Béo
Chim
Đi
Điếm
Đồi
Đúp
Hãi
Hẻm
Khăn
Khỏa
Lạnh
Lộc
Lưỡi
Mai
Mạng
Mặt


Nhậu
Nhột
Nhỏ
Nổ
Nở
Phún
Rình
Sành
Són
Tây
Tên
Thèm
Tiết
Valentine
Xẻo
Xmas

NHỘT

Chuyện xảy ra lâu rồi. Từ ngày di cư 1954 lận. Gia đình tôi từ Hà Nội vào ở tạm nhà ông bác ruột. Ông bác tôi đã vào Sài gòn từ sau Thế Chiến Thứ II, thuộc loại Bắc Kỳ cũ. Các anh chị của tôi sanh đẻ trong Nam nên nói rặt tiếng Sài gòn, thứ tiếng mà tôi chới với trong những ngày đầu di cư. Tới Sài gòn buổi sáng, buổi chiều có đám cãi lộn giữa hai chị bán hàng rong trước cửa nhà. Tôi vểnh tai đứng nghe từ đầu tới cuối. Vừa chạy vào trong nhà, ông bác tôi hỏi họ cãi lộn chuyện gì vậy. Tôi thành thực nói là không hiểu họ nói cái gì cả. Cả nhà được một mẻ cười. Thằng em tôi mới bốn năm tuổi cũng bị cười. Nó chơi với cô chị chỉ hơn 1 tuổi. Tôi nghe thấy tiếng thằng em cười ré lên bèn nhìn xem hai đứa chơi cái gì. Cô chị đang dùng chiếc lông gà rê rê trên bàn chân cậu em. Buồn buồn quá à! Cô chị ngẩn người. Ti buồn sao Ti cười? Thằng em tôi trả lời ngay. Buồn cười thì phải cười chứ! Ba bốn thứ buồn mà cứ cười khanh khách, lạ chứ! Cô vào nói với ông bác tôi. Sao kỳ dzậy ba? Con làm thằng Ti nó nhột nó cười mà nó lại bảo buồn buồn. Buồn sao cười? Ông bác tôi phải…thông ngôn. Buồn buồn là nhột đó. Ngoài Bắc nói như vậy! Cô chị như không tin vào tai mình. Gì mà kỳ dzậy! Nhột mà kêu buồn buồn. Mắc cười cũng kêu buồn cười. Ngộ thiệt! Buồn mà cười! Kể cũng ngộ! Nhưng tiếng Bắc Kỳ nó…cao siêu như vậy đó. Cao siêu quá nên chỉ vài ngày sau, thằng em tôi tóm ngay chữ nhột thay cho chữ buồn buồn. Trẻ con mà, nhanh lắm.

Làm người ai chẳng nhột. Ai không nhột  đích thị không phải là hậu duệ của ông Adam. Tổ tiên chúng ta đã biết nhột. Một bữa, Adam đi chơi về khuya. Eva tức giận hỏi:

“Anh lại đi với cô nào phải không?”
“Khổ quá! Thế em không nhớ là chỉ có anh và em trên trái đất này sao?”
Eva giận lắm nhưng không nói gì nữa. Nửa đêm, Adam đang ngủ bỗng nghe nhột nhột bên sườn. Chàng bừng mắt dậy, hỏi vợ:
“Em làm cái gì vậy?”
Eva vẫn không ngưng tay lần lần bên sườn Adam, tỉnh queo trả lời:
“Em đếm xem xương sườn anh có thiếu thêm cái nào nữa không!”

Nhột là thứ di truyền từ thời Adam tới chúng ta ngày nay. Cường độ hình như có tăng. Ngày nay ông nào đi chơi khuya về chắc sẽ không bị đếm xương sườn nữa. Trò đó xưa rồi! Bây giờ các bà chỉ ngắt, véo. Ngắt véo dĩ nhiên không nhột được, mà đau! Đau là họ hàng gần của nhột. Ai nhậy cảm với đau thì cũng rất dễ nhột. Đó là kết luận của khoa học. Nói theo kiểu dân gian thì đó là những người “có máu buồn”. Vậy con người biết nhột từ lúc nào? Mới sanh ra chỉ biết oe oe và chúm chím miệng đòi bú dĩ nhiên chưa biết nhột là gì. Nhưng cái thú đau thương này xuất hiện không lâu sau đó, khi đứa bé sơ sinh được 21 ngày tuổi, tức đúng 3 tuần lễ. Các bạn có thể thử bằng cách sờ mó vào vùng nhậy cảm của bé, tay chân bé sẽ ngọ nguậy ngay.

