả Trần Văn Giang cũng đã nhận xét như vậy : “Ngôn từ để chửi đã có từ thời tiền sử lúc con người mới biết cách nói chuyện với nhau; và tiếng chửi thề cũng đã tiến triển theo văn minh con người qua vài ngàn năm. Mọi người đều tự nhiên biết chửi thề chứ môn chửi thề không có dạy ở trường nào cả. Chửi thề được dùng như một trong những phương tiện để diễn đạt tư tưởng của con người từ hình thức thấp nhất thấy ở cuộc sống của giới bình dân ít học, ‘dân ngu khu đen,’ cho đến hình thức cao nhất trong các mẩu đối thoại của giới thượng lưu, quí tộc và ngay cả trong thơ, văn đã được phổ biến rộng rãi. Người ta nói âm nhạc là một ngôn ngữ quốc tế. Mọi người đều có thể nhận ra được ngay một bài nhạc ngoại quốc hay hoặc dở mặc dù chúng ta không hiểu lời của bản nhạc ngoại quốc đó như thế nào. Vấn đề chửi thề cũng y hệt như vậy. Sống ở đất Mỹ đã lâu, chúng ta thấy nhiều tiếng chửi thề trong Anh Ngữ nếu đem dịch ra tiếng Việt thì thấy nó cũng chẳng xa lạ gì cả. Như vậy, mặc dù địa thế cách xa nhau cả ngàn dặm, chữ dùng để chửi của tiếng Việt cũng tương tự như tiếng Mỹ. Thật lạ.”

Chửi thề là một hành vi…quốc tế. Nước nào không có tiếng chửi thề là một nước thiếu văn hóa. Nước ta nhất định là văn hóa cùng mình. Chúng ta chửi có vần có điệu, có lên bổng xuống trầm, có bài bản trước sau đàng hoàng. Cứ nghe bài chửi kiểu mẫu là bài chửi mất gà khắc biết. Bài này có nhiều dị bản. Bản nào cũng hay. Đây là bản trích trong tiểu thuyết “Bước Đường Cùng” của nhà văn Nguyễn Công Hoan : “Làng trên xóm dưới, bên sau bên trước, bên ngược bên xuôi! Tôi có con gà mái xám nó sắp ghẹ ổ, nó lạc ban sáng, mà thằng nào con nào, đứa ở gần mà qua, đứa ở xa mà lại, nó dang tay mặt, nó đặt tay trái, nó bắt mất của tôi, thì buông tha thả bỏ nó ra, không thì tôi chửi cho đấy! Chém cha đứa nào bắt gà nhà bà! Chiều hôm qua, bà cho nó ăn nó hãy còn, sáng hôm nay con bà gọi nó nó hãy còn, mà bây giờ nó đã bị bắt mất. Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày, thì buông tha thả bỏ nó ra, cho nó về nhà bà. Nhược bằng mày chấp chiếm, thì bà đào mả thằng tam tứ đại nhà mày ra, bà khai quật bật săng thằng ngũ đại, lục đại nhà mày lên. Nó ở nhà bà, nó là con gà, nó về nhà mày, nó biến thành cú thành cáo, thành thần nanh đỏ mỏ; nó mổ chồng mổ con, mổ cả nhà mày cho mà xem! Ới cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia! Mày mà giết gà nhà bà thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba. Mày xuống âm phủ thì quỷ sứ thần linh nó rút ruột ra...”

