35 năm nhạc Từ Công Phụng

Đọc "Mùa Gặt Giữa Hư Vô" của Dương Kiền

Tuyển tập thơ văn hải ngoại năm 2000

Giới thiệu tập truyện "Dì Thu" của Trang Châu

Với Lê Uyên & Phương

Nguyễn Đông Ngạc, một đi...

Chút kỷ niệm với Văn Học

Lớp người hẩm hiu

Quê hương, tình yêu trong thơ Luân Hoán

Thơ Bích Xuân

Nhắc nhớ Chu Văn An

Cái tâm trong nhạc

Luân Hoán - Thường ngày

50 năm Chu Văn An

Nguyễn Tuấn Hoàng - Hoa cuối mùa

Biết đâu đấy

Thầy Chương

Nhẩy Dù

Với Lê Uyên Phương và ĐàLạt

Yến

Kỳ

Hệ Lụy

Khi đến San Jose

Phụng, trở lại với đời

Đọc "Đất Thiên Thai" của Trà Lũ

Lệ Trăng

Hân

Tiễn Nguyễn Mộng Giác

Phan Ni Tấn,, người bắt cái đẹp

Huỳnh Công Ánh, người vượt thoát

Hoàng

Viết cho Nghiêm

Hoàng Xuân Sơn, rất Huế

Võ Kỳ Điền, nối lại cuộc chơi

Ghi vội khi đọc "Pulau Bidong" của Võ Kỳ Điền

Những tháng ngày buồn

Đọc "Đứng Ngẩn Trông Vời" của Hoàng Quân

Hai lần gặp Võ Phiến

Biết đâu đấy 30-4

Một chuyến đi lỡ

Một năm Nguyễn Xuân Hoàng

Phan Ni Tấn và Có Một Thời Ở Quê Hương Tôi

Thành Tôn, một đời mê sách

Viết Cho Chu-Văn-An

Du Tử Lê, rất riêng

Tô Thùy Yên, nhìn gần

Bùi Quyền, đã sống như thế

"Trăm cây nghìn cành" của nhà thơ Triều Hoa Đại

Đọc "Bãi sậy chân cầu" của Khánh Trường

Phạm Xuân Đài và "Đi, Đọc và Viết"

Hà Túc Đạo, người của số mạng

Nhớ Thẩm Dương

Vĩnh biệt Lệ Thu

Đọc "Bốn Biển Là Nhà" của Nguyễn Lê Hồng Hưng

Đọc "Thành Tôn, một đời thắp tình"

Hồ Đình Nghiêm, Tập 2

Giới thiệu "Tuyển Tập Thơ Đức Phổ"

Đọc "Ăn mà không chơi" của Đỗ Duy Ngọc

Đọc "Chuyện gần chuyện xa" của Võ Kỳ Điền và Nguyễn Minh Ngọc

Trường Kỳ: sống để ăn

Ông văn nghệ

Đọc "Lang thang trên phím chữ" của Đỗ Cẩm Sơn

Đọc "Ngô Thế Vinh, bằng hữu và văn chương"

Lướt qua "Đường Chữ Sau Lưng" của nhà thơ Luân Hoán

Đọc "Hư Ảo Cõi Hương" của Luân Hoán

Cảm theo "Liên Hoa Thi" của Luân Hoán

Đọc "Thơ Khánh Trường"

Trần Hoài Thư, trên những gian nan

Nguyễn Tiến Đức, bạn tôi

Đọc "Cùng Nhau Đất Trời" của Khánh Trường

"Mượn Dấu Thời Gian" của Phan Nguyên

Hai lần gặp VÕ PHIẾN

Nguyễn Mộng Giác là người đưa tôi tới gặp Võ Phiến lần đầu vào cuối năm 2006. Chính xác là vào đúng ngày lễ Giáng Sinh năm 2006. Lúc đó anh Nguyễn Mộng Giác chưa vướng căn bệnh ung thư gan ác nghiệt và nhà văn Võ Phiến còn rất khỏe mạnh. Võ Phiến là tác giả tôi mến mộ từ tạp chí Bách Khoa ngày nào. Từ thời sinh viên, tôi đã quen với anh Bốn Thôi nhổ cái lông mũi mà tốn bốn trang giấy in. Võ Phiến là nhà văn có lối viết tỉ mỉ, rề rà mà nếu không quyến rũ được người đọc thì dễ làm các độc giả bỏ cuộc. Tài của Võ phiến nằm trong việc níu kéo được người đọc ở lại với nhân vật của ông. Nhưng có lẽ ông chẳng cần níu kéo. Chính cái rề rà của ông làm cho nhân vật của ông rõ nét hơn, thân mật với độc giả hơn.

