Bạc
Bụng
Burqa
Chết
Chửi
Chuyện
Cua
Cúm
Cứu
Đầu
DNA
Dzô
H1N1
Hiếm
Học
Khoe
Làm
Lộn
Mại
Mao
Màu
Nói
Non
Phố
Ruồi
Tết
Thang
Theo
Thuê
Trúng
Túi
Tưới
Vẽ
Vợ

TÚI

Cô em tôi ở bên Pháp qua chơi, đi chợ thấy túi nhựa để ê hề, tha hồ lấy, thích quá, thủ ngay một sấp. Cô lấy lúc nào, vợ chồng tôi không biết. Về đến nhà mới thấy. Hỏi lấy làm chi nhiều vậy, cô cười: “Họ cho không tội gì không lấy mang về xài được khối việc!” Thôi thì lỡ rồi, quên chuyện này đi. Vài ngày sau, khi nói chuyện về đời sống bên Pháp cô cho biết là ở bên đó các cửa hàng không cho túi nhựa. Mỗi lần đi chợ phải mang giỏ xách theo. Tôi nghĩ: chà, lích kích dữ! Nghĩ ra tiếp: cô em bị đời sống không túi bên Pháp ám ảnh nên sang đây thấy túi nhựa ê hề bèn trả thù đời lấy cho sướng tay!

Đó là chuyện xảy ra vào cuối năm ngoái. Từ giữa năm nay, đi chợ ở Bắc Mỹ này cũng giống như đi chợ ở bên Pháp: cũng kè kè cả đống túi xách theo. Từ bao năm qua, chúng ta xài túi nhựa vô tội vạ không thèm để ý là những chiếc túi trông mỏng manh nhưng được cái hay là rất dai, thộn bao nhiêu thịt cá vào tới căng phồng mà vẫn không rách, lại là cái thứ rất khó tiêu. Phải cả ngàn năm chúng mới tan nát hình hài. Vậy là môi trường trúng thương vì những cái chúng ta tiện tay xài phí phạm. Ta…chậm tiến mà không biết. Bên Âu Châu người ta đã hạn chế xài túi nhựa cả chục năm trước rồi. Tôi nghĩ lý do của sự chậm trễ của chúng ta là vì cái thói quen được cung phụng sự tiện lợi mãn tính trong mỗi chúng ta. Đang vung vẩy tay chân, vừa đi chợ vừa huýt sáo như đi chơi, vậy mà bắt nhau tay xách nách mang thì phải khó chịu chứ. Nay thì khó chịu cũng đành chịu. Chúng ta đã hư quá nên bây giờ phải tu tỉnh lại. Chỉ có mấy anh chủ siêu thị coi bộ không khó chịu. Họ như mở cờ trong bụng. Khi không mà cắt được một khoản chi tiêu khá bộn. Chưa hết, lại còn ăn gian. Những ai đi chợ mà cơ nhỡ không mang túi xách theo họ sẵn sàng cung cấp túi nhựa với giá 5 xu một cái. Lại thêm một khoản thu. Lợi đôi đường như vậy vẫn chưa đủ. Họ cho túi giấy…ăn theo. Nguyên là trước đây, khách đi chợ có quyền đòi bỏ đồ vào túi nhựa hay túi giấy, nay túi nhựa bị xúp vì bảo vệ môi trường, còn túi giấy thì ăn thua chi tới môi trường, vậy mà những tay buôn này cũng vẫn bắt khách hàng xùy ra 5 xu cho mỗi túi giấy!

