Béo
Chim
Đi
Điếm
Đồi
Đúp
Hãi
Hẻm
Khăn
Khỏa
Lạnh
Lộc
Lưỡi
Mai
Mạng
Mặt


Nhậu
Nhột
Nhỏ
Nổ
Nở
Phún
Rình
Sành
Són
Tây
Tên
Thèm
Tiết
Valentine
Xẻo
Xmas

TÊN

Ai cũng cần có một cái tên. Không có tên làm sao mà gọi? Chẳng lẽ lại cứ ông ổng la lên kiểu…quan họ: Này anh đó ơi! Này chị kia ơi! Gọi như vậy có khi vớ được cả chùm. Lợi mà không lợi.

Tên là để cho người khác gọi. Mình gọi tên mình thì hiếm. Hiếm lắm. Trong thơ hình như chỉ có một trường hợp độc nhất.

tôi buồn khóc như buồn nôn
ngoài phố
nắng thủy tinh
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền
buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường
tôi xin một chỗ quỳ thầm kín
cho đứa nhỏ linh hồn sợ chó dữ
con chó đói không màu

Chẳng cần nói cũng biết là thơ của ai. Thi sĩ gọi tên mình cho đỡ nhớ, vậy mà ai cũng nhớ tên ông. Bài thơ bỗng nổi tiếng. Về mọi mặt.

Cái tên quan trọng như vậy nên đặt tên cũng quan trọng. Ngày xưa thì quá quan trọng. Đó là công việc của những bậc trưởng thượng hay chữ. Thông thường phải xôi gà cúng kiếng mới có được cái tên “chữ” vừa hay ho vừa hanh thông cho hậu vận. Như Phan Long là dựa vào rồng, ý chỉ là có chí lớn; Khiết Phương nghĩa là hương tinh khiết; Băng Tâm nghĩa tiết sạch giá trong; Bạt Tụy nghĩa là hơn người. Đây là tên của một nhà ngữ học tự học, anh của anh bạn tôi. Hồi những năm đầu của thập niên 1960, Giáo sư Nguyễn Đình Hòa của Đại Học Văn Khoa Sài Gòn có sự bất đồng thâm sâu với ông Nguyễn Bạt Tụy này. Trong giảng đường, mỗi khi đề cập đến tên của nhà ngữ học…tự phát này, Giáo sư Hòa luôn gọi xách mé là: ông Siêu Quần Bạt Tụy! Anh bạn tôi cũng theo học Văn Khoa cùng vào lúc đó. Anh này có tướng tá rất con nhà võ! Rất may là anh học chuyên khoa Pháp văn nên không ngồi trong lớp của Giáo sư Hòa.

Thời thế đổi thay, nho học tàn dần, việc đặt tên tùy tiện hơn. Chữ nghĩa hình như không có địa vị cao trong việc đặt tên cho con trẻ. Lười suy nghĩ thì cứ sinh năm nào đặt tên năm đó. Mười hai con giáp đều có thể thành tên hết. Tý, sửu, dần, mão… dính vào người. Thật tiện! Vừa có tên lại vừa có tuổi. Lớn lên mới thấy bất tiện. Tuổi rành rành ra trong tên, giấu ai được? Thành ra những Nguyễn Thị Hợi, Trần thị Mão, Lê thị Thìn..v..v…chịu phép lộ tuổi thật với…nhân thế.

