Bạc
Bụng
Burqa
Chết
Chửi
Chuyện
Cua
Cúm
Cứu
Đầu
DNA
Dzô
H1N1
Hiếm
Học
Khoe
Làm
Lộn
Mại
Mao
Màu
Nói
Non
Phố
Ruồi
Tết
Thang
Theo
Thuê
Trúng
Túi
Tưới
Vẽ
Vợ

THANG

Thang là cái dùng để leo lên cao. Ai leo? Dĩ nhiên là người leo nhưng có những thứ khác cũng có thể leo. Như vật giá, chiến tranh chẳng hạn.  Hai thứ này chúng leo là méo mặt. Nhưng leo cao là một sự thích thú của trẻ con. Nó làm cho mình có cảm tưởng cao hơn người khác. Hồi tôi còn nhỏ chiếc thang rất thô sơ. Hai cây tre dài có những lỗ đục song song được nối bằng những đoạn tre ngắn nằm ngang. Hai đầu đoạn tre được xỏ vào những chiếc lỗ trên hai cây tre dài. Thường thì chỉ dùng một thời gian ngắn thì chiếc thang sẽ xộc xệch, phải dùng dây thừng gia cố thêm. Bằng những chiếc thang thô sơ này,  chúng tôi trèo cây hái trái, trèo lên hàng rào để lượm banh, trèo lên tường nhà để trao thư của mấy anh gửi cho mấy chị khi được thuê mướn. Leo như vậy kể như thuộc loại…thấp. Thấp lè tè! Ca dao leo cao hơn nhiều. Cao tới đâu?

Bắc thang lên đến tận Trời
Bắt ông Nguyệt Lão đánh mười cẳng tay
Đánh rồi lại trói vào cây
Hỏi ông Nguyệt lão: đâu dây tơ hồng ?
Nào dây xe bắc xe đông
Nào dây xe vợ, xe chồng người ta
Ông vụng xe tôi lấy phải vợ già
Tôi thì đốt cửa, đốt nhà ông đi.

Vậy là vì có cái thang ông trời đâm ra vất vả. Động một tí là con người leo lên kéo gấu quần ông trời. Cái thang mà dân chơi trên mạng dùng là thứ vô hình được phóng lên tới tận cửa nhà trời. Lúc nào ông trời cũng có việc. Việc nhỏ cũng như việc lớn.

Bắc thang lên hỏi ông trời,
Con muốn cua gái ông trời chỉ con
Ông liền quay mặt lại gào
Tao còn đang học làm sao chỉ mày?

Ca dao nguyên thủy không hỏi tào lao như vậy. Bắc thang lên hỏi trời là chỉ hỏi một chuyện. Nghe ra đó là chuyện sống chết. Bắc thang lên hỏi ông trời / Tiền đưa cho gái có đòi được không? Câu trả lời nằm sẵn trong câu hỏi. Chờ tới tết Congo mới đòi được! Ca dao thời internet không được thâm sâu bằng. Đáng lẽ ông trời lặng im chia buồn cho số tiền…phúng điếu  một cuộc tình thì dân internet lại bắt ông trời lên tiếng.

Bắc thang lên hỏi ông trời
Tiền đưa cho gái có đòi được không?
Ông trời quảnh mặt lại trông
Tao chưa đòi được huống chi là mày?

