Bạc
Bụng
Burqa
Chết
Chửi
Chuyện
Cua
Cúm
Cứu
Đầu
DNA
Dzô
H1N1
Hiếm
Học
Khoe
Làm
Lộn
Mại
Mao
Màu
Nói
Non
Phố
Ruồi
Tết
Thang
Theo
Thuê
Trúng
Túi
Tưới
Vẽ
Vợ

HIẾM

Sống tới tuổi “cổ lai hy” được coi là hiếm. Đời còn chi mà chẳng biết. Cái thang…thọ này của các cụ xưa e rằng phải gác vào nhà kho. Ngày nay các vị “xưa nay hiếm” lềnh khênh khắp chốn. Hiếm chi mà hiếm! Không có thống kê về số người trên 70 tuổi mà chỉ có số thống kê về những người từ 65 tuổi trở lên, tuổi về hưu của dân chúng tại Bắc Mỹ. Theo bản nghiên cứu An Aging World: 2008 của Viện Quốc Gia Hoa Kỳ về Người Cao Tuổi (U.S. National Institute on Aging) thì vào năm 2040 dân số via sẽ tăng gấp đôi, từ 506 triệu vào năm 2008 lên đến 1 tỷ 3! Và chỉ trong vòng 10 năm tới, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, số dân via trên 65 tuổi sẽ nhiều hơn số con nít dưới 5 tuổi. Vậy thì cánh già chúng ta ăn hết lộc của con cháu rồi còn chi nữa!

Nói vậy chứ trời cho sống hay bắt sống thì vẫn cứ phải sống. Dân Việt ta coi sống lâu là một hồng phúc của gia đình. Vậy mới có thượng thọ. Hồi này tôi được mời đi ăn thượng thọ hơi nhiều. Chưa hết cái này đã có giấy triệu tập đi cái khác. Ngày Chủ Nhật 19 tháng 7 vừa qua tôi được tham dự một buổi ăn mừng thượng thọ khá đặc biệt. Người được con cháu mừng là một nhà chí sĩ đồng thời là một nhà văn, dịch giả quen thuộc của đất nước chúng ta: cụ Trương Bảo Sơn.  Năm nay cụ vừa tròn 95 tuổi, số tuổi nếu tính rốt ráo ra là tuổi “cổ lai hy” cộng thêm một phần tư thế kỷ. Sống trải dài gần một thế kỷ như vậy, bác (chúng tôi, những người viết lách tại Montreal vẫn gọi thân mật là “bác”) Trương Bảo Sơn đã tham dự vào những nổi trôi của đất nước trong giai đoạn sôi động nhất của lịch sử dân tộc. Bác đã từng lưu vong qua Hồng Kông cùng với văn hào Nhất Linh và một số đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng sau khi Việt Minh lên nắm chính quyền vào năm 1945, đã từng vào tù ra khám nhiều năm, đã từng vượt biển đi tìm tự do sau khi Cộng Sản xâm chiếm miền Nam. Hỉ nộ ái ố trong dòng lịch sử dân tộc, bác thừa hưởng đủ cả.

Bác Trương Bảo Sơn là một dịch giả với 13 dịch phẩm trong đó có những cuốn nổi tiếng như Ngư Ông và Biển Cả, Gió Đông Gió Tây và cuốn Đỉnh Gió Hú dịch tiếp di cảo của Nhất Linh. Là hội viên hội Văn Bút Việt Nam từ năm 1957, bác Sơn đã cộng tác với văn hào Nhất Linh thành lập các nhà xuất bản Phượng Giang, Đời Nay, Quốc Bảo và là chủ nhiệm tạp chí Tân Phong. Định cư tại Montreal, năm 1988 bác Sơn cùng sử gia Nguyễn Khắc Ngữ và nhà thơ Đỗ Quý Toàn sáng lập Trung Tâm Văn Bút Quebec.

Trong lễ mừng thượng thọ, Luật sư Trần Thanh Hiệp, một trong những sáng lập viên của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, đã từ bên Pháp qua chúc thọ. Các nhà thơ Luân Hoán, Lưu Nguyễn, nhà văn Võ Kỳ Điền và tôi cũng tới chia vui với bác. Buổi lễ mừng do cô Trương Kim Anh, con gái độc nhất của bác Sơn và nhà văn Nguyễn Thị Vinh, tổ chức qui tụ khoảng 150 người mến mộ bác Sơn. Bạn tôi, nhà thơ Dương Kiền, người bạn đời của cô Trương Kim Anh, từ Na Uy đã gửi mấy vần thơ mừng nhạc phụ. Bài thơ có tên là Núi. Núi là Sơn.

