Bạc
Bụng
Burqa
Chết
Chửi
Chuyện
Cua
Cúm
Cứu
Đầu
DNA
Dzô
H1N1
Hiếm
Học
Khoe
Làm
Lộn
Mại
Mao
Màu
Nói
Non
Phố
Ruồi
Tết
Thang
Theo
Thuê
Trúng
Túi
Tưới
Vẽ
Vợ

RUỒI

Để tả cảnh quan nha tới bắt Vương viên ngoại dẫn tới vụ Kiều phải hy sinh bán mình chuộc cha, văn hào Nguyễn Du đã hạ bốn câu:

Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh,
Rụng rời khung dệt, tan tành gói may.
Đồ tế nhuyễn, của riêng tây,
Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham.

Ví bọn sai nha như lũ ruồi xanh, cụ Tiên Điền đã đặt ruồi vào đúng vị trí của chúng: loại cùng mằng bị xua đuổi. Chẳng ai có cảm tình với ruồi trừ ông Luân Hoán. Bỏ nước sang Canada định cư, khi đang còn “ngơ ngác cõi người” như nhan đề tập thơ đầu xuất bản tại hải ngoại, ông nhớ quê hương qua con…ruồi!

phải chi có con kiến
hay một hai con ruồi
ngồi nhìn chơi đỡ nhớ
đỡ lẩn thẩn ngược xuôi

Nhớ quê nhà qua con nhặng bay tới đâu cũng bị xua đuổi, niềm nhớ của ông nhà thơ mang tính chất bi thảm. Con người bị xua đuổi nhớ một con ruồi luôn bị xua đuổi. Tôi chẳng bao giờ làm thơ nên nếu bị con ruồi quấy rầy vo ve bên tai tôi sẽ chẳng nhớ nhung vớ vẩn như ông Luân Hoán mà sẽ làm như ông Obama.

Bữa hôm 16 tháng 6 vừa qua, trong khi đang trả lời một cuộc phỏng vấn của ký giả John Harwood của đài truyền hình CNBC trong căn phòng phía đông của tòa Bạch Ốc, thì một chú ruồi bay tới đòi…tham dự. Tổng Thống không cần một phụ tá vào lúc đó nên ông dùng tay xua con ruồi đi. Get out of here! Con ruồi ưa làm lớn này có lẽ không hiểu tiếng Anh nên vẫn cứ vo ve góp tiếng. Tức mình vì bị con ruồi hỗn hào đòi…tự do ngôn luận, ông Obama chờ cho con ruồi đậu xuống tay. Con ruồi đậu xuống tay trái ông thiệt. Ông dùng bàn tay phải đập con ruồi chết lăn quay xuống thảm. Đập xong, ông tiếp tục câu chuyện bằng cách hỏi ký giả Harwood: “Chúng ta nói tới đâu rồi nhỉ?” Nhưng rồi hình như còn thú vị về…chiến công của mình, ông hãnh diện tiếp: “Thật dễ nể phải không?” Máy quay phim chĩa xuống đất zoom lớn xác con ruồi. Sau đó, khi máy ngừng quay, Obama rút một tờ giấy, cúi xuống gói xác con ruồi vứt đi. Ông ngôn thêm: “Tôi luôn luôn dọn rác của tôi!”. Ông dọn rác nhưng xác của con ruồi ngã…ngựa chẳng bao giờ được dọn đi. Nó đã được máy quay phim zoom lớn đến độ tôi chưa bao giờ nhìn được một con ruồi lớn đến như vậy.

Chó chết có thể là hết chuyện nhưng ruồi chết thì còn nhiều chuyện vô cùng. Ngay sau đó ông Tổng Thống da màu đầu tiên của nước Mỹ nhận được một cái bẫy ruồi. Cái bẫy có tên Mỹ là Katcha Bug Humane Bug Catcher dùng để bắt sống ruồi nhặng trong nhà rồi mang ra ngoài thả cho bay đi. Cơ quan gửi tặng là Tổ Chức People for the Ethical Treatment of Animals, viết tắt là PETA. Ông Bruce Friedrich, phát ngôn viên của tổ chức đã cho biết: “Chúng tôi trải lòng thương tới cả những con vật kỳ dị nhất, nhỏ bé nhất và ít được thiện cảm nhất. Chúng tôi cho rằng con người, dù ở bất cứ nơi đâu cũng có thể tỏ sự thương xót đối với tất cả loài vật”. Lên lớp một cách chung chung như vậy chưa đủ, ông Bruce nhắm ngay vào ông tonton giết ruồi: “Vả lại, đập chết một con ruồi trước ống kính truyền hình cho thấy ông ta là người không hoàn hảo và chúng tôi lấy làm vui mà nói rằng chúng tôi ước gì ông ta đừng làm vậy”.

