Bạc
Bụng
Burqa
Chết
Chửi
Chuyện
Cua
Cúm
Cứu
Đầu
DNA
Dzô
H1N1
Hiếm
Học
Khoe
Làm
Lộn
Mại
Mao
Màu
Nói
Non
Phố
Ruồi
Tết
Thang
Theo
Thuê
Trúng
Túi
Tưới
Vẽ
Vợ

CÚM

Cúm là thứ dễ làm xa nhau. Nhớ năm 2003, khi dịch cúm SARS bùng phát tại Toronto, dân Montreal chúng tôi hơi e ngại khi tiếp xúc với người từ Toronto lên chơi. Cha mẹ, con cái, anh em ruột thịt tưởng thân tình không có chi làm xa cách được, vậy mà khi nhận được điện thoại từ Toronto báo sẽ lên thăm thì buông cái điện thoại xuống người thờ thẫn. Cứ như bị…cúm! Lúc đó đang là mùa cưới. Tíu tít thiệp mời bay xuống Toronto mời bạn bè, người thân qua Montreal dự tiệc đã được ông bưu điện cõng đi từ trước. Đùng một cái chàng SARS mò tới trước, ngày cưới lẽo đẽo theo sau. Thiệp mời đã phóng đi làm sao mà thu lại. Vậy là cứ rối tinh cả lên. Dân Toronto khó nghĩ. Lên Montreal hay không? Lên thì sợ phiền. Mà không lên thì sợ người thân giận. Phôn lên Montreal. Montreal biết nói răng chừ! Cứ ấm a ấm ớ. Bảo đi cũng không mà bảo đừng đi cũng không. Biết đâu mà tính! Dân Montreal cũng nhấp nhổm không kém. Đi ăn cưới hay không? Không đi thì mất tình mất nghĩa bao nhiêu năm ăn cưới qua ăn cưới lại với nhau mà đi thì sợ có dân Toronto ngồi chung bàn. Chẳng lẽ ngồi vào bàn tiệc mà bịt mồm bịt miệng thì lấy chỗ đâu mà đớp!

Mấy ông bạn tôi già mà nhát. Tuổi thì đã thuộc loại đi lúc nào cũng đã được gắn cho cái mác thọ, vậy mà lại mong trò xa cách. Thường thì các ông ấy chửi văng mạng khi nghe các ông tây bà đầm Quebecois đòi độc lập không thèm dính vào Canada nữa, thế mà giờ thì nửa đùa nửa thật mong phải chi có cái biên giới giữa Toronto và Montreal cho đường đi khó vì thông hành thông hiếc lôi thôi phiền phức để hai bên ít giao lưu càng nhiều càng tốt! Vậy là bên này bên kia, Toronto - Montreal, cứ giận nhau làm thinh. Nhiều tình nghĩa đã bị thương tích nặng nề vì cúm.

Nay lại cúm. Lần này là cúm heo. Một thứ rắc rối khác. Ngay cái tên đã có tranh cãi rồi. Đây là thứ cúm…tổng hợp. Heo lây từ chim, từ người, tạo thành một thứ cúm đặc thù. Như vậy mà kêu gọn thon lỏn là swine flu thì oan ôi ông…hợi! Heo không biết cãi nhưng cũng tội cho cái thứ ủn ỉn chứ. Giới chuyên môn đòi bỏ cái tên không chính xác này, chẳng vì thương heo nhưng vì gọi như thế ảnh hưởng tới việc bán thịt heo. Một số nước Á châu đã ngưng nhập cảng thịt heo Bắc Mỹ rồi tuy các nhà chuyên môn đã giảng giải là cúm không lây theo thịt heo, cứ ăn thoải mái bảo đảm không sao.

Không lây theo thịt nhưng, khác với thứ cúm…chim trước đây, cúm này lây từ người qua người. Vậy là ở Montreal tìm đỏ mắt tại các nhà thuốc cũng không thấy một cái khẩu trang nào cả. Bán chạy vèo vèo như vậy nhưng ra đường chẳng thấy ai bịt mồm bịt miệng. Chúng còn nằm trong tủ của những người khéo lo xa. Cẩn tắc vô ưu! Cứ theo túi khôn của tiền nhân mà sống tuy có sứt mẻ cái túi tiền.

