Béo
Chim
Đi
Điếm
Đồi
Đúp
Hãi
Hẻm
Khăn
Khỏa
Lạnh
Lộc
Lưỡi
Mai
Mạng
Mặt


Nhậu
Nhột
Nhỏ
Nổ
Nở
Phún
Rình
Sành
Són
Tây
Tên
Thèm
Tiết
Valentine
Xẻo
Xmas

Ngồi rảnh rỗi tôi thường hay vận dụng trí óc nhớ tới một…chủ đề nào đó. Như một cách tập thể dục cho trí nhớ ấy mà. Lần này tôi tập nhớ tới những bạn văn đội mũ. Người đầu tiên tôi nhớ tới lại không phải là bạn mà là thầy: thi hào Vũ Hoàng Chương. Thầy Chương thường đội chiếc mũ phớt, không phải một chiếc đâu, mà nhiều chiếc có nhiều màu khác nhau cho xứng hợp với màu quần áo. Họa sĩ Hồ Thành Đức thì lần nào gặp ở quán cà phê Factory cũng có cái mũ dính trên đầu. Chiếc mũ có hình dáng giống như chiếc mũ mà nhà văn Võ Phiến và nhà thơ Nguyên Sa hay đội. Đó là tôi coi những bức hình chân dung chứ tôi chưa từng thấy hai ông sĩ, một ông văn một ông thi, này đội mũ ngoài đời. Những chiếc mũ giống như mũ bê-rê nhưng vành trước của mũ dính liền với mũ. Họa sĩ Thái Tuấn cũng tự họa chân dung với chiếc mũ nhưng khi tôi gặp thì chẳng bao giờ thấy ông đội mũ.

Gần tôi hơn là hai ông Luân Hoán và Hồ Đình Nghiêm, ông nào cũng thích đội mũ. Ông Luân Hoán thì chơi mầu mũ. Mỗi lần gặp là một mầu. Ông Hồ Đình Nghiêm thì chơi kiểu mũ. Đầu ông có thể dung nạp được rất nhiều kiểu mũ 24/24. Không hiểu lúc đi ngủ ông có đội mũ không chứ khi ngồi ăn hay uống cà phê, trời sáng hay tối, lúc nào ông cũng có chiếc mũ trên đầu. Hai ông này chuyên trị mũ lưỡi trai kiểu mọi người đội thường tình. Kiểu mũ độc đáo thì có lẽ là của nhà thơ Phùng Quán. Nhà thơ này tôi chưa bao giờ có hân hạnh được gặp, nhưng biết khi đọc bài của Ngô Minh trên Talawas. “Anh để râu dài như ông lão trong truyện cổ tích, đội chiếc mũ cói xứ Nghệ, khoác chiếc bị cói, cưỡi chiếc xe đạp, gọi là “xe trâu” Liên Xô cao lêu nghêu, mặc khi thì bộ bà ba nâu, khi thì chiếc áo mán khuy bấm, quần bò sờn cũ. Anh đi đôi dép tự chế bằng lốp ô tô đế bố dày tới mười phân. Tôi xỏ đi thử thấy nặng không lê được chân, không hiểu sao anh vẫn đi đôi dép ấy bình thường trong bao nhiêu năm ròng! Hỏi anh, anh vuốt râu cười, mắt chớp chớp hiền từ: “Dép nặng thế mới đứng vững trên mặt đất”. Anh một mình một mốt, không lẫn vào đâu được.” Tả cái lập dị, ngang tàng của nhà thơ như thế là rõ, rất rõ. Chỉ tiếc tác giả Ngô Minh không cho biết rõ chiếc mũ cói xứ Nghệ nó ra răng?

