35 năm nhạc Từ Công Phụng

Đọc "Mùa Gặt Giữa Hư Vô" của Dương Kiền

Tuyển tập thơ văn hải ngoại năm 2000

Giới thiệu tập truyện "Dì Thu" của Trang Châu

Với Lê Uyên & Phương

Nguyễn Đông Ngạc, một đi...

Chút kỷ niệm với Văn Học

Lớp người hẩm hiu

Quê hương, tình yêu trong thơ Luân Hoán

Thơ Bích Xuân

Nhắc nhớ Chu Văn An

Cái tâm trong nhạc

Luân Hoán - Thường ngày

50 năm Chu Văn An

Nguyễn Tuấn Hoàng - Hoa cuối mùa

Biết đâu đấy

Thầy Chương

Nhẩy Dù

Với Lê Uyên Phương và ĐàLạt

Yến

Kỳ

Hệ Lụy

Khi đến San Jose

Phụng, trở lại với đời

Đọc "Đất Thiên Thai" của Trà Lũ

Lệ Trăng

Hân

Tiễn Nguyễn Mộng Giác

Phan Ni Tấn,, người bắt cái đẹp

Huỳnh Công Ánh, người vượt thoát

Hoàng

Viết cho Nghiêm

Hoàng Xuân Sơn, rất Huế

Võ Kỳ Điền, nối lại cuộc chơi

Ghi vội khi đọc "Pulau Bidong" của Võ Kỳ Điền

Những tháng ngày buồn

Đọc "Đứng Ngẩn Trông Vời" của Hoàng Quân

Hai lần gặp Võ Phiến

Biết đâu đấy 30-4

Một chuyến đi lỡ

Một năm Nguyễn Xuân Hoàng

Phan Ni Tấn và Có Một Thời Ở Quê Hương Tôi

Thành Tôn, một đời mê sách

Viết Cho Chu-Văn-An

Du Tử Lê, rất riêng

Tô Thùy Yên, nhìn gần

Bùi Quyền, đã sống như thế

"Trăm cây nghìn cành" của nhà thơ Triều Hoa Đại

Đọc "Bãi sậy chân cầu" của Khánh Trường

Phạm Xuân Đài và "Đi, Đọc và Viết"

Hà Túc Đạo, người của số mạng

Nhớ Thẩm Dương

Vĩnh biệt Lệ Thu

Đọc "Bốn Biển Là Nhà" của Nguyễn Lê Hồng Hưng

Đọc "Thành Tôn, một đời thắp tình"

Hồ Đình Nghiêm, Tập 2

Giới thiệu "Tuyển Tập Thơ Đức Phổ"

Đọc "Ăn mà không chơi" của Đỗ Duy Ngọc

Đọc "Chuyện gần chuyện xa" của Võ Kỳ Điền và Nguyễn Minh Ngọc

Trường Kỳ: sống để ăn

Ông văn nghệ

Đọc "Lang thang trên phím chữ" của Đỗ Cẩm Sơn

Đọc "Ngô Thế Vinh, bằng hữu và văn chương"

Lướt qua "Đường Chữ Sau Lưng" của nhà thơ Luân Hoán

Đọc "Hư Ảo Cõi Hương" của Luân Hoán

Cảm theo "Liên Hoa Thi" của Luân Hoán

Đọc "Thơ Khánh Trường"

Trần Hoài Thư, trên những gian nan

Nguyễn Tiến Đức, bạn tôi

Đọc "Cùng Nhau Đất Trời" của Khánh Trường

"Mượn Dấu Thời Gian" của Phan Nguyên

35 năm nhạc Từ Công Phụng

Kính thưa quý vị,
Thưa các bạn,

Hai năm trước đây, vào ngày 6 tháng 12 năm 1993, Từ Công Phụng đã tới thành phố này hát cho chúng ta nghe. Hôm nay, anh trở lại với chúng ta để hát mừng 35 năm nhạc Từ Công Phụng. Đã 35 năm, Từ Công Phụng ở với âm nhạc. Và cũng đã 35 năm khán thính giả vẫn thủy chung với anh. Xin mừng anh.

Nhạc sĩ họ Từ được biết đến như một người viết và hát tình ca. Anh đã từng ôm đàn đứng hát trong các buổi văn nghệ học sinh, các buổi sinh hoạt của sinh viên và các buổi hát cứu trợ xã hội. Cả một thế hệ trẻ Việt Nam đã mê mệt với những bản tình ca tha thiết và giọng hát trầm buồn của anh. Ngay từ tình khúc đầu tiên “Bây Giờ Tháng Mấy” được sáng tác hồi anh mới 18 tuổi, lúc còn mài đũng quần ở ghế trường trung học, anh đã nắm được nhịp tim của giới trẻ. Bài tình ca tươi mát lãng mạn đã trở thành một bài ca thời thượng của những người trong tuổi đang yêu. Lời nhạc tình tứ đã vỗ về cuộc tình của cả một thế hệ thanh niên. Mai đây anh đưa em đi về, mưa giăng chiều nắng tàn, cho bớt lạnh chúng mình. Em ơi thôi đừng hờn anh nữa, nhìn nhau buồn vời vợi để mùa đông buốt giá bờ vai mềm.

