Béo
Chim
Đi
Điếm
Đồi
Đúp
Hãi
Hẻm
Khăn
Khỏa
Lạnh
Lộc
Lưỡi
Mai
Mạng
Mặt


Nhậu
Nhột
Nhỏ
Nổ
Nở
Phún
Rình
Sành
Són
Tây
Tên
Thèm
Tiết
Valentine
Xẻo
Xmas

PHÚN

Phún là một chữ được các cây viết trào phúng của Sài Gòn trước 1975 sáng tạo ra. Nó là tinh giản của chữ “phụ nữ”. Nhưng cái âm “phún” gợi hình lại mang vẻ cười cợt, khinh thường, nghịch ngợm, tinh quái trong đó. Người thích đùa vui thì thích nhưng con cháu Đức Khổng lại không thích. Thích hay không, “phún” cũng âm vang một thời trên các trang báo Sài Gòn ngày xưa.

Nhân ngày 8 tháng 3, ngày Quốc Tế Phụ Nữ, tôi bỗng nhớ tới chữ “phún”. Nhớ tới cả cái không khí rộn ràng và ngang tàng của làng báo Sài Gòn thuở đó. Thuở mà phụ nữ còn hiền khô chứ không quậy như các nàng teen Sài Gòn ngày nay. Một cô sinh viên trẻ đã ngôn: mỗi năm chỉ có một ngày 8/3 nên quậy một chút cũng không sao. Đây là…một chút của cô gái tên Linh, sinh viên năm thứ hai. Linh cùng ba cô sinh viên cùng phòng trong ký túc xá rủ nhau lên tiệm rượu chơi với châm ngôn: hôm nay ngày 8/3 thả phanh luôn! Trong nhạc điệu cuồng nhiệt và ánh sáng xanh đỏ chớp chớp, lại thêm tiếng cổ võ của đám con trai, Linh cứ “1, 2, 3, dzô” hết ly này đến ly khác uống gần cạn cả chai rượu mạnh. Uống như thế không xỉn cũng uổng, Linh được bạn dìu về phòng, nôn thốc nôn tháo ra đầy sàn nhà, gào lên cười, rồi khóc. Còn Thủy, bạn nhậu của Linh, thì về thẳng…nhà thương. Cô nàng say mà lái xe, chơi ngay cái cột đèn. Thịt da mà đấu với cột đèn chẳng chột cũng què! Đêm…phún đó, có nàng về muộn, ký túc xá đóng cửa, leo rào vào bị bắt. Có nàng tàn tiệc rượu, nổi hứng chạy xe đi chọc con trai, chỉ trỏ với nhau đố xem anh nào đi xe xịn, anh nào đẹp trai. Chỉ qua một đoạn đường gặp ngay anh…cảnh sát, chắc không đẹp trai, nên chặn lại biên phạt, giam xe.

Cũng ngày phụ nữ, các cô được bạn trai đãi ăn mừng lễ tại một quán karaoké trong khu Tân Bình, thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Tây. Khi bị cảnh sát ập vào bắt vào lúc 2 giờ rưỡi sáng, 5 cặp nam nữ ở trong tình trạng trên người không một mảnh vải, quay cuồng trong tiếng nhạc, lơ mơ trong tình trạng phê thuốc lắc.

Ngày phụ nữ ở thủ đô Amsterdam của Hòa Lan, người ta mừng kiểu khác. Tại một khúc đường có nhiều tiệm thời trang trên đại lộ nổi tiếng P.C. Hooft, người ta tổ chức cuộc thi chạy bằng giầy cao gót! Khoảng 150 nhi nữ, đi giầy cao gót ít nhất là 8, 75 phân, chạy trên đoạn đường dài 350 thước. Người về nhất sẽ được thưởng một phiếu mua hàng trị giá 15 ngàn đô Mỹ. Phần thưởng…tha hồ mà shopping này khiến các cô dùng mọi mánh khóe xô lấn, kèn cựa, đạp chân nhau mà chạy. Cô Fauve Stukje, 18 tuổi, hào hứng kể lại: “Lúc mới chạy có nhiều người đã xô lấn khiến tôi phải dùng cùi chỏ để giành chỗ!”. Mấy ông nhà buôn tổ chức cuộc thi này đã khôn khéo lồng hai sự kiện mua sắm và thể thao bằng khẩu hiệu: Shopping Is A Sport! Nghe khỏe người chưa? Người về nhất năm nay là cô Tamara Ruben, 25 tuổi, ngụ tại thị xã Veenendaal, trả lời câu hỏi sẽ làm gì với phiếu mua hàng 15 ngàn đô: “Mua gì cũng được miễn là đừng mua thêm giầy cao gót!” Năm nay là năm thứ ba cuộc đua được tổ chứcở Hòa Lan. Các nước Đức, Thụy Điển, Ba Lan và Nga cũng đã bắt chước tổ chức cuộc đua hành hạ đôi chân con gái nhà người ta nhân ngày của…người ta!

