Béo
Chim
Đi
Điếm
Đồi
Đúp
Hãi
Hẻm
Khăn
Khỏa
Lạnh
Lộc
Lưỡi
Mai
Mạng
Mặt


Nhậu
Nhột
Nhỏ
Nổ
Nở
Phún
Rình
Sành
Són
Tây
Tên
Thèm
Tiết
Valentine
Xẻo
Xmas

TIẾT

Tiết được dân ta gọi chệch sang thành Tết. Tuy là một tiếng nhái nhưng nghe chữ “Tết” vẫn đã hơn chữ “Tiết” nhiều. Ông bạn tôi thì lại không đã. Năm nào ông cũng cằn nhằn: ngày chi mà cực thấy mồ!

Cực thiệt! Cực mà không được phép nhăn mặt, dù là tết con khỉ. Bởi vì đó thuộc vào một điều kiêng cữ trong rất nhiều điều phải kiêng cữ trong ngày tết. Có những điều kiêng vô lý (điều kiêng nào mà không vô lý?) nhưng chúng ta vẫn cứ theo vì như các cụ dậy: có kiêng có lành. Kiêng nên…ở dơ, đó là tục kiêng quét nhà trong ba ngày tết. Dân ta vẫn tin là nếu trong ba ngày tết quét rác trong nhà ra tức là quét tiền bạc ra khỏi nhà. Chẳng ai dại gì mà ném tiền bạc ra ngoài cửa tuy nhìn tới lõ con mắt cũng chẳng thấy xu nào trong rác. Đầu têu của chuyện kiêng cữ này là một chuyện chép trong sách Sưu Thần Ký. Có một người lái buôn đi qua hồ Thanh Thảo được quỷ thần tặng một cô nàng hầu tên là Như Nguyệt. Mang cô nàng này về nhà, ông lái buôn trở nên giầu có, tiền bạc đầy nhà, thóc lúa đầy kho. Một năm kia, vào đúng ngày tết, Như Nguyệt mắc một lỗi nhỏ, bị ông chủ đánh đập nên chui vào đống rác trốn. Người nhà mang rác đổ đi. Từ đó, người lái buôn khánh tận, tiền bạc mất hết, trở lại nghèo khó như xưa.

Ra không được, vào cũng khó khăn. Đó là tục xông đất. Ngày tết, đừng có lơ mơ tới nhà người ta sớm để trở thành kẻ xông đất. Đạp đất đầu năm mới là mang phúc lộc hay tai họa tới nhà gia chủ. Bởi vậy những người nặng vía, không hợp tuổi với gia chủ hoặc có tang không được…welcome. Thường thì gia chủ đã order người xông đất từ trước. Đó là những người hoặc là giầu sang phú quý, hoặc con cháu đầy đàn, hoặc vui tính , ăn nên làm ra. Tại miền Trung nước ta, những người trong họ của các vương tôn vua chúa thường rất được mời mọc đạp đất. Nếu gia chủ không nhờ được ai thì tự mình xông đất lấy. Họ sẽ ra khỏi nhà trước giờ giao thừa và trở về ngay sau khi tiếng pháo đầu năm hãy còn âm vang. Cứ tự túc tự cường như vậy là chắc ăn. Chỉ phải cái tội ngày nay chúng ta định cư trên các vùng đất lạnh, nai nịt giữa mùa đông tháng giá ra ngoài trời vào lúc nửa đêm quả là vất vả.

Nếu là người sợ ma thì còn mệt hơn nữa. Đêm trừ tịch ma quỷ mở hội xuống đường. Một mình trong đêm vắng rất dễ gặp. Đó là tôi nói trong trường hợp ma quỷ cũng biết di tản sang bên đây. Còn chúng có di tản thiệt hay không chắc phải hỏi các hãng máy bay! Nhưng bên quê hương chúng ta thì ma quỷ tràn đầy. Muốn ngăn ma quỷ vào chơi trong nhà thì chặn chúng bằng cây nêu. Đó là theo sự tích đức Phật trồng cây nêu để đánh dấu đất Phật, ma quỷ rét không dám xâm phạm vào. Ở nông thôn có cách off limit ma quỷ khác. Họ rắc vôi bột ở bốn góc vườn rồi vẽ một mũi tên chỉ ra ngoài. Ý chỉ hướng cho ma quỷ qua bên…hàng xóm!

