Bạc
Bụng
Burqa
Chết
Chửi
Chuyện
Cua
Cúm
Cứu
Đầu
DNA
Dzô
H1N1
Hiếm
Học
Khoe
Làm
Lộn
Mại
Mao
Màu
Nói
Non
Phố
Ruồi
Tết
Thang
Theo
Thuê
Trúng
Túi
Tưới
Vẽ
Vợ

TẾT

Ăn tết sớm nhất có lẽ là giới báo chí và những người làm nên tờ báo như các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ. Rằm tháng tám chưa qua mà đã rục rịch ăn tết. Thành ra những món ăn trên báo Xuân đều là những món cũ. Cũ nhưng không ôi a. Bởi vì có cái microwave. Năm nào như năm nấy, tết cũng ló mặt trở lại nên tết là chuyện nói đi nói lại, năm nào hình như cũng giống nhau. Chán đời thì thở hắt: tết nhất có chi mà phải ăn! Nhà thơ Thành Tôn chưa chán đời nhưng nhất định không ăn tết kể từ ngày sang Mỹ. Không có tết ở cái xứ tạm dung này! Đồng đất nước người có chi mà tết với nhất!

Giới văn nhân ăn tết sớm không phải là thích tết. Cũng không phải là có nhiều tiền tiêu tết. Mà là phải ăn tết. Thi sĩ mà nghèo như ông Tú Xương thì cả thiên hạ này biết rồi. Thi sĩ mà khổ như ông Nguyễn Vỹ thì ông cũng đã la làng với bàn dân khắp nước.

Thời thế bây giờ vẫn thấy khó
Nhà văn An Nam khổ như chó
Mỗi lần cầm bút nói văn chương
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương
Và nhìn chúng mình hì hục viết
Suốt mấy năm trời kiết vẫn kiết
Mà thương cho tôi, thương cho anh
Đã rụng bao nhiêu mớ tóc xanh.

Mấy câu thơ trên trích trong một bài than thân trách phận dài lòng thòng của Nguyễn Vỹ gửi cho Trương Tửu. Nhận được thơ, Trương Tửu hỏi lại Nguyễn Vỹ: “Anh ví nhà văn An Nam với chó mà không sợ chó nó tự ái à?”

Văn sĩ mà rách như Vũ Trọng Phụng thì cả nước cũng đã rõ. Ngày Tết, nhìn người ta ăn tết, nhà văn của chúng ta chỉ dám mơ tết. Và viết ra giấc mơ tội nghiệp của mình. “Ngồi chổm hổm trên cái phản có rải một cái chiếu mới trắng nõn (mới mua đêm trước), tôi đương lau bộ ấm chén để sửa soạn tiếp rước một đám quý khách tưởng tượng. Chung quanh tôi, xa xa và gần gần, tiếng pháo nổ ran lên. Lúc ấy tôi thấy vô cớ mà cũng vui vẻ trong lòng. Thật vậy, tiếng pháo nổ vô hồi có một cái sức mạnh huyền bí, cái sức làm cho người ta trở nên vô nghĩa lý. Tôi đưa mắt nhìn quanh trong gian phòng, ngắm nghía cái Tết của tôi. Bốn cái cột, trụ của gian nhà gianh (chứ không phải của triều đình) đã bị mọt đục lem nhem từ nghìn xưa, thì nay được phủ một lần câu đối, giấy đỏ mực đen, văn nghinh xuân mà tôi không hiểu gì cả nhưng mà tôi tin là hay lắm. Bên ngoài cái cửa sổ chắn liếp mắt cáo là chậu thủy tiên của tôi. Một chậu hai củ. Giò lá mới nhoi lên nhu nhú như một đốt ngón tay, thành thử trông như hai củ hành. Chắc là đến rằm tháng giêng thì thể nào cũng có hoa. Và như thế là tốt lắm, vì hôm ấy, người tình nhân của tôi sẽ nhân đi lễ Phật mà ghé vào thăm tôi, có lẽ để hôn tôi một cái. Và để khen hoa thủy tiên của tôi, mua 23 tháng chạp, nở ngày rằm tháng giêng - như vậy là phát tài. Trên cái bàn con để tiếp khách (một bộ xa-lông vậy), tôi đã rửa sạch một chai bia để cắm một cành hoa mai vào trong”.