Núi bạc đầu chưa? Núi vẫn cao,
Trái tim vẫn nóng chí anh hào,
Ngày nao cờ dựng khơi hồn nước,
Giờ vẫn lòng chung nỗi khát khao.
Núi lộng trời cao, non nước vẫn,
Nước về biển rộng, nưóc non trào,
Không tung vó ngựa sa trường nữa,
Vẫn đẹp uy nghi nếp chiến bào.

Chí sĩ Trương Bảo Sơn giờ ngồi xe lăn nhưng vẻ mặt hiền hòa, tươi vui vẫn còn đậm dấu những oai phong xưa. Bài thơ mới nhất của bác vẫn ngời ngời dũng khí.

Tuổi đã quá cao rồi
Vẫn không yên đứng ngồi
Vẫn cố mươi năm chót
Thực hiện mộng hằng nuôi:
Tuyệt diệt lũ độc tài!

Cái tâm của bác với đất nước không thua gì cái tâm của một chí sĩ khác cũng  mừng thượng thọ cùng ngày với bác: nhà tranh đấu Nelson Mandela của Nam Phi. Ông chí sĩ Nam Phi thua ông chí sĩ Việt Nam 4 tuổi. Cái tên Mandela gắn liền với cuộc tranh đấu chống kỳ thị nơi một đất nước gồm cả người da đen và người da trắng mà người da trắng làm cha người da đen. Cũng vào tù ra khám vì lý tưởng chống kỳ thị, Nelson Mandela cuối cùng đã trở thành Tổng Thống da đen đầu tiên của đất nước Nam Phi. Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban ki-moon đã mô tả Mandela như “ biểu tượng sống của những giá trị cao quí nhất của Liên Hiệp Quốc”. Chủ Tịch Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc Miguel d’Escoto Brockmann ca tụng: “Tôi mong muốn là ngày Mandela sẽ được cử hành như một ngày quốc tế của Liên Hiệp Quốc để tạo hứng khởi cho chúng ta”. Lễ thượng thọ 91 tuổi của chí sĩ Mandela đã được cử hành từ thủ đô Nam Phi Johannesburg tới thành phố Nữu Ước, nơi có vợ chồng Tổng Thống Pháp Sarkozy và Carla Bruni tham dự. Dân chúng trên khắp thế giới được đề nghị dành ra 67 phút trong ngày này để làm việc cộng đồng. 67 phút tượng trưng cho 67 năm kể từ khi ông Mandela bắt đầu cuộc tranh đấu cho quyền bình đẳng của người da đen.

Cũng thuộc category Tổng Thống, ông Bush cha có một lối mừng thượng thọ khác. Lối mừng của ông coi bộ rất thể thao mà nhiều bậc “thượng thọ” khác chắc chịu không theo nổi: nhảy dù! Ông George H. W. Bush mừng sinh nhật thứ 85 mà còn gân chán. Gân hơn tôi là cái chắc dù tuổi tác tôi còn xa mới với tới ngài Tổng Thống. Ngay từ hồi còn thanh niên tôi đã coi những người thả mình từ trên cao xuống như những…thiên thần. Không cách gì mà tôi có thể làm nổi như vậy. Lạnh cẳng chết! Vậy mà ông già gân George Bush đã chơi một cú ngoạn mục khi từ độ cao 10,500 bộ Anh đã thả người cho rơi tự do với vận tốc trên 100 dặm/giờ trước khi mở dù đáp xuống mục tiêu gần nhà riêng bên bờ biển Đại Tây Dương. Lối về nhà vất vả này dĩ nhiên không có tôi. Cứ ngự xe hơi có máy lạnh cho an toàn. Đây không phải là lần đầu tiên vị cựu Tổng Thống này nhảy dù. Ông vốn là phi công lái chiến đấu cơ từ hồi Thế Chiến Thứ Hai và đã bị bắt buộc nhảy dù khi máy bay của ông bị bắn hạ trên không phận đảo Chichi Jima ở Thái Bình Dương vào năm 1944. Thành ra nhảy dù đã là nghề của chàng từ khuya! Và cái trò mừng sinh nhật bằng cách…nhảy dù cố gắng đã được “chàng” thực hiện vào lễ thượng thọ 75 tuổi khi nhảy xuống thư viện George Bush ở Texas. Lần đó ông Bush cha nhảy một mình. Thượng thọ 80 tuổi, lại nhảy nữa nhưng lần này bà Bush rét nên bắt ông phải nhảy cặp với một chuyên viên vì sợ tuổi hạc của ông khiến ông chậm chạp không điều khiển được dù. Lần nhảy mừng 85 tuổi này cũng vậy. Cũng phải nhảy đôi! Dù sao cũng oai chán. Nhảy ở tuổi 85 thì nhảy gì, kể cả nhảy đầm, vẫn cứ oai như thường! Xuống tới đất an toàn trong sự cổ võ đón tiếp của vợ, 5 người con và 14 đứa cháu, ông cho biết ông nhảy vào năm 85 tuổi vì hai lý do: muốn cảm nhận được hứng khởi của sự rơi tự do và muốn chứng tỏ rằng người già vẫn có thể hoạt động vui chơi!

