Bạc
Bụng
Burqa
Chết
Chửi
Chuyện
Cua
Cúm
Cứu
Đầu
DNA
Dzô
H1N1
Hiếm
Học
Khoe
Làm
Lộn
Mại
Mao
Màu
Nói
Non
Phố
Ruồi
Tết
Thang
Theo
Thuê
Trúng
Túi
Tưới
Vẽ
Vợ

MẦU

Michael Jackson sanh ra là một đứa trẻ da đen nhưng chết với làn da trắng. Khi làn da của ông hoàng nhạc pop bắt đầu sáng ra, người ta đã xầm xì là anh chàng Michael có tiền nên muốn tẩy da. Những người da đen nhất định không ưa chuyện đổi mầu này. Nó mang tính khuất phục. Dù làn da đen có tối tăm đến đâu thì vẫn là mầu da của tổ tiên, tẩy đổi mầu da là từ chối thân phận con người đích thực của mình. Người da đen, bị kém vế trong cuộc sống, thường có lòng tự cao tự đại rất lớn. Vài thập niên trước, khi từ Việt Nam qua Mỹ tham dự một khóa hội thảo chuyên ngành, tôi ở chung phòng với một anh da đen người Zambia. Anh này là quan chức chóp bu trong một bộ của chính phủ Zambia. Chuyện trò với nhau hàng ngày, anh không che dấu ý tưởng dân Mỹ là một dân tộc kỳ thị. Trong một lần tới thăm trường Đại Học Georgetown ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, người thuyết trình cho chúng tôi là một ông Khoa Trưởng da đen của một phân khoa của trường. Sau buổi thuyết trình, tôi có ý nói xa nói gần với anh roommate là nếu kỳ thị thì sao lại có một người da đen làm tới chức Khoa Trưởng một trường Đại Học lớn của nước Mỹ. Anh bạn da đen đồng phòng với tôi bĩu môi, lắc đầu: “Ông đó chỉ đen ở màu da thôi!”. Da đen da trắng là một vấn đề nhức nhối triền miên. Bởi vậy nên màu da của một thần tượng âm nhạc nhất định tạo nên nhiều câu hỏi.

Nhưng, thực ra, Michael không tẩy da để trở thành ngưòi da trắng. Anh bị bệnh…trắng! Chúng ta gọi đó là bệnh bạch tạng. Da của người bệnh mất sắc tố do rối loạn miễn dịch trở nên trắng. Đây không phải là thứ bệnh hiếm. Người Việt chúng ta cũng đã nhiều người bị. Da vàng nhưng lốm đốm những vạt trắng. Trường hợp Michael là nặng, trắng khắp người. Trong suốt thời niên thiếu da của vua nhạc pop có mầu nâu vừa phải. Nhưng từ đầu thập niên 80, mầu da của anh nhạt dần theo thời gian. Chính Michael đã thừa nhận chứng bệnh của anh trong lần trả lời phỏng vấn của Oprah Winfrey vào tháng 2 năm 1993 trên truyền hình với con số người vào coi kỷ lục là 90 triệu người. Ngoài bệnh bạch tạng, thần tượng âm nhạc này còn bị bệnh lao da. Đây là một trong những dạng lao mãn tính bên ngoài phổi. Bệnh này rất kén…khách nên ít gặp. Ít và cũng không nặng như lao phổi. Nó chỉ làm suy yếu hệ thống miễn dịch và gây ra các triệu chứng như nhức mỏi, sốt, phát ban, rụng tóc và tổn thương thận. Vì căn bệnh này nên Michael phải hạn chế ra ánh nắng mặt trời. Trên màn ảnh ti-vi, thấy anh phải che chắn mỗi khi đi ra ngoài, tôi cứ nghĩ anh này lập dị. Ra cái điều ta là sao ngoại hạng không dễ lộ mặt ra cho thiên hạ coi chơi! Khi anh mất, báo chí phanh phui ra tôi mới thấy mình…ác! Ít nhất tôi cũng học được bài học: chẳng nên phán đoán hành vi của người khác khi mình chưa tường tận nguyên do. Để ngăn chặn việc mất mầu da, Michael đã phải dùng các loại thuốc Solaquin, Retin A Benoquin. Ngoài ra anh còn phải thường xuyên chích hydroxychloroquin vào da đầu để bảo vệ thận trước các tổn thương mà bệnh lao da có thể gây nên. Việc dùng nhiều loại thuốc và thói quen sử dụng phấn trang điểm khiến da của Jackson càng ngày càng sáng ra.

