Béo
Chim
Đi
Điếm
Đồi
Đúp
Hãi
Hẻm
Khăn
Khỏa
Lạnh
Lộc
Lưỡi
Mai
Mạng
Mặt


Nhậu
Nhột
Nhỏ
Nổ
Nở
Phún
Rình
Sành
Són
Tây
Tên
Thèm
Tiết
Valentine
Xẻo
Xmas

NỔ

Giờ học về lựu đạn trong quân trường, anh Trung Úy giảng viên mặt mũi khó đăm đăm, cậy không ra một cái nhếch mép, thao thao…trả bài. Buổi trưa, chúng tôi buồn ngủ muốn chết. Tiếng anh giảng viên hắc ám rổn rảng nhộn nhạo như vậy mà cứ như tiếng à ơi ru ngủ. Mắt tôi muốn nhíp lại. Bỗng tai nghe tiếng lộc cộc nhảy lóc cóc giữa lối đi trống giữa hai hàng ghế chạy thẳng từ bục giảng xuống. Tôi ngồi ngay đầu bàn bên cạnh lối đi. Anh bạn ngồi bên kéo tôi né vào phía trong. Mắt nhắm mắt mở chẳng biết chuyện gì, tôi nép người về phía…chiến hữu, thấy chung quanh tôi đầy những bộ mặt căng thẳng hồi hộp. Trái lựu đạn  lăn từ trên bục giảng từ từ tới chỗ tôi ngồi. Khi nó đụng vào bức tường phía cuối lớp, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Anh Trung Úy mỉa mai: “ Các anh là đồ chết nhát! Lựu đạn chưa mở kíp, đeo bên người cũng chẳng sao, lăn trên sàn nhà thì ăn thua gì mà mặt xanh như tàu lá hết cả! Coi đây này, bây giờ tôi mở kíp trái lựu đạn này, các anh coi chừng nhé!” Tay anh thành thạo mở chiếc kíp trên đầu trái lựu đạn. Chúng tôi nép chặt vào nhau. Đầu óc chẳng suy tính được gì. Chỉ cần một chút xíu suy luận chúng tôi cũng biết được là nếu nó nổ thì cái mặt hãm tài đang dí sát trái lựu đạn sẽ lãnh thẹo trước. Nhưng, như một kịch sĩ lành nghề, anh Trung Úy buông tay ra, thảy mạnh trái lựu đạn xuống lối đi. Tiếng lóc cóc lần này hình như đe dọa hơn. Như một phản ứng tự nhiên, tôi ôm mặt chờ một tiếng nổ. Chung quanh tôi, những thân hình đều ngả sang một phía như muốn tránh xa tiếng nổ đang chờ đợi. Căn phòng im phăng phắc. Giọng anh Trung Úy chế giễu: “ Sao phòng này lắm thỏ thế! Cứ co quắp cả lại với nhau. Lựu đạn không có thuốc bên trong thì có mở kíp cũng chẳng nổ được. Nhớ lấy bài học này khi ra trận liệu mà ứng xử!”

Từ giã quân trường tôi giã từ ngay bộ đồ ka-ki nên không có dịp ra trận nhưng cái tiếng nổ không bao giờ tới đó tôi nhớ tới tận bây giờ. Phải công nhận anh Trung Úy thành công với bài giảng của anh. Thứ trái na lúc nào cũng đeo sát bên eo đó cần phải biết rõ hành tung của nó. Lớ ngớ là lãnh thẹo lúc nào không biết. Ngày xa xưa đó tôi không đeo…trái nổ. Ngày nay tôi đeo trái nổ mà không biết. Bộ còn trận mạc nữa hay sao vậy? Không! Thứ trái nổ này trông rất hiền từ, lại có nhan sắc nữa, đeo vào người mặt có thể vênh lên được. Thôi, nói phắt ngay ra cho rồi. Đó là chiếc điện thoại di động mà ngày nay hầu như ai cũng đeo trong người. Đến ông Nam Dao mà còn có nữa thì trên đời này ai mà không có. Ông bạn nhà văn Nam Dao của tôi, tác giả của những trường thiên tiểu thuyết nặng kí mà cuốn mới nhất là cuốn “Bể Dâu”, dày tới ngàn trang, nặng tới hơn một ký, là người nhất quyết đối lập với cái thứ…ma xó khiến cho người khác moi ra được mình dù mình có núp trong xó xỉnh nào đi nữa. Cũng phải cho nhau một…cõi bình an chứ không thì sống thế đếch nào được! Vậy mà bây giờ ông cũng phải thỏa hiệp với sự tiện ích, cũng kè kè một di động bên mình như ai. Ông nhà thơ Quan Dương, một ông bạn khác, thì lại chê sự bình an. Kè kè cái giây nối tình duyên bên mình cũng như người đi câu cá, nếu không thấy đầu dây bên kia nhúc nhích ọ ẹ gì, có quyền sốt ruột chứ!

