35 năm nhạc Từ Công Phụng

Đọc "Mùa Gặt Giữa Hư Vô" của Dương Kiền

Tuyển tập thơ văn hải ngoại năm 2000

Giới thiệu tập truyện "Dì Thu" của Trang Châu

Với Lê Uyên & Phương

Nguyễn Đông Ngạc, một đi...

Chút kỷ niệm với Văn Học

Lớp người hẩm hiu

Quê hương, tình yêu trong thơ Luân Hoán

Thơ Bích Xuân

Nhắc nhớ Chu Văn An

Cái tâm trong nhạc

Luân Hoán - Thường ngày

50 năm Chu Văn An

Nguyễn Tuấn Hoàng - Hoa cuối mùa

Biết đâu đấy

Thầy Chương

Nhẩy Dù

Với Lê Uyên Phương và ĐàLạt

Yến

Kỳ

Hệ Lụy

Khi đến San Jose

Phụng, trở lại với đời

Đọc "Đất Thiên Thai" của Trà Lũ

Lệ Trăng

Hân

Tiễn Nguyễn Mộng Giác

Phan Ni Tấn,, người bắt cái đẹp

Huỳnh Công Ánh, người vượt thoát

Hoàng

Viết cho Nghiêm

Hoàng Xuân Sơn, rất Huế

Võ Kỳ Điền, nối lại cuộc chơi

Ghi vội khi đọc "Pulau Bidong" của Võ Kỳ Điền

Những tháng ngày buồn

Đọc "Đứng Ngẩn Trông Vời" của Hoàng Quân

Hai lần gặp Võ Phiến

Biết đâu đấy 30-4

Một chuyến đi lỡ

Một năm Nguyễn Xuân Hoàng

Phan Ni Tấn và Có Một Thời Ở Quê Hương Tôi

Thành Tôn, một đời mê sách

Viết Cho Chu-Văn-An

Du Tử Lê, rất riêng

Tô Thùy Yên, nhìn gần

Bùi Quyền, đã sống như thế

"Trăm cây nghìn cành" của nhà thơ Triều Hoa Đại

Đọc "Bãi sậy chân cầu" của Khánh Trường

Phạm Xuân Đài và "Đi, Đọc và Viết"

Hà Túc Đạo, người của số mạng

Nhớ Thẩm Dương

Vĩnh biệt Lệ Thu

Đọc "Bốn Biển Là Nhà" của Nguyễn Lê Hồng Hưng

Đọc "Thành Tôn, một đời thắp tình"

Hồ Đình Nghiêm, Tập 2

Giới thiệu "Tuyển Tập Thơ Đức Phổ"

Đọc "Ăn mà không chơi" của Đỗ Duy Ngọc

HOÀNG XUÂN SƠN, rất HUẾ

Chàng Hoàng Xuân Sơn không biết có phải tuổi con khỉ không mà hay leo trèo. Một năm có 365 ngày, anh trèo lên tới đỉnh cao nhất của năm để chui ra ánh sáng mặt trời làm người Huế. Vậy nên anh rất Huế. Anh thi sĩ này dành rất nhiều thơ cho Huế. Huế mình. “Mình” trong số anh em viết lách ở Montreal này có Trang Châu và Hồ Đình Nghiêm. Cũng phải thêm tôi, có dính với Huế. Tưởng Huế mình phải dính với Huế mình nhưng không phải, ngược lại với tôi, anh lại dính với một o Bắc Kỳ. Mần răng như rứa? Nỏ biết!

Anh Huế này rất Huế. Huế đến mần cả một cuốn thơ cho Huế. Cuốn “Huế Buồn Chi”.

Huế buồn chi Huế không vui
Huế o ở lại Huế tui đoạn đành
O đau sương khói một mình
Tui đi ray rứt Nội thành tái tê

Huế buồn chi tội rứa thê
Tình xưa nghĩa cũ ngó về tựa nương
Huế ơi mộng tới đường trường
Kim Luông Vỹ Dạ dòng Hương có còn

Trèo tình lên núi mà thương
Cỏ hoa chất ngất phố phường ở mô
Huế chừ cách mấy triệu o
Mưa qua cửa Thượng chiều co bến Thừa.

