35 năm nhạc Từ Công Phụng

Đọc "Mùa Gặt Giữa Hư Vô" của Dương Kiền

Tuyển tập thơ văn hải ngoại năm 2000

Giới thiệu tập truyện "Dì Thu" của Trang Châu

Với Lê Uyên & Phương

Nguyễn Đông Ngạc, một đi...

Chút kỷ niệm với Văn Học

Lớp người hẩm hiu

Quê hương, tình yêu trong thơ Luân Hoán

Thơ Bích Xuân

Nhắc nhớ Chu Văn An

Cái tâm trong nhạc

Luân Hoán - Thường ngày

50 năm Chu Văn An

Nguyễn Tuấn Hoàng - Hoa cuối mùa

Biết đâu đấy

Thầy Chương

Nhẩy Dù

Với Lê Uyên Phương và ĐàLạt

Yến

Kỳ

Hệ Lụy

Khi đến San Jose

Phụng, trở lại với đời

Đọc "Đất Thiên Thai" của Trà Lũ

Lệ Trăng

Hân

Tiễn Nguyễn Mộng Giác

Phan Ni Tấn,, người bắt cái đẹp

Huỳnh Công Ánh, người vượt thoát

Hoàng

Viết cho Nghiêm

Hoàng Xuân Sơn, rất Huế

Võ Kỳ Điền, nối lại cuộc chơi

Ghi vội khi đọc "Pulau Bidong" của Võ Kỳ Điền

Những tháng ngày buồn

Đọc "Đứng Ngẩn Trông Vời" của Hoàng Quân

Hai lần gặp Võ Phiến

Biết đâu đấy 30-4

Một chuyến đi lỡ

Một năm Nguyễn Xuân Hoàng

Phan Ni Tấn và Có Một Thời Ở Quê Hương Tôi

Thành Tôn, một đời mê sách

Viết Cho Chu-Văn-An

Du Tử Lê, rất riêng

Tô Thùy Yên, nhìn gần

Bùi Quyền, đã sống như thế

"Trăm cây nghìn cành" của nhà thơ Triều Hoa Đại

Đọc "Bãi sậy chân cầu" của Khánh Trường

Phạm Xuân Đài và "Đi, Đọc và Viết"

Hà Túc Đạo, người của số mạng

Nhớ Thẩm Dương

Vĩnh biệt Lệ Thu

Đọc "Bốn Biển Là Nhà" của Nguyễn Lê Hồng Hưng

Đọc "Thành Tôn, một đời thắp tình"

Hồ Đình Nghiêm, Tập 2

Giới thiệu "Tuyển Tập Thơ Đức Phổ"

Đọc "Ăn mà không chơi" của Đỗ Duy Ngọc

NHỚ THẨM DƯƠNG

Trong đời làm báo tài tử của tôi có lẽ thời gian viết cho Thời Nay là vui nhất. Vui vì tờ báo ngày đó được coi như một tờ báo trẻ trung, mới lạ ở Sài Gòn. Nhưng vui nhiều hơn là cái không khí do những người viết chúng tôi tạo ra. Chúng tôi ngày đó là những thanh niên tuổi đời chưa bao nhiêu nhưng coi thời gian như một cuộc chơi, cuộc chơi hình như chẳng bao giờ chấm dứt.

Tòa soạn Thời Nay là một căn phố nhỏ trên đường Phạm Ngũ Lão, con phố được mệnh danh là “phố báo chí”. Nhà đã nhỏ, lại phải dành hơn phân nửa cho nhà in nên không gian của tòa soạn teo tắt lại còn chút xíu. Phía dưới là ban trị sự gồm bàn làm việc của bà Nguyễn văn Thái và một cô thư ký. Cô thư ký phải do bà tuyển chọn theo tiêu chuẩn của bà nên thường chúng tôi chẳng la cà nơi này trừ khi lãnh nhuận bút và nhận thư của độc giả thăm hỏi. Cô thư ký làm việc lâu nhất là cô Ca mà chúng tôi thường gọi là “Cocacola”. Chúng tôi rất quý cô vì cô lúc nào cũng tươi cười, chẳng “la” bao giờ. Quý hơn nữa là cô có một tờ bìa cứng ghi tên bài và tác giả để trả nhuận bút. Trả nhuận bút cho những bài đã đăng báo chẳng nói làm chi nhưng trả nhuận bút cho những bài chưa thấy đâu mới là chuyện chúng tôi quý cô Ca.

