Béo
Chim
Đi
Điếm
Đồi
Đúp
Hãi
Hẻm
Khăn
Khỏa
Lạnh
Lộc
Lưỡi
Mai
Mạng
Mặt


Nhậu
Nhột
Nhỏ
Nổ
Nở
Phún
Rình
Sành
Són
Tây
Tên
Thèm
Tiết
Valentine
Xẻo
Xmas

THÈM

Thèm là gia vị của cuộc sống. Sống mà không thèm, chán ngắt! Không tin cứ thử hỏi con trẻ coi. Ngày còn nhỏ, được một cây kem hay một viên kẹo, sướng chết đi được. Liếm một tí lại nhìn cho đã thèm mới liếm láp tiếp, chỉ sợ hết. Muốn hưởng đầy đủ sự sung sướng phải cho đứa khác thèm nhỏ giãi mới thích. Ăn  trước sự thèm thuồng của người khác mới hưởng được tất cả sự thích thú của miếng ăn. Đứa trẻ nào cũng có cái thích thú ích kỷ như vậy.

Khi còn rất nhỏ, tôi đã làm một điều mà tới bây giờ tôi vẫn còn khó chịu mỗi khi nghĩ tới. Lúc xảy ra nạn đói năm Ất Dậu, nhà tôi ở ngay trên đường dẫn vào trại tế bần Giáp Bát. Nơi đây được dùng làm chỗ tập trung tất cả các người đói của Hà Nội. Mỗi ngày, người ta dẫn tới hàng đoàn người đói khát, rách rưới, hôi hám như dẫn một đoàn tù. Ai rắp tâm trốn ra khỏi hàng đều bị những người canh giữ đánh đập không nương tay. Bữa đó, tôi đứng trước cổng nhà gậm nửa trái bắp trong khi đoàn người đói đi ngang. Những cặp mắt hau háu nhìn vào nửa trái bắp tôi đang gậm nhấm một cách dè sẻn. Lúc đó hình như tôi sợ hơn là thích thú nhem thèm đoàn người đói. Sợ mà tôi không vào nhà, cứ đứng gậm bắp trước những cặp mắt thèm nhỏ giãi của đoàn người đói. Hay là cái tính con trẻ giữ tôi đứng lại cho vị bắp thêm ngon?  Khi gậm đến mòn nhẫn những hạt bắp luộc, tôi ném chiếc cùi bắp ra trước mặt như tôi vẫn thường làm. Đoàn người đói nhào ra tranh nhau cướp chiếc cùi bắp. Những người giữ trật tự xông ra quất roi túi bụi. Bất chấp đòn vọt, đoàn người vẫn cứ lăn xả vào dành nhau. Chiếc cùi bắp bị giật từ tay này qua tay khác. Có người nhanh tay đút vào miệng liền bị người khác bóp miệng giật ra. Đám đông càng ngày càng hỗn loạn. Tôi sợ bỏ chạy vào nhà.

Muốn thèm thì phải thiếu. Nếu đủ rồi thì chẳng có gì phải thèm. Người không thèm là người trơ cứng với cuộc sống. Nản! Tạo hóa đã dựng nên cuộc sống nên chẳng bao giờ muốn có người lại nản với cuộc sống. Như vậy hóa ra ông trời đã tạo ra một sản phẩm thiếu hấp dẫn sao? Đời nào. Bởi vậy nên con người chẳng bao giờ có đầy đủ mọi thứ. Thế nào cũng hụt thứ này, thiếu thứ khác. Không hụt không thiếu nhưng tính khoa trương hay thói ganh đua, tị hiềm cũng làm cho thiếu. Có cái nhà, so sánh với nhà của…Brad Pitt lại muốn cái nhà to đẹp hơn; có cái xe, nhìn thấy người khác có xe xịn hơn, lòng ham muốn lại vùng lên; tiền dư xài nhưng tiền thì biết thế nào là đủ! Cứ triền miên thiếu. Mấy ai thuộc được câu ‘tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc’của ngài Khổng Khâu. Có tiền nhưng thiếu quyền, có quyền nhưng thiếu danh, có danh nhưng thiếu văn thơ, có văn thơ nhưng thiếu…tiền, cái vòng thiếu thốn cứ luẩn quẩn làm con người triền miên thèm. Thèm lia chia, tôi thèm không hiểu vì đâu tôi thèm. Mấy cô em nhiều mộng mơ rất hay bị vướng căn bệnh thèm… không tên này.

