35 năm nhạc Từ Công Phụng

Đọc "Mùa Gặt Giữa Hư Vô" của Dương Kiền

Tuyển tập thơ văn hải ngoại năm 2000

Giới thiệu tập truyện "Dì Thu" của Trang Châu

Với Lê Uyên & Phương

Nguyễn Đông Ngạc, một đi...

Chút kỷ niệm với Văn Học

Lớp người hẩm hiu

Quê hương, tình yêu trong thơ Luân Hoán

Thơ Bích Xuân

Nhắc nhớ Chu Văn An

Cái tâm trong nhạc

Luân Hoán - Thường ngày

50 năm Chu Văn An

Nguyễn Tuấn Hoàng - Hoa cuối mùa

Biết đâu đấy

Thầy Chương

Nhẩy Dù

Với Lê Uyên Phương và ĐàLạt

Yến

Kỳ

Hệ Lụy

Khi đến San Jose

Phụng, trở lại với đời

Đọc "Đất Thiên Thai" của Trà Lũ

Lệ Trăng

Hân

Tiễn Nguyễn Mộng Giác

Phan Ni Tấn,, người bắt cái đẹp

Huỳnh Công Ánh, người vượt thoát

Hoàng

Viết cho Nghiêm

Hoàng Xuân Sơn, rất Huế

Võ Kỳ Điền, nối lại cuộc chơi

Ghi vội khi đọc "Pulau Bidong" của Võ Kỳ Điền

Những tháng ngày buồn

Đọc "Đứng Ngẩn Trông Vời" của Hoàng Quân

Hai lần gặp Võ Phiến

Biết đâu đấy 30-4

Một chuyến đi lỡ

Một năm Nguyễn Xuân Hoàng

Phan Ni Tấn và Có Một Thời Ở Quê Hương Tôi

Thành Tôn, một đời mê sách

Viết Cho Chu-Văn-An

Du Tử Lê, rất riêng

Tô Thùy Yên, nhìn gần

Bùi Quyền, đã sống như thế

"Trăm cây nghìn cành" của nhà thơ Triều Hoa Đại

Đọc "Bãi sậy chân cầu" của Khánh Trường

Phạm Xuân Đài và "Đi, Đọc và Viết"

Hà Túc Đạo, người của số mạng

Nhớ Thẩm Dương

Vĩnh biệt Lệ Thu

Đọc "Bốn Biển Là Nhà" của Nguyễn Lê Hồng Hưng

Đọc "Thành Tôn, một đời thắp tình"

Hồ Đình Nghiêm, Tập 2

Giới thiệu "Tuyển Tập Thơ Đức Phổ"

Đọc "Ăn mà không chơi" của Đỗ Duy Ngọc

NHẮC NHỚ CHU-VĂN-AN

Kính thưa quý vị,
Thưa các bạn,

Ba tuần trước đây, anh Nguyễn tấn Khang trao cho tôi cuốn Đặc San Bưởi-Chu văn An mà quý vị đang có trong tay và nhờ tôi giới thiệu trong buổi ra mắt hôm nay, tôi đã ngần ngại rất nhiều. Đặc san do nhiều người viết rất phong phú và đa dạng nên việc giới thiệu không phải là dễ dàng. Nhưng sự ngần ngại đã nhanh chóng tan biến khi tôi đọc lướt qua bài viết của các đồng môn. Qua 100 trang báo đày ắp tâm tình của các đồng môn, tôi đã nắm bắt được không khí của những ngày cũ. Kỷ niệm tưởng đã cằn cỗi trong trí bỗng cựa mình trở dậy tươi mát hơn bao giờ hết. Trường cũ, thầy xưa, bạn bè một thuở. Đã gần bốn chục năm qua mà sao như vẫn còn nguyên vẹn những ngày Chu văn An cũ.

Năm 1954 tôi vác bút đi thi nhập học trường Chu văn An vừa bắt đầu hoạt động tại Sàigòn. Nói là đi thi nhưng chữ nghĩa trong người đâu có còn bao nhiêu. Nó rơi lả tả trên đường di cư từ Bắc vào Nam. Vậy mà ngày dán bảng kết quả tôi vừa dò tên đã thấy ngay tên mình trên bảng. Bởi vì tôi biết thân biết phận nên đã dò từ dưới cuối bảng dò lên. Đậu gần chót nhưng vẫn thấy lòng dấy lên niềm hãnh diện: mình đã trở thành dân Chu văn An.
Niềm hãnh diện chẳng là của riêng tôi. Đọc Đặc san Bưởi - Chu văn An tôi mới biết là mấy chục năm trước đã có một bậc tiền bối sống những giờ phút tương tự như tôi. Đồng môn huynh trưởng Đào Huy Kình đã kể lại trong bài "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" như sau: " Một buổi chiều thu, gió heo may xào xạc thổi qua những chùm lá sấu, một rừng người vẻ mặt băn khoăn đứng đợi nghe đọc kết quả trước một tòa nhà ba tầng. Một ông tây to lớn đứng trên thềm cao, cầm danh sách đọc...Số 1 Lê giáp Độ, số 2, 3, 10, 15. Rồi 20, 30, 50, gần tới số 100 rồi chưa thấy tên mình. Rồi 120, 130, 135, 137, 138, 140, 141 Đào Huy Kình. Giật mình, sửng sốt, tôi nhảy quẫng lên vì quá mừng. Đỗ gần bét. Nhưng chẳng sao. Nay mình đã là học sinh trường Bưởi rồi! Giấc mộng của tuổi thơ đã thành sự thực!".

