Béo
Chim
Đi
Điếm
Đồi
Đúp
Hãi
Hẻm
Khăn
Khỏa
Lạnh
Lộc
Lưỡi
Mai
Mạng
Mặt


Nhậu
Nhột
Nhỏ
Nổ
Nở
Phún
Rình
Sành
Són
Tây
Tên
Thèm
Tiết
Valentine
Xẻo
Xmas

TÂY

Người có công bê “đầm” vào thơ có lẽ là ông Tú Vị Xuyên. Ông sống trong buổi giao thời, cái mới đè cái cũ, Tây phương tìm đường vào hích nhẹ anh Đông phương, cảnh bể dâu diễn ra nơi nơi. Nói “bể dâu” là lối nói xưa, chẳng nên. Phải nói lối hiện đại như ông Tú: sông kia rày đã nên đồng / chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai. Cái ngậm ngùi cho một cuộc…trồng ngô khoai cũng được diễn tả theo kiểu mới: đêm nghe tiếng ếch bên tai / giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò! Theo chân tây vô, bà đầm là một nhân vật mới toanh, quyền uy ra gì.

Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng

Cái bàn tọa màu mỡ của bà đầm bên trên, cái hộp đựng kinh sách của ông cử phía dưới, cuộc đổi thay dưới mắt ông Tú mang dáng vẻ cười cợt xót xa.

Đầm thời ông Tú Xương núng nính ăn trên ngồi trốc rồi cũng theo thời gian mà…bể dâu. Đến thời ông Bùi Giáng thì đầm dễ thương hơn nhiều. Ông thi sĩ nửa điên nửa tỉnh này sàm sỡ ôm đầm vào thơ. Toàn những thứ đầm thượng hạng ngoại hạng như Brigitte Bardot hay Marilyn Monroe. Nói ôm là nói theo thơ của ông thi sĩ tự xưng là Bàng Giúi, chứ ông này tôi cam đoan là chưa bao giờ được chạm vào lông…mép của hai cô đầm này, vì bảo đảm trăm phần trăm là ông chẳng đủ tiền mua vé máy bay sang Tây sang Mỹ.

Mông Rô nàng ấy xa rồi
Còn em Brigitte không lời Bardot
Tuy nhiên bồ liễu lồ gồ
Tam thu khai mở ngọc hồ tuyết băng
Hồng hưu sơn hải câu trường
Lầm than hạc phát phi thường trở cơn

Thời gian trôi qua, vật đổi sao rời, tới ông Luân Hoán thì đầm đã trong tay, tình ra phết.

thư Jeanne đến vào những ngày sắp tết
một đôi giòng nhưng tha thiết bao nhiêu
mỗi nét chữ tưởng chừng như phản chiếu
dáng Jeanne ngồi cắn cán bút buồn thiu
………
Jeanne than nhớ một người hay qua ngõ
lấp ló đầu đường chờ đợi vu vơ
chỉ mấy bước nhưng mà xa cách lắm
còn xa hơn những khoảng cách bây giờ
…..
chắc có lẽ tôi cũng vừa nhung nhớ
Jeanne hãy nhìn xuống mặt nước sông Seine
tôi hy vọng khuôn mặt Jeanne rạng rỡ
bởi lòng tôi vừa ghé đứng kề bên

Ông Luân Hoán thì tôi lạ gì. Nhưng ông Luân Hoán làm thơ cho đầm, mà lại là thơ tình, thì lạ quá đi chứ. Chuyện gì mình không làm được mà bạn bè làm được thì nên ngưỡng mộ. Tôi thì chỉ được cái loanh quanh. Định viết bài về Tây mà cứ loanh quanh với Đầm. Mà có ăn cái giải rút gì cho cam! Nhưng tôi lại được cái khiếu lắt léo. Viết về Tây mà nói chuyện Đầm thì có sao? Bởi vì, nói như ông Du Tử Lê, Tây với Đầm cũng một…thứ như nhau! Chẳng thế mà cái trò…tây, tiếng Việt trong nước bây giờ gọi là “múa đôi” thì chúng ta gọi là “nhẩy đầm”. Nhìn vào sàn nhảy thì rõ ràng tây quấn với đầm mà có ai gọi là “nhẩy tây” đâu. Vậy thì viết về tây mà tán về đầm thì có chết anh tây nào đâu?

