Béo
Chim
Đi
Điếm
Đồi
Đúp
Hãi
Hẻm
Khăn
Khỏa
Lạnh
Lộc
Lưỡi
Mai
Mạng
Mặt


Nhậu
Nhột
Nhỏ
Nổ
Nở
Phún
Rình
Sành
Són
Tây
Tên
Thèm
Tiết
Valentine
Xẻo
Xmas

Thuở tôi còn học tiểu học ở Hà nội, xế cửa nhà tôi là một cửa hàng mã. Một ông chủ, vài ông thợ, người nào cũng dài ngoằng. Tôi nhìn thấy họ cả ngày ngồi đầu gối chạm tai hết chế tạo thứ này sang thứ khác. Thứ nào tôi cũng thích. Hình nhân, xe hơi, xe đạp, nhà lầu…thứ nào cũng óng ánh nhiều mầu sắc. Thấy tôi cứ lởn vởn suốt ngày đứng há miệng nhìn, một ông hỏi tôi: “Mày có thích làm nghề này không?” Tôi khoái chí gật đầu liền. Cả ngày làm thủ công như vậy sướng chết! Tôi vốn có khiếu và rất ham học giờ thủ công. Cắt cắt dán dán thú vị hơn làm bài tập toán nhiều. Nghe tôi trả lời, ông thợ nhìn tôi với ánh mắt thương hại: “ Lo mà học đi, đừng có làm cái nghề này, không khá nổi đâu!”

Khách hàng ra vào mua bán. Thường thì họ chỉ mua những thứ ít tiền như những khối vàng được xếp thành từng khối hình chữ nhật hay những tờ giấy vàng in những đồng xu bằng kim nhũ dính lằng nhằng vào tay. Những thứ to tát hơn thì phải đặt trước. Có một bà nhà giầu mỗi lần tới lấy hàng là chở cả xe xích lô lúc nhúc những xe cộ, nhà cửa, hình nhân, ngựa, voi…Tôi nhìn bà với đôi mắt thán phục. Khi bà đi rồi, tôi lân la hỏi ông thợ vui tính: “ Bà ấy mua làm gì mà mua nhiều vậy?” Ông thợ ái ngại nhìn tôi: “ Mày chẳng biết cái c… khô gì cả! Mua để cúng chứ để làm gì. Mày tưởng mua về để chưng bày chắc?” Tôi tưởng thế thật. Cả một xe xích lô như vậy thì bầy đâu cho hết. Tôi lần khân: “Cúng xong rồi thì làm gì?” Ông thợ như hết kiên nhẫn: “ Đốt chứ làm gì! Mày ngu quá đi!” Tôi câm tịt không dám hỏi tiếp nữa. Dại chi mà đưa mặt ra cho bị mắng là ngu. Tôi về hỏi chị người làm trong nhà. Chị ấy đâu có dám mắng tôi. Quả thật lời giải thích dịu dàng nghe dễ hơn lời đe nẹt dọa dẫm của ông thợ mã nhiều. Chị người làm giải thích là sau khi chết đi, con người sẽ sống ở một kiếp khác, cũng giống như đời sống ở kiếp này. Dưới đó nghèo lắm, họ không có tiền mua và cũng không có hàng để mua nên người ta mới làm ra hàng mã để cúng đốt xuống cho người dưới đó.

