Béo
Chim
Đi
Điếm
Đồi
Đúp
Hãi
Hẻm
Khăn
Khỏa
Lạnh
Lộc
Lưỡi
Mai
Mạng
Mặt


Nhậu
Nhột
Nhỏ
Nổ
Nở
Phún
Rình
Sành
Són
Tây
Tên
Thèm
Tiết
Valentine
Xẻo
Xmas

SÓN

Thằng cháu tôi, hai tuổi rưỡi, đang gặp lúc khó khăn. Nó đang được huấn luyện để bỏ tã. Ở bên này thì không có màn roi vọt. Chỉ khuyến khích và răn đe. Cu cậu được cho đi tàu bay giấy với lời khen: You’re a big kid now! Nhìn cái dáng tất tưởi của tên tập sự làm người lớn mỗi khi đang chơi vội chạy tới cái bô mà tội. Ngày xưa, ở tuổi nó, chúng tôi…nhàn nhã hơn nhiều. Khi hết quấn tã là được trang bị ngay một cái quần loại…huấn luyện: quần thủng đít! Quần chỉ cốt che nơi hiểm hóc mà lại bị khoét một lỗ lớn tướng ngay nơi…ngặt nghèo thì quần chi nữa. Chú nhỏ cứ thản nhiên ngó trời trăng mây nước. Lê la chơi trên đất trên cát đôi khi chú làm bạn với cái ong cái kiến. Mấy anh bạn này ít khi hiền hòa. Chúng chích cho một phát là chạy về mách bố. Nhiều khi không biết gặp phải cao thủ kiến loại nào mà chú nhỏ bỗng sưng vù lớn gấp đôi gấp ba kích thước thường ngày. Ông bố bèn chữa mẹo. Lấy một ngọn rơm, cột một vòng chung quanh chú nhỏ để lòi hai đầu rơm ra. Kê chú nhỏ lên bục cửa bằng gỗ, cầm con dao, ông bố  phập xuống một đường, hai đầu rơm đứt rời ra. Chỉ qua một đêm, chú nhỏ rút lại kích thước thường ngày. Những tai nạn bất thường đó không làm giảm sự tiện lợi của chiếc quần thủng đít. Khi nào muốn thoát nước, chỉ cần ngồi xuống là xong, chẳng phải vất vả chạy ngược chạy xuôi như thằng cháu tôi ngày nay.

Tây họ không nghĩ ra được chiếc quần thủng đít sao? Quả thật tôi ngại không dám hỏi mấy ông bạn Tây của tôi. Chắc họ đâu có nhà quê như mình! Nhưng một lần đi qua một cửa hàng chuyên bán đồ chơi người lớn, mắt tôi bỗng vướng phải một món đồ chưng ở ngoài cửa kính. Đó là một chiếc quần lót trang trí vẽ vời rất đẹp với những đường ren màu mè. Ngay chính giữa là một đường xẻ. Đúng là quần thủng đít! Chẳng hiểu họ làm chiếc quần này làm gì nhưng chiếc quần thuở bé của chúng tôi không đẹp đẽ như vậy. Tây có khác! Thế ra họ cũng có quần thủng đít đấy chứ! Nhưng quần của họ vẫn không bằng quần của chúng ta. Đường xẻ của họ chỉ ở phía trước trong khi lỗ thủng của quần ta…bao la hơn nhiều: thông từ trước ra sau!

Thằng cháu tôi không được trang bị quần thủng đít nên thỉnh thoảng bắt gặp phía trước quần có vệt ẩm nước. Vì ham chơi, cố rán, cu cậu đã nhỉ ra tí ti. Vậy là…són! Đó là són ban ngày. Ban đêm ngủ mê, thả lỏng hơn. Ướt giường ướt chiếu. Vậy là…dầm! Đái dầm là tình trạng không vẻ vang của con nít. Hầu như đứa con nít nào cũng từng trải qua tình huống bối rối này. Mà kể cũng tức thật! Rõ ràng là mình chạy vào cầu tiêu, vén khéo rất gọn gàng, thoải mái xả. Vậy mà ướt giường ướt chiếu. Oan ức chi đâu!