Chửi như hát vậy được coi là có văn hóa. Xứ Tràng An của nước ta từ xưa tới nay được tiếng là kinh đô văn hóa của cả nước. Ngày nay dân Hà Nội vẫn giữ được truyền thống của người xưa. Một blogger  ở Sài Gòn có dịp cùng một đoàn nghệ thuật ra Hà Nội để tham gia hội diễn toàn quân đã ghi lại một vài hoạt động văn hóa của người dân thủ đô. Một người hoạt động nghệ thuật mà nói về nét văn hóa của một thành phố chắc phải chính xác. Blogger này kể lại nhiều chuyện, tôi lựa chọn một số chuyện có liên quan đến văn hóa chửi.Chúng tôi rủ nhau ăn sáng, thực đơn sẽ quyết định là phở. Tôi ra sức ca tụng với hai người bạn (đều là dân Miền Tây) rằng phở là món ăn quốc túy của Việt Nam, nhưng phở với đầy đủ phẩm chất của nó phải là phở Hà Nội.  Chúng tôi vào một quán phở nằm trên một con đường tôi không nhớ tên nhưng cũng thuộc khu trung tâm . Quán vắng tanh , nhưng ngay cạnh đó là một quán phở khác, đông nghẹt. Khách ăn vào chen nhau mua ra, trên tay mỗi người lăm lăm tô phở. Hết bàn ghế, họ ngồi xổm ngay trên vỉa hè húp xì xoạp, vừa ăn vừa sỉ mũi xoèt xoẹt. Chúng tôi chọn quán này vì nó vắng, có bàn ghế mà ngồi. Ông chủ quán bưng ra ba tô tái chín, bốc hơi nghi ngút, ngửi mùi tôi đã rạo rực. Một anh bạn tôi, theo thói quen, nói rất dõng dạc: “Cho xin chén giá chụng đi”. Ông chủ quán quay lại nhìn chúng tôi như nhìn người ngoài hành tinh , rồi bảo: “Giá chụng hả? Vào Sà Ghềnh mà tìm”. Ông ta nói với cách nhái giọng Miền Nam, thái độ chẳng thân thiện gì. Tôi hết hồn, cấu mạnh vào đùi anh bạn, rồi nói nhỏ vào tai hắn: “Ăn đi, đòi hỏi vớ vẩn, người Hà Nội họ nền nếp lắm, lần sau nói năng phải thưa gửi đàng hoàng.” Tiếp tục dạo phố Hà Nội, mấy anh miền Nam vào một tiệm bán đĩa nhạc và chọn được mấy cái CD nhạc cổ điển Tây Phương. Nhìn lên kệ anh thấy có một CD của cô bạn ca sĩ. Mừng quá, anh hỏi : “CD của ca sĩ TT này có bán được không anh?” Câu trả lời làm anh phát hoảng : “Con dở hơi, có chó nó mua…mà bán cho chó”. Đoàn cùng nhau ghé vào một tiệm bán quần áo để một anh trong đoàn mua theo lời dặn của vợ. Anh bạn hỏi : “Chị có quần áo của Trung Quốc không?” Câu hỏi tưởng thông thường nhưng câu trả lời rất…Hà Nội : “Anh giai thành phố mang tên bác mà kém tắm thế, muốn đồ Trung Quốc hả? Lên Đồng Xuân, Bắc Qua ấy, đây chỉ có hàng Anh Mỹ…Anh dùng tạm, không thì phắn mẹ ló đi cho em nhờ. Cháo ám!”. Anh kể tiếp : “Chiều hôm đó, chúng tôi ăn cơm trong một quán cơm bình dân gần nơi ở của đoàn. Nghe nói bia hơi Hà Nội ngon lắm, thấy quán này cũng có bán, chúng tôi gọi uống thử. Không ngon như đồn đại, tôi thấy nó nhạt và chua. Trong quán, có một anh cũng ngồi ăn và uống bia, anh ta chắc là một tay buôn chuyến đồ nông phẩm, vì tôi thấy chiếc xe của anh hai bên phía sau có chở hai cái sọt. Ăn xong , anh trả tiền, rồi càu nhàu: “Bia với bọt nhạt như nước n..n, chua nhoen nhoét như cứt mèo, nàm mẹ nó be rượu cho  xong .” Chị chủ quán bình thản: “Như lước n..n thì ló mới nghìn rưỡi, còn muốn không như lước n..n thì những ba nghìn rưỡi cơ. Buôn cứt người còn chê cứt mèo. Sốt ruột.” Anh chàng định sửng cồ, nhưng thấy chị chủ quán tay lăm lăm con dao thái thịt, chắc không phải tay vừa, nên anh cun cút đi mất. Quả thật, cách đối thoại của người Hà Nội vô cùng khó hiểu, hình như nó mang nhiều tính ẩn dụ. Thì người Tràng An mà lại, ho ra thơ, thở ra văn”.