Sương rơi thút thít ngoài hè
Lòng anh rấm rức quá nè chẳng sai
Cái phone trở chứng ba gai
Nằm im dấu mỏ mặc ngày qua nhanh
Cái phone chẳng hiểu lòng anh
Không reo một tiếng thiệt đành đoạn ghê.

Yêu nhau mà đeo phôn bên người thì hết ý! Thời tôi biết yêu, tình yêu lặn lội hơn nhiều. Muốn nói lời âu yếm chỉ có cách vác xe chạy hộc tốc tới nhà người yêu. Lúc đó chỉ có phôn công cộng là thông dụng. Thông dụng nghĩa là có đặt tại nhà Bưu Điện. Ít ai có được người yêu ngụ tại nhà Bưu điện! Còn phôn ở nhà cực kỳ hiếm. Chỉ có những nhà nhiều tiền, có thế lực hay buôn bán lớn mới có phôn nhà. Mà không phải có phôn nhà là mặc tình tâm sự đâu. Mỗi tháng chỉ được phôn một số lần, mỗi lần không dài quá một số phút, vượt những con số hạn chế này thì phải tính thêm tiền vào hóa đơn hàng tháng. Phôn dính vào giây nhợ lằng nhằng đã khó như vậy nói chi tới chiếc phôn đeo bên người, vừa đi đường vừa a lô loạn xị không cần biết giờ giấc nếu phôn sau giờ làm việc hay trong ngày nghỉ. Hồi đó, mỗi người một điện thoại di động là thứ không hề có trong…tưởng tượng! Vậy nên tình yêu ngày nay thật khắng khít. Cứ sờ vào bên hông là nắm được người tình dù người tình đang du lịch cách xa vạn dặm. Mặc sức mà anh anh em em ngọt sớt.

Ra đường bây giờ hình như người nào cũng có tí phôn đeo bên người. Tại Pháp có 84% dân số, gồm 53 triệu người đeo cái a lô ra đường. Ở Việt Nam chắc là hơn. Trong những dịp về nước, tôi vẫn để ý quan sát và đã có lần thấy chị bán hàng ngoài chợ cũng kè kè chiếc di động. Thanh niên nam nữ thì hết nói. Không có cái phôn để đeo là một chuyện không thể chấp nhận được. Phải…khẳng định chứ! Họ khẳng định mình bằng cách đua nhau xài phôn đắt tiền. Vào tiệm ăn, vừa ngồi xuống, bàn tọa chưa kịp dính vào ghế, đã rút cái điện thoại láng ra dằn mạnh lên mặt bàn. Chiếc điện thoại cầm tay, trong tay những thanh niên thiếu nữ thị thành, đã trở thành một món đồ trang sức. Nó diêm dúa đến kệch cỡm đôi khi.