Đập có con ruồi mà bị lên lớp như vậy, ông Tổng Thống nước Mỹ thua một tên Việt Nam di tản là tôi. Trong đời tôi đã đập chết biết bao nhiêu ruồi trong những cuộc…hành quân qui mô với những cái quạt, tờ bìa, cuốn báo và ngay cả thứ vũ khí…nguyên tử là cái đập ruồi. Vậy mà có tên nào dám nói chi đâu. Mới đập có một con ruồi mà ăn thua chi. Có điều khác là hàng ngàn con ruồi tôi đập không bằng một con ruồi…tổng thống! Con ruồi chết dưới tay tôi thì vẫn là một con ruồi nhưng con ruồi chết dưới tay Tổng Thống trở thành một…nhân vật. Một nhân vật của chuyện…ruồi bu!

Đây chẳng phải là lần đầu tiên có chuyện ruồi bu trong tòa Bạch Ốc được chạy nhật trình. Tổng Thống Abraham Lincoln cũng đã vướng chuyện ruồi. Chuyện xảy ra vào tháng 8 năm 1863 khi Tổng thống Lincoln tới một tiệm chụp hình ở Hoa Thịnh Đốn để chụp bức chân dung chính thức. Với kỹ thuật chụp hình hồi đó, Tổng Thống phải ngồi thật yên để hình không bị mờ. Lợi dụng lúc Tổng Thống bị…trói tay, một chú ruồi mon men tới đậu trên chân Tổng Thống. Tổng Thống chịu không làm chi được. Có ngứa ngáy chân thì cũng ráng ngồi yên cho con ruồi nhởn nhơ cựa quậy. Bức chân dung có con ruồi ăn có dưới chân nay vẫn còn. Ông Daniel Weinberg, chủ tiệm sách Abraham Lincoln ở Chicago còn giữ được một bản. Hai con ruồi xuất hiện cách nhau 146 năm cùng vuốt râu…tonton, một trước ống kính máy chụp hình, một trước ống kính máy thu hình, không biết có phải cùng dòng giống không nhưng rõ ràng có hai số phận khác nhau. Một được khoe nhan sắc cùng với Tổng Thống, một bị bàn tay Tổng Thống hạ đo ván. Mấy tên thầy bàn trên các báo được dịp múa bút. Họ bảo ông Lincoln hiền hơn ông Obama. Suy ra chính sách của ông Tổng Thống thứ 16 nhu hơn chính sách của ông Tổng Thống thứ 44! Ông bàn đi bà bàn lại, nhà báo mà. Ông Lincoln tưởng vậy chứ không phải vậy. Chính ông đã cho biết ông đã có “khá nhiều  cuộc chiến tranh đẫm máu với những…con muỗi!”. Và họ dọa các anh Iran, Bình Nhưỡng và nhất là anh Bin Laden hãy coi chừng. Con ruồi còn bị nát thây huống chi con người!

Con ruồi bị hy sinh trong tòa Bạch Ốc là con ruồi đực hay cái? Không thấy có tin tức nào nói đến. Tôi nghĩ dù Tổng Thống Obama có chỉ số thông minh tới 140 cũng không thể phân biệt được. Ông bố của bạn tôi, chỉ số thông minh không biết bao nhiêu, nhưng biết. Để dọa anh con ham chơi hơn ham học, suốt ngày la cà ngoài đường, ông tuyên bố: “Mày đừng hòng qua mặt tao, con ruồi bay qua tao còn biết con nào là con đực con nào là con cái, cái ngữ mày thì ăn thua chi!” Ông bố nói vung vít như vậy cho sướng miệng chứ ông con làm chi ngoài đường với lũ bạn, ông bố cũng mù câm! Nhưng ông Mỹ này thì biết. Ông loay hoay trong bếp, bà vợ từ ngoài phòng khách hỏi vọng vào: “Ông làm chi trong đó vậy?” Ông chồng tay cầm cái vợt đập ruồi, trả lời: “Tôi đang săn ruồi”. Bà vợ hỏi tiếp: “Có giết được con nào không?” Giọng hãnh diện, ông nói lớn: “Được năm con. Ba con đực, hai con cái”. Bà vợ ngạc nhiên: “Sao ông biết rõ vậy?” Ra cái điều đây là chuyện nhỏ, ông tỉnh bơ đáp: “Dễ ợt! Ba con đậu trên chai bia, hai con trên điện thoại!”