Mua sắm, ăn diện là đặc tính của các phún. Một bà bạn tôi hỏi lại: phụ nữ mà không shopping, không ăn diện thì làm phụ nữ làm chi? Một ông chồng kể chuyện như thế này: “Vợ chồng tôi đang đi trên đường phố vào ngày thứ bảy. Bỗng bà ấy ngừng lại chỗ một bà ăn mày ngồi giữa một đống giẻ rách, rút ví lấy tờ giấy 10 đô ra và hỏi:

“Nếu tôi cho bà 10 đô này thì bà có mua rượu uống thay vì mua đồ ăn không?”
Bà ăn mày vội trả lời:
“Không, tôi bỏ rượu đã lâu, tiền không để mua rượu đâu, thưa bà.”
Vợ tôi hỏi tiếp:
“Vậy bà có đi mua sắm thay vì dành để mua đồ ăn không?”
“Không, tôi sẽ không phí phạm như vậy. Tiền ưu tiên để mua thực phẩm.”
Vợ tôi chưa ngừng cuộc tra khảo. Mười đô cũng lớn lắm chứ bộ!
“Vậy bà có dùng số tiền này đi làm tóc không?”
Bà ăn mày bắt đầu nổi sùng:
“Bà có điên không vậy? Hai chục năm nay tôi không biết tiệm làm tóc là gì cả!”
Vợ tôi không cảm thấy bị xúc phạm, ôn tồn nói:
“Ồ, tốt! Vậy thì thay vì cho bà số tiền này, bà sẽ được mời đi dùng cơm tối nay với vợ chồng tôi.”
Bà ăn mày ngạc nhiên hỏi:
“Bà làm vậy chồng bà có phiền không? Tôi biết là tôi dơ dáy bẩn thỉu, người tôi có thể toát ra những mùi không dễ chịu”.
Vợ tôi vẫn ôn tồn:
“Không sao! Tôi chỉ muốn chứng tỏ cho ông ấy biết là một người đàn bà không đi shopping, không đi mỹ viện, không uống rượu trông sẽ như thế nào. Vậy thôi!”

Thấy cung cách ông chồng này kể lại chuyện, coi bộ vợ chồng này thuộc loại ông nói một câu, bà nói…ngàn câu. Chiến tranh tại gia là điều chẳng nên. Bởi vì thường nó có khuynh hướng gia tăng cường độ. Đang anh em đổi thành ông tôi rồi nhảy phắt qua mày tao. Chiến tranh miệng đến đây có thể nổ tung ra thành những danh từ và nhân xưng đại danh từ không tiện ghi lại đây. Cùng với sự leo thang của miệng lưỡi là hiện tượng mặt đỏ phừng phừng, tim đập loạn xạ chuyển sang tay chân lên gân, mặt mũi tím tái. Nếu cả mày lẫn tao đều không thắng được cơn thịnh nộ, cãi nhau sẽ chuyển sang đánh nhau, có khi lôi được cả anh 911 vào cuộc, thì chuyện có thể tới cửa quan để sau đó ngâm thơ Thế Lữ “anh đi đường anh, tôi đường tôi”. Vậy là hết thuốc chữa! Để đề phòng tình trạng mất lòng Chúa trong hôn nhân này, một vị cha sở, trong một bài giảng, đã hỏi các bổn đạo nam: “Trong số các con ai đã từng bị vợ thượng cẳng tay hạ cẳng chân thì đứng dậy.” Tiếng ghế kêu rào rạo. Tất cả các ông đều vội vàng đứng dậy, trừ một ngưòi. Cha sở mừng quá lại gần anh ta thân mật nói: “Chúa dậy các con phải thương yêu nhau, vợ chồng phải thuận hòa và nhường nhịn nhau. Con thật đáng khen. Chỉ tiếc là trong nhà thờ này người như con chỉ có một. Thật đáng tiếc!” Người đàn ông này bùi ngùi phân giải: “Thưa cha, con không dám nhận lời khen của cha!” Cha sở ngạc nhiên hỏi: “Tại sao vậy? Chúa rất thương yêu những người sống đẹp lòng Chúa như con mà!” Người đàn ông bật khóc: “Thưa cha, con bị vợ đánh què không thể đứng dậy được!”.

