Béo
Chim
Đi
Điếm
Đồi
Đúp
Hãi
Hẻm
Khăn
Khỏa
Lạnh
Lộc
Lưỡi
Mai
Mạng
Mặt


Nhậu
Nhột
Nhỏ
Nổ
Nở
Phún
Rình
Sành
Són
Tây
Tên
Thèm
Tiết
Valentine
Xẻo
Xmas

ĐÚP

Chắc ít ai biết nữ sĩ Quỳnh Dao, người Đài Loan mà nổi tiếng cả ở Việt Nam, chỉ được nằm có một nửa bụng mẹ. Nửa kia là đứa em song sanh. Trong cuốn hồi ký “Chuyện Đời Tôi” bà đã kể lại vụ chung chạ này rất kỹ lưỡng: “Thế rồi, tám giờ tối ngày 19 tháng tư năm một ngàn chín trăm ba mươi tám, mẹ bắt đầu  trở dạ, tại bệnh viện Nhân Tế ở Thành Đô. Lẽ ra còn nửa tháng nữa mới sanh, nhưng bào thai trong bụng mẹ quậy dữ dội, cứ đòi ra  sớm. Quá một giờ sáng ngày hai mươi tháng tư, tôi chào đời trước. Nằm trên giường sanh, mẹ tôi rặn muốn đứt cả hơi, tôi mới lọt lòng. Câu đầu tiên của mẹ là: “Con trai hay con gái?”. Bác sĩ nói: “Con gái!”. Mẹ tôi mừng quá! Thế là có hai đứa con gái sanh đôi rồi. Bà yên tâm thiu thiu ngủ, quên khuấy trong bụng vẫn còn một đứa nữa. Bác sĩ lại tiếp tục  cổ vũ giục giã, mãi hai giờ đồng hồ mẹ mới sanh nốt đứa thứ hai. Khi bác sĩ reo lên: “Con trai!”, bà thất kinh, suýt nữa ngất xỉu. Em trai da đen, tôi da trắng. Em trai đầu to, tôi đầu nhỏ,  em trai chân mày rậm mắt to, tôi mũi nhỏ, miệng nhỏ. Không những hai đứa tôi không giống  hệt nhau mà còn chẳng có cái gì giống nhau cả, đã vậy lại một trai một gái! Vì là sanh chưa  đủ ngày, nên lọt lòng ra, tôi và em trai đều xanh xao gầy guộc, tôi chỉ có một kí lô tám, em  trai nặng hơn chút đỉnh, cũng chỉ được hai kí lô ba. Càng nhìn hai đứa tôi, mẹ tôi càng thất  vọng”.

Mẹ thất vọng bởi vì mẹ muốn có một cặp gái cho dễ thương. Nhưng cha thì khác. Ông thích có con trai, nay vừa được trai vừa được gái, nên hứng chí làm thơ mừng. Thơ như thế này:

Một nam một nữ cùng sinh hạ,
Rượu mừng chưa nhắm đã say lòng
Mai này hai đứa xây gia thất
Được chức cha rồi, thêm chức ông.

Một trai, một gái, như vậy bà Quỳnh Dao vẫn còn may vì ít nhất bà cũng có riêng một trứng để nằm thong thả. Nếu cả hai nằm chung một trứng thì còn chật chội hơn nữa. Đó là do suy luận riêng của tôi chứ nằm trong bụng mẹ thì có nhiêu xài nhiêu, than van gì được. Nhưng, tôi lại suy luận, chắc nằm một mình một…phòng vẫn cứ thoải mái hơn. Nhiều bào thai không được như vậy. Hai, ba, bốn tên nằm chung một trứng. Chắc dành giật nhau để gác chân gác cẳng dữ! Được cái an ủi là nếu nằm chung thì giống nhau như đúc. Mặt mũi, mắt môi và đến cả cái rắc rối cuộc đời cũng giống nhau. Hĩm thì hĩm hết, cu thì cu trọn gói. Tại sao lại bắt chước nhau tận tình như vậy? Bác sĩ Vũ Hướng Văn giải thích như sau: “Sự thụ tinh xảy ra bình thường từ 1 trứng và 1 tinh trùng, nhưng quá trình phân chia tế bào của trứng đột biến phôi tự tách ra thành 2 thai. Sự đột biến này có thể xảy ra sớm hoặc muộn, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thai và phần phụ của thai. Nguyên nhân của sự đột biến này chưa rõ. Đây là loại song sinh cùng trứng cùng tinh trùng, 2 thai sẽ có chung một bánh nhau. Nếu sự phân chia thành 2 phôi xảy ra sớm thì mỗi thai nằm trong một buồng ối riêng. Nếu phân chia muộn hơn, 2 thai sẽ nằm chung với nhau trong một buồng ối. Trường hợp phân chia muộn hơn nữa, 2 thai có thể bị dính với nhau. Đây là loại song sinh đồng hợp tử, nên 2 thai mang cùng tính chất di truyền, giống nhau cả về giới tính (cùng là trai, hoặc cùng là gái), hình thể và tính sinh vật học mà trong dân gian thường nói: “giống nhau như hai giọt nước”.

