Béo
Chim
Đi
Điếm
Đồi
Đúp
Hãi
Hẻm
Khăn
Khỏa
Lạnh
Lộc
Lưỡi
Mai
Mạng
Mặt


Nhậu
Nhột
Nhỏ
Nổ
Nở
Phún
Rình
Sành
Són
Tây
Tên
Thèm
Tiết
Valentine
Xẻo
Xmas

ĐI

Mùa Giáng Sinh 1971, 36 năm trước, tại Hương Cảng, tôi đã mấp mé nước Tầu. Ngày đó, Trung Cộng có một cửa hàng tại đây. Cửa hàng tọa lạc trong một tòa nhà rất lớn nhưng trông âm u và rờn rợn. Bên trong bán đủ mọi sản phẩm của đất nước Cộng Sản khổng lồ này. Nhân một chuyến đi làm việc bên Nhật, trên đường trở về, tôi đã ghé Cảng Thơm. Ngồi trước bùng binh có vòi phun nước trước cửa tòa nhà âm u này, tôi và một bạn đồng sự đi cùng băn khoăn bàn nhau xem có nên vào không? Vào không biết có “biến cố” gì không vì chúng tôi đi bằng passport công vụ bìa màu nâu của Việt Nam Cộng Hòa. Họ sẽ hỏi giấy khi trả tiền mua hàng, một cư dân Hồng Kông đã cho chúng tôi biết như vậy. Cuối cùng, đánh liều, chúng tôi vào. Nhìn các cán bộ bán hàng mặt lạnh như tiền, tim chúng tôi cũng chơi lô tô! Đi loanh quanh một lúc trong cửa hàng vắng hoe lạnh tanh, chúng tôi mỗi người mua một chiếc áo len đan bằng lông lạc đà với cái giá rẻ rề, mang ra trả tiền. Chị thâu ngân cầm passport, nhìn mặt để nhận diện. Rồi chị cũng nhận tiền. Ra tới cửa, hai tên phiêu lưu thở phào! Cũng biết cái không khí Cộng Sản ra sao!

Ngày đó, chẳng bao giờ tôi nghĩ có ngày mình sẽ đi Tầu. Xuống hỏa ngục coi bộ dễ hơn! Thời thế xoay vần. Vậy mà tôi đi Tầu. Lại đi bằng passport Canada. Cuộc đời nó tinh nghịch lắm. Chẳng biết mai này nó chơi trò gì. Nói trước…việt vị là cái chắc!

Ngày xưa các cụ đi sứ chẳng thèm nói tiếng Tầu. Cứ giở mớ chữ thánh hiền ra mà bút đàm. Ông vẽ loằng ngoằng một chữ. Tôi vẽ lại một chữ. Cứ thế mà bàn chuyện. Ngày nay tôi chẳng hơn gì các cụ. Cũng chẳng thèm nói tiếng Tầu. Mà Tầu chúng chẳng thèm nói tiếng ta. Chúng cũng chê tiếng…Canada! Tiếp xúc với nhau rặt một trò đực mặt ra cười. Khi vào chuyện cũng đành bắt chước các cụ: bút đàm. Bút đàm ngày nay khác thời các cụ. Các cụ còn mớ chữ thánh hiền để vẽ với dân Tầu còn tôi lại chê chữ thánh hiền. Ngày còn theo học Văn Khoa thiếu gì dịp học chữ Tầu nhưng tôi vốn không có tài vẽ nên chẳng thèm cầm bút lông. Chữ nghĩa chẳng có, bút đàm cái chi chi! Như tôi đã nói, bút đàm ngày nay nó khác lắm. Hiện đại hơn nhiều. Khi phải tiếp xúc chặt chẽ với dân chúng, nghĩa là mua hàng, thì nhà hàng xách ra ngay một cái máy tính nho nhỏ. Chị bấm một con số. Tôi bấm một con số. Cứ thế kỳ kèo với nhau. Con số của chị bao giờ cũng cao, con số của tôi bao giờ cũng thấp. “Máy” đàm một hồi thì cũng tới điểm chung. Chị gật đầu một cái. Xong một cuộc…thương thuyết!

Tính tôi khá dở hơi. Chữ Hán chẳng có nhưng lại thích thơ chữ Hán. Bữa tại Thượng Hải, thấy một bức tranh có bài thơ chữ Hán đẹp quá, khung bằng bốn thanh gỗ cũ kỹ, nối với phần giữa bằng những sợi dây thừng sần sùi. Phần giữa là một miếng gỗ đen, gắn trên gỗ là một phiến đá trắng có khắc một bài thơ. Trông thấy là thích ngay. Đẹp nhưng có biết mô tê gì đâu. Thấy chị bán hàng ba hoa quảng cáo nghe loáng thoáng có chữ Lẩy Pạch. Bèn thông! Chắc là Lý Bạch chứ gì nữa. Bài thơ này của Lý Bạch? Muốn chắc ăn, chỉ từng chữ ra dấu bảo cô hàng đọc. May phước, cô bán hàng này có chữ! Cô chỉ từng chữ đọc. Nghe cũng ra thơ. Bèn mua. Mù chữ khổ như vậy đó!

Đi Tầu mà vừa mù chữ, vừa tơ lơ mơ lịch sử Tầu thì hết thuốc chữa! Tôi thuộc vào loại bệnh…cấp cứu này. Ừ thì nhà Minh, nhà Thanh, nhà Hán, nhà Đường, nhà Tần… Biết chứ nhưng nhà  nào trước nhà nào sau thì chịu. Ngay lịch sử nước ta, ngày còn đi học, muốn kiếm điểm vấn đáp, tụng đến phát khùng mới nhớ được thứ tự Đinh Lê Lý Trần Lê Nguyễn! Vậy nên, trên đất Tầu, nghía chỗ này, coi chỗ nọ, cứ nghe cô hướng dẫn viên kể nhà này nhà kia ra mà lòng rối bời bời. Nhà nào nằm trên nhà nào? Nhà này, nhà kia là năm nào? Thời gian cứ lằng nhằng trong đầu.

Vậy thì, bởi vì rất chi là handicap khi đặt chân tới đất nước của các chú con Trời nên loạt bài “Đi Tầu” này nhất định không thể…bác học được. Cứ thấy sao nói vậy người ơi! Rao trước như vậy để quý vị nào có muốn cà khịa thì cũng không thể ngôn gì được. Kính cáo!

1. CHUÔNG

Cuối tháng 10, viết xong bài “Chuông”, tôi tất tả đi tìm lại tiếng chuông. Trong trí óc tôi, chùa Hàn San là một ngôi chùa thanh tịch nằm bên một dòng nước có liễu rủ. Trên dòng nước có những con thuyền lững lờ trôi. Mười ba thế kỷ trước, trong một đêm thanh vắng, tiếng chuông chùa đã vọng ra một con thuyền có nhà thơ Trương Kế đang ngồi thưởng trăng. Trong giây phút lâng lâng thả hồn vào thiên nhiên diễm ảo, bài thơ bất hủ Phong Kiều Dạ Bạc đã ra đời.
Trên chuyến xe buýt đưa tôi tới chùa, cô hướng dẫn viên, người Hàng Châu, rất xính thơ văn, đã đọc bằng cái giọng nhẹ nhàng Hàng Châu bài thơ bất hủ này. Những thanh âm líu lo nhè nhẹ luồn vào đôi tai điếc chữ Tầu của tôi cũng lâng lâng đầy cảm khái. Những câu thơ phiên âm Hán Việt nằm sẵn trong đầu tôi đưa tôi tới gần những vần thơ hơn. Tôi đọc bản phiên âm ngay sau khi cô gái Hàng Châu dứt giọng. Cô lắng tai nghe. Hình như có những chữ lai nhau với bản tiếng Tầu của cô. Cô hỏi tôi sao lại biết bài thơ này. Cô cười rạng rỡ khi được trả lời là rất nhiều người Việt Nam thuộc những câu thơ của Trương Kế.

Xe buýt vượt qua những phố thị. Những người là người. Dân số đã vượt qua hàng tỷ thì đông là phải rồi. Đùng một cái, xe thắng lại. Đi xuống. Trời đất! Chùa Hàn San đây rồi chăng? Dòng nước đục ngầu bên trái xe buýt nhỏ như một con rạch của miền Nam nước ta có những chiếc cầu cổ bắc ngang. Cầu có những bậc thang leo lên chỉ dung chứa được người đi bộ. Xe đạp dựng ngổn ngang bên cầu. Bộ nhà thơ Trương Kế neo thuyền nghe chuông ở đây sao? Vậy mà đúng. Cô hướng dẫn viên xác nhận như vậy. Đầu tôi như va phải tảng đá. Cảnh như thế này thì thơ ở đâu ra? Vòng ra phía trước chùa. Một bức tường trơ trụi chắn ngang trên có ba chữ Hán màu xanh lá: Hàn San Tự. Tôi chỉ đọc được mỗi chữ “san” nằm ở giữa. Hồi ông Trương Kế bộ cổng chùa cũng như thế này sao? Nếu đúng thì tội cho ông nhà thơ quá. Ông đã công kênh ngôi chùa lên quá lố. Nhưng nghĩ như tôi thì tội cho tôi quá. Mười ba thế kỷ trước cảnh vật chắc khác. Tôi đã đến trễ hơn một ngàn ba trăm năm! Ông Trương Kế chắc may mắn hơn tôi. Thời ông, vẫn còn cái tịch mịch đi vào lòng nhà thơ. Sông ngày đó khác. Nước ngày đó khác. Cầu ngày đó khác. Liễu ngày đó khác. Và chùa ngày đó khác.

Chùa nhỏ, còn nét rêu phong. Khách du lịch không đông như tại các địa điểm du lịch khác. Tôi không nhìn thấy những du khách Tây phương. Chỉ rặt những đầu đen. Đông nhất là những đoàn du lịch nội địa. Ngôi chùa không có gì đặc biệt mà chỉ nhờ một bài thơ trở thành một địa điểm thăm viếng ăn khách. Nếu ông Trương Kế còn sống, chắc chắn ông phải được chia tiền hoa hồng từ những chiếc vé vào cửa bán ra lia lịa. Tôi vào sân chùa, miết tay lên bài thơ bất hủ được khắc trên một miếng đá cao hơn đầu người. Tôi chẳng đứng được lâu. Người người đứng chờ tới lượt đứng cạnh bài thơ chụp hình kỷ niệm.