Lời giải thích làm đầu óc tôi hoang mang. Tôi học tại một trường Công giáo, các cha và các sơ nói khác. Khi chết con người hoặc sẽ lên thiên đàng hoặc sẽ sa hỏa ngục tùy theo người chết có tội hay không. Thiên đàng thì khỏi nói rồi. Suốt ngày chỉ có chắp tay đọc kinh, nhìn các thiên thần bay lượn quanh Chúa và các thánh. Đó là nơi chúng tôi nghĩ mình sẽ tới mặc dù chết là một thứ kinh hãi mà con nít chúng tôi chẳng bao giờ muốn nghĩ tới. Trong lớp tôi có một đứa bị chết vì bệnh thương hàn. Cả lớp run lên vì sợ. Các sơ trấn an là em đó bây giờ đang được hưởng phước thiên đàng, sung sướng vô cùng. Cũng mừng cho nó. Chứ sa địa ngục thì chỉ có…chết! Địa ngục là nơi của quỷ dữ đen xì có cái đuôi ngoe nguẩy phát khiếp. Đời đời kiếp kiếp chúng hành hạ người ta bằng những hình phạt kinh hãi như bỏ vào vạc dầu, đốt trong lửa nóng, nhúng vào nồi nước sôi, cắt xẻo từng mảng thịt… Ông cha dạy lớp tôi có tài kể chuyện. Ông kể những buổi hành hình của quỷ dữ nghe như ông đã chứng kiến tận tường. Tôi định hỏi xem cha đã xuống chơi dưới địa ngục chưa nhưng không dám. Ngoài sân chơi sau giờ học, tôi thắc mắc với đám bạn. Đứa nói thế này, đứa bảo thế khác, nhưng trong đầu óc chúng tôi địa ngục là có thật, kinh hãi vô cùng.

Cả thiên đàng lẫn địa ngục đâu có chỗ cho xe đạp, nhà lầu, hình nhân mà ông hàng mã làm ra cho người ta gửi xuống bằng những đống than đen xì đâu. Khi đã biết suy xét những đứa trẻ như tôi mới biết là thế giới bên kia có hai…phiên bản: một phiên bản thiên đàng địa ngục và một phiên bản dương sao âm vậy. Hai phiên bản này hiện diện song song với nhau, tùy người nào muốn tin phiên bản nào thì tin. Cả hai…trường phái đều giữ phần đúng về mình tuy chẳng có bên nào có kinh nghiệm bản thân về chuyện mai sau. Những người thực sự ra đi thì chẳng bao giờ về hé lộ chút gì về chỗ mình đang…định cư.

Nói chuyện về hàng mã là theo phiên bản thế giới chúng ta sống ra sao thì thế giới chúng ta tới khi chết cũng rứa. Đời sống y chang như nhau. Chúng ta có cái gì thì dưới đó có cái đó. Đời sống đó cũng thay đổi theo sự văn minh tiến bộ như thế giới chúng ta. Ngày xưa thì chỉ cần tiền, vàng bạc, xe cộ, nhà cửa, và nếu các bà thương chồng đi trước mình mà mình còn bận bịu trần thế chưa theo xuống được để cơm nước cho chồng thì kiếm một cô hình nhân gửi tạm xuống trước. Bởi vì dương sao âm vậy các bà vốn biết tính chồng nên lòng thì muốn chồng có người hầu hạ sớm tối nhưng máu trong người thì là máu ghen bèn phòng hậu họa bằng cách chọc mù mắt cô hình nhân. Hành động như vậy, các bà quả là cạn nghĩ. Gửi xuống cho ông chồng một cô gái mù thì cơm nước làm sao? Rồi chọc mù mắt thì những lúc tối lửa tắt đèn các ông chồng có thấy thiếu thốn gì đâu. Tối như…địa ngục thì mắt mù đâu có gì trở ngại hoạt động. Muốn ghen thì phải băm vằm cho nát nhừ cái thứ ông chồng ham hố kia! Từ cổ chí kim, tôi chưa nghe thấy chuyện có bà nào đang tâm hành động như vậy! Tôi muốn xúi các bà một cách hành xử quang minh chính đại hơn. Cứ bảo các ông hàng mã làm một hình nhân có sắc đẹp cỡ Thị Nở là yên chí. Cứ cho các ông nhắm mắt xài đỡ, khi nào các bà xuống, mặt hoa da phấn, thì ông ô-tô-ma- tích…come back to Sorrento ngay. Vậy có phải tam tứ tiện không: vừa được tiếng nhân hậu, vừa giữ được…bộ xương của chồng. Xúi các bà như vậy nhưng tôi thấy việc này không thể thực hiện được. Trăm phần trăm là không. Bởi vì tôi đố các bà mướn được một ông hàng mã chế tạo được một Thị Nở. Bài bản của các ông ấy là mặt trái soan, miệng hoa, mũi dọc dừa, tóc đen, tai nhỏ, mắt bồ câu. Có cho cả đống tiền các ông ấy cũng không dám làm chuyện phản…nghệ thuật đâu! Tổ vặn cổ chết tươi tức khắc!

