Bạc
Bụng
Burqa
Chết
Chửi
Chuyện
Cua
Cúm
Cứu
Đầu
DNA
Dzô
H1N1
Hiếm
Học
Khoe
Làm
Lộn
Mại
Mao
Màu
Nói
Non
Phố
Ruồi
Tết
Thang
Theo
Thuê
Trúng
Túi
Tưới
Vẽ
Vợ

HỌC

Dân Nhật là một dân tộc văn minh, tiến bộ và có một niềm tự hào dân tộc rất lớn. Không biết có phải vì vậy mà dân nước này ít chịu học ngoại ngữ không. Tôi đã tới Nhật hai lần, lần nào cũng rất mỏi tay khi hỏi han họ. Chỉ được cái họ có nụ cười rất dễ thương. Không nói được nhưng không ngẩn tò te tỏ vẻ khó chịu mà toét miệng ra cười. Nhìn các em trẻ trung dễ thương cười thì không thể không vui được. Ngay tại các khách sạn, mấy em đứng tại quầy tiếp tân cũng chỉ xài toàn tiếng Nhật. Khách hiểu được thì hiểu, không hiểu thì ráng chịu. May lắm vớ được một anh biết tiếng Anh thì mừng hết lớn. Nhân viên khách sạn đã vậy, Thủ Tướng cũng chẳng hơn.

Trước khi sang Mỹ hội đàm với Tổng Thống Barack Obama, Thủ Tướng Mori được nhân viên ngoại giao dạy vội mấy câu tiếng Anh xã giao. Họ dặn ông: “ Khi bắt tay với Tổng Thống Mỹ, Ngài sẽ nói ‘How r u’. Tổng Thống Obama sẽ trả lời ‘I am fine, and you’. Tiếp theoNgài phải nói ‘Me too’. Sau đó thì thông dịch viên sẽ bắt đầu thông dịch”. Chỉ có hai câu tiếng Anh chào hỏi căn bản như vậy, mọi chuyện tưởng là dễ dàng. Nhưng không phải vậy. Khi Thủ Tướng Mori gặp Tổng Thống Obama, đáng lẽ hỏi How r u? như được chỉ dẫn, ông lại hỏi Who r u?. Tổng Thống Mỹ ngớ ra. Ngay sau đó, biết ông Thủ Tướng này nói lộn, Tổng Thống Obama nổi máu…phiếm trả lời: “Tôi là chồng bà Michelle, ha ha ha!” Thủ Tướng Nhật thấy ông Obama cười vui quá, vội nói câu tiếp theo đúng bài bản:‘Me too, ha ha!”.

Câu chuyện tưởng là chuyện cười nhưng đây là chuyện thật do Tòa Đại Sứ Nhật tại Hoa Kỳ tiết lộ. Tài liệu bảo chuyện thật thì tôi tin là thật chứ chưa xác minh với Tòa Đại Sứ Nhật vì tôi không biết tiếng Nhật! Thế mới biết ngoại ngữ là một chuyện phiền toái. Lỗi tại…Thượng Đế! Khi con người đồng lòng chung sức hì hục vác đá xây tháp Babel, Thượng Đế bèn rét. Chúng nó mà bảo nhau xây mãi lên thế này thì có ngày chúng xây lên tới tận trời thì nhột chết! Thượng Đế bèn ngăn cản bằng cách cho mỗi đứa nói một thứ tiếng riêng để chúng không bảo nhau xây tháp lên cao được. Từ đấy mới có tiếng này tiếng kia. Phiền phức từ đó mà ra. Chỉ có một số người không phiền. Đó là các giáo sư sinh ngữ và các thông dịch viên. Nhờ cái rét của Thượng Đế họ mới có job!

