Bạc
Bụng
Burqa
Chết
Chửi
Chuyện
Cua
Cúm
Cứu
Đầu
DNA
Dzô
H1N1
Hiếm
Học
Khoe
Làm
Lộn
Mại
Mao
Màu
Nói
Non
Phố
Ruồi
Tết
Thang
Theo
Thuê
Trúng
Túi
Tưới
Vẽ
Vợ

DZÔ

Dzô là tiếng hô tiến công trong một bàn nhậu.  Ngồi nhậu  có nhiều chuyện lỉnh kỉnh. Có khi ham nói chuyện quá quên mất…bổn phận. Vậy là…dzô. Tiếng hô khiến những bàn tay vớ vội chiếc ly trước mặt, nâng cao lên, trút tất cả số lượng rượu trong ly vào miệng. Đó là lệnh trăm phần trăm.  Một đôi khi, lệnh nhẹ nhàng hơn, năm chục thôi, dzô!

Tôi đã từng ngồi vào những bàn nhậu kiểu dzô này. Tống gấp gáp một lượng rượu vào trong bao tử trong một thời gian ngắn nhất cho hơn các tên nhậu trong bàn, thi đua nhau mà ừng ực, người ta không uống rượu mà để rượu trôi qua cuống họng. Chẳng thấy mùi mẽ chi. Uống như vậy là giết rượu. Tôi quý rượu nên nói với mấy tên bạn nhậu như vậy. Ý kiến quê mùa của tôi bị sửa lưng liền. Ngồi nhậu với nhau là cốt ở chỗ vui. Nhậu cần có khí thế nên khích bác nhau bằng một tiếng “dzô” là tạo niềm hứng khởi cho những chầu nhậu. Còn cứ trầm ngâm nhấm nháp từng chút, nghe mùi rượu, luận thứ này ngon, thứ kia thơm là, xin lỗi, ông già rồi nên nhậu theo kiểu xưa rích xưa rang, chán thấy mồ. Chuyện gì chứ đụng tới chuyện rượu  là tôi cãi tới cùng. Cãi không lại thì tôi…ra tuyên ngôn! Tôi đã từng tuyên ngôn trong truyện ngắn “Cuộc Rượu Ngày Đi” từ chục năm trước rồi. “Chúng tôi lên sân thượng nhà Ngọc uống rượu dưới trăng. Tôi ngồi dưới bóng cây hoàng lan trồng trong chậu ngằn ngặt tỏa hương, hòn non bộ truớc mặt róc rách dưới bóng cây, ngả người sảng khoái trong khi Ngọc khui chai XO. Bàn rượu có bốn người tay đều đã dính mực nhà báo. Ngoài Ngọc và tôi ra còn một anh bạn nhà báo đã nghỉ hưu từ bên San Jose về, và một anh bạn xưa, nay vẫn còn đang báo bổ ở Sài Gòn. Những đồng khí tụ nhau lại. Cảnh đẹp, rượu ngon, bạn khó gặp, tưởng phải là một đêm hội ngộ đẹp. Rượu nếm từng giọt, anh bạn từ bên Mỹ về mặt sáng lên thú vị. Tôi ngồi chết lặng, đời mấy khi có được những giây phút này. Anh bạn nhà báo Sài Gòn, mặt bấm ra rượu, cầm ly rượu quý, nẩy nẩy thách thức từng người, đưa lên miệng ực một hơi, giơ chiếc ly không lên giục giã người khác uống. Anh bạn nghỉ hưu nhăn mặt trước cung đàn lạc điệu. Tôi thầm tiếc, rượu có cái kiêu kỳ của rượu, mỗi thứ rượu có cách uống riêng, mỗi bạn rượu có cách tiếp rượu riêng, mỗi bàn rượu có cung cách đối xử riêng, lỡ một cái là hỏng”.

