Bạc
Bụng
Burqa
Chết
Chửi
Chuyện
Cua
Cúm
Cứu
Đầu
DNA
Dzô
H1N1
Hiếm
Học
Khoe
Làm
Lộn
Mại
Mao
Màu
Nói
Non
Phố
Ruồi
Tết
Thang
Theo
Thuê
Trúng
Túi
Tưới
Vẽ
Vợ

TƯỚI

Tưới là một nhu cầu của cây cỏ. Không tưới thì khô queo, cỏ cây chi cũng không ngóc đầu lên nổi. Chiều chiều, tôi hay có thói quen đi bộ lòng vòng quanh các đường phố gần nhà để vừa hưởng khí trời vừa thể dục tí ti cho sức khỏe. Khu tôi ở là khu gia cư nên nhà nhà có những bãi cỏ mượt mà trước mặt tiền. Mùa hè, mát trời, đi làm về các gia chủ thường hay săn sóc cây cỏ trước sân nhà. Các tia nước từ các vòi tưới phun nước lên trên không trước khi rơi xuống như một màn sương trên cỏ. Ngày nay việc tưới tiếc rất hiện đại. Những vòi tưới nhiều kiểu, nhiều kích cỡ uốn éo trải đầy nước khắp mặt cỏ. Sân cỏ lớn hay nhỏ cứ canh vặn nút điều khiển là chỉ ướt cỏ chứ không phí nước ra ngoài cỏ.

Vòi tưới cỏ là sản phẩm của con người. Người còn khôn ngoan như vậy, trời há chịu thua? Khi tạo dựng nên con người ông trời cũng cho mỗi người một dụng cụ tưới. Nhưng ông này là chúa kỳ thị nên cho bên ít bên nhiều. Cứ như được gợi hứng lúc ngắm trăng khi đầy khi vơi nên ông cũng chia ra làm hai phe đầy vơi khác nhau. Phe đầy dõng dạc đứng giữa trời đất, phe vơi khép nép tỉ thí cùng ngọn cỏ lất lay. Dường như biết lỗi thiếu công bằng của mình, ông bù cho phe lỗ chút tài mọn mà các cụ ngày xưa tóm tắt trong sáu chữ vàng: đi nhai đứng ngậm ngồi cười!

Ông nhà thơ Luân Hoán là vua dựa hơi. Chỉ nguyên dựa hơi bè bạn, ông đã cho in hai cuốn sách dày cộm. Tài dựa hơi của ông tới mức dựa hơi vào chỗ không thể dựa  nên ông chẳng bỏ lỡ dịp vịn vào chỗ khó có thể vịn để dựa vào các cụ.

chẳng phải đi nhai và đứng ngậm
cũng không phải ngồi cười
cõi tôi không là chỗ
anh hùng dễ quay lui

Dựa như vậy, ông nhà thơ Luân Hoán đã lạc sang mặt khác trong tác phẩm của nhà trời. Không phải mặt…tưới. Chuyện gì trên đời cũng có hai mặt: mặt trái và mặt phải. Chuyện dụng cụ tưới cũng có hai mặt: mặt ngày và mặt đêm. Chúng ta đang nói tới mặt ngày, chẳng nên theo chân ông Luân Hoán mà đi lạc qua mặt đêm. Ban đêm ông trời hình như có lý, ban ngày mới lòi ra cái mặt kỳ thị. Bao nhiêu triệu năm, nói về mặt tưới, kể từ khi có cái giống người, con người vẫn được chia làm hai phe. Phe đứng và phe ngồi. Phe đứng khỏe ru, cứ vác mặt lên mà tưới, vừa khỏe vừa vệ sinh. Phe ngồi rắc rối hơn nhiều. Giữa trời phơi phới mặt mũi nào mà cởi mở dưới ánh mặt trời. Bất đắc dĩ phải phơi ra thì phải cậy nhờ tới bờ tới bụi. May là rắn rết không có óc tò mò! Trong chỗ riêng tư một mình mình biết một mình mình hay thì phải loay hoay với cái bàn ngồi. Ở nhà thì không sao, nhà ta ta cứ…ngồi. Sạch sẽ trơn tru. Nhưng nếu là nơi của bá tánh dùng chung thì hơi phiền. Lau lau chùi chùi phát mệt mà vẫn cứ phải làm ra kênh kiệu không thèm hạ cố xuống. Thế chênh vênh là một thế mệt mỏi. May mắn có nơi cung cấp cho cái khăn giấy lót hình móng ngựa thì mừng húm. Bằng không, muốn cẩn thận thì thủ sẵn loại khăn cứu bồ này trong ví xách. Thời buổi văn minh, nhiều nơi có những cái chỗ để ngồi cải tiến một cách đáng khâm phục: tự động quấn giấy kín mít cái bàn ngồi cho từng người. Mấy khi gặp hên như vậy! Đây là của hiếm chỉ có ở một vài chốn hạng sang hay phi trường tân tiến.