em thèm một thoáng chiêm bao
em thèm một chút tào lao chuyện người
thèm buồn trong lúc đang vui
thèm cười trong lúc lặng người xót đau
(Luân Hoán)

Thèm như vậy có đến tết Congo cũng không hết thèm! Mấy ông bạn tôi thèm thực tế hơn. Một ông sống ở Mỹ mà cứ nhất định thèm mộc tồn. Nhấc phôn lên nghe ông nói là y như rằng có tiếng sủa gâu gâu. Chó ở Mỹ có mà thiếu giống nhưng ăn thịt chó thì lại không giống ai. Không ai ăn như vậy. Ông bạn tôi cũng phải bóp mồm bóp miệng nhưng thèm thì cứ thèm. Không ăn được thì ông nói. Nói cho hả mùi thịt chó. Một lần tôi chu du vào các blog bàn đủ các chuyện tào lao thế giới của các vị ăn không ngồi rồi, bỗng bắt gặp mùi thịt chó. Một ông chắc cùng tuổi với ông bạn tôi bỗng phóng lên một câu hỏi bằng tiếng Hồng Mao: “ Tôi thèm thịt chó quá. Có tiệm ăn Á châu nào ở trên xứ Huê Kỳ này  bán thịt chó không?” Câu hỏi vừa xuất hiện trên net thì tình hình nóng hẳn lên. Người ta xúm lại…chửi thay vì trả lời. Mấy anh Mỹ trắng nghĩ ngay anh chàng khoái mộc tồn này là một anh Á Châu (biết đâu chừng đó chính là ông bạn tôi, trong một phút quá thèm hạ cờ tây, hét toáng lên cho bàn dân thiên hạ biết?), bèn giở giọng kỳ thị: “Tại sao ngươi dám nghĩ là có một tiệm ăn Á châu nào bán thịt chó? Sao ngươi ngu thế? Sư các anh nào nghĩ tới chuyện ăn thịt chó! Sao ngươi không xéo về nước làm lấy thịt chó mà đớp?” Ông khoái cầy tơ cũng vác…bàn phím ra chửi lại: “ Tiên sư các anh kỳ thị! Tao hỏi một câu vô thường vô phạt thì việc gì tới nhà ngươi? Đất nước tao có khối tiệm bán thịt chó. Đó là một món ăn khoái khẩu của người Á châu, ngươi có biết không? Nếu ngươi không chỉ cho tao thì câm cái miệng lại!” Cuộc chiến phát sinh từ một sự thèm ăn chưa kết thúc. Trang blog còn mù mịt khói lửa nhưng tôi vội rời chiến trường. Tôi vốn là một chiến sĩ dở!

Rời cái bụng thèm này tôi lại rơi vào một cái…bụng khác. Đó là cái bụng của ông Heinz Asthoff, người Đức, 68 tuổi. Vợ ông chết vì ung thư cách đây 22 năm. Sự mất mát này làm ông buồn vô cùng. Cái buồn của ông bỗng có một phản ứng phụ: ông thèm ăn như điên! Mỗi ngày ông có thể đớp tới 12 ngàn calories. Ngày nào như ngày nấy, mỗi ngày ông sơi 1 kí thịt, 2,2 kí khoai tây, một chục quả trứng, một hộp mayonnaise sauce, lại còn chơi thêm pizza, khoai tây chiên và thịt chiên nữa! Chưa hết, ông còn đốt tới hai bao thuốc mỗi ngày. Càng hút ông càng ăn nhiều. Nhiều đến nỗi tiền hưu của ông chỉ mua thực phẩm không cũng không đủ. Ông vốn là một công nhân hầm mỏ và ông bác sĩ của ông ví von ngay: bụng của ông cũng giống như cái hầm mỏ mà ông đã làm việc trong 36 năm, đen thui và không có đáy! Có một điều ngộ nghĩnh là ăn nhiều như vậy mà cân kéo của ông không lên một gram nào! Ông hiện cân nặng 95 kí và cao 1 thước 82. Có lẽ ăn vì nhớ vợ không lên kí!