Muỗi cái hay muỗi đực dễ phân biệt hơn vì con nào cong bàn tọa hút máu ta đó là con cái, muỗi đực văn nghệ hơn chỉ hút mật hoa, còn ruồi cái hay ruồi đực thì đối với tôi cũng vậy thôi. Chỉ số thông minh của tôi chẳng là bao thì chỉ đủ để phân biệt đàn ông với đàn bà. Vậy cũng đủ rồi! Nhưng nói chuyện ruồi đực ruồi cái, tôi không nói chơi. Vì chỉ có ruồi cái mới đẻ ra trứng. Mà nó đẻ tàn canh, nở ra cả huyện giòi, giòi thành ấu trùng, ấu trùng thành ruồi. Tại những xứ nhiệt đới như Việt Nam ta, ruồi cái sản xuất trứng rất bạo. Ruồi bay đầy khắp. Càng những chỗ dơ dáy thì ruồi càng có đất sống. Tình trạng đất nước ta bây giờ là ổ cho ruồi muỗi hoành hành. Chỉ đơn cử vài nơi.

Từ hơn một tháng nay dân chúng xã Đà Loan, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng sống trong cảnh bế quan tỏa cảng. Cửa nẻo quanh nhà phải đóng kín mít, ăn cơm phải chui vào mùng mà ăn vội ăn vàng. Vậy mà chị Nguyễn Thị Hồng Thủy vẫn chưa thoát nạn ruồi: “Nhiều lần con tôi ăn cơm nuốt phải ruồi, đến khi biết thì đã vào bụng hết rồi! Mỗi lần như thế nó lại khóc òa lên nhưng ruồi đầy rẫy không thể kiểm soát được.” Nói vậy nhưng chị cũng kiếm cách bẫy ruồi. Mỗi ngày chị đều bẫy và cân ruồi trước khi đốt chúng. Trung bình mỗi ngày chị cân được khoảng 3 kí xác ruồi! Ruồi đâu mà vo ve dữ vậy? Nguyên do là vì thứ phân bón nông trường chè của công ty trà Đà Loan. Họ dùng phân gà, phân chim cút trộn lẫn với trứng gà và mật đường để làm chất bón. Vừa mùi phân vừa mùi đường, toàn những thứ…đặc sản của ruồi, chúng tụ họp là phải. Những người đi làm rẫy, chiều tối về nhà phải dùng lá cây quạt ruồi sau lưng vì sợ chúng theo về! Theo ông Chủ Tịch xã Đà Loan thì đúng ra trước khi dùng phân bón chủ nông trường phải dùng vôi diệt trứng ruồi trước nhưng họ không làm. Cuối cùng họ cũng phải làm nhưng dù vậy cũng chẳng ăn thua chi. Họ phát cho mỗi gia đình hai lọ thuốc diệt ruồi. Cứ như là gãi ghẻ! Chính quyền lại vận động dân chúng làm lưới cửa nhà. Tiền đâu mà…lưới!