Đi tiểu là một phản xạ thần kinh, khi bàng quang căng đầy nước tiểu thì hệ thần kinh chỉ huy bàng quang co bóp để tống nước tiểu ra ngoài. Khi trẻ lớn thì tiểu tiện là một hiện tượng sinh lý kiểm soát được do hệ thần kinh đã phát triển, lúc thức cũng như lúc ngủ.

Dưới 5 tuổi mà dầm thì có thể giảm khinh được. Nhưng cũng có lúc có đêm thôi. Nếu cứ bắt bố mẹ giặt ra giặt chiếu liên miên là bệnh: bệnh dấm đài! Khoảng từ 15% đến 20% các bé mắc bệnh này. Đó là bệnh loại…origine. Giới y khoa gọi là bệnh đái dầm nguyên phát.

Bệnh đái dầm thứ phát là sau khi đã tốp dầm được một thời gian  rồi vì lý do nào đó lại tiếp tục chơi trò dẫn thủy nhập điền. Trò này thường thấy ở các cô các cậu từ 5 đến 12 tuổi và chỉ chiếm khoảng từ 3% đến 8%. Lớn hơn nữa mà còn dầm thì hơi lạ. Vậy mà có cô cậu ở vào tuổi teen vẫn cứ mắc phải. Thường thì lúc đó các cô cậu đã đủ khôn ngoan để dấu nhẹm chuyện mất mặt bầu cua này. Tự mình dấm dúi đi thay quần. Vận dụng sáng kiến để che chỗ chiếu thâm hay mền ướt. Nếu bị bắt quả tang thì nhân phẩm sẽ bị xâm phạm nặng nề. Thường câu kết luận của bài giáo huấn không êm tai sẽ đại loại như sau: “ Ngữ này mai mốt sẽ đái trôi cả vợ (chồng) đi cho mà coi! Không biết mắc cở!”
Mắc cở hay không thì cũng là chuyện ngoài vòng kiểm soát. Hay là cãi. Cãi có…thống kê đàng hoàng. Nếu bố hay mẹ hồi nhỏ đái dầm thì con cái có nguy cơ 40% bị dấm đài. Nếu hồi nhỏ cả bố lẫn mẹ đều…dẫn thủy nhập điền thì khoảng 75% con cái sẽ theo gót. Vậy đái dầm là tội ở bố mẹ, mắc mớ chi mà khủng bố nhau! Cũng đã được khoa học chứng minh là tội ở…bà già! Ai bảo hồi nhỏ không cho bú sữa mẹ? Các nhà nghiên cứu thuộc trường thuốc ở New Brunswick đã theo dõi 55 đứa trẻ hay đái dầm ở độ tuổi từ 5 đến 13 và 117 trẻ khác ở cùng độ tuổi nhưng không đái dầm. Trong số 55 em đái dầm thì chỉ có 45% được bú sữa mẹ trong khi 117 em không đái dầm thì có tới 81% được bú sữa mẹ. Vậy sữa mẹ có khả năng tốp được bệnh thiếu thơm tho này. Vì sao? Bởi vì sữa mẹ cung cấp cho các em một số acid béo đóng vai trò quan trọng trong phát triển não. Nếu não phát triển thì thần kinh vững có thể kiểm soát được tiểu tiện. Nói cho vui chứ ở đó mà cãi cọ. Bên nào có cái roi trên tay vẫn là kẻ thắng, chẳng cần bàn tán xôn xao làm chi cho mệt xác.

Không đổ tội cho bố mẹ được thì khai bệnh. Bệnh thì ai muốn. Trời bắt thì chịu thôi. Nếu trời sinh ra tôi có bàng quang không phát triển đủ, bọng đái nhỏ, không kiểm soát được hoạt động của ống tiểu hay bàng quang hoặc chậm phát triển hệ thống thần kinh thì tôi cũng đành…dầm thôi. Hay là tôi có bệnh tâm lý, ngủ ngáy lớn vì có cục thịt dư trong họng, đi tiểu thường xuyên vì bị nhiễm trùng đường tiểu, bị đái tháo đường, són tiểu vì đường tiểu bị nghẹt thì tôi phải đái dầm thôi. Cãi sao được mệnh trời!