Dĩ nhiên tôi chẳng có cơ hội nhìn được anh ca sĩ có những bước nhảy tân kỳ quíu quáu đôi chân bằng xương bằng thịt. Phần lớn các bạn chắc cũng vậy. Chúng ta chỉ nhìn thấy anh biểu diễn trên màn hình nên thấy cái mầu trắng trên da anh là một thứ mầu trắng bệnh hoạn dưới ánh đèn mầu chấp choáng. Lại vì anh quá nổi tiếng nên sự thay da nhưng không đổi thịt của anh mới nên điều nên tiếng. Những người cùng mang mầu da đen với anh nhất định không vui rồi. Da vàng như tôi cũng chẳng có cảm tình với anh. Thoáng trong ý nghĩ của tôi là một sự khinh thị dành cho những kẻ phản bội. Tất cả chỉ vì anh là nạn nhân của chính sự nổi tiếng của anh. Chứ nếu anh là một tên cha căng chú kiết nào đó thì sự đổi mầu của anh chẳng ồn ào như vậy.

Cô gái Darcel de Vlught, 23 tuổi, thì chẳng ai biết tiếng tăm chi. Nhưng cô cũng đã được báo chí đề cập tới cũng vì sự đổi mầu da của cô. Người ta nói tới cô vì bệnh bạch tạng của cô là một tình trạng cực kỳ hiếm: bạch tạng toàn phần. Toàn thể sắc tố đã biến mất trên cơ thể của cô. Các chuyên gia cho biết họ chưa bao giờ gặp một ca bạch tạng rốt ráo như vậy. Thường thì chỉ có những vạt trắng trên da chứ không trắng khắp cơ thể không còn sót chỗ nào như tình trạng của cô Darcel. Nhìn hình cô không ai dám bảo cô là một người da đen. Năm cô lên 5 tuổi, cha mẹ cô, đều sinh ra ở Trinidad, thấy những đốm trắng nổi lên nơi mặt trước cánh tay và trên trán của cô. Các bác sĩ chẩn đoán cô bị bạch tạng giống như trường hợp Michael Jackson. Năm cô lên 7, những mảng trắng xuất hiện ở chân và trên khắp người. Những vạt trắng này loang to dần. Cho đến năm 17 tuổi thì cô hoàn toàn trắng bóc! Cô chuyên gia thiết kế thời trang sống ở Luân Đôn đen đổi ra trắng cho biết: “Cha tôi làm cho Liên Hiệp Quốc và gia đình tôi di chuyển khắp thế giới theo công việc của ông. Gia đình tôi cho rằng sức ép do việc di chuyển liên tục khi còn nhỏ đã gây ra tình trạng này. Năm 12 tuổi tôi đã được trị liệu bằng tia laser cực tím nhưng không hiệu quả. Lúc đó, 80% cơ thể tôi đã trắng vì thế tôi quyết định để mặc!”

Hai anh chị Joao và Rosemere Fernandes de Andrade đều là người Ba Tây và đều có mầu da sẫm, tóc quăn. Họ có tất cả năm người con. Hai người có làn da như bố mẹ. Còn lại ba người đều trắng tươi. Cả ba đều bị bệnh bạch tạng. Đây là một trường hợp cực hiếm. Giải thích trường hợp hiếm có này, các nhà khoa học cho rằng cả hai anh chị đều cùng mang gene bạch tạng. Như vậy, xác xuất sanh con bạch tạng của anh chị là ¼, nghĩa là cứ bốn lần sanh thì sẽ có một lần đứa trẻ bị bạch tạng. Hai anh chị này vượt chỉ tiêu! Năm lần sanh mà đã có tới ba lần bạch tạng. Trên thế giới, cứ 17 ngàn người mới có một người bị bệnh…trắng da. Da họ trắng vì cơ thể họ không sản xuất đủ sắc tố melanin vốn là một sắc tố tạo mầu cho làn da, mắt và tóc, cũng như bảo vệ cơ thể con người khỏi các tia có hại của mặt trời. Thường thì người bệnh bị cận thị cực nặng và rất nhạy cảm với ánh sáng. Khi ra ngoài trời họ bắt buộc phải che chắn kín đáo để bảo vệ làn da. Ba đứa con bạch tạng của anh chị Joao và Rosemere gồm hai gái: Ruth, 10 tuổi và Esthefany, 8 tuổi và một bé trai tên Kauan, 5 tuổi. Hai vợ chồng hiện sống ở làng Olinda thuộc đông bắc Ba Tây. Họ phải tốn rất nhiều tiền bạc để mua thuốc và quần áo loại chống nắng rất đắt tiền cho ba đứa con…trắng! Nhưng điều họ buồn hơn hết là dân làng vẫn dị nghị ba đứa bé lạc loài này không phải là con của họ.