Ăn nhiều như ông Heinz có hết thèm không? Thường chúng ta nghĩ là ăn no thì hết thèm. Không phải vậy. Thèm và đói khác nhau. Bụng đã đầy mà vẫn thèm là điều mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đã trải qua. Tuy nhiên thèm khi đói thường nặng hơn thèm khi no. Chẳng thế mà các bà nội trợ thường truyền nhau kinh nghiệm nên đi chợ khi no sẽ đỡ tốn tiền hơn đi chợ khi đói. Khi đói thường có khuynh hướng mua nhiều thứ hơn với số lượng nhiều hơn. Cũng bởi cái thèm mà ra! Chúng ta cứ nghĩ nôm na như vậy. Nhưng đúng. Các nhà khoa học thì giải nghĩa hiện tượng thèm một cách…trí thức hơn.

Khoa học phân biệt rõ ràng thèm là một hiện tượng hoàn toàn không giống với cái đói. Khi đã ăn đầy đủ thực phẩm tạo ra một lượng calories cần thiết cho hoạt động của cơ thể rồi mà sau đó vẫn thèm ăn. Bởi vì có những lực tâm và sinh lý ngăn cản không cho chúng ta biết là ăn như thế là đầy đủ calories rồi. Tỉ như trong quá trình trao đổi chất hay các hormone hoặc các chất dịch do bao tử và ruột tiết ra. Lại còn các anh nhãn quan, vị giác và khứu giác góp phần gây thèm khi ta nhìn, hoặc ngửi mùi thực phẩm ưa thích. Không biết các bạn có kinh nghiệm này không chứ tôi mỗi khi đi qua một cửa tiệm có mùi thịt nướng thơm lừng là nước miếng tự động chạy vòng vo trong miệng. Về Việt Nam, đi ngang qua tiệm bán bún chả, họ mang bếp ra nướng thịt ở ngoài vỉa hè, mùi thịt ướp gia vị bay theo khói, thì không cách gì mà không thèm. Góp phần vào hiện tượng thèm ăn còn có các xúc động hay sự buồn chán. Ông người Đức Heinz Asthoff kể trên chắc thuộc vào category này. Ít ngủ cũng là thủ phạm gây nên bệnh thèm ăn. Các nhà khoa học thuộc Đại Học Chicago cho biết khi thiếu ngủ các hormone ghrelin gây thèm ăn tiết ra và khống chế hormone leptin vốn kiểm soát cơn thèm ăn. Leptin đóng vai trò báo cho não biết là “ăn đủ rồi, tốp lại đi”. Nếu leptin bị ức chế thì não bộ cũng…khờ luôn, không ra lệnh tốp, và cái miệng cứ thế mà nhóp nhép. Các bà các cô muốn giữ eo biết vậy nên khi mất ngủ cứ tự nhịn để khỏi mắc lừa anh não. Nhưng, theo các nhà khoa học thuộc Đại Học Alabama, thì làm như vậy cũng như be bờ trước cơn lụt. Bờ bể lúc nào không biết. Bởi vì nhịn như vậy thì dopamin endorphin, vốn là hai hormone có dính líu tới việc nghiện ma túy, sẽ rất mẫn cảm. Cộng thêm với việc hormone serotinin tiết ra ít sẽ tạo ra những cơn “bùng nổ thèm ăn”. Thế là cứ ngấu nghiến đớp những thực phẩm sanh ra nhiều calorie. Vậy là đi đời cái eo đã đành, lại còn mở đường cho bệnh tiểu đường tiến vào cơ thể.

Muốn chặn cơn thèm ăn thì…treo miệng lên. Không, tôi giỡn chơi, các nhà khoa học mà biết thì mắng tôi kể số gì. Các nhà nghiên cứu của Đại Học Rhode Island bảo là muốn kiểm soát cơn thèm ăn thì nên ăn chậm. Họ thí nghiệm với 20 phụ nữ ăn hai cái pizza vào hai lần khác nhau. Một lần ăn nhanh trong vòng 10 phút và một lần ăn thật chậm, cắn một miếng thì nhai từ 15 đến 20 lần trước khi nuốt. Kết quả cho thấy nhai chậm cùng một lượng thực phẩm giống nhau sẽ đưa vào cơ thể ít calorie hơn. Nhà nghiên cứu Melanson giải thích hiện tượng này như sau: “Có thể xảy ra như vậy vì các dấu hiệu về cảm giác no cần có thời gian nhiều hơn để truyền tín hiệu từ ruột về não bộ”. Ngoài ra, đi bộ hay đạp xe đạp cũng có thể tạm thời làm giảm được cơn đói.

