Bạc
Bụng
Burqa
Chết
Chửi
Chuyện
Cua
Cúm
Cứu
Đầu
DNA
Dzô
H1N1
Hiếm
Học
Khoe
Làm
Lộn
Mại
Mao
Màu
Nói
Non
Phố
Ruồi
Tết
Thang
Theo
Thuê
Trúng
Túi
Tưới
Vẽ
Vợ

KHOE

Tôi vừa đi tắm biển về. Vừa nói xong một câu tưởng là vô thưởng vô phạt ai ngờ ông bạn nhanh mồm nhanh miệng phang ngay một câu: “Lại khoe!”. Thực ra chẳng có gì mà khoe. Cứ vào khoảng thời gian này, khi mấy nàng tuyết trắng tạm biệt dân Montréal là dân xứ lạnh chúng tôi cũng ra đi. Như một cách ăn mừng cho sự chấm dứt những ngày rét mướt da dẻ mốc thếch. Muốn da khỏi mốc thì đi tẩy trần ngoài biển. Chuyện thường tình mà rất nhiều bạn bè của tôi vẫn hay làm. Có chi mà khoe!

Dân Việt chúng ta khi mới qua định cư, đầu tắt mặt tối, người làm hai job, người chẳng bao giờ biết lắc đầu khi được hỏi làm overtime nên chuyện nghỉ hè nghỉ đông là chuyện của…tây. Ta chẳng thèm! Kịp tới khi đã chán làm nhiều, đầu đã biết lắc, có đồng ra đồng vào rủng rỉnh ta mới bước lên máy bay để đi thăm bạn bè, thân bằng quyến thuộc định cư ở những vùng xa xôi khác. Trải tấm nệm trong phòng khách, thêm bát thêm đũa trên bàn ăn làm ấm thêm tình thân. Cứ nhìn thấy nhau, trò chuyện thâu đêm đã là vui. Chuyện đi thăm danh lam thắng cảnh trong vùng là chuyện phụ. Tiến lên một bước nữa, chúng ta mới…du lịch. Đầu tiên là du lịch về Việt Nam thăm bà con cô bác, nhìn lại cảnh cũ, ăn món ăn quê hương. Du lịch nhưng vẫn chưa phải là du lịch. Phải tới ngày nay, sau vài chục năm cầy cấy, tuổi đã cứng, sức khỏe đã mòn, chúng ta mới nghĩ tới việc châm nước cho chiếc xe cũ. Vậy là du lịch chính hiệu con nai vàng, ăn nhà hàng, ngủ khách sạn, chụp hình quay phim lia lịa để một mai khi thân hình dính với chiếc ghế có cái mà…nhai lại. Chuyện thiên hạ làm hà rầm thì tôi có du lịch tí tỉnh có chi mà khoe!