Thay đen đổi trắng, mấy em bé bạch tạng người Ba Tây còn quá nhỏ để có mặc cảm về sự khác biệt của chúng với gia đình. Cô Darcel cũng không có mặc cảm chi. Chẳng ai nhiếc mỏ cô là phản bội mầu…da. Vì cô chỉ là một người bình thường không nổi tiếng. Bệnh nó bắt cô đổi mầu da chứ cô có muốn đâu. Nhưng da đen hay trắng, ngoài sự khác biệt về mầu thuần túy còn mang sự khác biệt về thân phận con người. Trắng được coi là bậc trên của đen. Không những đứng ở một vị trí trội hơn đen, trắng còn chót vót một mình một cõi. Vậy nên mới có sự phân biệt dân da trắng và dân da mầu. Mầu đây là tất cả những dân không có mầu da trắng. Sự phân biệt này mang đến cho giới văn học một bài thơ thật hay. Bài thơ của một em bé châu Phi đã được Liên Hiệp Quốc chọn là bài thơ hay nhất trong năm 2006.

Khi tôi sanh ra, tôi mầu đen
Khi tôi lớn lên, tôi mầu đen
Khi tôi đi dưới nắng, tôi mầu đen.
Khi tôi sợ, tôi mầu đen
Khi tôi bệnh, tôi mầu đen
Và khi tôi chết, tôi vẫn mầu đen.
Còn bạn, hỡi người da trắng
Khi bạn sanh ra, bạn mầu hồng
Khi bạn lớn lên, bạn mầu trắng
Khi bạn đi dưới nắng, bạn mầu đỏ
Khi bạn lạnh, bạn mầu xanh
Khi bạn sợ, bạn mầu vàng
Khi bạn bệnh, bạn mầu lá
Và khi bạn chết đi, bạn mầu xám.
Thế mà bạn gọi tôi là da mầu ư?

Tôi được nghe bài thơ này lần đầu tiên từ một đồng sự người da đen. Anh chàng này thuộc loại khích động. Anh đã đọc cho tôi nghe và kèm theo một câu chửi thề người da trắng sau đó. Nghe xong, tôi cười nhưng chẳng thể a dua theo anh bạn nhiều máu nóng này được. Phần vì trong chỗ làm có nhiều mầu da, trong đó phần lớn là da trắng. Phần vì dân nước ta ít khi bầy tỏ tấc lòng một cách ồn ào. Tuy nhiên, tôi thấy bài thơ thật hóm hỉnh. Nó như một đấu thủ quyền anh sắp bị hạ đo ván nhưng bỗng lật ngược được thế cờ một cách ngoạn mục. Ai da mầu nhỉ? Tưởng trắng ngon lành hóa ra chính hắn là…mầu!