Đối xử với nhau tàn tệ như vậy phải giận chứ. Ai mà không giận, cứ gì tôi! Tôi thuộc loại người dễ tính. Giận thì nén vào trong bụng. Nhiều người không được như  vậy. Năm xu thì năm xu, bộ không là tiền sao? Họ kêu toáng lên. Chỉ trên một trang báo The Gazette xuất bản tại Montreal, số ra ngày 14 tháng 7 năm 2009, tôi đã đếm được 5 cái thư của độc giả gửi về nói chuyện phải trái với mấy anh chủ siêu thị. Ông Steven Leveille đôi co: “ Lấy 5 xu mỗi túi nhựa là một cách kiếm thêm lợi tức của các siêu thị. Báo đăng là chỉ trong một tuần, hệ thống siêu thị Métro đã bán ra 1 triệu rưởi túi nhựa thay vì cho không 5 triệu túi như trước kia. Cứ mỗi túi là 5 xu, họ đã thu về bỏ túi 75 ngàn đô mỗi tuần! Rồi họ còn bán thêm các túi xách để kiếm thêm tiền hơn nữa. Nếu bảo rằng họ làm như vậy là vì môi trường thì tại sao họ không tặng tất cả số tiền lời bán túi nhựa và túi xách cho các cơ quan bảo vệ môi trường đi!”

Lấy sự bất tiện của khách làm lợi nhuận cho mình, chơi vậy chơi với ai? Mà họ có thực sự quan tâm tới môi trường không? Ông Craig McPherson bảo là không. “Trong khi các con buôn khôn ngoan lấy 5 xu cho mỗi túi nhựa thì cuối cùng họ cũng vẫn làm ô nhiễm môi trường với những túi nhựa làm bằng polyethylene phải mất cả ngàn năm mới tiêu đi được. Tại sao những con buôn “nghĩ xanh”này không đổi sang loại túi làm bằng vật liệu thiên nhiên? Loại túi này cũng giống như loại túi làm bằng hóa chất nhưng được chế tạo bằng bột bắp hoặc bột đậu nành và tự tiêu hủy ngay khi được vất đi. Trong khi đó, họ vẫn bày bán những chai rượu không trả lại vỏ chai được, những xâu 6 chai bia hay nước ngọt được cột dính với nhau có tai xách bằng nhựa hay ê hề những chai nước uống đựng trong những chai bằng nhựa không trả lại được sau khi dùng xong, để cứu trái đất này đi! Tôi nghĩ  họ là những tên đạo đức giả!”

Ăn được 5 xu cũng trầy vi tróc vẩy với người tiêu thụ. Ông Alex Stavropoulos lại giận một cách khác. “Tôi đíu thèm để ý tới khi phải trả 5 xu cho một chiếc túi nhựa khi tôi cần nó. Nhưng trả 5 xu để tôi phải xách cái túi có in tên siêu thị đi để quảng cáo cho họ sao? Lần tôi đi chợ vừa qua, tôi thấy họ gói trái cây hay rau cỏ bằng bao nhựa. Bao bánh mì thì làm bằng giấy nhưng có một mảnh làm bằng nhựa trong để nhìn chiếc bánh mì cho bắt mắt. Khi ra quầy trả tiền, họ tính 5 xu cho mỗi túi nhựa, tôi bằng lòng nhưng bảo họ phải lộn ngược chiếc túi trước khi bỏ đồ vào để không ai nhìn được tên siêu thị in trên túi. Nếu họ muốn tôi xách túi có in tên siêu thị của họ như quảng cáo cho họ thì họ phải trả tiền quảng cáo cho tôi chứ! Tại sao họ muốn thu tiền của khách hàng mà còn in tên thương hiệu của họ trên túi?”

Vẫn cay cú với 5 xu phải chi ra, bà Cathy Harris lại cự nự một cách khác. “ Vài tuần lễ trước đây, tôi đang chờ trả tiền ở siêu thị Super C thì thấy một cụ già cỡ trên tám chục tuổi trả tiền một túi thịt gà có bọc bao sẵn. Khi cụ để bao thịt gà trên tấm thảm lăn mới biết là bao bị rách, nước chảy ra ngoài bao. Cụ bảo cô giữ két bỏ vào một chiếc túi nhựa trước khi bỏ vào túi xách cụ mang theo cho khỏi dơ túi xách của cụ. Cô nói ngay là cụ phải trả 5 xu cho chiếc túi. Tôi không hiểu tại sao khách hàng phải trả tiền chiếc túi trong khi lỗi tại cửa hàng không bao kỹ để cho nước chảy ra ngoài. Ít ra cô giữ két phải được bảo là trong trường hợp này thì không được tính 5 xu cho khách hàng chứ!”