Hỏng quá đi chứ. Nhưng ngày nay người ta lấy hỏng làm vui. Tôi trở thành kẻ đứng bên lề, ôm một cục quê rích quê rang. Đàn bà con gái còn muốn cười vào mũi. Chuyện nam vô tửu là chuyện của ngày xưa thân ái, bây giờ rượu phải đi với các bà các cô. Không tin, về Việt Nam, cứ thử nhìn vào một bàn nhậu mà coi. Đã lâu tôi không về nên phải dựa vào hai ông ký giả Quang Duấn và Bảo Thiên mới biết cái chuyện hỡi ôi này. “Hai cô gái ngồi xuống bàn, kêu 2 xị rượu trắng, một đĩa đậu hũ chiên, một cái lẩu hải sản rồi gác chân lên bàn nốc ừng ực từng ly một. Rượu hết, một trong hai cô gái cao giọng: “Chủ quán! Cho 2 xị nữa”. Người phục vụ bàn đem rượu tới, một cô vỗ vỗ vào vai người bạn nhậu: “Nào! Nâng ly mừng be mới!”. Cả hai cùng nâng ly, ngửa cổ nốc ực ực...12 giờ khuya, những quán nhậu trên đường Nguyễn Thái Học, Q.1, Saigon trở nên xôm tụ, chủ quán phải kê thêm bàn chật kín cả vỉa hè. Tiếng cụng ly, dzô dzô huyên náo. Điều ngạc nhiên là trên dưới 300 khách nhậu, đa phần lại là những người đẹp đang chén tạc chén thù bên những đĩa đậu hũ chiên, gỏi ngó sen... Ngồi cạnh bàn chúng tôi là ba cô gái mặt bự phấn, tuổi chừng 23 - 25, một cô mặc váy đen, một cô đeo kính cận, cô còn lại có mái tóc vàng hoe. Trên tay ba cô gái là 3 điếu thuốc đang ngút khói. Cô gái có mái tóc vàng hoe rít một hơi thuốc, miệng tròn xoe nhả ra những đám khói hình chữ “O” rồi nâng ly: “Dzô đi chúng mày!”. 2 người bạn của cô đồng loạt nâng ly. Sau một tiếng “cạch” 3 ly bia cạn sạch. Những chai bia nhanh chóng được khui ra và sau những tiếng “cạch”, “cạch” chúng tôi nhìn xuống phía chân họ thấy ngổn ngang những vỏ chai Heineken”.

Các bậc nữ lưu ở Việt Nam coi bộ sướng hơn chị em họ ở Iran. Nơi xứ sở khe khắt với đàn bà này, làm gì có chuyện đàn bà con gái ngồi dzô dzô khơi khơi như vậy. Chỉ mua rượu không đã đủ cho cảnh sát nhốt vào tù. Chuyện tưởng như đùa mà có thật. Cô phóng viên người Mỹ Roxanna Saberi, có cha là người Iran, mẹ người Nhật Bổn, năm nay đã 31 tuổi chứ ít ỏi gì. Vậy mà cô bị bắt khi mua một chai rượu. Cô cựu hoa hậu North Dakota này sống độc thân ở Iran đã 6 năm nên khi bị bắt chẳng ai biết. Cô thường xuyên điện thoại vể cho gia đình. Lần điện thoại chót là ngày 10 tháng 2 năm 2009. Gia đình thấy cô im lặng chẳng a lô chi về nhà bèn cuống cả lên. Họ tiếp xúc với hãng thông tấn AP. Tin tức được phổ biến. Nhà cầm quyền Iran không công khai thừa nhận sự kiện này. Tòa Đại Sứ Mỹ tại Iran nhảy vào can thiệp. Sau đó cô Roxanna mới lại điện thoại về cho cha mẹ cho biết là họ sẽ thả cô ra trong hai ngày tới. Chỉ có mua một chai rượu mà ồn ào cả nước. Sức mấy mà ngồi công khai trong quán dzô dzô như điên theo như mô tả của hai ông ký giả. “Bàn nhậu trước mặt chúng tôi gồm 8 người, 4 nam và 4 nữ. Họ ngồi thành từng cặp vừa nhậu vừa trò chuyện thân tình bằng... tay! Cứ khoảng mươi phút, một người trong số họ lại khuấy động phong trào: “Dzô đi! Dzô đi!”. 4 cô gái nâng ly, ngửa cổ tu một hơi cạn hết lượng rượu chuối hột rồi “khà, khà” nghe có vẻ như họ đang rất sảng khoái. Chỉ tay về phía 4 cô gái, anh bạn của chúng tôi phán một cách sành điệu: “Gái đấy! Nhậu trước lúc “vào trận” cho thêm phần hoành tráng”. Ngoài vỉa hè, giọng ca của người hát rong đi bán kẹo: “Không cần biết em là ai! Không cần biết em từ đâu! Ta yêu em...” như bị át đi bởi những tiếng cụng ly, tiếng dzô dzô”.