Đồng môn Nguyễn Tri Phương thi đậu vào trường Chu Văn An hồi trường ở Cửa Bắc Hà Nội đã cảm thấy quá hạnh phúc. Trong khi chờ ngày nhập học, nhà ở tận Yên Thái, cách Cửa Bắc mười hai cây số mà cứ thấy mẹ quên sai bảo trong vòng nửa giờ là bỏ nhà ra đi nhảy tầu điện trốn vé hoặc có khi cuốc bộ để "chỉ trèo vào trường ngồi trên nóc hầm trú ẩn năm mươi phút ngắm sân trường vắng, ngắm ngôi nhà nghiêm, ngắm thôi rồi trèo tường ra."

Ba thế hệ khác nhau nhưng tâm trạng như chỉ có một. Ngày nhập học bước qua cổng trường chính thức nhập tịch dân Chu Văn An là hòa mình vào một tập thể có nhiều sắc thái lạ lùng. Những sắc thái làm nên cái gọi là Chu Văn An tính. Chu Văn An tính là gì nhỉ?

Thầy Nguyễn văn Phú đã viết về Chu Văn An tính của giáo sư Chu Văn An như sau: " Tập hợp giáo sư Chu Văn An cho tôi thấy một điều là làm nhà giáo không bắt buộc phải cứng nhắc, cổ cồn nhưng đúng lúc vẫn có thể và cần phóng khoáng, cởi mở, vui tươi. Vào việc thì " Comme il faut", nhưng sống thì nên thoải mái, cởi mở. Có tí gì nhà nho cổ điển ở trong song phải pha chút 'thơ túi rượu bầu'."

Chu văn An tính nơi thầy thì như vậy. Còn Chu Văn An tính nơi lũ học trò chúng tôi thì sao? Đó là một cái gì bàng bạc khó phanh phui rành mạch. Nó ăn sâu vào lối sống, lối suy nghĩ, lối cư xử, cách ăn nói của những người đã lê đũng quần nơi Chu Văn An. Nó rất...Chu Văn An.

Trên những nẻo đường đời sau khi rời trường cũ, từ những ngày theo học Đại Học tới lúc ra đời đi làm, khi lang thang trên đường phố hoặc ngay trong trại tù cộng sản, tôi đã từng lúc bắt gặp những khuôn mặt búng ra chất Chu Văn An. Hỏi tới thì y như rằng đúng dân Chu Văn An thật. Hình như mỗi học sinh Chu Văn An đều thấm cái Chu Văn An tính trong người và không thể dấu diếm không để lộ ra mặt.

Chu Văn An tính phải chăng là nêu cao tinh thần " Uy lực không thể khuất phục" của ông tổ Chu Văn An như đồng môn Nguyễn Viết Ninh đã viết: "Họ là những người bạn đã từng theo học ở Bưởi, ở Chu Văn An đã ngạo nghễ đối mặt với kẻ thù chuyên chính vô sản, coi thường chết chóc, hành hạ tra tấn, tù đày để nói lên tiếng nói của tự do dân chủ".

Chu Văn An tính phải chăng là niềm tự hào được dẫn dắt bởi những vị hiệu trưởng nổi danh như thầy Hoàng Cơ Nghị, Nguyễn Gia Tường, Dương Quảng Hàm, Mai Văn Phương, Đỗ văn Hoán, Phạm xuân Độ ngoài Bắc và Vũ Ngô Xán, Trần văn Việt, Nguyễn hữu Văn, Đàm xuân Thiều, Bùi đình Tấn, Dương minh Kính, Nguyễn xuân Quế trong Nam như đồng môn Đào hữu Châu đã nhắc lại.

Chu văn An tính phải chăng là sự trân trọng công ơn dạy dỗ của thầy mà tới ngày nay các đồng môn của tôi vẫn còn nhắc lại với niềm hãnh diện và thân thương.