Co cụm như vậy thành ra lại xa nhau. Giờ đang cuối mùa đi tắm biển, giá đã có phần nới nên thiên hạ đi ào ào. Cancun, Punta Cana và những bãi biển nổi tiếng ở Mexico bỗng trở thành vùng đất ít người nhiều cúm. Bạn mới đi Mễ về chăng? Xin lỗi đừng thăm viếng nhau. Bất tiện lắm. Vẻ lạnh tanh dành cho dân Toronto 6 năm trước đây nay thân tặng những bạn bè trở về từ những vùng biển nắng. Cúm bỗng trở thành kẻ nội thù. Nó nằm ngay trong thành phố. Sợ quá đi chứ. Tổ chức Y Tế Liên Hiệp Quốc WHO lại đổ xăng vào lửa khi nâng cấp mức độ báo động lên tới cấp 5, cấp áp chót cho đại dịch toàn cầu, làm con người lại xa nhau hơn.

Cấp 5 là cái quái gì vậy? Ông bạn tôi, vừa là hậu duệ của ông Trương Phi vừa là người Việt gốc…cáy, xăng xái hỏi như muốn phun cả đống nước miếng vào mặt tôi. Vừa phải thôi chứ, định hại nhau chăng? Giận thì giận mà thương thì thương, tôi lại phải tìm tài liệu trả lời ông…cáy này. Theo WHO thì có 6 cấp báo động dịch. Cấp 1, nhẹ nhất, vi khuẩn luân lưu giữa thú vật không lây qua người. Cấp 2, vi khuẩn của thú vật lây qua một người và có thể có nguy cơ dịch. Cấp 3, vi khuẩn của thú vật lây lan truyền dịch cho một nhóm người tiếp xúc với người bệnh như bác sĩ, y tá…Cấp 4, vi khuẩn truyền từ người qua người một cách dễ dàng gây nên dịch trong một vùng nào đó. Trong giai đoạn này WHO sẽ cộng tác với giới chức y tế địa phương để ngăn chặn, chữa trị và khoanh vùng dịch. Cấp 5, vi khuẩn dịch truyền từ người qua người tại ít nhất 2 quốc gia trong một vùng. Cấp 6, cấp cuối cùng, có đặc tính của cấp 5 nhưng dịch lan rộng ra tới ít nhất một nước khác ngoài vùng đã phát dịch , báo động dịch toàn cầu!

Dân thường như tôi, nghe báo động dịch cúm tới giai đoạn áp chót nhất định phải giật mình. Cúm đã leo hết 5 tầng cấp thì một tầng chót ăn thua chi. Chỉ nhún một cái là…đại dịch cúm toàn cầu. Nghe muốn…cúm! Heo mà nhảy như sóc! Bác sĩ Richard Schabas, dân  Ontario, trong một bài viết được đăng trên báo The Gazette ở Montreal, cũng đã giật mình. Ông tu bíp này giật mình mà giận. Giận ông WHO. Ông cho rằng ông WHO làm quá khi báo động quá lố về cúm heo. Ông giận giới truyền thông đã bi thảm hóa tình trạng làm hoang mang dân chúng. Ông giận ông Y Tế Canada khi ông này khuyên dân chúng không nên bay qua Mexico. Tất cả làm như…tận thế đến nơi rồi vậy! Sự thực ra sao? Theo Bác sĩ Schabas thì sau khi có tin về cúm heo khởi phát từ Mexico, tất cả các tin tức sau đó hầu như là những tin tốt đẹp. Tuy không có những tin chính xác về những gì xảy ra ở Mexico nhưng có một điều chắc chắn là vi khuẩn H1N1 không có vẻ gây ra nạn dịch cúm toàn cầu. Ca cúm heo đầu tiên được phát hiện vào đầu tháng 3. Nếu là dịch cúm thì sau đó sẽ phải có hàng ngàn người tử vong mỗi ngày. Nhưng điều này không xảy ra. Dân Canada…nhập cảng vi khuẩn H1N1 bằng những du khách trở về từ Mexico. Bao nhiêu người trở về mà vi khuẩn đâu có lan nhanh. Nếu tin vào hình ảnh của WHO vẽ ra thì mỗi người Canada từ Mexico trở về phải là một người mang vi khuẩn về phân phát cho mọi người. Thực tế không diễn ra như vậy. Theo con số mới nhất do Y Tế Canada công bố ngày 10 tháng 5 thì tại Canada có 286 ca nhiễm vi khuẩn H1N1, hầu hết đều là nhẹ không cần phải giữ lại trong bệnh viện. Chỉ có một trường hợp tử vong vào ngày 28 tháng 4 ở Alberta. Nạn nhân là bà Tina L’Hirondelle, 39 tuổi. Bà này tới nhà thương vì bị suyễn. Giới chức y tế Alberta cho biết là phải tới tuần sau mới biết rõ nguyên nhân cái chết của bà do cúm heo hay do tình trạng bệnh lý của bà. Bà này chưa bao giờ tới Mexico và sống tại Gift Lake, một vùng hẻo lánh cách thủ phủ Edmonton 400 cây số. Theo WHO thì cho tới ngày 10 tháng 5, trên toàn thế giới đã có 4379 người tại 29 quốc gia đã bị anh cúm heo thăm hỏi. Tại “quê hương” của cúm heo là Mexico có 1626 ca bệnh và 45 người tử vong. Tại Mỹ có 2254 người nhiễm bệnh và có hai ca tử vong.