Tôi cũng đã có thời dạy sinh ngữ ở Việt Nam nên có thiên vị những người làm job này chút đỉnh cũng là điều hợp lý. Chúng ta nên học sinh ngữ! Nếu không thì nhiều khi thiệt hại lớn. Như trường hợp anh nhà giàu Mỹ sang Thụy Điển. Anh này tưởng cứ vác mớ tiếng Mỹ đi khắp thế giới chỗ nào cũng… xà và. Tưởng vậy mà không phải vậy. Một hôm ông du khách Mỹ này làm quen được với một em tóc vàng Thụy Điển trẻ đẹp. Hai người nhìn nhau mà chẳng nói vì có nói cũng không ai hiểu chi. Cuối cùng họ nói với nhau bằng…hội họa. Cô gái vẽ một chai rượu và một chiếc ly. Ông du khách hiểu ngay, mời người đẹp vào quán uống rượu. Uống xong cô vẽ một con gà nằm ngửa trên có cắm một con dao. Ông Mỹ bèn hiểu và dẫn cô vào một nhà hàng ăn. Ăn uống xong, má đỏ hây hây, cô liếc mắt đưa tình và vẽ một chiếc giường. Lần này ông du khách chỉ gật đầu cười cười. Về lại Mỹ, ông kể chuyện gặp người đẹp cho bạn bè nghe và thắc mắc: “Tôi không hiểu sao con bé đó với tôi mới gặp nhau lần đầu mà nó biết tôi làm nghề thợ mộc!”

Đấy, không học sinh ngữ thiệt hại như vậy đó. Cổ võ cho việc học sinh ngữ, tôi chỉ muốn kiếm tí job cho các bạn đồng nghiệp thế hệ sau của tôi. Vậy mà không ngờ có ông lại lo xa hơn cả tôi. Ông học sinh ngữ cho cuộc sống mai hậu! Đó là một ông già người Việt đã gần đất xa trời. Ông ngồi trên ghế đá công viên ở Sài Gòn mở sách ra học tiếng Hebrew của dân Do Thái. Một anh công an đi qua, kiểm tra sách ông đang đọc và hỏi: “Ông đọc sách gì mà chữ nghĩa kỳ cục như vậy?”. Ông khép nép thưa: “Thưa, đây là chữ Hebrew của người Do Thái.” Anh công an thẩm vấn tiếp: “Ông già rồi, làm gì còn cơ hội đến Do Thái nữa mà học thứ tiếng nhăng cuội này làm chi?”. Ông già lại khép nép thưa: “ Lạy Chúa, ông nói đúng, nhưng khi tôi lên thiên đàng thì họ cũng nói tiếng Do Thái vậy!”. Anh công an cười khẩy hỏi: “Sao ông biết ông sẽ lên thiên đàng. Lỡ ông xuống hỏa ngục thì sao?” Ông già thủng thẳng đáp: “Dạ, cũng không sao. Vì tôi đã biết nói tiếng Việt Nam rồi!”.

Dù tôi có muốn quảng cáo nghề xưa của tôi cũng chẳng nên quá nhiệt tình. Chấm dứt chuyện học sinh ngữ ở đây là vừa. Chúng ta nói tới chuyện học chính quy. Thường thì việc học là job chính của tuổi cắp sách tới trường. Nhỏ không học, lớn làm chi? Ấu bất học lão hà vi? Thời tôi còn mài đũng quần nơi lớp học, các cụ luôn ủng hộ việc học bằng những lằn roi mây quắn mông hỗ trợ cho câu dạy dỗ: không chịu học lớn lên đi ăn mày à! Nhờ lối giáo dục…roi mây đó mà nghề ăn mày không phát triển được. Học vấn là cánh cửa mở ra cho cuộc đời sáng sủa mai sau. Cửa mở ra tới đâu lại là chuyện khác. Theo quan niệm của phần lớn các bậc phụ huynh Việt Nam thì mở ra tới cái bằng bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ là được. Các bạn tôi thời cắp sách tới trường thường tóm gọn mục tiêu này trong ba chữ: giới y dược. Đó là giới làm ra được nhiều tiền và dễ tham chính. Ôm cái bằng bác sĩ thì muốn làm Thủ Tướng hay bộ trưởng bộ gì cũng được. Cũng như bác sĩ thì chữa bá bệnh từ trong ra ngoài. Ngày nay, đi ở nhờ nước người ta, khó tham chánh, quan niệm…y dược này vẫn không thay đổi. Tôi có một ông bạn ở cùng thành phố, con không muốn học y khoa nhưng cố ép cho bằng được. Cậu bé là đứa con có hiếu, chịu nghe lời học nghề cầm kim chích tuy không thích. Khi lãnh được bằng bác sĩ, cậu mang bằng về tặng bố mẹ rồi lẳng lặng làm đơn xin chân tài xế xe buýt tha hồ ngao du khắp phố phường theo ý thích!