Bệnh đái dầm không chỉ nằm nơi mấy giọt nước khai nồng thoát ra không đúng lúc mà nó leo lên đến não. Nếu trên 10 tuổi mà vẫn dầm thì có thể gây ra nhiều vấn đề tâm lý. Chúng luôn luôn bị căng thẳng thần kinh, buồn rầu, mang mặc cảm nên không thích chơi với những trẻ khác. Vì vậy những bậc cha mẹ không nên dùng roi vọt áp đảo con cái. Cây roi rất vô duyên trong trường hợp này. Phải theo dõi và nhỏ nhẹ giúp trẻ hiểu biết, có trách nhiệm để tự chúng làm được những gì chúng có thể làm. Nếu con thức giấc khi đang ngủ thì nên giúp con cố gắng tự đi tiểu. Đêm nào mà giường chiếu sạch sẽ thì khen con một tiếng cho chúng lên tinh thần, tự tin và dễ khỏi bệnh. Cha mẹ cũng nên chăm chỉ đánh thức con dậy đi tiểu, hạn chế cho con uống nước trước khi đi ngủ, để đèn đêm gần toilet để trẻ không ngại ngồi dậy đi tiểu, giúp trẻ tập luyện bàng quang bằng cách tự ngưng lại hay kéo dài đường tiểu. Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta có thói quen hay dùng những chất uống có chứa cafeine. Người lớn uống thì cũng dễ dãi cho trẻ em uống. Chúng được cho uống các loại soda hay nước ngọt có chất cafeine. Bác sĩ Kirk Pinto, thuộc Trung Tâm Y Tế Baylor All Saints ở Fort Worth, Texas, đã nghiên cứu và kết luận: “Với những vấn đề ở bàng quang, bất cứ thứ gì gây kích thích đều không tốt. Cafeine là số một, nó có rất nhiều ở các loại soda mà trẻ em thường uống”.

Dầm chẳng phải chỉ ướt chăn ướt chiếu, nó leo lên tuốt tận trên đầu. Các em có tật đái dầm thường bị giảm trí thông minh. Không, tôi không dọa chơi. Đây là chuyện đã có nghiên cứu đình huỳnh. Người chịu khó nghía vào bãi nước tiểu là bác sĩ Chung Kwong Yeung thuộc Đại Học Hongkong. Đối tượng của ông là 95 em đái dầm ít nhất 5 lần trong một tuần và 46 em không dầm trong cùng độ tuổi. Cuộc nghiên cứu kéo dài trong 2 năm. Kết luận cho thấy trẻ em đái dầm có chất lượng giấc ngủ kém hơn. Do đó tác động không tốt tới nhận thức vào ban ngày, đạt điểm kém hơn trong những trắc nghiệm về trí thông minh, khả năng tập trung kém, học hành chậm hơn và phản ứng chậm hơn. Sau 6 tháng được điều trị bằng thuốc và tập luyện, khả năng nhận thức của các em được cải thiện, giấc ngủ và các chức năng của não được phục hồi. Tiến sĩ Stuart Bauer của trường thuốc Harvard nhận định: “Kết quả này rất quan trọng bởi vì việc chữa chứng đái dầm không chỉ xóa bỏ mặc cảm mà còn giúp các em thành công hơn trong cuộc sống.”