Dân chúng sống trong khu vực phường Sông Hiến thuộc thị xã Cao Bằng cũng sống chung cùng ruồi. Phóng viên nghe có nạn ruồi tới quan sát về chạy nhật trình đã được đón tiếp bằng…ruồi: “Dù còn cách khu vực này 500m, chúng tôi đã thấy những tiếng vo ve của ruồi nhặng. Càng vào sâu, ruồi càng nhiều. Anh bạn đi cùng phải rút kính ra đeo vì ruồi và nhặng xanh cứ lao vào mặt, vào mắt. Trên những cành cây ven đường, ruồi bám đen kịt, chỉ cần chạm nhẹ là từng “đám mây” ruồi bay loạn xạ”. Chị Đàm Thị Lệ ái ngại khi chén nước vừa rót mời khách đã bị mấy chú ruồi sa vào. Như để khách thông cảm, chị nói: “Ở đây, người dân thường gọi đùa là ‘xóm rừng ruồi’ anh ạ. Ngày mới về nhà chồng em còn không dám ăn cơm. Thương vợ, chồng em phải dọn cơm lên giường và buông màn để ăn. Về sau sống chung với ruồi mãi cũng thành quen, buông màn ăn cơm mãi cũng thấy phiền toái, thế là thôi kệ. Chỉ có điều ăn cơm phải ăn thật nhanh, nếu không ruồi lao vào cơm canh ngay!” Ăn nhanh là ăn với tốc độ nào, không rõ. Nhưng cứ bằng vào chén nước vừa mời khách đã bị mấy chú ruồi uống trước, chắc người dân Cao Bằng phải tạo được một thứ kỷ lục nào đó. Kỷ lục ăn đua với ruồi này chắc trên thế giới chẳng có ai phá được. Có nơi nào thân thiết với ruồi đến vậy mà hòng phá! Không những chỉ thay đổi thói quen ăn uống, cách sống cũng phải thay đổi theo. Anh Đoàn Văn Định bộc bạch: “Từ khi có bãi rác, mọi sinh hoạt của gia đình bị đảo lộn hoàn toàn. Ăn cơm thì phải mắc màn, quạt điện phải chạy nhiều hơn để đuổi ruồi, buổi tối phải tắt điện sớm vì ruồi cứ thấy ánh sáng là lao vào”. Vợ anh Định tức bực tiếp: “Lúc đầu ruồi sa vào canh còn đổ đi, nhưng cứ đổ đi mãi thì lấy gì mà ăn! Kêu mãi cũng vẫn thế anh ạ, bãi rác vẫn tồn tại. Sống với ruồi thì mãi cũng thành quen, nhưng lo nhất là ô nhiễm nguồn nước”. Bãi rác được thành lập vào năm 1998, nghĩa là người dân sống với ruồi đã được 11 năm! Khi lập bãi rác, chính quyền chắc chưa có kinh nghiệm nên lập ngay trên đồi. Mỗi khi trời mưa, nước từ bãi rác chảy thành dòng xuống sông và suối gây ô nhiễm nghiêm trọng. Bây giờ chỉ còn cách mang bãi rác xuống vùng hạ lưu sông ngòi, cách xa nhà dân, nhưng thị xã không có ngân khoản. Làm đơn xin trung ương nhưng trung ương cũng…mậu xìn! Chỉ ruồi là sướng. Cứ thả cửa tăng gia dân số. Miễn đừng có bay về thủ đô là chưa bị dẹp!

Tôi kê ra hai…quê hương của ruồi, một tại miền cao nguyên phía Nam, một tại miền thượng du phía Bắc, dám bị hiểu lầm là chỉ những nơi hẻo lánh mới có ruồi. Thực ra là ruồi tràn lan khắp nơi nhưng chẳng lẽ lại kê ra hết từ bắc chí nam. Chỗ đâu mà kê lắm vậy. Thôi thì chỉ nhắc tới thêm một…thiên đàng của ruồi nữa. Gọi là thiên đàng vì chỗ này nằm ngay tại thành phố Sài Gòn, nơi chúng ta hằng trìu mến. Thành phố Sài Gòn bây giờ mở rộng lắm. Rộng tới đâu thì tôi chẳng thèm để ý tới nhưng chắc chắn là Bình Chánh nay cũng đã thuộc Sài Gòn. Nằm ngay trên xã Đa Phước thuộc quận Bình Chánh là bãi rác Đa Phước. Nếu được như cái tên thì đã…phước. Lại nếu nữa, nếu được đổi tên thì nên đặt là xã Đa…Ruồi! Đây là…quảng trường ruồi! Ruồi phát sinh kể từ khi có bãi rác.Vậy là đúng chỉ số. Không hiểu tại sao biết có rác là có ruồi vậy mà cứ cho bãi rác mọc gần khu dân cư. Ruồi nhiều tới mức nào? Theo ông Lại Phước Hòa, quyền Giám Đốc Trung Tâm Y Tế Dự Phòng huyện Bình Chánh, thì mật độ ruồi từ 10 đến 15 con trong một thước vuông, khu nhà vệ sinh, nhà bếp hoặc khu vực ẩm ướt thì số cư dân ruồi lên tới 100 con trong một thước vuông! Trung Tâm Y Tế phun thuốc trừ ruồi thì ruồi tạm di tản một lúc rồi lại quay lại tụ tập thành đàn. Lý do là vì nhiều ruồi quá nên phải phun thuốc diệt ruồi liên tục khiến ruồi lờn thuốc nên coi như pha. Các quan loay hoay mà ruồi vẫn cứ đại tấn công. Những chú khách không mời mà tới này lại làm tới. Chúng bay tới Hội Đồng thành phố!

