Béo
Chim
Đi
Điếm
Đồi
Đúp
Hãi
Hẻm
Khăn
Khỏa
Lạnh
Lộc
Lưỡi
Mai
Mạng
Mặt


Nhậu
Nhột
Nhỏ
Nổ
Nở
Phún
Rình
Sành
Són
Tây
Tên
Thèm
Tiết
Valentine
Xẻo
Xmas

XMAS

Christmas nhất định không có tí ti ông già mặc áo đỏ cả. Xmas thì họa may! Tôi cứ tính như thế này. Cái thứ phim mới được phát tán trên mạng của em bé 19 tuổi Hoàng Thùy Linh, một thần tượng của các em gái tuổi teen trong loạt phim giáo dục Vàng Anh, đóng rất ăn khách được gọi là phim XXX. Tại sao lại XXX? Đó là một cách đánh dấu. Tỉ như một anh i tờ rít không biết ký tên thì cứ phết một chữ X vào cũng được công nhận là…chính hắn. Bằng vào những gì tôi được thấy trên màn ảnh những phim được đánh dấu XXX thì nhân vật chính có ba chỗ đáng đánh dấu. Đó là ba chỗ tương đương với cái chúng ta thường đánh số là vòng 1, vòng 2 và vòng 3. Cái ông già đỏ từ đầu xuống đến chân này chỉ được có mỗi một vòng: vòng bụng. Vậy nên Xmas chỉ có một chữ X!

Bụng bự là đặc trưng của ông già áo đỏ. Bụng bự thì có gì hay? Chẳng hay ho gì cả. Bụng bự còn là dấu chỉ của lười biếng. Lười biếng tập thể dục. Loại lười biếng này mang tới một thân thể bệnh tật rề rề rất là tốn tiền thuốc thang. Đó là một gương xấu mà ngay các trẻ em, thân chủ ruột của già Noel, cũng chê! Trong một cuộc khảo sát với 4 ngàn trẻ em Tây Ban Nha trên internet, 53% chê ông già Noel quá mập. Có 59% các em bày cho ông già này nên ăn kiêng cho bớt phì bụng, 19% khuyên ông nên tập thể dục. Vậy mà ông già Noel nào không có bụng cũng phải độn cho có bụng. Có bụng rồi đã thành ông già Noel chưa? Theo ông James Lovell, Giám Đốc trường chuyên dạy làm ông già Noel Fun Santa ở Luân Đôn, thì chưa. Ngoài cái bụng, ông già Noel còn phải tắm hàng ngày và bảo đảm rằng hơi thở không có mùi! Một điều kiện phải có nữa là phải nghiêm chỉnh và đúng giờ giấc.

Đúng giờ giấc? Giờ nào là giờ ông già này xuất hiện. Ngày xưa thì là đêm Giáng Sinh. Ngày nay thì hết biết. Tôi nhớ hai chục năm trước, khi các con tôi còn nhỏ, vợ chồng con cái chực chờ có ông già Noel là vác máy chụp hình đi chụp, thì sớm nhất cũng phải đầu tháng 12 mới thấy mấy ông này xuất hiện trong các shopping center. Khi các con tôi đã lớn, không thèm chơi với mấy ông râu dài này nữa thì tôi cũng lơ là với việc xuất hiện của họ. Năm nay, đọc lướt qua tấm bảng quảng cáo điện tử treo phía ngoài của một mall gần nhà, tôi bỗng giật mình. Ông già này đã tới rồi sao? Nhìn lịch thì mới là giữa tháng 11! Thời buổi tranh thương, ông già đầu bạc này cũng phải cạnh tranh với nhau. Càng xuất hiện sớm càng dễ hốt bạc.

Cách các ông xuất hiện cũng…tân kỳ hơn. Theo như truyền thuyết thì các ông ấy có mỗi một lối xuống trần là luồn theo ống khói mỗi nhà. Càng về sau, các ông ấy càng lười, ngại chui vào ống khói, nên ngồi xe rước sách rềnh rang ngoài đường phố. Ngày nay chỉ có một kiểu: xuống bằng máy bay trực thăng. Ông nào không có máy bay trực thăng thì về đuổi gà cho vợ!

