Béo
Chim
Đi
Điếm
Đồi
Đúp
Hãi
Hẻm
Khăn
Khỏa
Lạnh
Lộc
Lưỡi
Mai
Mạng
Mặt


Nhậu
Nhột
Nhỏ
Nổ
Nở
Phún
Rình
Sành
Són
Tây
Tên
Thèm
Tiết
Valentine
Xẻo
Xmas

NHỎ

Thói đời người ta chuộng những gì bự, lớn chứ nhỏ thì chán chết. Nhưng nhỏ không luôn có nghĩa là tệ. Tây có câu: petit mais dur, ta cũng phụ họa: bé hạt tiêu! Vậy thì nhỏ nhiều khi cũng cay ra phết. Không biết có vị nào còn nhớ tới nhà điêu khắc Trung Hoa Đới Ngoan Quân không. Ông này đã sang Sài Gòn từ thập niên 50 của thế kỷ trước để trưng bày các tác phẩm của ông. Đó là những bức tranh, bài thơ khắc trên những miếng ngà nhỏ xíu, phải dùng kính hiển vi mới coi được. Trong lần đặt chân tới Tô Châu vừa rồi, một anh bạn đã mua được một công trình điêu khắc loại…mini. Đó là bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế được khắc trên một mảnh ngà lớn chỉ bằng hột bắp. Tác phẩm này được đặt trên một lớp nhung đỏ, trong một chiếc hộp bằng kiếng lớn chưa bằng một hộp quẹt, phía trên nắp có gắn một kính hiển vi nhỏ. Nhìn từ lớp kiếng chung quanh, người ta sẽ thấy kích thước thật của vẩy ngà. Nhìn từ trên xuống, qua kính hiển vi,  sẽ đọc được bài thơ một cách rõ ràng. Đây là một tác phẩm…lớn trên một kích thước nhỏ. Nhỏ? Không, phải gọi là tinh tế mới đúng.

Nhỏ không phải là chịu lép vế. Bộ tiểu thuyết nổi tiếng Gulliver Du Ký (Gulliver’s Travels) của nhà văn lớn Jonathan Swift đâu phải là một tác phẩm nhỏ tuy là truyện nhi đồng. Truyện đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trong đó có tiếng Việt. Anh chàng Gulliver đi bụi dạt vào Blefusco, một vương quốc của những người khổng lồ, và vào Lilliput, vương quốc của những người bé tí hon chỉ cao “không quá 15 phân”. Hai vương quốc này cách nhau một eo biển chỉ rộng có tám trăm dặm. Một anh khổng lồ và một anh tí hon đánh nhau triền miên chỉ vì không đồng ý với nhau về cách ăn một trái trứng luộc. Anh thì bảo ăn đầu lớn trước, anh thì bảo ăn đầu nhỏ trước mới đúng. Nghe ra như khôi hài, nhưng nhà văn Jonathan Swift muốn chọc quê hai thế lực lớn thời đó là chính quyền và tôn giáo. Hai nước Anh và Pháp, cũng chỉ cách nhau một eo biển, hục hặc đi tới đánh lộn nhau hoài vì những chuyện tầm phào không đâu. Rồi Công Giáo và Anh Giáo đấu võ miệng với nhau về những khác biệt nho nhỏ. Ông Jonathan Swift dùng truyện con nít để chọc quê và giễu cợt những thế lực lớn. Ai bảo đó là chuyện nhỏ!

Cuốn truyện được xuất bản năm 1726 và gây thích thú cho người đọc. Cái tên Lilliput được đồng hóa với những con người nhỏ nhít. Từ lilliputian được dùng như một tĩnh từ để chỉ tính cách “nhỏ và tinh tế” không chỉ trong tiếng Anh mà còn trong nhiều ngôn ngữ khác. Một nhãn hiệu xì gà cũng mang tên Lilliput. Dĩ nhiên thứ xì gà này rất nhỏ!

