Tôi không nhớ là tôi biết Đỗ Ngọc Yến vào lúc nào. Có lẽ thời học
ở Văn Khoa. Thời đó tôi vừa đi học, vừa làm báo, vừa đi dậy học tận
Vũng Tàu nên ít tham gia vào các sinh hoạt tại trường. Lần duy nhất
tôi góp chút công là lần làm báo xuân Văn Khoa cho Sinh Viên Đoàn Đại
Học Văn Khoa do Nguyễn Anh Tuấn cầm chịch. Vào năm nào tôi không nhớ
rõ. Thời gian đó Đỗ Ngọc Yến đang hoạt động mạnh trong giới sinh viên.
Anh làm những gì tôi không biết hết được. Nhưng chỉ biết là anh xăng
xái dữ lắm. Tôi thấy anh ở ngoài sân trường hơn là ở trong lớp. Thấy
vậy thôi chứ chẳng bao giờ tôi có dịp nói chuyện với anh.
Yến biết tôi
lúc nào, tôi cũng thực sự không biết. Khi tôi đi cùng Tô Thế Liệu tới
tòa soạn báo Người Việt vào năm 1992 lúc tôi tới Quận Cam lần đầu tiên
thì cũng không phải để thăm Yến. Liệu có việc gì đó với Hoàng Khởi
Phong, tôi ở trên xe của Liệu, nên chẳng thể không vào. Khi vào tới
phòng khách, Liệu chạy ra phía sau đi kiếm Phong, bỏ mặc tôi ngồi trên
chiếc ghế da. Tôi bảo Liệu nhắn dùm Nguyễn Xuân Hoàng ra cho tôi gặp.
Tôi vừa cầm tờ báo lên định đọc thì Yến chạy ra. Yến cười thật tươi,
giơ tay cho tôi bắt, hỏi thăm rất thân tình. Tôi có cảm tình ngay với
con người rất xởi lởi của Yến. Tôi đồ chừng rằng Yến cũng xởi lởi như
vậy với bất cứ ai Yến gặp. Nhưng không, qua câu chuyện, tôi mới thấy
là Yến nhớ được tôi đã học ở Văn Khoa. Kể cũng lạ, tôi và Yến không
học chung một chứng chỉ nào, sao Yến nhớ được tôi? Khi Nguyễn Xuân
Hoàng ra gặp tôi, lúc đó, qua Hoàng, Yến mới biết tôi cũng có viết
lách lăng nhăng. Đôi mắt sau cặp kính trắng dầy cộm ánh lên niềm vui.
Hóa ra cũng phe ta cả. Yến hỏi han rất kỹ về cuộc sống của tôi, về
công việc viết lách, lại có ý muốn rủ rê tôi qua ở luôn bên quận Cam
cho vui. Khi ra về, Yến kéo tôi ra trước tấm bảng Người Việt ở trước
tòa báo chụp hình. Chụp chung tất cả mọi người, xong lại chụp riêng
với Yến một tấm. Tấm hình này tôi rất trân trọng và có để trên website của
tôi.
Bốn năm sau, tôi lại tới Người Việt. Thoắt thấy bóng
tôi, Yến chạy ra tay bắt mặt mừng, ngửa bàn tay ra hỏi.
“ Sách đâu?”
Lúc đó tôi đã in được hai tập truyện ngắn.
Và, may thay, có mang theo. Cầm cuốn truyện, lật lật ra xem, Yến đưa
lại cho tôi.
“ Ký vào đây chứ!”
Nếu Yến viết thì chắc anh có nhiều
điều để viết lắm. Cuộc sống phong phú về nhiều mặt như vậy, đề tài
nhiều chi kể. Vậy mà không thấy anh viết. Anh chỉ xúi người khác viết.
Dĩ nhiên anh cũng xúi tôi. Biết anh khôn dàn trời nhưng với lối nói
tỉnh tỉnh giỡn giỡn anh vẫn đưa tôi vào tròng. Chẳng biết có phải vì
anh bơm không mà tôi cứ lân la viết hết truyện này qua truyện khác.