Đặt tên còn nhiều…trường phái. Tên hoa, tên trái, tên đất, tên sông, tên tài tử giai nhân có sẵn trong tiểu thuyết, phim ảnh (nhất là phim bộ), sử sách..v..v..Tên gồm nhiều thành phần: họ, chữ lót, tên. Họ thì chịu chết, khó đổi, trừ phi là vua yêu quý cho đổi theo họ vua cho…sang. Chữ lót thì thông thường nam Văn nữ Thị. Thông thường nên…thường quá, đổi thành những: trung, quý, ngọc chẳng hạn. Đó là cho con trai. Các thị thì kiểu cách hơn trở thành những tên ghép hai chữ lóng lánh hơn nhiều. Vậy nên chúng ta mới có Bạch Tuyết, Kim Oanh, Vân Trang, Lan Hương, Thu Hà… và, theo trào lưu phim bộ là Gia Hân, Hàm Hương…Tên cũng như tiền, càng nhiều càng tốt.Vậy nên đã hai chữ sao không ba? Thế là ra đời những cái tên Trương Ngọc Kim Oanh, Đinh Hoài Bạch Tuyết, Ngô Thụy Đài Trang…Chữ không mất tiền mua nên tên cứ…nối dài dần. Hoàng tộc thì Công Tằng Tôn Nữ, Công Huyền Tôn Nữ kéo thêm ba bốn chữ nữa. Viết trẹo cả tay! Dài tới bao nhiêu là vừa? Hình như không…biên giới! Một em bé ở Perton, Wolverhamton (Anh) có cái tên dài tới 27 chữ. Bà mẹ mê môn quyền anh nên lót cho cái tên chính Autumn Brown một lô tên võ sĩ ở giữa thành: Autumn Sullivan Corbett Fitzsimmons Jeffries Hart Burns Johnson Willard Dempsey Tunney Scheling Sharket Carnera Baer Braddock Louis Charles Walcott Marciano Patterson Johansson Liston Clay Frazier Foreman Brown. Tôi đã nín thở đánh ra cái tên dằng dặc này tuy biết chẳng ai lại có đủ nhẫn nại để đọc cho hết. Đọc đã chết. Gọi thì không biết ra sao. Mỗi lúc, như nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, muốn gọi tên mình cho đỡ nhớ, không hiểu phải mất bao nhiêu…thế kỷ? Vậy mà tên này chưa thấm tháp gì với cái tên của một người Đức tên…Thú thật với các bạn tôi bối rối với cái tên này quá. Làm sao diễn tả một cái tên đây? Nguyên chữ đầu của tên gọi và tên lót đã bao gồm đủ hết các chữ trong bộ chữ cái rồi. Thôi thì cứ đánh cái tên gọi và tên lót này ra trước đã: Adolph Slaine Charles David Sarl Frederick Gerald Hubert Irvim John Kenneth Loyd Martin Nero Oliver Paul Quincy Randolph Sherman Thomas Uncas Victor Willian Xerxes Yancy Zeus. Còn tên họ thì tôi chịu thua. Nó là một tên dính liền nhau bao gồm 588 chữ! Phải thú thật là tôi chịu không đủ can đảm để đếm chứ đừng nói là đánh máy ra. Mà đếm cũng đếm kiểu ăn gian. Đếm một hàng rồi nhân lên với số hàng chữ! Để cho có một ý niệm, tôi lại nín thở đánh chỉ một dòng đầu bao gồm 60 chữ: Wolfeschlegelsteinhausenbergerdorffvoraltennwarrengewissenhaf….Thôi, không dám làm rộn các bạn với những cái  tên dài hơi như vậy nữa. Nếu không, dám đứt hơi lắm!

Tên nó lằng nhằng như vậy nên người da đỏ có một lối đặt tên thực tế hơn nhiều. Nó căn cứ vào hoàn cảnh ra đời của đứa bé. Một cậu bé da đỏ hỏi mẹ:
“ Mẹ, tại sao anh trai của con lại tên là Cơn Bão?”
Bà mẹ nhỏ nhẹ giải thích:
“ Bởi vì anh ấy được thụ thai trong một ngày mưa bão.”
Cậu bé hỏi tiếp:
“ Thế tại sao chị của con lại tên là Hoa Cải?”
“ Bởi vì khi tạo ra chị ấy, mẹ và bố đang ở giữa cánh đồng hoa cải.”
“ Thế còn chị Mặt Trăng thì sao?”
“ Bố mẹ đang ngắm mặt trăng thì tạo ra chị ấy.”
Rồi bà mẹ nhìn cậu bé và hỏi lại:
“ Sao con lại băn khoăn thế hả Bao Cao Su Rách?”

