Kính thưa quý vị,
Thưa các bạn,
Những ngày cuối năm 1994 tôi lạc bước tới Paris và đã gặp Bích Xuân
tại thành phố được mệnh danh là thủ đô của thế giới này. Trong một
buổi tối đưa tôi đi thăm kinh đô ánh sáng lúc lên đèn, Bích Xuân đã
vừa lái xe vừa đọc thơ Paris của Bích Xuân cho tôi nghe:
Paris thương nhớ về chiều
Bóng ai xa lạ dập dìu phố yêu
Lòng em sao mai buồn thiu
Như mây chen lấn cô liêu giữa đường
hoặc:
Đang mùa xuân sắp qua đi
Ta đang xây mộng như phi lao trường
Paris trầm lắng niềm thương
Bóng đêm trăng lặn gối giường băn khoăn
Đối với người Việt chúng ta Paris như có chút gì
thân quen. Những Eiffel, Louvre, Notre Dame, Luxembourg...chưa bao giờ
trong tầm mắt mà như đã từ lâu trong tâm hồn. Và dòng sông Seine, dải
sông chạy xuyên suốt thành phố, hình như cũng xuyên suốt trong tim chúng
ta:
Sông Seine rêu lá ngập nhạt màu
Nước thời gian lặng biết về đâu
Cho chiều mộng dưới hoa nhung tím
Ấp ủ lòng tôi dịu nỗi đau
Thơ Paris nghe giữa lòng Paris như thấy thấm hơn. Thành phố trước
mặt mất đi vẻ xa lạ trong mắt khách phương xa để mang vẻ ấm cúng của
một chốn quen thuộc. Paris không còn ở trước mặt mà đã nằm sâu trong
lòng.
Thơ được nghe đúng nơi chốn đã mang dáng vẻ khác. Không còn là thơ
của người làm thơ mà chừng như đã thành thơ của người nghe thơ.
Một bài thơ nằm trên mặt báo hoặc được in trong sách mới chỉ đi quá
nửa đoạn đường tới độc giả. Khúc đường còn lại cần phải có cái với
tay của người đọc. Tùy theo tâm trạng, tùy theo hoàn cảnh, tùy theo
cảm xúc mà người đọc cảm được thơ nhiều hay ít. Thơ tình đối với người
đang yêu chắc phải có ý vị hơn thơ tình được đọc bởi những người đã
quá lứa yêu. Một giọng thơ buồn hẳn sẽ buồn hơn đối với người đọc
đang có niềm tâm sự u uẩn trong lòng. Một bài thơ đượm tình quê hương
hẳn sẽ thấm thía hơn với người đọc xa xứ đang nặng lòng nhớ về chốn
cũ. Chính người đọc đã phần nào phả cái hồn thơ vào một bài thơ. Nói
một cách khác, trong một chừng mực nào đó, người đọc chính là tác
giả thứ hai của bài thơ.
Thơ Bích Xuân vốn là thơ buồn. Mà buồn là chuyện cơm bữa của người
Việt chúng ta. Chẳng thế mà trước năm 1975 các cô đào Thanh Nga, Kim
Cương đã gom góp được biết bao nhiêu là nước mắt của khán giả. Bích
Xuân khởi nghiệp thơ từ một chuyện rất buồn. Năm 1988, xúc động khi
được tin mẹ mất ở quê nhà, cô đã sáng tác bài thơ đầu tay:
Bốn giờ sáng mười chín
Nhận tin mẹ đi xa
Giã biệt đời đau khổ
Xa ngút tận quê nhà
Nỗi buồn mất mẹ có lẽ là nỗi buồn lớn lao nhất của
mỗi người chúng ta. Người đã cho chúng ta cuộc sống khi buông tay ra
đi đã để lại trong lòng chúng ta một khoảng trống không cách gì lấp
đầy nổi:
Ngũ Hành Sơn non nước
Mẹ nhắm mắt êm đềm
Đời chúng con mất mẹ
Như trời thiếu sao đêm
Thơ khởi đi từ nỗi buồn riêng đã nhanh chóng hòa
nhập vào nỗi nhớ chung của những người di tản chúng ta. Quê hương là
một nét lớn trong thơ Bích Xuân. Quê hương của Bích Xuân đã được lọc
hết vẻ hào nhoáng của ánh sáng đô thị, đã được gạt ra những phũ phàng
của chiến tranh để chỉ còn có một thứ quê hương nguyên chất nơi đồng
quê. Quê hương là những nàng thôn nữ dập dìu gánh thóc:
Đong đưa đôi thúng theo nhịp bước
Gánh thóc em về giữa rạ thơm
Tóc mây lơi lả trên đòn gánh
Phơ phất bay theo đợt gió nồm
Quê hương là những ngày tết nơi đồng quê:
Sức xuân đang đến với rộn ràng