Chẳng những không chết, tây còn sống ngổn ngang trên nước ta. Tây thuộc địa ngày xưa đã đi vào dĩ vãng. Tây bây giờ là tây du khách, đến rồi đi. Nếu chỉ có vậy thì nói làm chi. Nhưng có những tây du khách, thường là du khách hạng…ba lô, lại nhất định không đi. Họ ở lì tại Việt Nam , có người lấy vợ Việt Nam và xin nhận nơi này làm quê hương, họ lăn xả vào cuộc sống, cũng làm ăn ra gì, làm toàn những thứ mà họ chưa làm bao giờ cả.

Dân Canada của tôi có anh chàng Joe, tên Việt là Dâu. Anh Dâu qua Việt Nam để học. Vừa đặt chân tới Hà Nội vào mùa hè năm 2002, anh thấy thích ngay. Bởi vì thành phố không có nhà chọc trời và dân tình rất dễ mến. Anh đã tốt nghiệp Cử Nhân Truyền Thông tại trường Đại Học Acadia ở Canada và khi sang Việt Nam, anh ghi danh theo học môn Khoa Học Xã Hội bằng tiếng Việt. Anh nói tiếng Việt như gió và viết tiếng Việt rất nhuyễn. Coi bản văn tiếng Việt anh viết, không ai biết đó là do một người ngoại quốc viết. Anh tự nhận là “người ngoại quốc rau muống”! Dĩ nhiên anh phải kiếm việc làm để có tiền ăn học. Cái ăn của anh rất giản dị. Có đủ tiền để mua một ly trà đá giá 1 ngàn đồng, khoảng 6 xu Canada, một tô phở hoặc bún ốc giá 5 ngàn đồng hay một đĩa cơm”. Làm thì anh làm đủ thứ: viết cho báo tiếng Anh “Đầu Tư”, làm cho Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc, viết phúc trình cho Cơ quan Bảo Trợ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc. Những công việc mà anh diễn tả bằng tiếng Việt: “lấy ngắn nuôi dài”. Vừa ngắn vừa dài nên anh bận tíu tít. Anh còn được mời đóng vai một anh sinh viên ngoại quốc tới Việt Nam trên đài VTV3, cộng tác với đài TV mới dành cho tuổi trẻ VTV6 và trong dịp Hội Nghị APEC được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2006, anh đã làm MC trong một chương trình sống! Thời khóa biểu của anh kín mít từ 5 giờ sáng tới 11 giờ khuya. Về phòng trọ, tắm rửa, tới 2 giờ sáng anh mới giải trí bằng cách viết blog bằng tiếng Việt để trở dậy vào 7 giờ sáng hôm sau. Làm chi mà cực như vậy? Không làm thì có mà treo miệng. Anh lại diễn tả bằng tiếng Việt: “đói thì đầu gối phải bò”.

Cũng tại Hà Nội có ông bếp trưởng khách sạn Hilton Opera là người Ý. Rudiferia sinh tại thành phố Merano, có 26 năm làm bếp trong đó có 18 năm làm bếp trưởng. Đời nấu ăn đã mang ông đi Anh, Mỹ, Trung Quốc, Mã Lai và Việt Nam. Tới đây thì ông muốn ở lì lại nên lấy một cô vợ Việt Nam và đã có 2 con gái 2 tuổi rưỡi và 2 tháng. Lê Thu, vợ ông là một nghệ sĩ đàn dương cầm cho khách sạn. Tại Hà Nội ông đã nấu ăn cho nhiều tai to mặt lớn trong đó có Tổng Thống Mỹ Bill Clinton và Tổng Thống Nga Vladimir Putin. “Tôi đã làm cho ông ấy món phở. Putin cầm đũa và ăn rất hào hứng!” Trong bếp, ông treo gần 100 bức ảnh chụp các món ăn Việt Nam do ông thực hiện. “Tôi chẳng có bí quyết nào ngoài sự đam mê và kinh nghiệm đã tích lũy trong nhiều năm. Nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo, nếu không yêu nghề, bạn sẽ thấy rất mệt mỏi”.