Tiếng chuông ở đâu? Phía bên phải bài thơ là một khoảnh vườn nhỏ xíu trang trí bằng đá và cây. Giữa vườn là một phiến đá trên khắc ba chữ Hán. Tôi chịu chẳng biết ba chữ đó muốn chỉ cái gì. Nhưng ngay đằng sau vườn là gác chuông thấp cỡ hơn chục thước, vuông vức mỗi bề chừng hơn hai thước. Tiếng chuông vang vọng hàng bao nhiêu thế kỷ trú ẩn trong một cái chuồng chim tầm thường này chăng? Tôi bước vào chiếc cửa nhỏ. Ông gác cửa chìa tay ra. Tôi hỏi theo tiếng của tôi. Ông trả lời theo tiếng của ông. Một người tiến tới phía sau tôi chìa ra một tấm vé. Tôi vốn không tệ lắm, hiểu ra ngay. Định cất tiếng hỏi mua vé ở đâu nhưng nghĩ là vô ích nên chẳng nói gì. Tôi đưa ánh mắt dò hỏi ông gác cửa. Ông ta cũng không đến nỗi tệ. Ông hiểu liền, chỉ tay ra phía hành lang một ngôi nhà  nối với gác chuông bằng một hành lang ngắn có lợp mái ngói. Tôi nhìn mãi mới thấy một ô cửa sổ nhỏ có một ông ngồi bên trong. Chỗ ông ngồi tối hù. Ông này cũng không đến nỗi tệ. Thấy tôi lóng ngóng trước ô cửa, ông giơ nguyên cả bàn tay có năm ngón vươn ra dõng dạc. Tôi hiểu năm ngón tay của ông là 5 nguyên. Nguyên là đơn vị tiền của Trung Quốc, họ gọi là yuan, trị giá khoảng 13 xu Mỹ. Năm nguyên là 65 xu Mỹ. Tôi cầm tấm vé hiên ngang vào cửa. Ông gác cười toe. Ra cái điều ta đây biết nói tiếng…quốc tế! Trèo lên chiếc cầu thang nhỏ xíu có khoảng chục bậc sơn màu đỏ, tôi đụng ngay chiếc chuông treo toòng teng, phía dưới là một tượng Phật. Nói đụng là đúng phóc vì khoảng không gian này, ngoài chiếc chuông thì chỉ dăm ba người đứng là chật chỗ. Chiếc vồ đánh chuông được treo bằng hai sợi dây thừng lủng lẳng bên cạnh chuông. Mỗi người được đánh ba tiếng bằng cách thụi cái vồ vào thân chuông. Đánh xong tôi nán lại chụp vài bức hình rồi đi xuống. Mấy ông bạn đứng ngoài sân hỏi tôi đã đánh chuông chưa. Chẳng là ngay từ khi lên máy bay ở Montreal, tôi đã ba hoa là đi chuyến này chỉ cốt đánh được tiếng chuông chùa Hàn San cho thỏa lòng mong ước. Tôi gật đầu. Rồi! Sao chẳng nghe thấy gì cả? Tôi nghĩ trong bụng: nghe làm sao được! Chiếc vồ bằng cây ngày nọ qua ngày kia bị thúc vào đồng chịu sao nổi. Đầu vồ tét ra tua tủa như chiếc chổi, đánh làm sao kêu lớn được! Tôi đã vận dụng đủ mười thành công lực mà tiếng chuông nghe vẫn nhẽo nhoẹt! Tôi tiếc đã không được sống vào thời Trương Kế. Tiếng chuông ngày đó chắc phải khác. Khác xa với tiếng chuông mà tôi vừa đánh sau khi đã phải nuốt vạn dặm đường mới chạm được vào lớp đồng!

Nhưng gì thì gì tôi cũng phải có được bài thơ bất hủ của nhà thơ họ Trương ngay tại Hàn San Tự. Tôi rảo quanh chùa mong tìm ra được một cửa hàng bán đồ lưu niệm. Không có. Ra ngoài đường, bên hông chùa, là những cửa hàng bán đồ cho du khách. Hỏi mãi bà bán hàng mới được bà chạy vào trong nhà mang ra một cuộn giấy. Mở cuộn giấy ra, nhìn vào bài thơ, thấy ngổn ngang chữ Hán. Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên. Nhớ được phiên âm chữ Hán câu thơ đầu, bèn check! Chữ thiên đâu? Thiên thì biết. Thiên trời địa đất cử cất tồn còn! Đúng là chữ thiên. Vớ được ông Trương Kế rồi. Bài thơ viết trên khung giấy lớn quá. Lớn thế này mà nhà thì bé tí tẹo, treo vào đâu? Bèn trở nên khó tính. Bản chợ thế này thì đích thị là chữ in chứ không phải chữ viết tay. Phải là chữ viết tay mới quý. Đành cáo từ bà bán hàng, đi tìm ông thầy đồ để xin chữ. Lang thang qua mấy cửa hàng chỉ toàn bà…đồ không biết viết. Cô hướng dẫn viên dục dã lên xe. Chặc lưỡi một cái. Trèo lên xe lòng vẫn cứ ngơ ngẩn.

Số tôi không đến nỗi tệ. Ngày hôm sau, khi đi thăm xưởng tơ lụa Tô Châu, bắt được ngay một ông thầy đồ nơi quầy hàng. Hỏi thầy có biết bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế không? Thầy dõng dạc gật đầu. Nói vậy chứ đây không phải là cuộc…bút đàm giữa tôi và nhà nho. Phải nhờ cô hướng dẫn viên làm cầu nối mới yên chí xin thầy múa bút. Thầy vung tay bút lông. Chữ nọ theo chữ kia. Chữ thầy viết khá tài hoa. Đó là theo mắt nhìn của người mù chữ Hán là tôi. Rồi tôi cũng có bài thơ chép tay trên đất Tô Châu của ông Trương Kế có dính vào bên lề câu: “ Song Thao tiên sinh huệ tồn” đàng hoàng! Về tới Montreal hỏi ông đồ Hoàng Chiều Nhân mới biết chữ “huệ tồn” nghĩa là lưu giữ. Vậy là hỏng tiếng chuông, tôi được bài thơ viết tay origine cẩn thận! Cũng không tệ. Nhất là tiếng chuông tôi đã được ở một nơi khác!

Nơi khác đó là chùa Lạt Ma Tây Tạng Yonghe Gong ở Bắc Kinh.Đây là ngôi chùa Tây Tạng lớn nhất bên ngoài đất Tây Tạng. Chùa được xây từ năm 1694, rất lớn và đẹp. Ngoài cổng chùa vẫn còn nguyên tấm bảng đề tên chùa bằng bốn thứ tiếng: Hán, Mãn Châu, Tây Tạng và Mông Cổ. Tuy đã có trên ba trăm năm tuổi, chùa lại rất văn minh. Văn minh thứ nhất, tôi nghe nói, là các lạt ma không ăn chay. Họ được phép ngả mặn đều đều. Văn minh thứ hai là khi mua một tấm vé giá 25 tệ để vào chùa thì được phát cho một đĩa VCD bé tí xíu. Tôi bỏ chiếc đĩa này vào laptop ngay buổi tối tại khách sạn thấy quay lại cảnh chùa và có hai lạt ma, một già một trẻ, ngồi nói rất lưu loát. Nói gì thì tôi không hiểu. VCD có phụ đề nhưng lại phụ đề tiếng Tàu. Bù trất!

Chùa gồm nhiều tòa nhà ngang dọc rất bề thế. Khi tôi bước vào tòa nhà chính thì đang có buổi tụng kinh. Khoảng năm chục lạt ma mặc áo vàng để trần một bên vai đang tụng. Tiếng ê a đều đều. Có lẽ là tiếng Tây Tạng. Đó là tôi đoán thế vì tiếng Tàu hay tiếng Tây Tạng tai tôi đều điếc cả! Họ ngồi quanh vòng bàn thờ chính khá lớn. Chiếc vòng cung áo vàng chạy tuốt tới phía sau bàn thờ. Những vị ngồi phía sau coi thơ thới hơn những vị ngồi phía trước. Họ là những người trẻ. Không hiểu có vụ xếp đặt chỗ ngồi theo tôn ti trật tự không? Trông vị nào cũng hồng hào khỏe mạnh.

Trên tấm bia đá khắc ngoài cổng vào có một đoạn như sau: “Trước năm 1949, Yonghe Gong không được chăm sóc cẩn thận. Sau ngày thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, chính phủ đã bỏ ra một số tiền lớn để trùng tu chùa và các Lãnh Tụ Chính Phủ đã tới thanh tra nhiều lần. Năm 1961, chùa được liệt vào hạng di sản văn hóa quốc gia cần được bảo tồn. Trong thời kỳ mười năm xáo trộn được gọi là cuộc cách mạng văn hóa từ 1966 đến 1976, Yonghe Gong được bảo toàn tốt và tránh được tàn phá vì có sự quan tâm của Chủ Tịch Chu Ân Lai. Năm 1981, Yonghe Gong được mở cửa lại cho công chúng.”

Tấm bia ca tụng công đức của nhà cầm quyền Cộng Sản. Trước năm 1949 là thời cầm quyền của Trung Hoa Quốc Dân Đảng do Tưởng Giới Thạch cầm đầu. Sau đó, tôi tình cờ gặp được một anh hướng dẫn viên người Hoa nói tiếng Việt rất lưu loát đang dẫn một đoàn du lịch người Việt từ Cali đến tại một ngôi chùa khác. Chỉ những bức tượng Phật bị phạt mất đầu, anh cho biết đó là do Hồng Vệ Binh phá. Tôi nói chuyện với anh về vụ gọi là “bè lũ bốn tên” và lân la hỏi anh về việc các chùa chiền đều do nhà nước quản lý. Anh hỏi lại tôi: “Biết nhiều quá nhỉ?” Tôi sực nhớ là mình đang ở Bắc Kinh, sực nhớ là du lịch cũng là một dịch vụ của chính phủ, bèn ngậm miệng lảng đi chỗ khác. Bất cứ chỗ nào trong bất cứ một ngôi chùa nào, nếu có một chiếc ghế quỳ có phủ vải vàng cho thập nam tín nữ quỳ cầu nguyện là y như rằng có một thùng phước sương to tổ chảng. Tôi chưa bao giờ được thấy kích cỡ những thùng phước sương loại khổng lồ như vậy. Mỗi cái như một chiếc tủ chè trong phòng khách nhà các quan to ngày xưa. Tiền thập phương cúng sẽ đi về đâu? Tôi không biết rõ nhưng cũng đoán ra!

Ngoài hành lang của mỗi tòa nhà trong chùa đều có để những quả chuông treo trong một lồng bằng gỗ sơn đỏ. Chuông này không kêu! Khách thập phương có thể dùng tay xoay chuông theo vòng tròn để cầu phước lộc và may mắn. Chỗ tầm tay quay sáng lên màu đồng chứng tỏ đã có rất nhiều bàn tay quay chuông cầu may mắn. Tôi không thấy hứng thú gì với loại chuông…câm này. Nhưng khi ra những cửa tiệm bán đồ lưu niệm trong khuôn viên chùa tôi mới bắt gặp tiếng chuông vừa ý. Đó là những chiếc chuông đồng không mang hình dáng thông thường của những quả chuông ước lệ. Không thể gọi thứ chuông này là…chuông được vì dáng hình của chúng giống như một chiếc chén ăn cơm! Cô bán hàng bảo là chuông Tây Tạng. Chuông cũng có một cái dùi bằng gỗ nhưng không phải để đánh vào chuông cho ra tiếng kêu mà để tựa vào thành chuông rồi xoay vòng tròn. Khi xoay như vậy, chuông sẽ phát ra tiếng âm u càng ngày càng vang lên to hơn. Xoay càng mạnh tiếng chuông vang càng lớn dần lên rất lạ. Cô hàng xoay thoăn thoắt, âm thanh được nâng lên dần, cao vun vút. Tôi xoay thử. Chỉ được vài vòng chiếc dùi lại rơi xuống làm âm thanh đứt đoạn. Cô bán hàng trẻ tuổi vui tính cười ngoặt ngoẽo, dành chuông xoay lại. Cũng một cái chuông mà trong tay cô bán hàng nó có thần hơn trong tay tôi. Cô còn cho biết loại chuông lớn, nếu đổ nước vào, khi xoay cho âm thanh vọng lên thì nước bên trong cũng nhảy lên theo. Cô chỉ chiếc chuông lớn. Ôm chiếc chuông này lên máy bay sợ…chật máy bay nên tôi chỉ lặng lẽ nhìn.