Nếu cứ theo mấy ông bà khách hàng đôi co như trên thì tới tết Congo cũng không hết chuyện. Nhưng phải công nhận họ có lý. Không phải phe ta bênh phe mình, nhưng tôi thấy chúng ta phải đặt vấn đề về đúng mục đích của nó. Tại sao phải tẩy chay anh chàng túi nhựa? Vì môi trường. Đúng! Nhưng cái cung cách cứ nhè người tiêu thụ mà gõ thêm tiền có phải là cách hay nhất không? Theo tôi không phải là cách hay nhất nhưng là cách tiện lợi nhất. Đó là giải pháp của những người lười suy nghĩ. Cứ nhè người tiêu thụ mà đè! Chuyện tôi kể sau này không liên quan đến môi trường hay túi nhựa chi nhưng là một câu chuyện chứng tỏ việc mấy ông chuyên viên chỉ nghĩ tới chuyện đánh vào túi người tiêu thụ khi có dịp. Khi tôi qua định cư tại thành phố Montreal này vào giữa năm 1985 thì tất cả những thứ cẩn thiết căn bản cho cuộc sống đều không bị đánh thuế. Lúc đó tỉnh bang Québec chỉ có một thứ thuế: thuế tỉnh bang. Ngoài đồ ăn thức uống thì mua quần áo, bàn ghế tủ giường đều không phải trả thuế. Cứ thơ thới trả đúng số tiền ghi trên bảng giá. Chẳng phải tính thêm phần trăm thuế chi cho phiền phức cái túi tiền. Kịp đến khi chính phủ liên bang lập ra thuế hàng hóa và dịch vụ kêu là Goods and Services Tax viết tắt là thuế GST vào ngày 1 tháng giêng năm 1991 dưới thời Thủ Tướng Brian Mulroney đánh thuế tuốt cả quần áo và đồ gỗ thì ông thuế tỉnh bang Québec vội ăn theo liền. Quần áo và bàn ghế tủ giường bỗng nhiên, dưới mắt mấy ông thuế vụ Québec, trở thành những thứ không cần thiết nữa mặc dù nếu không mặc quần áo mà ra đường thì bị cảnh sát tóm dí cho cái giấy phạt về tội công xúc tu sỉ liền! Họ lợi dụng thời cơ chạy theo thuế GST để đánh thuế tuốt! Tôi còn nhớ những ngày cuối năm 1990, dân Quebec đua nhau đi mua quần áo và tủ giường để chạy thuế. Cứ như đi bỏ phiếu chống thuế bằng cách móc ví!