Nhột có khoanh vùng đàng hoàng. Đó là một thứ vùng da beo. Chỗ nhậy cảm với nhột nằm cạnh chỗ không biết nhột. Trên thân thể chúng ta, những vùng được phơi ra ngoài như lưng, cẳng chân, cẳng tay, mặt…v…v…ít nhột, ít buồn buồn. Da ở những phần này dày hơn, chai lì hơn. Những vị trí ẩn dấu, ít nhìn thấy ánh mặt trời như nách, sườn, bụng, vùng quanh rốn, vùng dưới rốn, lỗ mũi, lỗ tai …v…v…dễ nhột hơn. Nếu cần phải cho điểm chỗ nhột chi tiết hơn thì điểm nhột nhất là lỗ tai, lỗ mũi, dưới khoeo, hông, nách, cổ, sườn xuống tới gan bàn chân, đùi non và vùng chẳng cần nói ai cũng biết.

Khoanh vùng như vậy để làm chi? Cũng có ý cả đấy. Các chuyên gia về…tù ti chẳng bỏ lỡ cơ hội. Thử nghe Tiến sĩ Debby Herbenick, chuyên gia về tình dục của Viện Nghiên Cứu Kinsey, chỉ bảo. Bà này nắm vào cổ. Cổ là vùng tạo cho ngưòi ta cảm thấy rất thân thiết và muốn gần gũi. Bà mách nước: hãy nhích môi quanh vùng cổ, từ cằm đến họng sẽ đánh thức được những phản ứng đầy xúc cảm. Bà Anne Hooper chỉ mánh khơi dậy vùng nhậy cảm tai trong cuốn sách “269 Mẹo Vặt Trong Tình Dục”: hãy vân vê hay massage vành tai bằng đầu ngón tay cái và ngón trỏ, còn tay kia thì nâng đầu người tình lên. Khi được đáp lại, bạn hãy cọ vành tai của nàng vào mũi mình. Vì sao vậy? Chỉ cần nghe thấy hơi thở của bạn là nàng cảm thấy rạo rực hơn nhiều.

Tôi cũng khoanh vùng. Hãy cứ biết muốn oanh kích vùng trên thì cứ thế mà làm. Tôi cũng xin lỗi là đã bỏ qua một vùng rất quan trọng là vùng môi. Tôi nghĩ là vùng này thì ai cũng biết phải hoạt động ra sao. Đó là những chiêu thức thuộc loại ABC, không rành thì chẳng nên chơi trò ái tình làm chi cho bẽ mặt! Những vùng khác, tính sau. Định chấm dứt chuyện nhột ở phần…thượng du tại đây, nhưng bỗng dưng tôi vớ được một tài liệu quý. Trên báo Văn Học số tháng 1 & 2 /2008 vừa tục bản, nhà văn Nguyễn Tường Thiết, trong truyện “Thảm Sương Trên Sông Skooguamish”, đã cho chúng ta một bài thực hành: “Luân nghiêng người xoay đầu về phía Tracy. Khuôn mặt nàng gần sát. Anh nhìn sâu trong đôi mắt xanh đang mở rộng. Vẫn hai con mắt đằm thắm. Luân dướn người nhỏm dậy. Anh khép đôi mắt ấy bằng làn môi của mình. Nhẹ nhàng anh cúi xuống trán Tracy, đưa môi rà xuống trên gương mặt nàng, trên bờ mi, trên sống mũi, trên làn môi, trên đôi má, cảm nhận những sợi lông măng lăn tăn trên đầu môi. Từ cánh mũi, cặp môi hé mở hơi thở nàng dồn dập và nồng nàn phà trên má anh. Luân lùa tay nắm mái tóc, lật ngửa nàng ra sau. Rồi anh chồm lên bật tung nút cánh áo trên, cúi xuống…”