Thổ âm Huế là thứ tôi thấy Huế nhất. Nặng mà không trì kéo. Trong cái âm tưởng kéo xuống tới mặt đất là cái là là như muốn ngoi lên trời. Người ta cứ tưởng thêm dấu nặng vào một âm là ra thổ âm Huế. Trong bài viết ngắn: “Huế Mần Như Ri”, chàng trai Huế họ Hoàng này đã thanh minh thanh nga cho tiếng Huế: “Con hổ. Chấm. Chấm xuống hàng. Nhiều người đọc trại ra thành : con hổ chậm chậm xuống hang để nhại tiếng Huế. Tôi cho đó là một câu giễu dở nhất trần đời về phương ngữ và âm ngữ Huế. Cũng thêm một giai thoại (chế, từ kẻ có đầu óc lệch lạc?!) : Sĩ quan Quân Lực VNCH, người Huế, bắt được cán binh CS đang bị thương, ra lệnh cho thuộc cấp đem tù binh này đi “băng bó” vì lòng nhân đạo (luôn luôn sẵn có trong lương tâm người lính miền Nam VN). Có người lại giễu ( một cách ngu xuẩn) rằng thuộc cấp này nghe không ra giọng Huế, hiểu lầm, thay vì đem tù binh kia đi “băng bó”, lại đem đi “bắn bỏ”. Nhắc lại, chuyện vui cười này (phải nói lại) thiệt là ngu xuẩn, trước hết là hoàn toàn sai về cách phát âm của người Huế”.

Giọng Huế không “nặng” như rứa. Nặng nhưng vẫn lâng lâng. Trong cái nặng có cái nhẹ. Lướt lên. Tôi không phải là dân Huế nên biết thân, rút về phía sau, để ông Huế thiệt Huế lên tiếng: “Sai hoàn toàn vì có rất nhiều người cứ lầm tưởng là cứ chêm đại dấu nặng (.) thay vào dấu sắc(’) thì thành ra giọng Huế. Ví dụ như nói “người Huệ” thì kẻ khác sẽ nghe ra là “người Huế”. Trật lất! sắc là sắc; mà nặng là nặng. Hồi nẵm còn cắp sách đi học, tui có nhiều bạn gốc gác đủ xứ đủ miền: Bắc kỳ có, Nam kỳ có, Quảng nôm Đè nẽng thì ê hề. Nhiều bạn nghe giọng Huế dị hợm mà “”bui bui” (vui vui) muốn bắt chước để xổ với mấy o Huế lấy điểm. Tui noái: khó thấy ông bà ông vải nghe mấy cụ (cụ đây là cụ mi chớ nỏ phải kính trọng chi hết). Trự mô phát âm được hai chữ “ MÍT CHÍN” (dấu sắc đàng hoàng à nha) thì ngậm miệng mà ăn tiền. Tui nghe lao xao liếng xiếng liền tù tì : Mịt Chịn, thậm chí còn phát âm theo điệu Nam cờ Mịch Chịnh. Nói tiếng Huế kiểu ni e rằng trẹo bảng họng luôn! Đầu tấu mãn táng chỉ có (người) kẻ chợ Ngô Vương Toại là nói được tiếng Huế ngon ơ. Có chi lạ mô! Hắn là nòi tình học cách tán gái Huế từ hồi còn bận “xà loỏng dây thun doãn”.

Giọng Huế là một thứ giọng không dễ bắt chước khi nói. Giọng Huế nặng trình trịch, những người  không phải Huế thường tưởng như vậy. Vậy thì giọng Huế ra răng, chỉ có người Huế mới có thẩm quyền phát ngôn. Đây là phát ngôn của ông Huế rất Huế này. “Giọng Huế không du dương thánh thót như giọng Bắc, không có cái chất mè nheo ỉ ôi (chết người) như Nam bộ. Nhưng giọng Huế líu lo như chim, rỉ rả róc rách như suối chảy (có người chỉ nghe một lần thỏ thẻ là đã lìm lịm cơn mê rồi). Như rứa, giọng Huế cũng có thể là giọng bình thanh như vị thế địa lý đặc biệt ở giữa của đất thần kinh trên đất Việt. Không phách tấu, không làm đày, rứa thôi, Huế mền xin được mần như ri nè :

