Béo
Chim
Đi
Điếm
Đồi
Đúp
Hãi
Hẻm
Khăn
Khỏa
Lạnh
Lộc
Lưỡi
Mai
Mạng
Mặt


Nhậu
Nhột
Nhỏ
Nổ
Nở
Phún
Rình
Sành
Són
Tây
Tên
Thèm
Tiết
Valentine
Xẻo
Xmas

RÌNH

Thuở ấu thời tôi được sống tại vùng quê một thời gian. Thú vui của một đứa trẻ giữa vườn tược, cây cối thì rất nhiều. Thú vui nào cũng hấp dẫn tuy quê mùa. Một trong những thú vui đó là bắt chuồn chuồn. Chuồn chuồn là giống khi vui thì đậu khi buồn thì bay. Chẳng biết lúc nào chúng vui. Vậy mới phải rình. Đứng khép nép bên những cây hoa đầy màu sắc, tôi nín thở nhìn những chú chuồn chuồn ngô, chuồn chuồn chuối, chuồn chuồn kim…bay giỡn hớt quanh hoa. Đợi khi chúng đậu một hồi lâu, chúng tôi gọi là khi chuồn chuồn ngủ, là rón rén tiến gần đến phía sau, tránh ánh mắt của chuồn chuồn, ngón tay trỏ và cái sẵn sàng nhón và kẹp đuôi chuồn chuồn. Hành động mang đầy tính chất…điệp viên thường bị lũ trẻ khác ghen tức. Chúng hòa giọng la lên bằng thơ: Chuồn chuồn có cánh thì bay / Có thằng kẻ trộm bắt mày đi tu! Câu thơ lảng xẹc, vô nghĩa, chỉ cốt phá đám. Chúng cố gang họng đồng…hét cho to để gây tiếng động cho chuồn chuồn bay đi. Chuồn chuồn có nghe được tiếng động không, chúng tôi đâu có là chuồn chuồn mà biết được. Nhưng ngày đó chúng tôi tin là chuồn chuồn hiểu được tiếng người và vội bay đi để khỏi phải đi tu!
Lớn lên chẳng lẽ cứ rình chuồn chuồn mãi. Phải rình thứ khác. Nếu không mấy ông nhà thơ cười cho thối mũi! Theo gót mấy ông thơ thẩn, rình được khối thứ hay.

Một thời em mặc quần jean
áo sơ mi mỏng.
Tôi rình theo sau
Nắng xuân em đội che đầu
Ngực em cài đóa nắng màu vàng ươm
Gió lùa nụ nắng tẩm hương
Ùa vào khứu giác.
Giữa đường tôi say
Treo hồn lên đỉnh chân mây
Chân còn dính lại tháng ngày đong đưa.
(Quan Dương)

Rình cái thứ mặc áo sơ mi mỏng coi bộ thú vị hơn rình chuồn chuồn tuy cánh chuồn chuồn cũng mỏng ra gì. Ông Quan Dương, tôi biết, vốn là người hiền lành. Ông Luân Hoán, tôi cũng biết, rất hiền lành tuy hơi lung tung. Cái rình của ông cũng lung tung khi trước khi sau, không trước sau như một như cái nhìn của ông Quan Dương. Ông Luân Hoán tính tình mau chán nên đổi vị trí lia chia.

lỡ tay trồng ngọn thơ tình
một đời đành phải rập rình sắc hương
rình sợi mưa gọi sau vườn
rình dòng nắng rủ lên đường cỏ hoa
rình lọn mây níu nóc nhà
rình gió vô lễ vén tà áo ai
rình vu vơ tiếng thở dài
rình nghiêm chỉnh thỏi hình hài em phơi
rình mặt đất, rình chân trời
rình con chim hót khơi khơi bình thường
rình con chó ngửi mùi hương
rình tôi vọc nước tắm truồng thong dong
(Luân Hoán)

Rình trong thơ có khác với rình ngoài đời. Rình ngoài đời “cụ thể” hơn nhiều. Cứ lấy một nơi rất văn hóa là nơi ở của các sinh viên làng Đại Học Thủ Đức làm thí dụ. Nơi đây là chỗ trọ của các nữ sinh viên. Nhà tắm nằm ở phía ngoài khu nhà ở, ngay sát hàng rào, gần cổng ra vào. Cửa căn phòng…nhạy cảm này lại không chắc chắn, giữa cánh cửa với tường có khe hở, nhất là phía dưới có một khoảng trống cao chừng một tấc. Vậy là dân…rình có đất hoạt động.