Khi thèm thì chảy nước miếng. Tiếng Việt chúng ta thì ví von: thèm nhỏ giãi ra. Nhìn một chiếc đùi gà chiên, nhiều khi chỉ cần nhìn hình một đùi gà chiên thôi, lượng nước miếng trong miệng chúng ta đã…biểu tình. Đây không chỉ là dấu hiệu bạn đã phát hiện ra một món ăn khoái khẩu mà đó cũng là bước quan trọng trong quá trình tiêu hóa cái đùi gà. Ngay khi bạn đưa cái đùi gà vào miệng cắn, lượng nước miếng đã sẵn sàng giúp làm mềm thức ăn. Nên nhớ là trong nước miếng có chứa những diếu tố giúp phân hủy thức ăn trước khi miếng đùi gà trôi xuống bụng.

Lấy một trường hợp chúng ta thường gặp mà hình như phản ứng của mọi người đều như nhau. Đó là nhìn thấy trái me đã ứa nước miếng. Muốn che dấu cũng vô phương. Cô tiểu thư con nhà giầu Bích Ngọc điệu đàng đi chơi với người yêu trong truyện “Nguyệt Đồng Xoài” của Lê Xuyên nhìn thấy trái me trên cây cũng nuốt nước miếng lia lịa: “Bích Ngọc vừa nuốt ực nước miếng vừa khều tay Hải và hất hàm chỉ lên phía ấy: “Ý, me chín nhiều quá hén anh!” Rồi cô nhìn quanh quẩn xuống mặt lề đường, hỏi trống không luôn: “Sao nó không có rụng một trái nào hết trơn vậy cà?”. Hải miễn cưỡng nhìn lên ngọn me ờ một tiếng. Bích Ngọc có vẻ không hài lòng khi nhận thấy Hải không sốt sắng chia sẻ sự thèm muốn của mình. Cô níu tay Hải lại và hơi gằn giọng hỏi: “Bộ anh ghét me lắm hả?” Hải bật cười: “Coi, nó làm gì mà anh ghét?” Bích Ngọc xô mạnh tay Hải ra: “Vậy sao anh không có vẻ gì chú ý đến lời em nói hết trơn vậy?” Hải lại cười: “Trời, bộ chuyện đó quan trọng lắm sao? Nếu em thèm ăn me thì việc dễ dàng hơn hết là tụi mình đi thẳng ra chợ, rồi em muốn mua mấy thúng để ăn cho đã thì em mua. Rẻ rề chứ bộ mắc như nho, bom hay sao!” Bích Ngọc cong môi lên: “Ờ lảng nhách! Bộ em không biết như vậy hay sao mà phải dạy? Người ta thèm là thèm lúc này đây nè. Và thèm một trái, một mắt chớ bộ muốn nuốt luôn cả mấy ký hay sao mà anh nói theo cái điệu nghe phát ghét đó?” Hải thở mạnh, hơi khom lưng xuống như để tỏ ra vẻ “đầu hàng”: “Bây giờ em muốn sao đây? Không có gió mạnh để me rụng…Hay là em biểu anh lấy đá chọi?”

Không, tuổi đã đưa bồ đi chơi như anh chàng Hải chẳng nên làm cái việc của tôi ngày nhỏ. Đường phố Hà Nội ngày ấu thơ tôi đầy rẫy những cây me được trồng hai bên đường. Chọi me là nghề của chàng! Trời nắng chang chang, mũ trên đầu chẳng thèm đội vì đội mũ rất cấn cái cho việc ngẩng đầu lên tìm chùm me chín, cứ phơi nắng đến đen như cột nhà cháy, đi chọi me. Nhiều đứa chơi bạo còn cởi trần, độc một chiếc quần xà lỏn, trèo lên hái cho thỏa thích. Gặp lúc xui, có ông cảnh binh đạp xe đạp ngang qua là rủ nhau chạy tóe khói. Anh chàng đang ngự chót vót trên cành me thì cố núp. Nếu bị lộ diện, hiền thì tụt xuống, lì thì cứ bám cành me, bộ cảnh binh dám cởi cảnh phục trèo lên bắt sao! Chẳng là me  trồng hai bên vệ đường là tài sản của thành phố. Hàng năm họ cho đấu thầu, ai trúng thầu thì được quyền thu hoạch me chín. Cuộc thu hoạch me chín của các nhà thầu cũng vất vả vì bọn…canh me chúng tôi. Cứ lởn vởn chung quanh toán hái me, thừa lúc họ vô ý là nhào vào cướp rồi chạy. Chiến lợi phẩm thu về được để dành cho các em gái…hậu phương học cùng lớp chỉ có khả năng trả bằng nụ cười nhưng thông thường bị các bà chị bà dì bà cô bụng bầu trưng thu trước! Các bà này là chúa thèm của chua.

