35 năm nhạc Từ Công Phụng

Đọc "Mùa Gặt Giữa Hư Vô" của Dương Kiền

Tuyển tập thơ văn hải ngoại năm 2000

Giới thiệu tập truyện "Dì Thu" của Trang Châu

Với Lê Uyên & Phương

Nguyễn Đông Ngạc, một đi...

Chút kỷ niệm với Văn Học

Lớp người hẩm hiu

Quê hương, tình yêu trong thơ Luân Hoán

Thơ Bích Xuân

Nhắc nhớ Chu Văn An

Cái tâm trong nhạc

Luân Hoán - Thường ngày

50 năm Chu Văn An

Nguyễn Tuấn Hoàng - Hoa cuối mùa

Biết đâu đấy

Thầy Chương

Nhẩy Dù

Với Lê Uyên Phương và ĐàLạt

Yến

Kỳ

Hệ Lụy

Khi đến San Jose

Phụng, trở lại với đời

Đọc "Đất Thiên Thai" của Trà Lũ

Lệ Trăng

Hân

Tiễn Nguyễn Mộng Giác

Phan Ni Tấn,, người bắt cái đẹp

Huỳnh Công Ánh, người vượt thoát

Hoàng

Viết cho Nghiêm

Hoàng Xuân Sơn, rất Huế

Võ Kỳ Điền, nối lại cuộc chơi

Ghi vội khi đọc "Pulau Bidong" của Võ Kỳ Điền

Những tháng ngày buồn

Đọc "Đứng Ngẩn Trông Vời" của Hoàng Quân

Hai lần gặp Võ Phiến

Biết đâu đấy 30-4

Một chuyến đi lỡ

Một năm Nguyễn Xuân Hoàng

Phan Ni Tấn và Có Một Thời Ở Quê Hương Tôi

Thành Tôn, một đời mê sách

Viết Cho Chu-Văn-An

Du Tử Lê, rất riêng

Tô Thùy Yên, nhìn gần

Bùi Quyền, đã sống như thế

"Trăm cây nghìn cành" của nhà thơ Triều Hoa Đại

Đọc "Bãi sậy chân cầu" của Khánh Trường

Phạm Xuân Đài và "Đi, Đọc và Viết"

Hà Túc Đạo, người của số mạng

Nhớ Thẩm Dương

Vĩnh biệt Lệ Thu

Đọc "Bốn Biển Là Nhà" của Nguyễn Lê Hồng Hưng

Đọc "Thành Tôn, một đời thắp tình"

Hồ Đình Nghiêm, Tập 2

Giới thiệu "Tuyển Tập Thơ Đức Phổ"

Đọc "Ăn mà không chơi" của Đỗ Duy Ngọc

Đọc "Chuyện gần chuyện xa" của Võ Kỳ Điền và Nguyễn Minh Ngọc

Trường Kỳ: sống để ăn

Ông văn nghệ

Đọc "Lang thang trên phím chữ" của Đỗ Cẩm Sơn

Đọc "Ngô Thế Vinh, bằng hữu và văn chương"

Lướt qua "Đường Chữ Sau Lưng" của nhà thơ Luân Hoán

Đọc "Hư Ảo Cõi Hương" của Luân Hoán

Cảm theo "Liên Hoa Thi" của Luân Hoán

Đọc "Thơ Khánh Trường"