Nhưng vợ chồng cãi cọ, và chỉ dừng ở mức  bắn vào nhau những câu nói thôi, thì theo các nhà khoa học là nên lắm. Tại sao nên? Vì có lợi cho sức khỏe và sống lâu hơn để tiếp tục cãi nhau! Các ông bà có đính kèm văn bằng đã chứng minh bằng nghiên cứu đàng hoàng. Cuộc nghiên cứu do Đại Học Michigan thực hiện vào năm 1971 và kéo dài trong 17 năm. Có 192 cặp vợ chồng tình nguyện tham gia. Họ đều là những người da trắng trung lưu, sống tại một thị xã nhỏ ở Michigan. Đề tài cuộc nghiên cứu là coi xem sự nóng giận khi vợ chồng cãi nhau sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với hôn nhân và tuổi thọ của họ. Một loạt câu hỏi được nêu ra đề cập tới thái độ và phản ứng của mỗi người trước các sự việc mà họ cho là thiếu công bình do người phối ngẫu gây ra. Trong số 192 cặp vợ chồng tham gia, có 26 cặp không khi nào nóng giận mà chỉ giữ kín trong lòng, và 166 cặp biểu tỏ sự bất bình. Theo dõi sức khỏe của những cặp này trong 17 năm thì số người…ngậm miệng chết nhiều hơn số người…mở miệng gấp 5 lần! Bản nghiên cứu do Giáo sư Ernest Harburg cầm đầu đã được phổ biến trên tạp chí Journal of Family Communication số tháng 1/ 2008. Đừng có tưởng một bản nghiên cứu tầm cỡ như vậy là ngon rồi cứ cãi nhau lia lịa để trường thọ mà hố. Chính Giáo sư Harburg cũng nhận thấy tầm hạn chế của cuộc nghiên cứu này. Thứ nhất, đây là một cuộc nghiên cứu được thực hiện vào năm 1971, khi chưa có cuộc cách mạng tình dục, các bà vợ còn rất hiền thục, các ông chồng còn rất ngại đi ăn phở. Thứ hai, đối tượng nghiên cứu là những người sống ở tỉnh nhỏ rất an phận trong vai bà nội trợ.

Dưới cãi nhau một bậc là…cằn nhằn! Mục này các bà chắc chắn ăn trùm. Hình như mỗi ông chồng là một sự chướng mắt trong nhà. Đụng vào chuyện gì cũng thấy coi hổng được. Không nói thì tức chết đi được mà nói thì mang tiếng nói nhiều. Lời nói như gió thoảng, như mây bay, nhiều ông áp dụng chiêu bịt tai, gài lỗ…miệng không thèm nghe. Không nghe một lần, hai lần thì được. Nhưng sáo cứ vi vu thổi mà tai điếc hoài đâu có đặng. Bị chê bai 24/24, 7/7 thì tinh thần nào mà không suy sụp. Thằng lớn kéo ngã thằng nhỏ. Chuyện xảy ra ở thành phố Parma bên Ý. Anh chàng Sergio Vinucci đã kiện vợ ra tòa đòi bồi thường gần 300 ngàn đô Mỹ vì những lời cằn nhằn của vợ làm hại tới thằng nhỏ khiến nó hết sinh khí chẳng cờ bay cờ bay gì nổi. Anh đã trình trước tòa một bản chứng nhận y học đề quyết những lời cằn nhằn của cô vợ đã gây ra trong anh tình trạng căng thẳng tột cùng, dẫn tới việc chú nhỏ liệt vị muôn đời ủ rũ buồn nản. “Tất cả những gì cô ấy đối xử với tôi là cằn nhằn, rầy la. Nó khiến tôi cực kỳ căng thẳng và không thể là một người đàn ông đích thực được nữa”.