Nhưng đối với những người cần dùng thì tiện lợi vẫn là chức năng hàng đầu của cái a-lô. Nhà thơ Trần Mộng Tú, trong một lần về Việt Nam cứu trợ các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa cũ vào cuối năm 2007, đã nhờ chiếc điện thoại di động của các thương phế binh tại Huế mà mau chóng liên lạc được với nhau. “Tôi ngồi xuống sàn gác đối diện với anh, hai chân tôi vướng víu vì dài quá và ống quần bị ướt sũng. Trước mặt tôi là người đàn ông trung niên, khỏe mạnh, tươi tỉnh, cụt cả hai chân sát đến thân, ngồi giữa những đồ dùng cá nhân của anh, tôi không nhìn kỹ và nhớ anh có những gì chung quanh, hình như có mấy cuốn sổ lớn nhỏ, cái bình thủy, bình trà, cái radio, quần áo, chăn gối và cái điện thoại cầm tay. Thế giới của anh thu gọn trên gian gác khoảng ba thước vuông. Người lính Thủy Quân Lục Chiến này, không may mắn bị thương tháng 1 năm 1975. Vì mất cả hai chân nên anh không “được” đi cải tạo, vì không được đi cải tạo nên anh không vào được danh sách H.O. Tôi hỏi thăm gia cảnh, được biết anh ở đây với gia đình người chị, anh bị thương khi còn trẻ quá chưa có cơ hội lập gia đình. Anh cho tôi một danh sách của những người bạn cùng hoàn cảnh như anh, so với danh sách tôi nhận được ở Sài Gòn thì có một vài tên khác nhau. Anh nói, phải cẩn thận vì có thể họ không phải là những người Thương Phế Binh thật. Tôi nói, không sao cả miễn là những người này cần được giúp đỡ. Tôi chia tay anh, hẹn trưa ngày mai sẽ gặp mặt mọi người. Anh cầm điện thoại, mở sổ, liên lạc ngay với các bạn, giọng anh dồn dập, gọi từng người: “Trưa mai, 1 giờ nghe, đến nhận quà, có người bên đó qua thăm.”….Đến nơi tôi thấy ở gian trước, đã có năm bẩy người đàn ông đang ngồi chung quanh chiếc bàn nhỏ chờ tôi tới. Mới thoáng nhìn tất cả mọi người, tôi biết ngay là họ phải có thân nhân chở tới chứ không thể tự di chuyển được. Thấy tôi đến họ bối rối không biết mời tôi ngồi đâu, tôi đề nghị ngồi cả xuống sàn nhà cho rộng, tôi bỏ giầy vào ngồi chung với họ. Ngồi trước mặt họ, tôi thấy có điều gì không ổn, hình như đối với những người đang quây quần nơi này, tôi là người dị tật. Tôi dư hai cái chân. Tôi lúng túng không biết để hai cái chân thừa này vào đâu. Bẩy người bạn này, không ai có chân cả, có người lại mất thêm một cánh tay, có một người mù. Chúng tôi nói chuyện với nhau. Tôi hỏi han từng người. Các anh cho biết, phần đông bị thương ở Mùa Hè Đỏ Lửa (1972), có người bị thương ngay đầu năm 1975, lúc đó đang nằm ở Quân Y Viện bị đuổi ra đường.” Sao tôi thương những chiếc điện thoại tình nghĩa này quá! Chúng nằm đúng chỗ, giúp cho người trở về gặp lại được những phế binh thiếu chân, giúp những anh hùng của chúng ta chóng vánh tụ tập lại được với nhau để nhận chút quà biết ơn của những người “hậu phương” may mắn ở rải rác trong một hậu phương lớn là khắp nơi trên thế giới này.

Chiếc điện thoại cầm tay của anh thương phế binh khác với những chiếc điện thoại trong tay một số người khác. Họ sử dụng bừa bãi. Tại cổng vào của các bệnh viện chúng ta thường bắt gặp một thông báo yêu cầu tắt điện thoại cầm tay để khỏi nhiễu sóng các dụng cụ y tế điện tử dùng trong bệnh viện. Trên máy bay cũng vậy, nhiễu sóng làm nguy hiểm tới tánh mạng nhiều người nếu sóng điện thoại nhảy xổ vào sóng liên lạc của phi công. Trên một chuyến máy bay từ Hà Nội vào Sài Gòn vài năm trước đây, tôi chẳng biết chia sẻ sự tức tối với ai khi máy bay vừa hạ cánh, đang chạy vào bến đỗ, trên máy phóng thanh tiếng cô tiếp viên yêu cầu mọi người đừng vội mở điện thoại cầm tay cho tới khi máy bay ngừng hẳn. Cô tiếp viên vừa dứt lời là mọi người rút điện thoại ra a lô vang rền không chút e dè, mặt không hề đỏ mà lại còn vênh lên ra cái điều ta có quyền không phải nghe lời ai. Tại những nơi thờ tự, cần sự trang nghiêm, tuy không có thông báo nhưng người người vẫn tắt điện thoại để khỏi làm rộn chốn trang nghiêm. Trong những buổi hoà nhạc, nhất là loại nhạc giao hưởng hay thính phòng, mọi người cũng cần sự trang nghiêm như vậy. Cái lịch sự tối thiểu đó nhiều khi không có ở ngay thủ đô Hà Nội. Nhà thơ Trần Mộng Tú, trong bài “Một Ngày Hà Nội”, đã kể ra một trường hợp: “Nhà hát lớn Hà Nội chứa khoảng năm trăm người, ngồi kín rạp. Phần đông là những quan chức cao cấp, các nhà ngoại giao, các giáo sư âm nhạc có vé mời. Giữa buổi hòa nhạc, tiếng phôn tay vẫn reo, có cả tiếng trả lời và trò chuyện qua điện thoại, trẻ em sáu bẩy tuổi cũng được cha mẹ mang theo, chạy ngang chạy dọc.Trong khi đó thì một phụ nữ Nga ngồi cạnh tôi, không dám ho (tôi thấy bà lấy tay bưng miệng). Tôi đoán bà này chắc cũng thuộc bộ ngoại giao, hay ít ra cũng là người có trình độ.”