Nơi tôi tới là một chốn khá rắc rối. Rắc rối đầu tiên là vị trí của nó trên bản đồ thế giới. Năm ngoái, khi anh bạn Trường Kỳ rủ tôi sang năm cùng đi đảo Saint Martin tắm biển, nghe nói là đẹp lắm, tôi gật đầu liền tuy chẳng biết nó ở nơi mô. Năm nay Trường Kỳ chẳng thèm đi nữa thì vợ chồng nhà thơ Hoàng Xuân Sơn rủ đi. Lại gật đầu liền. Lần này đi thật và đi liền nên phải chú tâm tìm xem cái đảo này ở đâu. Vào internet coi xem cái xứ mang tên ông thánh họ hàng với thứ rượu cognac rất thơm miệng này ở đâu thìbiệt vô âm tín. Chẳng biết mô tê đâu mà tìm. Vô lý, chẳng lẽ nó ở trên…thiên đàng! Phôn qua phôn lại một hồi với người lo chuyện book vé là chị Sơn, tôi mới nắm cổ được nó. Trời đất, muốn tìm Saint Martin thì phải tìm Sint Maarten. Nó nằm lẫn trong một đống đảo lộn xà ngầu gần Cộng Hòa Dominican. Đảo chỉ bằng cái đầu kim trên bản đồ, chẳng đủ chỗ để ghi vào được cái tên, lại chữ nghĩa rối bời như thế thì mần răng mà tìm. Chuyện chữ nghĩa lộn xộn như vậy là vì cái hòn đảo cỡ đi dăm phút lại về chốn cũ này bị chia làm đôi, một nửa của Hòa Lan, một nửa của Pháp, có biên giới đàng hoàng nhưng vượt biên thì chẳng ai thèm biết. Trên đường biên giới cắt ngang hòn đảo chỉ có ba lá cờ: cờ Saint Maarten ở giữa, hai bên là cờ Pháp và cờ Hòa Lan. Ngộ một cái là cờ Hoà Lan và cờ Pháp đều ba màu xanh trắng đỏ hệt như nhau, chỉ khác là anh thì ba vệt màu nằm ngang, anh thì ba vệt màu nằm dọc. Kể cũng là đối lập! Bên anh Pháp thì kêu là Saint Martin, bên anh Hòa Lan thì là Sint Maarten! Tiền thì bên phía Pháp tiêu tiền euro, bên phía Hòa Lan tiêu đồng guilder của Hòa Lan nhưng trên thực tế thì cả hai bên tiêu tiền đô Mỹ thoải mái. Cứ như đang ở bên Mỹ! Trị giá của tiền euro cao hơn tiền Mỹ nhưng bên phía Pháp muốn bán được hàng cho du khách thì phải nhận tiền Mỹ với cái giá ngang với tiền euro. Vậy là trên thực tế một đồng euro bằng một đô Mỹ.

Du khách thứ lèng xèng như tôi rất ngại đi taxi nên cứ xe buýt thẳng tiến. Đường nào cũng có xe buýt. Vậy mà ra đường chẳng thấy một chiếc xe buýt nào! Bởi vì cái gọi là xe buýt thực ra chỉ là những chiếc xe thường có khoảng trên dưới một chục chỗ ngồi, chẳng có chi phân biệt giữa xe nhà và xe công cộng ngoài tấm bảng nhỏ bằng cạc tông cũ mèm dắt trên kính xe phía trước. Mỗi xe có cả chục tấm cạc tông như vậy, mỗi tấm là một lộ trình. Tài xế muốn theo lộ trình nào thì trưng bảng tên lộ trình đó, rất tự do thoải mái. Khách đứng bên lề đường chỉ cần giơ tay ra là xe ngừng, chẳng bến đỗ chi cả, muốn đứng đâu thì đứng. Du khách như tôi thì tài xế chỉ cần nhìn cái mặt ngố cũng ngừng lại ngay, chẳng cần cái giơ tay, tay dùng để làm việc khác! Khách sạn nơi tôi ngụ ở ngay đầu các tuyến đường xe chạy nên khi nhìn thấy bốn ông bà khách, chiếm gần nửa xe, đã đủ sở hụi, nên xe nào cũng sẵn sàng mở cửa rước các chàng và nàng lên. Nói như vậy là một cách nói chứ thực ra khách phải mở cửa lấy chứ tài xế vẫn ngồi tỉnh bơ trên ghế. Cửa là cửa kéo giống như cửa các xe minivan, thường là cũ mèm, rất mất sức lao động khi kéo. Khi bốn ông bà du khách loại lèng xèng đã yên vị, tài xế mới hỏi đi đâu và trưng ra tấm bảng lộ trình thích hợp để đón khách dọc đường. Đi nguyên lộ trình giá 2 đô, đi một đoạn giá 1 đô hay 1 đô rưỡi tùy theo đoạn đường xa gần. Dân địa phương cũng trả tiền đô Mỹ, kể cả tiền xu, chứ chằng thấy ai trả bằng tiền Hoà Lan hay tiền euro. Chỗ tôi ở là Maho muốn đi tới thủ đô phía Hòa Lan là Philipsburg tốn 2 đô, muốn đi tới thủ đô phía Pháp Marigot thì phải đổi xe đi làm hai chặng, tốn 3 đô rưỡi. Nhưng thường muốn đi Marigot thì bốn du khách loại không sang trọng chúng tôi, được tài xế mặc cả chở đi thẳng theo đường tắt gần hơn và xin 20 đô cho bốn người. Lúc đó bốn du khách lại làm sang gật đầu ngay. Mất thêm có 6 đô cho bốn người mà được tiếng sang là cái giá khá hời. Lời hơn nữa là cứ bô bô tiếng Việt một cách thoải mái trên suốt hành trình coi anh tài xế chẳng ra chi!