huế sắc huê nặng
dạ thưa tui người xứ huế
nỏ phải thần dân nước huệ
bây giờ huệ ở chỗ mô
huế. nỏ phải huệ. dặn dò o tui
huệ. là mắt nhắm tối thui
huế ơi sắc nét đẹp ngời áo khăn
huệ huế huế huệ rì rằng
đừng nghe khuy bấm nhập nhằng khuy đơm
mùi ai thỏ thẻ rương hòm

Không phải con dân của sông Hương núi Ngự thì đừng bày đặt nói giọng Huế kẻo ông Hoàng Xuân Sơn giận. Tiếng Huế là thứ tiếng cổ kính. Có từ thời Chúa chịu nạn lựng. Tuy không phải là dân Phú Cam, nhưng chắc ai cũng một lần nhìn thấy cây thập giá, trong hoặc ngoài nhà thờ. Trên thập giá là hình tượng Chúa ốm o, giơ xương sườn ra, đầu gục xuống chịu nạn. Trên chót thập giá có hàng chữ: INRI. Tiếng Huế đó! Chúa nhắn nhủ với dân sông Hương núi Ngự: in ri! Vậy nên dân Huế giơ xương nghèo đói. Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn! Khổ nhưng được giống Chúa. Vui chán!

Người ta nói Huế là đất để nhớ chứ không phải để sống. Dân Huế xa Huế thì rạt rào tình quê nhưng sống ở Huế với những cơn mưa thối đất dài bất tận, những cơn bão trời hành mỗi năm, với cái nghèo bám da diết không phủi đi được, thì Huế làm chi.

Sinh ra ở Huế
Sinh ra
Sinh ra
Sinh ra làm gì ở Huế
Những cơn mưa

Nhưng Huế có những o áo tím làm lịm những tên học trò. Chuyện nì thì mấy anh học trò xứ Quảng là nạn nhân xuyên thời gian, xuyên thế kỷ.

Trời đương nắng răng mà run dữ rứa
nì, tên chi em nói đại cho rồi
không cho biết cứ theo hoài theo mãi
theo răng chừ cho biết được thì thôi.

Văn thơ của Hoàng Xuân Sơn đậm phương ngữ Huế. Đậm hơn hai ông đồng hương nay ngụ cùng thành phố Montreal này. Ông Hồ Đình Nghiêm cũng Huế đó nhưng văn ông cũng có chỗ Huế không len chân vô được. Ông Trang Châu ít Huế nhất. Đọc văn thơ Trang Châu ít bắt gặp những từ địa phương Huế. Có thể vì ông là thứ Huế lang bạt từ lâu nên chất Huế đã phôi pha đi nhiều.