Trần Hoài Thư, trên những gian nan

Nguyễn Tiến Đức, bạn tôi

Đọc "Cùng Nhau Đất Trời" của Khánh Trường

"Mượn Dấu Thời Gian" của Phan Nguyên

Nhẩy dù

Nhẩy dù, tôi quen từ khuya. Những ngày nhỏ ở Hà Nội, lũ học sinh chúng tôi thường lang thang ra bờ đê chơi đá bóng. Trên bãi cát bên bờ sông Hồng có một khu tập luyện của lính nhẩy dù. Một căn chòi cất bằng gỗ cao lênh khênh có chiếc thang gỗ sần sùi để leo lên. Bên kia căn chòi giống như một căn nhà nho nhỏ trên miền thượng du được nâng cao là một chiếc cửa tò vò, bên ngoài cửa là một sợi giây cáp bằng thép được nối thoai thoải sang một chiếc cột thấp hơn ở phía xa. Trên sợi giây có những chiếc ròng rọc. Gần phía cuối sợi giây, giáp với chân cột là một chiếc hố nông được đổ đầy cát. Chúng tôi say mê coi những tân binh nhẩy dù leo lên thang, chui vào căn chòi rồi thả người nắm vào chiếc ròng rọc tụt xuống theo sợi giây cáp. Người nọ tiếp nối người kia trông như một dòng người bị treo trên giây. Khi tụt tới chỗ hố cát là phải buông người nhảy xuống cho đúng thế. Anh nào làm sai là bị ông Trung Sĩ thưởng cho một cú quất đích đáng bằng chiếc roi mây lúc nào cũng nhịp nhịp trên tay ông. Nhiều anh loạc choạc té lăn quay ra chẳng theo bài bản trông lúng túng tức cười. Nhưng vui hơn là lúc coi các tân binh nhẩy từ trên phi cơ xuống. Chiếc máy bay, đúng hơn chỉ là thân chiếc máy bay được kê trên bệ cao, sẵn sàng nuốt vào cả chục người. Dưới máy bay cũng là một hố cát. Mọi người tiến ra cửa máy bay nhẩy xuống. Có những anh nhát gan cứ đứng ỳ ra ở cửa không dám nhẩy. Chiếc roi trên tay ông Trung Sĩ lại có việc làm. Tuổi trẻ ngây ngô và ác độc của chúng tôi chẳng bao giờ bỏ qua mà không cười lăn lộn với nhau khi nhìn thấy những anh chàng nhát gan nhịp nhịp nơi khung cửa máy bay mà chân không dám nhẩy ra khỏi cửa. Những tiếng cười...bất nhân của chúng tôi vang vang từ ngày nọ tới ngày kia mà không chán.

Nhẩy dù, tôi quen từ khuya. Bà cô tôi đi may trong trại nhẩy dù ở Hà Nội. Chiều chiều, anh em chúng tôi thường đón bà đi làm về trong tư thế tranh dành rất dữ dội. Bà thường mang về cho chúng tôi những mẩu vải dù đủ màu. Những miếng vải mỏng, trơn mềm, màu sắc rất nổi. Chúng tôi dùng những sợi giây dù nhỏ, kéo từ trong ruọt những sợi giây lớn, cột vào bốn góc miếng vải vuông, đầu giây kia túm vào một cục chì hay lõi cuộn chỉ, làm thành những cánh dù tí hon. Chúng tôi thi nhau cuộn chiếc dù nhỏ, tung lên trời cho dù mở ra, bay là là xuống. Có những lúc cột chặt quá, dù không mở ra được, tức giận, mặt đỏ tía tai trước những câu chế nhạo không lấy gì làm êm tai.

Nhẩy dù, tôi quen từ khuya. Đầu năm 1970, tôi bước chân vào Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung để thụ huấn 9 tuần quân sự. Chiếc GMC vừa đổ những chàng trai còn chưa hết ngơ ngẩn khi giã biệt cuộc đời dân chính xuống cổng trại, chúng tôi đụng ngay vào một đoàn quân đang chạy di hành với ba lô trên vai. Người nào người nấy mồ hôi nhễ nhại. Không hiểu họ đã chạy bao nhiêu vòng sân trại rồi. Những bước chân nặng chình chịch như không còn lết nổi vẫn cố nuốt từng phân chiều dài của đoạn đường còn lại. Những khuôn mặt đỏ ké đẫm ướt mồ hôi có những chiếc miệng uể oải hô theo từng bước chân nặng nhọc. Nhẩy dù cố gắng! Nhẩy dù cố gắng! Nhẩy dù cố gắng!