Cái cục vừa kết thân được với người khác, vừa là vật trang trí lại vừa là thứ hãnh tiến của những anh chị thích khoe khoang lại có thể là một trái lựu đạn sao? Quả có vậy. Chính hắn đã từng nổ lia chia không phân biệt…chủng tộc. Nokia là thương hiệu điện thoại di động nổi tiếng nhất ở Việt Nam. Nó nổi tiếng không hẳn vì ông Nguyễn Gia Thiều, Việt kiều Pháp, chồng của hoa hậu Hà Kiều Anh, đại lý của hãng điện thoại này tại Việt Nam, bị cáo buộc tội trốn thuế và buôn lậu, đã bị nằm ấp 12 năm và bồi thường nhiều tỷ đồng. Vụ án gây xao động một thời vì có dính tới hoa hậu. Cô khóc lên khóc xuống họp báo tuyên bố nuôi và chờ chồng. Những giọt nước mắt của loài hoa không dài được bao lâu. Vào giữa năm 2007, cô đã lại lên xe hoa một cách ồn ào với một đại gia khác trong một tiệc cưới vô tiền khoáng hậu được tổ chức tại khu du lịch Resort 5 tại Nha Trang. Chuyện điện thoại Nokia nổ không phải tại Nha Trang mà tại ngay quê hương bản quán của nó là Phần Lan. Vụ nổ gây thương tích nhẹ cho một phụ nữ. Nhưng cũng Nokia nổ tại Đà Nẵng thì vang động hơn. Nó làm phỏng ngón tay của người xử dụng. Khi Nokia nổ tại Sài Gòn thì nó tạo thêm một thành tích mới: làm phỏng 10% vùng đùi của một phụ nữ. Bà này đang ngồi ăn sáng thì Nokia nổ thành 5 mảnh ngay trong túi quần của bà. Một nam nhân viên bán hàng ở Hòa Lan cũng bị Nokia sơi chút da thịt ở đùi. Đùi là một…căn cứ nổ của Nokia chăng? Anh Nguyễn Văn Lạc, chủ quán nhậu Đất Quảng ở đường Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng, đang chơi bi-da cùng bạn bè thì thấy nong nóng ở túi quần, thò tay vào túi anh thấy chiếc điện thoại Nokia 8250 phát nóng đến phỏng rộp các đầu ngón tay của anh. Anh hốt hoảng cởi quần ra trước sự ngạc nhiên của mọi người chung quanh. Anh rũ chiếc điện thoại trong túi quần ra, lấy đầu cây thọc bi-da gõ nhẹ lên với hy vọng cứu được cái simcard. Nhưng khi anh vừa gõ thì một lưỡi lửa xanh lè phát ra làm cháy cong queo cả chiếc điện thoại! Chiếc Nokia 8310 của một cán bộ của Công ty Kiểm Toán và Kết Toán AAC thuộc bộ Tài Chánh cũng bị nổ tại Đà Nẵng. Khổ chủ thuật lại: “Tôi để điện thoại trong túi quần. Đột nhiên một tiếng nổ nhỏ phát ra cùng lúc tôi cảm thấy cảm giác nóng lan ra từ chiếc điện thoại. Vỏ màn hình của điện thoại đã bị thủng một góc to bằng ngón tay út, màn hình tinh thể lỏng bên trong bị các tia lửa điện phóng làm cháy đen thành hai vạch lớn”.

Nếu tôi chỉ kể tới Nokia thì hơi oan cho anh chàng này. Các thương hiệu khác cũng có tài nổ như thường. Mà nổ ác liệt hơn là đằng khác. Một chiếc điện thoại hiệu LG của Đại Hàn nổ ngay tại Hán Thành! Nạn nhân là một người đàn ông  33 tuổi, làm việc trong quận Cheongwon, cách Hán Thành 135 cây số. Anh đã chết không kịp ngáp! Nơi túi áo anh để chiếc điện thoại có vết nám đen hình dáng một chiếc điện thoại bị cháy, khi nổ xương sườn vùng ngực bị gẫy, phổi và tim bị thương tích, máu tràn qua mũi và gây tử vong!

Phôn hiệu Kyocera cũng…tức tối. Lần này tại Ontario thuộc tiểu bang California. Nó nổ ngay trong túi quần sau của một cô gái 16 tuổi. Lửa và khói xì ra gây phỏng cấp độ 2 nơi mông của cô bé này.

Chiếc Samsung C100 của anh Nguyễn Thế Đăng, ngụ tại 16 phố Hàng Đường, Hà Nội cũng đã nổ. Phần pin bị xé ra thành nhiều mảnh, thân máy bị văng mạnh ra xa.