Thèm khác, đói khác nhưng cái đói trong các trại gọi là cải tạo làm con người hèn mạt đi nhiều. Đường đường là những sĩ quan, những cấp bậc chỉ huy trong các cơ quan hành chánh hay các chánh án, dân biểu, nghị sĩ, nếu không trấn áp được cơn thèm trong lúc đói thì vô vàn nhục nhã. Chính sách của những người chiến thắng là dùng cái đói để trị và làm nhục đám “ngụy”. Ai không vượt qua được cơn thèm sẽ trở nên bỉ ổi. Tới nay tôi vẫn còn cái cảm giác tê tái khi nghĩ lại những lúc chia cơm trong tù. Tị nạnh nhau từng hột cơm, dằn vặt nhau từng mẩu sắn, con người lộ rõ thú tính trong cơn thèm. Hạt cơm, miếng sắn, mẩu khoai đã vậy, huống chi miếng thịt. Nhà văn Vũ Thư Hiên, trong truyện ngắn “Con Bò Hà Lan”, đã cực tả hoạt cảnh chia thịt trong tù cải tạo. “Người tù thèm đủ thứ, nhưng nhất hạng là thèm thịt. Theo thông lệ, một tháng tù được ăn thịt một lần, nếu không bị thay bằng thứ khác, đậu phụ hay cá khô. Ngoài ra, còn có một số bữa tươi khác, đặc biệt hơn, được ăn thịt nhiều hơn, gắn với Tết âm lịch, những ngày lễ lớn như Quốc Khánh, ngày Quốc Tế Lao Động 1/5. Nói chung, trong những bữa tươi thường kỳ mỗi xuất được vài miếng xắt quân cờ, bản bằng hai ngón tay. Thịt hiếm đến nỗi mỗi lần có thịt là mỗi lần những giá trị tinh thần được viện đến. Chỉ những người tù đạo cao đức trọng mới được tập thể trao trách nhiệm chia thịt. Nhà bếp thái không đều tay, nên khi chia, người chia ngoài tinh thần chí công vô tư còn phải vận dụng kinh nghiệm cả đời người để chọn trong cả đống xương, sụn, bì, nạc, mỡ…lộn xộn những miếng tương đương để chia thành các phần bằng nhau. Đó là việc rất khó. Cho nên còn phải bày ra cái trò “quay mặt đặt tên” để bổ sung. Tức là, khi thịt đã chia xong tương đối đều vào các bát, thì một người cầm danh sách đội tù lên, quay mặt đi, xướng tên từng người theo thứ tự bất kỳ sau mỗi tiếng gõ vào một cái bát nào đó. Gõ vào tên ai là phần người ấy, một thứ xổ số để tìm lẽ công bằng”.

Chiến tranh, tù đầy, chết chóc, thương tật, khổ đau, người Việt chúng ta đã chịu đủ những món ăn khó nuốt này. Cả người ngoài tiền tuyến lẫn người nơi hậu phương. Chúng ta có một cuộc sống mà nhiều người ngoại quốc không thể hiểu được. Chúng ta có những cái thèm không ra thèm mà nhức nhối vô tả. Như cái thèm của người góa phụ đi nhận xác chồng trong thơ Nguyễn Thị Ý.

Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Ngày mai đi nhận xác anh
Cuồng si thuở ấy, hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi góa phụ nhạt mờ vết son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu
Phi cơ đáp xuống một chiều
Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa
Dài hơi hát khúc thương ca
Thân côi khép kín trong tà áo đen
Chao ôi! Thèm nụ hôn quen
Chong đèn, hẹn sẽ đêm đêm đợi chờ.

Có người vợ nào có cái thèm bi thảm như vậy không?

04/2008