Nói là nói vậy thôi. Cũng tùy theo nơi. Một ông già Noel ở Sài Gòn đã tự sự như sau: “ Tôi là một ông già Noel. “Tuổi nghề” của tôi năm nay là 5, tuổi đời là 25. Tuần lộc của tôi là chiếc xe gắn máy cà tàng thỉnh thoảng chết máy giữa đường…Năm thứ nhất tôi nhận làm việc cho một công ty bánh kẹo vào mùa Giáng Sinh. Bắt đầu từ 8 giờ sáng, tôi khoác lên người bộ quần áo đỏ và chòm râu dài trắng muốt với chiếc mũ nhọn có đuôi. Nhiệm vụ của tôi là đứng nhảy nhót trước cửa hàng trong tiếng nhạc Jingle Bell, Jingle Bell rộn rã…Năm thứ hai tôi không đứng nhảy múa trước các cửa hàng nữa mà cùng với 19 ông già Noel khác tỏa khắp thành phố để giao quà. Thấy tôi, bọn trẻ reo hò, nhảy cẫng lên, tóm chặt chân tôi, hôn tôi. Có đứa còn chuẩn bị một món quà nhỏ tặng lại cho ông già Noel và thì thầm: “ Con muốn đêm nào cũng được gặp ông. Mẹ con bảo nếu con ngoan thì đêm nào ông cũng sẽ tới, đúng không ông?”. Có những câu hỏi ngộ nghĩnh, ngây thơ khiến tôi phì cười: “ Ông ở trên trời có lạnh không ông? Sao ông có một mình mà không đi cùng bà?... Năm thứ ba, với lợi thế cao và mập ú, tôi lại được nhận vào vai ông già Noel cho một chương trình dành cho trẻ mồ côi. Những người lớn đêm đó đã cùng nhau hát múa, kể chuyện, tặng quà cho những em bé lang thang ngoài đường phố, những em bé không còn bố mẹ.”

Không hiểu có phải vì mang cái bụng…giun to phình như vậy hay không mà các ông già Noel đều có cái cười Ho! Ho! Ho! rung cả thùng nước lèo. Nụ cười truyền thống từ bao đời nay bỗng bị xét lại. Công ty Westaff ở Úc, một công ty chuyên cung cấp ông già Noel trên khắp nước Úc, đã ra chỉ thị cho các ông áo đỏ râu cước hãy hãm bớt volume tiếng cười. Lý do là vì tiếng cười hết volume của các ông đã làm trẻ em sợ, giật mình và khóc toáng lên. Tôi không hiểu vì ngày nay trẻ em nhát hơn hay vì các ông già này khỏe hơn nên xảy ra cớ sự như vậy. Công ty này còn làm tới yêu cầu các ông đổi tiếng cười từ Ho! Ho! Ho! ra Ha! Ha! Ha! cho thêm phần dịu hiền và vui tươi. Hai ông già Noel đã từ chức vì cho rằng quyền tự do bị xâm phạm và lệnh cấm là vô lý!

Ông già Noel là những người đem niềm vui đến cho trẻ em. Nhưng vui không chỉ vì tiếng cười mà còn vì quà cáp. Quà của ông già Noel nơi công cộng thực ra chỉ là vài thứ lăng nhăng giá trị hình như chưa bao giờ đạt tới mức một đô. Vậy mà con trẻ cũng thích. Chúng không biết là có những người hành tung bí mật cũng làm công việc tặng quà như ông già Noel mà quà tặng xịn hơn nhiều. Xịn hơn nữa là quà toàn bằng tiền. Dĩ nhiên là nhiều hơn một đô. Có điều họ hoạt động một mình nên phạm vi hoạt động hơi nhỏ. Khó mà gặp được những ông già xịn này. Tại Mỹ, chỉ có thành phố Kansas thuộc tiểu bang Missouri là có bóng dáng một ông. Ông này, từ 26 năm nay, cứ đến tháng 12 là ra tay nghĩa hiệp. Ông tìm những người nghèo, dúi vào tay tờ 5 đô hay 10 đô. Về sau này, ông chơi bạo, cho hẳn tờ 100 đô! Ông là ai, không ai biết. Ông không bao giờ tiết lộ danh tánh. Tháng 4 năm 2006, con người phúc hậu này bị ung thư thực quản. Ông bị mất tới 45 kí. Thấy tương lai làm ông già Noel…chui không còn bao lâu nữa, ông quyết định ra công khai để “hy vọng câu chuyện sẽ khuyến khích nhiều người khác làm việc thiện giúp người nghèo”. Tên ông là Larry Steward, 58 tuổi, thương gia trong lãnh vực truyền hình và điện thoại. Năm 1979, ông đi ăn trong dịp Giáng Sinh và trông thấy rất nhiều người nghèo, vô gia cư, không đủ ăn đủ mặc. Cầm lòng không được, ông cho họ tiền để mừng lễ. Và ông quyết định, trong mỗi mùa Giáng Sinh, ông sẽ đi tìm những người nghèo để tận tay trao cho họ tiền. Tổng cộng trong 26 năm qua, ông đã cho tất cả 1 triệu 300 ngàn đô!