Một buổi tối, khoảng 9 giờ, cô sinh viên Linh đang tắm, bỗng thấy từ khe hở phía dưới cửa xuất hiện một cái điện thoại di động. Cô hét toáng lên. Mọi người chạy ra thấy một chàng chừng 20 tuổi chạy bán sống bán chết ra xe dông mất. Chiếc điện thoại di động thì không sao nhưng, trong trường hợp này, chắc nó đã trở thành một máy chụp hình. Anh chàng này tham. Đã rình lại còn muốn vừa được ăn được nói lại còn được gói mang về!

Hai ngày sau, vào khoảng 8 giờ tối, cô sinh viên tên Hương cũng…da trắng vỗ bì bạch. Đang mát mẻ, cô nghe thấy có tiếng động bên ngoài cửa  phòng tắm. Cô nghe ngóng và bỗng thấy, cũng từ khe hở phía dưới cửa, một khuôn mặt chui vào nhìn lên. Anh chàng này chắc ăn mì gói quen nên chơi trò…mì ăn liền. Bản tin không nói cô sinh viên Hương phản ứng ra sao. Nếu bình tĩnh, cô cứ thử dội cho một gáo nước vào mặt coi có chết ngạt tức thì không!

Các nữ sinh viên này chắc sinh sau thời kỳ chiến tranh nên ít tính…chiến đấu. Họ phản ứng yếu xìu. Cô thì tắm sớm, tắm nhanh và rút nhanh. Hoặc một cô tắm bên trong, một cô gác bên ngoài. Hoặc…nhịn tắm hàng ngày. Thật là một thứ nhịn tai hại. Sài Gòn vốn có khí hậu nóng bức và oi ả.

Rình có nhiều kiểu. Có những kiểu rất khổ tâm. Như kiểu rình của các bậc phụ huynh tại thành phố Lào Cai. Họ là những người có máu mặt, ăn bận sang trọng, đi xe đắt tiền. Con cái họ chắc là các cậu ấm cô chiêu thời mở cửa. Đặc điểm của các cô cậu là rất ít khi thích chữ nghĩa. Đi học là một thứ đi không hấp dẫn bằng đi chơi. Một ông tên Khải cho biết là con trai ông, mặt mũi hiền lành nhưng không thuộc loại “trông mặt mà bắt hình dong”. Tổ sư quậy đấy. Ngày nào cũng lấy xe đi học đàng hoàng, đúng giờ tan trường là về nhà. Khi cô giáo chủ nhiệm thông báo là cả tuần này không thấy con ông tới trường, ông mới tá hỏa. Khuyên răn con không xong, vẫn cứ chứng nào tật nấy, ông phải dùng tới hạ sách là rình! Ngồi trong một quán nước trước cửa trường, ông mới thấy mình không cô đơn. Có cả một…hội rình họp nhau tại đây. Vừa tới quán, ông đã được chào đón bằng câu hỏi: “Thế chú mày cũng đi kiểm tra con à?”. Ông chán ngán chưa trả lời thì ông khách đã tiếp: “Bọn nhóc bây giờ quá thật. Chúng đi học cứ như là đi vào chỗ chết không bằng. Hôm nào bố mẹ cũng phải đi theo rình mò!” Họ là những người giầu có, người có công ty riêng, người buôn bán lớn. Tiếng thời thượng gọi họ là các đại gia. Họ giầu tiền nhưng nghèo thời giờ. Không có thời giờ ngó ngàng tới con cái nên các cô cậu con nhà giầu, sẵn tiền của cha mẹ, tụ họp nhau lại ăn chơi, đàn đúm. Trường lớp là nơi chốn buồn chán, chỉ dành cho những thứ cù lần. Các công tử, tiểu thư này là những người không cù lần nên rất nhiều tuyệt chiêu. Một trong những chiêu này là cho bố mẹ ăn quả lừa! Rình thì cứ rình, ăn thua chi! Bà chủ quán nước trước cửa trường, người thường xuyên chứng kiến đường đi nước bước của đám con đại gia này, cho biết: “Có nhiều đứa, hôm nào cũng đến trường rất đầy đủ, vào nhà xe, gửi xe đàng hoàng. Nhưng đó chỉ là “động tác giả”. Sau đó, chúng sẽ gửi ba lô, sách vở và trèo lên xe của một đứa bạn khác chờ sẵn, rú ga chạy mất. Chả biết trong thời gian dành cho 4 hoặc 5 tiết học kia chúng đi đâu, làm gì, nhưng cứ đến khi gần hết giờ học lại ung dung về trường lấy xe, lấy cặp và về nhà!”. Nhiều ông bố, bà mẹ, rình thì sợ con biết, mất ép phê, nên lẳng lặng tới, vào ngay nhà để xe, thấy xe của con nằm đó, yên chí ra về. Vậy là trúng kế của quý tử!