Trong gần trăm món ăn Việt của ông Rudiferia chắc chẳng có món cầy tơ. Ông là một đầu bếp chính thống nấu ăn cho một khách sạn tây, phục vụ khách tây thì làm sao anh gâu gâu có thể len lỏi vào được. Không được vào Hilton, anh cờ tây cũng mượn tay tây để có được hương vị lạ của cờ tây…tây!

Ông tây này là ông Jiri Kaspar, chủ tập đoàn sản xuất đồ nguội của Tiệp Khắc. Xứ sở của ông nổi tiếng về món thịt hun khói, sang Việt Nam ông nghiên cứu và cho ra đời món thịt chó hun khói. Theo ông…cầy tây này thì dân Tây không biết ăn thịt chó chứ thịt chó chính là một món ăn bình dân giầu chất đạm rất phổ biến ở một vài nước Á châu. “Qua những người bạn, tôi đã có dịp thưởng thức món thịt chó và ý tưởng thịt chó hun khói được ra đời từ đấy. Vị hun khói quyện với mùi sả, riềng làm cho miếng thịt chó cắt lát mỏng có  vị ngon đặc biệt”. Tôi nghĩ là chẳng cứ thịt chó, bất cứ thứ thịt gì qua tay ông Jiri đều bị hun khói hết, vì gia đình ông đã làm nghề chế tạo thịt hun khói và xúc xích nhiều đời rồi. Cái duyên của ông đối với Việt Nam là vào thập niên 1980, ông đã gặp một sinh viên người Việt theo học tại trường Đại Học Cơ Khí Praha. Qua chuyện trò với cậu sinh viên này, ông tìm hiểu đất nước Việt Nam. Năm 2001, ông sang Việt Nam, thăm thú một số siêu thị, thấy sản phẩm thịt hun khói rất thưa thớt và sơ khai, ông liền suy nghĩ việc mang sản phẩm của gia đình ông qua thị trường đầy tiềm năng này. Cuối năm 2001, ông trở lại Việt Nam, và quyết định làm ăn. Vậy là các món thịt hun khói với công thức đặc biệt của gia đình ông ra đời, độc đáo nhất là có thêm món mộc tồn hun khói.