Ba chúng tôi, anh Trương Sỹ T. anh Lê Văn N. và tôi, mỗi người…thỉnh một chuông. Trên con đường dài hun hút chạy giữa hai hàng cây dẫn ra cửa chùa, người ra kẻ vào tấp nập, ba ông lạt ma tóc dài một tay cầm chuông, một tay cầm dùi xoay, tiếng chuông hòa nhịp vào nhau vang vang làm các du khách tây đầm thích thú ngưỡng mộ một cuộc rước chuông đầy bất ngờ và ngoạn mục. Nhiều ông tây bà đầm còn giơ máy hình chụp lia lịa, đèn flash nhấp nháy làm nức lòng…chiến sĩ! Phái đoàn ta đi hộ tống bên cạnh được một mẻ cười nghiêng ngả.

Hai ngày sau, trên chuyến xe lửa đêm từ Bắc Kinh đi Tây An, vợ chồng tôi và vợ chồng anh N. chiếm nguyên một phòng 4 giường nằm. Buổi sáng, vừa thức giấc, nằm đối diện nhau trên hai giường cao, anh N. và tôi lại vác chuông ra…hòa nhạc. Bốn giọng cười oang oang làm phe ta bên các phòng bên cạnh vội chạy sang. Tưởng có chuyện…gì!
Về lại Montreal, anh N. phôn cho tôi, giọng buồn rõ: “Anh ơi, bữa đó trên xe lửa, xoay chuông với anh xong, tôi để quên chuông trên giường mất tiêu!” Nghe xong, tôi mang chuông ra …ngoáy. Tuồng như tiếng chuông vang lớn gấp đôi!

2. HỚ

Mãi tới sang năm Bắc Kinh mới có Thế Vận Hội. Dân Tầu có khác, rất tin vào bói toán phong thủy, họ sẽ khai mạc Thế Vận Hội vào ngày 8 tháng 8 năm 2008, vào lúc 8 giờ 8 phút tối. Có 8 giây không thì tôi không được biết. Con số 8 là con số hên! Mê tín như vậy nên tôi đã thấy các bà bán hàng đốt phong linh khi ế hàng. Điều này dân Việt ta cũng từng làm. Nhưng đối với khách mua hàng dân buôn bán Tầu không bao giờ mặt nặng mặt nhẹ hay chửi bới. Bạn trả giá bao nhiêu, tùy. Bán được thì họ bán, không bán được thì thôi. Nhưng thường là họ bán. Giá nào họ cũng bán được thì phải. Họ tốt với khách hàng như vậy có lẽ vì họ…biết lỗi. Cái lỗi nói thách quá đáng!

Tôi không định tới Bắc Kinh để tham gia Thế Vận Hội. Sớm quá! Nhưng tôi đã thực sự là một vận động viên. Đánh bài, chơi cờ được coi như một môn thể thao thì trả giá khi mua hàng ở Trung Quốc đích thị là một môn thể thao. Nó còn mệt trí não hơn là đánh cờ và đánh bài nhiều. Ba chiếc chuông anh em chúng tôi mua có giá khác nhau. Đầu tiên anh T. chạy vào chùa khoe với chúng tôi là đã trả giá và mua được chiếc chuông Tây Tạng với giá 180 nguyên. Cửa hàng nằm trong khuôn viên nhà chùa, tôi thắc mắc: bộ trong chùa cũng trả giá nữa sao?  Cầm cái chuông trên quầy hàng, tôi thấy dán giá 415 nguyên! Anh T. đứng lớ ngớ cạnh đó. Ông ra ngoài cho chúng em nhờ! Anh T. đi ra. Cô hàng đưa ra chiếc máy tính, bấm theo đúng giá đã ghi. Tôi bấm lại: 100. Lắc đầu. Cô bấm tiếp: 350. Cuối cùng giá thỏa thuận là 150 nguyên. Anh T. lỗ 30 nguyên.

Phải cười trừ thôi! Chiêu này trước đó đã được thực hành tại một shopping center. Anh N. mua cái áo 400 nguyên. Đuổi anh N. ra, anh T. trả giá và mua được cái áo y chang với giá 300 nguyên. Bà xã tôi mua đôi giầy 150 nguyên, chị M. H. mua sau đó đôi giầy giống hệt có 130 nguyên! Hớ! Sang Tầu mà không hớ là…chưa sang Tầu!

Nói thách ở Tầu là một điều bình thường. Kinh nghiệm cho biết cứ trả khoảng một phần mười giá là vừa. Nhưng kinh nghiệm này có khi cũng sai bét. Tôi hỏi giá một bức tranh tại Thượng Hải. Cô bán hàng lấy máy tính ra. Bấm. 900 nguyên! Nghe vậy có nhiều bạn lơ mơ chưa rõ là bao nhiêu. Thưa: 120 đô Mỹ. Trả chơi một cái. Bấm: 70 nguyên. Cô hàng lắc đầu. Lại còn vùng vằng ra vẻ không bằng lòng. Không định mua, tôi ra cửa. Cô chạy theo. Bấm: 100 nguyên. Tôi lắc đầu, dợm đi tiếp. Cô kéo tay tôi lại. Bán! Tính ra chưa tới 10 đô!

Vào những cửa tiệm quốc doanh chuyên bán các thứ đá quý hay hàng loại có giá trị có trả giá không? Thấy cái hào nhoáng, to lớn và lịch sự của cửa hàng, rất ngại trả giá. Nhưng thấy thiên hạ trả giá như điên, mình cũng…điên. Hóa ra cũng một ruộc cả. Cũng máy tính bấm như thường. Có điều trả giá ở đây cũng có đẳng cấp hơn. Thường khoảng gần nửa tiền là họ bán. Mà họ không bán ngay đâu. Chạy ra hỏi quản lý. Quản lý lắc đầu. Cô bán hàng trở lại, lắc đầu theo. Đừng có dại mà trả thêm. Muốn mua lắm cũng cứ bình tĩnh! Trước sau gì cũng mang được món đồ về. Quả như vậy.Chờ cho tới lúc chót, lúc mọi người trong cùng một đoàn du lịch gọi nhau ra xe, họ mới kêu lại bán. Trả rẻ hay trả mắc, họ bán tuốt!

Cẩm nang khi mua hàng bên Tầu: không nên bấm máy tính lia lịa nhiều lần; nên bỏ ra cửa làm bộ đi!

Thêm một lời khuyên: nếu có mua hớ thì đừng buồn. Hại sức khỏe. Thiên hạ ai chẳng…lãnh thẹo!

Trả giá là một phản ứng rất nhậy. Thời gian đi…du lịch, chúng tôi cứ mê đi lúc nào cũng nghĩ tới chuyện trả giá. Chị M. H. ngồi trên xe buýt vừa nói chuyện vừa gọt táo. Nghe một câu nói tếu, chị cười. Con dao cũng cười theo. Cái cười của dao coi bộ sắc không kém gì người. Vết cắt trên ngón tay sâu tới xương. Vội di tản…thương binh vào bệnh viện cấp cứu. Khi cô hướng dẫn viên đưa bệnh nhân về bằng tắc xi, mọi người xúm lại hỏi thăm. Lại hỏi có chìa giấy bảo hiểm ra không? Có nhưng vẫn cứ phải trả tiền mặt trước về Montreal claim lại sau. Bao nhiêu? 250 nguyên! Chú nhỏ H., gọi là nhỏ nhưng cũng đã có vợ rồi, kinh nghiệm mua đồ đầy người, buột miệng hỏi. Cô có trả giá không?

3. GIẢ

Xe buýt trực chỉ một kho hàng chuyên bán đồ nhái ở Thượng Hải. Cô hướng dẫn viên trấn an. Đây là một nơi chuyên bán đồ nhái nhưng thuộc loại…cao cấp. Nghĩa là dùng được.Không giống như những thứ đồng hồ mắt kiếng thắt lưng ví da do các người bán dạo trước các khách sạn hay các địa điểm du lịch rao bán. Những người này, tôi thấy đầy rẫy ngoài đường phố. Họ chỉ có một tờ giấy in màu mè mọi thứ hàng, giơ ra cho khách coi, khi nào khách hỏi thì họ mới chạy lại một chỗ kín đáo nào đó lôi ra. Cô hướng dẫn viên tiết lộ thêm. Tuy là đồ giả nhưng ở Trung Quốc là hợp pháp. Quý vị thích thì cứ mua thoải mái, không có ai hỏi han bắt bớ gì cả. Đúng là như vậy. Nhưng khi quý vị về tới phi trường các nước…văn minh thì lại khác. Mang đồ giả sẽ bị đánh thuế lè lưỡi cho chừa cái tội tiếp tay với gian thương. Nếu tham lam mua số lượng nhiều thì có thể còn được giao du với cảnh sát rất là mất vui.

Cả một tòa nhà lớn đầy nhóc đồ, tha hồ mà lựa chọn. Các ông xúm vào quầy đồng hồ. Longines, Rolex, Omega… loại xịn, mỏng như lá lúa, mại dô chỉ có ba bốn chục đô Mỹ một chiếc, mặc sức mà le lói. Thật hay giả, khó mà phân minh. Các bà lục lạo quầy bán ví xách. Coach, Louis Vuitton, Prada, Fendi, Tod’s… cứ y như thật. Vàng thau lẫn lộn một cách tuyệt kỹ, ít người có thể nhận ra được khác biệt. Giá tiền thì khác biệt. Thay vì phải trả hàng ngàn hay chục ngàn đô cho một chiếc ví xịn, các bà chỉ cần nhẹ nhàng móc bóp chi hai chục đô thôi.

Đường Nanking ở downtown Thượng Hải, tương tự như đường Tự Do của Sài Gòn, chỉ khác một điều là đường chỉ dành riêng cho khách mua sắm, xe cộ đi chỗ khác chơi! Đây là con đường huyết mạch của các cửa hàng bán lẻ. Hàng thiệt và hàng giả chung sống hòa bình với nhau. Một cửa hàng chuyên bán đồ thể thao của Pháp mang nhãn hiệu Crocodile có vẽ hình con cá sấu to tổ chảng trên bảng hiệu treo ngoài cửa tiệm. Xế bên kia đường, trên một bảng hiệu khác, cũng có hình con cá sấu lớn không kém. Tôi không có thời giờ đứng nghểnh cổ ngắm kỹ xem con cá sấu này khác con cá sấu kia ra làm sao, nhưng tôi biết chắc là phải khác, tuy chỉ khác một chút xíu cho ra cái điều ta đây không thèm ăn cắp nhãn hiệu. Cũng như cái tên tiệm.  Tôi đọc được là Cocodile! Cần quái gì cái nghĩa của chữ!

Có một điều ai cũng công nhận: dù là hàng nhái hay hàng hiên ngang mang nhãn hiệu Tầu, quần áo của họ được may cắt cho vóc người Á châu nên chúng ta mặc vào là vừa y, đẹp hết xảy. Đường kim mũi chỉ rất đẹp, không chê vào đâu được. Vậy là quân ta mặc sức mà…vơ vét. Ăn nhằm gì cái mác lẩn khuất tận bên trong. Không định mua mà tôi cũng ôm một đống. Chú nhỏ H., người vốn hơi khiêm nhượng, ôm tới hai…đống. Chẳng là “chàng” chẳng thể nào mua được áo vét vừa người bên xứ Canada, sang tới Tầu mặc cái nào cái nấy vừa in, cứ như là hàng sur mesure thích chí là cái cẳng, vơ từ cửa tiệm này qua cửa tiệm khác cả chục cái, tha hồ mà le lói! Bởi vì hàng may cho khổ người Á châu nên kích cỡ cũng teo lại hơn. Mặc cỡ medium bên châu Mỹ thì phải large bên Tầu. Xem ra người có…lên giá! Tuy rằng lên giá giả tạo!