Dù trời im lặng hay trời lên tiếng thì tiền cho gái vẫn là thứ tiền ra đi không hẹn ngày về. Vậy mà từ cổ chí kim đàn ông con trai vẫn chỉ có một nước cờ dở ẹc: xùy tiền ra! Ca dao dạy đàn bà con gái không nên nhận quà cáp của người khác. Làm thân con gái chớ ăn trầu người. Miếng trầu thì không nên ăn nhưng tiền thì nên…moi. Đó là châm ngôn của con gái thời @. Một blogger đã kể: “Dung là một cô gái xinh xắn và có duyên là con của ông thầy tôi hồi học trung học phổ thông chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông). Cô được gia đình “thả” ra trường THPT chuyên Nguyễn Huệ học với hy vọng con mình sẽ học tốt và thi vào một trường đại học danh tiếng. Ông bố không hề biết rằng, thời gian xa gia đình, Dung đã học đòi được thói ăn chơi, phá phách và bao nhiêu tiền cô xin học thêm đã được “nướng” vào trò đỏ đen, nhậu nhẹt… Dựa vào tài ăn nói, Dung đã vay tiền của nhiều người, từ bạn bè trong lớp đến những anh chàng có ý định tán tỉnh cô rồi...bùng! Cứ như thế, biết bao nhiêu chàng trai đã “thả gà ra đuổi”. Nhiều người đợi lâu, không thấy Dung nói đến số tiền vay có hỏi thì cô nói rằng mình đang bí, mấy hôm sau sẽ trả. Mấy hôm sau có nghĩa là chẳng bao giờ. Một anh chàng đợi được đến mấy hôm sau như lời Dung hứa thì cô đã “cao chạy xa bay” từ lâu. Cũng có người con trai đã đi làm, vì ngại chẳng dám đòi tiền của Dung và nghĩ rằng, có lẽ cô ấy quên chứ chẳng cố ý. Một số chàng sinh viên khác đợi lâu không thấy Dung cầm tiền đến trả, gọi điện hỏi thì được cô hứa trời hứa biển, rồi số điện thoại cũng thay luôn chẳng thể liên lạc được. Vì chúng tôi là học trò cũ, lại đôi phần xao động trước nhan sắc của Dung nên có qua lại với nhau. Anh bạn tôi mới gặp cô hôm trước, hôm sau cô đã hỏi vay tiền. Và tuần sau thì mượn xe máy rồi mãi không thấy trả. Hỏi ra thì ôi thôi, xe máy đã bị cô con gái thầy chủ nhiệm cũ cho đi... ở quán. Bạn tôi ngậm ngùi mang tiền đến, chuộc xe ra để đi làm. Đến lúc ấy, cả nhóm học cùng lớp gặp nhau, kể cho nhau nghe sự tình thì mới được biết tất cả những ai trong lớp tôi qua lại chơi với Dung đều bị cô vay tiền rồi... quên, mượn xe để cầm quán. Không làm sao để Dung trả tiền, đánh cô thì không xong, về nhà báo với thầy thì thầy chủ nhiệm cũ lắc đầu bảo: “Nó không còn là con tôi nữa, đi mà đòi nó”.

Đấm bùn sang ao như vậy là…xù! Tiền đưa cho gái có đòi được không? Chẳng cần phải bắc thang bắc thiếc lôi thôi làm bận tâm  ông trời. Trời thì xa, quan nha thì gần. Mang ra tòa cho công lý được thực thi chăng? Anh Tam và chị Hòa, ngụ tại huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, yêu nhau và được hai gia đình cho làm lễ đính hôn. Sau lễ đính hôn, gia đình chị Hòa nhờ anh Tam nuôi chị ăn học tại trường Đại Học Sài Gòn cho tới khi học xong sẽ tổ chức đám cưới. Nghe vậy cũng được. Coi như tiền bỏ ống. Ngày nay giúp đỡ, ngày sau…lấy về! Anh hăng tiết bỏ tiền ra mua computer, điện thoại di động, trả mọi phí tổn ăn học. Tưởng cuộc đời cứ tà tà như vậy cho tới ngày cưới. Nhưng cơn gió chướng bỗng kéo tới. Một bữa kia, chị Hòa nói là hai người có nhiều mâu thuẫn nên không cưới hỏi chi cả. Nuôi heo bỏ ống bỗng heo vùng chạy mất. Đau chứ! Tình cảnh này ca dao cũng đã tiên liệu trước.

Tò vò mà nuôi con nhện
Đến khi nó lớn nó quện nhau đi
Tò vò ngồi khóc tỉ ti
Nhện ơi nhện hỡi nhện đi đằng nào?