Một đời người hình như chúng ta dính hơi nhiều tới rình. Nhỏ bị rình, lớn cũng bị rình. Nhiều người không biết là bước chân vào sở làm họ đã bị con mắt điện tử rình mò. Càng ngày cách rình càng tinh vi. Chúng ta không thấy nhưng những con mắt vô hình vẫn thường xuyên theo dõi chúng ta. Theo một điều tra của cơ quan American Management Association (AMA) được thực hiện với 1600 công ty thì có đến 85% cho biết là họ có theo dõi nhân viên. Theo tài liệu của tổ hợp AMR chuyên nghiên cứu về điện tử thì thị trường của những nhu liệu dùng để rình mò đã tăng từ 140 triệu đô vào năm 2001 lên 2 tỉ đô vào năm 2005. Trong thời đại điện toán, nhất cử nhất động của bạn đều bị máy ghi lại. Một cựu Giám Đốc của hãng Comm 2, một cơ quan lo về quảng cáo và dịch vụ công cộng, bà Kathy Posner đã công khai cho biết là bà thường xuyên đọc các e-mail của nhân viên khi họ nghỉ phép hoặc không có mặt tại văn phòng. Bà cho rằng phải đọc để theo dõi công việc của nhân viên nhưng bà cũng không bỏ qua các tin tức cá nhân riêng tư của họ. Nhiều bạn cười thầm. Tôi dại gì mà để lại e-mail cho mà đọc. Trước khi về, tôi đã xóa hết mất tiêu mất tích rồi còn đâu. Bạn đừng vội mừng. Bởi vì dù bạn có xóa đi thì máy vẫn giữ bản sao của những mail đó!

Rình mò như vậy có vi phạm đời tư của nhân viên không? Giới chủ nhân bảo rằng không. Họ có quyền theo dõi cách làm việc của nhân viên, ngăn ngừa nhân viên dùng thời gian làm việc để vào internet chát chít hay coi các website nhậy cảm. Họ có lý vì càng ngày người ta càng phanh phui ra nhiều vụ dùng máy điện toán trong sở làm để…rửa mắt. Nhiều người không biết là máy điện toán có thể ghi lại danh sách những địa chỉ họ đã vào trên internet, ghi nhận họ làm gì trong thời gian đó. Máy móc vốn vô tình. Bạn làm gì nó cứ thản nhiên ghi vào đầy đủ. Có chạy đi đằng trời! Giới nhân viên thì nghĩ trái lại. Họ cho là rình mò như vậy vi phạm vào tự do của họ. Đây không phải là một cách thức điều hành hữu hiệu mà là một phương cách để áp lực nhân viên làm việc nhiều hơn, vất vả hơn.

Từ sau vụ 9/11 ở Mỹ, giới chủ nhân càng rình dữ. Khi bạn dùng điện thoại của sở để nói chuyện thì bạn đã phó mình cho bộ phận theo dõi trong sở. Đúng theo phép lịch sự thì sau khi tổng đài nối đường dây cho bạn nói chuyện, họ phải gác máy ngay. Nhưng luật cho phép họ nghe lén xem bạn có vi phạm vào điều lệ của sở làm không. Thôi thì cứ cẩn tắc vô áy náy. Tại sao có cái cell phone đeo bên người mà không dùng cho an toàn trên xa lộ?