Cũng cùng một xì tin cho tiền nhưng chuyện xảy ra ở Nhật Bổn bí mật hơn nhiều. Bí mật vì chuyện xảy ra ở trong các toilet công cộng không có đặt máy thu hình tại thủ đô Đông Kinh. Dân…chột bụng cần giải tỏa bất ngờ thấy những bao thư được rải trong phòng. Mỗi bao có đựng 10 ngàn yen, khoảng 82 đô Mỹ, và một lời nhắn viết tay: “ Xin hãy làm giầu từ số tiền ít ỏi này để được giải thoát về tâm hồn”. Trong vài tuần lễ, đã có tổng cộng 2 triệu yen, cỡ 16.400 đô, được tìm thấy. Một số người đã nộp lại những bao thư này cho cảnh sát. Việc những bao thư chỉ được rải trong toilet công cộng đàn ông chứng tỏ người này là một nam nhân. Nhưng sau đó, tại một chung cư, bao thư đã được bỏ vào 18 hộp thư riêng với số tiền tổng cộng lên đến 1,81 triệu đồng (15.210 đô). Rồi bao thư…hạnh phúc này được bỏ vào thùng thư của một phụ nữ 31 tuổi ở tận hải cảng Kobe với số tiền kỷ lục 1 triệu yen! Thế là thế nào? Nước Nhật lên cơn sốt vì hành tung đầy bí ẩn này. Như muốn chọc quê sự điều tra của cảnh sát, bao thư được rải tứ tung từ đảo Hokkaido ở cực bắc nước Nhật đến đảo Okinawa ở cực nam, mà toàn rải trong toilet đàn ông. Tổng cộng số tiền khoảng 4 triệu yen (32.720 đô). Bao thư được làm bằng giấy washi truyền thống của Nhật với chữ “tạ ơn” viết bằng tay ở bên ngoài. Kèm theo tiền, trong bao thư còn có một bức thư có ngôn ngữ đượm sắc thái Phật giáo hy vọng số tiền  sẽ “hữu ích cho việc theo đuổi kiến thức của bạn”. Tuồng chữ được các chuyên gia giảo tự cho biết là do cùng một người viết. Nét chữ run rẩy chứng tỏ người này đã cao tuổi hoặc bị bệnh. Nét chữ càng ngày càng xấu đi làm người ta suy đoán là bệnh tình của người này càng ngày càng nặng. Một chuyên gia đã nhận xét trên báo Asahi Shimbun: “Việc bức thư kết thúc bằng câu “Hãy hạnh phúc” cho thấy người viết không hạnh phúc. Có thể người này đang đối mặt với cái chết và muốn để lại cho thế giới một cái gì đó”.

Không biết các bạn nghĩ sao chứ tôi thấy khoái loại ông già Noel…tàng hình này. Cho như vậy mới là cho. Cho mà không cần ai biết tới. Cho như thế mới gọi là làm việc thiện thuần túy. Ít người được như vậy! Tôi nhìn thấy cái tình trong cách cho này.

Tình trong quà, trong cách cho quà, đó có lẽ là tinh thần của Giáng Sinh. Các gia đình di tản Việt Nam chúng ta đã học được bài học này. Đêm Chúa ra đời, dù có theo đạo Chúa hay không, chúng ta quây quần nhau lại, trao quà cho nhau. Như một lời cám ơn của một người cho mỗi người trong gia đình. Những món quà nho nhỏ nhưng chắc chắn thích hợp với mỗi người. Cha mẹ biết con cần gì, vợ biết chồng thích gì, chồng biết vợ thiếu gì, con cái biết cha mẹ đang mong gì, tất cả tình thương đã biểu lộ từ khi chọn quà, mua quà cho tới lúc trao quà. Đó là cả tấm lòng, cả tình yêu thương.