Bây giờ, lấy cớ bảo vệ môi trường, họ cũng móc túi dân tiêu thụ cho tiện việc sổ sách. Dĩ nhiên ai dám chống đối việc giữ sạch môi trường vì đó là tương lai của nhân loại, ích lợi cho lớp con cháu của chính chúng ta, nhưng giữ kiểu đó đau xót quá. Giới tiêu thụ ca cẩm là phải. Sao họ không cấm tiệt luôn cái thứ khó tiêu là những túi nhựa đi để khỏi 5 xu phiền phức nhau? Mấy bà nội trợ lại…ca cẩm kiểu khác. Cáí thứ túi nhựa đáng ghét này thế mà vẫn được việc. Làm bếp mà có anh túi nhựa đứng chầu bên cạnh để vứt vào những thứ rác rưởi của thịt, cá, rau, dưa coi bộ tiện tay. Chẳng lẽ cứ tí chút lại mở thùng rác? Hao tay hao chân quá đi chứ! Bếp núc xong, trước khi ngồi vào bàn ăn, túm cái túi rác nhựa nho nhỏ trên quầy, cột kỹ lại, bỏ vào thùng rác cho đỡ hôi thối chẳng phải có lý lắm ru! Lại nữa, dẫn chó đi làm cái tiện loại đại trên cỏ, trên vỉa hè, chó gác chân gác cẳng xong, chủ chỉ việc thò tay vào cái túi nhựa, nhón nhẹ những sản phẩm nóng hổi, lộn túi lại, cột chặt, về vứt vào thùng rác thì tiện lợi cho vệ sinh đường phố biết mấy. Thành ra cái túi nhựa vẫn cần thiết. Cách này hay cách khác. Nhưng bỏ ra 5 xu thì ấm ức. Ấm ức tới mức phải giải tỏa trên báo cho mọi người chia xẻ thì có ông Robin Morton. Ông này không biết có phải là kịch sĩ không mà tán thán rất ư kịch tính. “Than ôi! Số túi dự trữ của tôi đã vơi nhiều rồi. Giống như các bạn tôi, tôi dùng những chiếc túi này để đựng rác, dọn đồ dơ của chó mèo, đựng rượu mang tới nhà bạn hữu. Đó là tái sử dụng và tái biến chế! Tôi phải đi mua túi của “the Man from Glad”. Giá trên 3 đô (cộng thuế) một bao 30 túi, rẻ hơn cái giá 5 xu một túi mà các siêu thị móc túi chúng ta!”

Viết về sự…căm thù cái túi 5 xu như thế chắc cũng đủ rồi. Vậy mà chưa đủ. Một bà bạn tôi vẫn tấm tức. Từ bao nhiêu năm nay đồ nhựa đã mang đến cho chúng ta bao nhiêu lợi ích, tại sao bỗng một sớm một chiều lại chê bủng chê beo, rồi còn đòi bỏ đi hết. Bà này nói cũng không sai. Tôi nhớ khi phát minh ra đồ nhựa, thế giới hầu như đã thay đổi hoàn toàn. Từ cái túi gói đồ, cây viết, chiếc bàn chải đánh răng đến xe hơi, máy bay, tàu thủy thứ gì cũng…plastic. Thật tiện lợi vô cùng. Ngày tôi còn học tiểu học, khi cầm được chiếc quản bút bằng nhựa đủ màu vui mắt thay cho những chiếc quản bút bằng gỗ, niềm vui òa đến như thế nào. Những lọ mực cột giây xách lủng lẳng trên tay tới trường đã nhẹ bâng khi được làm bằng nhựa thay cho thủy tinh vừa nặng vừa dễ bị vỡ bể.

Đồ nhựa tiện nhưng rất bất lợi cho môi trường, cái mà chỉ trong thời gian gần đây chúng ta mới quan tâm đến khi không gian chúng ta sống bị bệnh nặng. Bệnh thì phải chữa, chúng ta đang xúm nhau vào mà chữa. Chỉ nói về cái túi nhựa chúng ta đang xài thả cửa hàng ngày thì mỗi ngày đã có cả tỷ chiếc túi được vứt đi sau khi chỉ xài một lần. Để chế ra được một chiếc túi như vậy, môi trường đã phải trả giá như thế nào? Khi được chế tạo, chúng đã phá hoại môi trường bằng những chất liệu dùng để làm nguyên liệu, để đốt cháy trong quá trình chế biến. Khi được chuyên chở, chúng đã làm tiêu hao nhiên liệu, thải khí nóng gây ra hiệu ứng nhà kính khiến trái đất nóng  thêm lên. Khi được tiêu thụ, chúng ta cứ việc xài túi thả cửa, của chùa nên chẳng ai mà không lạm dụng tối đa. Không ai trong chúng ta có thể nghĩ là nguyên tại Mỹ, mỗi năm các tiệm bán lẻ đã phải chi ra 4 tỷ đô để cung cấp túi nhựa free cho khách hàng. Cho không? Nghe vậy mà không phải vậy! Ai mà khơi khơi cho không 4 tỷ bạc. Tất cả đã được tính vào giá thành của nhà hàng. Kết quả là số 4 tỷ đó người tiêu thụ chúng ta chia nhau gánh hết mà không biết, cứ hân hoan gói gói xách xách. Về tới nhà, soạn đồ ra, vứt toạch những túi nhựa vào thùng rác, chẳng cần biết chúng sẽ đi đâu. Chúng sẽ đi đâu? Phần lớn chúng sẽ nằm trong những đống rác khổng lồ mà xe hốt rác thu thập về, chôn xuống đất cho rã ra. Những rác hữu cơ khác có thời gian rã ra rất nhanh nhưng những túi nhựa sẽ trơ gan cùng tuế nguyệt cho tới ngàn năm chưa phai! Một số sẽ theo những cơn gió bay đi khắp nơi, trâu bò, dê cừu và các loài động vật khác sẽ nuốt vào bụng khi la liếm trên cỏ. Một số khác sẽ trầm mình xuống ao hồ, biển cả. Cá và nhất là rùa sẽ tưởng là sứa nên đớp ngay, trương bụng và chết. Những thứ đáng ghét này đâu có ít ỏi chi, nguyên tại Mỹ là 8 tỷ pounds mỗi năm.