Thịt chó kiểu…tây này, tôi chưa từng được thử. Không biết có mất mát nhiều mùi vị dân tộc không. Tưởng tượng ra thì chắc là lạ. Này nhé, thịt hay cá hun khói thì chúng ta ở bên đây rành sáu câu quá rồi. Nhưng thứ thịt hun khói tẩm thêm riềng và sả thì phải lạ. Lạ nhưng thịt chó như vậy có đi lạc đường không? Tôi chắc là các đệ tử trung thành của món cờ tây không mặn lắm với món chó cải tiến này. Cứ…truyền thống coi bộ hạp khẩu vị hơn. Anh tây coi trọng truyền thống…chó này là anh Stanilas Boissau. Tên Việt của anh là San. Anh là tây chính cống bà lang trọc, sanh ra ở ngay ngoại ô Paris hẳn hoi. Đầu năm 1999, anh sang Việt Nam làm việc cho dự án S.A.M. nghiên cứu về nông nghiệp của chính phủ Pháp tại Bắc Kạn. Anh ở Na Rì, địa bàn của dân tộc thiểu số. Sanh năm 1975, anh tây 24 tuổi lúc đó có máu phiêu lưu nên anh sống chung, ăn chung, ngủ chung với các người dân tộc Tày, Nùng và Dao. Kết quả anh nghiện được mấy món: thuốc lào, rượu sắn và rượu táo mèo. Sợ về tây không có những thứ hấp dẫn này, anh mày mò học cách chế biến mấy thứ rượu. Một năm sau, dự án chấm dứt, anh về lại Pháp. “Chỉ được mấy tháng, nhớ Việt Nam quá không chịu nổi, tôi xin được quay trở lại làm nghiên cứu sinh”. Dự án đã chấm dứt, hết ngân khoản, dự tính của anh không thành. Bất chấp, với chút tiền trong túi, anh quay lại Việt Nam. Đầu tiên anh mở một quán bán nước nho nhỏ ở vỉa hè phố Huế để sống qua ngày. “Nhiều hôm đói bụng mà trong túi không còn đủ tiền ăn một xuất cơm bụi vỉa hè Hà Nội là chuyện thường!” Vậy rồi anh tây rách nát bén duyên cùng một cô sinh viên ngành du lịch. Họ cưới nhau vào năm 2003. Quê cô ở Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Tây, nơi nổi tiếng vì thịt chó. Vậy là sau cái duyên với người Vân Đình, anh bén duyên với…chó Vân Đình. Một bữa, anh rủ nhóm bạn tây ba lô của anh về thăm quê vợ. Họ được ông bố vợ anh đãi món thịt chó nổi tiếng chính gốc Vân Đình. Họ thưởng thức cật lực món lạ. Anh San thấy vậy mới nảy ra ý nghĩ: người Việt thích món này, tây cũng thích, tại sao không mở quán bán thịt chó?  Nghĩ là làm, hai vợ chồng gom góp số tiền ít ỏi, thuê một chái nhà tại ngõ Huế, phất cờ…tây. Bán thịt chó mà anh lại đặt tên quán là Chim Sáo! Hỏi thì anh bảo cho có vẻ…dân tộc. Chim Sáo đâu có họ hàng gì với cầy tơ nên quán ế rề. San chơi tiếp màn dân tộc bằng cách bán thêm các món dân dã: cơm cá kho, dưa cà, thịt ba chỉ rang khô nhưng cờ tây vẫn là hàng đầu. Ông thần dân tộc không phụ lòng ông tây nên quán càng ngày càng đông khách. Chắc thần thấy anh tây này rất...dân tộc với quần ống ngắn, chân đi đôi dép cao su cũ mèm, áo bà ba màu cháo lòng, vai vắt chiếc khăn tay. Mỗi ngày anh lấy 7 kí thịt chó. Hết thì anh lật đật phóng chiếc xe Minsk nổ phành phạch nuốt đoạn đường 10 cây số xuống tận quê vợ để lấy thêm. Mang thịt chó vào quán, anh luôn miệng quảng cáo: thịt chó xách tay thui rơm thứ thiệt từ Vân Đình lên vẫn còn thơm mùi khói đấy nhá! Anh còn chỉ cho mấy anh tây ba lô đánh vần chữ “m-ắ-m t-ô-m” và giải thích: mắm tôm ngon lắm nhá, thiếu món này là hết ngon! Mười một giờ đêm, đóng cửa quán xong, ông chủ San ngồi gác chân lên chiếc ghế tre trước cửa quán, lấy ra chiếc điếu cầy, vo viên thuốc lào, châm lửa, rít một hơi dài rồi lờ đờ nhả khói, miệng khen: “Cái điếu này thật là kêu!”

