Tiếng súng vẫn ì ầm vọng về cho tới khi Tổng Thống Dương Văn Minh
ra lệnh cho quân đội hạ súng. Gia đình tôi co cụm trong góc nhà, dưới
gầm cầu thang bằng bê-tông chắc chắn, hồi hộp nghe những lời chấm
dứt cuộc chiến từ chiếc máy thu thanh chạy pin đặt trên sàn xi măng.
Tôi tái mặt. Như có một tấm màn đen được tung ra phủ ập vào mắt. Mẹ
tôi oà khóc. Rồi chúng mày sẽ ra sao? Bà có sáu đứa con thì hai đứa
đang làm việc cho chính phủ, một đứa là sĩ quan Hải Quân và hai đứa
đang dạy học tại trường công lập. Tôi như người mất hồn loạng choạng
bước ra đi tìm một ly nước lạnh. Vợ tôi, mặt rũ rượi, bồng đứa con
nhỏ mới bốn tháng lên nhà trên. Đứa con lớn hai tuổi chẳng hiểu chuyện
gì ngơ ngác nhìn mọi người. Chẳng ai buồn nói năng. Như trong nhà
đang có đám. Chiến tranh đã kết thúc như thế trong nhà tôi, một căn
nhà như mọi căn nhà nằm trong vùng Thị Nghè, chỉ cách Saigon một con
kinh nước quanh năm đen kịt, vào ngày tận của tháng Tư năm 1975.
Tiếng chân người, tiếng nói xôn xao từ ngoài đường vọng vào ầm ĩ.
Tôi chẳng buồn nhìn ra ngoài. Chiếc cổng sắt im lìm bỗng có tiếng
gõ mạnh. Tôi mở chiếc lỗ nhỏ trên cánh cửa kín mít nhìn ra. La Phương!
Tôi vội vàng mở cửa. Người ký giả kỳ cựu của làng báo Saigon uể oải
bước vào. Chẳng ai buồn nói. Chỉ mới mấy bữa trước La Phương còn lạc
quan vào một giải pháp trung lập. Cuộc chiến có trên 20 năm tuổi sẽ
được kết thúc bằng một giải pháp có thể chấp nhận được cho cả hai
phía. Người cựu ký giả của hãng thông tấn Pháp AFP có liên hệ nhiều
với người Pháp đã khẳng định một cách lạc quan như vậy. Tình hình
chính trị mấy ngày qua như càng ngày càng xấu đi. Ba Tổng Thống trong
vài ngày là một chỉ dấu không tốt đẹp gì. Hy vọng đặt cả vào một Dương
Văn Minh được lòng nhiều phe phái.
La Phương nhún vai, lắc đầu. Moa cũng không hiểu sao nữa! La Phương
quen em trai tôi lúc đó đang làm việc tại Nha Báo Chí Phủ Phó Tổng
Thống. Nhà ông cũng ở Thị Nghè, gần nhà tôi, đi bộ chừng năm bảy phút
nên ông thường hay ghé chơi. Riết rồi cũng như người nhà, ông thân
với cả gia đình tôi. Chúng tôi ngồi một đống, chẳng ai buồn nói. Ngồi
một lúc, La Phương ra về.
Nghe thấy tiếng xe tăng chạy ngoài đường, tôi uể oải ra coi thử xem
sao. Hai chiếc đầy nhóc lính Bắc Quân đứng giương cao lá cờ Mặt Trận
Giải Phóng Miền Nam phần phật bay theo gió đang tiến vào Saigon theo
đường Hùng Vương dẫn tới cầu Thị Nghè. Bỗng tôi nghe thấy tiếng súng
ở phía cầu. Mọi người nhốn nháo. Những thanh niên đeo băng đỏ, mặt
đằng đằng, chạy tới chạy lui. Khu chợ đồ Mỹ tự phát bên lề đường như
đàn kiến bị phá vỡ tổ. Chỉ một lúc, đâu lại vào đấy. Người ta kháo
nhau về mấy tiếng súng vừa qua. Lính giữ cầu đã nổ súng vào đoàn xe
và bộ đội trên xe đã bắn lại. Xác chết còn nằm trên cầu. Những người
đi coi về kể lại như kể về một chuyện xảy ra trên màn ảnh. Tôi đứng
nhìn khu chợ càng ngày càng phình ra. Họ bán những đồ Mỹ hôi được
bằng cách phá kho Tân Cảng ở gần đó. Đồ dùng hằng hà sa số đủ thứ.