Học cho mình đã khó, học cho cha mẹ còn khó hơn bội phần. Tôi phải thú thật không phải là người chăm học. Cứ tà tà đủ điểm trung bình là đạt. Thi cử chẳng bao giờ xuất sắc nhưng rớt thì đã đòi phen. Từ những cú đạp vỏ chuối này tôi mới tìm ra được một…triết lý. Trong đời đi học mà chưa được thi trượt lần nào quả là một thiếu sót. Làm sao biết được cái thứ không ăn ớt mà cay! Làm sao nếm được đủ mùi tân khổ của đời cắp sách tới trường. Triết lý này đã được các ông bạn từng đạt tới mức thi không bao giờ trượt ngày xưa nay bỗng…tiếc. Mất hẳn đi một cái thú đau thương! Tiếc chán các ông ấy vặc lại tôi: “Chắc ngày xưa chỉ số thông minh của ông không được cao nhỉ?” Câu hỏi xóc óc làm tôi ngơ ngẩn. Ừ nhỉ! Bối rối một lúc rồi cũng vững tâm trở lại. Xét ra mình cũng không lép vế trong cuộc sống, chắc chẳng đến nỗi nào! Tôi thả tiếp liền mấy quả bom hạng nặng cho mấy ông đang vác mặt lên ra cái điều ta thông minh nhất nam tử: “Thông minh chắc chẳng bằng các ông nhưng tôi biết nhiều người thông minh hơn các ông nhiều!” Tôi kể ra một lô các…thần đồng trong chuyện học vấn cho các ông ấy thu nhỏ người lại chút đỉnh. Như anh thần đồng Kim Ung-Yong, người Đại Hàn. Anh này đã được sách kỷ lục Guinness công nhận là người có chỉ số thông minh cao nhất thế giới: 210 điểm. Năm lên 4 tuổi đã vào Đại Học, năm 15 tuổi đã có bằng Tiến sĩ. Sanh năm 1962, chỉ 4 năm sau anh đã có thể đọc tiếng Nhật, Hàn, Đức và Anh. Năm 5 tuổi cậu bé Kim đã giải được trọn vẹn những bài toán phức tạp. Tiếp theo đó, trong một chương trình truyền hình của Nhật, Kim đã chứng tỏ trình độ siêu đẳng các ngôn ngữ Trung Hoa, Tây Ban Nha, Đức, Anh, Nhật, Hàn, Tagalog và…Việt Nam! Ngay từ năm lên 4 tuổi, trường Đại Học Hanyang đã mời cậu bé vào học ban vật lý của trường. Cậu Kim học tại đây có 2 năm, từ 4 tuổi tới 6 tuổi. Năm lên 7, cơ quan Hàng Không và Không Gian Hoa Kỳ NASA đã mời cậu qua Mỹ và năm 15 tuổi cậu đã ôm được mảnh bằng Tiến Sĩ Vật Lý tại Đại Học Colorado. Năm 1974, trong khi còn đang học đại học, cậu bé 12 tuổi này đã bắt đầu làm công việc nghiên cứu tại NASA và chỉ chấm dứt khi trở về Hàn Quốc vào năm 1978, lúc cậu vừa được 16 tuổi. Về nước, cậu bé Kim đã quyết định chuyển ngành theo nhu cầu trong nước. Từ ngành vật lý, cậu nhảy qua ngành xây dựng, học xong bằng Tiến sĩ về ngành mới.