Muốn con em giã từ chứng đái dầm, các bậc cha mẹ phải chịu khó giúp các em tập tành phụ thêm vào việc dùng thuốc. Tập tành bao giờ cũng mất công hơn dùng thuốc nhất là cha mẹ có cuộc sống vất vả bận rộn không thể theo dõi sát với con cái. Trẻ dưới 5 tuổi thì không nên quá lo lắng và cũng chẳng cần đi bác sĩ khám. Cứ coi như chuyện nhỏ. Chỉ cần chăm sóc, giúp đỡ con ít uống nước trước khi đi ngủ, đánh thức con dậy đi tiểu vào những giờ mà trẻ thường làm ướt chăn ướt chiếu. Tuyệt đối không la rầy, trêu chọc hay dọa nạt làm chúng mất tinh thần. Nhưng nếu đã lớn bộn mà vẫn ướt giường ướt chiếu thì phải chữa. Bác sĩ sẽ cho thử nước tiểu, siêu âm, chụp hình đường niệu đạo để tìm bệnh. Sau khi tìm ra bệnh, bác sĩ sẽ dùng thuốc chữa chạy. Trẻ thuộc loại này đã lớn, biết mắc cở, biết suy nghĩ nên cha mẹ lại càng cần chú ý đừng chọc quê, mắng nhiếc làm chúng mất tự chủ và căng thẳng tinh thần.

Tây y có thuốc chữa nhưng đông y cũng có những bài thuốc hữu hiệu và rẻ tiền. Ngoài xoa thì có bài thuốc bao gồm gừng tươi (30gr), phá cố chí (12gr), phụ tử chế (6gr). Tán phá cố chí và phụ tử chế thành bột rồi trộn với gừng đã giã nát thành một hợp chất, đắp vào rốn, băng chặt lại. Vài ngày thay một lần.

Trong uống thì dễ nhất có cháo nhân sâm. Lấy 100 gr gạo tẻ, rang cho nở rồi dùng lửa nhỏ hầm cho nhừ. Lấy 10 gr nhân sâm thái lát nhỏ bỏ vào hầm tiếp là xong. Mỗi ngày cho ăn cháo này một lần. Mất công hơn một chút là món gan gà. Sách thuốc chỉ là dùng gan gà trống. Việc này coi bộ khó. Gan gà bán ngoài siêu thị, biết cái mô là của anh chàng gà trống? Nhưng tôi cứ chép ra đây, biết đâu có vị tới các trang trại mua được gan gà trống để dùng thì sao. Cho hai bộ gan gà trống vào trong chén có nắp đậy, rắc 3 gr bột nhục quế lên và đậy nắp bát lại. Bỏ tất cả vào nồi chưng cách thủy cho tới khi gan chín. Cho trẻ ăn cả cái lẫn nước trong vòng từ 10 tới 15 ngày.

Tính tôi vốn cẩn thận nên cứ lưỡng lự không biết có nên chép lại hai bài thuốc phức tạp hơn không? Nghĩ đi thì như vậy, nghĩ lại thì đủ vẫn cứ hơn thiếu nên lại…chép! Bài thứ nhất: Lấy hai bộ ruột gà, rửa sạch, cắt khúc , cho vào nồi cùng 15 gr ba kích thiên. Đổ vào hai chén nước, sắc còn lại một chén, cho thêm ít muối. Cho trẻ ăn cái uống canh mỗi ngày trong vòng 10 ngày là…khô! Bài thứ hai: 50 gr gạo nếp, 15 gr bạch quả, nấu với ¾ lít nước cho tới khi rền lại thành cháo. Lấy một trái cật dê, xẻ dọc, lột sạch tuyến mỡ tanh, cắt nhỏ, rồi bằm với 50 gr thịt dê và một củ hành tím. Xong bỏ vào cháo, nấu vừa chín, nêm muối cho vừa ăn. Dùng  vào buổi sáng và chiều.