Tết là phải đầy đủ. Trong Nam có tục trong ngày tết, khách tới nhà bất luận giờ nào, gia chủ cũng mời ăn cơm. Khách phải ăn, no cũng phải động đũa, không được từ chối. Từ chối là xui cho gia chủ. Đầy đủ nên trước giờ giao thừa, các vại nước trong nhà đều phải đầy ắp. Ngoài Bắc ngày xưa còn có tục gánh nước đến các gia đình trong làng để bán trong ngày tết. Nước vào nhà cũng như tiền bạc tìm đến nhà trong suốt năm mới. Tiền vô như nước mà lị!

Ai trong chúng ta cũng mong muốn cho một năm phát đạt, đầy đủ, khởi từ ngày đầu năm. Lòng mong muốn tích cực hơn nữa là cầu nguyện. Trong Nam có một lối cầu nguyện rất chi là…chữ nghĩa. Đó là cách nhắc khéo thần thánh bằng những dồ dâng cúng trên bàn thờ ngày Tết. Trái mãng cầu, trái dừa, trái đu đủ, trái xoài, nằm cạnh nhau thì nếu thần thánh thông minh và…biết đọc sẽ hiểu được thâm ý của gia chủ: cầu vừa đủ xài! Tuy chữ nghĩa có ngọng nghịu nhưng cứ đọc lên là biết liền. Thần thánh nào mà chẳng tường tận!

Phần con người với nhau thì tỏ lòng thành bằng những câu chúc. Chúc chưa hẳn là được nhưng chứng tỏ được tấm lòng của mình với người khác. Chúc lại chẳng tốn tiền tốn bạc gì nên người ta thường rất dễ rộng tay. Tiền bạc, hạnh phúc, con cái, sức khỏe… mặc sức mà phân phát cho mọi người. Ông Tú Xương có chướng tai gai mắt thì mặc ông ấy. Muốn thơ cứ việc thơ, chúng tôi chúc cứ việc chúc. Kệ ông ấy!  Nhưng sao những lẳng lặng mà nghe… vẫn còn sống tới bây giờ? Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau. Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang. Lẳng lặng mà nghe nó chúc con. Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu.

Bắt chước ai ta chúc mấy lời:
Chúc cho khắp hết ở trong đời.
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước,
Sao được cho ra cái giống người.

Bốn câu thơ…đau đớn làm đoạn kết cho bài “Chúc tết” vẫn còn trong vòng nghi vấn. Người thì bảo là người sau thêm vào, người thì bảo đích thị nhà thơ xứ Non Côi Sông Vị đã giáng một đòn chí tử vào cái giả dối của những câu chúc!

Chúc bây giờ khác xưa rồi. Giới trẻ bây giờ không đối mặt nhau mà chúc. Họ xài điện thoại cầm tay để chúc…nhắn. Người được chúc chỉ việc mở máy ra là đọc được những lời chúc. Tôi thấy cái kiểu chúc của các bạn trẻ bây giờ coi bộ được. Bởi vì tôi vốn hay đỏ mặt mỗi khi phải nói những câu chúc trong ngày Tết. Mà họ chẳng thua gì ông Tú tiền bối: họ cũng thơ.

Năm mới Tết đến
Rước hên vào nhà
Quà cáp bao la
Mọi nhà no đủ
Vàng bạc đầy hũ
Gia chủ phát tài
Già trẻ gái trai
Sum vầy hạnh phúc
Cầu tài chúc phúc
Lộc đến quanh năm
An khang thịnh vượng.

Thơ có họ hàng với vè nhưng chúc thì…bao la. Đủ các tiết mục. Cứ như mua một biếu…mười vậy! Lỗ mỗ hơn bằng những vần nhấn là lời chúc sau:

Cung chúc tân niên
Vạn sự bình yên
Hạnh phúc vô biên
Vui vẻ triền miên
Kiếm được nhiều tiền
Sung sướng như tiên.

“Thơ” hơn là lời chúc thất ngôn tứ tuyệt rất êm dịu mà lại cũng…bao la:

Năm mới chúc nhau sức khỏe nhiều
Bạc tiền rủng rỉnh thoải mái tiêu
Gia đình hạnh phúc bè bạn quý
Thanh thản vui chơi mọi buổi chiều!