Canada chúng tôi thua xa anh láng giềng phương Nam về cúm heo, vậy mà mới bị mang tiếng là đã gây bệnh cho ba người Nhật. Ba người này là những người đầu tiên bị nhiễm bệnh ở Nhật mới phiền hà cho Canada chứ. Họ là một giáo sư và hai sinh viên sang du khảo tại Oakville thuộc tỉnh bang Ontario từ ngày 24 tháng 4 tới ngày 7 tháng 5 vừa qua. Khi về đến Nhật thì bị phát giác ra là cúm. Ông giáo sư được chữa trị bằng Tamiflu trong khi hai sinh viên 16 tuổi thì đã bình phục. Thật mang tiếng quá đi mất! Đi đứng bây giờ thật ngại. Bà nhà văn Tiểu Thu bạn tôi đã mua vé máy bay đi Texas. Tưởng bà đang du hí nơi xứ cao bồi vậy mà trong dịp 49 ngày của nhà báo Trường Kỳ vào ngày Chủ nhật 10 tháng 5 vừa qua, lại thấy bà tới dự. Hỏi sự tình bà cho biết là ngại quá, lỡ bạn bè bên đó bị dính cúm thì khó ăn khó nói. Mình đâu có cúm kiếc gì đâu mà ngại? Lỡ đi máy bay có mấy chú vi khuẩn nép mình chờ thì sao? Thôi cứ ở nhà cho khỏe cái bụng!

Bà này quả có tính lo xa. Cúm là chuyện của…heo, dính cúm là chuyện của trời, ai cúm người nấy dạ, đổ vấy cho nhau đâu được. Gan của bà nhà văn này nhỏ tí teo, đâu có ngon lành như gan của vợ chồng anh bạn tôi. Họ là những người rất dễ trúng số độc đắc nếu chịu khó mua số. Lần đầu đi chơi biển, họ trúng ngay ổ cúm heo. Đường đi Cancun khó vì phải trả tiền máy bay chứ đâu khó vì ngăn sông cách núi. Vậy là cứ Cancun thẳng tiến giữa mùa cúm. Lên máy bay thấy vắng hoe. Đã chót ngồi trên lưng…máy bay biết làm sao xuống. Vậy là đường ta ta cứ đi, chết chóc chi. Không chết nhưng chuyến đi mất vui. Tới nơi nằm dẹp tại khách sạn, vừa tắm vừa nghe tin tức cúm vây bủa xung quanh. Một ngày đẹp trời ông bạn tôi bỗng thấy chóng mặt buồn ói. Vừa vừa thôi chứ anh…trư! Dọa sơ sơ như vậy mà trời đất hết quay cuồng, bạn tôi bỗng thấy trời lại sáng. Chuyện đâu lại vào đấy. Chẳng có gì mà ầm ĩ! Ầm ĩ chăng là tại Montreal. Phôn nhà anh bạn tôi reo liêng chiêng. Con gái ở nhà trả lời phôn thăm hỏi của bạn bè họ hàng phát mệt. Mong mãi cũng hết tuần lễ nghỉ, leo lên máy bay qui hồi cố quận mà lòng như mở hội. Tại phi trường Cancun, tất cả hành khách phải qua cửa ải y tế. Trước hết các chyên viên nhìn sơ qua xem mũi có chảy nước không, mắt có…đẹp không hay đỏ kè. Sau đó mỗi người đều nhận được một…phát súng dí vào giữa hai lông mày để đo nhiệt độ. Bước lên máy bay đông quá xá là đông. Hóa ra ai cũng muốn về cho nhanh, vui chi ở cái xứ chỉ toàn…cúm heo. Về tới Montreal bỗng có mặc cảm trở thành…tội phạm. Họ hàng chẳng ai lui tới, bạn bè chẳng muốn cho tới nhà. Cứ làm như mình là dân…cúm chính hiệu Mexico! Đã bảo rồi : cúm là một thứ dễ làm xa nhau lắm!