Cái xứ sở của những người tí hon Lilliput chỉ là một sản phẩm tưởng tượng nhưng nếu có một đất nước như thế thật trên cõi đời này thì cô nhỏ Kenadie Jourdin-Bromley phải có thẻ căn cước của Lilliput. Năm được 3 tuổi rưỡi cô nhỏ chỉ cao có 69 phân, nặng hơn 3 kí, bằng chiều cao và sức nặng của một bé sơ sinh một tháng tuổi! Bác sĩ Charles Scott, chuyên viên về còi cọc cũng chịu không hiểu được: “Bé là đứa con nít nhỏ nhất thế giới, và việc tại sao bé lại nhỏ đến vậy vẫn còn là một bí mật lớn. Thực tôi cũng không biết gì.” Thực ra cô bé bị bệnh còi bẩm sinh. Bệnh này hiếm đến nỗi chỉ có khoảng 120 bệnh nhân trên toàn cõi Bắc Mỹ. Bệnh còi bẩm sinh, khác với các bệnh còi khác, là cơ thể vẫn cân đối bình thường nhưng chậm phát triển ngay từ khi thai nhi hình thành. Trường hợp của Kenadie, khi sinh ra chỉ nặng có 2 pounds rưỡi (khoảng 1, 12 kí). Bàn tay chỉ bằng đồng 25 xu và chân chỉ dài 3,75 phân! Mẹ của bé, bà Brianne Jourdin-Bromley, hồi tưởng lại giây phút chào đời của Kenadie: “Tôi chỉ muốn nghe nó khóc. Nếu khóc được là có cơ sống. Và rồi tôi nghe thấy tiếng meo meo rất nhỏ, nhỏ xíu! Các bác sĩ tin chắc rằng nó không sống được. Nhưng khi nhìn thấy nó, tôi nghĩ tại sao lại không được? Đó là một thân hình hoàn mỹ!” Ông bố Court Bromley cũng tự hào về đứa con…mini này: “Không ai trong chúng tôi có thể tin vào mắt mình nữa. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một sinh thể hết sức khó tin nhưng được tạo hóa ban cho hình hài tốt đẹp như thế!” Khi bé Kenadie ra đời, người ta mới biết là hai vợ chồng này mang gene bất toàn và cứ bốn lần sinh thì sẽ bị một lần như bé Kenadie.

Người lùn từ trong trứng nước còn sống cao tuổi nhất hiện nay là cô Riley, 26 tuổi. Giống như Kenadie, Riley cũng trải qua những trì hoãn tăng trưởng ngay từ lúc thụ thai. Mãi tới khi lên 3 Riley mới biết nói. Cuộc sống của chị đã trải qua những biến động tâm lý không giống ai. Thật khó mà chấp nhận được mình không bình thường tới mức là người nhỏ nhất trên thế giới, chịu sự soi mói và những phản ứng khác thường trong tia mắt người khác. Dù sao chị cũng là một thiếu nữ nên vấn đề của chị cũng như bao thiếu nữ bình thường khác: vấn đề ăn mặc. Chẳng có thứ quần áo nào vừa với kích thước khiêm nhượng của người phụ nữ 26 tuổi này. Chỉ có đồ trẻ em. Mà đồ trẻ em thì kiểu cọ khác với quần áo người lớn, mặc vào không ra làm sao cả. Nhưng vớ tới áo của người lớn thì Riley, cao đúng có 1 thước, chỉ vừa vào một cánh tay áo! Chết một nỗi là chị lại thích diện nên cứ đi phố là mê mệt trong các cửa hàng quần áo của tuổi thiếu nhi. Tuy lùn nhưng Riley lại có bản tính tự chủ rất cao. Chị không thích lệ thuộc vào người khác. Hiện chị đang kinh doanh một cửa hàng mỹ phẩm Mary Kay cùng với mẹ. Cũng như bất cứ thương gia nào khác, chị cũng lái xe hơi. Xe hơi được làm riêng tay lái cho người thiếu kích thước. Chị chăm học và học rất giỏi. Cha mẹ của bé Kenadie rất phấn khởi về cuộc sống của người đàn chị của con mình. Họ mong Kenadie sau này cũng giỏi giang như vậy. Riley thì lạc quan hơn. Chị tin là bé Kenadie sẽ vượt được chị vì xã hội ngày càng tiến bộ và dành nhiều ưu tiên hơn cho người khuyết tật, nhất là một nữ khuyết tật. Chị cho Kenadie một lời khuyên: “Hãy làm theo những gì trái tim em mách bảo. Bất cứ thứ gì. Và quyết không để cho sự tự ti dìm chết cuộc đời em!”

