Nguyễn Tuấn Hoàng không phải là một cái tên xa lạ. Hàng tuần, trên
Thời Báo chúng ta thường thấy cái tên này dưới những bài viết về chính
trị, kinh tế. Đó là những bài nghiêng về chuyên môn, bình luận nên
thường khô khan. Như vậy, Nguyễn Tuấn Hoàng là một cái tên...khô!
Thật là một bất ngờ khi tôi nhận được tập truyện Hoa Cuối Mùa của
Nguyễn Tuấn Hoàng. Chính trị, kinh tế đi chỗ khác chơi hết để chỉ
còn một Nguyễn Tuấn Hoàng, người kể chuyện. Một Nguyễn Tuấn Hoàng
của văn chương. Và Nguyễn Tuấn Hoàng đã trở thành một cái tên...ướt.
Cái tên Nguyễn Tuấn Hoàng đã được nhúng nước từ hồi nào vậy? Từ lâu
rồi! Từ những năm trước 1975 với những truyện được đăng trên báo Tuổi
Ngọc của nhà văn Duyên Anh và trang nhi đồng Mai Bê Bi của nhật báo
Chính Luận.
Mười truyện ngắn trong tập truyện Hoa Cuối Mùa được ra mắt hôm nay
chắc không thể nào được chọn đăng trên Mai Bê Bi được. Vì đây là những
chuyện người lớn. Đúng ra là những chuyện tình. Toàn là những chuyện
tình.
Chuyện tình bao giờ cũng mang lại thích thú cho người đọc. Chúng
tươi mát, lãng mạn, ướt át. Chúng hừng hực sức sống, sức quyến rũ.
Chúng là cuộc đời. Cuộc đời như là một khởi thủy của người nam và
người nữ.
Mỗi mối tình đều có một định mệnh riêng. Buồn hay vui. Nhưng những
mối tình trong văn chương, thường là những chuyện dang dở, nên buồn.
Tình vui ít khi được đề cập tới, có lẽ bởi vì nó không mang lại cái
da diết của thú yêu thương.
Buồn như cuộc tình của Hân trong truyện Trong Những Nỗi Bàng Hoàng.
Cuộc tình kết thúc bằng sự chia tay. Nhân vật nữ cũng chia tay với
cuộc đời, náu mình trong một tu viện. Tình muộn màng của những người
đã có một cuộc tình dang dở như trong truyện Chiều Muộn Màng. Tình
thoang thoảng trong một chuyến đi công tác, loại tình mà tác giả gọi
là tình trong “giờ ra chơi”, để lại những bâng khuâng luyến tiếc như
trong truyện Trong Cơn Say. Tình tròng trành trên một chuyến xe buýt
trong truyện Trở Về Bến Mơ. Tình thua thiệt kiểu “ Người ta đen bạc
đỏ tình/ Còn tôi thì bạc lẫn tiền đều đen” trong Đen Bạc Đỏ Tình.
Tình lỡ của một sinh viên yêu một cô gái đã có chồng ở Việt Nam trong
Như Chẳng Bao Giờ. Tình mặn mà qua một đứa con của một người cha góa
vợ với một nữ bác sĩ chưa chồng trong Đời Vẫn Còn Dễ Thương.
Tình nằm dài từ đầu sách đến cuối sách trong những thế nằm hớ hênh,
quyến rũ, mời mọc. Nếu quý vị không choáng váng về tình trong những
loại tình mà tôi vừa hài ra hầu quý vị thì chắc quý vị đã bấm đầu
ngón tay để đếm. Và nếu quý vị đếm đúng thì thấy tôi mới nhắc tới
bẩy loại tình trong bẩy truyện của tác giả. Tôi không phải là người
đãng trí, tôi dành ba truyện còn lại bởi vì chúng là những cuộc tình
nóng, rất nóng, cái nóng khiến cái tên Nguyễn Tuấn Hoàng trở nên...ướt
nhẹp!
