Béo
Chim
Đi
Điếm
Đồi
Đúp
Hãi
Hẻm
Khăn
Khỏa
Lạnh
Lộc
Lưỡi
Mai
Mạng
Mặt


Nhậu
Nhột
Nhỏ
Nổ
Nở
Phún
Rình
Sành
Són
Tây
Tên
Thèm
Tiết
Valentine
Xẻo
Xmas

NHẬU

Trên chuyến bay của hãng hàng không Japan Airlines từ Osaka về Sài Gòn, tôi ngồi cạnh hai cô Nhật trông có vẻ như công nhân. Hỏi ra mới biết họ là công nhân thật. Với thứ tiếng Anh bể ra từng mảnh, thỉnh thoảng lại lấy cuốn từ điển Nhật – Anh nhỏ xíu ra tra, hai cô cho biết là mỗi năm hãng bắt buộc các công nhân phải đi nghỉ hè. Hỏi thêm ra mới biết là mấy anh Nhật khôn tổ cha. Họ bắt đi máy bay Nhật, ở khách sạn Nhật, đi xe buýt Nhật, ăn nhà hàng Nhật. Đi du lịch ngoại quốc mà như ở trong nước. Nhất cử lưỡng tiện. Chẳng có đồng bạc nào rơi vãi ra khỏi túi các anh Nhật được. Tới giờ ăn, mỗi cô luôn luôn xin mỗi người một chai rượu vang, uống không còn một giọt. Thấy tôi không uống, hai cô tỏ vẻ tiếc, ý như muốn tôi cứ lấy rượu cho hai cô…nhậu! Họ uống rất thích thú, mặt phớt hồng, nói năng sôi nổi. Chỉ phải cái tội dùng hơi nhiều tiếng Nhật nên tôi có lắng tai nghe cũng như không. Nhìn đàn bà ngấm hơi men kể cũng là lạ!

Về tới Sài Gòn, vừa nghe vừa đọc trên báo, tôi mới thấy mình chậm tiến. Lạ chi nữa mà lạ. Chú em tôi cười vào mũi chê ông anh Việt kiều không theo kịp thời đại. Ngày nay các cô gái Việt Nam nhậu là chuyện thường ngày. Nhà tôi ở bên Thị Nghè, vượt qua cầu trên đường qua Sài Gòn, chỗ Sở Thú, quán nhậu mọc như nấm. Tôi rủ chú em ghé vào nhậu cho biết sự tình. Sự tình trước mắt tôi quả thật tôi chưa hề thấy bao giờ. Có nhiều bàn các kiều nữ ngồi nhậu với nhau, cũng “Dzô! Dzô!”, cũng thách thức, cũng trăm phần trăm chẳng khác gì nam phái. Chú em tôi cười vào mũi tôi vì cái ngây ngô của người…nước ngoài. Tôi vội tham khảo thêm trên báo chí. Đọc được khối điều hay.

Ông ký giả Nam Thanh của hãng tin VNN gặp một bàn nhậu có năm cô, chơi hết 3 két bia Sài Gòn xanh, ngà ngà cả đám, họ…giao lưu với anh. “Người cao tay ấn trong đám quay sang nhìn tôi: “Nhậu một mình buồn vậy anh, sang đây nhập vào với bọn em cho vui”. Bốn người còn lại cũng bày tỏ thiện chí vừa cười vừa mời. Và tôi vào cuộc…Những gương mặt vừa tái vừa đỏ, họ nốc bia như nước lã, cười nói ra rả, những người xung quanh họ bây giờ là củ ấu, củ khoai, trong đó có cả tôi. Đặt mạnh ly bia xuống bàn, đưa tay vuốt lại mái tóc, Liên –một trong năm cô – nhìn tôi hổn hển vừa thở vừa nói: “Hôm nay tụi em uống để chia tay, tuần sau em chuyển cơ quan, ở đấy em nghe nói áp lực công việc dữ, chị em rủ nhau làm một chầu chứ không thì biết khi nào mới gặp lại được, đúng không anh?” Dứt lời, cả năm cô gái dzô 100%. Bia được rót ra ly tràn nhễ nhại cả mặt bàn. Men vào lời ra, từ những chuyện tốt xấu ở cơ quan đến chuyện mấy sếp, hết ông này tới ông khác. Những tật xấu của mấy “ổng” được các cô phun ra vô tội vạ từ những vành môi son nặc mùi bia rượu. Hút hết điếu thuốc, tôi lịch sự xin trở về vị trí ban đầu”.