Tới Marigot là tới đất…tây. Những quán cà phê vỉa hè cùng những tấm bảng tên đường tây đặc : Rue de la Liberté, Rue du Général De Gaulle, Boulevard de France, Rue de la République… Và một thứ phẩm hết sức bất tiện của thủ đô Paris : toilet có một bà ngồi thu tiền mỗi lần giải tỏa  là 1 euro! Còn cái thứ thơm tho hơn của tây là maggie thì nhà thơ họ Hoàng tất tả đi tìm đỏ mắt không ra.

Theo quảng cáo thì thủ đô Philipsburg của Hòa Lan là “thiên đàng mua sắm”. Giá trung bình một món đồ rẻ hơn bên Mỹ khoảng 40%. Nghe đã tai dữ! Cái thiên đàng này bé tí teo gồm hai đường là Front Street Back Street. Nghe đã thấy…tí teo! Back Street tập trung các cửa hàng bán quần áo giầy dép, Front Street gồm các cửa tiệm bán đồ điện tử, đồng hồ và vàng bạc hột xoàn. Các bà thích đường…trước hơn. Hầu như tất cả các tiệm trên Front Street là của các anh Cà ri Ấn Độ. Mùi nhang ngột ngạt. Trả giá cũng ngột ngạt. Các anh chà này nói thách tới hơn nửa giá nên nếu lỡ miệng là lỗ trông thấy.

Shopping là thứ phụ. Nói vậy chắc không được lòng các bà các cô. Nhưng tính tôi cứ có sao nói vậy người ơi. Đi đảo là đi tắm biển thì tắm biển là…chính thống. Saint Martin bờ biển bao bọc chung quanh nên có tới 36 bãi tắm. Đường xá nhỏ hẹp, chỉ hai lằn xe chạy, một đi một về, cũng nằm bao quanh đảo. Nếu lái xe vòng quanh đảo chỉ mất độ 3 tiếng là về tới chốn cũ. Đường nào cũng dẫn tới…bãi tắm. Tôi có ý định tìm coi diện tích đảo là bao nhiêu để xem có lớn hơn Pleiku không nhưng vì bận tắm nên khi về vẫn chưa tìm được. Nhưng cần chi, cứ vào internet là tỏ tường hết. Diện tích đảo Saint Martin là 87 cây số vuông, phía Pháp chiếm 53 cây số vuông và phía Hoà Lan có 34 cây số vuông. Dân số trên đảo, theo kiểm kê năm 2006, là 72.892 người. Phía Pháp gồm 35.263 người và phía Hòa Lan là 37.629 người. Đây là hòn đảo nhỏ nhất thế giới bị chia cắt làm hai. Số phận chia cắt đã giống nước ta, số phận chiến tranh cũng cay đắng không kém. Từ khi nhà thám hiểm Kha Luân Bố đặt chân tới hòn đảo này vào ngày 11 tháng 11 năm 1493, nhằm đúng vào ngày lễ thánh Martin nên ông lấy ngay tên ông thánh này đặt thành tên đảo, đảo đã trải qua nhiều cuộc chinh chiến. Khi thì Pháp chiếm hết toàn đảo, khi thì Anh, khi thì Hòa Lan. Mà đâu có phải chỉ một lần. Chuyện cù cưa chiếm đi chiếm lại này diễn ra luân phiên nhiều lần từ tay quân đội này qua tay quân đội khác. Mãi tới ngày 23 tháng 3 năm 1648 Pháp và Hòa Lan mới ký thỏa hiệp Concordia chia đôi sơn hà.