Cằn nhằn có ai ngờ lại giết chết được thằng nhỏ không ngóc đầu dậy nổi. Tôi nghĩ là các bà cũng chẳng muốn gây ra thảm cảnh này làm chi. Cằn nhằn là một bản tính. Không cằn nhằn thì đâu phải là phún! Ngày còn thanh niên, những tên độc thân chúng tôi vẫn ngông nghênh đi một đường…hùng dũng. “Ngu gì mà tự nhiên bỏ một đống tiền đi rước về một chị phún chỉ để ra khỏi nhà phải xin phép, về tới nhà thì nghe cằn nhằn. Có họa là điên!” Vậy mà nhìn quanh nhìn quẩn một hồi, hết tên nọ đến tên kia, tên nào cũng tự nguyện điên hết. Chơi trò điên thì ráng chịu. Cằn nhằn ai bi giờ? Đã trót thì phải trét. Đã vào lồng thì cứ cam chịu.         

Muốn tránh tình trạng trên thì các ông chồng phải…ngoan. Ngoan nghĩa là phải đồng cam cộng khổ với vợ trong công việc…đàn bà. Cứ nhìn quanh thì thấy thế hệ con cháu chúng ta ở bên đây ngày nay đã sống trong kỷ luật một cách hồn nhiên. Ai lo nấu ăn, giặt giũ, rửa chén bát, quét nhà, lau nhà, trông con, đưa con đi học..v..v.. đều được phân chia công minh và đồng đều giữa hai vợ chồng. Đây là tình trạng sự biến đổi trong cuộc sống xã hội ảnh hưởng vào cuộc sống gia đình. Phần lớn trong các gia đình, cả vợ lẫn chồng đều đi làm, không ở chung với bố mẹ, không người làm thì không có lý do gì một người tất bật công việc nhà sau khi từ sở làm về, một người nằm khểnh coi ti vi, đọc báo. Nhà tâm lý học Joshua Coleman ở San Francisco đã nhận xét: “Ngày càng có nhiều cặp vợ chồng chia sẻ việc nhà. Mặc dù đàn ông và đàn bà vẫn chưa hoàn toàn công bằng, nhưng luật chơi đã được thay đổi sâu sắc.” Một báo cáo mới tại Mỹ cho thấy là từ năm 1960 trở lại đây, sự tham gia của đàn ông trong việc nhà đã tăng gấp đôi, từ 15% lên 30%. Từ năm 1965 đến 2003, đàn ông tăng gấp ba thời gian chăm sóc con cái.

Nhưng con cái ngày nay không còn là yếu tố rất quan trọng để có cuộc hôn nhân hạnh phúc như trước đây. Trong một cuộc khảo sát vào năm 1990 trên 65% cho rằng con cái là rất quan trọng để có một cuộc sống hôn nhân tốt. Gần 17 năm sau, khảo sát lại, 2020 người được chọn ngẫu nhiên và phỏng vấn bằng điện thoại thì con cái tụt xuống hàng thứ 9. Những yếu tố quan trọng nhất cho một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc là, theo thứ tự, chia sẻ việc trong nhà, nơi ăn chốn ở tốt, tiền thu nhập đầy đủ, quan hệ tình dục thoải mái và sự chung thủy giữa vợ chồng.

Xã hội đã thay đổi, cuộc sống gia đình cũng thay đổi. Vợ chồng tôn trọng nhau hơn, giúp đỡ nhau hơn. Bà Tú Xương mà sống vào thời nay thì ông Tú Xương chỉ còn…xương! Làm gì còn cái cảnh:

Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi được năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông

Đâu có phải cứ vắt chân lên làm thơ khen vợ là xong đâu. Còn…nữ quyền nữa chứ bộ!