Hoàng Xuân Sơn không chỉ có thơ. Anh đã lăn lộn với quán Văn ngày xưa với Trịnh Công Sơn, Khánh Ly và nhiều người trẻ khác. Sơn có giọng hát rất tới, khỏe và trầm. Tới chừ, ở tuổi…đá buồn, anh vẫn còn là cây đinh bự cho những buổi văn nghệ ở Montreal. Sơn đã từng là tài tử xi-la-ma. Sơn còn vẽ nữa. Còn nhớ trong lần xuất bản tập truyện đầu tay của tôi, cuốn “Bỏ Chốn Mù Sương”, Sơn đã cho một bức tranh phụ bản. Cầm kỳ thi họa, Sơn chỉ thiếu mỗi môn đánh cờ. Nhưng có thể anh rành món này mà chúng ta không biết. Có một thứ không ghi trong cung bậc tài hoa trên nhưng anh chàng Huế tên Sơn rất rành. Đó là rượu. Thú rượu bầu lưng túi này tuy vậy cũng là một thứ phong lưu của người xưa. Và người nay. Trang Châu là người rành về chất cay nhất trong số anh em viết lách chúng tôi. Hoàng Xuân Sơn cũng không thua. Môi anh mềm màu hổ phách. Có một thời anh đã làm được công việc hợp với khả năng cùa anh: bán hàng nơi cửa hàng duty free ở phi trường. Một lần tôi tới cửa hàng anh làm việc, anh giới thiệu rượu rành rọt như giới thiệu con cháu trong nhà. Một lần khác, đi chơi đảo Saint Martin cùng anh, anh là người chăm chỉ mặc quần tắm nhất. Lúc nào cũng phong phanh chiếc quần trên thân hình trắng bóc, ai cũng tưởng anh xuống biển. Không, đâu cứ mặc quần tắm là phải xuống biển. Đó là chuyện thường tình, ai cũng làm thế. Nhà thơ phải khác. Anh lội nước trong piscine. Không phải tắm nhé. Anh mò ra ngồi đồng trên chiếc ghế đá chìm lơ lửng dưới nước của cái bar giữa piscine, cứ tì tì bia Heineken uống free. Đảo Saint Martin chia đôi sơn hà, một bên thuộc Pháp, một bên thuộc Hòa Lan. Chúng tôi ở phía bên Hòa Lan nên uống bia Heineken thả dàn. Hoàng Xuân Sơn chịu khó uống đến nỗi mấy người bán bar đều biết mặt hết.

mờ mắt rượu nhớ ai nào . phiên tửu
rót đậm thêm chiều đã bến sông ngồi
em hồng nguyệt trăng lưỡi liềm quay quắt
xa mất rồi. đêm ấu phụ, người ơi .  .  .

Ăn nhậu với bạn bè, Sơn rất tận tình. Rượu chi cũng chơi. Uống như một người chỉ cần nuốt chất cay nhưng “kiến thức” về chất lỏng có cồn cũng sung mãn lắm. Kiến thức là chuyện…lý thuyết, thực tế là cứ chai chi rẻ là ta chơi. Rượu với bạn thì bạn quan trọng hơn rượu. Có tí cay cho lâng lâng những giờ phút bên nhau là vui. Vui là chính!

vui với bạn để nghe lòng bộc tuệch
chẳng phải vinh danh hào kiệt trên đời
chơi tới bến đừng thằng nào tếch trước
thắm hết tình này cũng đỏ mặt ngươi

trăng đã loạn quơ quào dăm khẩu khí
nghiệm ra mình còn động đậy đâu nơi
mặt xáp mặt cho giang hồ thêm phỉ
rót đậm đêm này lụi hết đêm mai

Còn chi viết về anh Huế rất Huế này? Còn chuyện giầy dép. Sơn rất khoái giầy. Tủ giầy của anh bộn bề. Đó là tiết lộ của o Bắc kỳ chung giường chiếu với anh trai Huế. Nếu không  nhờ chút vui miệng của o Sơn, tôi không cách chi biết được chuyện này. Điều tôi biết là Sơn chỉ có hai chân, cố lắm thì cũng chỉ thêm được một chân nữa, cần chi nhiều giầy. Vậy mà cứ lấm lét vác thêm giầy về chất trong nhà. Kể cũng lạ.
Nếu tôi đặt chân được vào giầy của ông bạn Huế họ Hoàng, chắc sẽ biết thêm nhiều điều hơn nữa. Nhưng biết mần chi. Nhiêu đủ rồi!

12/2017 

THÊM VÀO GIỜ CHÓT:
Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn gửi bài thơ cám ơn:

Cám ơn ôn đã khươi thơ

Cây gai lễ huyết rịn cờ âm dương 
Quẻ hào có một đường mương 
Càn khôn lập địa liên khường phụ gia 
Thêm mắm thêm muối cũng là 
Vịt gà của họ 
Dưa cà của tui 
(Chừ mạ lui cui đưới bếp 
Chừ chị lui cui sau vườn 
Chừ em lui cui ngoài lộ 
Chừ tui lui cui hết đường )
1.1.18
Thơ lui cui tặng ngày một tháng một 
Cảm tạ bằng hữu 
HXS

1

2
Hoàng Xuân Sơn tại quán Văn trong khuôn viên Đại Học Văn Khoa, Sài Gòn.

3


4

5