Văn nghệ sĩ mang mũ vì…điệu nghệ. Nó mang một nét khác người. Nhưng khi loài người biết đội mũ thì mũ có công dụng khác. Nó không được coi như một nét đẹp riêng mà là một tiện ích. Tám mươi lăm phần trăm nhiệt độ trong cơ thể con người thoát ra ngoài bằng phần đầu nên trong mùa lạnh, để giữ ấm người ta mới chế ra mũ đội trên đầu. Trẻ sơ sinh còn thoát nhiệt ra đầu bạo hơn nữa nên thường luôn luôn phải che đầu lại. Một lý do nữa để con người đội mũ là để bảo vệ đầu khỏi bị đá rơi làm lũng đầu. Khi con người đánh nhau thì mũ được dùng như một thứ che chắn vũ khí của kẻ địch đập xuống. Vua chúa, tướng tá, thủ lãnh, tù trưởng cũng như quân sĩ, binh sĩ hay chiến sĩ cứ đều phải bịt đầu bằng mũ hết. Vì vậy mới nảy sinh ra…giai cấp mũ. Mũ của chỉ huy khác mũ của quân sĩ lục tục bậc thường. Từ đó mũ mới mang ý nghĩa của quyền lực. Mũ được người ta chú ý. Cứ nhìn vào mũ là biết quyền lực cao thấp ra làm sao. Mũ tướng khác mũ tá. Mũ tá khác mũ úy. Mũ úy khác mũ hạ sĩ quan. Mũ hạ sĩ quan khác mũ binh sĩ. Quân đội là cái nôi cho sự lên ngôi của mũ. Vừa bắt buộc, vừa đồng nhất, vừa phong phú. Nguyên kiểu mũ bê-rê đã chơi đủ thứ màu tùy binh chủng. Ngày nay cứ thấy cái bê-rê đỏ ai cũng biết là Nhảy Dù, xanh lá cây là Thủy Quân Lục Chiến, nâu là biệt Động Quân, đen là Thiết Giáp… Còn mũ kê-pi, mũ ca-lô, mũ sắt…Mũ đã thành biểu tượng và cấp bậc. Cứ nhìn vào mũ là biết cái oai phong của người! Oai phong tính bằng những ngôi sao, hoa hoét hay lá lẩu.

Mũ ngồi trên đầu nên mũ ngất ngưởng chẳng sợ cái chi chi. Gặp thượng cấp hay khi phải chào kính, mũ quân đội vẫn cứ ngất ngưởng. Cái tay chào được thay cho việc bỏ mũ. Tôn kính là đưa tay lên…giữ mũ! Nhưng không phải quân đội thì khác. Tôn kính là mũ phải đi một đường rời đầu. Gặp người lớn tuổi hoặc có uy thế thì phải lột mũ ra cầm tay. Gặp đám ma cũng vậy. Nghĩa tử là nghĩa tận. Chào người không còn tham dự cuộc sống với chúng ta, chúng ta cũng lột mũ. Ông Bút Tre cũng biết như vậy nên mới có hai câu thơ: “Vào thăm lăng bác âm u / Chị em phụ nữ giở… mu ra chào!”

Biến thành thời trang, mũ cũng có chỗ đứng ngon lành ngay. Bởi vì khi nhìn một người đối diện, người ta thường nhìn vào mặt. Đội mũ vào là mặt đập vào mắt người khác. Các mệnh phụ phu nhân trong giới quý tộc mới vẽ vời ra nhiều kiểu mũ để diện. Nói tới quý tộc, vua chúa thì nước  Anh đi tiên phong. Ngay từ đầu thế kỷ thứ 18, các mệnh phụ trong triều đình Anh đã xí xọn bằng mũ. Mũ xịn hồi đó là mũ do các lái buôn mang về từ Milan bên Ý.

Khi các nhà thủ công nghệ lông thú nhảy vào lãnh vực mũ thì mũ phải có tí lông chim mới là mũ sang. Lông dài lông ngắn, lông màu này màu kia, lông trở thành biểu tượng của giai cấp mũ. Nó chứng tỏ người mang mũ là loại ăn trên ngồi trốc, tiền bạc phủ phê. Ngày nay lông không còn có giá như xưa nhưng cũng vẫn còn ngự trị trên mũ của các ông cũng như các bà. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp khi một cọng, khi một túm lông trên mũ. Lông thưa thớt chứng tỏ chúng đã hết thời.

Một cô gái tóc vàng, xinh đẹp nói với bác sĩ tâm thần của cô:
“ Thưa bác sĩ, đêm nào em cũng bị một giấc mơ khủng khiếp!”
“ Cô mơ thấy gì vậy?”
“ Em mơ mình đi giữa đường, hoàn toàn trần truồng, không một mảnh vải trên người, đầu đội mũ gắn lông chim và gặp rất nhiều người quen.”
“ Vậy thì tôi hiểu rồi. Lúc đó cô rất mắc cở chỉ muốn chui đầu xuống đất, phải vậy không?”
“ Đúng thế, thưa bác sĩ. Bởi vì thời buổi này còn ai đội mũ gắn lông chim đi ra ngoài đường!”