Đúp kiểu một trứng như vậy rất đồng nhất. Từ một trứng và một anh tinh binh. Rất…chính thống. Nhưng đúp kiểu hai trứng làm nảy sinh ra nhiều chuyện khó xử. Tại sao khó xử? Chuyện đâu còn đó. Cứ nghe bác sĩ Vũ Hướng Văn giải thích kiểu hai trứng trước đã. “Đó là trường hợp người phụ nữ có 2 trứng rụng khỏi buồng trứng và 2 trứng này đều được thụ tinh bởi tinh trùng. Hai tinh trùng có thể từ một hoặc từ hai lần giao hợp. Vì mỗi trứng thụ tinh với một tinh trùng, nên trong số các thai này có thể cùng giới tính, hoặc khác giới tính. Tỷ như 2 tinh trùng gây thụ tinh mang nhiễm sắc thể giới tính khác nhau thì 2 đứa trẻ sinh ra sẽ một là trai và một là gái. Nhưng nếu 2 tinh trùng đều mang cùng 1 loại nhiễm sắc thể giới tính (Y hoặc X) thì 2 thai sẽ đều là trai, hoặc gái cả. Tuy song sinh nhưng hai chị em (hoặc anh em) vẫn có những điểm khác nhau về hình thể, nét mặt và có thể khác cả về nhóm máu bởi 2 thai mang 2 bộ gen di truyền riêng biệt của trứng và tinh trùng bố mẹ chuyển sang.”

Vậy là con cái hại cha mẹ! Hai trứng khác nhau thì cũng một thứ nằm trong bụng, chẳng có chi phiền phức. Nhưng hai anh tinh binh khác nhau thì có vấn đề. Bởi vì có thể thuộc đội quân này hay đội quân khác. Vậy là lòi ra chuyện ăn nem của bà mẹ. Lãnh thẹo là anh chàng Liu Yuan ngụ tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Vợ anh đẻ sanh đôi. Ngay khi hai đứa bé vừa lọt lòng mẹ, anh chồng đã thấy chuyện lạ: đứa ra trước thì to lớn, đứa ra sau nhỏ và yếu. Khi xác định nhóm máu của hai trẻ thì lòi ra việc chúng thuộc hai nhóm máu khác nhau. Vậy là trong đầu anh Liu bỗng mọc ra một dấu hỏi to lớn. Anh để ý quan sát. Đứa nhỏ trông không giống anh một chút nào. Vậy là DNA! Kết quả chỉ đứa lớn có DNA giống anh. Tra hỏi thì vợ anh thú nhận đã tù ti với người tình cũ. Anh Liu không còn cách nào khác là đâm đơn ly dị bà vợ thích ăn nem. Bà này xui tận mạng vì đây là trường hợp cực kỳ hiếm có. Nếu thích cãi cọ, bà có thể chỉ mặt anh chàng tinh binh bởi vì anh thường sống dai, tới 72 tiếng trong tử cung trước khi chạy tới buồng trứng. Sống lâu như vậy nên mới có chuyện!