Thượng thọ của hai ông đã từng làm Tổng Thống đình đám như vậy. Thượng thọ của thứ dân cũng thua kém chi. Tổng Thống là Tổng Thống khi còn chưa già chứ già rồi xêm xêm với nhau tuốt! Không xêm xêm mà thượng thọ của cụ bà June Pearce ở một vùng quê trong tiểu bang Florida cũng được nhật trình chạy tin sao? Tôi khoái lối mừng thượng thọ 84 tuổi của bà già nhà quê này. Ít nhất nó cũng thơ mộng hơn các thứ thượng thọ của Tổng Thống. Hồi thập niên 1930, khi cụ còn là thiếu nữ, cụ được một chàng thanh niên đèo mô tô đi chơi xuyên các tiểu bang. Kỷ niệm này cụ vẫn nhớ hoài lại còn kể cho con cháu nghe không phải một lần mà rất nhiều lần. Nhiều đến nỗi cô con gái Carol Brown nhớ rõ từng chi tiết với câu kết: “Chả có gì là dễ sợ lắm đâu!” Thượng thọ 84 tuổi của cụ bà June Pearce, cô con gái Carol không biết mừng gì cho cụ vui lòng. Nhớ tới cái kỷ niệm…lê thê của mẹ, cô bỗng nảy ra một sáng kiến. Cô vào internet rao trên mạng Craiglist: “Có ai muốn mang mô tô tới chở một bà già đi chơi không nào?” Cô nói rõ là bà cụ già này bị đau tim , mất một phần trí nhớ nên hơi lẩm cẩm, và đang bị ung thư phổi. Cô còn cho biết đây là quà sinh nhật của bà cụ. Một ông tên Ron Borowski bắt liền. Ông cho biết sẽ sẵn sàng lái chiếc mô tô Harley-Davidson Low Ryder màu xanh nước biển với nhiều chỗ mạ kền sáng choang chạy 65 dặm đường từ nhà ông tới nhà cụ June để chở cụ đi tìm kỷ niệm ngọt ngào năm xưa. Ông tài xế không công 45 tuổi này nói: “Mẹ tôi qua đời vì bệnh ung thư, vì thế tôi xúc động với lời kêu gọi này”. Đúng ngày sinh nhật thứ 84 , cụ bà June được con cháu bồng lên yên sau chiếc xe mô tô xịn. Cụ khoái chí nói: “Già này ước gì mình hãy còn trẻ trung như hồi xưa!” Trước khi cho nổ máy xe, ông Ron căn dặn: “Giữ cho chắc nghe cụ!”. Tiếng máy nổ làm rung cả đám cỏ bên đường. Cô con gái Carol và đàn cháu ngoại đứng lo lắng. Cụ ông Fred, người chồng 64 năm của cụ bà, không biết có phải là chàng trai lái mô tô năm xưa không, nói trong khi mắt nhòa lệ: “Tôi vẫn chắp tay cầu nguyện cho bà đấy!”. Từ 3 năm qua, cụ vẫn ngày ngày chăm sóc người vợ bệnh ung thư với những lời cầu nguyện. Cụ nói với giọng nhỏ nhẹ: “Tôi may mắn lắm mới được trời cho bà sống tới giờ. Hy vọng cuộc dạo chơi mô tô này sẽ giúp bà sống thêm được sáu tháng nữa”. Cụ bà mắt sáng rỡ, ôm bụng và ngực ông Ron. Chiếc mô tô từ từ lăn bánh. Chẳng đi xa như ngày xưa mà chỉ đảo hai vòng quanh nhà và vượt qua một đoạn đường ngắn trong khu mobile home, nơi có những ông bà già đang khom lưng tưới cây cỏ. Bà cụ ngoài bát tuần nở nụ cười đắc thắng khi chiếc mô tô quay lại, dừng bánh trên lối vào nhà.