Cô bé bị bệnh tâm thần này coi bộ cũng biết xưa biết nay. Nay lông chim trên mũ quê một cục nhưng xưa lông chim trên mũ là chuyện thời trang rất…hot! Hot đến nỗi vào đầu thế kỷ 20 người ta đã đua nhau cắm những loại lông chim quý trên mũ. Chim càng hiếm quý thì bị vặt lông làm mũ càng nhiều. Lông chim vùng nhiệt đới là nhất. Các hội bảo vệ chim lên tiếng phản đối. Hội Hoàng Gia Bảo Vệ Chim (Royal Society for the Protection of Birds) mở chiến dịch phản đối việc giết những giống chim hiếm để lấy lông làm mũ. Triều đình Anh phải ra lệnh cấm đội mũ lông chim hiếm quý trong triều.

Mũ không vì vậy mà bị thất sủng. Đàn ông đàn bà ra đường vẫn phải có chiếc mũ trên đầu. Không có mũ và găng là thất lễ! Các bà thuộc giới quý tộc thay mũ tới mấy lần một ngày tùy theo hoàn cảnh. Đi công việc, đi chơi, đi ăn, đi nhảy, việc nào mũ nấy. Các ông cũng vậy. Có qui ước hết. Thậm chí hồi đó có một bà ra bỏ thư ở thùng thư chỉ cách nhà có mấy thước mà lười không đội mũ đã bị dư luận chỉ trích thậm tệ là ăn mặc cẩu thả không đúng cách! Già trẻ, lớn bé, sang hèn, cứ ra đường là phải có mũ. Chỉ có ăn mày mới để đầu trần.

Mũ được mùa như vậy nên ngành nghề nào cũng chơi mũ. Các ông tòa có mũ kiểu ông tòa. Cha cố có mũ cha cố. Sơ có mũ sơ. Sư có mũ ni. Bác sĩ, y tá có mũ bác sĩ, y tá. Con sen có mũ con sen. Thợ may có mũ thợ may. Chăn bò có mũ cao bồi. Đầu bếp có mũ bếp. Nghĩa là mũ cứ loạn lên. Các ông hàng phở ở nước ta, tuy chẳng có quy định chung nhưng vẫn có những chiếc mũ rất nổi tiếng: mũ phở. Mũ phở không vụ vào kiểu cách mà vào vài chi tiết…truyền thống: méo mó, dơ dáy, cũ kỹ. Các ông đầu bếp phương Tây, trái lại, đội chiếc mũ cao nghều nghệu, trắng tinh, sạch sẽ hết biết. Chiếc mũ bếp này có lịch sử rất kinh hãi! Dưới triều vua Henry VIII ở Anh, một bữa,  Vua thấy trong món ăn có vương một sợi tóc. Vua lờm tởm và nổi giận ra lệnh chém đầu anh đầu bếp rồi ra lệnh bắt buộc các đầu bếp phải đội mũ để tóc khỏi rơi vào món ăn. Tập tục này sau đó đã phổ biến khiến tất cả các đầu bếp, cho tới ngày nay, phải cứ mũ mà chụp khi hành nghề. Chúng ta bây giờ thành Henry VIII tất cả. Vào nhà hàng ăn mà vớ được một sợi tóc trong món ăn là…chết với tao. Dõng dạc gọi anh quản lý hay anh chủ nhà hàng tới, lạnh lùng chỉ vào sợi tóc, mặt vác lên gật gù ra cái điều tra hỏi. Anh quản lý sẽ xanh mặt, xin lỗi tíu tít, giá chót cũng không dám tính tiền bữa ăn đó. Có khi còn phải tặng thêm quà, trình tí voucher lần tới mời tới ăn khỏi trả tiền mới được thực khách tha bổng! Không biết có phải vì vậy mà các cụ xưa đã dạy: “cái tóc cái tội” không? Chắc không phải! Tôi đã…chụp mũ cho các cụ. Dân ta vốn có máu thương người. Tóc hả? Lấy ra, quệt vào mép bàn xong là lại cứ hì hụp ăn tiếp. Chết chóc gì!
Công chúa Diana ở bên Anh đã tựa vào mũ trong những năm đầu trở thành vợ của Thái Tử Charles. Lúc đó, vì chưa quen diễn xuất trong vai vương giả nên nàng luôn che bớt mặt dưới mũ để tránh bối rối. Sự bối rối của một cô gái bỗng một sớm một chiều trở thành mục tiêu chiêm ngưỡng của công chúng và đối diện với cả rừng máy hình và máy quay phim vô tình làm rộ lên phong trào đội mũ của các bà các cô. Thấy người đẹp sang trọng đội mũ có nét quá, các bà các cô đua nhau…mũ! Ngành làm mũ bỗng nhiên phát đạt. Ngay cả sau đó, khi Diana đã tự tin, ít đội mũ, quần chúng a dua cũng không bỏ được mốt thời trang mũ.