Trên xe, trước khi tới nhà, tôi phân vân không biết xưng hô làm sao. Trước đó tôi đã nghe một vài bạn văn cho biết là Võ Phiến chỉ thích mọi người gọi là anh vì trong văn giới không có già trẻ, không có trước sau. Nghe vậy biết vậy, nhưng trong lòng tôi vẫn thấy ngại ngại làm sao. Tôi loay hoay suy nghĩ mãi rồi mới hỏi anh Giác: “Mình phải xưng hô với ông Võ phiến ra sao cho phải?”. Anh Giác vừa lái xe, vừa quay sang nhìn tôi. Một lúc, anh mới chậm rãi: “Anh thì tôi không biết sao nhưng tôi vẫn xưng là bác cháu vì chúng tôi có thân tình với nhau từ lâu, hàng xóm từ xa xưa ở Việt Nam. Tùy anh!”. Trái banh lại được anh Giác đá qua tôi. Tuổi tác thì ông và tôi cách nhau chỉ nhỉnh hơn một giáp, bác cháu cũng kỳ. Nhưng cái bóng của ông qua 1ớn, anh tôi sao tiện. Đầu tôi cứ loay hoay cho tới khi anh Giác ngừng xe. Đã tới nhà. Căn nhà nho nhỏ nhưng rất dễ thương. Mảnh đất trước nhà đầy hoa trái Việt Nam.

Người ra mở cửa là bà Võ Phiến. Nụ cười bà tươi khi anh Giác giới thiệu tôi. Bất giác tôi nghĩ tới tên bà. Đây là bà Viễn Phố mà chúng tôi ở Montreal vẫn chuyện trò nửa vui đùa nửa thú vị về cái tên của bà. Cái tên thiệt đẹp. Chắc chắn không phải cái tên mà ông chồng nhà văn đặt cho bà vì đây là tên khai sanh có từ thời ông còn một nơi bà còn một nẻo. Nhưng cái tên này đã được ông chồng nhà văn tung hứng để thành một cái tên sẽ còn sống mãi trong văn học sử nước nhà. Ông đã lật ngược cái tên thân yêu Viễn Phố thành bút hiệu Võ Phiến của ông.

Nhà văn Võ Phiến từ trong phòng ra đón chúng tôi với nụ cười rộng. Tôi buột miệng: “Chào bác!’. Vậy là tiếng “bác” bật ra ngoài sự đắn đo của tôi. Câu chuyện trên ghế sa-lông của chúng tôi dĩ nhiên toàn chuyện chữ nghĩa sách vở. Hình như nói tới chuyện viết lách là đúng tần số của một Võ Phiến đã hưu trí mà chưa hề mỏi mệt với chữ nghĩa. Ông hỏi thăm tôi về những anh em văn nghệ ở Montreal. Có những người ông biết như các anh Trang Châu, Hoàng Xuân Sơn. Có những người ông chỉ biết tên nhưng còn xa lạ. Ông sốc nổi: “Anh em còn viết được chi là hay rồi. Làm được chi cứ làm, mà phải làm gấp kẻo không còn thời gian nữa”. Võ Phiến và Mai Thảo là hai nhà văn rất trân trọng những người viết sau. Tôi đồ chừng có lẽ bỗng nhiên bị bứt ra khỏi khối độc giả trong nước, sống nhờ nơi không phải là quê hương của mình, họ thấy trống rỗng. Không nhìn quanh được, họ nhìn ra sau và thấy lạnh gáy nếu đam mê của họ bị trống rỗng phía sau. Vậy nên những người viết sau mang hơi thở làm họ ấm áp hơn.

Đang nói chuyện, ông bỗng đứng dậy đi vào phòng. Bà Võ Phiến mời chúng tôi dùng nước. Bộ trà rất Việt Nam hài hòa với khung cảnh rất Việt Nam của phòng khách. Tôi có cảm tưởng như ông bà muốn tạo lại hình ảnh quê hương nơi ngoài quê hương. Tôi ngó quanh phòng, nghĩ: không biết căn phòng xưa kia ở Sài Gòn của ông bà có nét nào đọng lại trong căn phòng viễn xứ này không? Một lát, ông ra lại. Tay ông cầm một cuốn sách dày cộm. Ông đưa cuốn sách bề thế cho tôi: “Tặng anh cuốn sách anh em vừa in cho tôi”. Đó là cuốn “Tuyển Tập Võ Phiến” do Người Việt xuất bản. Cuốn sách nặng trên tay tôi. Những con chữ nằm bên trong nặng, dĩ nhiên. Nhưng nặng cả về đơn vị đo lường. Lúc đó cuốn sách nằm trĩu trên tay tôi. Chỉ khi viết bài này tôi mới thử nghịch ngợm cân. Đúng 3 kí! Có lẽ anh Phạm Phú Minh, người chăm lo từ A tới Z cho cuốn sách ra đời cũng không hề biết số kí này. Lật tới cuối cuốn sách, số trang là 1080 trang.