Đó là cuộc rượu chia tay của các đồng nghiệp nữ với nhau trong cùng một cơ quan. Chị em Sài Gòn ngày nay có nhiều lý do để nhậu: nhớ nhà, thi đậu, thi rớt, thất tình, sinh nhật, tiễn bạn đi lấy chồng…Cứ có thứ bám víu được vào là  nhậu. Nhiều khi  muốn nhậu là nhậu, cần chi lý do. Một cô đã đưa ra triết lý sống rất có lý: vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, không vui không buồn cũng nhậu!

Nhưng cô Thu Lan mà một ký giả gặp trong tiệm rượu nhậu có lý do đàng hoàng: buồn! “Một đêm trong quán nhậu ở đường Nguyễn Tri Phương, Quận 10, một cô gái ngồi một mình, nước da ngăm đen khá xinh xắn. Thấy dưới chân la liệt năm bảy vỏ chai Sài Gòn, tôi bước lại xin cụng ly. Đôi mắt đỏ ngầu trên gương mặt tái mét lờ đờ nhìn tôi: “Cụng thì cụng, sợ gì anh. Em còn hạ gục đến hai ông làm cùng phòng em nữa kìa, cỡ anh không thấm tháp gì em đâu!” Cốp một cái, tôi hỏi gì em cũng trả lời, giọng nhày nhụa pha chút bất cần.
“Em tên gì, nhiêu tuổi rồi?”
“Lan, Thu Lan, 28 tuổi.”
“Sao buồn chuyện gì kể anh nghe với, có gì đâu mà mượn rượu giải sầu dữ thế cô bé, buồn tình à?”
Tay xoay ly bia mới được rót ra, Lan thì thào như chỉ đủ cho kẻ nhiều chuyện này nghe, không muốn người ngồi bàn kế bên biết:
“Làm gì có tình mà buồn. Em công tác tại một công ty nước ngoài, nói ra anh không tin chứ áp lực công việc đến mức ba năm nay em không có thời giờ quen bạn trai…Gia đình ngoài quê cũng khó khăn nên cố cầy kiếm thêm thu nhập…”
Trong không gian chật hẹp của quán nhậu toàn người và bia, cái thứ mùi có thể làm những ai yếu bóng vía không dám bén mảng tới chốn này lần thứ hai, Lan rấm rứt khóc ngon lành với tôi, một tên con trai cô vừa mới quen, khóc nhưng vẫn uống, uống vào rồi đời cô có bao nhiêu uẩn khúc phô hết ra, kể cả chuyện tế nhị nhất bây giờ cũng chẳng đáng để bụng:
“Chính vì thiếu hụt “khoản ấy” em mới ra đây nhậu, nhậu để tìm người về bù đắp cho em…Một tháng thường cũng ba bốn lần. Xong đêm đường ai nấy đi, coi như không quen biết. Xấu hổ lắm, nhưng…”
Giọng kể lại ráo hoảnh như không có nước mắt. Câu chuyện đứt đoạn vì phải uống và khóc mới kể hết được”.

Nhậu…tình cảm như vậy là một lẽ. Nhậu ra tiền là một lẽ khác. Báo Sài Gòn Tiếp Thị đưa ra một phóng sự về chuyện nhậu kiểu…làm ăn mà điển hình là cô Thanh Huyền. Thanh Huyền là một nhân viên marketing của một công ty xuất nhập cảng tư nhân. Muốn ký hợp đồng với đối tác phải biết chiều họ. Cô cho biết: “Hợp đồng làm ăn được thảo luận và ký tại quán nhậu bao giờ cũng nhanh hơn, thành công hơn tại Công ty”. Trong một công ty có nhân viên nam cũng như nữ. Các anh rủ đối tác đi nhậu nên ký được hợp đồng liên miên trong khi các nhân viên nữ chịu chết. Riết rồi vì lý do…sinh tồn nên những người như Thanh Huyền cũng phải tập nhậu để làm ăn. Các đối tác và các sếp thường trở nên dễ tính hơn trên bàn nhậu. Nhậu với các nàng thì lại càng dễ tính, sẵn sàng phóng bút ký vào hợp đồng hơn. Đồng tiền nào cũng có hai mặt. Làm ăn được trên bàn nhậu nhưng bồ bịch không vui dễ hát bài ò e chia tay, chồng con cũng không muốn có một người vợ về nhà khuya khoắt, nửa tỉnh nửa say.