Bé Kenadie là công dân nhỏ nhất thế giới nhưng kỷ lục về nhỏ nhất khi sanh ra lại thuộc về bé Rumaisa Rahman. Bé ra đời vào tháng 9 năm 2004 tại Trung Tâm Y Khoa của Đại Học Loyola với sức nặng khiêm tốn là 243 gram, cỡ bằng cái…cellphone! Mẹ bé, 23 tuổi, bị một dạng bệnh động kinh khi mang thai một cặp sinh đôi. Các bác sĩ phải mổ để đưa bé Rumaisa, khi đó mới được 26 tuần lễ,  ra trước vì sức khỏe của bà mẹ bị lâm nguy. Thông thường thai nhi phải nằm trong bụng mẹ khoảng 40 tuần. Đứa bé song sinh kia, Hiba, được sanh ra vào ngày 9 tháng giêng năm 2005, cũng chỉ nặng 563 gram. Bé Madeline Mann, người giữ kỷ lục trước khi bị bé Rumaisa thay thế, cũng được sanh tại bệnh viện Loyola, đã trở về thăm nơi chôn nhau cắt rốn. Năm nay bé được 15 tuổi và chỉ cao có 1 thước 37.

Bà mẹ nhỏ nhất thế giới khi lâm bồn lại là bà Stacey Herald, 33 tuổi, cư ngụ tại Dry Ridge, Kentucky. Bà này cao có 71 phân. Câu chuyện mang thai của bà là một chuyện tưởng không thể xảy ra được. Vậy mà bà làm tới hai phùa. Cả hai đều là gái. Chưa bằng lòng, bà dọa sẽ sanh thêm một trai nữa. Dân Mỹ mà cũng có hiếu với thầy Khổng dữ! Bà kể như thế này: “Cả đời tôi, người ta bảo là tôi không mang bầu được. Bụng tôi nhỏ quá, nếu có thai thì cái thai sẽ nằm leo lên phổi, làm tổn hại phổi và tim và chết cả mẹ lẫn con. Người ta nói là nói vậy, còn trong thâm tâm tôi không tin. Vậy là khi tôi có mang Kutera, người ta bảo tôi phải phá thai. Tôi bướng bỉnh nói không. Bác sĩ của tôi, tôi sẽ yêu bà này tới chết, bà thật dễ thương. Bà bảo tôi: “ O.K. Mình cứ tiến hành. Tôi sẽ chăm sóc bà kỹ lưỡng. Bà đã cung cấp cho tôi lòng tin, chúng ta cứ thử xem ra sao!” Tôi có thể cá là chưa ai có thể thấy một người có cái bụng lớn phát khiếp như vậy. Nếu nằm ngửa, tôi như một con ốc sên. Hay giống như một củ khoai tây có chân và tay. Ai cũng biết chân tôi nằm đó nhưng chẳng ai có thể nhìn được chân tôi. Nó nằm lấp dưới bụng. Trông tôi như thể chỉ có cái bụng và những ngón chân”. Đứa con được sanh ra cũng bất thường như bà mẹ. Tới đứa thứ hai, tên Mukea, thì bình thường. Bà bầu này phải ngồi xe lăn vì nặng thêm 9 ký đưa trọng lượng tổng cộng của bà lên tới  32 ký rưỡi. Hy vọng là bé này sẽ có chiều cao trung bình về sau. Bà Stacey đã là một người can đảm, nhưng chồng bà là ai mà cũng có gan làm cho bà mang bầu? Đó là một mục sư tên Wi Herald, có chiều cao bình thường 1 thước 72. Ông này dĩ nhiên tin vào Chúa. Ông bảo là vợ ông và những đứa con của ông là quà của Chúa ban cho ông. “Tôi rất kiêu hãnh có người đàn bà như vợ tôi. Đúng là ân sủng mà chúng tôi có được hai đứa con. Vợ tôi là một bà mẹ vĩ đại và kinh khủng. Tôi muốn nói là không có một người đàn bà nào khác có thể là mẹ của các con tôi!”