Nhẩy dù, tôi thân thuộc khi bạn tôi, Bùi Quyền, gia nhập binh chủng này sau khi tốt nghiệp thủ khoa Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Hồi đó, chúng tôi còn đang học lớp Đệ Nhị C trường Chu Văn An thì Bùi Quyền và một vài anh bạn khác rời lớp học tình nguyện gia nhập quân đội. Từ đó, chúng tôi ít khi gặp nhau. Khi Bùi Quyền chinh chiến khắp các vùng đất nước chúng tôi chẳng có thời giờ nhìn thấy mặt nhau. Nhưng hình Bùi Quyền trên báo thì tôi có thấy nhiều lần. Anh đã trở thành một cấp chỉ huy tài giỏi của một binh chủng khét tiếng. Một “thiên thần mũ đỏ” được nhiều người biết đến.

Thiên thần mũ đỏ? Những con người phong sương, đi đứng dềnh dàng này coi bộ khó mang hình ảnh thiên thần quá! Thiên thần trong trí tưởng của mọi người thường là những hình ảnh dịu hiền, thanh tịnh, trắng trẻo, có đôi cánh nhẹ nhàng bay lơ lửng trên trời. Mũ đỏ cũng có cánh. Chiếc cánh gắn trên mũ, trên tay áo. Những chiếc cánh không ở trên lưng có lẽ đã làm lạc đường bay của các thiên thần khét mùi thuốc súng này. Thiên thần trinh trắng bay lên, thiên thần mũ đỏ bay xuống! Làm thiên thần nhởn nhơ trên bầu trời, tay chắp trước ngực, chân chẳng bao giờ đụng đất coi bộ khó vui. Thiên thần mũ đỏ cứ tà tà bay xuống, mông rồi chân đụng đất, trần tục vậy mà xem ra fun hơn. Chiếc nón sắt ngập tràn rượu đế, khói thuốc nhả mù mịt, đồng đội vỗ vai nhau nghiêng ngả, tiếng chửi thề, tiếng văng tục đệm vào những câu nói, phê biết mấy. Tiền lính tính liền, nhưng đời lính thì tính sao được? Nay còn nghiêng ngả bên nhau, mai đụng trận biết có còn trở về không? Tình lính là một thứ tình bất an nên luôn luôn đậm đà. Một đồng đội nằm xuống, cả một đoàn quân ngỡ ngàng. Thương anh em nhưng cũng thương mình. Mũi tên hòn đạn không có mắt nhưng những người lính lúc nào cũng cho nhau những ánh mắt bạn bè. Nhất là lính của những binh chủng cứ đâu có tiếng súng nổ là nhào tới.

Một ngày thứ bảy, Nguyên Vũ, mũ đỏ vắt ngang trên cầu vai áo trận, nhào tới tòa soạn Thời Nay, mặt mũi lầm lì đỏ kệch, rủ Khánh Giang và tôi kiếm chỗ ngồi nói chuyện chơi. Chúng tôi chạy xe tới quán Cái Chùa. Ba chai 33 vừa được khui ra trên bàn, chưa ai nhắp được một hớp nào, Nguyên Vũ đưa cặp mắt đờ đẫn đảo quanh. Tròng mắt anh nháng lửa. Tay anh đặt trên khẩu súng lục dắt trong bụng. Tôi nhìn theo. Một thanh niên ăn diện đúng mốt, sơ mi trắng thẳng nếp, cà vạt tiệp màu với chiếc quần, bộ râu quai nón cắt tỉa kỹ lưỡng, cặp kính đen đắt tiền trên mặt, đang trầm ngâm trước ly cà phê. Nguyên Vũ dợm đứng dậy. Khánh Giang ấn anh xuống. Chuyện gì vậy? Trông cái thằng kia chướng mắt quá, moi phải cho nó một viên! Thôi đi cha nội, uống đi! Có lẽ Nguyên Vũ đã tắm rượu từ trước ở đâu rồi, giọng nói anh đẫm men. Khánh Giang nheo mắt với tôi. Cho moi mượn khẩu súng chút coi! Nguyên Vũ cười cười. Nhưng anh cũng đưa tôi khẩu súng. Tôi đút con chó lửa vào túi. Nhìn tôi cười cười như nhìn một đứa bé, Nguyên Vũ đứng dậy, tiến đến anh thanh niên đúng mốt ăn chơi Saigon. Mặt anh chàng tái mét. Nhanh như một con sóc, Nguyên Vũ móc cặp kính Rayban ra khỏi khuôn mặt phì nộn, bóp nát trong tay. Máu từ trong lòng bàn tay Nguyên Vũ rỉ ra nhỏ xuống đất. Anh thanh niên hoảng hốt lủi nhanh ra cửa. Trở lại bàn, Nguyên Vũ thản nhiên móc khăn ra thấm máu. Mẹ nó chứ, ai đánh giặc cho nó ngồi làm cha thiên hạ ở đây! Đại đội moi vừa đụng lớn, đi mất gần hai chục con cái! Mắt anh như có nước mắt.