Tôi cũng người Tràng An. Bảy năm trước đây người Tràng An là tôi trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Cảm tưởng đầu tiên là thấy hình như mình về lạc chỗ. Nhưng lạc đâu mà lạc. Hồ Gươm đó, Tháp Rùa đó, cầu Thê Húc đó, toàn những chốn ghi lại tuổi mới lớn của tôi. Nhưng những tiếng lao xao bên tai đâu có phải tiếng Hà Nội của tôi. Một bà bán hàng chít khăn nhung trong một cửa hàng nơi phố cổ thấy tôi hỏi mua hàng đã túm lấy áo tôi, vẻ mừng rỡ kêu lên: “Đúng là tiếng Hà Nội đây!” Cái thứ tiếng tôi đã lê đi ta bà thế giới qua hai lần di cư rồi lại di tản tưởng đã phải mất mát sự chính xác, vậy mà nó lại là “bản chính” của đất Tràng An khi tôi trở về sau nửa thế kỷ rời xa. Tiếng Tràng An thế kỷ 21 khác trước nhiều. Nghe véo von hơn. Nói như hát nhưng không phải cứ cất tiếng hát là hay. Nhưng chửi thì rất hay. Tác giả Hoàng Dũng, một Việt kiều, cũng đã ghé Tràng An lại có ý nghe ngóng những cách chửi của những người Tràng An ngày nay nơi các tiệm ăn nên đã ghi lại được nhiều hoạt cảnh đầy nét văn hóa. “Quán bún canh dọc mùng nổi tiếng thơm ngon với món lưỡi, sườn, giò heo chấm xì dầu, hông chợ Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) ít khi ngớt tiếng léo nhéo chua loét của bà chủ ngoài 50. Mỗi câu hỏi của khách là một cơ hội cho bà... “xả giận”. Trưa 15/02, một khách mới dừng xe trước quán hỏi: “Chị ơi, để xe ở đâu?”. Bà đốp ngay vào mặt: “Để lên nóc nhà này này!”. Một thực khách gọi rau sống đến lần thứ 3, bị bà chồm qua bàn bán hàng quát với vào nhà: “Đây không có rau, tự trồng mà ăn!”.
Nghe bà chửi đã quen, một chị khách sau bữa trưa ngon miệng dũng cảm lại gần bà bảo: “Chị gói cho em 1 cái lưỡi về nhà, nhà em ít người, chị cho cái be bé”. Bà chủ quán ngồi cạnh nồi canh nghi ngút khói, mặt đỏ phừng phừng quắc mắt: “Đây không có hàng bé! 60 nghìn đổ đầu”. Chị khách bắt đầu hãi, gật đầu ngay. Nhưng bà hàng chưa hết cơn. Bà vừa gói hàng, múc nước chấm, vừa nguýt chị khách: “Đã muốn ăn ngon lại còn đòi rẻ!”. Rồi cơn cáu giận dâng cao trào, bà móc cái lưỡi lợn ra khỏi túi nilon định đưa cho khách, ném vào rổ: “Thôi không bán nữa đâu, về đi!”. Chị khách tím mặt lủi thủi ra về”.

Nếu cứ loanh quanh với những câu chửi của người Tràng An ngày nay thì chẳng bao giờ có lối ra. Trong bản sưu tập của tôi còn nhiều câu chửi đầy văn hóa khác nhưng, như cô bé đi chùa Hương của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, em chẳng chép vào đây! Dù sao cũng đất nhà, dù có bị người khác chiếm hữu thì ông thần đất vẫn còn núp trong đó, chẳng nên dai dẳng với những… tai nạn trên đất tổ.