Mà thực sự ra, mầu da có phải là tác phẩm của con tạo không? Cha mẹ đen sanh ra con đen, vàng sanh ra vàng, trắng sanh ra trắng, chúng ta dễ nghĩ là mầu da do ông trời đã định từ trước. Không phải vậy. Các nhà nhân chủng học cho rằng thuở bình minh của nhân loại, con người sống tập trung tại các vùng gần đường xích đạo nên có mầu da sậm. Ở thời nguyên thủy đó con người kiếm thực phẩm bằng cách săn bắn và hái lượm. Những thức ăn trong tự nhiên rất giầu vitamin D. Cách nay khoảng từ 5 ngàn tới 5 ngàn rưởi năm, người Âu Châu mới di chuyển về các vùng đất ít ánh nắng mặt trời ở phía Bắc đồng thời họ thay đổi phương cách kiếm thực phẩm. Họ không còn săn bắn và hái lượm mà chuyển sang trồng trọt và chăn nuôi. Những thực phẩm mà con người tự sản xuất có ít vitamin D hơn nhiều so với thực phẩm trong tự nhiên. Mối liên quan giữa mầu da và vitamin D do ánh sáng mặt trời tạo ra đã được đề cập tới từ lâu. Việc di chuyển từ vùng xích đạo nhiều ánh nắng về phía Bắc ít ánh nắng hơn đã là một yếu tố khiến mầu da của người Âu Châu sáng dần lên để dễ tiếp nhận được vitamin D từ ánh nắng mặt trời nhiều hơn. Như vậy, hai nguồn cung cấp vitamin D, nguồn từ mặt trời và nguồn từ thực phẩm,đều ít đi nơi người Âu Châu. Đó là kết luận của các nhà khoa học của Viện Đại Học Oslo ở Na Uy. Richard Setlow, nhà vật lý sinh học làm việc tại phòng thí nghiệm quốc gia Brookhaven của Mỹ, cũng đã cho biết: “Khí hậu lạnh lẽo và vĩ độ cao khiến lượng vitamin D trong cơ thể người giảm. Do đó làn da phải bớt sẫm để tạo ra nhiều vitamin D hơn”. Theo báo Daily Mail, những đứa trẻ có làn da sáng chỉ cần tiếp xúc với ánh nắng trong 10-20 phút để tạo ra lượng vitamin D dành cho cả ngày. Trong khi đó, các sắc tố chống nắng trong những đứa trẻ da mầu khiến chúng phải mất khoảng thời gian gấp 4 lần mới sản xuất đủ số lượng vitamin D bằng vậy.

Như vậy, da trắng là do sự biến hóa cho hợp với hoàn cảnh sinh sống chứ không phải là ý trời. Nhân loại lúc đầu chỉ có chung một làn da sậm mầu. Suy ra thì mầu da con người ngày nay: đen, vàng, trắng, đỏ chỉ là hậu quả của môi trường sinh sống. Trắng, vàng, đen thì đã rõ ràng. Còn da đỏ? Nơi tôi ở chỉ cần qua một cây cầu là vào vùng da đỏ. Vậy mà tôi chẳng thấy da đỏ bao giờ. Da đỏ là chữ chúng ta dịch từ tiếng Anh redskin. Chữ redskin này trong tiếng Anh bao hàm nghĩa kỳ thị. Nhưng trong tiếng Việt mình thì cứ dùng thoải mái, chẳng một chút kỳ thị chi cả. Trên quả địa cầu này không hề có người nào mang mầu da đỏ. Người thổ dân ở lục địa Bắc Mỹ cũng vậy. Họ chỉ bôi mầu đỏ trên da. Mấy nhà thám hiểm trông gà hóa quốc nên tưởng là da họ đỏ. Mấy con mắt cặp bà lời đó còn để lại hậu quả tới ngày nay.

Mầu da là yếu tố chính của sự phân biệt chủng tộc. Cứ nhìn vào là thấy ngay. Nó lồ lộ ra trước mắt. Chẳng có mầu nào chịu thua mầu nào. Ai cũng cho mầu da của mình là nhất. Đâu có phải tất cả các công dân Mỹ đều hài lòng khi có một ông Tổng Thống da đen. Nói tới kỳ thị thường người ta chỉ nghĩ tới trắng đen, hai mầu tương phản nhau. Nhưng anh da vàng như dân Việt chúng ta cũng kỳ thị và bị kỳ thị không thua ai. Dân Mít ta rất nhiều người thiếu thiện cảm với mầu đen. Có khi còn kỳ thị nặng hơn anh da trắng kỳ thị anh da đen. Ngược lại, dân da vàng chúng ta cũng bị hai anh trắng và đen nhìn với cặp mắt ít vui. Mầu da của tôi là nhất. Tôi chẳng thèm thay da.