Cứ đủ độ dầy là in sách.
Lai rai viết như vậy tới khi gặp anh lần nữa
vào năm 2003. Mùa hè năm 2003. Lần này ông bạn Phạm Phú Minh đứng ra
tổ chức buổi ra mắt sách cho tôi tại phòng sinh hoạt Lê Đình Điểu trong
tòa báo Người Việt, trụ sở mới khang trang hơn trụ sở cũ nhiều. Lê
Đình Điểu thì tôi quen từ hồi ở Việt Nam. Anh không học Văn Khoa nhưng
có lẽ anh vào lớp học nhiều hơn anh sinh viên Văn Khoa Đỗ Ngọc Yến.
Anh ngồi học chung để lấy chứng chỉ của chị Dung. Anh tốt nghiệp bằng
một lễ cưới. Một điều vui trong buổi ra mắt sách bữa đó là người điểu
khiển chương trình lại chính là cô gái rượu của anh chị Điểu-Dung,
cháu Y Sa.
Để sửa soạn cho buổi ra mắt sách, tôi đến quận Cam
trước mấy ngày. Xuống nhà xuất bản Văn Mới ở Gardena lấy sách về, tôi
tới ngay báo Người Việt. Vừa bước vào cửa, tôi đụng ngay Đỗ Ngọc Yến.
Lại chìa bàn tay ra, lần này có vẻ mạnh bạo hơn vì biết chắc tôi có
sách mới.
“ Sách đâu?”
“ Ký vào đây chứ!”
Màn kịch bảy năm trước diễn lại y chang. Tôi ký cho
anh cuốn truyện “Bên Lưng Những Con Chữ” còn tươi rói vừa lấy về.
“ Ký mở hàng cho ông đấy nhé!”
Yến cười. Bảy năm là một thời gian không
dài lắm. Nhưng với Yến có lẽ là một thời gian dài. Anh phải sống
với căn bệnh tiểu đường ngày càng làm khó anh. Tôi hỏi sức khỏe anh.
Vẫn thường! Nghe nói ông phải đi lọc máu hàng tuần phải không? Chuyện
thường, bệnh nó như vậy thì phải lọc máu thôi. Hình như anh đang
nói bệnh của ai chứ không phải của anh. Không phải bệnh của anh thì
dài dòng làm gì cho tốn thời giờ, anh lái qua chuyện khác. Cuốn thứ
mấy của ông vậy? Thứ sáu. Tốt. Làm được gì cũng đều là tốt cả. Ông
cứ tiếp tục nhé! Lại xúi dại! Sao ông không chịu viết gì vậy? Anh
giả lơ. À, có cái này. Anh đứng dậy. Tôi thấy dáng đi của anh có
vẻ khó khăn. Nhưng cái khó khăn chỉ ở đó thôi. Nó không leo lên được
cao hơn. Anh vẫn còn nguyên nụ cười bằng cặp mắt yêu đời chôn sâu
vào hai mắt kính như hai đáy ly. Khi anh trở ra tôi thấy trên tay
anh có một cuốn sách. Phải vậy chứ! Bạn tôi đã…phản tỉnh. Anh ngồi
xuống ghế bên cạnh tôi, rút bút, viết: “Thân tặng Song Thao”. Rồi
một chữ ký giản dị: Yến. Chữ Y thiếu nét trông như chữ J, chữ N chỉ
còn là một nét ngang hơi nhô lên một chút ở phía đuôi như một cánh
chim mệt mỏi. Nhìn nét chữ nguệch ngoạc chỗ còn chỗ mất, tôi bỗng
thấy thương Yến. Anh hầu như đã mất quyền điều khiển những ngón tay.
Tôi nhìn Yến. Chẳng lẽ tôi rầu rầu nét mặt trong khi mặt Yến vẫn
sảng khoái với nụ cười hình như không bao giờ tắt trên môi anh. Anh
đưa cuốn sách cho tôi.