Chuyện trẻ em nói thế đã là đủ. Bàn tới chuyện người lớn chắc vui hơn. Lớn mà cũng són chăng? Nếu hồi nhỏ không chơi trò dấm đài nhụt trí nhớ thì hẳn là ai trong chúng ta cũng còn nhớ chuyện ghen tuông của bà phi hành gia Lisa Nowak xảy ra hồi tháng 2 năm 2007. Bà đã cưỡi phi thuyền Discovery lên không gian vào tháng 7 năm 2006. Dù đã 43 tuổi và có ba con, bà vẫn yêu say mê chàng phi hành gia William Oefelein. Anh chàng phi công lái phi thuyền này lại lái chệch hướng tới một cô nhân viên của cơ quan NASA là nàng Colleen Shipman. Mối tình tay ba này coi bộ không làm bà Lisa vừa lòng. Khi cô tình địch Colleen bay tới Florida, bà Lisa vội lái xe từ Houston tới Florida để đối mặt tình địch. Lái xe trên quãng đường 1400 cây số, không ngừng nghỉ dù chỉ để xả sú-bắp, bà sáng chế ra cách mang tã. Cứ việc vừa lái vừa són, chết ai đâu trừ chiếc mũi của người đàn bà đang nổi cơn ghen.
Không biết tin mang tã để tự do són của bà Lisa có bay qua tới Chí Lợi không mà các phụ nữ đứng két của hệ thống siêu thị Santa Isabel cũng…tã. Các nàng này phải làm theo ca 8 tiếng đứng tại quầy thu tiền mà không được rời chỗ dù chỉ đi xả nước. Vậy là cứ quấn tã, khi bình đầy thì bình rỉ rả tràn ra, có chết ai đâu? Không, tôi quên. Không chỉ một mình trong xe như bà Lisa, các nàng này còn có khách mua xếp hàng đi qua trả tiền, chết cái mũi của muôn người là cái cẳng. Tin tức không cho biết các siêu thị này có vắng khách vì són không. Tôi nghĩ là có. Mũi nào chẳng hắt hủi những thứ khó ngửi!

Són kiểu trên là són vì…nhiệm vụ. Nó không liên quan gì tới…bác sĩ. Són bệnh mới cần tới bệnh viện. Nói theo kiểu tu bíp thì khi có triệu chứng nước tiểu thoát ra theo đường tự nhiên nhưng không kiểm soát được thì gọi là “són tiểu”. Hiện tượng này thường xảy ra khi có tình trạng gia tăng áp lực trong ổ bụng như cười to, hắt hơi, ho mạnh, khiêng vật nặng hoặc khi chơi thể thao. Các bà đã có sinh nở hay từ 55 tuổi trở lên thường là…khách hàng của chứng són này. Đây là chuyện khoa học chứ không phải chuyện…kỳ thị của người viết. Không nên mắng vốn nhau! Khoa học giải thích như thế này: vùng tầng sinh môn của các bà có cấu trúc đặc biệt nên dễ bị ảnh hưởng khi khi mang thai hay ảnh hưởng về nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh. Các ảnh hưởng đó làm mềm và nhão mô tế bào vùng cơ quan niệu-sinh dục gây nên són tiểu. Các phụ nữ trẻ làm việc căng thẳng hoặc thường chơi những môn thể thao nặng hoặc nghỉ ngơi quá ít sau kỳ thai sản cũng thường són. Bệnh són này đối với chuyên môn y khoa thì chỉ là chuyện lặt vặt. Đa số các trường hợp có thể chữa khỏi được. Có những bà chỉ cần được bác sĩ chỉ dẫn tập luyện các động tác nhằm tăng cường sức mạnh cơ của cơ quan kiểm soát sự đi tiểu là OK. Rắc rối hơn một chút thì cần làm xét nghiệm chuyên môn gọi là Niệu động lực học và dùng thuốc hay phẫu thuật tùy kết quả khám nghiệm. Gọi là phẫu thuật nhưng đây chỉ là một ca mổ nhỏ. Phương pháp mổ mới nhất là giải phẫu T.O.T. Bệnh nhân sẽ được gây tê và bác sỉ sẽ đưa qua vết chích nhỏ ở thành trước âm đạo một dải băng tổng hợp. Dải băng này bọc quanh niệu đạo nhằm tạo ra điểm tựa vững chắc thay cho các vòng cơ đã yếu. Khi bệnh nhân hoạt động gắng sức, áp lực ổ bụng tăng ép lên niệu đạo, dải băng sẽ bịt lòng niệu đạo để không són ra. Ca mổ dài khoảng 20 phút, không đau đớn chi cả, và chỉ cần nằm tại bệnh viện một ngày là có thể ra về không lo són siếc gì nữa hết. Khoảng 90 % khỏi bệnh hoàn toàn sau khi phẫu thuật.