4. THIÊN AN MÔN

Thiên An Môn nổi tiếng một cách phiền lòng nhà cầm quyền Trung Quốc từ khi xảy ra vụ…Thiên An Môn. Cứ nói khơi khơi “Vụ Thiên An Môn” là ai cũng biết chuyện gì. Trong đầu cứ nghĩ như vậy nên tôi khơi khơi hỏi cô hướng dẫn viên chỗ nào là chỗ anh sinh viên đứng cản mũi xe tăng đàn áp sinh viên. Cô trợn mắt nhìn lại tôi, lắc đầu, trả lời không biết. Cái lúng túng của cô gái cho tôi biết là tôi đã…làm phiền cô với câu hỏi lẽ ra không nên hỏi. Có người đã nói cho tôi biết là các hướng dẫn viên nhiều phần là công an chìm. Cuối cùng, tôi cũng biết chỗ…vấy máu đó là chỗ nào. Thiên An Môn là một quảng trường rộng lớn. Rộng đến thế nào thì tôi e rằng sáng hôm đó tôi không ước lượng được rõ ràng. Bởi vì đông nghẹt khách du lịch. Từng đoàn từng đoàn kéo nhau đi như đi biểu tình. Mỗi đoàn có một hướng dẫn viên cầm lá cờ đi trước. Trông thì hết sức nhà quê nhưng lá cờ quả là thực dụng. Không thấy lá cờ…đoàn thì lạc như không. Người đâu mà đông thế không biết. Ngoài các đoàn du lịch ngoại quốc là chính, còn có các đoàn du lịch trong nước. Những đoàn du lịch do các xí nghiệp tổ chức cho công nhân đi thăm thủ đô cũng nhiều. Họ không mặc đồng phục nhưng đội cùng một thứ mũ rất dễ nhận ra. Công an mặc sắc phục lảo rảo nhịp bước đi qua đi lại cũng không ít. Hình như lúc nào họ cũng sợ những đám đông tụ tập. Quảng trường Thiên An Môn không có cửa, không có hàng rào, nhưng muốn vào phải leo lên vài bậc tam cấp. Đi trưóc tôi là vài người địa phương trẻ tuổi, mỗi người đeo một chiếc ba lô nhầu nát. Họ bị công an chặn lại, bắt mở ba lô ra khám xét. Tôi cũng đeo một ba lô và đinh ninh sẽ bị họ khám xét, nhưng họ để tôi qua dễ dàng. Có lẽ họ thấy cây cờ Canada do cô hướng dẫn viên cầm đi trước hay sao.

Trên quảng trường có một khu vực rộng lớn được trồng cây và hoa quảng cáo cho Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008. Trên khắp đường phố, chỗ nào có thể quảng cáo cho Thế Vận Hội là có bảng, có cờ, có khẩu hiệu, có biểu ngữ ngay. Nhưng vườn hoa quảng cáo này quả thật là một kỳ công. Họ uốn nắn cây cỏ cho thành điện Pantheon của Hy Lạp, nước khai sinh ra Thế Vận Hội, ở một đầu, đầu kia là Vạn Lý Trường Thành tượng trưng cho Trung Quốc. Rồi những tượng các lực sĩ cũng được uốn bằng cây tượng trưng cho các môn thi đấu trong Thế Vận Hội, ngọn đuốc Thế Vận… Chung quanh vườn hoa này là các cảnh sát mặc sắc phục đứng nghiêm canh gác. Cảnh sát thật chứ không phải được uốn bằng cây!

Bên cạnh vườn hoa này, trên con đường chạy giữa Thiên An Môn và Tử Cấm Thành, chính là chỗ anh sinh viên can trường đứng chặn đầu chiếc xe tăng đàn áp năm xưa!
Bao quanh Thiên An Môn là các tòa công thự nguy nga, trong đó có Nhân Dân Đại Sảnh, có lăng Mao Trạch Đông. Các đoàn công nhân du lịch xếp hàng dài chờ tới lượt vào viếng lăng. Từ chỗ tôi đứng, lăng khuất lấp phần lớn trong đám cây cao. Thấy hình dáng lăng cũng giống như lăng Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Không biết bên nào bắt chước bên nào. Có điều lăng ở Thiên An Môn với những cây cột cao, mảnh khảnh, trông nhẹ nhàng hơn và có nét Trung Hoa hơn. Dưới ánh nắng trưa, tôi ái ngại nhìn đoàn người xếp hàng vòng vèo quanh lăng. Tôi không nghĩ họ đang đi du lịch. Họ đứng theo đoàn ngũ giữa các toán du khách nhởn nhơ chụp hình kỷ niệm.

5. TỬ CẤM THÀNH

Từ Thiên An Môn chui qua một đường hầm ngắn là tới  Tử Cấm Thành. Tử Cấm Thành là cung vua chúa ngày xưa khi Trung Hoa còn chế độ phong kiến. Chung quanh thành là những bức tường có lối đi ở trên để quân sĩ tuần phòng canh gác. Phía bên trong là một hào nước bao bọc quanh thành. Hào nước ngày nay được hoa lá cành bằng những vòi phun nước. Chiếc cửa chính vào thành được làm bằng gỗ dầy, cao ngất, chạm trổ tinh vi. Hai chiếc vòng trên hai bên cánh cửa làm bằng đồng lớn như hai chiếc mâm. Bên trong cánh cửa, nằm nép bên tường là hai con ngựa gỗ kiên cố dùng để chặn cửa. Vượt qua cửa là một khoảng sân rộng bị chắn ngang bởi một bức thành khác. Trên thành là một mái ngói. Để hấp dẫn khách du lịch, người ta bố trí một chiếc ngai vàng có người đóng vai vua mặc áo vàng, ngồi dưới lọng, phất tay đón chào. Vua thời kinh tế thị trường kể ra cũng khá vất vả!

Trong thành không biết cơ man nào những tòa nhà ngang dọc. Nhà nào cũng được chạm trổ tinh vi. Trước mỗi nhà đều có bảng giải thích cho du khách tên tòa nhà, năm xây dựng, triều đại xây dựng và công dụng của chúng ngày xưa. Bảng bằng đá khắc chữ Hán và chữ Anh. Dưới cuối bảng là một cái logo quen thuộc. Tôi nhìn kỹ. Đó là logo của thẻ tín dụng American Express! Tôi đồ chừng American Express đã tài trợ để quảng cáo. Len lỏi vào được tới cung đình, tài thật!

Những tòa nhà đặc vẻ cung đình, những bậc thang cao vút, những chiếc sân bát ngát đã làm nên cái uy nghi của chốn vua ngự ngày xưa. Sân lổn nhổn những viên gạch xưa đã bị bào mòn vì thời gian. Có những viên gạch đã lõm sâu xuống gập ghềnh rất khó đi.

Trong một góc khuất là khu vệ sinh công cộng. Nơi này du khách cũng phải xếp hàng chờ tới lượt vào…thăm. Trên bức tường nhà vệ sinh, tôi thấy treo tấm biển đồng khá trang trọng. Lúc tới lượt theo hàng lối đi ngang qua, tôi nhìn kỹ tấm bảng khi thấy trên đó có khắc 4 ngôi sao. Hóa ra nhà vệ sinh này được “tấn phong” 4 sao. Cứ y như cách đánh giá khách sạn. Sau này, ở Hàng Châu, tôi thấy một nhà vệ sinh chỉ có 2 sao. Mũi tôi phân biệt được đẳng cấp của các sao này liền! Sao này là sao chính thức. Đọc kỹ tấm bảng đồng mới biết đây là xếp hạng của cơ quan du lịch nhà nước đàng hoàng. Không phải muốn gắn bao nhiêu sao tùy ý. Giai cấp được gắn tới tận…hạ tầng cơ sở!

Tôi băng qua một sân gạch tới hai dẫy nhà thấp có hàng hiên nho nhỏ chạy dài phía trước. Đây là chỗ các cung phi ở. Ngày xưa chỗ này là nơi các thiếu nữ trinh khiết được chọn lựa để cung hiến vua đã trải qua những ngày…cung oán ngâm khúc ngậm ngùi chờ thời gian tàn phá dung nhan. Dẫy nhà nằm sát bên chỗ vua hành lạc. Căn nhà hành lạc trống hốc trống hác. Chiếc giường có màn che trướng rủ nằm lọt thỏm ở giữa. Tôi nghĩ là khi vua làm…người chắc chẳng thích thú gì. Này nhé, chuyện kín mà chỗ thì…hở, lại thêm những cặp mắt của các anh không…tim lúc nào cũng soi mói, đối tác thì ngơ ngáo và sợ sệt như con mồi bị săn, “thực phẩm trần gian” nằm chình ình ra đó mất đi cái thú khám phá. Chán chết! Vậy mà lại tham lam tích trữ trong…kho cả ngàn cung nữ làm chi! Cô hướng dẫn viên giải thích rất dài dòng về một buổi…thiết triều loại thân thiết chỉ có hai người của nhà vua. Đại khái, cô nào may mắn được chọn sẽ được tắm gội thơm tho sạch sẽ. Sau đó, thân hình trần truồng của cô được quấn vào một chiếc khăn kín mít và được một quan thái giám…bưng lên cho vua. Vua chỉ việc ăn trái chứ không mất công bóc vỏ. Sau khi vua bẻ nhụy, một thái giám sẽ ghi vào sổ sách ngày tháng vua hưởng lạc để lỡ về sau có thai còn biết có đích thị là…tàn dư của thiên tử không.

Giữa cả ngàn cung nữ, chắc phải trúng số 6/49 mới được nằm trên vòng tay bưng của thái giám. Phần lớn cam phận…còn không cho tới cuối đời.

Tôi bước xuống gian nhà nhỏ bé nơi bao thiên kim chim sa cá lặn đã một thời giam mình chờ một đêm…trúng số. Hành lang tẻ ngắt. Từng chiếc cửa nho nhỏ như cửa chuồng chim bồ câu. Sợi dây chắn ngang không cho du khách vượt qua hành lang. Tôi nhớ tới những câu thơ của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngâm Khúc. Thì cung Việt hay cung Tầu cũng rứa!

Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng
Gương loan bẻ nửa, dải đồng xẻ đôi.
Chiều ủ dột giấc mai khuya sớm
Vẻ bâng khuâng hồn bướm vẩn vơ
Thâm khuê vắng ngắt như tờ
Cửa châu gió lọt, rèm ngà sương gieo.
Ngấn phượng liễu chòm rêu lỗ chỗ
Dấu dương xa đám cỏ quanh co
Lầu Tần chiều nhạt vẻ thu
Gối loan tuyết đóng chăn cù giá đông.

Ước gì tôi vượt qua được hành lang, luồn người qua cánh cửa hẹp, đặt chân vào loan phòng để cảm thấy được cái giá lạnh của những thân phận tưởng là vàng son nhưng thực ra chẳng được làm người. Ánh nắng chiều vàng vọt soi rọi lên mảnh sân chỗ tôi đứng. Tôi nhìn xuống bóng mình nằm cô đơn trên những mảnh gạch lỗ chỗ khấp khuỷu. Lòng tôi chùng xuống. Lớp phế hưng như len lỏi vào sâu trong tôi. Đâu rồi những bóng hình tội nghiệp xưa?