Rượu chuối hột? Cả đời nhậu nhẹt của tôi  chưa bao giờ tôi nghe nói tới thứ rượu…hột này. Việt Nam bây giờ là một xứ…tự do. Tự do làm bất cứ chuyện gì trái với lương tâm và đạo đức nghề nghiệp. Bây giờ rượu được sản xuất thoải mái lắm. Cứ mua cồn thực phẩm về pha với nước lã theo công thức một lít cồn pha được 4 lít rượu với nồng độ rượu 29 độ rưỡi. Sau đó muốn rượu gì thì cứ cho thêm hương liệu bằng hóa chất vô. Thật tiện lợi. Cái tiện lợi chết người. Chết chắc hơn nữa là rượu còn được chế bằng cồn công nghiệp cho rẻ. Cồn công nghiệp chính là methanol, có độc tính cao, thường dùng làm dung môi trong nước rửa kính xe, chống đóng băng cho ống dẫn xăng dầu, dung dịch mực in cho máy photocopy, nhiên liệu dùng cho các bếp cồn nhỏ và còn dùng để pha chế sơn. Dạ dày nào chịu cho nổi! Dân nhậu gọi loại rượu chết người này là “rượu đểu”. Gọi như vậy tôi nghĩ còn nương tay. Loại rượu này chính là thứ độc dược chết người. Nếu uống phải rượu này thì trong vòng 24 tiếng đồng hồ sẽ thấy chóng mặt, lú lẫn, yếu cơ, nhức đầu, buồn nôn và đau bụng. Sau đó thị lực suy giảm, rối loạn về hình ảnh, màu sắc. Tiếp đến là hiện tượng người tím tái, hôn mê, co giật, rối loạn điện giải, tụt huyết áp, tim ngưng đập. Nếu được cứu sống dân nhậu có thể bị mù vĩnh viễn hoặc bị di chứng vĩnh viễn. Toàn những thứ khó thương. Kẹt lại Việt Nam sau năm 1975, tôi đã thấm thứ rượu dỏm. Bữa đó, vui bạn vui bè, tôi đi nhậu. Rượu là thứ rượu nếp cẩm. Cũng tim tím màu hoa cà dễ thương. Uống vào cũng đã. Uống vài ly gục lúc nào không biết. Đầu nhức như búa bổ, cảnh vật xung quanh cứ mòng mòng lơ mơ, đứng dậy không nổi, bụng cồn cào muốn ói. Bạn dìu về nhà ngồi ôm cái ghế, muốn đứng dậy đi tìm cái giường nằm cho khỏe tấm thân mà chịu không đứng dậy nổi. Cả đời nhậu nhẹt tôi chưa bao giờ bị ê càng như bữa đó. Đó là rượu ngày mới…giải phóng. Bây giờ giải phóng xong lâu rồi, rượu cứ tiếp tục lên cấp đểu. Giết người như chơi. Thanh Tra Y Tế Sài Gòn kiểm tra hai cơ sở kinh doanh bị nghi ngờ là có liên quan đến các vụ ngộ độc rượu. Họ lấy 9 mẫu rượu của Công Ty Chế Biến Thực Phẩm Sài Gòn, tên tắt là Safaco, sau kiểm nghiệm thấy cả 9 mẫu rượu đều có hàm lượng methanol cao đến mức “không thể tưởng tượng được”. Bạn có đoán được là bao nhiêu không? Từ 70 đến 172 lần cao hơn giới hạn cho phép! Điều tra tới thì Safaco khai mua cồn thực phẩm của Công ty Khả Doanh, công ty Khả Doanh lại khai mua của công ty An Phước Thịnh, công ty An Phước Thịnh khai mua của công ty An Đức. Cứ dắt giây nhau chỉ tay cho người khác. Đây là một thứ văn hóa mới. Văn hóa…phủi tay! Thứ văn hóa này chắc người dân học được của người nhà nước. Cứ đổ tội cho người khác. Ta vô tội. Chỉ tội người tiêu thụ. Cơ quan Y Tế một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long đã khám phá ra là loại rượu đểu làm chết người có nồng độ methanol vượt tiêu chuẩn cho phép đến…1000 lần! Rượu đểu hết nước như vậy thì trâu bò cũng chết chứ nói chi người!

Dân Việt ta có tiếng là can cường. Rượu như vậy mà uống cứ uống. Còn uống bạo là đằng khác.