Đồng môn Nguyễn đức An còn nhớ thầy Bùi đình Tấn ưa ngồi lên mép bàn, vừa nói vừa gảy móng tay, vừa cười tươi như hoa. Thầy Bùi đình Tuyên luôn luôn đòi hỏi học trò ăn nói dõng dạc, rõ ràng. Anh nào dở thói " ăn nói lỗ mỗ" õng ẹo như con gái là bị thầy mắng: này anh kia, lớn rồi, có phúc đã có con, liệu mà ăn nói cho dõng dạc, ăn nói lỗ mỗ như thế người ta cười cho. Thầy Vũ Hoàng Chương cho cuộc đời hôm nay chỉ là cõi tạm. Trên cõi tạm này là đêm hoa đăng bất tận. Thầy Vũ Khắc Khoan cho con người đã sinh ra phải có danh gì với núi sông, đừng đi vào con đường tầm thường nhàm chán."

Đồng môn Lê Thế Hiển nhắc về các thầy cũ với giọng trìu mến thương yêu: thầy Đào văn Dương dạy toán lúc nào cũng nghiêm nghị, cù không cười nhưng lại rất bao dung khích lệ. Thầy Nguyễn ngọc Quỳnh dạy Vạn Vật vẽ hình hoa lá trên bảng tô điểm bằng phấn màu đẹp ơi là đẹp, lời giảng cứ đều đều trơn tru nếu dò vào sách của thầy thì thấy không sót một dấu chấm, dấu phẩy. Thầy Trần Đình Ý dạy Pháp Văn lúc nào cũng tươm tất nghiêm chỉnh trong bộ complet màu xám tro, chiếc mũ phớt, mỗi lần qua ngã tư lại xuống xe dắt xe đạp sang đường. Thầy Lộc dạy Anh Văn mỗi lần lên lớp mang cả núi sách trong chiếc cặp da cũ vác oằn một bên hông.
Chu Văn An tính phải chăng là tinh thần hiếu học mà giáo sư Nguyễn văn Phú không ngần ngại viết: " Phải thành thực mà tuyên bố rằng học sinh Chu Văn An học giỏi. Nếu không muốn chạm đến tính khiêm tốn của mọi người thì nói "trên trung bình".

Chu Văn An tính phải chăng là cái ngông nghênh của những tên coi trời bằng vung. Đồng môn LTP còn kẹt lại ở quê nhà, đang sống những ngày nhọc nhằn khổ nhục mà vẫn viết thư qua cho bạn bè bên này bằng cái giọng Chu văn An ngông nghênh: " Mọi việc rồi sẽ tốt đẹp vì trời sẽ phải lo cho mình, nếu không kiếp sau tụi mình sẽ không chịu làm người nữa. Loài người mà không có tụi mình thì chắc cũng buồn, do đó trời phải lo. "Làm cây thông đứng giữa trời mà reo" như thuở nhỏ mình từng mơ "viết ngang trời ba chữ Chu văn An". Trường này ở Saigon đã được giải thể rồi vì có lẽ không có học sinh vui như mình..".

Chu văn An tính phải chăng là rủ nhau đạp xe tới các cổng trường Trưng Vương, Gia Long, Marie Curie, Saint Paul, Couvent des Oiseaux săn những nàng bướm muôn màu muôn sắc như đồng môn Trần Mộng Lâm đã nhắc tới trong bài "Thời để thương, thời để nhớ!".

Chu văn An tính phải chăng là cái hào hùng của đoàn biểu tình bằng xe đạp với khí thế hừng hực của tuổi trẻ ào ào xông vào khách sạn Majestic và Galilénie tìm đánh Việt Cộng vào năm 1955.
Chu văn An tính phải chăng nằm trong cái tréo cẳng ngỗng của một đội túc cầu có nhà dìu dắt là một nhà văn, giáo sư Vũ Khắc Khoan, nên " kết quả khi lên khi xuống y hệt nguồn cảm hứng của giáo sư dìu dắt đoàn cầu" như đồng môn Từ Uyên đã kể lại.

Chu văn An tính phải chăng là màn vũ Trấn Thủ Lưu Đồn vừa vui tươi hài hước vừa xót xa ngậm ngùi đã được đóng dấu ấn là màn vũ của Chu văn An.

Chu văn An tính phải chăng là cái tinh nghịch như đặt biệt danh cho các thầy như thầy Vũ Khắc Khoan nghiêm khắc có đôi mắt to và sắc sảo được đặt biệt danh " Cú Vọ", thầy Bùi Đình Tuyên dạy Vạn Vật hay kể chuyện nhảm nhí được đặt là Tề Tuyên, thầy Lộc dạy Anh Văn người khẳng khiu nhưng luôn luôn làm ra vẻ mạnh bạo được đặt là "Đô đốc Lộc", thầy giám thị Tự đi giày tây khua lóc cóc inh ỏi được đặt là "Tây gỗ"...Hoặc lợi dụng lúc đông người chen lấn lên xuống cầu thang để xoa cái đầu hói của thầy giám thị Vang, nhại dáng đi lẻo khẻo của thầy "Thảo Nam Sơn" rồi cùng cười hô hố với nhau như đồng môn Lê Thế Hiển đã nhắc lại.