6. BẮC KINH

Bắc Kinh đang lên cơn sốt xây cất. Đi chỗ nào cũng thấy cần cẩu vươn lên trời. Đường xe điện ngầm, xa lộ mới, tân trang đường phố…Chẳng là họ đang sửa soạn cho Thế Vận Hội 2008. Dọc theo phố phường, tôi thấy có những chỗ xây những bức tường dài, mới, kín mít với một hai lối ra vào. Tò mò nhìn vào bên trong mới thấy một khu nhà thuộc loại ổ chuột, lúc nhúc người. Có lẽ họ muốn che mắt du khách. Tôi nghĩ trong bụng  nhưng ngại không muốn hỏi cô hướng dẫn viên.

Khu Thế Vận thì bụi mù trời. Tòa nhà chính của Thế Vận làm theo hình tổ chim tôi lại nhìn ra như một cuộn len rối bị đè dẹp xuống đã hoàn tất phần bên ngoài. Chung quanh khu này là những tòa nhà chọc trời đang vội vàng hoàn tất. Suy từ khu Thế Vận Hội 1976 của thành phố Montreal của tôi, tôi áng chừng đây là khu nhà ở cho các lực sĩ tham dự.

Thế Vận Hội là một biến cố lịch sử cho bất cứ một thành phố nào được chọn tổ chức. Huống chi lại là thủ đô của nước Trung Hoa Cộng Sản, nơi mà người ta đặt rất nặng việc tuyên truyền quảng cáo. Tại tất cả các thành phố tôi đã đi qua, những bảng nhắc nhở Thế Vận Hội có mặt ở khắp nơi. Nhiều nhất là những chiếc đồng hồ chạy ngược ghi giây, phút, giờ, ngày, tháng, năm còn lại cho tới giây phút trọng đại Thế Vận khai mạc.

Đường phố Bắc Kinh sạch một cách không ngờ. Nói tới người Hoa, chúng ta thường nghĩ ngay tới đặc tính quốc hồn quốc túy là…bẩn! Vậy mà Bắc Kinh sạch tưng. Sáng sớm, chỉ mới khoảng 5 giờ, trời đất còn tối mịt mù, tôi nhìn qua cửa sổ căn phòng trong khách sạn. Dưới đường mới thấy vài ba chiếc xe hơi chạy, bà phu quét đường đã lia chổi quét trên vỉa hè cũng như dưới lòng đường. Bà chạy đuổi theo từng miếng giấy bay trên hè, nhặt từng cọng rác trong các vòng đất trồng cây. Bà cắm cúi quét chẳng thèm để ý đến xe cộ. Xe cộ phải tránh bà. Sống quen ở bên này, nơi người ta lo an toàn cho công nhân một cách tối đa, tôi mới thấy lạnh người khi thấy phu quét đường ở Bắc Kinh làm việc không có một chút an toàn nào. Họ như mặc tình để xe tránh người! Có một lần, ngồi trên xe ca chạy trên một xa lộ lớn ra ngoại thành Bắc Kinh, tôi hoảng hồn khi bỗng nhận ra phía trước mặt, một phu quét đường đang thản nhiên lia chổi. Không hàng rào, không che chắn, giơ thân mình ra giữa xa lộ xe chạy ào ào. Khi xe tới nơi, tài xế chỉ việc lượn ra  để tránh!

Đường phố đã vậy, người dân thủ đô hình như cũng được giáo dục cho dịp…lễ lớn này. Họ không xả rác ra đường, không khạc nhổ. Điều này làm tôi ngạc nhiên. Đầu óc tôi vẫn còn hình ảnh những cuộc tiếp quốc khách của Mao Trạch Đông trong dinh thự với chiếc ống nhổ bằng sứ hay bằng đồng để tô hô ngay bên cạnh ghế chẳng cần dấu diếm!

Chỉ có một điều chắc nhà cầm quyền không làm nổi là trình độ ngoại ngữ của người dân. Hầu như họ không biết tiếng Anh. Ngay trong khách sạn tôi ở, khách phần đông là người ngoại quốc, mà nhân viên tại quầy tiếp tân cũng chỉ có một hoặc hai người biết tiếng Anh là cùng. Muốn giao thiệp với họ rất mỏi tay! Nhưng các hướng dẫn viên thì nói tiếng Anh rất nhuần nhuyễn. Cô hướng dẫn viên của chúng tôi ở Tây An thì lại nói giọng Ăng Lê rất nhẹ nhàng và êm tai. Hỏi ra thì cô chưa bao giờ ra ngoại quốc. Tiếng Anh cô học trong trường và bà giáo của cô là người Anh. Họ có một đội ngũ hướng dẫn viên du lịch rất đông đảo. Tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng…Việt Nam là những thứ tiếng tôi đã nghe họ nói. Còn các thứ tiếng khác tôi chắc cũng có. Tôi tò mò hỏi một anh hướng dẫn viên nói tiếng Việt. Anh cũng cho biết là anh học ngay tại Bắc Kinh. Giọng tiếng Việt của anh là giọng miền Bắc ngày nay.

Rất ít xe gắn máy lưu hành trên đường phố. Xe hai bánh thường là xe đạp điện chạy bằng bình ắc-quy. Trong khi đó, xe gắn máy chế tạo tại Trung Quốc nhả khói mịt mù trên đường phố ở Việt Nam! Cảm tưởng của tôi y hệt như cảm tưởng mấy chục năm trước khi tôi lần đầu tiên tới Tokyo. Lúc đó xe gắn máy Nhật được nhập cảng ồ ạt vào Việt Nam trong khi dân Nhật không được phép dùng xe gắn máy trong thành phố!

Người dân Bắc Kinh thường di chuyển bằng xe buýt. Giờ cao điểm tôi thấy những chiếc xe buýt hai toa chạy như mắc cửi. Vậy mà nạn kẹt xe vẫn trầm trọng. Bắc Kinh là một thành phố có rất nhiều xe hơi. Trái với ý nghĩ của du khách, xe chế tạo tại nội địa không có bao nhiêu. Xe ngoại quốc nhiều. Nhiều nhất là xe Volkswagen của Đức. Tôi thấy lạ nên tìm hiểu và được cho biết là Đức là nước giao thương với Trung Cộng từ rất sớm! Xe Honda hay Toyota của Nhật đứng kế. Xe Mỹ ít hơn. Nhưng xe Mercedes không phải là hiếm. Thường thì để ý nhìn một lúc là gặp anh…tư bản này! Cô hướng dẫn viên cho biết có khoảng 3 triệu xe hơi lăn bánh trên đường phố Bắc Kinh. Và mỗi ngày có thêm khoảng một ngàn xe! Tôi thấy lạ hỏi lại. Cô nhấn mạnh là mỗi ngày!

Tới Bắc Kinh có một thứ không thể bỏ qua. Thứ này cỡ Tổng Thống như ông Nixon, khi sang đi đêm với Trung Quốc để giải quyết chiến tranh Việt Nam vào năm 1972, cũng phải thử qua. Đó là vịt Bắc Kinh. Bữa tôi làm…Tổng Thống, nhà hàng cũng làm lễ…tế vịt trịnh trọng lắm. Chị xếp hầu bàn mặc bộ tailor đen cùng “trình diễn viên” ăn mặc trắng toát với chiếc mũ đầu bếp cao ngất đẩy một chiếc bàn có hai chú vịt quay bóng lưỡng ra. Anh đầu bếp xỏ găng tay, huơ dao. Chỉ một loáng chú vịt đã…chia ly. Miếng nào miếng nấy trông rất hấp dẫn. Nhóm hầu bàn vội dọn lên bàn bánh bao chay, bánh tráng cuốn, hành, nước sốt và các thứ phụ tùng khác. Ăn cũng thấy ngon hơn là ăn ở bên Canada hoặc Mỹ. Cái ngon hơn đó chắc là vì trong đầu có chút thú vị khi nghĩ đang ăn vịt Bắc Kinh ở ngay Bắc Kinh! Hay cứ tưởng mình đích thị là ông Nixon?

7. VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH

Người Trung Quốc có câu: muốn xem núi thì đi Quế Lâm, muốn xem người thì đi Thượng Hải, muốn xem mộ thì đi Tây An, muốn xem thành thì đi Bắc Kinh. Đại khái là như vậy. Nghe họ nói có vần có điệu, vui tai lắm. Cả bốn nơi này tôi đã đi xem. Như vậy, theo cô hướng dẫn viên, là có phúc lắm!

Phúc đâu chưa thấy nhưng xem Trường Thành thì thấy…ông bà ông vải. Vừa xuống xe, nhìn lên những bức tường nhấp nhô khi ẩn khi hiện trên núi như một con trăn nằm ngơi nghỉ, tưởng chừng ngon ăn lắm. Lòng quyết leo lên tới ngọn nguồn cho đáng đồng tiền bát gạo. Nhưng leo lên mới biết đá vàng. Từ dưới lên tới tường thành là những bậc thang dẫn lên. Có 4 trạm nghỉ chân thì lên tới đỉnh. Chụp xong bức hình kỷ niệm nơi có dựng tảng đá có khắc chữ lằng ngoằng đánh dấu bước đầu cuộc…trường chinh, tôi xấn xổ leo, tưởng như có thể bỏ cả trường thành vào túi ngon ơ. Lết tới trạm dừng chân thứ nhất, hơi thở đã tưởng đi đứt. Mệt không hẳn là vì leo lên cao nhưng vì những bậc thang…oái oăm! Mỗi bậc là một tảng đá nguyên vẹn, bậc cao bậc thấp. Có bậc phải soải chân cao mới bước lên được. Hai bên tường thang có thanh sắt để nắm tay lên cho đỡ mỏi. Người nào cũng cần cái tay thang này cho dễ leo. Người đi nhanh, người đi chậm, muốn vượt phải buông tay ra giữa bậc thang leo lên. Nghỉ chân một lúc, ngước nhìn lên trên cao, lòng thấy ngại ngùng nhưng chí ăm ắp dâng lên. Lên nữa! Lấy tinh thần xong, chân bước thấp bước cao tiếp tục. Nửa đường thấy có những anh tây mập ú ngồi thở hổn hển như heo bị chọc tiết mà thương. Thương người nhưng mình cũng chẳng hơn ai. Hơi thở đã dồn dập, mồ hôi đã túa ra, chân đã chồn, miệng đã khát. Lòng dặn lòng: cố lên chứ, chẳng lẽ mình tệ vậy! Lại leo. Nhìn xung quanh, người nào cũng như chiếc mền rách. Cố lên tới trạm nghỉ thứ hai. Nghỉ xong rồi tính. Nghỉ xong cũng chẳng tính được gì. Vài trang thanh niên hè nhau lên tiếp. Máu thanh niên dâng lên trong người, chân cũng muốn leo nhưng gối đã…hết xí quách. Đành chờ cho thân thể bớt ê chề, lủi thủi đi xuống. Những bậc thang cái cao cái thấp lại hành cho thấu xương. Tưởng xuống thì dễ nhưng cũng chẳng dễ gì. Nghỉ vài hiệp mới xuống đến nơi. Ngồi cho hoàn hồn mới nhìn xung quanh. Trên tường sao thấy lủng lẳng những sợi dây xích treo đầy những chiếc khóa đồng. Thoạt nhìn cứ tưởng họ treo khóa bán. Ai mua khóa làm chi nơi đây mà bán dữ vậy? Rồi lại nghĩ chắc thân nhân những người bỏ mạng khi xây thành treo khóa tượng trưng sự tù đầy vất vả để tưởng niệm cha ông chăng? Cũng không phải! Hỏi ra mới biết đó là những lời thề thốt trăm năm của những cặp tình nhân. Trường Thành đã được xây từ hơn hai ngàn năm trước, vẫn tồn tại đến ngày nay và là công trình nhân tạo duy nhất có thể nhìn thấy từ trên không gian. Như vậy, thành tượng trưng cho sự bền vững. Những cặp tình nhân tin rằng, khi họ thề thốt yêu nhau trên bức thành này thì tình yêu của họ cũng bền vững như vậy. Họ mang những chiếc khóa tới, khóa vào vòng xích và vứt chìa khóa xuống chân núi dưới tường thành. Không còn chìa khóa nên không có cách nào có thể cởi bỏ được lời hẹn ước!