Cũng đặt tên theo hoàn cảnh nhưng là hoàn cảnh xã hội. Như một bé gái ở Việt Nam, con của một ông ghiền bóng đá, được sinh ra vào đúng ngày đội túc cầu Việt Nam đoạt được huy chương bạc trong Đông Nam Á Vận Hội Sea Games đã đặt ngay cho cô con gái là Si-ghêm! May đây chỉ là tên gọi ở nhà! Một ông mê computer ở Trung Quốc đã đặt tên con là @! Cũng ở Trung Quốc, nơi đang chờ đón sự kiện trọng đại là Thế Vận Hội Bắc Kinh, đã có 3491 em bé gồm 3216 bé trai và 275 bé gái mang tên Ao Yun nghĩa là Olympic! Người ta dự tính sang năm 2008, năm Thế Vận Hội khai mạc, sẽ có thêm rất nhiều Ao Yun nữa. Còn lối đặt tên theo các tên của các ngôi sao điện ảnh hay các danh thủ thể thao thì rất nhiều. Cũng vẫn tại Trung Quốc, có tới 16.974 em có tên Lưu Đức Hòa. Anh này là ai, chắc các đệ tử phim Tàu đều biết. Nhưng tên Lưu Đức Hòa chưa phải là…vô địch. Tên được đặt theo nhiều nhất là Lưu Tường, một vận động viên môn điền kinh của Trung Quốc, với 18.461 em. Còn anh cầu thủ bóng rổ cao lêu nghêu Diêu Minh (Yao Ming) có 5.597 em…ăn theo cái tên.

Có những cái tên được đặt theo thời. Như thời này là thời của tiếng Anh ở Việt Nam. Có tí tiếng Anh là có đường tương lai rộng mở hơn. Trường dậy tiếng Anh mọc lên như nấm, học trò kéo nhau đi học như đi hội. Vậy là cái tên Anh bỗng…thời thượng. Chị Mai Phương, giáo viên tiếng Anh tại trường Trần Nhân Tông, Hà Nội, đã phải than thở: “ Chưa bao giờ thấy nhiều trẻ em được đặt tên Anh nhiều như bây giờ…Tôi đi dạy, đến lớp nào mở sổ điểm ra cũng thấy đến gần một nửa danh sách lớp là các học sinh tên Anh. Thôi thì đủ cả: Đức Anh, Minh Anh, Duy Anh, Tuệ Anh…Chẳng biết hiện tại và tương lai, lũ trẻ có thích cái tên của mình không, chứ bây giờ đứa thì bạn bè phải gọi bằng tên ở nhà, đứa thì phải kêu đủ cả họ cả tên thì mới thưa!”

Cũng ở Hà Nội, chị chuyên viên tại Bộ Ngoại Giao tên Yến thì lại…bang giao quốc tế khi cho ý kiến về đặt tên con: “ Việt Nam bây giờ tiếp xúc với người nước ngoài nhiều, vì thế nên cố gắng đừng đặt cho con những cái tên mà khi phát âm bằng tiếng Anh, bỏ dấu, lại mang những ý nghĩa xấu. Như tôi đặt tên cho con là Loan với mong muốn con được xinh đẹp, phú quý. Không ngờ sau này có người bạn Mỹ đến chơi, họ thắc mắc: ‘Hồi sanh con, cô đang mắc nợ nhiều lắm hay sao mà đặt tên con như thế?’ Còn rất nhiều cái tên khi đọc lên bằng tiếngViệt thì rất hay như Dũng, Phúc nhưng khi phát âm bằng tiếng Anh thì lại có nghĩa cực kỳ…tệ!”

Đấy, đặt tên con không khéo phiền phức đến thế! Bởi vậy nên một cặp vợ chồng ở thành phố Asyut, Ai Cập, đã rất cẩn thận khi đặt tên con. Họ đã nghĩ tới cả ngàn cái tên ngay khi biết đã có một sinh vật trong bụng bà vợ. Mãi tới lúc cậu con trai chui ra khỏi bụng mẹ, cái tên vẫn chưa được chọn xong. Bị thúc bách họ cuống cuồng lên. Mặc dầu vậy, họ vẫn không đồng ý được với nhau. Người nào cũng nôn nóng, cuối cùng họ…nóng với nhau. Họ cãi nhau mỗi ngày, mỗi giờ. Khi hết chữ để nói với nhau, họ nói với nhau bằng võ lực. Cả hai đều bị những vết thương cần vào bệnh viện điều trị. Cảnh sát can thiệp kịp thời. Không phải họ dành quyền đặt tên cho đứa trẻ đâu. Đời nào vợ chồng này lại chịu nhường cái quyền đặt tên cho chính quyền. Họ bắt hai vợ chồng phải hứa là không được đặt tên con bằng…nắm đấm. Tới bây giờ đứa bé vẫn ca bài…không tên!