Những thứ hàng hóa chúng ta gửi xuống cõi dưới mà tôi kể trên là những thứ từ thế kỷ trước. Ngày nay thế giới của chúng ta đã thay đổi nhiều, càng ngày càng có nhiều nhu cầu hơn thì dưới đó cũng y chang như vậy. Họ cũng tiến bộ theo chúng ta. Các ông hàng mã muốn bắt kịp nhịp sống cũng phải có nhiều sáng kiến. Tại Trung Quốc cũng như tại Việt Nam chúng ta, thời mở cửa, việc vàng mã coi bộ xôm tụ dữ. Nghề hàng mã sau một thời gian ngủ nghê vì chế độ vô thần không cho phép con người tin có cuộc sống sau cuộc sống này, nay đã hồi sinh rầm rộ. Người ta chi tiền cho hàng mã nhiều hơn. Làm như tuồng bao năm không đốt bây giờ đốt bù cho…sướng tay. Hàng mã ngày nay có thêm ti vi loại mặt phẳng đàng hoàng, computer, laptop, điện thoại di động, xe gắn máy. Chúng ta thử theo chị Nguyễn thị Láy ở Chương Mỹ, Hà Tây đi mua hàng mã: “Chị cùng với con trai vòng đi vòng lại nhiều lần ở Hàng Mã mà không chọn được chiếc xe nào vừa ý cho đứa con vừa chết vì đua xe. Vợ chồng chị bán hàng ở chợ, cuộc sống gia đình yên ổn cho đến một ngày đứa con trai lớn bỏ học đi theo chúng bạn đua xe. Đứa thứ hai cũng noi gương anh. Chị vừa khóc vừa nói với chủ hàng “Thằng bé nhà em thích xe xịn cơ, mấy cái xe này cổ quá rồi. Chị có kiểu nào khác không”.  Đứa con giằng lấy: Để con vẽ mẫu cho. Nó vẽ xong rồi đưa cho mẹ xem  ‘’Đấy, mai kia mà con cũng theo anh con thì mẹ đặt cho con một cái giống như thế này”. Người mẹ bật khóc to nhưng vẫn lấy tiền ra đặt ‘‘xe”.

Vậy thì đã ăn thua chi! Tại khu vực đường Trần Văn Đang, nằm trong quận 3 Sài Gòn, có một cậu ấm khoảng 20 tuổi. Ba mẹ cậu sanh một hơi 4 cô con gái trước khi nặn ra được cậu nên cưng quý lắm. Muốn chi được nấy. Sau khi học xong lớp 9, cậu nhất định không đi học nữa, chỉ ở nhà ăn chơi, hết lô tô, số đề đến đá gà. Khi có game online Võ Lâm Truyền Kỳ thì cậu mê game đến nỗi dọn qua tạm trú luôn ở một địa điểm internet gần nhà. Đến bữa ăn, các chị thay nhau mang cơm đến cho cậu đớp. Tiền chơi game thì mẹ cậu thanh toán với chủ địa điểm internet hàng tháng. Mải miết chơi như vậy, cậu trở thành một cao thủ. Đùng một cái, cậu qua đời trong một tai nạn giao thông. Quá thương con, ba mẹ cậu đã đặt hàng mã làm nguyên cả bộ máy vi tính để tiếp tục chơi game online. Ngoài ra, để cuộc sống của cậu không kém cuộc sống trước đây, toàn bộ nhà cửa, tủ lạnh, ti vi, xe cộ, vàng bạc, thẻ ngân hàng và cả một chị oshin nữa! Nghe mấy bạn cậu nói là muốn trở thành game thủ xuất sắc ở cõi âm thì phải có một con Nga Mi đi theo bơm máu để phục hồi năng lượng và luyện công lên đẳng cấp cao hơn, ba mẹ cậu đã đến khu vực Chợ Thiết đặt làm một nàng Nga Mi cao như người thật, cũng mặc đồ kiếm hiệp, khuôn mặt đẹp rạng rỡ như những nhân vật thuộc phái Nga Mi trong truyện của Kim Dung. Lại còn kèm theo đủ nhẫn, áo giáp, võ khí và nguyên một chú ngựa nữa!