Nhà văn Mỹ O’Henry đã có một truyện ngắn để đời được nhắc nhở tới trong mỗi dịp Giáng Sinh. Câu chuyện “ Quà Giáng Sinh” nói về món quà của một cặp vợ chồng trẻ tặng nhau trong đêm Chúa ra đời. Hai vợ chồng James và Della sống trong một appartment chật hẹp tại Nữu Ước. Chồng có việc làm nhưng lương tiền thì ít, vợ thất nghiệp ở nhà. Lễ Giáng Sinh, Della chỉ có một đô tám mươi bảy xu trong túi. Mua được gì để làm quà cho chồng? Số tiền quá ít ỏi khiến nàng bật khóc. “Một đồng tám mười bảy xu, đúng như vậy. Hàng ngày, cô cố gắng tiêu thật ít tiền khi đi chợ. Cô đi loanh quanh tìm mua thứ thịt và rau rẻ nhất cho bữa ăn hàng ngày, ngay cả lúc cảm thấy hết sức mệt mỏi, cô vẫn cố tìm kiếm. Tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó…Ngày mai là Noel và cô chỉ còn một đồng tám mươi bảy xu để mua cho Jim, Jim của cô, một món quà. Cô muốn mua một món quà thực sự có ý nghĩa, một thứ có thể biểu hiện được tất cả tình yêu cô dành cho anh”. Cái cô định mua là một chiếc dây đồng hồ cho chiếc đồng hồ vàng của Jim. Đây là một vật gia bảo truyền từ đời ông nội anh tới anh. Nhưng chiếc đồng hồ quý không có dây đeo. Đó là một trong hai thứ quý giá nhất của cặp vợ chồng nghèo. Thứ kia là mái tóc của Della. “Della thả nhanh mái tóc dài óng mượt xuống lưng. Thật tuyệt đẹp, không khác nào như một chiếc áo khoác đang choàng qua người cô. Della cuộn tóc lên lại. Cô đứng lặng đi rồi thút thít khóc một hồi”. Cô quyết định bán mái tóc để mua chiếc dây đồng hồ cho chồng. Mua xong, trong túi cô còn vỏn vẹn tám mươi bảy xu! Bảy giờ tối, bữa ăn đã chuẩn bị xong, Della hồi hộp chờ chồng về. “ Thế rồi cửa mở, Jim bước vào. Trông anh rất ốm và như cần một chiếc áo khoác mới. Jim nhìn chăm chăm vào Della. Cô không thể hiểu được anh đang nghĩ gì, cô sợ. Anh không giận dữ, cũng chẳng ngạc nhiên. Anh đứng đó, nhìn cô với ánh mắt kỳ lạ. Della chạy đến bên Jim òa khóc: ‘ Đừng nhìn em như thế, anh yêu. Em bán tóc chỉ để mua cho anh một món quà. Tóc sẽ dài ra mà. Em phải bán nó, Jim ạ. Hãy nói ‘Giáng Sinh Vui Vẻ’ với em đi, em có một món quà rất hay cho anh này!’”. Người chồng ngồi thẫn thờ lặp đi lặp lại câu hỏi như một anh ngớ ngẩn: “Em nói là em đã bán tóc rồi à?” “ Chợt Jim vòng tay ôm lấy Della và rút từ túi áo ra một vật gì đó đặt lên bàn. Anh nói: ‘ Anh yêu em, Della, dù cho tóc em ngắn hay dài. Hãy mở cái này ra em, sẽ hiểu tại sao khi nãy anh sững sờ đến vậy’. Della xé bỏ lớp giấy bọc ngoài và kêu lên sung sướng, liền sau đó những giọt nước mắt hạnh phúc rơi xuống. Trong đó là một bộ kẹp tóc, những chiếc kẹp dành cho mái tóc óng ả của Della. Cô đã mơ ước có được chúng khi trông thấy lần đầu tiên qua cửa kính một gian hàng. Những chiếc kẹp rất đẹp và rất đắt tiền. Bây giờ chúng đã thuộc về cô nhưng tóc cô thì không còn đủ dài để kẹp nữa! Della nâng niu món quà, mắt tràn đầy hạnh phúc. ‘ Tóc em sẽ chóng dài ra thôi, Jim’, nói xong cô chợt nhớ tới chiếc dây đồng hồ vàng định tặng cho Jim. Cô chạy đi lấy. ‘ Đẹp không anh? Em đã tìm kiếm khắp nơi mới mua được đấy. Giờ thì anh sẽ phải thích thú nhìn ngắm nó hàng trăm lần mỗi ngày. Nhanh lên, đưa chiếc đồng hồ cho em, Jim, hãy nhìn nó với sợi dây mới này’. Nhưng Jim không làm theo lời Della. Anh ngồi xuống, vòng tay ra sau đầu mỉm cười nói: ‘ Della, hãy cất những món quà này đi. Chúng thật đáng yêu. Em biết không, anh đã bán chiếc đồng hồ để mua kẹp cho em. Giờ thì chúng ta có thể bắt đầu bữa ăn tối được rồi, em yêu!’”