Đã nói là tới Saint Martin là để đi tắm mà sao tôi vẫn cứ vơ vẩn với những chi tiết khô khan về địa lý và lịch sử. Thấy lảng xẹc! Khách sạn Sonesta Maho nơi tôi cư ngụ nằm rất gần phi trường. Cô hướng dẫn viên khi ra đón khách du lịch về khách sạn đã tinh quái cười nói : “Bây giờ quý vị về khách sạn. Xe chạy đúng 5 phút là tới”. Nói xong cô cười như vừa nói được một câu thú vị. Tôi chắc là cô bé xinh xinh này thuộc thơ Vũ Hữu Định! Tôi thường tắm tại bãi tắm Maho nằm ngay sau khách sạn. Bãi này nhỏ, ngắn, nhiều sóng và khá ồn ào với tiếng máy bay lên xuống tại phi trường quốc tế duy nhất của đảo, phi trường Princess Juliana International Airport. Bà  công chúa này đã lên ngôi Nữ Hoàng Hòa Lan từ ngày 6 tháng 9 năm 1948 đến ngày 30 tháng 4 năm 1980, trị vì cả thảy 31 năm. Có điều đáng nói về bà Juliana này là bà có liên hệ mật thiết với đất nước Canada. Trong Thế Chiến Thứ Hai bà đã di tản qua thủ đô Ottawa để ở nhờ. Nơi ngụ cư của bà  với các con là ngôi biệt thự Stornoway ở vùng ngoại ô Rockcliffe Park. Gia đình vương giả sống trong biệt thự sang trọng nhưng bà rất bình dân. Bà chỉ muốn sống như một gia đình Canada bình thuờng trong thời buổi chiến tranh khó khăn chứ không muốn nhận một biệt đãi nào cả. Bà cho hai cô con gái theo học tại một trường công lập, tự đi chợ lấy và mua sắm áo quần và các đồ gia dụng ở cửa hàng bình dân Woolworth! Bà thích đi xi nê và đứng xếp hàng trước quầy vé như bất cứ một người dân thường nào khác. Khi bà hàng xóm đi sanh ở bệnh viện, bà tình nguyện làm babysitter cho mấy đứa trẻ ở nhà. Tới lượt bà đi sanh cô con gái thứ ba tại bệnh viện Ottawa Civic Hospital thì Toàn Quyền Canada đã tuyên bố căn phòng sanh của bà là lãnh thổ của Hòa Lan để cô công chúa mới sanh được mang quốc tịch Hòa Lan. Cử chỉ đầy thiện chí của Toàn Quyền này đã tránh cho cô bé sơ sanh phải mang song tịch và mất quyền thừa kế ngai vàng. Năm 1945, Công Chúa Juliana trở về Hòa Lan. Bà đã làm một cử chỉ đền ơn tượng trưng đất nước đã cưu mang gia đình bà bằng cách gửi qua 100 ngàn củ hoa tulip. Năm sau bà lại gửi qua 20.500 củ khác và yêu cầu chia cho bệnh viện Ottawa Civic Hospital một số để trồng trước sân nơi cô công chúa Margriet được sanh ra. Từ đó, bà hứa mỗi năm sẽ gửi hoa tulip qua Ottawa để nơi đây tổ chức hội hoa hàng năm cho công chúng. Lời hứa này có giá trị trong suốt thời gian bà sống. Bà mất vào ngày 20 tháng 3 năm 2004, thọ 94 tuổi. Nhưng từ đó tới nay, Ottawa năm nào cũng vẫn có hội hoa tulip Hòa Lan. Tôi không nghĩ bà công chúa Juliana gửi hoa về từ thế giới bên kia!