Đó là những dòng chữ của Vũ Trọng Phụng trong truyện ngắn “Mơ Ngày Tết”. Chỉ mơ thôi mà cái tết vẫn tồi tàn. Thực tế không hiểu cái tết tội nghiệp ra sao! Những người không có duyên ăn tết như vậy mà bị bắt phải ăn tết trước thiên hạ, cái nghề báo bổ thật thậm ác độc. Không biết có phải muốn dùng ác trị ác không mà trong các báo xuân, các ông văn sĩ thi sĩ thường mang nhau ra làm trò cười cho độc giả. Ông thì tưởng tượng đi viếng nhà các đồng nghiệp trong dịp tết như lấy cớ mang nhau ra giễu cho quê cái tết. Ông thì vẽ chân dung đồng nghiệp của báo mình cũng như của các báo khác, kể cả báo của phe…đối lập để làm hề cho độc giả có ít phút giải trí. Mang nhau ra…ăn, kể như hết nước hết cái!

Cười cợt nhau trên báo Xuân phải nhắc tới số báo Xuân Ngày Nay phát hành vào dịp tết năm 1940. Hai ông Lê Ta, một bút hiệu khác của nhà thơ Thế Lữ, và Tú Mỡ mở mục “Minh Niên Giáng Bút” làm thơ châm chọc các nhà văn nhà thơ đương thời. Khi thì chỉ bỡn cợt nhẹ nhàng như đối với Tam Lang, tác giả thiên ký sự “Tôi Kéo Xe”:

Tưởng người cùng xóm văn chương
Học đòi lại muốn theo phường kéo xe
Nhưng thân phục phịch nặng nề
Kéo xe chẳng nổi quay về kéo…văn.

Hay chọc ghẹo tác giả “Vang Bóng Một Thời” Nguyễn Tuân.

Nghe vang theo bóng một thời
Tên này thực biết vâng lời người trên
Bây giờ gần gụi ả phiền
Hỏi han câu chuyện ngọn đèn dầu ta.

Ngô Tất Tố với “Tắt Đèn” cũng bị mang ra phơi với ánh sáng.

Gặp khi tắt lửa tối đèn
Mập mờ tài trắng hay đen hỡi tài
Vì ta phát giác ra ngoài
Mười năm hương lửa cũng hoài luống công.

Chọc người chán, Tú Mỡ mang thân mình ra chọc để mua vui cho mọi người.

Danh thì mập, thực thì còm
Chỉ già béo mép béo mồm béo văn
Khi cười phá, lúc cười gằn
Người toe toét miệng kẻ nhăn nhó mày.

Mang chính thân mình ra làm món ăn cho thiên hạ vui tết kể như đã tận cùng nỗi…tết! Tết cùng là tết của giới làm báo, viết văn, mần thơ. Thân mình là thứ chẳng phải mua nên mang ra đãi độc giả một cách hào phóng. Thứ phải mua thì rất ngại ngùng. Nhưng văn nhân là những người không mua không phải không tiền không mua! Mang thơ ra che chắn cho cái sĩ diện hão. Rách te tua nhưng thơ vẫn phong lưu. Nguyễn Khuyến ngày xưa đã từng.

Đã bấy lâu nay bác tới nhà.
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta.

Ngày nay cái nòi thơ thẩn vẫn như vậy. Vẫn sang trong con chữ tuy túi lép kẹp. Tết nhất người ta mua đông sắm tây, nhà thơ vẫn bình chân như vại. Vì sao?

Tết đến nhà kia đủ thứ kiêng
Sắm chi cũng sợ gánh ưu phiền
Mua chuối: sợ làm ăn khó “ngóc”
Mua lê: sợ mách lẻo xóm giềng
Mua bom: sợ suốt năm toàn nổ
Mua xoài: sợ thiếu thốn triền miên
Mua cam: sợ âm thầm chịu đựng
Mua táo: sợ rồi…bón cả niên
Ô hô! Đã vậy đừng sắm sửa
Trụi lủi trụi lơ, khỏi tốn tiền!