Thời thế sẽ còn thay đổi nữa. Rồi phún không còn lềnh khênh cho mấy ông kén cá chọn canh đâu. Cứ nhìn sang Trung Quốc khắc biết. Muốn kiếm được người về để nghe cằn nhằn cũng đỏ con mắt. Bởi vì dân số nam nữ đã không cân bằng. Trai thừa gái thiếu. Việt Nam ta bây giờ cũng đã gái thiếu trai thừa. Theo ông Phạm Bá Nhất, Vụ Trưởng Vụ Dân Số,  thì tình trạng đã phải báo động. Năm 1999 chỉ số chênh lệch là 107/100. Cứ 107 bé trai được sinh ra mới có 100 bé gái. Năm 2006, sự chênh lệch này là 110/100. Nhiều tỉnh ở phía Bắc chỉ số giới tính chênh lệch rất cao: Bắc Ninh là 123/100, Hải Dương 121/100. Trong Nam, tỉnh Dak Lak là 118/100. Nếu tới năm 2009 mà chỉ số này sẽ vẫn tăng và vượt quá mức 110/100 thì tình trạng sẽ rất nguy hiểm. Vì đâu nên nỗi? Thứ nhất vì tinh thần trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại trong xã hội Việt Nam ngày nay. Tội này là tội của ông Khổng Tử. Tự nhiên ông phán một câu lảng xẹc: nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô! Trai mới đúng là con, còn gái là đồ bỏ. Ông già này muôn đời chẳng bao giờ là một nhà xã hội học được. Cứ toàn thứ trai lộc ngộc không thì xã hội bế mạc tức thời. Có người… pipi mà chẳng có người đẻ! Ngày xưa chưa được trai thì cứ tiếp tục khi nào ra trai mới thôi. Có khi độn cả năm bẩy gái mới ra được trai. Thành ra gái vẫn có chỗ trên cõi đời này. Ngày nay, với kỹ thuật siêu âm, nhìn vào thai nhi là biết sẽ ra gái hay trai. Nếu không muốn tốn cơm tốn gạo thì phá, làm lại. Khi nào siêu âm mà thấy cái vòi voi mới yên tâm sanh đẻ.

Trước tình trạng này, ông Vụ Trưởng Phạm Bá Nhất, khi được hỏi về các biện pháp giải quyết, đã cho biết là hiện nay chính phủ đã có lệnh cấm chẩn đoán giới tính thai nhi và lưu hành tài liệu sinh con theo ý muốn! Kể cũng tội nghiệp cho tư duy của một chế độ chỉ biết có cấm. Cái gì không vừa lòng nhà nước là cấm. Vậy là xong chuyện. Khoẻ ru! Họ đâu có nghĩ tới chuyện siêu âm là để bảo vệ cho thai nhi tiến triển bình thường. Đó mới là chuyện quan trọng. Chuyện trai hay gái là để biết vậy thôi. Không cha mẹ bình thường nào ở một xứ sở văn minh lại dựa vào siêu âm để phá thai vì giới tính của thai nhi. Chỉ có ở những xã hội mà đạo đức suy đồi, việc phá thai là việc làm hồn nhiên của cả chính quyền và dân chúng, thì mới có tình trạng phá thai vì giới tính thai nhi như vậy.

Hậu quả của tình trạng so le trai gái sẽ đưa tới việc có nhiều anh con trai sẽ chổng mông mà gào! Tình trạng đưa mông lên trời sẽ rõ ràng trong 20 năm nữa khi các cô các cậu mới sanh ra bây giờ tới tuổi cập kê. Việc khan hiếm…phún sẽ càng trầm trọng khi các phún nông thôn đua nhau đổi đời bằng cách đi phơi thân cho đàn ông các nước lân bang kén chọn mang về làm vợ. Hậu quả tiếp theo là sự gia tăng bất ổn xã hội. Muốn có một tí vợ, các anh con trai phải đánh lộn, thậm chí xin nhau tí huyết để tranh dành bạn gái. Các anh không có phún cơ hữu sẽ bức bối, dễ đưa tới việc cưỡng hiếp, làm tăng việc mua dâm, buôn bán phún qua biên giới.

Tôi định viết một bài phiếm vui vui về thành phần muôn năm đối lập…cuội với đàn ông. Vậy mà không biết từ chỗ nào, tôi đã quẹo qua đụng phải những vấn đề xã hội lớn. Đang vui bỗng mất vui. Anh bạn tôi thì chưa vui.

Anh cưới vợ. Hăng tiết, anh bảo với vợ sắp cưới là khi lấy nhau, hai đứa vui vẻ, anh  sẽ đưa vợ đi du lịch thế giới. Cưới xong, anh cứ du lịch trên giường mà không đả động gì tới du lịch thế giới. Một đêm kia, cô vợ đánh bạo hỏi: “Sao anh bảo cưới xong, vợ chồng vui vẻ, anh sẽ đưa em đi du lịch thế giới cơ mà, anh quên rồi sao?” Anh bạn tôi tỉnh queo: “Nhưng mà anh chưa cảm thấy vui!”

03/2008