Ngày đó, tôi hiểu tâm trạng của anh. Anh là một người lính mũ đỏ cầm bút. Cái đau trong mất mát của anh là cái đau của nghĩ ngợi lao lung. Năm 1993, gặp lại Nguyên Vũ ở Houston, anh tặng tôi cuốn Xuân Buồn Thảm anh vừa tái bản, đọc xong, mặc dù chuyện xảy ra nơi quán Cái Chùa đã trên hai chục năm, tôi lại càng thông cảm với anh hơn. Chuyện chiến trường chính là chuyện địa ngục! “Trận địa pháo địch tái hoạt động mãnh liệt đêm 23 rạng 24 tháng 2. Trọn ngày hôm sau, hàng ngàn pháo địch nã vào căn cứ 30 và 31. Tám giờ sáng ngày 25, địch khởi sự tấn công. Khoảng hai giờ trưa, Đại Úy Đương, Pháo đội trưởng B-3 Dù, báo cáo tăng địch xuất hiện dưới chân đồi và đích thân bắn trực xạ nát hai chiếc. Trong khi đó, Tiểu Đoàn 3 Dù anh dũng giữ từng thước đất, từng giao thông hào. Nhưng thịt xương không đủ ngăn chặn xích tăng. Sáu giờ chiều, khi cơn mưa lớn đột ngột phủ dầy cảnh vật Khe Sanh, căn cứ 31 mất liên lạc. Mắt những sĩ quan tham mưu Dù đỏ hoe. Ai nấy như thu nhỏ lại, dính cứng trên mặt ghế. Căn hầm chỉ huy chợt rộng thênh thang, im vắng như huyệt địa. Không có một phép lạ nào cho những người lính Dù tội nghiệp đó. Phép lạ họa chăng chỉ đến với đám người may mắn thoát khỏi căn cứ, để một tuần lễ sau thất thểu lả mệt tìm về căn cứ A Lưới, ứa nước mắt mừng tủi trước khi gục lả trong vòng tay chào đón của các chiến hữu.”

Sau 1975, địa ngục một lần nữa đến với những mũ đỏ trong những cái gọi là Trại Học Tập Cải Tạo mà thực chất là những trại khổ sai đẫm máu và tủi nhục. Sau 14 năm ngục tù trong đó có cả những năm bị kiên giam, Mũ Đỏ Phan Nhật Nam đã luận về những ngày tù không tội trong cuộc nói chuyện với nhà văn Hoàng Khởi Phong trong cuốn Cây Tùng Trước Bão: “Phần tao, bề gì cũng là một sĩ quan Nhẩy Dù, nếu họ muốn tao chết như một Con Vật thì cách hay nhất là tao sẽ chết như một Con Người. Để có thể sống như một con người, như một cây sậy biết suy nghĩ đó, con người nhà văn của tao trồi lên. Không có giấy và bút, mà văn chương đặc biêt là truyện dài, trong hoàn cảnh đó nhiều lắm tao chỉ có thể dàn dựng ra cốt truyện mà thôi. Đâu có thể nhớ nhẩm được. Mày nhắc đến nhà văn lớn của nước Nga là Alexandre Solzhenitsyn, mày nhắc đến cuốn Một Ngày Trong Đời Ivan Denisovitch và cách hình thành tác phẩm đó. Đây là một cuốn sách được viết trong thời gian nhà văn lớn của nước Nga, của nhân loại đi ở tù. Tao cũng biết quyển sách đó không phải viết nhẩm, mà là viết truyền khẩu. Có nghĩa là ông ta không bị kiên giam như tao, ông ta được sống chung với các bạn tù. Nếu mày bị biệt giam mày sẽ hiểu được giam chung với đồng loại là một hạnh phúc. Thật đúng là một hạnh phúc khi mày còn thấy những người bạn ốm đói, rách rưới, thều thào như những bóng ma ngay cả trong thanh thiên bạch nhật.”