Tôi nghĩ cụ bà nhà quê này vui hơn ông cựu Tổng Thống Bush là cái chắc. Ông có đầy đủ phương tiện, muốn chi được nấy, lại nhảy dù hà rầm, lúc nào cũng có người sẵn sàng nhảy phụ giúp ông. Còn bà cụ June thực hiện được ước vọng trở lại những ngày xưa mật ngọt một cách khó khăn, ngàn năm một thuở. Gian nan hơn nên thú vị hơn.

Không hiểu sống tới trăm năm có là điểu thú vị không chứ bách niên giai lão quả là của hiếm. Đời tôi chỉ một lần có dịp cầm tay được một cụ đã vượt qua ngưỡng trăm năm. Đó là cụ Bùi Thị Phượng đang sống ở Montreal. Cụ là hậu duệ của ông Bùi Quang Chiêu, năm nay vừa tròn 105 tuổi, vẫn còn minh mẫn, tuần nào cũng tới hội người cao niên đánh tứ sắc. Đọc trên báo mạng Người Việt ngày 19 tháng 5 năm 2009, tôi được biết một cụ nữa vừa đạt mức trăm năm. Đó là cụ Trần Thị Thông, thân mẫu của nhà văn Quyên Di và nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc. Quà trăm tuổi do con cái kính mừng cụ là một chiếc khăn choàng mà, như lời nhà văn Quyên Di, “tượng trưng cho những bàn tay của con cháu luôn ôm ấp lấy mẹ và bà”. Nhìn hình thì thấy cụ Thông còn rất khỏe mạnh và vui tươi.

Nhưng cụ ông Nguyễn Văn Huyền ở Denver, tiểu bang Colorado bên Mỹ mới ngon lành. Tôi coi cuốn DVD Vân Sơn quay tại Denver mà thấy phục cụ này quá. Hỏi tuổi cụ, cụ bảo mới 9 tuổi. Đó là cụ…phiếm đấy. Cụ trừ đứt đi cái trăm năm. Cụ từ trong phòng bước ra, com lê cà vạt chững chạc. Đi đứng cũng chững chạc. Không gậy, không người dắt, lưng thẳng băng. Nói năng không vấp váp, tiếng rõ ràng, đối đáp nhanh nhẹn và thông minh, nhớ đâu ra đấy không hề lẫn. Hỏi về con cụ bảo ngay có 8 đứa đang ở đây. Hỏi về chắt, cụ nhớ ngay tới đứa chắt lớn tuổi nhất, năm nay đã gần ba chục mà chưa vợ con chi. Lại còn bảo nó không ở đây mà ở tận bên Úc. Cụ đối đáp với ông MC miệng trơn như mỡ Việt Thảo mà không hề lép vế. Được hỏi cụ làm nghề chi, cụ hóm hỉnh: “Nghề làm cho người chết sống lại!” Mãi cụ mới…giải mã đó là nghề thầy lang mà trong nước gọi là đông y sĩ. Hỏi cụ có sợ chết không, cụ ỡm ờ: “Làm người ai mà không sợ chết, ai nói không sợ chết là nói dối”. Rồi cụ còn…tục ngữ: sống mỗi người mỗi nết, chết mỗi người mỗi tật. Nhưng cụ có sợ không, cụ không xác định. Ép cụ nói cụ sợ chết, cụ không nói. Một lúc sau cụ mới bật mí tại sao không nói: “Nếu tôi nói sợ thì bao nhiêu thuốc của tôi ế hết sao!”. Cụ giỡn thông minh thế đấy! Bí quyết sống lâu của cụ là ăn đồ mềm, dễ tiêu, không bắt dạ dày làm việc nhiều như ăn cháo chẳng hạn. Không ăn vặt. Cụ cho biết vì ngày còn nhỏ, nhà nghèo không ăn vặt, quà thì chỉ khi nào mẹ đi chợ về mới có. Thể dục thì cứ đi bộ. Mỗi ngày đi chừng nửa cây số. Cụ còn đi bộ không? Mới bỏ từ 4 năm nay. Vậy là tới 105 tuổi cụ vẫn thể dục đều đều! Cuộc…thẩm vấn cụ đi vào vấn đề nhạy cảm. Cụ còn thích phụ nữ không? Cụ lách: “Tôi cũng như ông thôi!” Cụ bà mất đã lâu rồi, nay cụ có nghĩ tới chuyện đi bước nữa không? Cụ lách tiếp: “Không lấy vợ nữa không phải vì hết sức.” Cụ lại ví von: lúa gặt xong, chở về nhà thì ngoài đồng lúa lại mọc tiếp. Xe hơi chạy được trăm cây số nhưng lúc nào cũng chạy tối đa thì máy mau hỏng, chạy sáu chục thôi thì máy bền lâu dài hơn. Xong cụ phán: “Người cũng vậy!” Chịu cái thông minh và khiếu hài hước của ông cụ. Không được trực tiếp gặp cụ nên tôi không có dịp hỏi cụ có thích viết phiếm không. Tôi nghĩ nếu viết thì chắc cụ viết cũng tới lắm!