Con nhện tên Hòa chẳng đi đâu cả nhưng nhất định quay mặt không thèm nhận con tò vò tên Tam nữa. Giữa năm 2006, anh Tam tới nhà chị đòi lại lễ vật và tiền nuôi chị ăn học. Gia đình chị Hòa đồng ý trả. Họ làm giấy nhận sẽ trả 34 triệu đồng tiền lo ăn học của anh Tam và sẽ thanh toán hết vào cuối năm 2006. Đến hẹn mà vẫn lặng như tờ. Anh Tam lại tới đòi. Một lần rồi nhiều lần. Chẳng ăn thua chi. Cuối cùng anh nhờ pháp luật phân xử. Trước tòa án huyện Tân Uyên, chị nhận lúc đi học có nhiều lần nhận tiền của anh nhưng không nhớ rõ bao nhiêu. Chị khai thêm: chính anh tự nguyện đưa tiền chứ chị không ép buộc hay dọa dẫm, vòi vĩnh chi. Vì vậy chị không đồng ý trả lại số tiền này. Người thứ hai ký vào giấy đồng ý trả tiền anh Tam là bà mẹ chị Hòa lại giở chiêu khác. Việc chị Hòa có nhận tiền của anh Tam hay không là chuyện riêng của đôi trẻ, bà không hề biết. Bà không nhận tiền thì cớ sao bắt bà trả? Ông tòa thây kệ các lời khai, cứ vin vào giấy ký đồng ý trả mà bắt hai mẹ con chị Hòa trả số tiền trên.

Cho là bị oan ức, mẹ con chị Hòa kháng cáo lên tòa án tỉnh Bình Dương. Tòa án tỉnh cho rằng bà mẹ chị Hòa không nhận tiền nên không phải trả. Chỉ có chị Hòa chịu trách nhiệm về số tiền này. Vụ kiện mang tiền cho gái này không biết sẽ lằng nhằng tới đâu. Tôi thấy tương lai anh Tam không khá. Khi nào tiền nắm trong tay mới chắc. Đồng tiền khi nó đã bay vào túi gái thì nó ít khi chịu quay về lắm.

Bắc thang lên hỏi ông trời. Lại phiền tới cái thang! Ông Trần T. là một nhà thầu xây cất nên chắc có cả đống thang. Nhưng thang mà làm chi. Ông trời có bao giờ đứng về phía các ông đâu. Tính Trời cũng như tính người vậy thôi. Ca của ông Trần T. là một ca…kiểu mẫu. Ông “tóc ánh bạc, túi ánh kim” này đi bia ôm và muốn ôm cô tiếp viên tên Thắm về nhà. Lý do của ông rất…bác ái. Cô gái miền Tây trắng da dài tóc bơ vơ một thân một mình giữa Sài Gòn thật tội nghiệp. Ông vốn thương người hoạn nạn nên mang về che chở. Ông thuê cho cô một căn phòng đầy đủ tiện nghi, có ti-vi điện thoại đầy đủ. Cô chỉ việc ăn ngủ và chờ ông tới. Trong những lúc mặn nồng, cô than van về việc chủ cho thuê phòng ép buộc, eo sách nhiều chuyện, ông hứng khởi  mua ngay cho cô bồ nhí nguyên một căn nhà. Bị thứ thần…tình ám ảnh nhưng ông cũng không quên để tên ông đứng cạnh tên cô Thắm đứng mua nhà. Chả được bao lâu, trong căn nhà xuất hiện những anh em, bà con, bạn bè ở quê của cô Thắm tới chơi và ăn dầm ở dề trong nhà. Toàn những thanh niên bặm trợn và những thiếu nữ cô hồn. Ông nổi trận lôi đình đòi mấy người…không phận sự ra khỏi nhà. Sức mấy! Họ bảo không muốn ra khỏi nhà , còn ông không muốn tới nữa thì…cút! Tức quá, ông về nhà thú thật câu chuyện nuôi bồ nhí với vợ. Bà vợ uất khí thấy ông chồng mắc lừa, muốn cắt…cổ thằng dại gái nhưng tiếc căn nhà nên đưa sự việc ra tòa án quận Gò Vấp. Trước tòa, cô gái đóng vai ngây thơ, chỉ biết gật và lắc, trông đáng thương vô cùng. Cuối cùng, cô lấy hết sức bình tĩnh, nhỏ nhẹ thưa với tòa: “Anh lấy cả đời con gái của em, em không tiếc, mà ảnh lại tiếc cái nhà ảnh hứa cho em. Thôi thì anh trả lại em được cái ngàn vàng thì em sẽ trả cái nhà cho ảnh liền!”.