Ngồi nơi công cộng là một việc lích kích. Lích kích tới đâu tôi làm sao có kinh nghiệm được! Chỉ biết trông cảnh xếp hàng để đoán tình hình. Trong các buổi văn nghệ trình diễn công cộng, giờ giải lao là một cực hình với giới trăng khuyết. Hàng người đứng chờ với khuôn mặt bí rị bao giờ cũng dài khủng khiếp, dài hơn bên phía…đối lập nhiều. Thời gian xếp hàng lâu vì thời gian hành hiệp không thể mau chóng được. Nghi thức xả rắc rối hơn nhiều. Cứ đứng lên ngồi xuống rồi bề bề những quần những áo hết tháo ra rồi đậy vô, cây kim đồng hồ đâu có biết chờ! Ước gì được đứng dõng dạc như  người khác. Nhưng con Tạo đành hanh đâu có võ trang đầy đủ cho đâu mà đòi đứng. Kể cả khi dựa hơi. Một ông bị tai nạn đứt một chân, đưa vào bệnh viện, bác sĩ nối cho cái chân khác. Lúc đó bệnh viện chỉ còn chân của một người đàn bà. Bác sĩ hỏi ý kiến người nhà, ai cũng bằng lòng. Dù sao có hai chân vẫn hơn một chân. Cuộc giải phẫu nối chân thành công mỹ mãn. Trước khi được xuất viện trở về nhà, bác sĩ khám lại, hỏi bệnh nhân về tình trạng sức khỏe. Ông này ú ớ một lúc mới nói được: “Dạ, tôi đi đứng rất vững, gần như trước kia. Chỉ hơi cấn cái một chút. Khi đi tiểu thì một chân quen đứng còn một chân nhất định ngồi!”

Rằng quen mất nết đi rồi. Quen chi được mà quen. Bắt nhau chịu thì chịu khi nào vùng lên đứng hiên ngang giữa trời đất thì…cách mạng ngay. Người cầm đầu cuộc cách mạng là bà Eva Tinter. Tại sao cứ phải ngồi? Bà Eva điều khiển một hãng chế tạo Đức đã phục hồi nhân phẩm cho cánh chị em bằng cái túi Ladybag.  Chiếc túi nhựa có chất polymer này có hình như chiếc lá. Trông không giống một loại lá nào, lá đa lá mít lại càng không giống nữa! Thôi thì lá nào cũng là lá. Chiếc lá màu xanh có mép hồng trông rất gợi cảm và duyên dáng, khi gấp lại chỉ nhỏ vừa bằng một thanh chocolate bỏ gọn được trong ví xách. Có cái lá này trong ví xách là yên chí lớn khi đi dự đại nhạc hội chẳng hạn. Ai xếp hàng rồng rắn lên mây mặc ai, ta cứ lẻn ra chỗ vắng, nhẹ nhàng mở nắp ví, muốn ngụy trang thì có thể rút thỏi son ra, quệt tí ti, nhìn vô cái gương xinh xắn, tay len lén rút ra cái…lá. Chỉ một phút nhìn trời nhìn đất là xong một…phi vụ! Mỗi chiếc lá có thể chứa tới một lít hai chất lỏng, dư sức qua cầu nếu không mềm môi làm vài chai bia trước đó! Gói ghém lại. Chất lỏng trong túi sẽ tự động biến thành gel, không rơi vãi ra ngoài được. Chất gel này còn có tác dụng ngăn mùi khai nên tang tích không mùi không vị ai biết đấy vào đâu. Vứt tang vật vào thùng rác là xong. Chiếc túi sẽ bị phân hủy trong thùng rác không có hại cho môi trường. Giờ mới tới chuyện then chốt : một gói gồm 3 túi giá 11,27 bảng Anh. Tính theo giá thị trường hôm nay thì 1 bảng Anh ăn 1,65 đô Mỹ. Như vậy đại khái cũng khoảng hơn 17 đô Mỹ. Tính ra mỗi cái túi giá khoảng 6 đô Mỹ. Hơi xót! Nhưng đừng có tiếc của trời mà để dành trong ví dùng lại!