Cơn sốt mũ bắt đầu từ ngày 15 tháng 12 năm 2007 vừa qua tại Việt Nam thì lại chẳng ăn thua gì tới thời trang cả. Nó liên quan tới an toàn. Chẳng là từ giữa tháng 12, tất cả những người ngồi trên xe gắn máy đều bắt buộc phải đội mũ an toàn. Chuyện cũng phải thôi. Chạy xe hai bánh rất dễ nhào. Có cái mũ an toàn trên đầu là…an toàn trên xa lộ. Bên Canada của tôi hay bên Mỹ cũng đều như vậy. Mọi người răm rắp thi hành. Bên Việt Nam từ xưa tới giờ…tự do. Chẳng có luật nào bắt đội mũ nên chẳng ai muốn đóng rọ cho cái đầu. Nhưng nay thì luật lệ đàng hoàng. Không đội thì phú lít bắt phạt ngay. Vậy là cứ…loạn cả lên.

Thứ nhất vì ở nước ta toàn dân đi xe gắn máy và xe đạp. Đi xe hơi chỉ là thiểu số những người ăn trên ngồi trốc. Trong một gia đình, cả nhà đi xe gắn máy thì mỗi người phải sắm một cái…nồi cơm điện! Tiền đâu mà chi hàng loạt như vậy được. Nhiều gia đình…giảm chi bằng cách mua mũ dỏm, giá rẻ hơn nhiều. Mũ dỏm cũng đội được nhưng đánh rớt là bể liền. Té xe thì tan tành xí quách thành nhiều mảnh. Chính những mảnh bể này có khi chọc vào đầu làm sứt đầu chảy máu như chơi. Loại mũ này chỉ an toàn khi đi qua mặt công an chứ không an toàn khi té xe. Đây là mũ mắc bệnh: bệnh hình thức!

Có mũ rồi để mũ vào đâu khi xuống xe? Ở bên này, mỗi xe có gắn hộp để mũ, chẳng có vấn đề gì. Bên ta, mua mũ đã ngất ngư, tiền đâu mua hộp để mũ? Mà có hộp để mũ cũng chưa…an toàn. Dân nhám tay nhiều, mũ có cánh bay đi lúc nào chẳng được. Ôm mũ vào công sở hay trường học lại sinh ra vấn đề khác. Chỗ đâu mà cất mũ? Cứ lúng ta lúng túng với nhau!

Các cô các cậu rong tình trên xe gắn máy thời nồi cơm điện cũng điên cái…mũ! Chàng đi đón nàng phải khư khư vác thêm một chiếc mũ cho người yêu. Nàng trông thấy chiếc mũ chẳng muốn leo lên xe. Cái đầu xì-tin tốn biết bao nhiêu dầu mỡ mà đút vào mũ có mà xẹp lép! Lên xe, chàng trước nàng sau, nói với nhau một câu mũ đụng chan chát. Mi nhau một cái thì môi xa cả cây số chẳng nên trò trống gì. Vào coi xi-nê, ôm chiếc mũ trên bụng, tình bỗng vướng víu. Đã có những cảnh phim đang gay cấn bỗng mũ lăn lông lốc gây tiếng động không đúng lúc. Nhưng ở cái tuổi yêu nhau, chàng và nàng thường lạc quan. Tại sao không trang trí chiếc mũ cho đẹp? Thế là có dịch vụ trang trí mũ. Các đề can hình con chim con cá, các logo của các đội bóng đá, các hình khối, hình sóng màu sắc làm chiếc mũ…lên đời. Cô nhà văn Trang Hạ đứng dán đề can miễn phí các khẩu hiệu chống Trung Quốc ăn cướp Hoàng Sa  và Trường Sa thì lại không được coi là xì tin mà bị bắt về bót. Chắc không phải tội không đội mũ an toàn mà là tội…yêu nước!

Mấy ông xe ôm nay phải thủ thêm một chiếc mũ cho khách. Cồng kềnh đã đành, làm vừa lòng khách mới trần ai. Đâu có thể đo ni đóng tấc đầu khách được. Bác đầu to bác đầu nhỏ mà mũ chỉ một cỡ. Vậy là người chê mũ chật, người than mũ rộng, tiện nhất là cầm tay cho có. Tiện cho khách nhưng không tiện cho bác tài. Lái xe mà đổ mồ hôi hột vì lo bị phạt. Tóc khách mỗi người là một trời…riêng tư. Anh mùi này, ông mùi kia. Chiếc mũ chuyển qua hết đầu này đến đầu kia lưu trữ được một tập hợp mùi không tên. Khách chê. Một ông xe ôm sáng kiến ngay: mua một bọc túi ni lông phát cho khách trùm đầu trước khi đội mũ. Tôi nghi ông này có tham khảo trong xóm chị em ta trước khi nảy ra sáng kiến này!