Cậu bé Gregory Smith sanh năm 1990, không biết chỉ số thông minh là bao nhiêu mà mới 2 tuổi đã biết đọc và năm 10 tuổi đã vào đại học. Vậy mà cậu bỗng chán học! Cậu sáng lập ra tổ chức International Youth Advocates và đi chu du khắp thế giới hoạt động cho hòa bình và quyền của trẻ em. Cậu đã gặp toàn các tai to mặt lớn như Bill Clinton và Mikhail Gorbachev và đọc diễn văn trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Gregory cũng đã được đề nghị giải Nobel Hòa Bình tới 4 lần tất cả!

Cậu bé Akrit Jaswal ở Ấn Độ sanh năm 1993 có chỉ số thông minh là 146 điểm. Thua xa cậu bé Đại Hàn Kim Ung-Yong nhưng là số một ở Ấn Độ. Năm 2000, khi mới 7 tuổi, cậu đã giải phẫu thành công một ca bị phỏng ngay tại nhà. Nạn nhân là một cô bé mới 8 tuổi, không có tiền đi bệnh viện. Cô bé này bị phỏng lửa khiến các ngón tay nắm chặt lại không thể mở ra được. Mặc dù chưa được huấn luyện về phẫu thuật và chưa có kinh nghiệm mổ xẻ, cậu bé Akrit đã giải phẫu cho tay của cô bé mở ra được và trở lại bình thường. Hiện cậu bé 16 tuổi này là sinh viên trẻ nhất của trường Đại Học Chandigarh đang theo học ngành khoa học.

Cậu bé Michael Kearney sanh năm 1984 là người giữ nhiều kỷ lục hoàn cầu về học. Mới 4 tháng tuổi cậu đã nói bập bẹ, 6 tháng tuổi đã nói với bác sĩ khi được đưa đi khám bệnh: “Cháu bị viêm tai trái!”. Lên 10 tuổi đã đoạt được điểm tuyệt đối trong cuộc kiểm tra toán học cho trẻ có khả năng toán sớm của John Hopkins. Tốt nghiệp trung học năm lên 6, tốt nghiệp đại học Santa Rosa Junior College năm lên 10, giữ kỷ lục người trẻ nhất trên thế giới có bằng đại học. Năm 17 tuổi đã trở thành giảng viên đại học. Năm 2006, 22 tuổi, Michael đã là người đầu tiên đoạt được giải 1 triệu đồng trong chương trình thi đố Who Want To Be Millionaire sau khi đã trả lời đúng hết các câu hỏi. Tôi vẫn thường xuyên theo dõi chương trình đố vui để học Mỹ này. Càng vào sâu, chương trình càng đặt ra những câu hỏi hóc búa mà thường thí sinh phải bỏ cuộc nửa chừng. Ăn được tiền của chương trình…tri thức này không phải dễ. Ẵm được nguyên 1 triệu chắc chỉ có anh thần đồng này!

Tôi chơi liền một hơi bốn quả bom…thần đồng làm nhụt lòng tự hào của các ông bạn đã có một thời lẫm liệt trong trường học vấn. Chơi như vậy kể là chơi xấu nhưng chúng tôi già rồi, ai cũng sinh tật.

Chuyện học hành là chuyện của tuổi trẻ, của những người tóc hãy còn xanh. Nhỏ mà không học thì còn ra cái chi chi nữa. Tôi thuộc loại chẳng ra cái chi chi nhưng đã may mắn được học tới nơi tới chốn. Vậy mà khi sang đồng đất nước người, nửa đời làm lại, cứ tiếc hùi hụi không được học lại trong cái biển học mênh mông của một thế giới tiến bộ vượt bậc. Chắc nhiều người cũng mang niềm tiếc nuối như tôi. Và nhiều người đã…can đảm. Phải nói là can đảm vì học khi trẻ khác, khi già khác. Khác một trời một vực!