Sáng kiến này đáng hoan nghênh nhưng chưa hoàn chỉnh. Nhất là nó không cho các nữ nhân bình đẳng với nam nhân. Người ta cứ chĩa vào tường đứng huýt sáo mà thảnh thơi trong khi đây vẫn phải khổ sở túm tụm vào chiếc túi. Bình đẳng chi nổi. Mệnh trời vẫn đè nặng lên vai phái khuyết. Từ bao triệu năm nay! Con người bứt phá trong đủ mọi lãnh vực thì tại sao chỉ kéo dài thêm ra tí chút công trình dở ẹc của hóa công con người vẫn chưa làm nổi? Câu hỏi cũng nhức nhối lắm chứ. Nhưng phát minh cứ phải theo ông Newton dựa vào thực tế. Thấy trái táo rơi mới tìm ra sức hút của trái đất. Vậy mà biết bao nhiêu bóng câu qua cửa sổ, nửa nhân loại vẫn cứ ngồi trong khi rõ ràng nhìn thấy có nửa nhân loại khác đứng. Chẳng lẽ chị em ta nhìn thấy mà lơ đi! Hay là chỉ nhìn bằng nửa con mắt? Có lẽ vì thấy một cách lơ là như vậy nên mới cứ phải ngồi từ thế kỷ này qua thế kỷ khác.

Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc…phước ấy là lời chung

Tôi mang tội sửa thơ của cụ Nguyễn Du để than thân trách phận cho giới quần thoa. Cụ Nguyễn Du ngày xưa chắc chẳng thèm xót thương cho một tư thế ngồi. Cụ còn bận vênh mặt cho ra cái điều ta là nam nhi. Ngày nay mặt mũi nam chi có ít chất thép hơn các cụ nên tôi mới cảm khái cho các bậc hồng nhan. Nhưng cứ ngửa mặt lên trời cảm khái thì vô tích sự quá. Nhưng biết làm sao hơn. Chẳng nhẽ lại…nối giáo cho địch!