Ông bác sĩ Schabas không thích cung cách phản ứng của cả Liên Hiệp Quốc lẫn các chính phủ. Họ đối phó với cúm bằng cách dọa nạt tinh thần người dân. Đâu có chi phải hốt hoảng. Họ phải biết là cúm theo mùa hàng năm là thứ ai cũng biết. Dân Canada chúng tôi trước khi bước vào mùa đông hàng năm đều tới các phòng mạch giơ cánh tay ra chích ngừa cúm. Người trẻ muốn chích phải chi ra từ 10 đến 20 tiền. Cỡ đã lãnh tiền già thì khỏi tiền tiếc chi cả. Vậy mà vẫn cứ sụt sùi. Hàng ngàn người ho hen, mắt đỏ, mũi lòng thòng dù có chích đàng hoàng rồi.  Chuyện nhỏ! Vậy mà trung bình hàng năm chỉ nguyên tại Canada đã có khoảng 4 ngàn người chết vì cúm. Dịch diếc chi đâu? Mới có một mạng ra đi ở Alberta thì thấm tháp chi! Bác sĩ Schabas chỉ cho chúng ta ba điều để rút kinh nghiệm. Thứ nhất, chúng ta cần nhiều tin tức chính xác hơn trước khi hành động. Cúm heo xuất phát từ Mexico lúc đầu tưởng là thứ phải báo động nhưng khi bình tĩnh phân tích các diễn biến, không có gì phải hoảng hốt. Thứ hai, giới chức y tế cần vững tin vào các nguyên tắc của mình, gạt bỏ các xúc động tạo bởi các áp lực bên ngoài. Còn nhớ khi bệnh SARS bùng phát vào năm 2003, Canada đã bị cơ quan WHO liệt vào các nước không nên tới. Lúc đó Canada đã phản ứng dữ dội vì ảnh hưởng tới tâm lý của quần chúng và thiệt hại về kinh tế. Vậy thì tại sao bây giờ Canada lại vội vàng phổ biến lời khuyên dân chúng nên tránh tới Mexico? Thứ ba, giới truyền thông nên cân nhắc kỹ càng trước khi loan những tin tức có thể gây hoang mang trong dân chúng.

Dịch cúm của chúng ta ngày nay ăn thua chi nếu so sánh với trận đại dịch toàn cầu vào năm 1918. Trận dịch lịch sử này mang tên dịch Tây Ban Nha. Cũng oan ức như anh heo ngày nay khi bị dính tên vào dịch. Thực ra anh heo đâu có làm nên tội. Cúm heo là một thứ cúm mà chú heo lây từ cúm gà và cúm người. Cũng vậy, tuy những ca cúm đầu tiên được ghi nhận ở lục địa Hoa Kỳ và những nước khác ở Âu Châu nhưng anh Tây Ban Nha chết tên vì…tự do báo chí! Là một nước trung lập trong cuộc Thế Chiến Thứ Nhất, Tây Ban Nha không có nạn kiểm duyệt nên tin tức về dịch được tự do loan thoải mái. Bởi vậy nên những nguồn tin đáng tin cậy nhất phát xuất từ giới truyền thông Tây Ban Nha làm mọi người có cảm tưởng là dịch bùng phát mạnh nhất nếu không muốn nói là duy nhất tại Tây Ban Nha! Thực ra trận dịch này tràn lan ra khắp mặt địa cầu và nạn nhân của nó là giới thanh niên chứ không phải là giới nhi đồng hay cao niên như các loại dịch khác. Khoảng 99% nạn nhân dưới 65 tuổi, trong đó có 50% từ 20 tới 40 tuổi! Dịch kéo dài từ tháng 3 năm 1918 đến tháng 6 năm 1920 làm tử vong khoảng từ 50 triệu đến 100 triệu nhân mạng. Các nạn nhân gục ngã rất nhanh. Nhiều chuyện kể mà ngày nay chúng ta thấy hãi hùng kinh khiếp. Như chuyện bốn người ngồi đánh bài với nhau đêm hôm trước, sáng hôm sau ba người chết ngay đơ. Như chuyện một công nhân trên đường đi làm bỗng…mắc dịch, vài giờ sau đã thành ma. Trên toàn thế giới, cứ 5 người thì có một người bị dịch. Và khoảng từ 2,5% đến 5% hui nhị tì! Nguyên trong 25 tuần lễ đầu đã có 25 triệu người nằm xuống. Để biết tầm mức tác hại của trận dịch, chúng ta thử nhìn vào những con số sau đây. Tại Ấn Độ, 17 triệu người, khoảng 5% dân số, tiêu tùng. Tại Nhật Bổn 23 triệu người bị bệnh và 390 ngàn người về chầu tổ tiên. Tại Mỹ 28% dân số bị dịch và tử vong từ 500 ngàn tới 675 ngàn người. Nước Anh mất 250 ngàn người, Pháp hơn 400 ngàn, Úc 12 ngàn và Canada 50 ngàn.