Rình bằng máy thu hình video rất phổ thông hiện nay. Chủ nhân có quyền đặt những máy…rình này vì lý do an ninh. Nhưng tương kế tựu kế, những máy thu hình này cũng giúp chủ nhân ngồi trong văn phòng mà biết tất cả các hoạt động tại công xưởng hoặc phòng làm việc. Chị nào làm biếng, anh nào hút trộm điếu thuốc, bà nào ngồi đọc truyện, ông nào gác chân lên bàn tán gẫu, tất cả các hình ảnh này đều xuất hiện trước mắt ban an ninh hết. Họ biết nhưng nhiều khi lơ đi để rình một cách tinh vi hơn tới từng cá nhân. Máy móc bây giờ rẻ rề. Chỉ một cái máy tí xíu gắn vào cái đèn trên bàn làm việc chẳng hạn thì nhất cử nhất động của bạn họ đều biết hết.

Chúng ta đang sống trong thời đại rình mò. Đi đâu cũng có con mắt điện tử soi mói vào hoạt động của chúng ta. Vào một cửa hàng là chúng ta đã bước vào vùng kiểm soát. Họ công khai ngồi trước màn ảnh theo dõi xem tay bạn có nhám không, bạn có cầm cái này, lấy cái nọ không. Vào một building văn phòng, bạn cứ thử nhìn lên tường coi, trăm phần trăm là có các anh mắt đen đang theo dõi bước đi của bạn. Nhiều nơi chủ nhân còn có máu…phiếm. Bước vào cửa, bạn đụng ngay một tấm bảng vẽ bộ mặt cười và chữ smile mời mọc bạn cười nhưng đồng thời báo cho bạn biết bạn đã vào vùng…phủ sóng!. Mấy anh businessman là chúa mưu mẹo. Làm bộ giỡn chơi vậy thôi chứ cứ cho bạn biết như vậy cho đỡ mất nhiều công theo dõi bạn. Khi bạn biết mình đang bị theo dõi thì bạn lập tức nghiêm chỉnh ngay!

Thời gian gần đây, nhiều thành phố đã đặt máy theo dõi trên các ngã tư đường để ngăn chặn nạn vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ hay các vi phạm giao thông khác. Bạn mà vi phạm là bạn được chụp hình liền. Hết đường chối cãi. Mấy ông cảnh sát…sắt này không bao giờ lầm lẫn. Không lầm lẫn nhưng vô tình. Khi chụp hình như vậy vô tình ông chụp hai cái mặt trên ghế trước của xe. Nếu là cái mặt…hợp pháp thì không sao. Nhưng nếu là mặt…mèo thì rắc rối. Chuyện không giới hạn nơi tấm giấy phạt mà còn nhùng nhằng qua chuyện mèo mỡ riêng tư làm đổ cả một lâu đài hạnh phúc không chừng. Vậy là bàn dân thiên hạ đặt vấn đề: máy rình mò có vi phạm đời tư của dân chúng không? Có hay không, còn đang cãi nhau ỏm tỏi.

Chuyện mèo mỡ đích thị là chuyện rình. Rình một cách năng nổ. Thường thì đương sự tự thi hành…tư vụ. Bí mật theo dõi nửa kia coi xem có léng phéng chả hay nem gì không. Xấu chàng hổ ai. Chuyện còn trong vòng kiểm soát được thì cứ tự túc tự cường. Khi không kham nổi thì mới nhờ tới mấy ông bà bạn thân. Nếu tài rình của bạn vẫn chưa cho kết quả thì tiến thêm một mức nữa. Nhờ tới các…thợ rình. Mấy ông thợ rình này bây giờ ở Việt Nam cũng có tuy chưa được hài rõ là “thám tử tư”. Chưa có quy chế về việc thành lập văn phòng thám tử tư nên họ vẫn phải né tránh dưới những cái tên chung chung. Như Công Ty Điều Tra và Bảo Vệ, Công Ty Dịch Vụ Cung Cấp Thông Tin và Thương Mại. Họ lo tuốt mọi chuyện từ kinh tế đến hôn nhân gia đình, từ giám sát con cái vị thành niên đến theo dõi chuyện nghiện ngập hay cờ bạc của ý trung nhân. Nhưng lý thú hơn cả vẫn là rình chuyện chả và nem. Những điệp vụ này thường thành công vì khi yêu người ta dễ bất cẩn.