Nếu cứ say đắm vào nền văn thơ chúc tết chắc sẽ chẳng có lối ra. Rất phong phú và đa dạng. Chúc nhau là mong mọi sự tốt đẹp cho nhau. Cuộc sống càng không đẹp thì càng cần những lời chúc. Đó là những viên thuốc tinh thần để thoát ra khỏi những hoàn cảnh khắc nghiệt. Chỉ có trong ngày đầu năm, giữa lúc đất trời phơi phới vào xuân, con người mới chùng lòng xuống, chúc nhau mà như tìm một chỗ dựa nơi bè bạn để lấy tinh thần cho cuộc sống chắc chắn là vẫn nhọc nhằn như năm cũ. Cuộc đời tù tội biết đâu là ngày mai! “Hôm nay mùng một Tết. Tôi cố hồi tưởng đến ngày mùng một Tết nào đó của tuổi thơ. Dậy thật sớm, mặc quần áo đẹp chờ tiền mừng tuổi. Ôi, ngày đó xa rồi, xa quá rồi! …
- Ngủ gì dữ vậy ông? Hồi sáng đến chúc thọ, ông chưa dậy. Chán ghê, chán ghê!
- Hãy còn sớm mà! Tôi lè nhè trả lời.
- Còn sớm à? Người ta chúc nhau ầm ầm, vui như Tết, còn ông cứ nằm ì ra như con heo.
Tôi cười, xin lỗi Mậu đi ra ngoài rửa mặt, đánh răng. Mặt trời lên đã quá cao, những tia nắng như bốc lửa trên mặt cát. Hôm nay mùng một Tết, thời tiết cũng chẳng có gì đổi thay. Mặt trời vẫn thiêu đốt, cảnh vật im lìm, chìm đắm dưới sức nóng hừng hực. Tôi quay vào:
- Nào, bây giờ ông muốn chúc gì, tôi sẵn sàng nghe.
Mậu nhìn tôi với cái nhìn nửa thương mến, nửa trách móc:
- Chúc ông năm nay sớm được về đoàn tụ với gia đình. Dồi dào sức khỏe bằng năm bằng mười năm ngoái.
- Không còn câu nào hay hơn nữa sao? Tôi hỏi Mậu với ý giễu cợt.
- Thế ông không muốn được tha à?
- Ai không muốn được tha, nhưng con đường cải tạo còn gian nan lắm! Không phải tôi nói gở đâu, nhưng thực tế đã mặc khải cho tôi thấy nhiều khó khăn hơn dự tưởng.
- Thế ông không chúc gì tôi à? Mậu mở to mắt nhìn tôi.
- Ông muốn chúc gì? Để tiện việc, tôi cũng chúc ông xêm xêm như ông đã chúc tôi! Chịu chưa?
- Giản dị quá nhỉ? Ông là chúa ấm ớ! Mùng một Tết gặp ông, chán ghê, chán ghê!
(Tạ Tỵ, Đáy Địa Ngục)

Ngày xuân không nói chuyện Tết trong tù thì ấm ức mà nói thì khó…Tết. Thôi thì, bạn tôi, bạn đã tới nhà tôi, chúng ta đã no những lời chúc, rượu tôi không uống, mà uống thì phải say, ngày xuân mà say khí không phải, chúng ta ngồi với nhau, uống chén trà sen cho đậm đà xuân. Bạn nói sao? Trà sen bây giờ có ra cái chi. Toàn một thứ tẩm chất hóa học cho có mùi sen. Mùi thì nồng, uống vào thì đắng. Đời nay chuyện gì cũng giả huống chi vài cọng trà mọn. Ừ thì đành rằng đời nó giả trá nhưng hôm nay ngày xuân ngày Tết, bạn với tôi, tri kỷ gặp nhau, ai lại dùng giả trá mà đãi nhau. Chẳng nói giấu gì bạn, bà cụ tôi Tết nào cũng ướp vài hộp trà sen để tặng những khách tri kỷ, cụ già rồi nên cách ướp của cụ cũng giản dị, nhẹ nhàng. Cụ mua loại trà mạn thượng hảo hạng về, mua hoa sen ướp. Không phải sen nào cũng ướp được trà. Phải là loại có bông lớn, màu hồng tươi, bông hoa trông xốp và nhẹ. Đây là loại sen thơm nhất. Loại sen màu quỳ mùi nhạt lại kém thơm. Loại sen trắng cũng thua. Mỗi mẻ trà nửa ký phải ướp ba lần, mỗi lần dùng một trăm bông sen. Mua sen về, mở búp ra, tách lấy nhụy hoa màu trắng dính trên đầu các sợi nhị màu vàng ươm. Tay tách nhẹ nhàng, nâng niu từng hạt gạo nhị trắng, được hạt nào bỏ liền vào hộp cho khỏi mất mùi thơm. Trộn chung nhụy với trà trong hộp kín, để vài ngày cho hương sen ngấm vào trà. Sau vài ngày, lấy ra, sàng bỏ nhụy đã héo, sao trà lên để giảm bớt độ ẩm. Rồi tiếp tục làm y như vậy với lứa sen khác. Sau ba lần ướp thì trà hoàn tất, ngát mùi sen thiên nhiên. Cụ gửi cho tôi một hộp nhỏ. Hộp này tôi giữ đã sáu năm, không mở ra, đặt trên bàn thờ cụ. Cụ cũng mất cách đây sáu năm rồi. Hôm nay, ngày tư ngày tết, gặp lại bạn hiền, tôi mạn phép cụ lấy xuống đãi bạn ngày xuân.