Bên cạnh tòa soạn là một quán bia lạnh. Bia lạnh là bia để vào tủ đá cho đông cứng, khi uống phải moi ra như ăn đá nhận. Tôi không thích thứ bia hồi đó rất thịnh hành tại Sài Gòn này. Bia thì thêm vị đắng ngắt, cách uống thì chẳng anh hùng hào kiệt chút nào. Nhưng quán nhậu bình dân này có nhiều món mồi rất bắt rượu. Chiều chiều bàn nhậu được gầy cuộc. Rượu vào tiền ra. Tiền ra nhưng túi rỗng. Chỉ có cô Ca cứu bồ được. Hỏi cô tấm bìa, ghi đại một cái tên bài là cô Ca mắt nhắm mắt mở chi tiền nhuận bút liền. Hình như tên tuổi của chúng tôi chẳng có ai không dính vào chuyện  nợ nần này. Muốn trả nợ thì cong bàn tọa lên viết.

Tòa soạn nằm trên căn gác lửng, vừa nhỏ vừa thấp. Nhỏ mà phải chia đôi, phía trong là phòng của ông Giám Đốc, phía ngoài kê vài cái bàn, vài kệ sách là nơi làm việc của Thư ký Tòa soạn Khánh Giang. Các cộng tác viên hầu như không ngồi viết ở đây. Họ thường viết ở nhà và tới đưa bài. Chỉ khi vào giờ chót trước khi báo lên khuôn mà thiếu những chuyện cười chêm vào chỗ trống, hoặc bài dư ra một hai dòng khi layout chúng tôi mới ngồi sửa tại chỗ cho vừa trang báo. Viết dược vài hàng, anh Ba Dân, xếp thợ sắp chữ, giật vội mang xuống nhà chữ cho thợ. “Viết sĩ” phải lấy tờ giấy khác viết tiếp. Ngoài chuyện khẩn cấp, tòa soạn chỉ là nơi ngồi đấu láo. Vậy nên truyện dài của Khánh Giang cứ thậm thụt kỳ có kỳ không. Khi báo sắp ra, Khánh Giang yêu cầu anh em dành sự yên lặng cho hắn ngồi viết truyện. Nhưng im lặng chi nổi. Chiếc cầu thang gỗ mỏng manh cứ rung lên từng chập. Người lên người xuống toàn những thứ trời ơi nên tên bợm nhậu chưa viết xong truyện đành tung hê tất cả, viết vài câu cáo lỗi lên báo là xong. Gầy bàn nhậu cho đời thong dong.

Thẩm Dương ít khi tới nhưng khi tới cũng ít khi bỏ qua bàn nhậu. Trong bài vết “Những Khuôn Mặt Thời Nay” đăng trong số kỷ niệm Thời Nay 15 tuổi, xuất bản vào tháng 9 năm 1974, số kỷ niệm cuối cùng của tờ báo, tôi đã điểm danh Thẩm Dương như sau: “Thẩm Dương thì rượu uống không thua ai. Con người mập mạp trông rất dễ tính nhưng mặt lại luôn luôn nhăn nhó. Ít có lúc thấy Thẩm Dương sảng khoái thiệt tình. Vậy mà phiếm luận lại tếu chẳng thua ai. Trông điệu bộ hiền hậu, thế nào cũng được, xong thì thôi, không oai một tí nào cả. Vậy mà lại là sĩ quan cấp lớn”.

Thẩm Dương chẳng bao giờ mặc quân phục tới tòa soạn. Anh ăn mặc rất lè phè. Hình như hồi đó anh đóng lon Đại Úy. Đại Úy thì lớn chi nhưng tôi cứ viết thế cho oai. Cấp lớn thực sự trong tòa soạn là Giáo sư Zeta của mục “Ai Về Ta Hỏi Đôi Lời”. Đó là Đại Tá Không Quân Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, Tư Lệnh Không Quân, sau du học Mỹ trở thành nhà khoa học nổi tiếng của trung tâm NASA.

