Kính thưa quý vị,
Thưa các bạn,
Anh Trang Châu vừa thưa chuyện với quý vị và các bạn về 30 tác
giả làm thơ trong Tuyển Tập Thơ Văn Hải Ngoại Năm 2000. Tôi nghĩ
anh Trang Châu là người có phước. Bởi vì dân tộc Việt Nam vốn được
tiếng là một dân tộc ham mê thơ phú, quý vị ngồi đây vị nào mà trong
bụng chẳng nằm lòng vài câu thơ, lận lưng ít câu Kiều, ê a được
mấy vần ca dao. Vậy nên những câu thơ trong Tuyển Tập mà anh Trang
Châu vừa nhắc chắc cũng như những giọt mưa đổ xuống một vùng đất
xốp sẵn sàng vươn ra đón nhận.
Vậy mà, trong bài nhận định duy nhất được in trong những trang
đầu của Tuyển Tập, nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc đã cho là chính
cái đặc tính yêu thơ của dân tộc Việt Nam là biểu hiện của một dân
tộc mù chữ. Trong bài Văn Học Trong Một Nước Mù Chữ, nhà phê bình
tài hoa họ Nguyễn này, bằng một lối lý luận chặt chẽ, đã minh chứng
đặc tính yêu thơ của dân tộc ta là di sản tội nghiệp của nền văn
chương truyền khẩu. Mà văn chương truyền khẩu là một trong những
biểu hiện của sự mù chữ.
Khi nhận được bản thảo của Nguyễn Hưng Quốc, chúng tôi đã nói giỡn
với nhau, 67 người viết gần 700 trang sách mà dám bảo là mù chữ!
Vậy 67 tác giả con dân của một nước mù chữ đã viết những gì trong
Tuyển Tập? 30 người làm thơ đã được anh Trang Châu vừa giới thiệu
với quý vị, tôi xin lướt qua không nhắc lại, bỏ qua luôn người "mù
chữ" Nguyễn Hưng Quốc, còn lại 36 người viết văn xuôi.
Trong 36 nhà văn này, có 9 nhà văn nữ. Mà trong 9 nhà văn nữ thì
có tới 7 người viết truyện tình. Tình khổ đau của Hoàng Du Thụy,
tình dang dở đứt đoạn của Hoàng Nga, tình trốn chạy của một người
đàn bà hai lần sang sông mà vẫn không biết vị ngọt tình yêu của
Lê Minh Hà, tình bất thường của một thiếu nữ yêu tu sĩ của Lê Thị
Thấm Vân, tình học trò yêu thày giáo của Nguyễn Thị Hoàng Bắc, tình
yêu dành cho người đang bị tù giam của Nguyễn Thị Thanh Bình. Tất
cả 6 truyện tình chẳng có thứ tình nào tròn trịa vẹn toàn cả. Nói
như Hoàng Nga, tình nào cũng "sút gọng gãy cán". Phải
chăng vì những mối tình tròn trịa, hạnh phúc, người ta giữ riêng
cho mình và chỉ những mối tình trắc trở người ta mới chia sớt cho
mọi người. Trong cuộc sống, tôi có một kinh nghiệm tương tự. Tôi
chẳng thấy ai mở miệng nói mình giàu có mà chỉ gặp toàn những người
than thiếu tiền!
Chuyện tình thứ 7 của một nhà văn nữ, tôi muốn tách riêng ra vì
truyện Ám Thị của Phạm Thị Hoài đã nghiêng khá xa sang lãnh vực
tình dục. Một truyện tình dục sắc sảo, nghe như truyện tình dục
nhưng cũng như nghe được bộ mặt mù lòa của cuộc sống. Cũng vậy,
nhân vật truyện của Mai Kim Ngọc, một ông già đã ăn nằm với cả trăm
người đàn bà, vào giờ phút cuối đời, trên giường bệnh trong bệnh
viện, còn véo đít cô y tá Mỹ, nhưng vẫn cứ băn khoăn về cô gái điếm
trên sông Hương đã cứu ông khỏi chết vì thượng mã phong nhưng lại
bị ông trình cảnh sát vì nghi đã lấy cắp ví tiền của ông. Trước
khi nhắm mắt, ông già còn trăng trối với anh con rể: ỏõ Anh gắng
tìm Luyến cho bác. Luyến có cái sẹo nơi vú phải, khoảng chín giờ".
Ngoài Mai Kim Ngọc, 2 nhà văn nam khác viết truyện tình là Trần
Doãn Nho và Hồ Đình Nghiêm. Tình trong truyện của Trần Doãn Nho
bảng lảng bâng quơ. Tình trong truyện của Hồ Đình Nghiêm ngục ngặt
dật dờ.
Tâm Thanh đi hẳn qua một thứ tình khác, tình vợ chồng. Trong khi
Thế Uyên và Song Thao nói tới tình bạn. Ở Song Thao, đó là tình
bạn giữa ba người từ hồi còn mài đũng quần trong trường tiểu học
tới lúc cuộc đời đã xế bóng. Ở Thế Uyên, đó là tình bạn với một
mục sư Tin Lành từ trong trại cải tạo tới khi tái ngộ trên đất Mỹ.
Trại cải tạo, một khổ nạn của những người con đất Việt trong tay
những người có lẽ không còn là bàu là bí trong cùng một giàn, đã
được Lâm Chương, Nguyễn Mộng Giác, Phan Thị Trọng Tuyến đề cập tới.