Bắc thang lên hỏi ông trời / Đưa…bò cho gái có đòi được không? Người đưa bò là anh A. Người nhận bò là cô B. Họ gặp nhau trong một lần đi lượm củi trên rừng cao su. Sau lần gặp gỡ họ yêu nhau nồng ấm như củi đang nỏ. Tình yêu của họ trơn tru không có gì trở ngại. Bố mẹ cô B. bằng lòng gả con gái cho anh. Bố mẹ anh A. cũng tán thành chuyện nhân duyên cho đôi trẻ. Anh A. xin bố mẹ một con bò cái vừa có bầu mang sang nhà cô B. làm tín vật cầu hôn. Bạn sống ở thành thị, chỉ thấy bò khi nó đã ngồi lên đĩa trên bàn ăn. Vậy vậy thôi! Nhưng ở một xã thuộc vùng rừng hẻo lánh, con bò là một tài sản lớn. Con bò…tình nghĩa cứ thế mà lớn nhưng tình của gia đình cô B đối với anh chuẩn con rể A. thì ngày càng teo tắt. Lý do là vì có một anh nhà giầu sống ở thành phố nhưng có vườn cao su cạnh nhà cô B. để mắt tới cô. Rừng cao su nhất định lớn hơn con bò nên cô B. nghiêng sang phía cánh rừng. Một bữa kia, anh A. sang nhà cô B. thì thấy cô đang trong vòng tay tình tứ của…rừng cao su. Tức khí, anh hỏi cho ra lẽ. Lẽ nằm sờ sờ trước mắt còn chi để hỏi. Cô B. cho biết cô yêu ông chủ vườn cao su và bảo thẳng anh A. chẳng nên vác mặt qua nhà cô nữa cho tiện việc cả hai bên. Suy nghĩ suốt một tuần (hơi lâu!), anh A. nhất quyết qua nhà cô B. đòi lại con bò. Lúc này con bò anh mang sang đã sanh được một con bê nên anh đòi…bê luôn cả hai về. Gia đình cô B. không chịu. Anh ngang nhiên dẫn cả bò lẫn bê đi. Gia đình cô B. kêu cứu hàng xóm hợp lực giữ lại. Anh A. về tay không nhưng dọa sẽ sang bắt bò, nếu bắt không được sẽ nhờ chính quyền bắt. Gia đình cô B. tức tốc đi trình chính quyền xã nhưng không khai tên trộm bò là ai. Tiếp đó anh A. lên trình sự việc. Anh nhận có tới bắt bò và trình bày nguyên ủy câu chuyện đính hôn. Xã bối rối. Chuyện bò chuyện bê này quả thật chưa bao giờ xảy ra, lấy chi mà rút kinh nghiệm. Sau nhiều ngày bàn bạc, họ mời hai gia đình lên giải quyết. Con bò là của anh A.đưa làm tín vật cầu hôn. Nay cô B. đã bội ước nên anh A. có quyền mang bò về. Nhưng trong thời gian ờ nhà cô B. bò đã sanh ra bê nên gia đình cô B. được giữ bê lại như một cách đền bù công nuôi bò bấy lâu. Vậy là chàng bò nàng bê, huề cả làng!