Vạn Lý trường Thành, đúng như tên gọi, dài đúng một vạn lý, tức 5.000 cây số, được xây dựng từ 200 năm trước Công Nguyên. Dân số Trung Hoa lúc bấy giờ là 20 triệu người mà đã có 2 triệu người được huy động đi làm cỏ vê xây thành. Biết bao nhiêu người đã bỏ xác nơi đây. Tôi ngồi nghĩ: mình chỉ có việc đi tay không leo lên mà đã ứ hơi, vậy thì ngày xưa, chẳng máy móc gì, làm sao mà người ta có thể khuân những tảng đá nặng như vậy lên một độ cao như thế. Lại còn xây cất cho thành đường thành lối? Phải có một độ tàn ác, nhẫn tâm đến thế nào mới bắt dân chúng làm công việc đội đá vá trời này. Tàn ác, nhẫn tâm: những thứ này thì Tần Thủy Hoàng có thừa! Phải đi tìm ông mặt sắt này!

8. MỘ TẦN THỦY HOÀNG

Tôi tìm tới mộ Tần Thủy Hoàng chẳng phải vì muốn coi mặt mũi bạo chúa nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa nhưng vì câu nói có vần có điệu của dân Tầu: muốn xem mộ thì tới Tây An. Mộ nói tới ở đây chính là mộ Tần Thủy Hoàng. Tây An, còn gọi là Tràng An, là cố đô của 11 triều đại Trung Quốc. Ngày nay Tây An vẫn tự hào là kinh đô của trí thức Trung Quốc. Toàn tỉnh có 52 trường Đại Học. Tất cả các Đại Học danh tiếng của Trung Quốc đều nằm tại đây. Vậy mà hơn hai ngàn năm trước, trớ trêu thay, vị vua trị vì lại là người phản văn hóa.

Cũng trớ trêu là ngày nay du khách kéo tới Tây An chẳng phải vì đây là một thành phố văn hóa mà vì nơi đây có mộ ông vua đã từng đốt sách và chôn sống học trò! Mộ nằm dưới chân núi Lishan cách Tây An 35 cây số về phía đông. Dĩ nhiên đây là cuộc đất do các nhà phong thủy ngày xưa chọn. Một bên là núi, một bên là sông. Mộ ngày nay vẫn nằm nguyên vẹn như xưa. Người ta chưa khai quật là vì kỹ thuật chưa đủ tinh xảo. Họ ước lượng phải đợi khoảng chục năm nữa mới có thể khai quật mà không làm tổn thương tới di tích này. Bạo chúa Tần Thủy Hoàng muốn cho ngôi mộ của mình phải là ngôi mộ lớn chưa tùng có nên đã huy động tới 720 ngàn nhân công xây cất. Chính ngôi mộ chưa được đụng tới nhưng quần thể chung quanh đã được khai quật. Phát giác ra quần thể này là một sự tình cờ. Trước đó người ta không ngờ là ngôi mộ có thể trải dài ra đến như vậy. Ngày 29 tháng 3 năm 1974, một nhóm nông dân gồm 7 người thuộc làng Xiyang, quận Lintong, đang đào một cái giếng thì thấy trồi lên những tượng bằng đất nung. Họ báo cho nhà chức trách. Sau nhiều cuộc khai quật, người ta tìm ra cả một đoàn quân lính, ngựa xe, lên tới sáu ngàn tượng. Không tượng nào còn nguyên vẹn. Đây là đội quân trấn giữ quanh mộ để bạo chúa yên nghỉ. Hóa ra trước khi chết, bạo chúa cũng đã rét, nên cho đúc tượng lính tượng quan và ngựa xe đông đảo để bảo vệ cho ông dưới cõi âm!
Ngày nay khu này đã được xây dựng thành Viện Bảo Tàng Quân Sĩ và Ngựa bằng Đất Nung của Tần Thủy Hoàng Đế. Đây là một quần thể kiến trúc rất lớn. Nguyên ba di chỉ tìm thấy đã là ba tòa nhà rộng bằng những sân vận động cỡ lớn. Du khách được coi nguyên hiện trường đào xới với những tượng được hàn gắn và xếp lại ngay ngắn theo hàng lối giữa những lớp đất đỏ ngăn cách như những bức tường dày. Ngoài hiện trường được che kín, Viện Bảo Tàng còn nhiều tòa kiến trúc lớn lao khác.

Vào phòng tiếp tân chính, du khách sẽ choáng ngợp vì một cửa hàng lớn bán những tượng kỷ niệm đủ cỡ. Có cái nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay. Có cái lớn bằng kích thước thật. Cỡ nào cũng có, rất vừa với túi tiền của mọi người. Tại bàn bán sách nghiên cứu về mộ, in rất đẹp, khổ lớn, dày 130 trang, giá 120 yuan ( khoảng 16 đô Mỹ ), có một ông già ngồi ký sách cho du khách. Bộ tác giả cuốn sách nghiên cứu là ông này sao? Ông có đeo kính trắng nhưng trông không có vẻ là một nhà nghiên cứu. Trước mặt ông là  một tấm bảng: “Cấm chụp hình.” Ông cầm cây viết nỉ, ký một chữ to tổ chảng trên sách. Chỉ đúng một chữ thôi. Chữ gì thì tôi không biết. Ôm cuốn sách về Montreal hỏi tới “ông đồ” Hoàng Chiều Nhân coi đó là cái chữ chi chi. Ông Nhân cũng lắc đầu không đọc được!

Thấy chuyện hơi lạ, tôi hỏi cô hướng dẫn viên. Cô chạy đi hỏi, quay lại…báo cáo: đó là một trong hai người còn sống tới ngày nay của đám nông dân tìm thấy đoàn quân bằng đất sét của Tần Thủy Hoàng hồi 1974. Hai ông thay phiên nhau ngồi ký sách vung mạng mỗi ngày cho du khách. Cấm chụp hình thì không phải là vì bí mật quốc gia mà vì mắt ông già không chịu nổi ánh đèn flash thường xuyên của du khách. Đời ông nông dân đâm ra nhàn nhã, cầm bút thay vì cầm cuốc. Mà dân làng của ông cũng lên hương. Họ bán thổ sản và trái cây cho du khách. Tôi thấy họ vất vả hơn ông nông dân ngồi ký sách nhiều. Trời mưa hay nắng, họ phải chạy đón du khách mời mua mấy trái lựu, trái cam, trái táo. Có người chìa ra bán những tượng của chiến binh với giá rẻ mạt, rẻ hơn giá bán trong  nhà rất nhiều. Chất lượng ra sao, tôi không được biết. Có điều muốn mua thì phải trả giá!

Du khách tới nơi đây sẽ được hướng dẫn vào phòng chiếu phim 360 độ về công cuộc xây mộ bạo chúa họ Tần. Phòng chiếu phim không có ghế, chỉ có rải rác ít thanh sắt cho du khách dựa lưng đứng coi phim. Màn ảnh choáng tất cả vòng tròn và trần nhà. Người xem như lạc vào giữa những con người thời xưa đang cực nhọc làm việc. Thấy phát mệt! Cần một chút tươi mát chăng?

9. BỒN TẮM CỦA DƯƠNG QUÝ PHI

Cũng tại mảnh đất cố đô này, di tích bồn tắm của Dương Quý Phi cũng thu hút được khá nhiều du khách. Nghe nói tới thứ tắm táp vương giả, tưởng là cành vàng lá ngọc lắm. Tôi vẫn nghĩ như vậy. Nhất là khi ở Bắc Kinh, tôi đã được coi mẫu thu nhỏ của chiếc bồn tắm này bằng ngọc thạch chạm trổ tinh vi. Háo hức tới nơi, chen vào một ngôi nhà nhỏ, đứng nhìn xuống bồn tắm. Thấy tàn tạ, tối tăm và tầm thường. Đành phải tưởng tượng. Chắc ngày xưa khi người đẹp trong lịch sử tắm táp thì chiếc bồn này phải gấm hoa lắm. Tôi chăm chú cúi xuống nhìn kỹ. Vẫn không thể tưởng tượng được tấm thân ngà ngọc nằm trong chiếc bồn tắm không có gì hấp dẫn này. Đứng một hồi, chán, tôi bỏ ra ngoài sân.

Quả là có sinh khí hơn. Giữa sân là bức tượng người đẹp của vua Đường Minh Hoàng trắng toát hờ hững một mảnh vải che phần hạ thể. Đôi gò bồng đảo săn chắc phơi ra cùng đất trời. Dưới chân tượng là một hồ nước cạn. Nước ngàn năm trước giờ đã bôn ba nơi nao? Một đoàn người đứng xếp hàng ở một phía sân mua vé để giơ tay hứng dưới dòng nước chảy ra từ một chiếc vòi. Họ tin rằng dòng nước xuất phát từ mạch nước tắm ngày xưa của người đẹp họ Dương sẽ mang lại may mắn cho họ. Thứ nước thừa đó tôi chê. Tôi ra đứng dưới chân tượng chụp một tấm hình. Người đẹp hớ hênh cao trên tầm tay với. Cũng phải thôi. Tôi đâu có mang họ Đường!

10. QUẾ LÂM

Quế Lâm là một thành phố rất đẹp. Đây là nơi tĩnh dưỡng an bình của mọi lứa tuổi. Ngày xưa, khi các sứ thần hay nhà vua Việt Nam sang triều kiến các hoàng đế Trung Hoa đều phải dừng chân tại đây chờ lệnh cho tiếp kiến của triều đình Bắc Kinh. Trong thời chiến tranh, đây cũng là nơi dưỡng quân của bộ đội cộng sản Việt Nam. Dân thiểu số Trung Quốc chiếm tỷ lệ khá lớn cư dân. Sắc dân chính là người Dao. Cô hướng dẫn viên địa phương mặt hoa da phấn, trắng trẻo đẹp đẽ đã làm quà cho chúng tôi về chuyện tiếp khách của người Dao. Họ sẽ mời khách đi tắm và hỏi khách muốn chọn loại phòng nào: lớn, vừa hay nhỏ. Cô dặn là nên chọn phòng nhỏ vì phòng lớn sẽ chung cả nhà, phòng trung bình sẽ có 5 người và phòng nhỏ chỉ có cô con gái đẹp nhất nhà. Nói xong, cô đưa chúng tôi về…khách sạn. Tôi đoán cô không phải người Dao!

Tại các địa điểm du lịch nơi đây luôn có các cô gái mặc sắc phục người thiểu số đứng để chụp hình chung với du khách. Dĩ nhiên du khách phải bỏ tiền ra thuê họ. Trông họ không “văn minh” như cô hướng dẫn viên có cái tên Mỹ Christina!