Còn hàng loại…thầm kín thì khá phong phú. Các bà ghen thì ghen như vậy nhưng thương chồng thì thương cũng ra rít lắm. Có bà chơi dại gửi xuống cả thuốc viagra và bao cao su! Bao cao su dĩ nhiên cũng bằng giấy. Không hiểu dùng ra sao. Có an toàn không? Còn viagra bằng giấy thì tôi thực không hiểu được sự công dụng tới mức nào. Nhất là đây là sản phẩm made in China! Chuyện khó tin nhưng có thật này không phải tôi bịa ra nhưng đây là tin trên báo nội địa Ngoisao.net đàng hoàng. Còn ở Việt Nam thì các bà, ngoài xe Mercedes, còn gửi cho các ông những cô tiếp viên karaoke. Những cô này ngoại hình ra sao, máy móc như thế nào, tôi để bụng định sẽ tìm hiểu khi có dịp về Việt Nam. Chắc là phải hơn hẳn các cô hình nhân thời ấu thơ của tôi.

Các ông hàng mã tại Việt Nam và Trung Quốc còn sáng kiến tung ra các mặt hàng hiện đại như thẻ rút tiền ATM chẳng hạn. Phóng viên báo Người Lao Động kể lại: “Thấy tôi tỏ ý định muốn mua hàng mã cúng cho bố chồng, bà bán hàng tại chợ Bà Chiểu giới thiệu: “Ông cụ mất lâu chưa? Nếu chỉ mất một vài năm thì có thể mua thẻ ATM Amphu-Bank đốt cho cụ. Chỉ cần có thẻ này là người cõi âm muốn mua gì cũng được, không sợ thiếu thốn. Muốn thẻ luôn có tiền, chị phải chịu khó cứ vài tháng đốt giấy tiền, đô la và giấy chuyển tiền là cụ nhận được ngay”.

Thật tiện lợi! Lại còn có cả chi phiếu du lịch traveller cheque và cả…hộ chiếu nữa. Như vậy dưới cõi âm cũng có các nước ranh giới phân minh như trên dương gian này. Biết vậy mới thấy mừng cho các anh Ba, anh Sáu, anh Bảy. Có chỗ mà dùng tài trị dân!

Tôi vốn thích đi đó đi đây nên rất hứng khởi khi đọc được những tin đi đứng ngoạn mục như thế này. Vậy là xuống dưới chúng ta vẫn tiếp tục đi mỏi cẳng luôn. Thẻ tín dụng dắt lưng, chi phiếu lữ hành trong bóp, hộ chiếu trên tay, tha hồ mà du lịch. Không thấy nói tới chiếu khán. Tôi nghĩ đây là một thiếu sót chứ tôi không tin rằng ở dưới lại có chuyện bãi bỏ xin chiếu khán. Tiền là tiền không, bỏ sao được. Hơn nữa bỏ thì làm sao mà kiểm soát được những quân…diễn biến hòa bình? Cái thứ tiện lợi đôi đường như thế sức mấy mà bỏ.