Chúng ta đang gói gói xách xách quen nếp đi rồi, nay tự nhiên bỏ đi những chiếc túi nhựa, hụt hẫng chứ! Biết vậy nên người ta đã chế ra một thứ khác gọi là túi plastic giả! Kể cũng tức cười. Cái thứ không ra gì, bị chê lên chê xuống đến ruồng bỏ như một thứ chó ghẻ, thế mà cái thứ mới chế ngon lành hơn lại được gọi là đồ giả! Thứ đồ giả này được làm bằng bột bắp. Lại thêm một thứ tức cười khác. Bắp thường dùng để ăn. Luộc, nướng (quệt thêm lớp hành mỡ) vừa đi vừa cạp trong cái lạnh se se của một đêm Đà Lạt đứng gió thì tuyệt cú mèo! Từ trái bắp nướng tới cái túi xách, tôi chẳng thể hình dung được đoạn đường biến đổi kỳ ảo như vậy. Vậy mà cái túi rất hợp với môi trường này, rục xuống bãi rác là tiêu, lại bị chê. Người chê là các ông bà chủ các siêu thị. Lý do chê là vì mắc quá. Giá tới 20 xu một cái lận. Đang dùng thứ túi bằng nhựa giá mua sỉ chỉ có 2 xu, vậy mà bây giờ đùng một cái nhảy lên gấp mười lần, đau cái túi tiền…lời chứ! Tại thành phố Montreal của tôi, các siêu thị Metro, IGA, Loblaws và hầu như toàn thể các hệ thống siêu thị khác đều…em chã! Chỉ có siêu thị Cinq Saisons ở khu Westmouth và Outremont là ô-kê. Và họ đã dùng thứ túi…môi trường này từ ba năm nay rồi. Chắc cần phải chú thích thêm cho những bạn không ở Montreal rõ: khu Westmouth và khu Outremont là hai khu nhà giàu của thành phố chúng tôi. Thường thì chẳng có lý do gì mà thương mấy anh nhà giàu cả nhưng trong trường hợp này phải khen các anh giàu này một phát. Họ cũng biết chi thêm tiền vì lợi ích chung. Không hướng được về hướng các túi nhựa đi chợ, công ty Duropac chuyên nhập cảng túi…bột bắp từ Pháp đã quay sang kỹ nghệ bao bì. Họ bán được những túi này cho các hãng chế tạo thịt, cá, nhất là các hãng sản xuất đồ ăn tốt cho sức khỏe mà dân tây gọi là santé. Bắt đầu từ năm ngoái, tại vùng đông Canada đã có những nhà máy chế tạo loại nhựa bột bắp này chứ không nhập cảng từ Pháp nữa làm cho giá bán một túi nhựa đã xuống còn 15 xu. Người ta hy vọng là trong ba hoặc bốn năm nữa, phí tổn sản xuất sẽ xuống nữa, tới mức có thể các chủ siêu thị sẽ chấp nhận được.