Thứ bò phổ biến hiện nay là bò sữa. Bò sữa có nhiều loại như thang có nhiều bực. Càng có tiềm năng nhiều sữa càng có giá. Cao nhất là bò…Mỹ. Vắt ra…đô. Người biết vắt là cô Dung ở Bến Tre. Đầu năm 2006, cô vào mạng và làm quen được với anh Huy, Việt kiều Anh. Hai người chát chít lia chia và thấy hợp nhau. Dung leo thêm một bực thang khi than van và muốn vay tiền Huy. Huy ô kê liền. Tổng số tiền Huy gửi về là 11 ngàn bảng Anh, khoảng gần 16 ngàn rưởi đô Mỹ. Hai người đồng ý tiến tới hôn nhân. Cuối năm Huy về thăm vợ tương lai. Tưởng vui hóa không vui. Anh khám phá ra cô Dung là người bắt cá hai tay. Một tay mò túi con bò Anh, một tay mò túi con bò Mỹ. Bò Mỹ ở nấc thang cao hơn vì đông địa hơn. Cô đã hứa hôn trước đó với…con bò Mỹ. Hai bò đã chạm mặt nhau nhưng vì bò không có sừng nên không có vụ húc nhau.

Bắc thang lên hỏi ông trời
Đời con đau khổ đã nhiều thấu chăng?
Ông trời cúi mặt than rằng
Tao đây cũng khổ, cắn răng chịu đòn!

Sức mấy mà cắn răng, anh Huy nhất quyết đòi tiền lại. Gia đình cô Dung xin trả trước 5 ngàn bảng. Còn 6 ngàn bảng sẽ trả dần sau. Cứ theo như kinh nghiệm dân gian thì tiền đưa cho gái mà đòi lại được gần 50% kể như thắng lớn. Nhưng anh Huy nhất định leo thang. Phải cho cái thứ bắt cá hai tay biết mặt. Anh quyết đòi. Trong khi đó lời hứa của cô Dung cứ xuống thang dần. Anh Huy nhờ chính quyền địa phương đứng ra đòi dùm. Sức mấy! Ăn cái giải chi mà xông vào chuyện mà ông trời cũng phải lắc đầu chịu. Không đi tới đâu, anh kiện ra tòa án tỉnh Bến Tre. Cuối năm 2008, tòa sơ thẩm tỉnh đưa vụ rắc rối này ra xử. Trước tòa, cô Dung xác nhận có nhận tiền của anh Huy nhưng đó là tiền anh Huy cho trên tinh thần tự giác tự nguyện để lấy lòng cô chứ cô chưa hứa hẹn chi cả. Anh Huy đuối lý vì anh chẳng có bằng cớ gì ngoài mấy cái phiếu gửi tiền qua dịch vụ. Những cái phiếu này không có miệng nên không biết nói. Ừ thì anh gửi tiền. Tên người gửi người nhận đàng hoàng nhưng đâu có ghi rõ là tiền cho…gái mượn ăn học! Tòa bác đơn của anh Huy. Tiền đưa cho gái đã mất tiêu mất hút anh lại còn phải đóng tiền án phí 7 triệu rưởi. Tính ra mất thêm 420 đô Mỹ nữa.

Mấy bà bạn tôi nghe chuyện mừng rỡ ra mặt. Làm như các bà ấy được bỏ túi số tiền phạt không bằng. Một bà còn chanh chua: “Bắc thang mà hỏi xem ông trời ông ấy trả lời ra sao?”. Mấy ông bạn tôi lờ đi không nói năng chi. “Đồng minh” đang đau như hoạn thì còn ăn nói chi được nữa. Một ông đánh trống lảng chĩa mũi dùi qua tôi: “Viết chi mà toàn những chuyện thua! Thang thì có khối gì loại thang mà cứ húc đầu vào cái thang oan nghiệt!”. Kể ra tôi cũng thiếu khôn thật. Kể chuyện thang tre thời thơ ấu thì cứ thế mà tiến tới, mắc mớ chi mà trèo cao tới tận trời để bây giờ ngã một cú đau điếng?