Muốn du lịch phải có máy bay. Tôi nghĩ là mặt hàng này đã có trong các cửa hàng mã. Nhưng thứ máy bay công cộng như vậy, trên dương này thì phải dùng, xuống dưới chưa chắc đã được ưa chuộng. Người nhà trên này dư sức gửi xuống máy bay riêng. Máy bay giấy ấy mà! Trên dương con dân nước Việt đã sắm được máy bay riêng thì dưới âm, máy bay riêng là cái chắc. Máy bay cứ loạn lên. Phi công thì có thể đốt xuống được nhưng xăng chắc cả là một vấn đề. Xăng trên này đã mắc, lên giá ngày một. Dưới chắc cũng vậy. Chẳng lẽ lại đốt xăng gửi xuống. Nguy hiểm chết!

Xe hơi đầy đường, máy bay rợp trời, có ai kiểm soát không nhỉ? Tôi nghĩ là dưới đó rất cần cảnh sát công an để giữ trật tự. Âm phủ chắc tối tăm, việc lưu thông có lẽ có phần khó khăn hơn trên đây, công an cảnh sát phải nghiêm minh mới khỏi xảy ra tai nạn. Những anh công an trên dương thế này, thi hành luật bằng…thông cảm, xuống dưới chắc gì được việc. Nhưng cũng phải gửi xuống thôi vì toàn dân, nhất là thanh niên sinh viên, chẳng muốn nhìn thấy các anh trên dương thế này.

Cuộc sống duới âm đâu có phải chỉ toàn những thứ khô khan như cảnh sát công an mà còn có những cư dân tóc dài điệu đàng. Tôi không quên những bậc nữ lưu này thì các ông hàng mã sức mấy mà quên. Trên dương gian này những hàng hóa của Victoria’s Secret thịnh hành thì ở duới cũng mốt miếc chẳng kém. Trên dương trần chúng ta dùng đồ lót sexy thì dưới cũng phải sexy. Tại khu vực Choon Bang Heong ở thành phố Penang, Mã Lai, đồ lót hàng mã bán chạy như tôm tươi. Bộ nào bộ nấy hoa hòe hoa sói nhức mắt, lại còn may theo kiểu thiếu…giấy. Đơn giản nhất cũng là những bộ có màu da báo được trang trí màu mè lại còn gắn thêm những con bướm nhỏ xíu. Mỗi năm đồ lót…âm phủ càng thêm kiểu dáng. Bà Tay Lay Nah, một chủ tiệm hàng mã tíu tít vừa bán hàng vừa nói với nhà báo: “ Quần áo lót bằng giấy chúng tôi nhập khẩu từ Trung Quốc có chất lượng tốt hơn rất nhiều. Chạy theo xu hướng năm nay, họ cho ra các mẫu mã sáng tạo hơn như in hoa hay in lồng chữ vào nhau rất tinh xảo nhằm thỏa mãn các sở thích khác nhau”. Giá mỗi bộ không rẻ. Phải 4 RM, khoảng trên một Mỹ kim. Bà Tay hứng thú cho biết thêm là khách hàng rất thích đồ lót made in China, mua một bộ đồ lót thường họ mua luôn một bộ jupe, túi xách và giầy màu sắc ăn ý với nhau.

Chỉ chọn mua đồ lót không đã đau đầu. Đó là không nghe nói gì tới kích thước đấy! Nhìn hình chụp cửa hàng của bà Tay, tôi thấy kích cỡ giống nhau. Có lẽ người dưới âm không phân biệt size cup. Chắc cùng là bộ xương nên cứ one size fits all cho nó tiện, lại dễ cho nhau mượn khi đi dự dạ vũ.Không tin các bạn cứ hỏi người ở dưới đó thì biết. Làm sao mà hỏi?