Nhẩy Dù cố gắng! Chỉ có cố gắng những mũ đỏ mới giữ được mầu mũ. Và ngay cả khi mũ đỏ không còn trên đầu, Nhẩy Dù vẫn cứ cố gắng! Bác Sĩ Mũ Đỏ Trương Văn Như là người Mỹ gốc Việt duy nhất trong số 12 vị Bác sĩ vừa được ban Cố Vấn Tổ Chức Y Sĩ thuộc Hội Đồng Các Dân Biểu Đảng Cộng Hòa Mỹ ra quyết định vào ngày 04 tháng 12 năm 2004 tuyên dương là Bác Sĩ Xuất Sắc Năm 2004 vì các cống hiến cho sự nghiệp y khoa phục vụ cộng đồng. Tên của Bác Sĩ Như đã được ghi trên đầu bảng gồm toàn các Bác Sĩ Mỹ chính gốc. Cuộc đời của Mũ Đỏ Trương Văn Như là một cuộc đời đầy những cố gắng. Thân sinh của Bác Sĩ Như là một nhạc sĩ đánh đàn cổ nhạc và mơ ước của ông chỉ là muốn con trai mình trở thành kép hát. Nhưng năm 10 tuổi, chú bé Như đã bỏ vùng đầm lầy Vàm Cống để lưu lạc tìm cơ hội học tập. Năm 1962, sau khi học hết cấp Tiểu Học, cậu bé Như một mình phiêu lưu lên Saigon giúp việc nhà và lo mua đồ cúng quảy cho một ông thày bói để kiếm cơm đi học từ lớp Đệ Lục đến hết Tú Tài 1 tại trường Hồ Ngọc Cẩn. Sau đó, Trương Văn Như qua giúp việc nhà cho một người giầu có để có cơ hội tiếp tục học Tú Tài 2 tại trường Chu Văn An. Năm 1967, anh thi vào trường Đại Học Y Khoa và gia nhập ngành Quân Y để có thể tiếp tục việc học. Ra trường năm 1974, anh chọn binh chủng Nhẩy Dù và phục vụ cho tới khi mất nước. Vào tù Cộng Sản 2 năm, khi được thả ông đã vượt biên. Ông vào Mỹ định cư tại Orange County năm 1984. Những năm định cư đầu tiên, Bác Sĩ Như phải trần thân làm nhiều nghề khác nhau kể cả làm nail! Nhưng với ý chí và với sự cố gắng sẵn có của một mũ đỏ, ông học lại và chính thức được cấp bằng Bác Sĩ Y Khoa của Hoa Kỳ vào năm 1995. Ông hiện là Trưởng Khối Y Khoa tại Công Ty Mac Beam Inc. chuyên phát minh và sản xuất các loại máy Y khoa trị liệu dùng tia laser có công xuất thấp. Ông có thể nói rành các thứ tiếng Việt, Triều Châu, Phúc Kiến, Quan Thoại, Nhật, Anh, Pháp và Tây Ban Nha.

Nhẩy Dù là cố gắng. Có chiếc mũ đỏ trên đầu hay không, họ vẫn cố gắng. Suốt cuộc đời. Cố gắng cho mình, cho đồng đội, cho đồng bào, cho đất nước!

02/2005