Thứ quà này anh già mặc áo đỏ xuất hiện mỗi mùa Giáng Sinh chẳng có thể phát ra được! Nhất định là anh…bất lực! Có phải vì vậy mà dân chúng muốn phớt lờ anh để đi thẳng tới Thượng Đế chăng? Mùa Giáng Sinh bưu điện thường nhận được những bức thư gửi tới ông già Noel. Thường những thư này là của trẻ con. Bưu điện đã tạo riêng ra một địa chỉ của ông già Noel: HOH OHO. Đây là zip code theo kiểu Canada nhại theo nụ cười Ho! Ho! Ho! truyền thống của mấy anh mặc áo đỏ. Dĩ nhiên lập ra cho vui vậy thôi chứ biết chuyển cho ông già nào trong hàng triệu ông lổn nhổn khắp địa cầu. Bởi vậy nên những thư gửi loại này không cần dán tem. Người lớn thì không thể ngây thơ viết thư cho ông già…ăn theo này được. Họ gửi thư thẳng cho Thượng Đế. Họ thường xin một thứ ngoài tầm tay của ông già này: xin tha tội! Nhưng cũng có những người còn vướng víu lòng trần, họ xin quà cáp hay tiền bạc. Bưu điện chuyển những thư này đi đâu? Họ chuyển về bưu điện Jerusalem, nơi Chúa ra đời. Nhưng Chúa đã ra đi từ hai ngàn năm trước, làm sao mà chuyển thư? Bưu điện Jerusalem kể ra cũng thông minh: họ mang tới để bên Bức Tường Than Khóc, nơi mọi người vẫn tới cầu nguyện và nói chuyện với Thiên Chúa. Theo Giáo sĩ Samuel Rabinovich thì những ai đến Bức Tường Than Khóc để cầu xin, Chúa sẽ nghe. Có một lần Chúa nghe thật! Bức thư của một người nghèo Do Thái gửi Chúa than van về sự nghèo khó của gia đình. Ông này có tính sòng phẳng nên sau khi tả oán, ông viết phăng ra số tiền xin Chúa: 5000 shekel! Khoảng 100 đô Mỹ. Nhân viên bưu điện đọc lén thư, thấy hoàn cảnh tội nghiệp nên họ gom góp nhau giúp đỡ ông này. Số tiền gom góp được là 4300 shekel. Họ gửi cho ông nhà nghèo. Khoảng một tháng sau, Chúa nhận được thư cảm ơn của ông ta với lời dặn dò: lần sau Chúa có giúp thì xin đừng gửi qua bưu điện vì họ đã ăn chặn hết 700 shekel!

Ông Trang Châu thì không quà cáp chi cả. Ông chỉ nhớ. Đêm Giáng Sinh, nhìn tuyết trắng ngoài trời, ông nhớ về Sài Gòn xưa.

hỏi Saigon giáng sinh xưa?
ở đây thương nhớ với mong chờ
ở đây ta thiếu tình quê cũ
hỏi hận thù có lắng cơn mưa?
thanh thoát bài ca đêm giáng sinh
tiếng ai như tiếng quê hương mình
dáng ai như dáng em vời vợi
ta bỗng chạnh lòng nước mắt nhanh

Ông Trang Châu nhớ riêng cho ông hay nhớ cả cho chúng ta? Tôi e rằng các bạn và tôi, chúng ta đều có nỗi chạnh lòng giống như ông bạn Trang Châu của tôi. Bạn cứ thử đưa tay rờ lên mắt coi!

12/2007