Trong truyện Hoa Cuối Mùa, một sinh viên đi học xa, trở về nghỉ hè
với bố mẹ ở một thành phố biển. Khi đưa bố mẹ đi chợ, anh được bố
mẹ hỏi có nhận ra bà chủ tiệm tạp hóa này không. Anh không nhận ra
đó là cô Hương, người bạn của bố mẹ anh, người ngày xưa vẫn thường
xoa đầu anh và cho tiền lì xì mỗi dịp tết. Diễn tiến của truyện đưa
đến một tình huống bất ngờ. Cô Hương leo lên thang giữa những kệ hàng
cao ngất trong một góc khuất để lấy hàng. Anh sinh viên, tên Khoa,
là người đứng giữ chân thang. Chúng ta hãy nghe chính tác giả kể:
“ Chiếc thang bỗng xao động vì sự di chuyển khiến cô Hương mất thăng
bằng và để tránh bị té, cô ta đã bước xuống thang một bước. Khoa bị
bất ngờ, vội đưa hai tay ôm chầm lấy đôi mông chắc nịch kia và khuôn
mặt của chàng đã bị phủ kín ngay bằng vùng kín đáo nhất của người
đàn bà.” Cái té bất ngờ dẫn tới cái té thật sau đó, nơi nhà cô Hương.
Tôi xin miễn trích dẫn đoạn văn tả tình tả cảnh này. Quý vị nào ấm
ức xin tìm sách đọc lấy.
Truyện Hương Tóc lại là một hoàn cảnh khác. Hoàn cảnh ấm ớ của một
ông anh rể với cô em vợ tên Băng Châu. Vợ chồng Băng Châu không hòa
thuận với nhau. Chuyện xảy ra khi Hùng cùng vợ con lái xe đi thăm
gia đình cô em vợ. Trong nhà kho của một motel do vợ chồng Băng Châu
khai thác, Hùng giúp cô em vợ soạn đồ giặt. Nguyễn Tuấn Hoàng viết:
“ Hùng ra sau đứng sau lưng cô nàng cầm lấy hai mép bao. Người Hùng
hừng hực nóng và chàng cảm thấy cái nóng trong người của Băng Châu
cũng chẳng kém gì. Má chàng kề sát má của Băng Châu trong khi mùi
thuốc gội đầu Flex phảng phất trên mặt, trên mũi của chàng. Băng Châu
bỗng xoay người lại và như thế người của nàng đã lọt thỏm trong vòng
tay của chàng. Chàng làm gan thử thời vận, cúi xuống định hôn lên
môi Băng Châu. Nàng dường như cũng bằng lòng, đôi môi đã hé mở chờ
đợi. Đúng lúc đó cả hai nghe tiếng của Loan vợ chàng ở ngoài sân.”
Cuốn phim đứt quãng ở đây. Chuyện chẳng thể tiến xa hơn được. Nếu
quý vị nào không tin, cứ thử đọc tiếp coi sẽ biết tôi là người rất
thật thà, có sao nói vậy!
Truyện cuối cùng tôi muốn chọn riêng ra để nói vào lúc cuối là truyện
Nhị Kiều. Bởi vì truyện này nóng nhất. Hai nhân vật đã đi tới tận...La
mã trong sự đồng tình của người thứ ba. Người thứ ba đây là Kiều Oanh,
vợ của Vũ, em của Kiều Nga. Kiều Nga lấy phải một ông chồng mà thuốc
Viagra cũng giơ tay đầu hàng. Khi Vũ và vợ lái xe tới thăm chị là
lúc chồng của Kiều Nga về Việt nam vắng nhà. Thương chị cô đơn, chiều
chồng thích...ăn phở, Kiều Oanh đã sắp đặt để chồng và chị chung giường
với nhau. Sắp đặt như thế nào, tôi không tiết lộ ở đây, vì tôi còn
bận dẫn quý vị đi nghe tác giả kể tiếp: “ Thân thể của người đàn bà
đã phải nằm yên trong bao nhiêu năm qua, giờ đây được dịp trỗi dậy
thì điên cuồng như những cơn sóng dữ. Riêng với Vũ, những nỗi ao ước
thời còn đi học là được ôm trong tay thân hình thon thả của Kiều Nga,
thì ước mơ đó nay đã thành sự thực. Chàng vồn vã đặt những chiếc hôn
nóng bỏng lên khắp thân thể của người đàn bà...trước khi cả hai thân
thể quấn quít, tan biến lẫn vào nhau trong những hoan lạc. Không biết
hai người đã yêu nhau bao nhiêu lần, chỉ biết là buổi sáng hôm sau
khi Vũ mở được mắt ra thì đã thấy (vợ) ngồi bên cạnh trên chiếc giường
gối chăn sộc sệch. Đôi mắt của nàng đượm buồn. Nàng đưa tay véo chồng
một cái rồi bảo: “ Sao ông tướng, chín giờ sáng rồi mà còn chưa dậy,
cả nhà đang chờ ăn sáng ở dưới nhà.”