Thẩm Dương ở ngoài Nha Trang, rất ít khi tới tòa soạn. Nhưng luôn tham dự bàn nhậu một cách sôi nổi mỗi khi có dịp. Nhưng anh là người luôn bỏ cuộc. Bàn nhậu trước tòa soạn chỉ là…khai vị. Thường thì sau đó chúng tôi lê la trên nhiều nơi chốn khác cho tới giờ giới nghiêm. Chưa giới nghiêm chưa về. Tới giới nghiêm, tôi không nhớ có còi hụ không, chúng tôi mới nhấc bàn tọa, tên nào tên nấy phóng xe như bay. Rượu vào, chạy xe cứ như đang trên vòng đua. Vậy nên Khánh Giang mới có cú té xe để đời. Gẫy tay, sứt hai chiếc răng cửa, chiếc xe vespa nhăn nhúm đầy thương tích. Nhưng thường thì chúng tôi như những hiệp sĩ đi hành hiệp, mở tay ga hết cỡ. Nhiều khi mấy anh bạn dân cũng túc còi chặn lại vì đi trong giờ giới nghiêm nhưng chiếc thẻ báo chí đã cứu nguy tức khắc. Thẩm Dương không bao giờ gặp cảnh này vì chỉ xong chầu rượu trước tòa soạn là “moa phải về”!

Đã có lúc chúng tôi thảo luận về sự dè dặt của Thẩm Dương. Thực ra chúng tôi chẳng biết gia cảnh chàng ra sao. Chuyện cá nhân, không lý tới. Cứ tạm kết luận là anh chàng này là dân tỉnh lẻ nên trốn chạy như vậy. Cái tình của Thẩm Dương với Thời Nay khác với anh em chúng tôi ở ngay tòa soạn. Trong bài “Về Với Thời Nay” trên số Xuân Kỷ Dậu 1969, anh bày tỏ: “Trong một vài chuyến công tác về Sài Gòn, về với Thời Nay, gặp họ trong tòa soạn hay bất ngờ trong một buổi nhậu lai rai, tự nhiên mình có cảm tình ngay với họ, để rồi dần dà sau đó thành bạn thực thụ Thời Nay. Có đôi khi hàng tháng trời không về thành phố, không đọc báo, nhất là tờ báo quen thuộc của mình, vâng, “của minh” cũng được chứ sao, mình cảm thấy một nỗi nhớ nhung kỳ lạ. Sau những lần xa đằng đẵng, hôm tái ngộ bất chợt một dáng dấp rực rỡ, cái bìa trình bày tân kỳ sáng sủa hơn, bài vở có nhiều mục lạ: hấp dẫn hơn, tự nhiên mình thấy thích thú. Rồi nhìn quanh những người bên sạp báo, mình thấy hãnh diện trong sự đồng ý với họ về tờ báo, rồi một sự náo nức chợt đến. Lại muốn trở về với Thời Nay, về ngay tức khắc”.

Thẩm Dương ít làm thơ nhưng anh cũng đã làm bài “Tuổi Hai Mươi” vào năm 1960, để  “nhớ lại lần uống rượu với Hoài Thương, Hữu Phương và Song Thao”:

Tôi vẫn cười dù chiều nay vắng bạn
Nhìn phố phương tôi thấy cảnh vinh hoa.
Bạn bè đông trong tình nghĩa chan hòa
Đời vẫn đẹp, vẫn huy hoàng sáng lạn

Hữu Phương là bút hiệu của Phó Đề Đốc Hải Quân Nguyễn Hữu Chí. Ngày còn cộng tác với Thời Nay, anh chưa lên tướng nên còn lân la rượu chè với anh em. Thẩm Dương không thường xuyên nhậu với anh em nhưng cũng đã có lần nâng ly với Hữu Phương. Chuyện này tôi hoàn toàn không nhớ cho tới khi được đọc lại bài thơ này.