Không, tới một thời điểm nào đó, địch sẽ biết cách tự…nối giáo. Bậc nữ anh thư ra tay cứu vớt nửa nhân loại đó là bà Moon Zijp. Bà sanh ở Hòa Lan, một nước nằm thấp hơn mực nước biển, cũng thuộc vào loại…lõm. Trong một chuyến du ngoạn tới Nam Dương bà lâm vào tình trạng bối rối khi muốn thi hành công tác dẫn thủy nhập điền. Bà phải một mình đi vào rừng vắng cho khuất và ngồi xuống trong sự nguy hiểm của những thứ rắn rết sâu bọ. Tức giận với thân phận…ngồi, thứ thân phận mà tất cả phái nữ đều có thể chia sẻ, bà bỗng…eureka! Ngày xưa ông Archimede đang ngâm mình trong bồn tắm phát hiện ra định luật Archimede, mừng quá chạy ra la lối trên đường mà quên mặc quần áo; ngày nay bà Moon có chạy làm tung tóe nước ra hay không thì không thấy tin tức đề cập tới. Nhưng từ kinh nghiệm xương máu đó, bà đã thay ông trời nối thêm được một khúc đã bị thiếu hụt từ ngày bình minh của nhân loại. Bà ôm ý tưởng vàng ròng đó về hàn Lâm Viện Nghệ Thuật ở Amsterdam để nghiên cứu. Và bà đã trình làng sản phẩm mang tên P-Mate. Sản phẩm này là một cái…nạng chống đỡ các nữ nhân đứng lên trong khi thi hành phận sự tháo nước. Để phổ biến sản phẩm quý giá này, ông Paul de Leeuw, người phụ trách một talk show trên truyền hình địa phương, mời bà tới để phỏng vấn. Bà đã biểu diễn live cách dùng sản phẩm này. Rất tiếc là tôi không được coi show này nên không thể thuật lại bà đã biểu diễn ra sao, nhưng các bà các cô trên toàn thể Hòa Lan thì phát điên lên. Cơn điên này làm cho P-Mate lan truyền ra khắp châu Âu và Canada. Nhà cung cấp P-Mate ở Bắc Mỹ mang tên Go Your Way! Cái tên nghe như hàng hàng lớp lớp tiến lên theo con đường…đứng. Bởi vì, với P-Mate, nữ giới ngày nay cứ thẳng người mà thi hành công tác, không ngồi nghiếc lôi thôi cho mất…tư cách! Tư cách P-Mate rẻ hơn cái lá…xanh LadyBag nhiều. Một bao 5 cái giá chỉ 4,95 đô Mỹ! Tính ra chỉ một đô một lần xả. Nếu mua một lần trên 20 bao có giá riêng. Thôi thì làm phúc cũng như làm giầu, tôi chỉ không công cho quý vị nữ lưu muốn mua P-Mate. Tại Bắc Mỹ, vào website www.pmateusa.com. Tại Âu Châu, vào website www.p-mate.com/ned/intro.html.

Thấy cái P-Mate nó ra làm sao, tôi bỗng nghi ngờ sự thông minh của con người. Từ bao nhiêu năm nay, chúng ta vẫn xài cái phễu, cũng gọi là cái quặng, hầu như hàng ngày trong việc bếp núc, bán buôn. Muốn rót một dung dịch lỏng, như nước mắm chẳng hạn, vào trong một cái chai, chúng ta dùng cái phễu. Vậy mà nhìn nhãn tiền thường xuyên từ bao nhiêu năm nay, không ai nghĩ ra việc kê cái phễu vào để cho các bậc nữ lưu…rót! Chỉ cần cải tiến cái phễu một chút bằng cách bẻ cái vòi sang ngang cho giống…người ta là có thể hiên ngang đứng nhìn trời nhìn đất như người ta, vậy mà chỉ một cái bẻ quẹo đó không ai nghĩ ra cho tới khi bà Moon hốt bạc. Nghĩ thật giận! Giận thì giận nhưng tôi vẫn tin vào óc sáng tạo của phụ nữ Việt Nam. Chế tạo một cái P-Mate dễ ợt. Bàn tay khéo léo mềm mại đã gấp được những thứ chim cò origami phức tạp hơn nhiều, cái P-Mate thì ăn thua chi! Thế nên tôi tin rằng sinh hoạt của con cháu bà Trưng bà Triệu từ nay sẽ thay đổi. Trong tuần đi làm, cuối tuần ngồi cắt cắt dán dán P-Mate đủ dùng cho cả tuần, bà Moon nào mà ăn tiền của…bà được! Cứ phơi phới mà chẳng tốn cắc nào, giấy tờ vụn vặt trong nhà thiếu giống chi.

Tôi vui mừng vẽ ra một viễn cảnh thú vị như vậy, ông Võ Hiếu cũng vui mừng không kém. Ông diễn tả sự vui mừng của ông bằng thơ. Tôi mạn phép ông kiểm duyệt tí chút những chữ…nhạy cảm bằng cách hoặc đổi một chữ hoặc thêm vào những dấu chấm. Mong ông thông cảm.

Từ nay đàn bà giống đàn ông
Đi đé khỏi cần phải tụt quần
Bày đ… bày mông ngồi chồm hổm
Nước văng trở lại ướt cả mồng
Nhà cầu công cộng nay cũng tiện
Cứ việc tha hồ đứng đé chung
Anh đứng bên này em cạnh đó
Cười cười nói nói đé vẫn thông!