Người mẹ nhỏ tuổi nhất là Lina Medina, sinh ngày 27 tháng 9 năm 1933 ở Peru. Lúc em bé này sanh đứa con trai đầu lòng thì bé mới được 5 tuổi 8 tháng! Người ta phải mổ để lấy bào thai ra vào ngày 14 tháng 5 năm 1939. Đứa bé cân nặng 2 ký 700. Cô bé sớm làm mẹ được coi là người mẹ trẻ nhất thế giới sanh ra được một đứa con đủ tháng và khỏe mạnh. Tại sao cô bé này lại mang trọng trách lớn lao của một người đàn bà sớm như vậy? Bởi vì cô mắc một chứng rối loạn dẫn tới dậy thì sớm. Lina đã có kinh nguyệt từ khi mới được 8 tháng tuổi. Lý do của sự rối loạn này vẫn chưa rõ. Cô nhất định không chịu khai cha đứa trẻ là ai mặc dù bị vặn hỏi. Người ta nghi chính cha ruột của cô đã lạm dụng tình dục đến mức cô mang thai. Ông bị bắt nhưng sau đó được thả vì không có bằng chứng. Cũng may cho ông bố này. Nếu sự việc xảy ra trong thời đại chúng ta thì cứ thử DNA là ra tuốt. Chối đi đâu được mà chối! Từ khi có trí nhớ, cậu bé Gerardo vẫn cứ tưởng Lina là chị của mình. Mãi tới năm lên 10 tuổi, cậu mới bị sốc khi biết sự thật. Garardo chết năm 1979 khi được 40 tuổi vì bệnh về xương tủy. Người ta không tìm thấy dấu hiệu gì về mối liên hệ giữa căn bệnh của cậu với việc mẹ cậu sinh ra cậu khi còn quá nhỏ. Năm 1972, lúc được 39 tuổi, Lina kết hôn với Raul Jurado và sanh đứa con thứ hai. Lúc đó đứa con đầu Gerardo đã 33 tuổi. Người con thứ hai này hiện vẫn còn sống tại Mexico.

Kỷ lục thế giới là những gì đặc biệt, có một không hai. Những con người với những kỷ lục kể trên là hi hữu. Nhưng cứ nhìn quanh, chúng ta cũng thấy con người chúng ta có người lớn người nhỏ, người lùn người cao. Có nhiều người trông khuôn mặt thì đã cứng tuổi nhưng thân thể thì không cao hơn một đứa nhỏ 10 tuổi. Tại sao lại có kích cỡ khác nhau như vậy? Câu hỏi hơi vớ vẩn! Thì ngẩng đầu lên mà hỏi ông xanh trên cao tít kia đi. Tại sao ông sinh ra tôi nho nhỏ, đứng chẳng bằng ai, chỉ chuyên nhìn lưng người khác! Nhưng cũng có những người thiếu thước tấc lại cám ơn Trời. Nhờ  cái lùn tì lùn tịt mà có job thơm hái ra tiền. Đó là những người lùn trong các đoàn xiếc hay đoàn hát. Bình thường thì ai thèm thuê mướn?

Nói đi nói lại thì bình thường vẫn dễ nhìn hơn dưới mắt mọi người. Ai cũng muốn xin hai chữ bằng an. Cứ đằng thằng ra thì chẳng ai muốn đứng ngang chân người khác. Nhưng ngày nay khoa học đã giải thích được tại sao người lại thiếu chiều cao, người lại dư thước tấc. Tất cả là do chất kích thích sinh trưởng do thùy não tiết ra. Nếu chất kích thích này được tiết ra nhiều thì sẽ thành người… gốc voi! Nhưng nếu chất kích thích này hiếm hoi trước thời kỳ phát dục thì cơ thể sẽ be bé xinh xinh. Có người trưởng thành chỉ cao khoảng thước mốt thước hai. Vì phần đầu của họ vẫn phát triển bình thường nên những người này có hình dạng không cân xứng, dáng đi lắc la lắc lư như con vụ đang quay. Nguyên nhân vì sao não của những người thấp bé này lại không tiết ra đủ chất kích thích thì khoa học vẫn chưa xác định được.

Tại Việt Nam vừa có một hội nghị về suy dinh dưỡng dẫn đến thấp còi được tổ chức vào trung tuần tháng giêng 2008. Theo phúc trình của hội nghị thì tại Việt Nam hiện có 2,6 triệu trẻ dưới 5 tuổi bị thấp còi chiếm tỷ lệ 34%. Với trẻ dưới 2 tuổi, tỷ lệ còn cao hơn nữa, từ 35% đến 40%. Đây là một tỷ lệ thuộc loại rất cao trên thế giới! Theo tiêu chuẩn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới thì trẻ phát triển bình thường sẽ có chiều dài trung bình 66 phân khi 6 tháng tuổi, 74 phân khi tròn năm và 86 phân khi tròn 2 tuổi. Tới 5 tuổi thì chiều cao trung bình là 1 thước mốt. Trẻ Việt Nam không đạt được tiêu chuẩn này. Theo một cuộc điều tra vừa được hoàn tất vào cuối năm 2007 thì còn thiếu tới 7 phân nữa thì trẻ Việt Nam mới cao bằng người ta.