Nói là cực kỳ hiếm có nhưng năm 1973, một bác sĩ người Đức báo cáo đã có 6 trường hợp sinh đôi cùng mẹ khác cha. Năm năm sau, cũng tại Đức, đã có một trường hợp một bà mẹ cho ra đời một cặp nhưng một đen một trắng. Thật là trắng đen rõ ràng! Bà mẹ thích pha màu sắc này hết đường chối. Tội! Tôi nói tội vì tuy trắng đen rõ ràng nhưng có khi nhìn vậy mà không phải vậy. Tưởng là bà mẹ đã đi ăn cỗ với ma nhưng thực ra là vì anh chàng di truyền nhúng mũi vào. Mới đây thôi, tháng 4 năm 2005, chị Kylle Hodgson, 19 tuổi, hạ sanh một cặp bé gái. Khi y tá trao hai tí nhau cho chị, chị hết hồn. Bé Remee, nặng hơn 2,5 kí, tóc hoe vàng, da trắng, mắt xanh. Bé Kian, ra sau 1 phút, nặng tới 3 kí thì da đen, tóc xoăn, mắt nâu. Cả hai vợ chồng ngỡ ngàng. Vậy là sao? Họ bình tĩnh để các bác sĩ chẩn đoán. Cả cha lẫn mẹ của hai bé đều là con lai, mẹ trắng cha đen. Như vậy, bé Remee thừa hưởng gene da trắng của cả hai gia đình trong khi bé Kian thừa hưởng gene da đen! Đây là một trường hợp hiếm có, xác suất là 1 phần triệu. Cặp vợ chồng này trúng độc đắc! Màu da của một trẻ sơ sanh sẽ do từ 1 đến 7 gene khác nhau quyết định. Nếu mẹ lai thì trứng chứa hỗn hợp gene cho cả da trắng và da đen. Tương tự như vậy, nếu cha lai thì tinh trùng của cha cũng chứa nhiều loại gene khác nhau như vậy. Khi…hội ngộ thì tạo ra con…hybrid!

Một chuyện song sanh hai dòng máu cha đã nổ ầm ĩ vào năm 1983 tại California. Một thiếu phụ Mỹ kiện anh nhân tình vì anh này không chịu nhận và chu cấp cho cặp sinh đôi. Tòa án đã cho giám định y khoa. Lúc đó chưa có kiểu thử DNA. Các nhà y học đã dựa vào những phát kiến mới vào thời đó về hệ kháng nguyên bạch cầu. Bạch cầu đều có chứa 40 kháng nguyên protein trong tất cả các nhóm liên kết của chúng, đứa trẻ được di truyền một nửa kháng nguyên bạch cầu của bố, nửa còn lại là của mẹ. Kết quả cho biết anh nhân tình là cha của một trong hai đứa trẻ, đứa thứ hai là tác phẩm của một chàng khác. Bị dồn tới chân tường, chị vợ đành thú nhận đã có tù ti với một người khác. Tòa cho gọi anh chàng ăn vụng này tới để giám nghiệm y khoa. Kết quả: đích thị là chàng!

Gần một thập niên sau, năm 1992, cũng ở Mỹ, một phụ nữ Hồi Giáo 25 tuổi, cho ra đời một cặp song sanh một trai một gái. Anh chồng đa nghi và cả ghen nhất định không tin là hai đứa đều là con anh. Chị vợ tức khí đi nhờ bác sĩ chứng nhận để ra tòa bắt anh chồng trợ cấp nuôi con. Lúc này đã có DNA nên chuyện dễ ợt! Bác sĩ yêu cầu thử cho 2 đứa trẻ và người cha. Người cha nhất định không chịu thử. Bác sĩ phân tích các sự kiện và nêu ra nhiều nghi vấn. Tra hỏi bà mẹ thì bà cho biết có một người bạn trai. Anh bạn trai đồng ý thử. Kết quả anh là tác giả của đứa bé trai. Còn đứa bé gái không phải là sản phẩm của anh. Trước bằng chứng rõ ràng, anh bạn trai và chị phụ nữ thú nhận là họ có tù ti với nhau. Chúng ta lại nghe Bác sĩ Vũ Hướng Văn giải thích trường hợp…táo quân này: “ Những trường hợp trẻ sinh đôi khác cha là do người phụ nữ có 2 trứng rụng (song sinh khác trứng). Hai trứng có thể được phóng ra từ một hoặc từ hai nang De-Graff trong một vòng kinh, ít gặp ở hai vòng kinh. Hai tinh trùng gây thụ tinh là từ hai người đàn ông trong các lần giao hợp rất gần nhau. Song sinh loại này không khác gì mang bầu hai lần khác nhau, chỉ khác là cùng thụ tinh và cùng phát triển trong tử cung người mẹ trong cùng một thời gian, nhưng có hai bánh nhau riêng và mỗi thai của từng ông sẽ nằm trong một buồng ối riêng. Song sanh cùng mẹ khác cha là hiếm và khó nhận biết, nhưng ngày nay, với khoa học kỹ thuật phát triển cao, nếu qua xét nghiệm DNA thì biết chính xác”.