Ấy, lại đi lạc mất tiêu vì bà Nữ Hoàng của Hòa Lan, tính tôi cứ lang bang như vậy, nhất là khi có bóng dáng phụ nữ. Trở lại cái bãi tắm ở cạnh phi trường, ngay sau khách sạn nơi tôi ở vậy. Cái tưởng là bất tiện vì tiếng máy bay ồn ào lên xuống suốt ngày lại được quảng cáo là một thú tiêu khiển. Dân buôn bán có khác, cách nào cũng moi được tiền thiên hạ. Chưa bao giờ du khách được coi phi cơ bay là là sát mặt đất gần đến như vậy. Lúc nào cũng có người đứng trên bãi cát ngắm, chụp hình hoặc quay phim các con chim sắt khổng lồ lên xuống. Thậm chí khi máy bay rú máy cất cánh thì cát trên bãi xô nhau dạt sang hai bên, người phải tránh xa những tấm bảng báo động cắm nơi khu vực…bão cát này. Tôi cũng đã say mê vác máy quay phim đi săn…máy bay. Thường thì chỉ săn được máy bay bà già, máy bay cánh quạt nhỏ xíu của các anh nhà giầu chơi ngông, lâu lâu mới trúng được Boeing 747 hoặc Airbus 310. Người ta đi biển câu cá, tôi đi biển câu máy bay, kể như hơn được thiên hạ rồi!

Máy bay dù sao cũng chỉ là những khối sắt, nếu chỉ say mê nhìn máy bay có khi bị thiên hạ hiểu lầm. Thôi thì qua bãi tắm khác. Bãi này chỉ mất mười phút đi bộ là tới. Bãi thật đẹp, sóng vừa phải, nuớc trong vắt màu ngọc thạch. Ngồi trên bãi cát nhìn ra, từng phiến màu xanh nhạt từ gần bờ tiếp theo bằng những vạch xanh đậm màu hơn, ra xa hơn nữa là màu xanh ngắt. Thỉnh thoảng có một cánh buồm trắng cắt những đám mây xanh trắng phía xa xa ngoài đại dương. Tôi hết nhìn xa lại nhìn gần. Nhìn gần thì có những thân hình thanh xuân hào phóng khoe ngực trần mát mắt. Mắt tôi đã qua thời kỳ cận thị nhưng vẫn cứ chỉ nhìn được gần. Mắt ông bạn nhà thơ Hoàng Xuân Sơn hình như cũng vậy.

Tôi biết được điều này khi chúng tôi đi tắm ở bãi biển Baie d’Orientale thuộc phía Pháp. Bãi tắm này rộng mênh mông, cát trắng thoai thoải, nước một màu xanh biếc. Những cánh dù đầy màu sắc có người treo toòng teng phía dưới được những chiếc ca-nô kéo chạy nhanh xô nước về phía bãi tạo nên những đợt sóng nhấp nhô. Bên hông những chiếc ca-nô này có kẻ con số 30 kèm theo dấu $ to tổ chảng. Ý nói muốn lên cao thì chi ra ba chục tiền. Tôi đã hết tuổi muốn leo cao nên lại chỉ nhìn gần. Nhìn gần có cái lợi là ngắm trái cây khỏi phải trả ba chục tiền. Cam, quít, bưởi, dừa gì thì cũng cứ hào phóng cho nhìn mà không biếu. Đi dọc theo triền bãi ngút ngàn về phía nam là một cảnh giới khác. Chốn…địa đàng này chỉ được đánh dấu biên giới bằng mấy cục đá chắn ngang bước qua cái một. Nhà thơ hấp háy mắt rủ tôi qua cửa vườn địa đàng. Chẳng cần chìa khóa, chẳng có người gác cửa, chỉ có tấm bảng đập vào mắt : “No Camera, No Cellphone”. Nơi đây con người trần trụi xác lìa khỏi quần áo. Đàn ông cũng như đàn bà cứ tênh hênh với trời với nước. Tưởng là vào vườn địa đàng hóa không phải, hình như chúng tôi đã lạc vào một vườn mướp và dưa leo loại thứ cấp của những thứ cây già nua nhăn nhúm! Hoàng Xuân Sơn lắc đầu : “Không được dưa leo tươi nữa! Toàn một thứ dưa leo muối chun choe!” Tình thế dở khóc dở cười như thế này thì…thơ vào đâu được. Tôi làm tới. Ông không làm thơ thì tôi làm vè cho biết tay. Tính tôi xưa nay vẫn nói đâu có đó. Vè liền. Đàn ông đi biển có phao / Đàn bà đi biển hai phao kém gì! Vè nhưng cũng dính dáng chút ít tới thơ, nghĩa là cũng hư cấu. Chứ thứ mướp và dưa xẹp lép như vậy thì phao phiếc gì được!