Bàn ghế, dụng cụ văn phòng, máy lạnh, quạt máy, kem đánh răng, sữa
bột, bánh kẹo, đồ chơi, đồ nhà bếp… Giá cả rẻ rề. Chỉ mấy ngày trước
giá đồ Mỹ còn vắt vẻo trên cao, chẳng phải ai cũng mua được. Bây giờ
đồ Mỹ lê la dưới đường, giá cũng sát sạt dưới đường. Người mua kẻ
bán bận bịu như không hề biết là họ đang bị kéo đi theo một khúc quanh
của lịch sử. Khúc quanh gắt dữ dằn.
Tôi quay về! Chẳng biết phải làm gì bây giờ!
Nửa tháng sau, tôi nhồi vài bộ quần áo, một ít đồ lặt vặt vào chiếc
ba lô tới xếp hàng trình diện học tập tại trường Trưng Vương, xế cửa
Sở Thú, đầu nghĩ là sẽ học tập ngay tại ngôi trường nữ này. Hàng người
xếp hàng vòng vèo như xếp hàng mua vé vào xem đá banh trên sân Thống
Nhất. Chờ khoảng một tiếng, tôi mới bò tới được bàn ghi danh. Tên?
Tuổi? Chức vụ? Nhiệm sở? Những câu hỏi vô hồn bắn ra từ miệng mấy
anh cán bộ như những tiếng súng còn sót lại của cuộc chiến dai dẳng.
Người được cho bước qua cửa vào bên trong. Người không được bị đuổi
về. Tổng Thư Ký? Nghĩa là lớn hơn Thư ký phải không hè? Đi về! Không
đúng diện học tập! Bí Thư hả? Đi vào! Cứ ngơ ngác cả ra với nhau.
Đây là địa điểm trình diện của cái bị gọi là "ngụy quyền". Theo thông
cáo thì phải trình diện học tập, cấp Trung Ương từ Phó Giám Đốc trở
lên, cấp địa phương từ Trưởng Ty trở lên. Những chức vụ nào mà guồng
máy hành chánh ngoài Bắc có chức vụ tương đương thì dễ xét xử vào
ra. Những chức vụ chính trị trong tổ chức của một cơ quan của miền
nam hoặc những chức vụ có danh xưng mà ngoài Bắc không có như Chánh
Sự Vụ chẳng hạn thì…may nhờ rủi chịu, tùy vào tầm hiểu biết của mấy
anh cán bộ ngồi làm việc. Vì thế mới có vụ Bí Thư thì đi vào, còn
Tổng Thư Ký thì đi ra.
Tưởng sẽ đóng đô luôn ở Trưng Vương, chúng tôi lẳng lặng tổ chức
cuộc sống. Nhưng chỉ qua hai đêm thì có lệnh di chuyển. Cán bộ tất
tả chạy đi loan báo, chỉ có 15 phút sửa soạn vào lúc hai giờ sáng.
Những hàng người xếp hàng theo từng phòng xuống đứng đợi ở dưới sân.
Những chiếc xe tải quân đội bít bùng chiếu đèn sáng trưng cả một khu
phố. Chúng tôi lên xe như những tội phạm. Cạnh những gốc cây hai bên
đường, những người lính gác súng ống lên đạn ở tư thế chiến đấu. Đoàn
"ngụy" tái xanh mặt. Đầu óc lởn vởn những ý nghĩ toát mồ hôi. Cha
mẹ, vợ con, anh em, bằng hữu. Thôi nhé!