Kiểu đúp một trứng và hai trứng như vậy đã rõ ràng. Đâu còn chuyện chi phải nói nếu không nói tới hậu quả của song sanh. Tôi có hai đứa cháu trai song sanh, chắc là một trứng vì chúng giống nhau như hệt. Chuyện tôi lầm đứa nọ ra đứa kia là chuyện lia chia thường ngày. Để chắc ăn, thường tôi gọi tên trước, đứa nào quay lại là đúng hắn! Không hiểu khi chúng nó lấy vợ thì còn lầm lẫn chăng? Tôi lo lắng cho trường hợp nguy hiểm này. Rồi chúng nó lấy vợ. May mà vợ chúng đều là những người thông minh nên không có sự lầm lẫn nào cả! Nhưng không phải mọi cặp đúp đều may mắn như vậy. Chuyện như thế này: có hai anh em nhà kia giống nhau như hai giọt rượu! Một hôm, người anh phàn nàn với bạn: “ Tôi có một thằng em sinh đôi giống tôi như đúc, đến nỗi người ta luôn nhầm chúng tôi với nhau và tôi luôn phải trả giá cho những hành động sai trái của nó. Tỷ như hồi nhỏ, tôi luôn bị đánh đòn khi nó gây lộn ở bên ngoài”. Anh bạn thông cảm: “ Thật khổ cho anh!” Anh chàng tâm sự tiếp: “ Vậy đã nhằm nhò gì! Tôi còn bị ngồi tù thay nó mấy năm chỉ vì nó say rượu quấy rối. Người yêu của tôi cũng bị nó cưới làm vợ! Nhưng giờ thì tôi trả thù được nó rồi”. Anh bạn hỏi tiếp: “Anh trả thù bằng cách nào vậy?”. Anh chàng bậm môi, gật gù, nói chậm rãi: “ Tuần trước, tôi giả vờ chết và thế là người ta chôn nó khi nó đang ngủ!”

Chuyện song sanh như vậy đã đủ rối tinh chưa? Chưa! Đó mới là những kiểu đúp…cổ điển. Tiến sĩ Vivienne Souter thuộc Trung Tâm Y Khoa Banner Good Samaritan ở Phoenix, vào tháng 3 năm 2007, đã tìm ra một kiểu song sanh tân kỳ hơn: kiểu đi hàng hai giữa hai kiểu một trứng, hai trứng. Thế mới rắc rối tơ vò! Các nhà khoa học gọi kiểu này là kiểu “nửa cùng trứng”. Hai anh tinh binh cùng chui vô một trứng. Tới nay các nhà chuyên môn cũng chưa tìm ra tại sao hai bào thai lại phát triển cùng trong một trứng được. Tạp chí khoa học Human Genetics cho biết kiểu đúp “nửa cùng trứng” này có bộ gene giống nhau hơn cặp song sinh khác trứng nhưng ít trùng hợp hơn bằng cặp cùng trứng.
Cũng chuyện rất hiếm có trong y học, cả triệu ca mới có một ca, đó là chuyện sanh đôi mà không phải sanh đôi. Chị Amelia Spence, 29 tuổi,  ở Glasgow, Anh, có bầu. Khi đi khám, bác sĩ thấy lạ. Hai bào thai nằm trong bụng chị nhưng phát triển cách nhau 3 tuần. Nghĩa là chị có bầu 3 tuần rồi lại có bầu tiếp. Theo các bác sĩ, đây là một ca hiếm gặp, xảy ra khi cơ thể tiếp tục rụng trứng để thụ thai sau khi đã mang bầu. Tới tuần lễ thứ 13, một bào thai mới chỉ là một khối tròn trong khi bào thai kia đã có chân tay rõ ràng. Các bác sĩ lo ngại nên theo dõi hàng tuần. Trước sự ngạc nhiên của các nhà khoa học, cả hai bào thai đều phát triển. Tới khi không thể để hai bào thai chen chúc chật chội trong tử cung, các bác sĩ quyết định mổ khẩn cấp. Khi đó bào thai lớn được 32 tuần và bào thai nhỏ 29 tuần. Lúc ra khỏi bụng mẹ, bé Lia nặng 2,8 kí và bé Ame nặng 1,8 kí. Cả hai hiện sống khỏe mạnh.

Bào thai đúp nhiều khi tinh nghịch chơi trò trốn tìm. Cái nhỏ trốn trong cái lớn. Trốn rất kỹ. Kỹ đến nỗi 9 năm sau mới tìm ra. Đó là trường hợp xảy ra tại bệnh viện Larissa ở Hy Lạp. Một em bé 9 tuổi kêu đau bụng và nhập viện khám. Các bác sĩ đã tìm ra trong bụng cô bé một bào thai dài khoảng 6 phân, có đầu, tóc và mắt nhưng không có não hay dây rốn. Dĩ nhiên đó không phải là bào thai của cô bé 9 tuổi. Chín tuổi thì biết chi mà thai với nghén. Nhưng đó là bào thai song sanh với cô chui vào nằm vùng. Trường hợp cực hiếm này chỉ xảy ra một lần trong  500 ngàn lần sanh đôi sống sót.