Câu hỏi tưởng làm khó được nhau ai ngờ dễ ợt. Bạn có điện thoại di động không? Đã có đường dây nối xuống dưới để bạn a lô thoải mái. Trên báo mạng Vietnamnet trong nước, số post lên mạng ngày thứ tư 30 tháng 4 năm 2008, đã đăng tin tức nóng hổi này. “Mấy ngày gần đây, người dân tại Hội An rỉ tai nhau về một số điện thoại có đến 18 con số: 050.077.777.777.777.777. gọi về cõi âm không hề mất tiền. Để tìm hiểu thực hư số điện thoại cõi âm đó như thế nào, phóng viên VietnamNet đã liên tục kết nối vào số máy lạ trên. Tuy nhiên, cả trăm cuộc gọi liên tục trong nhiều giờ liền vào sáng sớm ngày 29/4 của phóng viên VietnamNet đều chỉ nhận tín hiệu báo thuê bao bận, không thể kết nối. May mắn duy nhất là cuộc gọi cuối cùng, máy điện thoại của phóng viên đã bắt được tín hiệu đổ chuông từ số máy trên. Tuy nhiên không có ai nghe máy. Bám theo tin đồn thổi trên, phóng viên ghi nhận từ lời rỉ tai nhau của một số người cho rằng số máy trên là số máy của cõi âm, chỉ điện để xem bói nên rất khó liên lạc được, vì có quá nhiều người điện nên quá tải. Nhiều người khẳng định đã liên lạc trực tiếp với số máy trên và đã có cuộc trò chuyện với “người cõi âm” và cũng qua số máy này, nhiều người đã liên lạc tìm người thân ở âm phủ để hỏi thăm cuộc sống như thế nào.”

Phóng viên sau đó đã liên lạc với ty Bưu Điện Quảng Nam mới được biết là số máy này không có thực. Để chắc ăn hơn, họ cho ông Phó Giám Đốc Bưu Điện Quảng Nam tên Địch số điện thoại này, ông này khẳng định “đây là số máy lạ mà lần đầu tiên ông nhìn thấy”. Vậy mà vào lúc 10 giờ rưỡi cùng ngày, ông Phó Giám Đốc đã dùng máy cá nhân liên lạc với số thuê bao trên và nhận được tín hiệu báo máy bận không thể liên lạc được! Cả ông phóng viên lẫn ông Phó Giám Đốc này đều có lương tâm nghề nghiệp quá đáng. Ở xa như tôi cũng biết ngay đây là một loại mê tín. Cần gì phải check cho đần người đi! Vậy mới biết trong chế độ vô thần này người ta hoang mang về…hữu thần đến thế nào.

Đồ mã ! Đó là câu không hay ho gì dùng để ám chỉ một món đồ dỏm, mau hư. Chung quanh chúng ta thiếu gì đồ mã. Hầu như thứ gì cũng có loại xịn loại mã. Đồ mã thường bán trong những tiệm One Dollar. Đồng hạng một đồng. Đồ xịn bán trong các cửa hàng danh tiếng. Giá cả rất tùy tiện. Tiền nào của đó! Xài đồ nào là tùy túi tiền của chúng ta. Các cửa hàng One Dollar thường tấp nập khách mua. Không phải họ thích xài đồ mã nhưng khả năng của họ chỉ có thể xài đồ mã. Cô cháu tôi từ Thụy Sĩ qua chơi, chỉ một buổi dạo quanh một cửa hàng One Dollar đã tha về  nguyên một xe đồ…mã! Hỏi trả hết bao nhiêu? Không bao nhiêu, khoảng gần trăm đô. Mua chi mua lắm vậy? Tại thấy toàn những đồ hữu dụng mà giá rẻ quá sức, bên Thụy Sĩ làm gì có của rẻ như vậy. Được cho biết là toàn đồ dỏm không tốt. Kệ! Cứ mua rẻ là thích rồi. Tôi cũng thích lân la trong những cửa tiệm mã này. Toàn xài bạc cắc không kể cũng thú vị chứ. Nghĩ lại thấy cũng lạ. Người dương thế rõ ràng mà cứ…mã mà xài. Chẳng lẽ phải nói lại: âm sao dương vậy!

07/2008