Phong cảnh nơi đây như tranh thủy mạc. Trên con tàu đi dọc theo dòng sông Li Giang, du khách đã tận mắt trông thấy không biết bao nhiêu bức tranh thủy mạc nằm hai bên bờ sông. Có những tảng đá nằm lắt lẻo như muốn rơi xuống mà ngàn năm vẫn không rơi. Có những chỗ người ta không tin nơi mắt mình. Tạo hóa sao lại có những kỳ công tuyệt diệu như vậy.

Trên đường tàu chạy có những cảnh từng đàn trâu vục đầu xuống nước để ăn cỏ chìm sâu dưới lòng sông. Có cảnh bắt cá bằng vịt nước. Người ngư phủ ngồi trên chiếc thuyền nhỏ, thả những chú vịt đã được tròng một chiếc vòng nhựa nhỏ nơi cổ chúi người xuống sông bắt cá. Khi trồi lên, miệng vịt đã ngoe nguẩy một thân cá. Đớp được cá nhưng cổ vịt bị tròng nên không nuốt được cá. Người ngư phủ chỉ việc giơ tay ra đón nhận thành quả của vịt! Trò…bóc lột lạ lùng này làm du khách thích chí. Cũng thích chí là ngồi trên tàu được thưởng thức tôm cua cá tươi rói chiên dòn đưa cay với bia Tsing Tao. Dịch vụ du lịch trên nước này đem lại khá nhiều lợi lộc cho Quế Lâm. Trên dòng sông, tôi đếm được không dưới hai chục chiếc tàu nối đuôi nhau, mỗi tàu chứa cả trăm du khách!

11. TÔ CHÂU

Trên xe từ Thượng Hải về Tô Châu, đầu tôi cứ quẩn quanh một câu nhạc. Sống trong lòng người đẹp Tô Châu! Tiếng cô hướng dẫn viên như đổ thêm dầu vào lửa. Tô Châu có bốn thứ thượng hảo hạng: cây, vườn, lụa và con gái! Tôi mường tượng mình sắp sửa tiếp cận được những vưu vật hạng nhất của Tạo hóa. Cô hướng dẫn viên cũng thuộc loại thông minh. Tuy kể ra bốn thứ theo thứ tự trên dưới, nhưng cô lại khai triển cái thứ cuối cùng trước.

Người đẹp Tô Châu đẹp ở chỗ nào? Câu hỏi của cô không chờ câu trả lời. Đó chỉ là một cách…tiếp thị cho câu chuyện thêm hấp dẫn. Mọi người há miệng ra chờ. Cô nhẩn nha. Trước hết là nước da. Nước da con gái Tô Châu trắng, sáng và mịn. Cứ nhắm mắt mà tưởng tượng. Đẹp ở giọng nói. Giọng nói nhẹ, thanh và rất êm dịu kể cả khi mắng chồng! Cô thử…mắng một câu bằng giọng Tô Châu. Nghe mát cả lỗ tai! Chị M. H. rất có khiếu về chuyện này. Chị lặp lại như hệt. Và chị còn nhớ cho tới khi về tận Montreal vẫn tiếp tục “mắng” theo kiểu gái Tô Châu! Người giả định được mắng là anh N. ngồi cười khì khì. Nghe thì êm tai nhưng khi cô hướng dẫn viên dịch nghĩa thì hết êm tai: Anh coi chừng không em tát cho anh một cái bây giờ! Nét đẹp thứ ba là đôi bàn chân. Gái Tô Châu có đôi bàn chân được bó lại nhỏ như bàn chân con nít. Càng nhỏ càng sang. Thứ này tôi không ham. May mà trời cũng chiều lòng người. Cô nói ngay: nhưng ngày nay không còn những bàn chân xinh xinh như vậy nữa. Có chăng chỉ là những bà già còn sót lại như bà hàng xóm của cô nay đã cửu tuần.

Sau những mô tả hấp dẫn về thứ con cái loại…xịn của Thượng Đế, cô đi ngay một tin buồn. Khi tới Tô Châu, quý vị sẽ không gặp được những nhan sắc đã đi vào huyền thoại. Gái Tô Châu ngày nay có bốn hạng: hạng nhất đã đi lấy chồng ngoại quốc, nhất là Bắc Mỹ của quý vị hết trơn rồi; hạng nhì đã lên các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh; hạng ba đã dạt về các thành phố nhỏ để kiếm ăn. Dành cho quý vị tới Tô Châu chỉ còn hạng tư! Cái thứ hạng tư đó có còn đẹp không? Tôi không để ý nên thú thật là không biết. Chỉ biết ngày xưa, khi còn đủ bốn hạng người đẹp Tô Châu, vua cũng phải cất công đi coi. Đường từ kinh đô Bắc Kinh tới Tô Châu, Hàng Châu dài ngót nghét hai ngàn cây số. Tôi từ Bắc Kinh tới Tây An đã mất nguyên một đêm nằm trên xe lửa. Từ Tây An tới Tô Châu là cả một đoạn đường dài thường phải cưỡi máy bay. Vua ngày xưa làm gì có xe lửa, có máy bay mà cưỡi. Nhanh nhất là đường thủy. Thế là vào thế kỷ thứ 7, không biết vị vua chịu chơi nào đã có một sáng kiến hào hoa phong nhã là đào một con kinh dài 1800 cây số từ Bắc Kinh đến Hàng Châu, Tô Châu chỉ để cho vua tới thưởng thức cảnh đẹp và gái đẹp của xứ…Châu. Cái nào là chính thì sử sách chắc chẳng chép được. Con kinh đào mất 60 năm mới xong nên vị vua khởi xướng đào coi bộ không được hưởng. Một là vua đã về với tiên vương, hai là vua đã ba chân khệnh khạng tiên phong đạo cốt không thích hợp với những hoạt động trên long sàng.

Tôi đã đến Tô Châu hơi muộn. Ngày xưa gái Tô Châu là một vưu vật. Suốt thời con gái, các cô không ra khỏi nhà. Vậy thì làm sao mà kiếm chồng? Xã hội thời đó đã có quy tắc riêng. Khi một cô gái được sanh ra, cha mẹ sẽ trồng một cây khuynh diệp nơi vườn trước của nhà. Cây sẽ lớn lên cùng cô gái. Khi cây cao tới độ cao nào đó thì cũng là lúc cô gái đã tới tuần cập kê. Các bà mối nhìn cây là biết có…mối. Họ mối mai với gia đình các chàng trai.

Tôi thắc mắc về sự giam mình trong nhà trong suốt thời con gái của các người đẹp Tô Châu. Nghe sao…tù đầy quá. Nhưng khi đi thăm một trong những nhà nổi tiếng của các quan lại ngày xưa mới hình dung ra thế nào là nhà. Đó là cả một cơ ngơi rất rộng, không biết cơ man nào là khu vườn. Mỗi khu một vẻ. Nước róc rách, cây ngả ngớn theo gió, đá đứng tạo dáng, những hành lang dài, những nhà thủy tạ. Các đệ tử của phim bộ reo lên: cảnh này có trong phim, cảnh kia có trong phim. Đây là khu vườn Lingering Garden rất nổi tiếng, lúc nào cũng tấp nập du khách và các sinh viên du khảo. Có giam mình trong bốn bức tường đắp nổi những thân rồng chạy dài suốt tường cũng không phải là tù túng lắm. Cảnh vườn nào cũng như mơ, nhất là những chiếc cổng tròn đặc trưng của văn hóa Trung Hoa. Nhà trên nhà dưới, nhà ngang nhà dọc, đi cho hết vườn cũng khướt người!

Tô Châu là đất của tơ lụa, chắc ai cũng đã biết. Tôi có tới viếng thăm một nơi bán hàng có màn biểu diễn cách làm tơ lụa ở Tô Châu. Mỗi công đoạn đều có người ngồi làm mẫu cho du khách coi. Từ trồng dâu, nuôi tầm, kéo kén, kéo tơ cho tới dệt lụa. Thấy cũng hấp dẫn lắm. Nhất là màn làm mền bằng tơ tầm. Họ kéo từng lớp tơ ra cho rộng bằng bề mặt của mền. Phải hàng trăm lớp như vậy mới thành một chiếc mền. Càng nhiều lớp, giá tiền càng đắt. Mền tơ lụa là đặc sản của Tô Châu. Mua ngay tại chỗ mới yên tâm là đúng của thật. Tôi thấy tại Bắc Kinh, Quế Lâm cũng có bán loại mền này và du khách mua như điên. Tại phi trường, kèm theo các va ly là những túi mền đủ màu cũng được gửi theo hành lý.

Chiếc mền đang làm dở dang được đặt trên một chiếc bàn. Mền biểu diễn thì đúng là toàn tơ tầm. Họ mời khách tham gia trong việc kéo tơ làm mền. Tôi cùng hai anh bạn T. và V. cùng cô thợ của nhà máy đứng ở bốn bề kéo một tấm tơ khổ bằng nửa tờ báo hàng ngày ra thành một lớp tơ khổ bằng chiếc mền. Thấy “nửa tờ báo tơ” mềm xèo, tưởng ngon ăn. Nhưng khi kéo mới biết đá vàng. Sao nó nặng thế. Cố công kéo như điên mà không ra đầy bề mặt mền. Chỉ có góc kéo của cô thợ là coi được! Mất mặt nam nhi quá! Mền này có tiếng là ấm trong mùa đông, mát trong mùa hè, đắp lên người nhẹ như không đắp. Nhẹ như tơ mà, các cụ ví von chẳng sai. Quần áo bằng tơ lụa sản xuất ngay tại chỗ cũng vậy. Cầm lên nhẹ hều. Tôi không mặc nên chẳng biết là có mặc hay không mặc cũng…như nhau không!

12. HÀNG CHÂU

Hàng Châu, nằm cạnh Tô Châu, là thành phố sạch nhất nước Tầu. Đây là thành phố đẹp, khí hậu ôn hòa, người dân dễ mến, nơi lý tưởng cho những người hưu trí. Sinh hoạt của thành phố nằm hai bên bờ con kênh đào được gọi là hồ West Lake. Đây là khúc cuối của con kinh đào chạy từ Bắc Kinh về. Xe vừa tới trước một công viên bên kia bờ kinh, tôi trông thấy một…người quen. Đó là nhà thơ Tô Đông Pha. Bức tượng cao to lừng lững giữa rừng cây. Mặt nhà thơ ngước nhìn trời, hàm râu phất phơ, tà áo lộng gió. Tại sao nhà thơ lại đứng đây? Bởi vì đây là đất nhà. Ông đã từng làm Thị Trưởng Hàng Châu và rất được dân chúng yêu mến. Tại các nhà hàng ăn trong thành phố, hầu như nơi nào cũng có món ăn mang tên “thịt kho Tô Đông Pha”. Món thịt này được kho nguyên miếng thịt heo lớn cỡ một bàn tay xòe ra, lớp trên là da, lớp dưới cùng là xương sườn. Đụng đũa vào thịt rục ra trong lớp mỡ. Ăn rất ngon. Mặn mặn, ngọt ngọt, beo béo. Nghe nói chính nhà thơ đã dạy dân kiểu kho thịt này. Cũng dính dáng tới thơ là sông Tiền Đường, một địa danh nổi tiếng với người Việt nhờ vào “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Biết sông Tiền Đường nằm ở Hàng Châu nhưng tôi không có dịp đi tìm nơi nàng Kiều gieo mình tự tử.