Chuyện nhậu nhẹt của anh em Thời Nay vui như vậy nhưng có những người không bao giờ kéo ghế. Như Nguyễn Trọng Khanh và Xuân Tước, hai nhà giáo chuyên nghiệp nên ngại lê la ngoài vỉa hè. Nhà giáo Vương Hồng Sển chỉ cho người mang bài tới chứ không bao giờ tới tòa soạn. Có lẽ ông ngại gặp “ông” học trò là tôi! Làm nghề gõ đầu người khác quả là phiền toái. Làm nghề tu bíp coi bộ thong dong hơn. Tòa soạn có hai anh tu bíp lo về y học. Anh Minh Trí người khắc khổ, quắt queo, mỗi khi tới đưa bài chỉ dăm điều ba chuyện là chuồn. Trái lại, chàng Hoàng Hà, bút danh của Bác sĩ Hoàng Bính Tý, dép lê, áo quần xuềnh xoàng, tóc ngắn hai phân như lính mới tò te, tác phong lè phè, ai chơi tới đâu tui tới đó. Minh Đức Hoài Trinh cũng chịu chơi mỗi khi có mặt tại Việt Nam. Không giống Minh Đức, bà thầy ẩn danh dưới bút hiệu Thầy Cung Thầy Kiện, luật sư Tăng Thị Thành Trai, phu nhân của Viện Trưởng Đại Học Huế Lê Thanh Minh Châu, nhìn không giống như dân báo  bổ. Tiếp những cây bút “danh giá” này có ông Nguyễn văn Thái. Thường thi ăn uống tại tư gia ông Giám Đốc. Chúng tôi cũng được ăn ké. Ăn xong, khách về thì chúng tôi mở bài ra xì phé với nhau.

Thẩm Dương còn dùng các bút hiệu khác là Thẩm Diên An và Minh Nguyệt, chuyên viết phiếm. Phiếm của anh nhẹ nhàng và đề cập tới những chuyện hàng ngày trong gia đình chòm xóm. Thời Nay như nỗi ám ảnh không rời của Thẩm Dương. Trong một bài phiếm, giả danh bà mẹ trong gia đình, anh viết: “Cô giáo phê về Đạt: “Học được nhưng hay lơ đễnh. Thường chúi đầu vào gầm bàn”. Tôi hỏi: “Con chúi đầu vào gầm bàn để làm gì?”. “À, con đọc cọp báo Thời Nay của ba!”. Thu vốn khá về Việt văn. Nhưng lúc sau này cô giáo thường phê trên các bài luận: ‘Nhiều ý lạ nhưng văn viết hơi lừng khừng’. Tôi la lên: “Trời ơi! Con đừng bắt chước văn của mấy thằng cha Thời Nay. Hỏng mất”. Thế là hỏng. Lũ con tôi vì đọc báo mà hỏng. Nhà tôi không nói gì. Nhưng chàng cũng bị nhiều vố rất đau. Một hôm Dũng xỉ vào mặt ba nó hỏi: “Trong Thời Nay có mấy ông họ Thẩm, trùng họ với ba. Thẩm Dương với “Cái cười vòng quang quanh thế giới”. Cười gì mà nhạt thếch. Còn Thẩm Diên An viết mấy bài phiếm luận lẩm cẩm thật là lẩm cẩm. Thiên Ân viết đúng mốt hơn. Thấy ba có viết lách gì đó, phải là ba không? Nếu là ba thì nên dẹp quách”. Nhà tôi ậm ừ không nói gì rồi bỏ lên gác tuốt. Lũ con tôi có nhiều triển vọng trở thành phê bình gia sau này”.

Từ ngày nước mất nhà tan, tôi không được tin tức chi về Thẩm Dương, anh bạn cùng nghề viết phiếm dễ mến. Vài lần về Việt Nam vì chuyện gia đình, tôi chỉ gặp ông bà Nguyễn văn Thái, Khánh Giang, Hà Túc Đạo, Nguyễn Hoàng Quân và Thiên Ân. Thiên Ân cũng chuyên viết phiếm. Lối viết của anh chì chiết, mạnh bạo hơn phiếm của Thẩm Dương. Nhưng  với mục “Những Điều Trông Thấy”, tôi mới là người khổ vì phiếm. Những đoạn viết đụng chạm tới thời cuộc, ông lớn ông bé, làm cho bài phiếm của tôi bị phòng “phối hợp nghệ thuật” của bộ Thông Tin đục loang lổ như lông chó đốm. Được cái an ủi là ông thợ đục đã có lần nhắn với anh tùy phái muốn gặp tôi vì mến mộ. Tôi lúc đó cũng công chức nên ngu chi mà lậy ông tôi ở bụi này!