Đoàn xe di chuyển. Phía trước mờ mịt tối. Trong tấm bạt bít bùng,
chúng tôi chẳng biết mình đang bị đưa đi đâu. Lành ít dữ nhiều. Dựa
theo những hướng quẹo của xe, chúng tôi cố đoán lộ trình. Xe chạy
bon bon một đường thẳng. Ghé tai thầm thì với nhau. Xa lộ! Trong bóng
tối, chúng tôi không nhìn được nỗi lo của nhau. Cuối cùng, xe ngừng.
Tấm bạt phía sau được vén lên. Lại những người lính võ trang, súng
ống ngước lên sẵn sàng nhả đạn. Nhảy xuống đất. Tôi đảo mắt quanh
một vòng. Thấy quen quen. Vốn làm ở Bộ Xã Hội, tôi lạ gì với Làng
Cô Nhi Long Thành!
Trời còn lờ mờ tối. Từng toán từng toán được cán bộ lùa vào từng
dẫy nhà rộng lớn. Nhìn những khuôn mặt mệt mỏi, thất thần, ngơ ngáo
chung quanh, tôi bỗng cảm thấy như mình đang ở hậu trường một rạp
hát khi vừa xong xuất hát đêm. Mới đó là Tổng Bộ Trưởng, Tổng Giám
đốc, Giám Đốc, Dân Biểu, Nghị Sĩ, Chánh Án, Thẩm Phán, giờ xác xơ
ngồi bệt xuống đất, dựa cột nhà, chia nhau từng viên gạch, gối đầu
lên ba lô nằm nhìn từng miếng tôn rỉ sét trên mái.
Trời sáng, túa ra sân xem bạn bè từ nhiều trung tâm trình diện tựu
lại, ai có mặt ai không có mặt. Tới trưa, bụng đói meo mà cơm nước
chẳng thấy đâu. Chẳng bù với hai ngày ở Trưng Vương, tới bữa ăn là
xe của những nhà hàng cao lâu trờ tới cung cấp đầy đủ. Mãi mới thấy
xe gạo và nồi niêu tới. Cán bộ đi lòng vòng hỏi ai biết nấu bếp. Gần
chiều, bụng đói meo, mùi cơm khét mới tỏa ra từ căn lều tạm dùng làm
nhà bếp. Đói muốn xỉu, tôi loanh quanh tìm cách xúc cơm. Nhìn sang
bên, ông Tổng Trưởng của tôi cũng rệu rạo đứng. Tôi xúc đại một chén
cơm chạy ra. Ông Tổng Trưởng nhìn tôi. Anh cho tôi một ít, tôi đói
quá!
Cuộc sống đi dần vào ổn định. Năm giờ sáng mỗi ngày, tiếng còi báo
thức dục dã mọi người ra sân tập thể dục. Giơ tay giơ chân, quay trái
quay phải, cúi xuống ngẩng lên. Tiếng hô rập ràng. Tôi ngước mặt lên
trời không muốn cúi xuống nữa. Một chiếc máy bay lấp lánh trên trời
cao. Tôi bảo anh bạn bên cạnh. Chắc tụi mình chẳng còn bao giờ được
ngồi máy bay nữa nhỉ! Anh Sứ Thần Ngoại Giao nhếch miệng khẽ nói.
Biết đâu đấy!
Biết đâu đấy! Cuộc sống luôn dành cho chúng ta những bất ngờ. Từ
đáy thẳm tuyệt vọng, thời thế đổi dời đã cho tôi lại có dịp ngồi trên
máy bay. Chiếc máy bay đội mây mà đi năm xưa như một trái cây lóng
lánh ngoài tầm tay với, tôi đã với được. Các bạn tôi cũng đã với được.
Chúng tôi đã hầu hết gặp lại nhau ngàn dặm cách xa đất tổ. Cái đà
của cuộc sống như một dòng thác lũ phăng phăng kéo chúng tôi đi. Không
ai cản được. Chẳng ai lội ngược dòng được.
Tuổi của một đời người ngắn hơn tuổi của lịch sử. Ngắn hơn rất nhiều.
Chúng tôi đã được cuốn đi theo con đường ngắn. Còn con đường dài,
con đường của lịch sử? Biết đâu đấy!
03/2005
|