Nhậu vì nghề nghiệp còn có tiết mục nhậu thuê. Đây là một nghề có những quy luật bất thành văn. Nhiệm vụ của họ là ngồi đối ẩm với khách cho rậm đám. Họ là những đóa hoa…rượu. Loại hoa này không cần phấn son lòe loẹt, không ăn diện quá đáng, chỉ đủ lịch sự cho một cuộc nhậu với khách. Khách nào muốn có người ngồi nhậu chung hoặc đón tiếp đối tác làm ăn hay đãi bạn bè nhậu, thích thêm có tí bóng hồng cho vui thì kêu họ tới. Họ chỉ cùng uống và săn sóc khách hàng uống. Chấm hết! Phương châm nghề nghiệp của họ là: chỉ cho mượn xác chứ không bán phần hồn. Nếu gặp khách say sỉn có hành vi sàm sỡ thì thoái thác chứ không bao giờ bán thân với bất cứ giá nào. Nàng nào vi phạm sẽ bị khai trừ ra khỏi nghề. Muốn hành nghề dĩ nhiên phải biết uống rượu mà không say xỉn. Họ biết giữ để không bao giờ quắc cần câu vì nhiệm vụ của họ là phải lo cho khách về đến nhà nếu họ xỉn.

Thi hào Vũ Hoàng Chương, nếu còn sống, chắc chẳng mặn mà gì với những lối nhậu không say của các “em” ngày nay. Nhậu phải ngả nghiêng đất trời, lệch đèn lệch bóng.

Hãy thêm say còn đó rượu chờ ta
Cổ chưa khô đầu chưa nặng mắt chưa hoa
Tay mềm mại bước còn chưa chuếnh choáng
Chưa cuối xứ Mê Ly chưa cùng trời Phóng Đãng
Còn chưa say, hồn khát vẫn thèm men
Say đi em, say đi em
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bậc ngả nghiêng điên rồ xác thịt
Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết.

Những chai rượu vang loại một người uống của cô bạn đồng hành người Nhật trên chuyến bay từ Osaka về Sài Gòn đã đưa tôi lạc vào chuyện nhậu nhẹt của các bậc nữ nhi Việt Nam. Thật ra nguyên thủy chuyện nhậu là chuyện của đàn ông. Ngày xưa các cụ đã lấy chữ đè người rồi: nam vô tửu như kỳ vô phong! Cờ mà không gặp gió là cờ…rũ. Đàn ông mồm miệng phải thơm hơi men. Các bà thì chỉ có nước lo làm sao kéo các ông ra khỏi bàn nhậu. Công việc này coi bộ không dễ dàng gì. Bởi vì khi đã sa đà vào bàn nhậu, thời gian như đứng lại. Một bợm nhậu về nhà trễ, bà vợ chui từ trong mùng ra hỏi:

“ Giờ này ông mới dẫn xác về hả? Ông có biết mấy giờ rồi không?”
Ông chồng ngồi gục trên bàn, mắt chống không lên, vặc lại:
“ Trễ gì mà trễ! Mới có 10 giờ à!”
Đúng lúc đó, chiếc đồng hồ treo trên tường đổ một tiếng chuông. Bà vợ chờ cho tiếng chuông đồng hồ thấm vào ông chồng, mỉa mai hỏi:
“ Mười giờ của ông ấy à? Ông có nghe đồng hồ vừa đánh mấy tiếng không?”
Ông chồng to tiếng lại:
“ Bộ bà muốn bắt cái đồng hồ phải đánh cả số không nữa hay sao?”

Hình như rượu, ngoài chất cồn, còn bơm vào người chất lý sự. Trên trang mạng báo điện tử VNExpress, một anh kiến trúc sư tên Kiên, người chưa bao giờ về nhà trước 11 giờ mỗi tối, đã phát biểu: “ Giá như các bà vợ hiểu được chúng tôi cũng yêu vợ thương con thế nào, có điều nhậu thì vẫn cứ phải nhậu thôi! Có hai kiểu nhậu. Một là giao dịch công việc, nhiều lúc mệt phờ người, rượu bia vào mồm thấy đắng ngắt chứ chả sung sướng gì, muốn về với vợ lắm vẫn phải cố. Hai là các cuộc nhậu với bạn bè để xả stress, nhằm giải tỏa những ức chế đến từ công việc. Đây là lúc tái sản xuất sức lao động, các bà phải thông cảm!” Một ông nhà văn kiêm nhà báo cũng lý sự: “ Đàn ông phải quảng giao, mà cuộc rượu là nơi thể hiện tình cảm huynh đệ, nơi tìm cảm hứng cho cuộc sống, cho công việc.”