Sách bìa cứng, trình bày rất trang nhã trên nền là hình bầu trời xanh nhạt với những đám mây trắng lững thững trôi. Nhà văn Võ Phiến rất trân trọng công sức của  các văn hữu đã hoàn thành cho ông một cuốn sách để đời. Tôi mở sách ngó lướt qua. Mắt rất thư thái với lối trình bày giản dị, sáng sủa, được in trên giấy nền vàng nhạt dịu dàng. Ông cầm lại cuốn sách, chỉ cho tôi trang đầu. Tôi chôn mắt đọc. “Bản của anh Song Thao, Santa Ana 25-12-2006”. Dưới dòng đề tặng là hai câu thơ:

Gặp nhau quen ít biết nhiều
Văn thơ một chữ trăm điều vấn vương

Tôi cảm động đến ngây người. Những con chữ nho nhỏ, chân phương, ngay hàng thẳng lối như nhảy múa trước mắt tôi. Ông đã nhớ tới những bài phiếm mà đầu đề chỉ độc một chữ của tôi. Hồi đó phiếm của tôi xuất hiện đều đều mỗi số trên tờ Thế Kỷ 21 do anh Phạm Phú Minh làm Chủ Bút. Bà Viễn Phố cho tôi biết rất thích những bài phiếm này. Ông có đọc hay không, tôi không tiện hỏi. Lối viết mà anh em bào là rất dí dỏm của tôi chắc còn một quãng đường dài mới gần được lối viết cũng rất dí dỏm của ông. Biết đâu chẳng có chuyện đồng khí tương cầu! Nói thì nói vậy cho vui chứ ai có nổi cái dí dỏm của ông:

Nghe đâu Trời sắp gọi ta
Chuyện đâu có chuyện xảy ra lạ đời!
Không ta ai gọi tên Trời?

Lần thứ hai tôi tới nhà ông bà Võ Phiến là vào năm 2010. Đúng vào dịp tết Nguyên Đán. Lúc đó anh Nguyễn Mộng Giác đang chống chọi với bệnh tật. Phái đoàn tới chúc tết ông bà Võ Phiến kỳ này khá đông đảo. Anh Phạm Phú Minh, anh chị Thành Tôn, anh Đạm Thạch và vợ chồng tôi. Mới có bốn năm mà tôi thấy sức khỏe của ông kém hẳn kỳ thăm trước. Mái tóc bạc của ông trắng và xơ xác thêm nhiều. Thời gian của tuổi già thường có bước đi nhanh phát khiếp. Nhưng bước đi của chính người già lại ngắn ngủn và chênh vênh. Ông đi đứng đã khó khăn, Nói năng cũng chậm rãi hơn nhiều. Nhưng khi nói chuyện chữ nghĩa ông như kiếm lại được nhiệt huyết tưởng như đã cạn héo từ lâu. Tôi có mang tặng ông mấy cuốn sách của tôi. Ông run rẩy ôm chúng vào lòng rồi chậm rãi bày ra trên mặt bàn. Ông rở rẫm từng cuốn, gục gặc đầu: “Bây giờ mà anh em còn in được sách như vậy thì vui quá!”. Cả một đời người sống với sách vở. Viết và in. In sách của ông và sách của bạn văn. Ngày còn ở Việt Nam, ông có nhà xuất bản Thời Mới. Sách mới đích thực là cuộc sống của ông.