Trong buổi thảo luận tại chốn nghị trường Sài Gòn lại xảy ra một chuyện…ruồi bu. Được hỏi về nạn ruồi ở Đa Phước, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc sở Tài Nguyên và Môi Trường của thành phố Sài Gòn trả lời là ông có đi kiểm tra. Theo lời ông thì ông đi kiểm tra bằng xe hơi. Ông thuật lại cuộc kiểm tra như sau: Khi đi từ Phú Mỹ Hưng về bãi rác Đa Phước, tôi mở kính cửa xe thì không thấy mùi… Tôi không phủ nhận ruồi xuất phát từ bãi rác Đa Phước, nhưng đã được giải quyết. Khi tôi đi kiểm tra, chỉ còn… 2 con ruồi. Câu khôi hài đen của ông Giám Đốc làm cả hội trường hoảng hốt. Theo ký giả Lê Chân Nhân thì câu trả lời này “đã khiến cho những người dân sống chung quanh khu vực bãi rác Đa Phước và dư luận vô cùng bức xúc. Ô nhiễm, ruồi nhặng và hôi thối ở bãi rác thì ai cũng biết, người dân không thể chịu nổi. Người dân phải sống khổ sở vì ô nhiễm và bị bệnh tật đe dọa, vậy mà ông Giám Đốc có thể nói cả bãi rác chỉ có hai con ruồi. Ông nói bất chấp thực tế và rất coi thường dân chúng”.

Tôi không phải là người đằm tính nhưng không hề hoảng hốt trước câu tuyên bố đầy dũng khí của ông Giám Đốc Đào Anh Kiệt. Ông đúng là bậc…anh kiệt! Theo chỗ tôi được biết thì hai con ruồi của ông Giám Đốc cũng đã chết tiêu hết rồi. Một con đã di tản qua Tòa Bạch Ốc và bị ông Obama hạ một cách kỳ thú trước ống kính của các phóng viên. Còn một con nữa đã chết trong nhà thương Cabrini ở thành phố Montreal, Canada, nơi tôi cư ngụ. Con ruồi đã để lại xác mắc kẹt trong cửa gương và được ông Luân Hoán nhận họ hàng. Số là ông nhà thơ Luân Hoán đã ngự xe cứu thương ò í e vào cấp cứu trong bệnh viện này. Khi được đưa lên phòng bệnh, ông đã thấy xác con ruồi.

bỗng khựng lại ngay dưới tầm tay vịn
một con ruồi, tuyệt quá, rất Việt Nam
đen, nhỏ thó, chết vẫn còn nghịch ngợm
nằm ngửa dương chân, râu vểnh hiên ngang
con ruồi nhỏ vào đây trước ta, đã hẳn
thèm nắng trong hay thích sống tự do
tại sao chết âm thầm bên cửa sổ
thân nhân đâu, quê quán tận nơi nào?

Tha hương ngộ cố tri, ông nhà thơ của chúng ta mừng tíu tít, hỏi han búa xua. Tôi thông cảm với tâm trạng của ông Luân Hoán. Xa quê hương nhớ…ruồi, ông có quyền rối rít như vậy. Riêng tôi, tôi muốn chớp mấy câu thơ này mang tặng cho ông Đào Anh Kiệt để ông yên tâm muốn nói chi thì nói. Bởi vì nói trúng hay trật ông vẫn ngồi yên vị trên chiếc ghế của ông. Nhân dân như ruồi nhặng, làm chi được ông!
Ông Đào Anh Kiệt có thể an tâm nhưng ông nhà thơ chưa an tâm. Ông vẫn còn xúc động khi nhìn con ruồi đen thui rất Việt Nam nằm phơi thây trên đồng đất nước người.

ngậm ngùi ngó con ruồi, buồn mật chặp
quay lại giường nằm ngắm Chúa bao dung
quyết chẳng nghĩ, chẳng suy tư gì nữa cả
sống chết  hồn nhiên đến phút cuối cùng

Hóa ra phận ruồi và phận người cũng xêm xêm như nhau nhỉ!

07/2009