Ai tin được thì tin. Các bà vợ nhất định không tin. Họ chia sẻ với nhau những chiêu đối phó để các ông chồng nhậu phải…tỉnh cơn say. Tôi thực ra không muốn ghi lại đây những trò…nối giáo cho giặc này. Nhưng vào đúng lúc vừa lai rai xong mấy chén, gõ lia lịa vào bàn phím, chẳng biết bên nào là phe ta, bên nào là phe địch, nên chót dại gõ vào tuốt hết. Phe…vợ đọc xong nhất định không cho xóa đi. Đành tỉnh rượu, chẳng dại gì mà làm phật lòng…ai! Xin các bạn thông cảm cho tôi vậy. Chiêu của một chị tên Phượng ở Hà Đông: hai vợ chồng bằng tuổi nhau, lấy nhau từ thời sinh viên nên ít ai chịu ai. Thuyết phục, giận dỗi, nhờ các bậc cha mẹ khuyên bảo cũng không xong. Đành phải ra tay! Một bữa, chồng đi nhậu về, nôn mửa ra đầy nhà, Phượng nhất định không dọn, sang phòng khác ngủ, lại còn mang máy hình ra chụp nữa. Sáng hôm sau, tỉnh dậy, anh chàng phải tự dọn, lại còn bị vợ dí tấm hình vào mặt cho coi nữa. Bèn thấm và mắc cở, không ngờ lúc say mình lại…mất mặt bầu cua như vậy. Từ đó, “chàng” nhậu có tư cách hơn và về nhà sớm hơn. Cũng chiêu nôn ra nhà nhưng lần này là vợ nôn. Đó là chiêu của chị Hương, 29 tuổi, ở Hà Nội. “ Có lần trước khi lão về tớ uống chút rượu cho mặt đỏ tưng bừng rồi giả vờ say, giãi bầy tâm sự rằng lâu nay buồn thế nào, vất vả cô đơn thế nào. Rồi tớ nôn ra nhà, lão phải dọn. Từ đó, chắc lão hiểu được nỗi khổ của ngưởi vợ có chồng đi nhậu nên ít đi hơn và về đúng giờ hơn”. Chị Thương, 28 tuổi, thường hay than là mùi rượu khó chịu nhưng anh chồng không lưu tâm. Nhậu về, chồng thường có…phản ứng phụ của rượu là đòi tù ti với vợ. Một bữa, khi chồng đòi, chị bảo chồng để chị uống một chút rượu cho hợp với mùi của chồng. Anh chồng tỉnh ra, nhậu có chừng mực hơn. Nhưng chiêu của chị Lan, 29 tuổi, cũng ở Hà Nội mới cao tay ấn. Nói năng, nhẹ nhàng khuyên răn mãi không xong, chị chơi trò phớt lờ. Đến giờ cơm, chị và các con ngồi vào bàn ăn, không đợi chờ chồng về. Khi chồng về thấy nhà cửa vẫn tinh tươm bình thường, vợ vẫn tươi cười ra vẻ không quan tâm tới chuyện chồng về sớm hay muộn. Chị vẫn nghe nhạc, đắp mặt nạ trên mặt, chơi với con. Nhiều bữa chị đưa con đi chơi hoặc gửi con bên nhà mẹ rồi đi gặp gỡ bạn bè, cố ý về muộn hơn chồng. Anh chồng thấy vắng mình mà vợ con vẫn sinh hoạt như thường nên nhột nhạt vì thấy mình thừa thãi trong gia đình. Một bữa, cậu con 5 tuổi còn đế vào một câu: “Có chú gì khen mẹ càng ngày cành xinh!” Thế là tỉnh ngộ, lo về giữ…Hoàng Sa Trường Sa. Có đi đâu chậm về cũng phôn báo cáo vợ trước!

Giờ giấc của những cuộc rượu nó mông lung lắm. Rượu vốn có tài giữ người. Đã lậm vào thì mọi thứ khác đều là chuyện nhỏ. Những ngày Sài Gòn xưa, cuộc rượu của chúng tôi có bao giờ kết thúc được nếu không có giờ giới nghiêm. Cứ dắt giây nhau từ quán này tới quán kia, mỗi nơi một chút, giờ nào cho đủ. Nửa đêm còi hụ giới nghiêm. Mười lăm phút trước vẫn còn sớm. Vậy nên cứ đụng mấy ông cảnh sát hoài. Được cái mấy ông này cũng dễ thông cảm với cánh nhà báo. Nhà báo cũng họ hàng đâu đó với nhà thơ!