Rồi ông lại vào phòng trong. Một lúc sau ông lập cập bước ra. Trên tay lại có một cuốn sách. Ông cầm rất gọn gàng vì cuốn sách này nhỏ và mỏng hơn cuốn Tuyển Tập lần thăm trước ông mang ra tặng tôi. Chỉ còn 184 trang. Khổ sách cũng nhỏ hơn. Cũng cái bìa có nền trời màu xanh nhạt với những đám mây lững thững trôi, chữ “Võ Phiến” màu đen, chữ “Cuối Cùng” màu đỏ. Chữ “Tuyển Tập” trên bìa cuốn sách dày cộm ông tặng tôi bốn năm trước cũng màu đỏ. Hai cái bìa giống nhau tưởng như không có chi thay đổi. Vậy mà có. Chữ “tuyển tập” như một thu vén văn nghiệp bề bộn của ông. Chữ “cuối cùng” như một dấu chấm hết. Dứt khoát. Cái dứt khoát hết sức tội nghiệp. Ông đã thu dọn đời ông sao? Đâu còn cái lạc quan trong từng chữ viết, từng lời nói của ông. Anh em văn nghệ tới vấn an ông thường kháo với nhau một giai thoại. Bao giờ cũng vậy, khi tiễn một người tới thăm ra về, ông cũng bắt tay chặt chẽ, gửi theo một câu nói: “Đây là lần áp chót nghe!”. Với ông, không bao giờ có lần chót. Vậy mà lần này ông cho in cuốn sách với cái tựa “Cuối Cùng”. Trong đoạn cuối cùng của bài cuối cùng của cuốn “Cuối Cùng” ông hạ bút: “Nhưng sau sự sống, con người – mọi người – đều sẽ có dịp gặp một sự nữa: là sự chết. Sự chết thì sao? Liệu tự nó có biết chết một cách tử tế cho thiên hạ nhờ tí không? Tôi âm thầm nghĩ ngợi và ngờ rằng đây là lúc xuất lộ cái từ tâm của Hóa Công. Chúng ta không nên mè nheo đòi hỏi cho được vừa huýt sáo mồm vừa chết. Chỉ mong những bước chân đến ngôi mộ của chính mình sẽ là những bước thong thả, hững hờ. Đại khái thế thôi. Và Tạo Hóa đã xếp đặt như thế”. Cuối bài ông ghi dấu: “Santa Ana, 2009”.

Cũng năm 2009, một năm trước ngày tôi thăm ông lần chót, cũng đúng ngày tết Kỷ Sửu 2009, ông đã ngậm ngùi:

Xưa từng có xóm có làng
Bà con cô bác họ hàng gần xa
Con trâu, con chó, con gà
Đàn cò, lũ sẻ, đều là cố tri
Múa may mãi chẳng ra gì
Mỗi lâu thêm một cách ly rã rời
Thân tàn đất lạ chơi vơi
Trông lên chỉ gặp bầu trời là quen.

Cuốn “Cuối Cùng” được nhà xuất bản Thế Kỷ 21 của anh Phạm Phú Minh in năm 2009, 6 năm trước ngày ông nhìn lại cuộc sống lần cuối cùng. Như vậy ông cũng không có chi vội vã. Trong 6 năm đó ông lãng đãng sống. Khi nhớ khi quên. Không biết ông có còn theo dõi được bước đi của thời gian nữa không. Ông có biết mình đã ra đi không. Sáu năm không gặp ông, tôi chẳng biết chắc được chuyện chi.

Tôi tưởng tượng khi gặp Mai Thảo, Nguyên Sa, Thảo Trường, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng ông có biết mình đã đổi cõi không. Từ cõi có bằng hữu, ông về một cõi cũng có bằng hữu. Thôi thì ta lại vãn chuyện chữ nghĩa. Ông ở cõi kia nhưng chữ nghĩa của ông vẫn để lại cõi này. Cõi kia có chữ nghĩa không, tôi mù câm. Nhưng chắc là có. Nếu không thì ông mất mát tới tận cùng.
Năm 1975, khi di tản qua Hoa Kỳ, ông đi nhưng đã tính tới chuyện về.

Ra đi tuổi chẵn năm mươi,
Năm mươi tuổi nữa nào nơi ta về.
Ngàn năm mây trắng lê thê.

Sáng nay, vừa thức dậy, nghe tin ông về, tôi rút trong kệ sách ra hai cuốn sách ông tặng tôi, ngắm hai cái bìa giống hệt nhau có những đám mây trắng trên nền màu xanh nhạt. Ngàn năm mây trắng lê thê.  Ông về thật rồi sao!

29/9/2015

1
Với nhà văn Võ Phiến. (Santa Ana, 12/2006).

2
Võ Phiến, tết Kỷ Sửu 2009. Hình: Song Thao.

3
Ông bà Võ Phiến và vợ chồng Song Thao. (Santa Ana, 02/2010).

4
Từ trái: vợ chồng Song Thao, ông bà Võ Phiến, anh chị Thành Tôn, nhà thơ Đạm Thạch chụp với cây quít vườn sau nhà ông bà Võ Phiến. (Santa Ana, 02/2010)

5
Thủ bút của nhà văn Võ Phiến.

6