Lít đầu chỉ thấy sương sương
Lít hai thấy lửa táp sườn riu riu
Khơi khơi chục lít sáng chiều
Ðến khuya đứng dậy chân xiêu tà tà
(Bùi Chí Vinh)

Uống nhiều là bao nhiêu? Đâu có nói khơi khơi được. Theo một bản nghiên cứu của Bệnh Viện Tâm Thần Hà Nội thì giả sử rượu ở mức thấp nhất là 8000 đồng một lít, bia 5000 đồng một lít, rượu ngoại 150 ngàn đồng một lít, thì mỗi năm người dân Việt nhậu hết 6 ngàn tỷ đồng. Tính ra tiền đô Mỹ là 375 triệu!

Cứ dzô dzô mất tiêu bạc trăm triệu hàng năm. Vậy mà bảo bỏ thì giận. Bỏ gì thì bỏ chứ bỏ rượu thì trời cũng chịu thua không can thiệp chi được cả. Đây là…tuyên ngôn của dân nhậu : Hôm qua đọc báo thấy cờ bạc là bác thằng bần, sẽ bỏ cờ bạc. Hôm qua đọc báo thấy ăn nước tương Tàu vị yểu có chứa chất độc hại gây ung thư, sẽ bỏ nước tương. Hôm qua đọc báo thấy bánh bao làm bằng giấy các-tông, sẽ bỏ ăn bánh bao. Hôm qua đọc báo thấy hút thuốc dễ bị ung thư phổi, sẽ bỏ hút thuốc. Hôm qua đọc báo thấy uống rượu có hại cho sức khỏe, sẽ bỏ…đọc báo!

Rượu có hại như thế nào, cứ xem gương anh chú rể Ấn Độ ở quận Arwal, thuộc bang Bihar thì biết. Ngày cưới có dzô dzô thì cũng phải thôi. Người này mời dzô, người kia mời dzô, không dzô thì không ra chú rể. Anh chàng này cũng làm như mọi người nhưng có lẽ vì tửu lượng yếu nên quá chén, say sưa, làm hỗn với khách. Nhà gái thấy chú rể này hết xài nên đuổi ra khỏi bữa tiệc. Chẳng lẽ để cô dâu…mồ côi ngay trong ngày cưới nên họ đề nghị người em chú rể đứng ra thay thế. Bên Ấn, nghèo mà kiếm được vợ không phải dễ, chú em bèn phản ông anh, gật đầu ngay. Vậy là tình anh duyên em tức thì. Đám cưới tiếp tục tăng hai với chú rể mới. Dĩ nhiên người động phòng là cậu em. Rượu hại như vậy mà bảo đổ rượu đi thì chẳng có bợm nhậu nào làm cái chuyện…thất đức đó. Cắt cổ không bằng đổ rượu! Một bợm nhậu không phải người Việt mà thuộc…tục ngữ Việt nhất định giữ vững be rượu. Chuyện xảy ra tại phi trường Nuremberg, Đức ngày 11 tháng 12 năm ngoái. Ông này mang lên máy bay một chai vodka loại một lít. Nhân viên an ninh phi trường giữ chai rượu lại vì luật cấm mang chất lỏng lên máy bay. Luật là luật, ông thua. Nhưng thua thì thua quyết giữ lấy…chai, ông mở chai rượu uống tì tì hết một lít rượu. Ngay lập tức ông bị xỉu. Nhân viên phi trường vội kêu xe cứu thương ò e rước ông tới bệnh viện. Ông phải nằm tại bệnh viện mất vài ngày, dĩ nhiên là không kịp chuyến bay. Tin tức không nói ông có phải mua vé máy bay khác hay nộp phạt trễ chuyến bay chi không. Nhưng chắc là có, chẳng ai thương ông đệ tử ruột của Lưu Linh. Số tiền này chắc chắn hơn xa số tiền mua một chai vodka. Nhưng chuyện một chai rượu là chuyện nhỏ. Chuyện cái ghế Bộ Trưởng mới là chuyện đáng nói. Ông Bộ Trưởng Tài Chánh Nhật Bổn Shoichi Nakagawa đi họp hội nghị G7 của các bộ trưởng tài chánh trong nhóm G7 ở La Mã. Sau khóa họp có một buổi họp báo đặt trọng tâm vào cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới hiện nay. Chính trong cuộc họp báo này ông Shoichi Nakagawa bị…khủng hoảng. Ông có dấu hiệu xỉn khi ngồi họp báo. Trả lời các câu hỏi của báo chí, mắt ông nhắm tít, nói năng lắp bắp. Có lúc ông còn trả lời lộn câu hỏi dành cho Thống Đốc Ngân Hàng Nhật nữa. Thế mới chết ông Lưu Linh! Báo chí Nhật mang chuyện ra giễu và đòi ông Bộ Trưởng từ chức. Ông biện minh đó là tác dụng phụ của thuốc cảm mà bác sĩ cho ông uống. Ông cãi mặc ông cãi. Chỉ biết ông là một dân nghiện rượu.