Cũng nên thông cảm với hai vợ chồng này. Bởi vì tên liên quan tới nhiều thứ lắm. Đó không chỉ là một thứ để gọi mà còn là số phận của con người. Hầu hết mọi người đều thấy tên mình…dễ thương. Nhưng cũng có những người chán ghét tên mình. Họ phàn nàn tại sao bố mẹ lại đặt cho họ những cái tên họ không ưa chút nào. Có những người khi lớn muốn đổi tên. Nhất là khi tên của họ, nếu ghép với tên người yêu hay tên vợ, là một…thảm họa. Như anh tên Cầu, chị tên Tiêu. Anh tên Dục, chị tên Tình. Anh tên Hợp, chị tên Giao. Phiền phức lắm!

Tên nhiều khi ảnh hưởng tới quyết định của con người. Người ta thấy tại Mỹ, những người tên Jack có xu hướng chuyển đến sống tại Jacksonville và cưới người tên Jackie, người tên Philip ưa chọn sống tại Philadelphia và cưới cô gái có tên Phyllis. Các nhà khoa học gọi hiện tượng này là “hiệu ứng cái tên”. Cuộc nghiên cứu của Leif Nelson, Đại Học California, lại đưa ra một khía cạnh rắc rối khác của cái tên. Tại các Đại Học Mỹ, người ta xếp hạng học lực từ giỏi xuống dốt bằng những chữ A, B, C, D. Sau khi khảo sát học lực các sinh viên ban Master tại trường, nhóm nghiên cứu thấy những sinh viên có tên bắt đầu bằng chữ C và D có điểm học lực thấp hơn các sinh viên có tên bắt đầu bằng chữ A hoặc B. Thấy hay hay thì ghi vào  chứ riêng tôi, tôi nghi ngờ kết luận này.

Chữ đầu của một cái tên có ảnh hưởng chăng là ảnh hưởng đến chuyện…phiếm! Thời trước 1975, chúng ta chắc chưa quên trò chơi dùng những chữ trong một cái tên hiệu thuốc lá để cho những anh ngồi tán dóc trong các quán cà phê mua vui. Như thuốc CAPSTAN được tán ra thành “ Chiếc Áo Phong Sương Tình Anh Nặng”, thuốc PALL MALL thành “ Phải Anh Là Lính Mời Anh Lên Lầu” hay thuốc SALEM tán ra “Sao Anh Làm Em Mệt”. Chơi cho vui ấy mà! Bây giờ người ta tán tên quốc gia thay vì tên thuốc lá. Tán một cách rất lãng mạn. HOLLAND là “Hope Our Love Lasts And Never Dies” (Hy vọng tình yêu của chúng ta bền vững và bất tử); ITALY là “I Trust And Love You” (Anh tin tưởng và yêu em); LYBIA là “Love Is Beautiful; You Also” (Tình yêu thì đẹp, em cũng vậy); FRANCE là “Friendships Remain And Never Come End” (Tình bạn tồn tại và không bao giờ dứt); CHINA là “Come Here, I Need Affection” ( Hãy tới đây, tôi cần yêu thương). Còn tên nước Việt Nam chúng ta? “Viagra In Every Time, Night And Morning”! Chắc chẳng cần dịch mà ai cũng hiểu!