Ông tây này “dân tộc” hơn tôi. Đời tôi chỉ có một lần thử một bi thuốc lào mà lăn quay, chẳng còn mồm miệng đâu mà khen kêu với không kêu. Miền bắc có những ông tây xuất chúng như vậy thì miền nam cũng có ông Hai Lúa Mắt Xanh. Đó là biệt danh tự nhận của ông Benoit Perdu. Nghe tên đã thấy…thua. Nhưng ông tây này không thua. Sanh tại Normandie, Pháp, ông vốn có nghề nghiệp và địa vị ngon lành. Sang Việt Nam 15 năm trước đây, ông Benoit lấy tên tắt là Ben cho người Việt dễ gọi, đã từng là nhà thầu cung cấp thép cho một số công trình xây dựng lớn ở miền Trung. Sau đó ông giữ chức Tổng Giám Đốc Công Ty Bảo Hiểm Nông Nghiệp Groupama tại Việt Nam, rồi Giám Đốc Công Ty liên doanh Total Gaz. Cứ thắt cà vạt, ngồi ghế da mãi, ông chán. Một bữa ông phủi tay bỏ tất để đi làm…Hai Lúa! Ông về Cần Thơ, đứng ở bến Ninh Kiều, phóng tầm mắt ra ngã ba sông, mường tượng những ngôi nhà sàn, những vườn cây trái sum suê và những chiếc ghe sông hồ chòng chành xuôi ngược về tụ lại tại Chợ Nổi Cái Răng. Ben miên man nghĩ tới việc giới thiệu những nét đẹp quê mùa này cho các ông tây bà đầm khác. Nghĩ là làm, ông cùng cô vợ Việt Mai Thị Nguyệt Ánh, vốn là một giáo viên tiếng Pháp, đóng một con tàu du lịch toàn bằng gỗ, mang dáng dấp cổ kính. Tàu gồm ba tầng, có phòng đọc sách, phòng xem phim, nhà hàng và 6 phòng ngủ, đủ chỗ phục vụ 25 khách. Cuối năm 2002, tàu hạ thủy mang tên Bassac, hoạt động đưa du khách khám phá sông nước miền Tây, từ Cần Thơ tới chợ nổi Cái Răng, vườn cây Vĩnh Long, Tiền Giang. Hai vợ chồng tự làm hướng dẫn viên, lịch thiệp và sôi nổi, khiến khách tìm tới nườm nượp. Ben liền quyết định đóng thêm hai tàu nữa. Song song với việc khai thác du lịch, ông cho mở thêm hai nhà hàng ăn. Vốn nói rành tiếng Việt, ông đặt tên hai nhà hàng này là Nam Bộ và Sao Hôm. Hai cái tên độc đáo không kém gì cái tên Chim Sáo của ông tây San ngoài Bắc. Nhà hàng của ông có những món dân tộc mà ông rất khoái: cá kho tộ, rau muống chấm mắm và nhất định không thể thiếu được rượu đế là thứ ông nghiền số một.

Ông tây rau muống Juan có một quán bán gà quay ở Thanh Đa thì chẳng dân tộc dân tiếc gì. Cứ có sao đặt tên tiệm như vậy. Quán  gà nướng của anh mang tên quán “Ông Tây”! Tây mà chẳng ra tây mặc dầu nguyên quán của anh ở Pháp, lại tốt nghiệp Đại Học Kỹ Thuật Paris đàng hoàng. Trông Juan lúc nào cũng lếch thếch, bụi bặm, đầy chất Sài Gòn. Ông lấy vợ cũng rất phong cách Sài Gòn. Vợ ông là nhân viên chạy bàn trong một quán cà phê. Lần đầu tiên về ra mắt gia đình nhà người yêu ông thành thật như người Sài Gòn. Ông kể lại: “ Ngày đầu gặp bố mẹ cô ấy, tôi đã nói thật là tôi rất nghèo. Tôi không phải là một ngoại kiều giầu có. Tôi không có xe hơi, không nhà, không có điện thoại di động và không có cả nghề nghiệp. Mọi người bảo tôi là ‘Tây vô sản’. Nhưng tôi yêu cô ấy và muốn đi tới hôn nhân”. Cứ thật thà như vậy mà được vợ. Juan mang tất cả số tiền dành dụm ít ỏi của mình nhờ gia đình bên Pháp mua dùm cho 3 cây nướng gà bằng điện. “Lúc đầu tôi làm cho người nhà và bạn bè ăn để nhờ họ góp ý. Cứ thử đi thử lại cả tháng trời, tốn kém không biết bao nhiêu là gà. Đến khi mọi người bảo là ngon thì tôi mới dám đi thuê mặt bằng để mở quán. Nghĩ mãi tôi không biết nên lấy tên quán là gì, cuối cùng tôi đặt đại là gà quay ‘Ông Tây’. Vậy mà cũng hay ra phết!” Thế là từ đó người dân ở khúc gần cầu Thanh Đa ngày ngày thấy một anh tây mặc quần soọc, áo khoác, mặt mũi đầy mồ hôi bên lò quay nóng rực. Có ngày anh bán được cả trăm con gà. Nhưng bệnh dịch gà chơi xấu anh. Anh phải đóng cửa quán tới mấy tháng, ăn cụt cả vốn. Khi hết dịch anh mua gà sạch siêu thị bán lại nhưng không được bằng lúc trước. “Cứ mỗi sáng mở báo ra thấy tin dịch cúm là tôi lo lắm!” Tương lai sẽ ra sao? “Thỉnh thoảng tôi cũng mong chờ vào may rủi từ tờ vé số để mong mua được căn nhà cho vợ con ở. Phải tự tạo cho mình một niềm hy vọng để tiếp tục mưu sinh chứ!”