Hương sen ngát theo khói trà, chuyện xuân nở rộn giữa hai người bạn già. Ngày xuân, vạn vật tưng bừng, lòng người cũng ngát hương xuân, họ đùa nhau chuyện xuân. Ngày xưa chữ “xuân” thường được các cụ dùng theo nghĩa…xuân sự. Xuân sự là cái sự đời phơi phới xuân. Xuân tâm, xuân tình, xuân ý. Cụ Tiên Điền khi tả cảnh nàng Kiều gặp Thúc Sinh để thỏa tình gió trăng cũng đã vin vào chữ “xuân” để nói cái chuyện khó nói cho ra điều ra lẽ.

Hải đường mơn mởn cành tơ,
Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng.
Nguyệt hoa hoa nguyệt não nùng,
Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng!

Khó cầm lòng lắm! Đêm nguyên tiêu, lúc năm cũ chuyển sang năm mới, đất trời giao hòa, lòng người phơi phới, vạn vật bừng dậy, nam nữ có giao hòa hẳn cũng đúng ý trời. Đó là một đêm hội tụ đủ ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Này nhé: thiên thời là phút thiêng liêng của đất trời chuyển mình; địa lợi là khung cảnh gia đình và xã hội vui vẻ, nhộn nhịp, náo nức đón năm mới; nhân hòa là vợ chồng cảm thấy gần nhau hơn, dẹp hết mọi bất đồng, tỵ hiềm để lòng phơi phới đón xuân sang. Đó là niềm hứng khởi của tiết xuân làm cho sự giao hòa chồng vợ thêm nhiều ý nghĩa và khoái cảm.

Nhưng đêm giao thừa cũng là thời khắc mệt mỏi sau những ngày chộn rộn sửa soạn đón Tết. Bữa cơm tất niên thường thì thịt thà ê hề, rượu bia đổ ra không kiềm chế, thuốc lá đốt nối nhau mừng giao thừa. Đón năm mới, chồng vợ, con cái rủ nhau xuất hành đầu xuân đi hái lộc, thức khuya rong chơi làm tiêu hao sức khỏe. Vậy thì sau đó vợ chồng có nên…đón xuân trên chăn nệm chăng? Sách Tố Nữ bảo là không. Túi khôn về tình dục của thời cổ đại dạy bảo là không nên tù ti vào ngày đầu tháng âm lịch, vào giữa tháng cũng như vào cuối tháng.
Nếu cãi lại sách thì sao? Sách răn đe như sau: “Phạm vào cấm kỵ này, con cái sinh ra sẽ bị tổn thương, còn người nam thì sẽ “không còn giương lên được”; trong cơ thể lúc đó bị “dục hỏa thiêu trung” nghĩa là hỏa thị dục thiêu đốt tâm can làm cho nước tiểu có màu đỏ hay vàng sẫm. Nhiều khi còn mang thêm bệnh di tinh!”

Thêm nữa, sách Tố Nữ cũng khuyên không nên…xuân sự khi đã quá no hay đang cơn say, khi đã mất sức vì mệt nhọc. Bên trời Tây, kịch tác gia William Shakespeare trong vở kịch Macbeth, cũng đồng ý với sách Tố Nữ khi ông viết : rượu đem lại sự ham muốn nhưng lại làm mất đi khả năng thực hiện!

Không cho…mừng xuân thì thôi! Tôi tìm về với ông bạn thơ văn của tôi: ông Trang Châu. Nhà thơ của chúng ta đã làm một cử chỉ đẹp và lãng mạn trong ngày xuân: ông mừng tuổi người em bé nhỏ. Thường trong ngày tết người ta mừng tuổi bằng tiền mới, nhà thơ mừng tuổi bằng thơ, mà là thơ…ăn gian!

năm mới cầu chúc em
đừng buồn như hôm qua
và lạnh-nhạt như ngày-mai
để mừng em thêm một tuổi
anh sẽ trừ cho em một tuổi:
và đời đời em trẻ mãi trong anh.

12/2007