Lý do chính khiến trẻ em Việt Nam bị thiếu thước tấc là không được chăm sóc đầy đủ khi còn là bào thai cũng như trong 2 năm đầu của cuộc sống. Ngoài việc chăm sóc tốt cho các bà  mẹ mang thai, bổ sung chất bổ cho trẻ nhỏ, một biện pháp dễ thực hiện để giúp trẻ có chiều cao bình thường là nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất là trong 6 tháng đầu. Theo Tiến sĩ Nguyễn Công Khẩn, Viện Trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia, thì nhiều người vẫn nói là họ nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu nhưng thực ra họ đã nhầm. Chỉ cần cho bé uống thêm nước lọc thôi là đã không thể coi là bú mẹ hoàn toàn được nữa. Rất nhiều người nhầm lẫn về chuyện này. Thông thường, các bà mẹ cho con bú xong bèn cho con uống chút nước gọi là để tráng miệng cho sạch hoặc để cho con khỏi khát. Việc làm này sai hoàn toàn vì trong sữa mẹ đã cung cấp đủ nước lại chứa các chất đề kháng giúp cho cơ thể bé chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Muốn cho miệng bé sạch, chỉ cần lau lưỡi cho bé là đủ.

Loanh quanh mãi về chuyện nhỏ nhít, tôi mon men định chiều ý mấy ông bạn mà không biết xoay ra làm sao để nói về chuyện nhỏ có cầu chứng tại tòa. Đó là chuyện của thứ bửu bối  nam nhi, mang đích danh là “thằng nhỏ”. Đã nhỏ có tên có tuổi đàng hoàng mà không được bàn tới dòng nào thì cũng khí không phải. Đang không biết bắt đầu như thế nào cho có vẻ tự nhiên thì may quá vớ ngay được một công bố của Bệnh Viện Bình Dân Sài Gòn vừa được phổ biến vào đầu tháng 3/2008 này. Thật quý hóa. Có lẽ hồi này các bác sĩ Việt Nam nhàn rỗi nên mới nghiên cứu về chuyện nho nhỏ nhưng tầm mức quan trọng không thể được coi là nhỏ được. Theo các nhà nghiên cứu tại khoa Nam học, bệnh viện Bình Dân, thì mục đích cuộc nghiên cứu là để giúp đàn ông Việt Nam không những chỉ so sánh với các nam nhi khác trên thế giới mà còn có thể tự so sánh với mình. Tôi rất nghi ngờ việc đàn ông chúng ta có thể đọ sức về mặt hình thức với các đàn ông khác trên thế giới. Cứ nghĩ người rồi ngẫm đến ta ắt biết. Vậy mà cuộc nghiên cứu lại đưa ra được một tin vui: chúng ta ăn đứt anh Hàn Quốc! Phải vậy chứ. Cái dân chi mà ào ào sang Việt Nam vơ hết gái lục tỉnh về làm vợ, tưởng ngon hóa ra thua chúng ta. Vậy thì kích thước của chúng ta ra răng? Khi hùng dũng thì “thằng nhỏ” của dân ta đo được 11,2 phân, chu vi là 8,8 phân. Khi hạ giáp thì chiều dài thun lại còn 6,6 phân. Các bác sĩ này nghiên cứu ra sao mà đo đạc được tài tình như vậy? Họ đo trên 100 ông tình nguyện, từ 18 đến 48 tuổi. Chúng ta phải hiểu ngầm là trên 48 tuổi là thứ không cần đo đạc gì nữa cho tốn…thước! Các bác sĩ đã dùng thước cứng, đo dọc mặt lưng chú nhỏ, từ gốc đến đỉnh đầu sau khi tác động gây cương bằng hình ảnh gợi cảm và tiêm thuốc vào thể hang. Ấy, biết kích thước chuẩn rồi thì cứ vào phòng tắm tự nghiên cứu xem chú nhỏ của mình có đủ sở hụi không. Nếu không thì cũng đừng cuống lên mà đi kéo, đi mổ, đi uống thuốc mong bằng anh bằng em. Các nhà nghiên cứu quý hóa tại bệnh viện Bình Dân đã căn dặn rằng: nếu thằng nhỏ vươn vai hết cỡ mà chưa đạt được chiều dài 7,8 phân hoặc khi hưu chiến mà chiều dài dưới 3,8 phân thì hãy đi cầu cứu tới y học để tăng…vốn!

Những con số nói trên có lẽ là những con số có tầm quan trọng không nhỏ. Nó có thể làm trọng tài cho những cuộc cãi vã chốn phòng the giữa bên có cũng như bên không có mà như có. Dĩ nhiên, như tôi đã xác định nhiều lần, tôi đứng ngoài các cuộc tranh cãi này. Tôi cũng bận chứ bộ mặc dầu đã trên 48 tuổi!

03/2008