“ Tên tôi là Nguyễn Hữu Phong!” Đó là câu tự giới thiệu thường ngày của anh tây người Đức tên Hammerschmidt Frank. Anh rất khoái cái tên Việt này. Sống ở Việt Nam, nói tiếngViệt như người Việt thì phải có tên Việt chứ. Anh thường tự hào với cái tên rặt Việt do bạn bè đặt cho. Nhưng cái tên “Frank Hà Tiện” do bạn bè gọi chế giễu anh cũng thích. Phải hà tiện chứ! Anh nhớ tới những ngày đầu mới sang Việt Nam: “Có lần trong túi tôi chỉ còn 2000 đồng mà bụng thì đói vô cùng. Ghé qua hàng cháo mực vẫn thường ăn bên vỉa hè, cô chủ quán hỏi ‘Cháo mực giò heo như mọi hôm nhé?’. Tôi phải làm bộ ôm bụng nói ‘Hôm nay đau bụng ăn cháo không thôi’. Hay những lúc không còn tiền để đổ xăng, đi đâu tôi cũng đi bộ, bạn bè hỏi thì nói đi bộ cho khỏe người. Còn chuyện mua nợ thuốc lá thì thường xuyên như cơm bữa!”. Nguyễn Hữu Phong hiện có một quán nhậu ở Nha Trang, tự đi chợ mua đồ về nấu. “Sáng tôi dậy thật sớm, đi chợ, khệ nệ tha về một mớ rau dưa thịt cá. Rồi tự lên thực đơn, tự chế biến. Những lúc khách đông tôi kiêm luôn cả việc bưng bê”. Bằng một thứ tiếng Việt nhuần nhuyễn, Phong tâm sự như vậy. Hỏi còn hà tiện không? Vẫn hà tiện chứ. “Thỉnh thoảng tôi lại mở một tiệc nho nhỏ mời bạn bè cả tây lẫn Việt đến dự, Thức ăn là những thứ mà tôi dành dụm được từ những món quà do bạn bè hoặc gia đình gửi từ Đức qua. Những người đến dự tiệc được ăn miễn phí, còn thức uống thì phải trả tiền. Trong bữa tiệc tôi đặt một con heo đất. mọi người tùy tâm mà bỏ vào đó ít nhiều. Sau đó tôi cùng mọi người đập heo để lấy tiền mua quà tặng người nghèo quanh vùng. Tôi cũng là người nghèo nên rất hiểu và muốn chia sẻ sự thiếu thốn của những người kém may mắn quanh tôi”. Trong sinh nhật mới đây của Phong, không bánh kem, không hoa, chỉ có một nồi lẩu đậm chất Việt và mấy chai bia. Anh tâm sự: “Tuy vất vả nhưng tôi rất hạnh phúc được sống ở Việt Nam. Tôi đã dặn bạn bè khi tôi chết thì đem thiêu rồi rải một nửa tro lên núi, một nửa xuống biển. Thân xác tôi đã thuộc về nơi này, vì thế dù khổ cực cách mấy tôi cũng sống với đất này”.

Tây có tình với Việt như vậy mà mấy ông nhà thơ chẳng thấy ông nào làm thơ tây. Rặt thơ đầm.

Tìm mãi mới ra được tí tây trong bài thơ ông Nguyên Sa tặng ông Mai Thảo nhân ngày sinh nhật của ông nhà văn.

Ông ngồi với hai ông tây
Ông kia tên Mạc, ông này tên Cô
Buổi sáng ông chỉ say vừa
Nửa khuya mới tới đúng mùa nho ngon
Tết này ông sáu tư tròn
Nhìn ông tôi thấy vẫn còn Tháng Giêng.

Hai ông tây này thì tôi cũng thích. Tuy rằng đó chỉ là thứ tây…lỏng!

05/2008