Anh có ở lại đây một trăm năm,
Ăn gà tây, uống coca, cũng không thành Mỹ trắng.
Anh có ở lại đây một ngàn năm,
Cắt cỏ dang nắng, cũng không thành Mỹ đen.
(Xuyên Sơn)

Nhưng muốn kỳ thị chi thì kỳ thị, cứ sống chung với nhau thì chẳng chóng thì chầy sẽ thấy vừa mắt nhau. Cánh già như chúng ta còn mắc míu với quá khứ và chậm chạp trong thay đổi nên vẫn cứ nhìn sự vật một cách ngô ra ngô khoai ra khoai. Nhưng giới trẻ, học hành chung với nhau, giao thiệp ngày một với nhau, chúng rất dễ hòa đồng. Vậy là những cuộc hôn nhân pha mầu càng ngày càng phổ biến. Sản phẩm của những cuộc trộn mầu này sẽ thành ra một thứ mầu lai căng. Khi thì mầu cà phê sữa, khi thì mầu vàng đất, khi thì mầu ngà ngà.  Thường thì như vậy. Nhưng sự đời luôn luôn có những ngoại lệ. Pha mầu nhưng mầu không chịu pha. Vậy nên mới có những gia đình mà con đứa trắng đứa đen trông chẳng ăn nhậu gì với nhau tuy là anh chị em ruột.

Anh Stephan Gerth là người Đức da trắng. Anh cưới cô vợ người Ghana đen tuyền. Họ có hai con. Đứa lớn tên Ryan có mầu da sáng và mắt xanh. Đứa nhỏ tên Leo có làn da sậm và mắt nâu. Không ai bảo chúng là anh em ruột cùng cha cùng mẹ. Đến các bác sĩ sản khoa cũng phải thốt lên: “Không ai trong chúng tôi có thể tin vào điều này. Cả hai đứa trẻ rõ ràng có chung một người cha!”. Trường hợp cực hiếm này chỉ xảy ra với xác xuất một trên một triệu!

Hiếm hơn nữa là sanh đôi mà mỗi đứa một mầu da khác nhau. Chị Natasha Knight, 35 tuổi, lai Anh và Jamaica. Chồng chị là một người Đức tên Michael Singerl năm nay 34 tuổi. Khi biết mình sẽ sanh đôi, chị Natasha đã giỡn với chồng: “ Chúng tôi đã nói đùa với nhau  là có thể nào mà một đứa sẽ giống tôi và một đứa sẽ giống Michael. Chúng tôi muốn nói tới một đứa da đen và một đứa da trắng. Vậy mà chuyện xảy ra đúng y chang như vậy!”. Đúng là vạ miệng! Chị Natasha thụ thai theo tự nhiên, không cấy kiếc chi cả và hạ sanh hai bé Alicia và Jasmin tại bệnh viện Caboolture ở Brisbane. Năm năm trước đó họ đã có một bé gái tên Taylah da mầu cà phê sữa đàng hoàng.

Hai ca trên đã là lạ. Ca này mới siêu. Cặp vợ chồng Dean Durrant và Alison Spooner, cư ngụ tại Frimley, miền nam nước Anh, anh đen chị trắng. Họ sanh hai lần nhưng có tới bốn con. Cả hai lần đều là sanh đôi và mỗi lần đều có một bé da đen và một bé da trắng. Năm 2001, hai bé gái Lauren và Hayleigh ra đời. Mỗi cô là một trường phái. Cô đen cô trắng.  Bây giờ lại sanh đôi, cũng hai gái, Miya có làn da sẫm giống cha và Leah có mầu da sáng, mái tóc đỏ và mắt xanh giống mẹ.

Hai phùa pha mầu mà mầu vẫn không trộn lẫn với nhau. Hai anh chị này chắc khó lòng trở thành họa sĩ được. Tôi nghĩ như vậy. Nhưng ông bạn tôi, người có nhiều ý tưởng lạ lùng, khi nghe chuyện bèn phán. Có gì đâu. Khi trộn mầu họ đã quên không lắc! Nghe ra cũng có lý nhưng tôi lại nghĩ khác. Ai trộn mầu mà không lắc!

10/2009