Vậy là mệt mấy ông cảnh sát ở Paris! Nói vậy vì Paris vẫn được mệnh danh là Kinh Đô Ánh Sáng mà còn nạn đái đường chứ cái thú tưới cây rửa tường không công này coi bộ khá phổ thông. Tại Việt Nam thì khỏi nói. Cứ thoải mái. Tại Paris, tình trạng tới mức thành phố phải thành lập một toán chống đái đường mang tên Brigade des Incivilites gồm 88 cảnh sát viên chuyên đi…hửi nước tiểu. Nơi nào có mùi là có các chàng tới rình rập theo dõi. Cứ như chống khủng bố vậy! Chúng ta thử theo chân một cảnh sát viên trong nhiệm vụ đặc biệt này. Ông tên Jean-Pierre Rebete, mặc thường phục, đeo kính đen, lái xe không mang huy hiệu cảnh sát. Vừa nhác thấy một người đi vào một con hẻm, ông chặn ngay đầu hẻm và bố trí một cảnh sát thường phục khác chặn đầu hẻm bên kia. Có chạy đi đằng trời! Ông chờ người đàn ông trở ra với nét mặt khoan khoái, tay cài khóa quần là phát cho một ticket liền. Đây là một ca dễ dàng chứ thường thường những trường hợp mà cảnh sát gọi là urine sauvage (tiểu bậy) này là những ca khó bắt nhất. Khó thật chứ vì các hiệp sĩ tụt quần này thường chọn chỗ vắng vẻ, tối tăm mà hành hiệp. Cứ như ma. Bắt ma nhất định không dễ rồi! Vì vậy nên công nhân vệ sinh trong thành phố thường vất vả với việc rửa đường và tường nơi công cộng. Hàng ngàn thước mỗi tháng! Họ dùng dung dịch xà bông và thuốc diệt mùi hôi nhưng những nỗ lực này coi bộ chẳng ăn thua chi. Ông Rebete đã phải than thở: “Điều này chỉ che bớt mùi hôi, không thể làm sạch được”. Ác một cái là nhiều đường phố được lát gạch làm cho việc tẩy uế khó khăn hơn. Khi thứ nước thải của dân nhậu ngấm vào những đường rãnh của gạch thì có trời mới khử hết mùi được.

Ngoài đội cảnh sát đặc biệt của ông Rebete, thành phố văn vật này còn có những biện pháp khác để hạn chế việc tưới bậy. Như thiết lập thêm 400 nhà vệ sinh công cộng gọi là sanisette được đặt rải rác khắp thủ đô cho dân chúng xài miễn phí từ năm 2006 tới nay. Nhưng độc đáo nhất là bức tường chống tưới antipipi của  kiến trúc sư Etienne Vanderpooten. Ông này là kiến trúc sư của thành phố Paris từ 25 năm qua. Bức tường bất hủ này được đặt tại đường Cour des Petites-Ecuries ở hữu ngạn sông Seine, thuộc quận 10. Bức tường được thiết trí có những góc thẳng hình chữ Z . Theo ông Etienne Vanderpooten thì “tia nước tiểu thường được tưới nghiêng. Nếu tia nước đụng vào thành tường nghiêng thì nước sẽ bắn lại vào quần”. Vậy là gậy ông đập lưng ông. Mình tưới mình khai! Bức tường ác ôn này xem ra có kết quả. Dân tưới đường không thèm vắt vòi vào tường nữa. Họ di tản qua chỗ khác!

Vậy cũng như không. Chẳng lẽ thành phố đẹp một cách cổ kính như vậy mà tường nào cũng gồ ghề toàn chữ Z sao? Coi sao được. Vậy là khó khăn vẫn hoàn khó khăn,. Tôi nghĩ còn khó khăn gấp đôi nữa. Bởi vì khi các bà lúc nào cũng sẵn vũ khí P-Mate trong ví xách, đạo quân tưới đường sẽ tăng quân số một cách hùng mạnh. Có trò chơi mới, nhất định các bà sẽ thích thú, không muốn tưới cũng cứ tưới cho…mát mặt. Bù lại cả thời gian dài chịu cam chịu khổ thu thu vén vén. Bà đứng hiên ngang giữa Kinh Thành Ánh Sáng, dõng dạc cho đời trôi theo dòng nước, đã điếu cách gì đâu!

09/2009