Cũng như dân chúng đã tham khảo các thày cúng khi đua nhau đốt mũ bảo hiểm xuống âm phủ. Dương sao âm vậy nên trên dương đội thì dưới âm cũng phải y chang. Không đội lỡ bị phạt thì sao mặc dù chưa có ai gửi một anh công an …giấy xuống âm phủ! Vậy là đốt một chiếc xe gửi xuống dưới cho người thân thì cũng phải đốt theo một chiếc mũ. Cả một kỹ nghệ làm mũ bảo hiểm giấy phát sinh. Toàn dân làng Đông Hồ, một làng nổi tiếng vì món tranh dân gian gà lợn, chỉ làm một món mũ bảo hiểm dưới âm mà không kịp. Riêng gia đình ông Nguyễn Như Đức, truởng thôn Đạo Tú, người đầu tiên làm mũ bảo hiểm hàng mã, đã bán được trên năm ngàn chiếc mũ. Có một anh tài phiệt Nhật Bản tự dưng hưởng lợi: anh Honda! Bởi vì tất cả các mũ gửi xuống dưới đều mang nhãn hiệu Honda!

Có một thời chúng tôi đã ở âm phủ chỉ mong được gửi một chiếc mũ mà người nhà chẳng có dịp gửi. Đi lao động trong trại tù cải tạo mà không có cái để chụp lên đầu thì chỉ có nước bán đầu cho trời. Ngày nào cũng phơi mũ ra mưa nắng, mũ nào mũ nấy tơi tả. Khâu vá, cột buộc mãi, chiếc mũ nát như tổ đỉa. Trong truyện ngắn “Cay Đắng’ tôi đã cho nhân vật Vũ mang chiếc mũ tật nguyền đó từ trại tù về Sài Gòn. Sài Gòn lúc đó cũng sì sụp đội mũ giấu mặt. Cả một thành phố đội mũ. “Chúng tôi thắng xe bên quán cà phê lề đường ngày xưa chúng tôi vẫn thường hay la cà tới. Chủ quán vội đưa ra hai chiếc ghế gấp lùn tịt và một chiếc bàn dã chiến. Khách chung quanh hầu như anh nào cũng có chiếc mũ chụp trên đầu. Tôi không hiểu vì sao mà Sài gòn lại sản sinh ra một loại văn hóa mũ nở rộ đến thế. Hầu như mọi người chẳng ai muốn chường mặt ra dưới những tia nắng quái. Tôi lột chiếc mũ có vành màu ka ki trên đầu xuống. Vũ cũng làm theo. Chiếc mũ của hắn mang từ trại cải tạo về nhão nát thảm thương.
“ Chút nữa về nhà nhớ nhắc tao đưa cho mày chiếc mũ khác nhé. Chụp chi chiếc mũ tổ đỉa đó cho mất giá trị đi!”
Vũ ngượng nghịu.
“ Giá trị gì nữa.Thời buổi này cần chi cái mặt tiền. Sao mà chẳng được. Dân Sài gòn  bày vẽ quá.”
“ Mày làm như mày chưa bao giờ là dân Sài gòn hết cả đấy.”
Tám năm tù tội làm con người hắn giản dị đi nhiều. Sáng nay tôi bảo hắn lấy cái xe đạp của vợ tôi mà đi, hắn cũng đưa đẩy. Thôi, tao đi bộ cũng được. Đi mà không xẻng cuốc, không lon không túi, giầy dép đàng hoàng như thế này là tiên rồi. Cần gì phải xe cộ! Tôi phì cười. Này, mày trở lại thế giới văn minh rồi. Phải cư xử, suy nghĩ sao cho ra con người văn minh chứ. Vũ trọn mắt.  Văn minh hả? Chưa đâu! Vũ quay quay chiếc mũ.
“ Bây giờ tao rừng rồi! Chỉ thiếu điều mọc đuôi!”

Những năm sau 1975, ông chú tôi, người thì thước mốt nhưng mồm miệng thuộc loại…la làng, đi đâu cũng chụp chiếc mũ rách bươm, hôi hám. Bảo thay mũ thế nào ông cũng không chịu. Một bữa, tôi nói kháy: “Này chú! Đội cái mũ trông mất mặt quá. Thay đi cho rồi!” Ông phình cổ la làng: “ Xấu mặt chúng nó chứ xấu gì tao!” Tôi nhìn quanh, chỉ muốn lấy mũ bịt miệng ông lại!

01/2008