Thế là nổ đều tất cả. Tại sao chúng lại nổ? Các nhà sản xuất đổ tội cho người tiêu dùng xài pin dỏm không đúng qui cách. Nhưng đã có những trường hợp dùng pin gin đàng hoàng cũng vẫn cứ nổ. Các anh nhà buôn lại đánh lạc hướng bằng chiêu khác. Họ bảo hàng chục triệu người dùng điện thoại mà chỉ có khoảng trăm chiếc nổ là một tỷ lệ rất thấp. Ăn thua chi! Chàng John Walls, phát ngôn viên của Cellular Telecommunication & Internet Association tính xóa bài: “ Đây là một vấn nạn chăng? Vấn đề có thể bị thổi phồng lên. Theo thống kê thì những vụ cháy nổ quá ít. Tuy nhiên những gì xảy ra cũng khiến các chuyên viên trong ngành đặc biệt lưu ý”. Giới chức trong các hiệp hội bảo vệ giới tiêu thụ có cái nhìn khác. Ngoài lý do pin thiếu chất lượng, các nhà sản xuất còn bị sức ép thị trường chế tạo các máy điện thoại đa chức năng nhưng nhỏ gọn. Nào điện thoại, nào chụp hình, nào nghe nhạc, nào gửi text…chiếc điện thoại bé tí xíu phải giơ lưng ra cõng quá nhiều chức năng. Theo ông Chủ Tịch của Cơ quan Wireless Consumer Alliance có trụ sở tại California thì nhồi nhét nhiều năng lượng vào một bình chứa nhỏ là đã tạo ra một trái bom nhỏ. Vấn đề là làm sao giải nhiệt cho pin và các thiết bị điện tử trong máy. Ủy ban Consumer Product Safety Commission đã tiến hành nhiều thử nghiệm kỹ thuật để cải thiện chức năng giải nhiệt cho máy. Máy càng nhiều chức năng thì sức tiêu thụ năng lượng càng nhiều. Nếu không giải nhiệt kịp thời thì máy sẽ cháy hoặc nổ khi có một trục trặc nhỏ xảy tới.

Tôi vừa nhận được một e-mail cảnh báo do một anh bạn chuyển tới. Vài chiếc hình đi kèm trông thật nhức nhối: chiếc nệm giường cháy nám với những lỗ thủng lỗ chỗ, bàn tay bị phỏng nám sưng tấy đen xì, những ngón tay dị dạng. Đó là hậu quả của điện thoại cầm tay nổ. Vụ nổ xảy ra khi một thanh niên đang sạc pin điện thoại trên giường thì điện thoại reng. Anh nhấc máy lên trả lời trong khi vẫn nối vào cục điện sạc. Chỉ vài giây sau, do điện tràn vào không kiểm soát được, chiếc điện thoại đã nổ vứt tung anh xuống sàn nhà. Nghe tiếng nổ, cha mẹ anh vội chạy vào phòng. Một cảnh tượng thương tâm trước mắt họ. Anh con trai nằm bất động, tim đập rất yếu, những ngón tay cháy nám. Họ vội gọi xe cứu thương đưa anh vào bệnh viện gần nhà nhưng anh đã chết khi vừa tới nơi!

E-mail này đã đưa ra ba chuyện sống chết. Thứ nhất: không bao giờ sạc pin điện thoại suốt đêm. Tôi phải thú nhận ngay là chuyện này tôi thường làm. Và tôi cũng tin là nhiều người làm như tôi. Buổi tối, sau một ngày a lô chán chê, sạc chiếc điện thoại để sáng hôm sau, khi ngủ dậy đã có sẵn một chiếc điện thoại mà pin còn đầy nguyên. Tha hồ mà gọi suốt ngày.

Thứ hai là không bao giờ để điện thoại gần mình khi nó đang được sạc pin. Các cô cậu hay bị cái vụ này. Kéo chiếc dây điện dưới chân giường lên, vừa đọc báo, xem ti vi hay học hành, chuông reo một cái là nhấc lên a lô liền. Vụ này dẫn tới điều cấm kỵ thứ ba: không bao giờ trả lời điện thoại khi nó còn đang được cắm điện sạc pin. Chuyện này coi bộ khó. Nếu anh hay em đang chờ điện thoại, chuông reo thì mần răng? Loay hoay gỡ dây điện sạc trước hay bấm nút bắt điện thoại trước? Tôi e trăm cô cậu thì cả trăm vội nghe tiếng người yêu ngay tức khắc! Nếu tôi còn ở tuổi hoa thì chắc tôi cũng vậy! Muốn nổ thì cứ nổ. Who cares?

01/2008