Dịch như vậy mới là dịch. Dịch bây giờ ăn thua chi. Nhất là từ 1918 đến nay đã qua 90 năm. Ngày nay khoa học tiến bộ hơn nhiều, chúng ta đã có thuốc chích ngừa, thuốc chữa Tamiflu, trụ sinh, các bệnh viện tân tiến và tình trạng vệ sinh tốt gấp bội hồi đó. Các nhà khoa học ngày nay cũng nhanh tay hơn hồi đầu thế kỷ trước nhiều. Nhanh tay nhất là những chuyên gia của Canada. Ngày 6 tháng 5 vừa qua, Bộ Trưởng Y Tế Canada Leona Aglukkaq cho biết là các khoa học gia Canada đã giải mã được đầy đủ chuỗi gene của vi khuẩn cúm H1N1 dựa trên những mẫu bệnh phẩm từ Mexico và Canada. Kết luận đầu tiên là không có sự khác biệt giữa các vi khuẩn ở Mexico và Canada. Kết quả giải mã này đã được chuyển đến Ngân hàng gene thế giới để các nhà khoa học ở mọi nơi có thể tiếp cận được.

Dịch là thứ…mắc dịch. Nó phá hoại tình yêu. Tại Mexico, Bộ Trưởng Y Tế đã khuyên mọi người không nên hôn nhau. Ông này chắc có đọc thơ của ông Quan Dương.

Có một lần…em ghé lại trao hôn
Con vi trùng ngu ngơ theo tình đi lạc
trên môi anh. Đêm lạ nhà không ngủ được
Nửa đêm thức giấc đòi về
Nhà con vi trùng tọa lạc phía bên kia
Khoảng cách hai bờ thăm thẳm
Tay hai đứa không còn chung một nắm
Để kéo môi vào nhau trả lại con vi trùng

Cứ trả đi trả lại con vi trùng như vậy có mà…cúm! Giới chức y tế ở Phi Luật Tân, ở Li- Băng cũng đồng thanh như vậy. Họ còn làm tới hơn nữa: không những không hôn môi mà hôn má cũng không nốt! Hôn má có thân tặng nhau vài triệu chú vi khuẩn làm kỷ niệm không? Bác sĩ Dalius Briedis, trưởng phòng bệnh truyền nhiễm Bệnh Viện Royal Victoria ở Montreal chúng tôi lắc đầu: “ Đợt cúm này không dữ dội lắm nên tôi nghĩ chúng ta chẳng cần thay đổi cách hành xử của chúng ta”. Bác sĩ nói gì thì nói, dân thường không rõ lắm hình dạng con vi khuẩn nên cứ theo lời các cụ dạy có kiêng có lành cho chắc ăn. Nhiều người trong chúng ta đã không chạm vào người khác.  Bắt tay cũng không, vỗ vai cũng không nốt. Có mấy chữ không cứ mang ra xài hết. Cho chắc ăn. Đã bảo cúm dễ làm xa nhau lắm!

Vậy thì gặp nhau cứ làm ngơ chăng? Ai lại cạn tàu ráo máng như vậy. Thôi thì đứng xa xa Hi nhau một tiếng, cười tươi lên một phát nhưng khi cười nhớ che miệng lại. Dân Việt ta có một lối chào tuy đã được xếp vào loại đồ cổ, xưa từ thời Khổng Tử, nhưng nay bỗng dưng rất hợp với thời buổi cúm heo: khoanh tay vái nhau. Moi được ngài Khổng ra, lau bụi, trở thành mốt mấy hồi. Sao cụ Khổng có thể nghĩ ra được trò tình nghĩa một cách an toàn thế này  nhỉ? Bộ thời cụ cũng đã có dịch cúm heo rồi sao?

05/2009