Bệnh già là một bệnh không ra bệnh và thường chẳng ai chữa chạy tới nơi tới chốn. Chiếc xe đã tới thời kỳ mục rữa, ho hen, khi đề máy lúc nổ lúc lặng thinh thì sửa làm chi cho tốn tiền. Thân già cũng nằm vào hạng mục phế thải như vậy. Dĩ nhiên anh chàng són không tha cái thân già. Càng già, các cơ bắp càng yếu đi, van viếc lờn hết, người ta són không cần lý do. Vậy nên cứ phải dùng biện pháp…chữa cháy là mang tã. Đây là một việc thông thường. Chả thế mà tã của người lớn tuổi là một món hàng không thể thiếu trong các siêu thị. Đóng tã như vậy dĩ nhiên sẽ là một nhà máy sản xuất khí ammoniac! Cái nhà máy lưu động này đi tới đâu khiến người khác nhăn mũi tới đó. Trên một chuyến xe Greyhound từ Montreal tới New York, tôi đã có kinh nghiệm. Và tôi bê cái tình huống nồng nặc này vào truyện “Trên Đường Thiên Lý”. “Xe ngừng lại bến. Cái bến này coi bộ khá hơn bến trước. Chẳng thế mà ông tài xế đã báo trước trên loa phóng thanh là hành khách có thể xuống xe nghỉ mười phút. Trong xe nhộn nhạo người đứng chờ xuống xe. Cô gái vẫn không rời mắt khỏi trang sách. Tôi ngồi ở phía trong, miệng chẳng khát, bụng chẳng óc ách, lại có lòng tôn trọng kẻ giao tiếp với chữ nghĩa, nên cũng cắm cúi đọc nốt cái truyện của một nhà văn nữ vốn vẫn được tiếng là chẳng e dè trong ngòi bút. Mũi tôi bỗng khụt khịt từ chối một mùi khó ngửi. Cô gái nhấc những ngón tay lên bịt mũi trong một cử chỉ cố làm cho bớt sỗ sàng. Một bà già nhỏ thó nhưng vui tươi đang đứng dựa vào ghế chờ tới lượt đi xuống. Cả tôi lẫn cô gái đều không hẹn mà cùng ngẩng mặt lên nhìn bà già. Bà vui vẻ nhìn lại cười xã giao. Không hiểu bà vốn là người vui tính hay vì khoái chí trong bụng khi được đi ra ngoài đứng giữa nhiều người như thế này mà tôi thấy bà cười với tất cả mọi người. Mặt bà thì vui nhưng cái mùi toát ra từ người bà không được vui. Đó là mùi nước tiểu són ra tã lót. Thường thì mùi gì được lưu giữ lâu vẫn hay đậm đà hơn. Dòng người trên xe mỏng đi cuốn được bà già tiến lên phía trước. Mùi nồng nặc nhạt dần và biến mất khi bà già đứng dưới đường còn cố ngoái cổ lên các vuông kính trên xe cười thêm một chút nữa. Mũi tôi thở ra thoải mái. Tay cô gái rơi lại xuống trang sách. Cô quay sang bắt gặp bộ mặt có chiếc mũi khụt khịt của tôi. Cô toác miệng cuời không ra tiếng. Hàm răng trắng đều ló ra khỏi đôi môi mỏng bóng nhãy màu mơ chín. Cô này có nụ cười đẹp. Tôi rung người cố chặn tiếng cười mà nếu không ngăn lại thì dám át tiếng máy xe vẫn đang ì ầm rền vang lắm. Chúng tôi quen nhau bằng tiếng cười đồng tình đó. Bảo rằng nhờ mùi khai của bà già thì có vẻ nhảm nhí nhưng quả đúng là như vậy.”

Từ chiếc tã khi lọt lòng mẹ đến chiếc tã của những ngày tàn tạ, con người đi hết một chu kỳ sống. Chẳng khác gì nhau. Không, cũng có khác chút đỉnh: chiếc tã sau lớn hơn chiếc tã trước. Phải chăng đó là lời lãi của cuộc đời?

02/2008