Viết như cụ Phan Khôi thì tới là cái chắc. Cụ tinh thông thập bát ban võ nghệ. Vừa là học giả, vừa viết văn, vừa làm thơ. Thứ nào cũng sắc bén, hay ho. Bài thơ Tình Già của cụ làm từ năm 1932 là bài thơ mới đầu tiên trong văn học Việt Nam. Ngay từ trước năm 1945, cụ nổi tiếng là Ngự Sử Văn Đàn, viết thẳng, nói thật, phê phán chính sách thuộc địa của Pháp, tranh luận sắc bén về các vần đề chính trị, xã hội và văn học trên các báo từ Nam chí Bắc. Sống dưới chế độ Cộng sản, cụ vẫn không hề uốn cong ngòi bút. Cụ nằm trong nhóm Nhân Văn, Giai Phẩm và gặp nạn. Từ năm 1956 cụ bị trù dập vì bị quy tội phản động. Năm 1957, cụ tới tuổi cổ lai hy, bị cô lập, không một ai dám lai vãng tới chúc thọ, cụ bèn làm một bài thơ tự chúc thọ có hai câu như sau:

Lên bảy mươi rồi mẹ nó ơi!
Thọ ta, ta chúc lọ phiền ai.

Bài thơ dĩ nhiên không được phổ biến nhưng Nguyễn Công Hoan cũng đọc được. Ông nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm như Kép Tư Bền, Tắt Lửa Lòng, Lá Ngọc Cành Vàng, Bước Đường Cùng… tổng cộng đã có một văn nghiệp đồ sộ với trên 200 truyện ngắn và 30 truyện dài. Có tài nhưng lưng bị cong, ông Nguyễn đã cúc cung tận tụy trong vai nịnh thần của chế độ. Lưng cong, chữ nghĩa cũng đổ đốn, ông Nguyễn Công Hoan làm bài thơ họa như sau:

Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi!
Thọ mi, mi chúc chớ hòng ai.
Văn chương! Đù mẹ thằng cha bạc!
Tiết tháo! Tiên sư cái mẽ ngoài
Lô-dích, trước cam làm kiếp chó,
Nhân văn, nay lại hít gì voi,
Sống dai thêm tuổi, cho thêm nhục,
Thêm nhục cơm trời, chẳng thấy gai.

Cụ Phan Khôi sanh năm 1887. Ông Nguyễn Công Hoan sanh năm 1903, kém cụ Phan 16 tuổi. Kẻ hậu sinh đã tạt vào mặt bậc trưởng thượng một thứ chữ nghĩa của người vô học. Cái vô học của một nhà văn! Đất nước ta từ ngàn xưa có truyền thống yêu trẻ kính già, chẳng bao giờ có những sản phẩm tồi tệ như vậy. Đất lề quê thói. Đất mất lề thì con người, dù là người văn học, cũng mang thứ từ ngữ đầu đường xó chợ vào văn thơ.  Nguyễn Công Hoan mất vào năm 1984, thọ 81 tuổi. Cũng là một người vượt qua cầu…xưa nay hiếm. Không hiểu trước khi nhắm mắt, trong một phút hiếm hoi nào đó, con người mang tiếng là văn nhân này có ngộ ra được chút gì khá hơn không!

07/2009