“ Ông đọc chơi cho vui. Cũng chẳng có gì đâu!”
Hóa
ra tôi lộn. Sách không phải của Yến mà là sách viết về Yến. “Yen
Do And The Story Of Nguoi Viet Daily News With Jeffrey Brody”. Tôi
mở qua cuốn sách. Yến xoay trở trên ghế có vẻ mất tự nhiên.
“ Anh chàng
này tới làm một cái nghiên cứu về tờ Người Việt ấy mà.”
Tôi bỏ mặc anh
ngồi bên cạnh, lật cuốn sách đọc cóc nhẩy qua vài trang.
“ Toàn là phỏng
vấn ông cả. Ông là Người Việt, Người Việt cũng là ông.”
“ Ông đừng nói vậy. Mình tôi thì làm chi ra hồn. Nhờ anh em bạn bè
cả đấy.”
Yến là vậy. Anh không muốn nói nhiều về mình. Lúc
nào anh cũng muốn rút vào bóng tối. Có lẽ trong bóng tối anh mới là
anh. Nếu giao cho anh chức Tổng Trưởng Thông Tin chẳng hạn, thì chắc
không hiệu quả bằng để cho anh làm cố vấn tối cao của ông Tổng Trưởng!
Một
năm sau, hè 2004, tôi lại tới Người Việt. Anh không có ở đó. Phạm Phú
Minh bảo hồi này anh ít ra tòa báo lắm. Tôi thẫn thờ. Biết là bệnh
nó đang dồn anh vào chân tường. Tôi ra về không nghĩ tới việc tới thăm
anh tại nhà. Ích gì đâu! Có lẽ anh vẫn thích núp trong bóng tối. Có
điều bóng tối nó đang chơi xỏ anh. Nó đang toan tính chôn vùi anh.
Về
lại Montreal, tôi thấy giận mình. Sao không nhờ Phạm Phú Minh cho quá
giang một cuốc xe tới với Yến? Cầm tay nhau một cái có khi cũng là
một việc hay. Tôi tự giận hơn nữa khi nhận được cuốn “Đỗ Ngọc
Yến Giữa Bạn Bè” do Phạm Phú Minh gửi qua. Dầu sao Yến cũng
cần những hơi thở ấm áp của bè bạn. Khi chúng bạn xúm nhau lại hà
hơi cho Yến, tôi biết Yến đã lạnh. Anh đã nhận bệnh viện làm nhà.
Căn nhà oan nghiệt của đành đoạn.
Vậy mà một buổi sáng tinh mơ, tiếng
điện thoại trong nhà tôi reo một cách bất thường, giọng Hoàng Chiều
Nhân bên kia đường dây vẫn làm tôi choáng váng. “Tôi đang ở trên
làng Cây Phong với Đỗ Quý Toàn. Đỗ Ngọc Yến mất vào hồi bốn giờ rưỡi
hôm qua rồi. Giờ Cali. Ông báo dùm cho bạn bè biết. Thứ bảy ông có
rảnh lên làng với tụi tôi”. Có lẽ anh em cũng cần hơi nhau vào những
lúc như thế này. Bữa đó là thứ sáu, 18 tháng 8 năm 2006. Thứ bảy
tôi vẫn ở nhà. Nhớ Yến. Trên mặt bàn của tôi tấm vé máy bay đi Cali
vào dịp Giáng Sinh sắp tới còn nằm đó. Định thăm bạn bè. Nhất là
Yến. Có những thứ mà một đời người phải đối mặt. Không lẩn tránh
được.
Ngày hôm nay, ngày thân xác Yến thực sự về với đất,
tôi vẫn thấy Yến cười giỡn trên VNCR. Bạn bè chỉ có giễu với nhau thì mới nói
được, chứ nói với nhau mà quan trọng quá thì không nói được!
Yến, đừng bao giờ tắt nụ cười nghe bạn!
8/2006
|