Sự nghi kỵ là một căn bệnh mãn tính. Một khi đã nghi rồi thì tìm đủ cách rình mò sao cho ra lẽ. Một ông bác sĩ người Ý đã mắc bệnh nghi rất nặng. Ông này luôn luôn canh cánh trong lòng rằng bà vợ của ông đã lừa dối ông. Ông bèn ra tay làm rõ trắng đen. Đầu tiên ông đặt máy ghi âm để nghe trộm điện thoại của vợ, rồi đặt máy nghe trong xe hơi. Không thấy dấu vết nem niếc gì của vợ, ông quyết định thuê thám tử theo dõi. Những chuyên viên rình này cũng không thấy bằng chứng gì. Tức khí, ông nhờ một người bạn làm nghề chụp không ảnh vào cuộc. Ông bạn này OK liền. Vậy là khi nào bà vợ ra khỏi nhà cũng có một chiếc trực thăng bay rà rà trên không để rình. Ông bạn này rình say mê quá nên một bữa bay lạc vào vùng cấm bay. Vậy là trực thăng bị bắt buộc phải hạ cánh. Sự việc mới lòi ra. Bà vợ tức tối kiện ông chồng cả ghen ra tòa. Tòa phán quyết đây là hành vi không chính đáng, ảnh hưởng tới tinh thần và tâm lý của bà vợ. Ông vào tù. Cho hết tội ham rình!

Chẳng sao. Thời buổi khoa học tân tiến này thì các ông khỏi rình nữa. Cứ việc mua một chiếc quần lót cho vợ mặc là ăn ngủ ngon lành. Không, đừng hỏi ở Victoria’s Secret, họ không có thứ…của quý này đâu. Phải hỏi hãng Panchira ở Nhật Bổn. Loại quần quý hóa này mang cái tên rất lãng mạn là “Forget Me Not”. Cứ cho bà xã mặc chiếc quần này là có thể định vị trí của đương sự 24/24. Làm sao mà chiếc quần lót lại thần tình như vậy được? Chuyện lớn lao lắm. Bởi vì nó dựa theo một phát minh của Cơ Quan Nghiên Cứu Phát Triển thuộc Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ! Chuyện quốc phòng mà áp dụng vào việc rình thì hết ý.Nó sử dụng hệ thống định vị nhúng vào các sợi vải một cách tinh vi khiến người mặc không biết mình đang nối giáo cho…chồng. Vị trí của người mặc được gửi lên vệ tinh và truyền sóng xuống computer, điện thoại di động hoặc thiết bị PDA. Lôi thôi như vậy nên dĩ nhiên phải chi nhiều tiền gấp bội các thứ quần lót thượng hảo hạng của Victoria’s Secret. Sơ sơ giá từ 100 đô tới 2000 đô một chiếc. Sự khác biệt giữa hai cái giá này ra sao tôi quả tình không được biết. Có lẽ nó mang được nhiều chi tiết hơn hay sao?

Nhiều ông đã áp dụng và khen lấy khen để trên website của công ty chế tạo. Nó lợi hai ba bề. Vừa có điểm ga-lăng khi mua quần lót cho vợ vừa rình rập được một cách an toàn và kín đáo.

Bạn muốn áp dụng phương tiện rình hiện đại này? Xin mời! Tuy nhiên phải coi xem bà xã thuộc loại nào trước đã. Nếu bà thuộc loại Britney Spears thì hỏng to. Cô đào này đã nhiều lần lộ hàng cho bà con thiên hạ biết là nàng xăng phú, chẳng lót liếc chi cả!

06/2008