Rách như tổ đỉa nhưng khí khái thuộc hàng siêu đẳng. Tiền không có nhưng khinh tiền thì có. Tiền bạc là thứ đồ bỏ. Không có cũng chẳng sao mà có cũng chẳng giữ làm chi cho nặng túi. Trăm ngàn đổ một trận cười như chơi. Nhà văn Mai Thảo hồi còn sinh tiền đã an ủi anh em viết lách: chúng mình có một thứ tiền tệ riêng! Thứ tiền…mã này ai cũng thích nhưng chẳng tiêu như tiền được. Cứ vung vít cho sướng…cây viết!

Tết nhất ai chẳng... đốt tiền ta?
Can gì mà tiếc, móc ví ra
Đếm hộ giùm em dăm ba xấp
Cả lương lẫn thưởng, nhé ông nhà!
Này rượu này trà, này bánh mứt
Này dưa, này quất này hoa mai...
Chợ có bán gì ta sắm đủ
Chớ để thua ai, để kém ai.

Mấy câu thơ bán trời không văn tự này của tác giả B.G.D. tôi kiếm được trong internet. Ăn tết bằng cái túi rỗng mà đọc được mấy câu thơ này cũng bốc lắm. Ờ! Tại sao không ăn tết bằng thơ? Tiền hiếm chứ thơ thì tràn lan ra đó, tha hồ…ăn. Tết đến, người có tí văn thơ trong người thường bày trò khai bút. Cây bút khi…khai là mở ra một năm mới hứa hẹn. Có ông sáng mùng một dậy, chưa đánh răng rửa mặt, lấy giấy bút ra khai. Năm mới, thơ mới, hứng khởi mới, ai cũng cầu mong như vậy. Ngày xưa các cụ nhà nho còn đốt trầm, vái bàn thờ chán rồi mới mang bút lông mới, nghiên mực mới ra ngồikhai. Đó là một công việc linh thiêng được trời đất chứng giám. Đâu phải chuyện đùa như đám văn nhân ngày nay. Khai có thể ngồi khai một mình hoặc tụ bạn thơ lại ngồi khai…hội đồng. Thường thì họ khai kiểu chạy tiếp sức, anh này làm một câu, anh kia nối một câu. Lần lượtthành bài thơ…tập thể như một kỷ niệm của tình văn chương trong ngày đầu xuân. Cuộc khai bút loại tập thể này của mấy ông nhà thơ Quang Dũng, Trần Lê Văn và Ngô Quân Miện đã được kể lại trên báo, chắc là báo xuân. Tôi đọc được chuyện này trong bài : “Ba Thi Nhân Làm Thơ Tết” của Võ Văn Trực trên net. “Hồi Quang Dũng còn khỏe mạnh, đêm giao thừa, Trần Lê Văn và Ngô Quân Miện đến nhà Quang Dũng chơi. Quang Dũng cùng với vợ con đang nấu bánh chưng. Ngồi trò chuyện một lúc, ba ông rủ nhau đi dạo phố bằng cách tiễn nhau đến nhà ông này rồi tiễn đến nhà ông kia. Cứ tiễn đi tiễn lại gần hết cả đêm giao thừa. Trần Lê Văn nghĩ ra trò chơi ứng tác “thơ nối từ” như kiểu trẻ con chơi trò nối từ: «Ra bờ hồ... hồ gì? Hồ Tây?... Tây gì?... Tây đen... đen gì?... đen hoắc...”. Trần Lê Văn ứng tác trước: “Tôi tiễn đưa ông đến tận nhà”, rồi chỉ định Quang Dũng đọc câu tiếp. Nhà Quang Dũng ở gần Bệnh viện Mắt (Nhà thương đau mắt), anh liền xuất khẩu rất nhanh: “Thương đau mắt hột cũng không xa”. Trần Lê Văn lại ứng tác câu thứ ba: “Trở về cho chóng xem nồi bánh”, rồi chỉ định Ngô Quân Miện đọc câu tiếp. Ngô Quân Miện nhanh nhảu ứng khẩu câu thứ tư: “Chưng chín xong rồi vội bóc ra”.

Ghép lại cà bốn câu thành một bài thơ liên hoàn nối kết tình văn thơ với nhau trong đêm trừ tịch :

Tôi tiễn đưa ông đến tận nhà
Thương đau mắt hột cũng không xa,
Trở về cho chóng xem nồi bánh
Chưng chín xong rồi vội bóc ra.