Những đòn bánh tét đợi xuân sang
Nếp tươi lá chuối xanh thơm nhẹ
Thoảng áng hương lài phơi phới lan
Hoặc quê hương là nỗi buồn trước thiên nhiên dấu
yêu nơi đất mẹ:
Ngồi buồn vơ vẩn nhìn mưa
Lùa theo mái tóc nhớ xưa hôm nào
Nhớ xưa gió rạt mưa rào
Bông sầu đông rụng xôn xao nỗi buồn
Quê hương của Bích Xuân là thứ quê hương xưa cũ,
thật xưa cũ, thứ quê hương được nói nhiều trong thơ tiền chiến. VÍ thế
nên đôi khi trong thơ Bích xuân chúng ta thấy vương vấn hơi thơ tiền
chiến. Có những đoạn làm chúng ta nhớ tới Vũ Đình Liên:
Xa xa bên gốc đa thưa vắng
Một cụ bà ngồi bán liễng hoa
Vài đôi trai gái tay chỉ chỏ
Gật đầu ngắm nghía đặt tiền mua
Có những câu làm cho chúng ta tưởng như có Nguyễn
Nhược Pháp:
Một ngày kia mẹ dặn
Có khách viếng nhà ta
Dặt dè khi cười nói
Biểu em đi pha trà
Lại có lúc chúng ta thấy thấp thoáng bóng TTKh:
Người ấy bên tôi thường hay bảo
Có em rồi anh tưởng chiêm bao
Im lặng nhìn thôi tôi không nói
Nhưng lòng rời rã cả trời đau
Nhưng cũng có những hơi thơ tiền chiến rất Bích
Xuân:
Gió đông dịu xuống bên sông
Ngồi nghe sao chuyển xuyên đong hôn hoàng
Chiều qua mơ đóa hoa soan
Hoa soan đơm lá nhụy hoang thoáng sầu
Cái sầu không dừng lại ở chỗ sầu chung chung, sầu
vơ vẩn, mà cái sầu len lỏi vào coi thơ tình của Bích Xuân. Tình yêu
trong thơ Bích Xuân cũng là một thứ tình buồn, thứ tình mệt nhọc:
Yêu là nghĩa của gian nan
Yêu đem cay đắng chia tan giữa đời
TÍnh yêu có vị ngọt nhưng cũng có vị đắng, có cay
chua nhưng cũng có ngọt bùi. Nhưng tình yêu trong thơ Bích Xuân chỉ
có một vị: vị đắng ngắt. Đó là thứ tình yêu ngang trái:
Vòng tay lạc bóng thời gian
Ái ân đêm vắng muộn màng ma đêm
Mắt môi kỷ niệm êm êm
Để chôn dưới mộ cho mềm cơn đau
Đó là thứ tình yêu được đính kèm bằng những giọt
nước mắt:
Trách anh đôi mắt nửa vời
Trách em lãng mạng ngang đời chua cay
Lỡ yêu mê dại ngất ngây
Ngồi im ìm nghĩ lệ đầy mắt thôi
Đó là thứ tình yêu hẹn hò trong kiếp sau:
Thôi anh nhé ta hôn nhau lần nữa
Duyên lần này em hẹn lại kiếp sau
Lần hôn cuối thay chút ân tình ấy
Nụ hôn đầu thành kỷ niệm dài lâu
Thơ thì ôm cả đống buồn phiền như vậy nhưng người
thơ thì lại là người của đám đông, người đem lại niềm vui cho cuộc đời.
Cái nghịch lý giữa thơ và người là một cái nghịch lý lạ lùng. Bích Xuân
là con người đa tài và là một bộ mặt rất nổi trong cộng đồng người Việt
tại Paris. Chỉ vài ngày lưu lại Paris mà tôi đã hơn một lần được nghe
những lời khen tặng Bích Xuân. Nổi bật hơn cả là tài hát, tài ngâm thơ
và tài hò dân ca. Xin thú thực cùng quý vị là tôi chưa được tận tai
nghe Bích Xuân hát hò mà mới chỉ nghe nói. Nhưng không sao, chút nữa
đây quý vị và tôi, chúng ta sẽ có dịp kiểm nghiệm chuyện này. Ngoài
đời Bích Xuân là con người hoạt bát, vui vẻ, dễ mến (chuyện này thì
tôi đã kiểm nghiệm rồi) và được giới văn nghệ người Việt tại Paris coi
như một nét xuân thắm của cộng đồng. Chúng ta vừa bắt đầu bước vào mùa
xuân, thời điểm có lẽ tốt đẹp nhất để tiếp đón người thơ từ Paris tới
để trình làng tập thơ đầu tay Bao Giờ Em Quên. Tập thơ được in trên
giấy xanh có những phụ bản in trên giấy hồng. Nhà văn Hồ Trường An đa
ví von là tập thơ trông như một chiếc bánh da lợn. Một cái bánh da lợn
đến từ Paris, đối với dân Montreal chúng ta, chắc phải là một món lạ.
Xin cám ơn và kính chào quý vị và các bạn. |