Tôi xí xóa chuyện chửi để trở về với chuyện chửi thề, nét văn hóa dễ thương của mọi dân tộc. Nghe một ông Tổng Thống hay Phó Tổng Thống, nghiêm trang là thế, nói một câu thì người ta phải ghi âm một câu, cứ như là thánh phán. Vậy mà đùng một cái, lòng giận dữ, ông phát ra một câu chửi thề, người nghe đã biết mấy. Thấy ông quyền cao chức trọng này bỗng rất người, rất gần gũi bàn dân thiên hạ. Đã chứ! Em McKay Hatch, mới 15 tuổi chắc chưa đủ kinh nghiệm để thấy sự dễ thương này. Em nồng nhiệt tìm cách tốp việc chửi thề, ít nhất trong thành phố Los Angeles. Em là người sáng lập ra Hội Không Văng Tục (No Cussing Club) tại trường trung học South Pasadena. Hội này nhóm họp mỗi thứ tư hàng tuần và có một điều khó chịu là thỉnh thoảng có học sinh mở cửa phòng họp, chĩa mồm vào tuôn ra một tràng chửi! Tháng ba năm ngoái, em Hatch đã vận động để South Pasadena, nơi em đang sống, tuyên bố một tuần không văng tục. Tháng 3 năm nay, em lại vận động để “làm sạch” cả Los Angeles trong một tuần không văng tục No Cussing Week. Em chưa dừng lại đây. Mục tiêu nhắm tới của em còn rất cao. “Tôi sẽ tìm cách để sang năm toàn tiểu bang California sẽ phát động chiến dịch một tuần không chửi thề. Và rồi nào ai biết được, không chừng cả thế giới sẽ có một tuần như vậy”. Nếu ước mong của em Hatch thành sự thực thì các ông bạn tôi biết đi đâu trong một tuần…kém văn hóa này! Có thể lúc đó việc du lịch vào không gian đã trở nên phổ biến và các ông bạn tôi lại có một tuần đi nghỉ hè ở trên cao!

Lúc đó những du khách cỡ ông blogger từ Sài Gòn ra Hà Nội chỉ là những du khách loại lẹt đẹt dưới đất, ghi lại những chuyện nhỏ nhít cỡ như chuyện tủn mủn bên hồ. “Hồ Gươm quả thật danh bất hư truyền, đẹp đến não lòng. Tháp Rùa nổi lên giữa hồ trên một cù lao cỏ nhỏ xinh xinh. Xung quanh hồ là những cây liễu thướt tha soi bóng, hoàn toàn đúng với những gì các nhà văn đã từng viết. Thật là một vẻ đẹp vô cùng lãng mạn. Tháp Bút đúng là hai cây bút, chọc thẳng lên trời, biểu hiện cho tri thức kẻ sĩ Bắc Hà. Tuy xung quanh hồ có một vài toà nhà mang kiến trúc vô cùng dị hợm, nhưng cũng không làm xấu được Hồ Gươm bao  nhiêu. Có một điều khá đặc biệt, cách Tháp Bút chừng hai trăm mét, ngay trên lối đi dạo quanh hồ là một công trình mang kiến trúc của một cái lô cốt thời Tây. Rất nhiều người ra vào đó, người nào khi vào mặt cũng khó đăm đăm , nặng trình trịch, khi ra thì rất tươi, cứ như họ vào đó để chích đo-pinh . Về sau mới biết , đó là cái toa-lét công cộng . Giời ạ ! Khác nào một hột mụn cơm, một nốt vá chó giữa má nàng hoa hậu!”

Với công trình toa lét bên bờ hồ đất ngàn năm văn vật, chửi cứ chi phải thốt ra lời!

06/2009