Theo một nghiên cứu mới được thực hiện tại Mỹ thì trên 90% số người được hỏi thú nhận mình rất sợ nhột. Tỷ lệ số người rất sợ đau cũng xêm xêm như vậy. Chung chung thì như vậy nhưng tùy theo tuổi mà tỷ lệ lên xuống khác nhau. Trẻ em dưới 10 tuổi là 95%, thanh niên và trung niên là 65% và tuổi hưu là 35%. Trẻ sợ nhột hơn già, chẳng cần thống kê cũng biết như vậy. Già rồi thì ai làm chi mà nhột! Đó là nói về phía nam. Phía nữ hình như nhột không phân biệt tuổi tác. Cứ đều đều 94% cho mọi độ tuổi. Có nhiều bà nhiều cô sợ nhột tới mức chưa cần chạm vào người, chỉ mới thấy người khác giả bộ thọc lét bằng cách ngoáy ngoáy hai ngón tay là đã co rúm người lại.

Nhưng các bà các cô cứ yên tâm. Không việc chi phải cãi cho mất hết vẻ…yểu điệu. Bởi vì sợ nhột là một nét đáng yêu của phụ nữ. Nó là một thứ nữ tính đấy. Việc này chứng tỏ bạn có một hệ thần kinh nhậy cảm. Những người thần kinh suy nhược hay bị trầm cảm rất ít sợ nhột. Thành ra sợ nhột là…ngon lành. Nó là chỉ dấu cho thấy bạn đang ở trong một trạng thái tâm lý thoải mái. Các nhà tâm lý còn đi xa hơn nữa. Theo họ, những người dễ nhột thường là những người yêu say đắm hơn, nồng nàn hơn. Nói một cách khác, phụ nữ mà không biết nhột đích thị là những người lạnh lùng, vô cảm, biếng nhác chuyện yêu đương tình tứ. Bạn có muốn làm một cành cây khô như vậy không? Nếu không thì xin cứ tự nhiên và hào hứng mà nhột! Theo một cuộc nghiên cứu tâm lý thì những ngưòi dễ nhột, sợ nhột thường quan tâm tới người khác hơn, dịu dàng hơn. Tôi chẳng nghiên cứu điều tra chi nhưng vẫn thấy các nàng sợ nhột trăm vạn lần đáng yêu hơn là cứ trơ trơ như tượng đá. Ai không đồng ý với tôi có quyền phản đối!

Cái chất nhột nó ở đâu mà ra vậy? Nó nằm trong sự tiến hóa của con người! Nghe có vẻ đao to búa lớn nhưng ông tổ của thuyết Tiến Hóa Charles Darwin đã gật đầu công nhận như vậy. Theo Darwin thì khi vượn biến thành người, da dẻ trở nên nhẵn nhụi, con người yếu đuối hơn nên giác quan phải tinh tế hơn để tồn tại. Thời kỳ đó, côn trùng như nhện độc, sâu, bọ có thể đốt, cắn, châm chích nên chúng là kẻ thù nguy hiểm của con người. Da của con người phải cảnh giác, trở nên nhạy cảm hơn. Đó là cảm giác buồn buồn, nhột nhột mỗi khi thấy có chú côn trùng nào đó bò lên. Cảm giác gửi tín hiệu lên não, não gửi thông điệp xuống cho cơ thể: kẻ thù quanh ta đang đe dọa xâm nhập, cần ra tay ngay. Vậy là lập tức chúng ta hất chúng đi.

Để có thể cảnh báo, trên da chúng ta có những thụ quan, đầu mút của hệ thần kinh để cảm nhận sự tiếp xúc nào đó lên thân thể. Nếu một con sâu chui vào lỗ tai hay vài chú vắt bám vào lưng chẳng hạn mà không thấy nhột, cứ tỉnh bơ cho nó rúc vào thì nguy hiểm quá đi chứ. Chính cái nhột đã giúp chúng ta bình yên vô sự.