Chiếc thang tre ngày tôi còn nhỏ đã lâu tôi không còn được trông thấy. Mới đây tôi mới lại thấy hình hài của nó trên báo. Đó là tấm hình chụp ở quận Đống Đa, Hà Nội. Hai gia đình ông Nguyễn Duy Năng và Nguyễn Trọng Thủy bị gia đình hàng xóm làm nhà bít lối vào từ 18 năm qua. Muốn thông thương ra ngoài, hai gia đình này phải đi nhờ sân nhà hàng xóm. Họ đã kêu cứu khắp các loại cửa quan và báo chí cũng đã nhảy vào cuộc nhưng bít vẫn cứ bít. Mười tám năm bị bít mà chuyện vẫn không được giải quyết, kỷ lục này không biết có được ghi vào sách kỷ lục Guinness mà trong những năm gần đây nước ta được nêu danh nhiều lần. Nào chiếc bánh tét lớn nhất thế giới, chiếc bánh chưng lớn nhất thế giới, và mới đây nồi phở lớn nhất thế giới. Toàn những kỷ lục mà các nước khác chỉ có phát khóc! Nay không hiểu buồn bực chuyện chi mà ông hàng xóm Ngô Văn Nhiên bít luôn lối ra sân không cho đi nhờ nữa. Hai gia đình gồm 9 người này phải đi mua thang để trèo ra ngoài. Chiếc thang có hình trên báo y chang chiếc thang của gia đình tôi 50 năm trước. Họ có 4 người già, ông Năng lại từng bị tai biến mạch máu não nên không hiểu làm sao những cụ via này có thể cưỡi thang hàng ngày được. Ông than thở với báo chí: “Người bình thường ra ngoài bằng thang còn khó huống gì là người già ốm bệnh hoạn như tôi. Nếu không được chính quyền giải quyết mở thông ngõ đi chung thì chắc không bao giờ tôi ra ngoài ngõ hóng gió được.” Tình lẫn lý đều là những thứ đang xuống thang!

Thang xuống …thang, chuyện còn xảy ra ngay trên đường phố Hà Nội. Thang không còn là để trèo cao nữa mà phải oằn mình xuống để chống đỡ những búi dây điện, dây cáp , dây điện thoại và trăm thứ dây khác không biết dùng để làm gì. Tôi lượm được một đoạn trong một bài báo trong nước: “Ngay giữa thủ đô “xanh, sạch, đẹp” mà đập vào mắt người dân cũng như du khách quốc tế là khoảng không bức bối: dây dợ nhằng nhịt, cột điện xiêu đổ, thậm chí phải dùng cả thang tre để chống đỡ những búi rác trời lưu cữu đến mức cây cảnh mọc ngay lên đó được. Mỹ quan của Thủ đô Hà Nội quả là có một nét riêng kỳ lạ mà chẳng thủ đô nào trên thế giới sánh nổi!”. Đã bảo tính sáng tạo của dân ta là ưu việt mà!

Nhìn hình chiếc thang tre ngày nhỏ tôi bỗng thấy xao xuyến. Ngày nay thang đã…leo thang lên tới thang gỗ rồi thang nhôm lại có thể rút xuống, cụp vào tiện lợi, tưởng chừng cái thang tre đã đi vào bảo tàng viện. Ai ngờ nó vẫn hiện diện nơi Hà Nội quê tôi. Thật…truyền thống! Tôi không còn được như ngày xưa. Hai lần vừa di cư vừa di tản, làm sao tôi vác được chiếc thang theo. Chuyện xưa đã…xưa. Chuyện nay luống ngậm ngùi! Sang xứ người, không riêng gì tôi mà cả thế hệ di dân thứ nhất chúng tôi, đã biến mình thành thang tất cả. Vứt hết bằng cấp, lon lá vào sọt rác, chúng tôi làm đủ mọi việc, bất kể sang hèn, tự nguyện trở thành những chiếc thang cho các thế hệ sau leo lên. Đàn con cháu thế hệ một rưỡi, thế hệ thứ hai đã và đang chứng tỏ là những kẻ leo thang tài tình bằng những thành công ngày càng phong phú và đa dạng trên đất nước người. Ai bảo những chiếc thang…người này không tốt nhỉ?

06/2009