Bà Nguyễn thị Cơ nói: “Tôi già rồi, đi học vì thấy vui với tuổi già, đi học chỉ là để mở mang thêm một chút kiến thức, để cho não mình hoạt động. Học để tự biết chăm sóc bản thân. Thêm nữa, vì tôi sợ tôi bị bệnh lẫn như má tôi ngày xưa thì khổ cho các con tôi, cho nên tôi phải học. Vả lại, người ta học được, mình học được”. Mang một cái tên rất thường của người Việt mình, với những câu nói rất giản dị, nhưng ý chí của bà Cơ thật phi thường. Sang Mỹ năm 1998 vào lúc đã trên 60 tuổi, khi đó bà ở Garden Grove mỗi ngày phải bắt 6 chuyến xe buýt đi về từ nhà tới trường cộng đồng Coastline Community College. Khi theo con cái chuyển nhà về Riverside, số chuyến xe buýt tăng lên tới 10 chuyến, bất chấp thời tiết nắng mưa gió rét, bà Cơ kiên trì suốt 10 năm ròng rã mới học xong. Khi tốt nghiệp thì bà đã 72 tuổi! Ý chí thì bà đã có từ lâu. Chồng mất năm bà mới có 36 tuổi, bà một thân một mình nuôi bày con 10 đứa mà đứa út được sanh ra 16 ngày sau khi chồng mất. Chưa hết, bà còn phải chăm sóc bà mẹ già bị bệnh Alzheimer trong suốt 7 năm. “Tôi nuôi con trong sự nghèo khó cơ cực. Tôi vừa đi dạy ở trường, vừa đi dạy kèm để kiếm tiền nuôi con. Có những hôm dạy tới tận 10 giờ tối, trời mưa tầm tã, tôi lạc đường, lo lắng, sợ hãi, đủ thứ hết…” Làm quần quật như vậy, bà chưa thấy khổ. Nhưng khi nhìn cái đói của đàn con bà mới cảm thấy ray rứt. “Chúng học luyện thi đại học mà chỉ có trong bụng chén cháo đậu đỏ, cơm không đủ ăn. Tội lắm!” Có lẽ quần quật làm việc đã thành thói quen nên khi vừa bước chân tới Mỹ, bà tìm báo Việt đọc để kiếm việc làm thêm nhưng các con không cho. Không cho đi làm thì bà đi học. Vì việc học không bao giờ trễ cả. Bà đã bắt đầu học từ những lớp luyện Anh văn ESL rồi chuyển lên chương trình học chính qui cho tới khi tốt nghiệp vào tháng 5 năm 2009 vừa qua. Với số tuổi 72, bà Cơ vẫn chưa chấm dứt việc học. Bà dự định sẽ học tiếp tại Đại Học Fullerton để lấy bằng đi dạy học. Bà đã nhận được hai học bổng: The Leisure World Oasis The Foundation Scholarship Award.

Dân Việt ta có bà Nguyễn Thị Cơ thì thế giới cũng có nhiều người đã mõm nguời mà vẫn thích học. Một ông người Mỹ đã từng qua làm việc bên Việt Nam, cưới một bà vợ Việt đã có sẵn một bày con. Sau tháng 4 năm 1975, ông đưa cả gia đình về Mỹ vào đúng lúc ông nghỉ hưu. Ông cắp sách tới trường lại. Hỏi ông già rồi còn công hầu khanh tướng chi nữa mà học cho mất công, ông nhẩn nha trả lời: “Học cho tụi con chúng bắt chước. Mình đã hưu rồi mà còn làm gương thì chúng nó ắt phải học”. Ông mải mê treo gương cho tới khi lấy xong tấm bằng B.A. mới chịu…hưu. Trước cái gương sáng choang như vậy, bày con của bà vợ Việt còn có con đường nào khác. Đứa nào cũng học hành ngon lành. Cụ bà Eleanor Benz, cũng người Mỹ, đã lãnh bằng tốt nghiệp trung học vào năm 90 tuổi, sau khi rời trường trung học Lake View ở Chicago 73 năm trước. Đó là năm 1936, vì kinh tế suy thoái, bà bắt buộc phải bỏ học để kiếm việc làm nuôi gia đình. Cụ lãnh bằng trước sự khâm phục của 15 người con, 54 người cháu và 37 đứa chắt!