Rõ chán! Nghe quảng cáo bãi biển loại trần trụi tưởng là bở hóa ra…thua. Vậy mà cũng bày đặt…khoe! Khoe như vậy là có tội với đất trời! Tôi là kẻ phải chuộc tội với đất. Trên bàn đêm khách sạn có để một tờ giấy xanh in lớn hàng chữ : “Save Mother Earth!”. Nội dung đại khái như sau : “Khăn trải giường được giặt mỗi ngày tại hàng ngàn khách sạn trên khắp thế giới tốn hàng triệu gallons nước và hàng tấn bột giặt. Khăn trải giường thường được thay hàng ngày. Nếu quý vị thấy như vậy là không cần thiết thì xin đặt tấm giấy này trên gối vào buổi sáng. Giường sẽ được làm nhưng không thay khăn trải giường vào ngày đó. XIN QUÝ VỊ TỰ QUYẾT ĐỊNH!”. Trong phòng tắm lại treo một miếng giấy khác kêu cứu : “Save Our Planet”. “Thưa Quý Khách : Mỗi ngày  có hàng tấn bột giặt và hàng triệu gallons nước được dùng để giặt khăn lông mới chỉ dùng có một lần. XIN QUÝ VỊ TỰ QUYẾT ĐỊNH. Một chiếc khăn trên móc có nghĩa : “Tôi sẽ dùng lại”. Một chiếc khăn trên sàn nhà hoặc trong bồn tắm có nghĩa “Xin làm ơn thay dùm”. Nhìn kỹ vào hàng chữ nhỏ bên dưới thấy đây là bản thông báo của hội “Khách Sạn Xanh”. Như vậy không cứ tại khách sạn chỗ tôi ở mà hầu như toàn thể các khách sạn trên khắp thế giới đều báo động như vậy. Hóa ra mọi người đang xúm vào để cứu trái đất một cách tích cực. Thường thì chúng ta có tâm lý bỏ tiền ra thì xài thả cửa cho bõ. Không thì mất quyền lợi, cảm thấy thiệt thòi. Đó là suy nghĩ chung của mọi người. Thành ra chúng ta cứ xài thả cửa. Tội chi không…sướng. Hà tiện cho mấy anh chủ khách sạn bỏ tiền vô túi chăng? Còn lâu! Chúng ta không dành tình thương cho những anh móc túi chúng ta. Suy nghĩ đó giờ không còn hợp thời nữa. Xưa rồi Diễm! Bớt xài trong thời bây giờ có nghĩa là góp công vào việc lớn : cứu trái đất chúng ta đang sống. Dĩ nhiên khi chúng ta nhịn xài thì cũng cứu cái túi tiền của mấy anh chủ khách sạn, nhưng đó là chuyện nhỏ. Bỏ đi tám! Người quân tử thường nhìn vào chuyện lớn mà làm lơ chuyện nhỏ. Tôi cũng học đòi làm một thứ quân tử chính danh. Khách sạn cung cấp mỗi ngày bốn loại khăn lớn nhỏ, mỗi thứ hai cái. Trước thì dại gì mà không xài tuốt cho đã tay, nay xài tuốt là không khôn. Người quân tử dại gì mà không khôn! Những ngày vợ chồng tôi ở, phòng ngày nào cũng có những chiếc khăn còn sạch vắt vẻo trên móc treo trong phòng tắm. Người vẫn sạch sẽ thơm tho. Có chết con ma nào đâu! Khăn trải giường thì sáng sáng cứ chịu khó đặt tấm giấy xanh trên gối. Trong suốt bảy đêm cư ngụ, tôi chỉ không đặt tấm giấy cứu…bồ đúng một lần. Có ngứa ngáy chi đâu! Nhưng đầu óc không những yên ổn mà còn hãnh diện vì…công ơn của mình.

Chuyện này tôi phải…khoe đứt đuôi đi rồi. Không khoe sao được! Nếu mọi người cùng…khoe thì trái đất chúng ta đang ở sẽ bớt nhức đầu sổ mũi. Bạn nghĩ sao? Chúng ta cùng nhau khoe chăng?

05/2009