Trong khi chờ đợi ngày…bột bắp đó, chúng ta vẫn cứ phải kè kè bên người cái túi đi chợ mỗi khi vào siêu thị. Thời thế đã làm nở rộ việc sản xuất các thứ túi này. Một bữa kia, đi ngang qua một cửa tiệm tạp hóa, tôi ngẩn người nhìn lên dẫy treo các túi xách đi chợ. Đủ cỡ đủ kiểu. Nhiều kiểu rất điệu đàng. Hình vẽ cũng đa dạng. Đa số liên quan đến giữ sạch môi trường. Xách chiếc túi này mặt có thể ngẩng cao, ra cái điều ta đây văn minh, sống cho mọi người và cho thế hệ mai sau đàng hoàng.

Nhà bỉnh bút Josh Freed của báo The Gazette Montreal cũng vì muốn chứng tỏ ta đây văn minh, không đi ngược lại trào lưu của thời đại nên mới lọng cọng khi ra khỏi siêu thị. “Cô giữ két hỏi: ‘Ông có muốn mua túi đựng những thứ này không?’ Tôi nhìn quanh như cảm thấy mình phạm tội và khẽ trả lời: ‘Không!’. Sau đó tôi đút mấy bao xúc xích vào túi quần sau, mấy trái ớt đỏ vào túi quần trước, mấy cọng măng tây cho lộn đầu trong túi áo trước, trên tay là hộp sữa và mấy thứ khác. Đôi khi tôi đánh rớt mấy trái cà chua hay mấy trái cam lăn long lóc trên đường làm tôi đuổi phát mệt. Về nhà đôi lúc tôi tìm thấy gói pho-mát mua cả tháng truớc còn nằm trong túi áo lạnh! Lúc đó tôi nghĩ là thứ tôi cần nhất là chiếc quần xộc xệch của mấy thanh niên có tới 19 cái túi….Tại sao tôi không bỏ ra 5 xu? Không phải vì tôi tiếc tiền nhưng tôi thấy kỳ kỳ khi phải trả tiền mua túi nhựa trong khi tôi có 6 cái túi xách trong xe, 6 cái nữa trong phòng bếp và 3 cái treo trên cửa ra vào cho dễ nhớ…Tôi phải học dần dần cho việc thay đổi lối sống này: nhớ mang theo túi xách mỗi khi đi chợ. Người ta nói trí óc con người như chất plastic nên có thể thay đổi và phát triển vào bất cứ tuổi nào. Tôi vẫn chờ cho trí óc của tôi trở nên plastic về chuyện plastic!

Tôi có những điểm chung với nhà bỉnh bút nhiều khiếu khôi hài này. Lái xe đưa vợ đi chợ, để vợ xuống trước rồi mới nhẩn nha đi tìm chỗ đậu xe, tôi thường được dặn là nhớ mang theo bao đi chợ vô nhé. Hỏi lại cho chắc ăn: “Mấy cái?” Gật đầu ngon lành. Tìm chỗ đậu xong được chiếc xe, nhớ khóa cửa xe cẩn thận đã là một kỳ công rồi, xong lơn tơn đi vào chợ. Chẳng bao giờ trên tay có tới một cái túi xách nói chi mấy cái! Nhiều lúc tôi cố nghĩ tại sao mình chẳng bao giờ nhớ tới mấy cái túi xách vô duyên này vậy? Vì tình thế còn mới mẻ quá, vì kiếm được chỗ đậu xe là mừng hết lớn nên đầu óc lâng lâng vội đi ngay, hay là tại bây giờ già rồi đầu óc lú lẫn quên trước quên sau. Phải tìm ra nguyên nhân thì mới sửa đổi được. Đầu óc còn chưa tìm được nguyên nhân thì đổi thay chi. Cho tới bây giờ tôi vẫn, như ông  Josh Freed, chờ cho cái plastic trong đầu tôi trở nên plastic về chuyện plastic!

08/2009