Thẩm Dương vẫn mất tăm mất tích. Chẳng ai biết tin tức chi về anh. Ở bên này tôi vẫn nghĩ là Thẩm Dương còn ở đâu đó, nhất định sẽ có ngày tái ngộ. Cho tới những ngày tận cùng của năm 2020 này, con gái của Thẩm Dương, cháu Thẩm Nguyệt, đọc được bài tôi viết về Thời Nay trên Facebook mới liên lạc. Tôi lặng người trước dòng chữ gửi vào status của tôi: “Chú Song Thao ơi, cháu là con gái của ông Thẩm Dương đây. Nếu ba cháu còn sống, đọc được bài này chắc ông vui lắm. Đã có một thời gian ba cháu vào Sài Gòn tìm bác Thái và chú Khánh Giang nhưng không gặp. Thời thế thay đổi nhiều quá!”.

Thời thế mịt mù làm chúng tôi lạc nhau. Làm sao Thẩm Dương có thể  gặp được hai người này. Khánh Giang không còn ở căn nhà cũ trên đường Khổng Tử, Chợ Lớn. Hắn lây lất thuê một căn nhà nhỏ bên Phú Nhuận. Căn bệnh tiểu đường tới hồi phung phá cướp đi cả hai chân của Khánh Giang.  Ngồi trên chiếc xe lăn, Khánh Giang chỉ quanh quẩn trong nhà, gặp được bạn cũ Thời Nay tới thăm mừng như bắt được của. Hoặc nếu Thẩm Dương quen nếp xưa, tìm Khánh Giang trên bàn nhậu thì còn khuya mới thấy. Ông Nguyễn văn Thái vượt biên ngay từ năm đầu đổi đời. Cuộc ra đi của cả gia đình bất thành. Nhà bị tịch thu làm trụ sở của công an phường, sức mấy Thẩm Dương dám vào hỏi người xưa nay nơi nao. Lạc nhau là phải.

Cháu Thẩm Nguyệt kể lại khi Thẩm Dương đi tù cải tạo, gia đình quá sợ mang sách báo của anh bán ve chai hết. “Năm 1975, cháu đang học lớp 7. Đi học về thấy mất hết sách, cháu buồn lắm. Sau này ba cháu có dịch một số truyện, in được vài tập thơ và vẽ tranh cho vui. Cháu đang ở Diên Khánh, quê nội, gần nhà từ đường với má cháu. Khi ba cháu còn sống, hình như ông cũng mất liên lạc với bạn bè trong tòa soạn”.

Một khi tay đã dính mực, khó lòng không để mực lại dính tay. Anh bạn Thời Nay xưa cũng chưa hết nợ chữ nghĩa. Khi đi tù về anh cũng cảm khái với Tô Thùy Yên, cũng về. 

Tôi về có lúc như cơn mộng
Ngày cũ tìm đâu lại chính mình
Tôi về có lúc như cơn sốt
Nhặt nhạnh vu vơ những bóng hình

Tôi về bóng câu qua cửa sổ
Ngồi đếm từng song lại từng song
Cuộc chơi sẽ có hồi kết thúc
Được, thua, người có biết cùng không

Bản chép tay của bài thơ có ghi 1980 – 2010 bên dưới. Tôi đồ chừng anh làm trong trại tù và chép lại khi về nhà. Cũng may là Thẩm Dương có được thú vui chữ nghĩa. Anh làm thơ và dịch sách. Anh xuất bản được ba cuốn sách dịch và một tập thơ. Tập thơ mang tên “Những Gì Còn Lại”. Bìa sau có một bài thơ ngắn về…những gì còn lại.

nỗi buồn
người ngấm sang ta
nỗi đau âm ỉ
trong ta sang người
trăm năm. thử hỏi:
còn chi?
biết rằng thế cục
nay suy mai trồi
thanh xuân một thuở thiếu thời
tuổi già ập đến
bùi ngùi hung vong
trong mơ chấp chới tang bồng
ngày tàn ác quỷ
ruộng đồng lên xanh.

Bài thơ được viết vào ngày 7/4/2010. Ba năm sau anh từ giã cõi đời ở tuổi 78.

12/2020