Nghiện rượu là mỗi ngày phải uống. Uống một mình cũng uống. Còn dzô dzô với bạn bè không phải là nghiện mà là uống nhiều rượu. Chỉ là vui chơi. Hai ông ký giả Quang Duấn và BảoThiên vui quá hóa dại. “M. níu vai một trong hai chúng tôi thách thức: “Anh trai có thể uống ly này hết từ phần đáy lên trên không?”. “Bó tay!”. M. không chịu buông tha: “Nếu em làm được điều đó, anh trai chịu phạt 5 ly nhá. OK?”. Chúng tôi gật đầu vì nghĩ rằng đó là “nhiệm vụ bất khả thi”. M. kêu chủ quán lấy một chiếc đĩa, úp vào miệng ly rồi đảo ngược ly rượu xuống. Tiếp đó, M. nhấc nhẹ chiếc dĩa cho rượu tràn ra từ từ và đưa lên miệng hút từng ngụm một. Quả nhiên, ly rượu vơi từ đáy vơi lên. Chúng tôi thua cuộc và đành chấp hành hình phạt.”.

Bạn rượu là bạn rất thân thiết nhưng uống với nhau ly rượu như hai ông phóng viên và các…tửu nữ Sài Gòn thì chỉ như hơi rượu thoảng qua. Qua cơn ngầy ngật, đường ai nấy rút, hơi rượu rồi cũng qua mau. Rượu…chia lìa là rượu của nhà thơ Bùi Giáng.

Uống xong ly rượu cuối cùng
Bỗng nhiên chợt nhớ đã từng đầu tiên.
Uống như uống nước ngọc tuyền
Từ đầu tiên mộng tới phiền muộn sau
Uống xong ly rượu cùng nhau
Hẹn rằng mai sẽ quên nhau muôn đời
Em còn ở lại vui chơi
Suốt năm suốt tháng suốt nơi lan tràn
Riêng anh về suốt suối vàng
Trùng phùng Lý Bạch nghênh ngang Tản Ðà
Em còn ở với sơn hà
Anh còn mất hút gần xa mất hoài

Một ngày thu nơi thành phố Amsterdam của Hòa Lan tôi đã từng gặp nghênh ngang những Tản Đà mắt xanh. Họ là những thanh niên thanh nữ trẻ. Khi tôi đang lởn vởn gần Khu Đèn Đỏ nổi tiếng thế giới của thành phố này, tai tôi bỗng nghe tiếng nhạc xập xình chen lẫn với những tiếng hô đầy hứng khởi. Tôi quay lại. Một bàn rượu nghênh ngang di chuyển trên đường phố đông đúc. Chiếc bàn bẳng gỗ thô không sơn phết nằm dưới chiếc mái bằng vải nhiều mầu sặc sỡ trôi đi trên đường lộ. Chung quanh bàn ngồi kín mít chừng hơn chục thanh niên thanh nữ, mỗi người một ly vại bia trên tay, vừa uống vừa la hét. Dưới chân họ là những bàn đạp giống như bàn đạp của xe đạp. Họ đều chân đạp cho chiếc bàn chạy khắp phố phường. Những ly bia vại được giơ cao, tiếng hò tiếng hét vang vang ầm ĩ kéo được tầm mắt của các du khách và dân chúng bên đường. Tôi nhìn thấy trên khuôn mặt từng người nét vui tươi rạng rỡ. Tôi nhìn quanh những khuôn mặt người trên đường phố, mặt người nào cũng như muốn hòa  niềm vui với đám thanh xuân đang nhộn nhịp hò nhau dzô dzô.

Nếu tôi còn trẻ, chắc chắn tôi đã không đứng yên mà phải chen ngồi vào một trong những chiếc ghế quanh chiếc bàn di động. Tôi nén tiếng thở dài, ngậm ngùi ngóng theo chiếc bàn rượu đang từ từ mất hút trên khúc quẹo. Đầu tôi ngầy ngật. Tôi đã tới thành phố đầy sức sống này muộn tới mấy chục năm!

04/2009