Ông cụ Chao, người Đài Loan thuộc loại tổ sư hơn nữa. Cụ mới lãnh tấm bằng Thạc Sĩ Triết  bữa 14 tháng 6 vừa qua vào lúc tuổi đã 96! Cụ sanh ngày 4 tháng 7 năm 1912 và cắp sách tới trường vì đã về hưu, chỉ làm thiện nguyện viên cho một bệnh viện mà bệnh viện này chê cụ già không cho cụ làm nữa. Không làm thì…học. Thế là cụ ghi tên vào Đại Học Nanhua học chung với các sinh viên đáng tuổi cháu chắt của cụ. Học như vậy thì chuyện chi là khó khăn nhất? Cụ cho biết đó là trí nhớ. Trí nhớ của cụ suy yếu không bằng các “bạn” học trẻ hơn. Nhưng cụ vẫn nhất định không bỏ cuộc. Trí nhớ sa sút thì cụ thức thâu đêm suốt sáng trước ngày thi để…tụng. Cụ cho là làm như vậy thì kiến thức vẫn còn mới mẻ khi bước vào phòng thi.

Tôi ngán các bậc trưởng thượng này quá. Họ làm cho tôi bối rối. Học hành thi cử là thứ cực hình, buông sớm được ngày nào hay ngày đó, còn để thời giờ mà enjoy cuộc đời. Vậy mà họ cứ làm gương cho con cháu mới mệt chứ! Ông cụ Wang Xia ở tỉnh Giang Tô bên Trung Quốc thuộc loại trì trí siêu hơn nữa. Chỉ có việc thi vào đại học mà hai lần cụ trượt vỏ chuối.  Đó là vào các năm 2001 và 2002. Trước tấm lòng ham học của cụ, trường Y Khoa Đại Học Nam Kinh cho cụ vào học dự thính. Là sinh viên…vòng ngoài nhưng cụ vẫn chăm chỉ hết sức. Cụ vượt qua toàn bộ 49 môn thi nhưng vẫn không được cấp bằng. Học dự thính thì sao mà nhà trường cấp bằng được! Tức khí, năm 2007 cụ lại cắp bút đi thi nhập học lại! Thiệt tình! Không hiểu làm chi được với cái bằng Đại Học khi tuổi đã 78 mà bon chen như vậy! Lần này cụ lại…vỏ chuối nữa. Năm sau 2008 cụ lại thi và cũng chưa có tên trên bảng vàng. Vậy thì thôi đi. Cụ không thôi. Còn thở thì còn thi. Nhất định tóm được cái bằng đại học mới hả dạ! Năm nay cụ đã vừa chẵn 80 tuổi!

Học như các…thần lão trên đây thì ai cũng phải bái phục. Tôi cảm thấy mắc cở khi nghĩ tới cái học loại tài tử của mình. Học như tôi ngày thanh xuân có đáng được gọi là học không? Thôi thì cứ tự an ủi là biển học mênh mông, mình mới chỉ nhúng sơ sơ một chân xuống biển cũng có thể gọi là thấm sơ sơ được ơn mưa móc của tri thức. Tri thức không chỉ dừng lại ở những mảnh bằng làm cái cần câu cơm, tri thức còn thúc đẩy con người tới những nghiên cứu, phát minh ra những điều ích lợi cho nhân loại. Dân Việt mình ít có người đi tới cùng của tri thức mà chỉ nắm lấy mảnh bằng làm chiếc cần câu tiền là đã tự mãn. Tri thức và lương tâm là những thứ tầm phào!

Nhưng nghiên cứu như ông giáo sư ngôn ngữ Nhật này cũng phiền lắm. Ông sang tới xứ Huế của chúng ta, vừa đặt chân tới ga xe lửa Huế, nghe thấy hai người Huế nói chuyện với nhau trong cái không khí ồn ào, gấp gáp của một nhà ga đông khách, ông vội kết luận là tiếng Huế cùng họ với tiếng…Nhật! Mẩu đối thoại ông nghe được như sau:

- Mi đi ga ni?
- Tau đi ga ni. Mi đi ga mô?
- Ga tê. Tau đi ga tê.
- Ga tê ga chi? Răng đông như ri?
- Chi mô! Khi mô mi đi?
- Mau mi. Mi lo đi đi.
- Tau đi nghe mi!

07/2009