Màn hai, khi Quang Dũng bị bệnh thấp khớp nặng, sức khỏe suy sụp, chân đi chuệch choạng, miệng nói ngọng. Ba ông vẫn cố gắng gặp nhau, trò chuyện và đọc thơ hài hước. Quang Dũng hòa vào cuộc vui, cùng hài hước với bạn. Tết năm đó, hai ông chân cẳng còn vững vàng tới thăm ông thấp khớp nằm một chỗ. Đâu có ai làm thơ bằng…cẳng, nằm thì nằm, Quang Dũng vui bạn vui bè, bệnh xương tạm lánh mặt, lại khai bút. Lần này họ chơi trò làm thơ lục bát nối vần, mỗi người hai câu. “Trần Lê Văn khai ngòi : Mừng ông biết nói biết đi / Nhưng mà bằng được thiếu nhi mới tài. Ngô Quân Miện nối vần ngay : Mừng ông mỗi buổi sáng mai / Ung dung dạo bước ra ngoài vườn xuân. Nghe hai bạn đọc thơ giòn giã, Quang Dũng cảm thấy người khỏe khoắn và hưng phấn : Lời thơ bạn chúc tuyệt trần / Mắt xuân lại liếc, má xuân lại hồng”. 

Màn ba, khi Quang Dũng qua đời, hai ông nhà thơ còn lại buồn thối ruột. Ngày Tết, thiếu bạn, họ nhớ Quang Dũng bằng nguyên một bài thơ. Còn ai đối đáp như xưa nữa đâu! Trần Lê Văn xướng.

Pháo đón Tân xuân bỗng nổ đoành
Giật mình thêm một cái xuân xanh,
Văn chương ì ạch khôn tăng tốc
Tuổi tác vèo trôi khó hãm phanh,
Lắm kẻ thầm mong lên chức «cụ»
Riêng mình chỉ thích xuống vai «anh»,
Hỏi trăng hỏi gió «anh» đều nhớ
Hỏi tuổi thì “anh” quên rất nhanh!

Ngô Quân Miện họa lại:

Đã biết chơi xuân, cóc sợ đoành
Dẫu rằng nghiệt ngã luật ngày xanh,
Bon chen mặc xác phường gia tốc
Sống gấp thây đời bọn kẹt phanh,
Khóe mắt long lanh nào ngó tớ
Nụ cười móm mém khó xưng “anh”,
Mơ màng thì vẫn mơ màng đấy
Cạn cốc rượu nồng, lại tỉnh nhanh.

Chơi thơ ngày Tết còn có lối chơi của ông bạn Luân Hoán của tôi. Năm đó, Tết nhằm vào ngày thứ bảy, dân Montreal được nghỉ cả mùng một lẫn mùng hai tết. Sáng ra mở cửa xuất hành tôi thấy dán trước cửa nhà một tờ giấy vàng có hai câu thơ. Đọc : Chúa xuân đang thở khò khè / Nên đành phải đứng đầu hè tặng thơ. Nhìn nét chữ biết ngay thủ phạm là ông Luân Hoán. Ông này hồi đó còn rất sung, chuyên chơi những trò lạ lùng. Trời mùa đông, rét như cắt, từng cụm tuyết trắng rơi lả tả như hoa mai ngày tết, sáng sớm vùng dậy, nổi máu thơ, định khai bút. Nhưng cảnh đẹp kéo nhà thơ ra khỏi nhà, khai bút giữa trời. Lái xe đi quanh thành phố, vừa lái vừa làm thơ, thú vị vô cùng. Chỉ có ta và đất trời. Thành phố còn ngái ngủ. Bạn bè còn trong chăn ấm. Ta một mình đội rét tìm tới, dán thơ ở cửa rồi lặng lẽ ra đi. Nhà này qua nhà khác, thơ nở giữa thiên nhiên trắng một mầu tinh khôi của một năm còn tinh khôi trước mặt. Đã cách gì đâu.

Khi tôi viết tới những dòng này, ngoài cửa kính, trời âm u buồn, thu vừa chập chững. Sáng hôm qua, đi chợ thấy bánh trung thu xếp từng chồng cao, đã hạ nửa giá. Tết còn lâu lắm mới thấy mặt!

10/2009