Bên phía bờ hồ rậm rạp cây cối. Đứng trên đường không nhìn thấy hồ. Chưa tới hồ đã nghe thấy tiếng nhạc. Dân chúng tụ họp nhau chơi đùa, ca hát trông rất thảnh thơi. Đặc biệt có một ngôi chùa trên bờ hồ, có một dãy hành lang dài rất văn nghệ. Dân chúng tự do tới đây khoe tài. Ai có tài gì cứ việc tới biểu diễn. Tôi thấy một ông cầm một cây chổi và một cái sô trong đựng một thứ nước có màu nhàn nhạt. Ông biểu diễn vẽ chữ Tầu lên nền gạch của hành lang. Một bà mặc chiếc áo sặc sỡ, cầm chiếc micro hát theo nhạc đệm phát ra từ chiếc máy cassette chạy bằng pin. Bà vừa hát vừa múa như phường chèo. Một ông lủi thủi ngồi kéo nhị trên bờ tường thấp của hành lang chẳng cần biết tới ai. Họ ngồi xa nhau vừa đủ để âm thanh của người này không làm rộn người kia. Một ông yên lặng ngồi vẽ cảnh cây lá xôn xao ngoài trời. Một ông ngồi vẽ thư họa trông rất tới. Có người nhìn hay không họ chẳng cần biết. Nhưng nhộn nhịp nhất trong đám văn nghệ quần chúng này là một toán hợp ca. Đàn ông có, đàn bà có, họ cầm bài hát hát theo tiếng đàn và tiếng trống vang vang nghe rất hùng dũng. Nhìn mặt họ hát thấy phê vô cùng. Mắt sáng, mặt căng, họ vừa hát vừa nhìn người khác như muốn chia sẻ, muốn mời mọc chung vui. Vui thì vui, sợ chi. Tôi nghe qua một đoạn, thấy họ hát lập lại đoạn đó, tôi gân cổ hát hòa với họ. Cả đời có hát tiếng Tầu bao giờ đâu mà cũng ú ớ…Tầu theo. Hát xong phe ta phục quá cỡ, còn phe Tầu thì cứ hẩu hẩu lia chia.

Chơi hồ West Lake là một trong hai điều phải làm khi tới Hàng Châu. Điều kia là uống trà xanh. Trà vốn là thổ sản danh tiếng của Hàng Châu. Chúng tôi được đưa đến xí nghiệp trà Feng Qing Yuan nằm trên những ngọn đồi thẳng tắp những luống trà. Trong sân có tượng ông tổ của trà. Thấy ông đứng đó nhưng đâu có biết ông là ai. Trước lạ sau quen, cả bọn cũng xúm nhau lại chụp chung hình với ông già lạ hoắc sống từ thời nào chẳng biết. Đi du lịch có cái tính tham công tiếc của như vậy. Không ghi lại thì thấy thiếu, mai mốt về nhà có nhớ tới cái ông lạ hoắc này thì chẳng biết mặt mũi ông ra sao. Nhưng chụp thì cũng để đó, có khi chẳng bao giờ mở ra coi! Vào sân trong thì…cụ thể hơn. Giữa hồ nước là một cái ấm trà nghiêng đang đổ nước ra. Dĩ nhiên không phải là trà. Trà quý ai mà đổ khơi khơi như vậy. Cô bé giới thiệu trà với chúng tôi có khuôn mặt mũm mĩm dễ thương. Cô tự giới thiệu cô là người được sinh ra trong vùng trà này và từ nhỏ tới lớn sống tại nơi đây, chuyên uống trà…quê hương. Ý nói uống trà thì mũm mĩm dễ thương chắc? Vậy mà cô nói tiếng Anh như điên lại duyên dáng, biết pha…trò và hiểu ngay những câu chọc cười của chúng tôi. Bài ca tụng trà của cô dễ làm cho mọi người nghĩ là trên đời không có gì quan trọng bằng trà. Nơi đây không khí trong lành, đất đai hiền hòa, dân chúng chất phác nên trà cũng…số dách. Số dách nhất là loại trà “trinh nữ”. Trà này không nhiều nên không bao giờ có sẵn. Cô giới thiệu với khách loại trà xịn thứ hai của xí nghiệp, trà Giếng Rồng (Dragon Well). Loại trà này không xuất ra ngoài vùng trà này. Chỉ có du khách tới đây mới mua được. Cô mời uống thử, chỉ cách uống. Uống vào thấy cũng vậy vậy. Chẳng lẽ mình thuộc hạng…ngưu ẩm? Trà chưa trôi qua cổ cô đã mời mua. Giá 800 nguyên một ký. Khoảng hơn trăm đô Mỹ. Lưỡng lự một hồi rồi ai cũng móc bóp. Đã tới nơi đây mà không mua thì hận…ngàn đời. Làm sao mua lại được. Tính đi tính lại, có người mua tới bốn năm ký. Mua mà trong bụng không biết có bị lừa không!

13. KIẾM ĐÔ

Tôi đã được dẫn tới hai xí nghiệp hạt trai, hai xí nghiệp ngọc thạch, một xí nghiệp làm đồ đồng khảm, một tơ lụa, một đông y và xí nghiệp trà nói ở trên. Chỗ nào cũng dùng chung một sách. Một nhân viên biết tiếng Anh, thường là một cô gái thuộc loại nhan sắc, ra đón. Cô đỡ lấy cây cờ đoàn từ cô hướng dẫn viên để dẫn đoàn vào trong. Tại đây có một màn giới thiệu các công đoạn để làm ra sản phẩm. Cuối cùng là thả vào trong đại sảnh có trưng bày các sản phẩm để du khách móc túi chi tiền.

Tất cả các nơi này đều do nhà nước làm chủ. Đây là nơi họ thu ngoại tệ của du khách. Nếu kể thêm các thùng phước sương đặt tại các chùa nữa thì đủ một dây chuyền kiếm đô. Thường thì du khách có khuynh hướng chi tiền. Đi chơi mà! Nhất là đi chơi xa, cả đời có khi chỉ đi qua đây một lần. Không có tí kỷ niệm mang về, không có tí quà cho thân nhân ở nhà là một thiếu sót đáng trách. Tại các phi trường, các du khách qui hối cố quốc người nào cũng tay xách nách mang. Nhiều người sẵn sàng trả cước phí phụ trội cho hành lý dư kí. Với những đoàn du khách đông đảo ồ ạt tới Trung Quốc, chính phủ kiếm bộn. Phải công nhận là họ giữ gìn được gần như nguyên vẹn các di vật lịch sử và văn hóa. Thăm Trung Quốc là một cuộc hành hương tới một nền văn minh rực rỡ ngày xưa rất đáng đồng tiền bỏ ra. Họ lôi kéo được đông đảo du khách là một điều dễ hiểu. Là một nước Cộng Sản nhưng ngày nay họ đã khôn ngoan hơn. Họ không phô trương, không tuyên truyền, chỉ nhẫn nại làm kinh tế. Trừ một ông tôi đã gặp.

Trong lần được dẫn tới thăm một viện Đông Y, chúng tôi đã được một đông y sĩ nói tiếng Việt tiếp đón. Tiếng Việt của ông thuộc loại bập bẹ. Để giới thiệu cơ sở, ông đã viết sẵn một tờ giấy để đọc. Đọc mà có nhiều chỗ không ai hiểu ông nói gì. Vậy mà trong bài đọc, ông đã có lúc đi quá nhiệm vụ của ông. Ông tán dương những tiến bộ mà Trung Quốc đã đạt được. Ông hân hoan cho biết là so với thời chưa mở cửa, lương ông ngày nay đã tăng gấp ba chục lần. Hứng chí, ông ứng khẩu ca ngợi Việt kiều đã gửi tiền về giúp Việt Nam xây dựng kinh tế. Người nghe đã thấy nhột nhưng ông lại “vô tư” nhảy thêm một bước: ông phê bình Việt Nam ngày nay đang muốn theo gót Trung Quốc nhưng không thành công.

Ông Đông y sĩ này chỉ làm nhiệm vụ giới thiệu các…đại y sĩ tới bắt mạch cho thân chủ. Thấy cung cách của các cô phụ việc và của ngay ông y sĩ ấm ớ tiếng Việt này tôi ngờ rằng lòng tôn kính sợ sệt này chỉ cốt tăng uy tín cho các …thần y! Họ trịnh trọng tới, trịnh trọng bắt mạch, trịnh trọng phán. Phần giới thiệu thuốc phải dùng để chữa là phần của các cô phụ việc. Thuốc được bào chế thành viên như thuốc tây y. Họ vừa bán thuốc vừa cho địa chỉ liên lạc để mua thêm thuốc sau này. Khách bằng lòng mua thuốc thường phải chi ra vài trăm đô Mỹ. Cũng là một cách làm kinh tế!

Thấy ông y sĩ không có đủ trình độ tiếng Việt để bàn cãi, cũng không có thời giờ nhiều vì ông phải làm thông dịch cho các y sĩ bắt mạch, tôi tiếc không có dịp bàn sâu với ông về bước tiến triển kinh tế của Trung Quốc. Đúng là từ năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình nắm quyền, ông này đã chủ trương phát triển trên hết và làm giàu là vinh quang, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng rất nhanh làm cả thế giới ngẩn ngơ. Nhưng chủ trương “tất cả cho kinh tế” đã dẫn đến hậu quả tai hại mà người dân Trung Hoa đang bắt đầu gánh chịu hậu quả. Ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước do khí thải và nước thải kỹ nghệ từ các nhà máy đang là cái giá mà dân Trung Hoa phải trả bằng sức khỏe và ngay cả cuộc sống của chính họ. Không những vậy, toàn thế giới bao gồm cả Hoa Kỳ và Nga, và nhất là các nước lân cận của Trung Hoa, đều đã bị ảnh hưởng từ sự phát triển kinh tế vô tổ chức và thiếu trách nhiệm của Trung Quốc. Theo tính toán của các nhà khoa học thì trị giá kinh tế của tình trạng ô nhiễm môi trường tại Trung Quốc càng ngày càng…đắt. Năm 2005 là 1.505,8 tỉ yuan (200 tỉ đô Mỹ). Ô nhiễm môi trường hình như đã xóa sạch mức tăng trưởng kinh tế của họ. Việt Nam ở ngay cạnh Trung Quốc cũng đang lãnh đủ những thiệt hại này. Các nhà máy gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất như công nghệ thép, nhựa, điện tử, hóa chất…đã được họ mang qua đầu tư tại Việt Nam. Họ ngưng phá rừng Trung Quốc nhưng gia tăng việc nhập cảng gỗ từ Việt Nam. Năm 2004, Việt Nam thu được 900 triệu đô trong việc xuất cảng gỗ, phần lớn là qua Trung Quốc. Năm 2005, con số này lên tới 1,5 tỷ đô. Với số gỗ xuất cảng, Việt Nam phải phá khoảng 200 ngàn mẫu rừng mỗi năm! Một buổi sáng, tôi xuống phòng ăn của khách sạn tại Thượng Hải để ăn sáng, tình cờ ngồi cạnh bàn của ba viên chức Việt Nam sang công tác. Tôi mang câu chê bai về phát triển tại Việt Nam của ông y sĩ ra nói với ba ông Việt Nam. Một ông vênh mặt lên. Ta có lối phát triển của riêng ta chứ! Kể cũng lạ. Giờ này mà vẫn có những người chưa nhấc được cái bàn tọa ra khỏi đáy giếng!