Quý vị vừa cùng tôi nín thở nghe một Nguyễn Tuấn Hoàng ướt kể chuyện,
một Nguyễn Tuấn Hoàng như xa lạ với Nguyễn Tuấn Hoàng của chính trị,
kinh tế mà chúng ta gặp hàng tuần trên Thời Báo. Lối viết truyện của
Nguyễn Tuấn Hoàng là lối kể chuyện. Anh kể rất mạch lạc, diễn tiến
theo thứ tự thời gian, không làm khó độc giả. Lối kể chuyện nghe chừng
rất chân chất. Chân chất hơn nữa là những chi tiết trong truyện. Nguyễn
Tuấn Hoàng luôn luôn hài rõ tên tiệm, tên xa lộ, tên thành phố. Thí
dụ như: “ Chàng lái xe đưa bố mẹ trở về nhà ở ngoại ô thành phố Saint
John, tỉnh bang New Brunswick.” Hoặc: “ Chàng biết chỗ bà Mẹo hiện
làm nghề may trong một tiệm sửa quần áo của người Hy Lạp ở trung tâm
thành phố.”
Những chi tiết nhỏ nhít này làm cho độc giả có cảm tưởng như đây
là chuyện thật. Hơn nữa, hoàn cảnh của những nhân vật nam, một sinh
viên du học ở Toronto, ra trường, đi làm tại nhiều thành phố, lại
mang dáng dấp của cuộc đời tác giả, lại càng làm cho người đọc dễ
suy đoán là tác giả đã kể chuyện đời mình. Đây cũng là đặc điểm chung
của hầu như mọi người viết trong những truyện đầu tay. Mang chuyện
của mình ra khai thác!
Nhưng, đối với tác giả Hoa Cuối Mùa, có thật như vậy không? Tôi nghĩ
là không. Bởi vì nếu Nguyễn Tuấn Hoàng chỉ mang chuyện đời mình ra
kể thì anh đúng là...anh hùng! Chuyện tèm nhèm với bà chủ tiệm tạp
hóa lớn tuổi, với em vợ, với chị vợ, mà thành thật khai báo như vậy,
nhẹ ra cũng vác mền ra phòng khách ngủ. Ba đầu sáu tay gì mà khơi
khơi viết ra cho mọi người đọc, và nhất là cho một người đọc!
Như vậy, Nguyễn Tuấn Hoàng đã hư cấu. Hư cấu một cách khéo léo khiến
cho độc giả cứ tưởng là chuyện thật. Hư cấu là bước đi thứ hai của
một người viết truyện sau khi đã kể xong chuyện của mình. Hư cấu là
con đường đưa người viết truyện đi xa hơn trong văn nghiệp của mình.
Bởi vì một người viết, nếu không hư cấu được, sẽ chìm trong ao tù
của chính mình!
Hoa Cuối Mùa là tập truyện đầu tay của Nguyễn Tuấn Hoàng. Nghe chừng
như có một nghịch lý. Đầu mà cuối! Chẳng lẽ Nguyễn Tuấn Hoàng đã đốt
giai đoạn nhanh đến thế. Không, tôi nghĩ khác. Mùa là sự chuyển đổi
của thiên nhiên. Nó lặp đi lặp lại, năm này qua năm khác. Vậy thì
cuối mùa phải chăng là cuối mùa này? Mùa sau, chúng ta sẽ lại có hoa
đầu mùa. Hy vọng rằng tác giả Nguyễn Tuấn Hoàng cứ rỉ rả cho chúng
ta nhiều bó hoa mới. Mỗi mùa!
12/2004 |