Lưng trông có vẻ trơ trơ như vậy chứ cũng là vùng nhạy cảm ra phết. Trong xúc cảm tình dục lưng cũng có phần. Xoa bóp vào các thớ thịt ở vùng xương bả vai và xương sống rồi nhấn nhè nhẹ quanh đó cũng là một chiêu thức làm thức tỉnh cảm giác nơi người tình. Phần lưng càng thấp xuống dưới thì dây thần kinh càng trở nên nhạy cảm nhiều hơn. Nhích ra phía trước là ngực.

Thân mình em đựng bảo trân
Gói ba bốn lớp che phần muốn coi
Mở ra trắng tựa mây trời
Nhói tôi thấp thỏm đứng ngồi lặng thinh.
(Quan Dương)

Đụng tới bảo trân cần phải trân trọng. Cái thứ được gói ba bốn lớp là thứ chứa đựng rất nhiều dây thần kinh cảm giác, điều tiết rất nhiều những kích thích khác nhau. Chuyên gia về tình dục ở Chicago Kerrie Grow McLean có lời khuyên như thế này: “ Động tác của bạn phải tinh tế đến độ gần như không để hằn vết gì trên da”.

Đôi tay em mười lưỡi dao
Tôi đưa ngực được đâm vào buồng tim
Hồn thơ vất vưởng bên thềm
Em có đem ủ cho đêm bớt dài ?
(Quan Dương)

Tay để ủ. Chẳng cứ đêm. Ngày cũng vậy. Tay có rất nhiều dây thần kinh cảm giác. Làm sao đánh thức được những cảm giác này? Bạn từ từ dang rộng bàn tay, vuốt nhẹ từ dưới lên đầu lòng bàn tay, rồi đến các ngón. Cuối cùng đan ngón tay của bạn và nàng với nhau. Như vậy bạn đang nhẹ nhàng đánh thức những bộ phận khác trong người nàng. Theo Tiến Sĩ Debby Herbenik thì phần bên trong của cánh tay rất nhạy cảm với nhiệt độ. Liếm hay thổi nhè nhẹ vào cánh tay sẽ tạo ra một cảm giác man mát khiến các cơ quan cảm nhận đặc biệt sẽ phát hiện ngay ra sự khác biệt về nhiệt độ. Lông tơ nơi đây rất dễ nhạy cảm nên sẽ tạo ngay ra phản ứng của cơ thể dù chỉ với cái chạm rất nhẹ hoặc chỉ làn hơi thổi man mác. Và nàng sẽ co rúm người lại trong sự nhột nhạt kỳ thú!

Nhột như vậy chỉ làm nở ra những nụ cười nhẹ. Nhột cật lực sẽ kéo theo tiếng cười sằng sặc, cười khanh khách dắt díu nhau, không thể kìm hãm được. Chúng họ hàng với nhau ra sao? Cười là một loại phản xạ gây ra do sự co thắt cơ, có nhịp điệu, bật ra âm thanh và, trong trường hợp bị cù, không tự nguyện. Đó là định nghĩa của tiếng cười theo sinh lý học. Cười được một trung khu thần kinh trên não điều khiển. Khi nhột, lập tức sẽ được truyền lên não, cường độ nhẹ thì không sao, nhưng mạnh tới một mức độ nào đó thì gây ra tiếng cười như một phản xạ đáp ứng. Người ta thường cho là tiếng cười là độc quyền của con người. Chỉ có người biết hì hì, còn vật muôn năm chẳng nhếch mép. Nhưng nhà bác học Darwin đã nhận xét và cho biết là những con tinh tinh, một loại khỉ gần với người nhất, cũng biết nhe răng biểu tỏ sự vui vẻ. Cứ cù vào nách chúng thì biết ngay! Nhưng nếu bạn chơi với chú cún trong nhà, lật chúng ra, cù vào bụng chúng, chúng sẽ biết nhột nhưng không biết cười. Phản ứng với sự nhột nhạt, chó sẽ đưa chân sau lên gãi liên tục vào sườn. Đây là động tác di truyền khi tổ tiên chúng bị bọ chó, rận hay rệp đốt. Hiện tượng này chứng minh là cảm giác nhột mang tính di truyền.