Đã ba thập niên trôi qua, lời nhạc làm mềm lòng người nghe mà tôi vừa nhắc lại chính là những lời nhạc mà tới bây giờ tôi còn nhớ thuộc lòng. Chúng đã ở mãi với tôi, một người chẳng bao giờ thuộc cho ra hẳn lời hát của một bản nhạc ngoại trừ bài “Bây Giờ Tháng Mấy”. Tôi có một kỷ niệm đẹp với bản nhạc này. Mùa đông năm 1967, tôi có dịp qua Hoa Kỳ dự một cuộc hội thảo quốc tế tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Nhóm trẻ trong cuộc hội thảo đã tổ chức một đêm hát tình ca cho nhau nghe. Bên ngọn lửa ấm áp hồng hào tỏa ra từ chiếc lò sưởi trong một phòng khách rộng lớn, chúng tôi ru nhau bằng những tình ca của nhiều quốc gia. Đêm đó, vốn liếng của tôi là bài “Bây Giờ Tháng Mấy”, bản nhạc duy nhất tôi thuộc lời. Được trình bày bằng một giọng ca không đáng được gọi là giọng ca, tình khúc này cũng đã làm say mê người nghe, kéo được những tiếng vỗ tay nồng nhiệt của những người trẻ thuộc nhiều quốc tịch từ khắp nơi trên thế giới tụ về.

Thành phố của chúng ta vừa trải qua một cuộc trưng cầu dân ý sôi nổi và hồi hộp. Trong thời gian vận động của hai phe oui và non, cứ vài ngày người ta lại làm một cuộc thăm dò dư luận xem phe nào được dân chúng ủng hộ. Tôi cũng bắt chước táy máy làm một cuộc thăm dò riêng về nhạc Từ Công Phụng. Tôi chọn được mười người quen mà tôi biết chắc ít để ý tới âm nhạc, tuổi vào loại "tam thập niên tiền nhị thập tam", ba chục năm trước chỉ mới hăm ba tuổi, cái tuổi ngang ngửa với tuổi của Từ Công Phụng. Câu hỏi thứ nhất: Bạn có biết Từ Công Phụng là ai không? Tám chục phần trăm trả lời không. Câu hỏi thứ hai: Bạn có biết bản nhạc “Bây Giờ Tháng Mấy” không? Một trăm phần trăm trả lời có. Đứa con tinh thần đã nổi tiếng hơn người cha đẻ ra nó. Anh Từ Công Phụng quả là người có phúc!

Khởi đi từ “Bây Giờ Tháng Mấy”, những tình khúc của Từ Công Phụng như những đợt sóng biển nối tiếp nhau vỗ về cõi lòng của những người trẻ thuộc nhiều thế hệ. Chẳng có cuộc tình nào giống cuộc tình nào. Mỗi cuộc tình là một thế giới riêng lẻ. Mỗi ánh mắt là một tín hiệu âm thầm. Mỗi nụ cười là một hân hoan nhớ đời. Mỗi giọt nước mắt là một mất mát khó quên. Tình ca Từ Công Phụng đã đi vào từng thế giới thân thiết đó. Đó không phải là những tình ca lướt trên da thịt mà chúng đã luồn lách vào từng dòng máu, từng hơi thở của những người yêu nhau.

Từ Công Phụng đã cho những tình nhân thứ ngôn ngữ đằm thắm, thâm trầm và đày trí tuệ. Họ đo hơi thở nhau bằng những lời nhạc mật ngọt. Em lại đây với anh, ngồi đây với anh trong cuộc đời này. Nghe thời gian lướt qua, mùa xuân khẽ sang, chừng như không gian đang sưởi ấm những giọt tình nồng. Những giọt tình nồng không chiếm nhiều chỗ trong nhạc Từ Công Phụng bằng những giọt tình sầu. Tình yêu như một mất mát, như một hụt hẫng, như một muộn phiền. Gần nhau để rồi chẳng nuôi được ngọn lửa trong nhau. Cuộc tình trên tháng ngày muộn phiền, còn in vết hằn đời mình, người ơi hãy ru hồn ta ngủ quên.