Họ và tên đeo dính chúng ta từ lúc oe oe chào đời tới lúc hui nhị tì. Thường thì như vậy. Nhưng cũng có khi phong tục bắt tên phải đi chơi chỗ khác. Như người đàn bà Âu Mỹ khi lấy chồng thì đổi theo họ của chồng. Từ ngàn xưa phong tục đã định như vậy. Năm 1855, bà Lucy Stone ở Massachusetts đã phản đối chuyện bất bình đẳng này nhưng không được hưởng ứng của chị em phụ nữ. Luật pháp Hoa Kỳ cho phép các bà muốn đổi theo họ chồng hay giữ nguyên tên họ cũng được, vậy mà khoảng 95% các bà vẫn đổi họ khi lấy chồng. Tại Canada, các bà…cách mạng hơn. Họ vẫn giữ tên mình khi sang ngang. Giáo sư Louise Langevin, Phân Khoa Luật, Đại Học Laval, Québec, cho rằng: “ Ý tưởng nấp sau sự đổi tên này là đàn bà là tài sản của đàn ông. Họ được chuyển từ sự cai trị của người cha sang người chồng!” Quả có việc chơi ép nhau thật! Bởi vậy nên từ năm 1981, tỉnh bang Québec của tôi mới ra luật ấn định rõ ràng là lấy chồng cứ việc lấy nhưng không có đổi tên đổi họ chi cả. Bà Rolande Dubreuil, ngụ tại St. Roch de l’Achigan, cách Montreal 60 cây số về phía đông bắc lại cằn nhằn: “Tôi ghét cái lối áp đặt lên tôi như vậy!”. Thiệt tình cái bà…nhà quê này! Cho…chủ quyền mà không chịu. Theo thống kê cho thấy thì các bà ở các thành phố lớn, có học thường có khuynh hướng giữ nguyên tên mình khi lên xe hoa trong khi các bà ở tỉnh lẻ, ít học, lại muốn theo gót tiền nhân cho có lễ nghĩa! Bà Giáo sư Luật Langevin lại nhìn sự việc dưới con mắt luật gia. Bà thấy luật này rất tiện bởi vì dân Québec hay ly dị. Có 50% ly dị tại Québec trong khi dân Canada trong các vùng nói tiếng Anh chỉ có 38% ly dị thôi. Cứ ai giữ tên nấy thì khi ly dị đỡ phải đổi đi đổi lại  vừa phiền phức vừa thêm tốn kém cho ngân quỹ tỉnh bang! Tôi thấy dân Việt ta từ ngàn xưa tới giờ cư xử rất ngon lành trong lãnh vực này. Phụ nữ ta khi lấy chồng vẫn cứ giữ tên thời con gái như thường. Chẳng đổi thay gì cho rắc rối sổ sách. Nhưng trong đời sống gia đình và xã hội thì có đổi. Thí dụ cô Mận khi lấy chồng tên Cam chẳng hạn là ô-tô-ma-tích được gia đình và chòm xóm gọi là…mụ Cam, mẹ Cam hay nhà Cam. Mận đã mất mùa! Gắn bó với chồng trong cuộc sống gia đình và xã hội nhưng sổ hộ tịch thì vẫn cứ là Nguyễn thị Mận, chẳng mòn đi chút nào. Vừa có cái thân mật chồng vợ, vừa giữ được…chủ quyền. Mất mà không mất, không mất mà mất. Cứ lờ mờ nhân ảnh như vậy hóa hay!

nếu em không là Hồng là Mai là Cúc
thì xin gọi em là em
người con gái phụng phịu trả lời: em muốn
anh gọi em bằng…tên anh!
(Trang Châu)

Khi yêu nhau thì cái tên người yêu luôn luôn êm dịu ngọt ngào, tên cô cũng như tên cậu. Đổi đi thì biết sao mà gọi tên nhau? Như ông Nguyên Sa gọi tên người yêu:

Một buổi sáng tỉnh dậy không thấy em tôi
chạy ra cửa sổ gọi tên em rất to. Những tiếng kêu
thất thanh vang trên hè phố.
Tôi bảo rằng em phải về ngay,
Nếu e ngại tâm hồn còn bé dại,
tôi sẽ hóa thân làm một cậu bé học trò
không bao giờ thuộc bài vì mải mê đọc tên người yêu
từ sáng đến chiều, từ đêm đến sáng

Cùng là nỗi nhớ, ông Nguyên Sa gọi tên người yêu, ông Thanh Tâm Tuyền gọi tên mình. Vậy mà ông Thanh Tâm Tuyền cứ một mực…Tôi Không Còn Cô Độc!

12/2007