Nhưng màn tinh nghịch "lịch sử" là màn treo nguyên chiếc xe đạp của thầy Trần Đình Ý, một người quí xe đạp hơn quí bản thân mình, lên đỉnh cột cờ giữa ban ngày ban mặt làm cả trường thích thú và vang danh tới nhiều thế hệ học sinh sau này. Mãi tới bây giờ đã gần bốn mươi năm qua mà thầy Nguyễn văn Phú vẫn rao tìm thủ phạm vụ này trong Đặc san Bưởi- Chu văn An trên tay quí vị và các bạn.

Chu Văn An tính, đó là cái mẫu số chung làm cho dân Chu văn An có một cá tính riêng nối kết với trường xưa, thầy cũ.

Phải yêu trường, quí thầy lắm, đồng môn Lê Thế Hiển mới có thể tâm sự với chúng ta như thế này: "Trong chiếc ví da cũ của mình mang trong người mấy chục năm nay, mình vẫn giữ được tấm thẻ học sinh niên khóa 1958-1959, năm mình học lớp Đệ Nhất B5, có chữ ký của thầy Hiệu Trưởng Trần văn Việt và dấu nổi của nhà trường. Trong đời mình đã có bao nhiêu tấm thẻ như thế, nhưng qua các biến cố của cuộc sống, vì lý do này lý do khác các thẻ ấy đã mất đi, riêng tấm thẻ học sinh ấy vẫn theo mình tới tận ngày nay, tới tận vùng Đông Bắc Mỹ này. Nó cũng theo mình từ Nam ra Bắc qua nhiều trại cải tạo trong suốt bảy năm trường gian khổ tưởng như không còn ngày về. Ngọn lửa hồng in ngoài tấm thẻ lúc nào cũng lung linh như rực cháy sưởi ấm lòng mình trong những ngày đen tối nhất của cuộc đời".

Đêm nay, phải chăng ngọn lửa hồng in ngoài bìa to Đặc San đã lung linh mời gọi những đứa con của trường Bưởi-Chu văn An ngồi lại với nhau nơi đây. Những mái đầu bạc phơ xen lẫn với những mái đầu tóc trắng nhiều hơn tóc đen. Chúng ta đã đi gần hết nẻo đường đời, đã nếm đủ vinh nhục, đã chịu đủ đắng cay. Vậy mà cách xa quê hương cả vạn dặm, trường xưa nay đã bị cộng sản xóa tên, cuộc sống nơi xứ ngưoi nhiều phiền muộn chua chát, đêm nay chúng ta vẫn còn đủ nhiệt tình tìm tới với nhau nhắc lại những ngày Chu văn An cũ.

Tôi muốn nhân cái không khí đày ắp kỷ niệm này để nhắc lại nơi đây ba đồng môn của chúng ta đã sống và chết xứng đáng với tinh thần "uy lực không thể khuất phục" của vị tổ Chu văn An của chúng ta.

Đó là anh Hà Ngọc Lương, người đã được đồng môn Nguyễn Ngọc Tính kể lại cái chết oai hùng trong bài: "Hà Ngọc Lương, câu chuyện của một người tuẫn quốc" trong Đặc San của chúng ta. Anh là học sinh Chu Văn An khóa 1957, tốt nghiệp thủ khoa khoá 9 trường Sĩ Quan Hải Quân. Năm 1975, anh Lương mang cấp bậc Trung Tá và đang giữ chức Vụ Trưởng vụ Văn Hóa tại Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang. Khi cộng quân tràn vào uy hiếp trường, anh đã chống trả tới phút chót và khi trường bị giặc tràn ngập, anh đã chọn một quyết định phi thường là tuẫn tiết cùng vợ và ba con.

Hai người bạn khác mà tôi muốn nhắc tới hôm nay là hai người ngồi cùng bàn với tôi trong lớp Đệ Nhị C1 niên khóa 1956-1957, anh Nguyễn Thiệu Hùng tức nhà thơ Mai Trung Tĩnh và anh Lê Đức Vượng tức nhà thơ Vương Đức Lệ. Hai anh đã tham gia vào phong trào "Diễn Đàn Tự Do" của giáo sư Đoàn Viết Hoạt và giờ phút này vẫn còn đang bị giam cầm trong ngục tù cộng sản như những tù nhân của lương tâm.

Chí bất khuất, lòng can đảm của các đồng môn trên đây của chúng ta, theo tôi nghĩ, chính là sự thăng hoa của Chu văn An tính.

Xin cám ơn quí vị và các bạn.

Montreal, Thu 1992