Cù là ô-tô-ma-tích cười chăng? Không hẳn vậy. Nếu tự cù thì chẳng có lý do gì mà cười. Bởi vì trên não có hai cơ chế khác nhau đối với hai loại cù: tự mình cù và người khác cù mình. Darwin lý giải sự khác nhau này như sau: cù chỉ gây cười khi bất ngờ, không biết trước điểm sẽ bị kích thích. Nếu có sự chuẩn bị trước, nghĩa là não đã biết sẽ bị cù ở đâu, vào lúc nào, thì làm gì còn chuyện bất ngờ nữa, cười làm chi cho mệt xác! Người khác chơi trò dí dí ngón tay trước mặt, không biết cái ngón tay ngọ nguậy kia sẽ đổ bộ vào khu vực nào trên người mình, mình sẽ nhột. Khi bị chọt một cách bất ngờ, não sẽ ra lệnh cho trung khu cười mở máy, thế là cười chết bỏ. Trường hợp tự cù, não sẽ bĩu môi khinh thị: ta biết rồi, làm bộ đó, chẳng sao đâu! Thế là chẳng khanh khách chi cả.

Ông Darwin nói thì tôi tin ngay. Bởi vì miệng ông có gang có thép. Nhà bác học chứ bộ! Nhưng bà Tiến sĩ Sarah-Jane Blakemore, chắc cậy có bằng Tiến sĩ, nên chưa tin. Bà bèn làm thí nghiệm kiểm chứng. Bà dùng một cánh tay robot và chính bà điều khiển bằng một cái remote control để nó cù mình. Bà vẫn thấy nhột như thường. Đây là trường hợp chính não bị lừa. Cũng như trưòng hợp những người bị tâm thần hoang tưởng, luôn có ảo giác, không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, cũng cười sằng sặc khi  mình tự cù mình.

Cù và cười, sự liên hệ mật thiết này đã tạo ra niềm vui cho cuộc đời. Này nhé, khi bà mẹ chơi giỡn với con, cù hoặc giả bộ cù để nghe tiếng con cười khanh khách. Đó là sự trìu mến, âu yếm của cả mẹ lẫn con. Nếu bồ bịch thỉnh thoảng thọc lét nhau để ôm nhau cười lăn lộn, đó cũng là cách tỏ sự thân mật với nhau. Nhột vui như vậy. Cớ chi không nhột với nhau?

Khua chân em chạm xuống đời
Mới hay đời cũng một trời rộng rinh
Còn tôi thân hạc giữa đình
Chân co chân duỗi thiệt tình vô duyên
(Quan Dương)

Chân để chạm xuống đời, cần đứng vững. Nhưng chân cũng có nhiều điểm nhột lắm. Dưới bàn chân, ngón chân, sau đầu gối, bắp vế, đùi non, điểm nào cũng sẵn sàng nhột. Được ve vuốt, chân sẽ…hết vững. Chuyện gì cũng có thể tới sau đó.

Hình như tôi đã chỉ hết mánh mung nhậy cảm từ phía Bắc, qua miền Trung, xuống tới tận mũi Cà Mau rồi thì phải. Tôi vốn là người nói lời thì giữ lấy lời. Nói mà không làm thì…nhột lắm! Không những vậy, tôi còn kéo thêm ông bạn Luân Hoán của tôi mang thơ vào cho thêm phần bay bướm. Phôn hỏi, chỉ một lát sau, e-mail của tôi đã lừng mùi thơ!

cái gì nhột nhột ống chân
y như con kiến bò dần lên trên
giả lơ, nhưng vẫn không quên
cái gì nhột nhột bò lên... lạ lùng
hóa ra con kiến không chân
chỉ là mấy ngón tay mân mê tình
tự nhiên ớn lạnh rùng mình

03/2008