Song sanh dính vào nhau thường xảy ra hơn. Ngày nay, với những tiến bộ vượt bực của y khoa, người ta có thể tách rời ra dễ dàng. Đầu thế kỷ 19, lỡ dính thì dính luôn suốt đời. Trường hợp cặp sinh đôi Thái Lan thì chắc ai cũng đã nghe qua. Cặp song sinh này bị vất ra bờ sông vì…quái đản. Dân chài lưới trong vùng đã nhặt mang về nuôi đặt tên là Eng và Chang. Ngày nhặt được trở thành ngày sinh nhật : ngày 11 tháng 5 năm 1811. Chuyện lạ lùng này tới tai nhà vua Rama II. Vua sợ đây là điềm gở cho quốc gia nên ra lệnh giết chết. May nhờ quần thần trong triều can ngăn, cặp đúp dính nhau này mới thoát chết. Hai anh em Eng và Chang lớn nhanh, thông minh, tự biết cách phối hợp tay chân, đầu óc nhịp nhàng nên đã có thể chạy, nhảy, chèo thuyền, lại còn múa nữa. Chuyện lại đến tai vua, vua đòi mang vào triều để vua giải trí. Sau đó, nhà buôn Robert Hunter và viên thuyền trưởng người Anh Coffine mua lại, mang về Anh. Họ huấn luyện cho hai anh em khiêu vũ, đá cầu và mang đi trình diễn thu tiền vé vào cửa. Trò mua vui được những người hiếu kỳ rất thích thú. Năm 1827, Eng và Chang được đưa đi lưu diễn tại Bắc Mỹ. Đúng một giáp sau, khi được 28 tuổi, hai anh em xin nhập quốc tịch Mỹ. Chuyện tức cười là tên thì có nhưng họ thì không, khi phải khai họ, hai anh em thấy người xếp hàng trước khai là Bunker, hai anh em cũng…Bunker luôn! Có tí tiền, họ mua và lập một trang trại cũng lấy tên là Bunker. Hai ông chủ trại đã an cư nên tính chuyện lập gia đình. Trang trại hàng xóm Yates có hai tiểu thư tên Sallie và Adelaide. Không biết hai chàng tán tỉnh ra sao mà cả hai nàng đồng ý kết hôn. Dân sở tại phản đối phần vì kỳ thị chủng tộc, phần lo cho hai cô gái không biết chồng con như vậy thì làm sao mà…vợ chồng. Cuối cùng tình yêu đã có tiếng nói cuối cùng. Đám cưới được tổ chức. Khách tới dự đông chưa từng có. Người ta phải đóng một chiếc giường khổng lồ đủ cho bốn người vui vầy. Chuyện vui vầy ra sao là chuyện phòng the, không ai được tỏ tường. Bỗng một ngày kia, cả làng đều thấy hai cô gái mang bầu. Hai đứa con được sanh ra chỉ cách nhau vài ngày. Thấy coi bộ được, họ làm tới. Hai nàng thi nhau mang bầu. Cứ bầu chị bầu em mà thấm thoắt hai chị em đã cho ra đời 21 đứa con! Em thua chị một đứa. Không biết hai chị em ăn thua với nhau ra sao mà đâm ra xích mích. Hai ông chồng chán đời. Một ông dùng rượu để khuây khỏa tới thành nghiện rượu, ông kia thì cờ bạc làm vui. May mà họ dừng chân lại được và quyết định ra ở riêng. Cô em đưa 10 đứa con sang làng bên tên White Plains. Cô chị ở lại trang trại cũ. Còn hai ông chồng? Sao mà riêng? Vậy mà cũng có giải pháp. Họ cùng nhau qua ở nhà cô chị ba ngày, rồi về nhà cô em ba ngày, cứ thế mà luân phiên…tản cư. Cuối cùng, vào năm họ được 63 tuổi, thần chết mang lưỡi hái tới cắt đứt cuộc sống của họ. Đêm ngày 17 tháng 1 năm 1874, ngoài trời tuyết đổ tầm tã, ông anh Eng đang yên giấc thì cảm thấy bên mình lạnh lẽo. Choàng tỉnh, nhìn sang bên cạnh thì thấy ông em Chang đã chết cứng. Eng hoảng loạn tâm thần và ngất lịm đi. Ba tiếng đồng hồ sau, ông cũng trút hơi thở cuối cùng.

Đó là cặp sanh đúp trọn vẹn nhất. Họ đã song sanh và song…tử!

05/2008