Tiếc mày không gặp tao ngày trước
Tao cho mày say quắt cần câu
Rượu bia bốn chục chai đồ bỏ
Uống từ chạng vạng suốt đêm thâu
Thành phố giới nghiêm ta ngất ngưởng
Một mình huýt sáo một mình nghe
Theo sau còn có vầng trăng lạnh
Cao tiếng cười buông tiếng chửi thề 
(Nguyễn Bắc Sơn)

Ngày đó đám nhà báo đi nhậu chúng tôi cũng có…MC. Người điều khiển chương trình nhậu mỗi tối thứ bảy là Khánh Giang, Thư Ký Tòa Soạn bán nguyệt san Thời Nay. Cả bọn chừng trên chục mạng. Khánh Giang lo liệu hết, kể cả tiền bạc. Hắn không phải là triệu phú nên cách lo của hắn cũng khác các anh nhà giầu. Khi nào túi hắn có tiền thì xong rồi. Khi túi hắn nhẵn nhụi thì hỏi có tên nào rủng rỉnh thì chi. Không có nữa thì cả bọn móc túi ra hết. Cùng đối đế nữa thì vô tòa soạn, viết đại một cái tên bài, bảo cô thư ký chi tiền nhuận bút, bài sẽ viết sau!

Sau ngày mất nước, báo bổ là chuyện xưa tích cũ, thỉnh thoảng nhớ những cuộc rượu, Khánh Giang tới gõ cửa nhà tôi móc đi nhậu. Đôi khi rủ thêm được mấy khứa nhậu ngày xưa. Bàn rượu lỏng chỏng, chuyện rượu cũng ậm à ậm ừ chán chết, vậy mà cứ ngồi lại được với nhau, nhìn nhau cũng đủ an ủi những ngày vất vưởng. Khi tôi chuồn ra ngoại quốc được thì ở nhà Khánh Giang bị cưa cả hai chân vì tiểu đường. Mỗi lần tôi về chơi, rủ thêm hai ba bạn cũ xách rượu tới nhà Khánh Giang nhậu. Không còn chân, hắn không đi ra quán được, nhưng vẫn còn miệng để uống và để thở dài. Cuối năm 2001, nhân một chuyến về, tôi với Hà Túc Đạo lại mang rượu tới nhà Khánh Giang nhậu. Bữa đó hắn vui khác thường. Tôi cũng vui. Về lại Canada, tôi cho cuộc rượu này vào truyện ngắn “Cuộc Rượu Ngày Đi”.

Tôi nghiêng chai rượu.
“Uống nữa đi toa. Rượu còn nhiều. Mỗi ngày toa lai rai một chút nhớ tới tụi moa.”
Huỳnh lắc đầu.
“Không! Moa để dành chờ tới Tết uống với Sáu Ngọc. Lúc đó, toa uống cho moa một ly ở bên đó nghe!”
Tôi chẳng biết nói sao. Rượu uống một mình như rượu phạt. Uống giùm một ly cho bạn ở xa còn hơn cả rượu phạt. Giọng Huỳnh chán chường.
“Chừng nào toa về?”
“Khuya nay.”
“Thực sao? Toa về thật à? Ừ, mà trước sau gì toa cũng phải về!”
Tôi đã năm lần bảy lượt định nhấc người lên mà đứng không nổi. Huỳnh ngồi ngậm câm như viên đá tảng nặng nề đè tôi xuống ghế. Lòng tôi như lửa đốt. Việc của ngày chót trước khi lại rời xứ sở còn bề bề cả đống. Cuối cùng tôi cũng đành phải đứng lên nói lời chia tay với Huỳnh. Huỳnh vẫn một khối lặng câm trên ghế. Mãi hắn mới nói.
“ Lần sau toa về, moa chắc có còn không?”

Đúng một năm sau, tôi lại về. Khánh Giang không còn nữa thật. Hắn đã ra đi chỉ một tháng sau cuộc nhậu với tôi và Hà Túc Đạo. Ngay tại căn phòng chúng tôi đã gầy cuộc rượu cuối cùng với hắn!

01/2008