Những cuộc tình bị gạt ra khỏi dòng đời, chúng chẳng buông xuôi tay, chúng cũng đâu có chịu ngủ yên. Chúng giương mắt nhìn vào cuộc sống, cố len lỏi chiếm một chỗ tốt trong tâm hồn chúng ta, làm chúng ta nặng lòng hoài niệm hình bóng cũ. Và chúng nhảy vào nằm ngổn ngang trong thơ, trong văn, trong nhạc. Tình khúc Từ Công Phụng là một dòng nhạc thương tưởng những cuộc tình không trọn. Nhạc của những anh, những em chỉ còn là những hình bóng cũ trong nhau, những hình bóng đầy xót xa và tiếc nuối. Xin em hãy cho tôi tạ tình. Khi em đã đi qua khoảng đời tôi. Dù một khoảnh khắc sớm phai tàn và lệ em ngấn trên mi nhạt. Đôi mắt em rất buồn. Đôi chúng ta rất buồn. Vàng câu tình cũ gửi vời theo đời.

Những đôi mắt hắt hiu của cuộc tình đã thành quá khứ nhưng vẫn hiển hiện trong sâu thẳm tâm hồn, vấn vương trong từng lời nhạc. Gom một chút nắng vàng hắt lên soi hạnh phúc trên tháng ngày đã qua. Em nhìn thấy chút gì, có phải chăng rạn vỡ trong tâm hồn chúng ta. Thôi còn ngấn lệ này, với một chút nhạc buồn hát lên cho đời sống vơi đi niềm đớn đau.

Đớn đau như một định mệnh oan khiên của những cuộc tình đổ vỡ. Một chút giận hờn, một chút xót xa, một chút khổ đau, một chút nuối tiếc. Tưởng như một cơn gió thoảng qua nhưng chính thực là một trận bão táp đeo dính vào mảnh đời còn lại. Thôi cũng đành như kiếp rong rêu một lần hóa thân, cuốn về phong kín tim ta, một đời chói chang, những đam mê, những ngô nghê với tình người lỡ lời thề.

Và cuộc tình cũng như cuộc đời, loáng thoáng ẩn hiện một chút hạnh phúc nhưng đẫm ướt những nghiệt ngã, đầm đìa những oan khiên và, như một chiếc que diêm chỉ lấp lánh một chút ánh sáng phù du rồi miên viễn ngủ vùi trong tăm tối. Tôi như dòng sông cạn cuốn quanh đời mệt nhoài, cuốn theo dòng nghiệt ngã, buồn rơi theo năm tháng úa trên lưng tháng ngày. Tôi mang hồn cỏ dại ngu ngơ tự hỏi lòng bỗng một ngày thiên thu, bỗng một đời phù du.
Nói như Du Tử Lê, ở đâu đó, trong những dòng nhạc, giũa những từ ngữ, thấp thoáng một triết lý, ẩn hiện một tiên tri. Tình yêu trong nhạc Từ Công Phụng có lẽ chỉ là cái cớ để anh thông tri đến chúng ta một cảm nhận siêu hình nào đó mà anh mới bắt nhận, để tỏ lộ một nhân sinh quan, và trên hết để thánh hóa cái thú đau thương đời đời kiếp kiếp.

Tôi không có đôi tai thẩm âm của một nhạc sĩ mà chỉ có một tâm hồn rộng mở đón nhận những dòng nhạc. Nhạc Từ Công Phụng như những ngọn suối ngọt ngào, như những dòng thác triền miên, như những triền sông bát ngát đưa tâm hồn tôi tới một cõi nghệ thuật nào đó. Những khi chán nản với cuộc sống tầm thường, những lúc mỏi mệt với những thúc phọc của cuộc đời, những lúc tâm hồn như một dải sa mạc cằn cỗi, tôi vẫn tìm về với những tình khúc Từ Công Phụng. Và tâm hồn tôi đã được nhấc bổng lên một đỉnh an bình nào đó.

Tình ca không có tuổi. Khi trên đời còn những tình nhân thì tình ca vẫn vang vọng trong cuộc sống. Tình yêu không bao giờ cũ. Chính những tình nhân từ thế hệ này qua thế hệ khác luôn luôn làm mới tình yêu. Bởi vậy tình ca nói chung, tình khúc Từ Công Phụng nói riêng, không bao giờ phai mờ nét lấp lánh của chúng. Hôm nay chúng ta ghi dấu 35 năm sống với nhạc của người nhạc sĩ nhưng những tình ca của anh sẽ còn được hát không biết bao nhiêu lần 35 năm nữa.

Xin cám ơn quý vị và các bạn.

Bạt, Một Góc Đời Phôi Pha, tập nhạc Từ Công Phụng, 1999