Những người tù cải tạo trong truyện của Lâm Chương dồn tình thương
vào một con mèo do một người tù bắt được đem về nuôi. Tình người
và vật còn vướng víu trong người cựu tù nhân tới những ngày sống
trên đất Mỹ. Mỗi lần ngồi nghĩ tới chuyện xưa, người cựu tù nhân
lại lẩm bẩm như nói một mình khiến bày con của ông phải có ý kiến:
" Những người tù cải tạo ở Việt Nam, tinh thần bị khủng hoảng,
tâm trí bất bình thường. Hay là con đưa ba tới bác sĩ tâm thần khám
thử xem sao!" Nguyễn Mộng Giác lại tìm thấy tình người trong
một chú vệ binh trẻ gác tù. Cái tình người mà anh ta phải giấu giếm
như một cái tội. Điều thiện trong một thể chế lấy hận thù làm cứu
cánh là một thứ xa xỉ phải nhét sâu vào túi quần đừng để ai nhìn
thấy. Với Phan Thị Trọng Tuyến, người tù cải tạo trở về mà cuộc
sống cũng nhọc nhằn như còn ở trong tù. Mất nhà cửa, mất vợ con,
mất tương lai, mất cả cuộc đời. Người tù lang thang ngoài đường
phố như người mất trí và đã tự kết thúc đời mình bằng cách nhào
vào xe trên đường cho cán chết tươi.
Đối với những người tù cải tạo, cuộc chiến chưa tàn. Đối với một
số người viết ở hải ngoại, ám ảnh về cuộc chiến vẫn tươi rói. Kinh
Dương Vương vẫn còn cái hãi hùng trong vùng xôi đậu. Trần Hoài Thư
vẫn còn đi hành quân. Thảo Trường sống trong một con hẻm cụt, hàng
xóm Mỹ trắng có, Mỹ đen có, vậy mà tâm trí vẫn hằn in chiến thuật
hành quân. "Ở đây mà tụi nó chốt ngoài đầu ngõ thì hết đường
thoát".
Chúng ta sống ở bên đây mà mà như ai cũng vẫn còn trong người nỗi
ám ảnh chung của người Việt trong thời nhiễu loạn. Một mảnh sống
nhục nhã, một mảnh thời gian xót xa, một mảnh hoại hủy trong tâm
hồn hay những hãi hùng của những lần vượt biển. Phan Nhật Nam vẫn
đậm trong những con chữ viết về tản cư, di cư, vượt biên, những
đổi dời khốn nạn của một đời người làm con dân đất Việt. Nguyễn
Quốc Trụ, Võ Kỳ Điền vẫn hằn sâu trong tim những ngày sống khắc
khoải lo âu trong trại tị nạn. Nguyễn Quý Đức mang tâm trạng của
một người trẻ, quê hương chỉ là bóng mờ trong trí nhớ, trở lại quê
nhà chỉ thấy cái lạc lõng của một người Việt không hẳn là người
Việt.
Người Việt chúng ta ngày nay, sống trong nước thì tủi nhục, sống
tha hương thì khắc khoải. Hà Thúc Sinh, giữa lúc đất trời sang mùa,
băn khoăn hỏi đâu là tín hiệu của mùa xuân. Đó là sự xuất hiện của
lũ chim cardinal hay robin? Vậy nơi quê nhà có loài chim nào báo
hiệu cho mùa xuân? Anh nhớ tới bày chim Lá Rụng bay thành một tấm
thảm thần khổng lồ óng bạc báo xuân về trong một lần đi tàu tuần
ở miền Tây. Cứ nhớ nhớ nhung nhung như vậy làm vợ thắc mắc: "
Bao giờ anh mới để cho anh được thư thả tâm hồn? " Anh bùi
ngùi trả lời: "Quen tai biến mất rồi, từ ấu thơ! " Làm
người Việt là làm bạn với tai biến. Tai biến đến từ hai anh em cùng
cha khác mẹ, sống ngăn cách trong hai miền giới tuyến, gặp lại nhau
ở Mỹ bối rối trong thờ ơ với nhau như trong truyện của Trần Long
Hồ. Tai biến trong tâm hồn lạc lõng của một người lưu vong trong
truyện của Hoàng Khởi Phong. Cả ở bên đây, cả ở bên kia chỉ có chỗ
trú ẩn, mãi mãi không có cái gọi là nhà.
Quê hương như đồng nghĩa với khổ đau nhưng quê hương vẫn là vòng
tay mẹ hiền hòa dịu ngọt. Nguyễn Xuân Hoàng vẫn thiết tha với Huế,
nơi cố đô cổ kính rêu phong nhưng cũng là nơi ông đã để con tim
ở lại. Tưởng Năng Tiến thiết tha với một thứ thực tiễn hơn, mì Quảng.
Ông hết lời với món ăn đặc thù nơi quê hương ông nhưng cũng bẽ bàng
với tô mì Quảng được dọn trong một nhà hàng sang trọng ở San Francisco.
Ăn vào mới hiểu thế nào là nỗi thất vọng đắng cay của kẻ "yêu
lại một người yêu thất tiết".
Cuộc đời vẫn luôn bắt ta nuốt nỗi thất vọng đắng cay như vậy. Hoàng
Chính ngỡ ngàng với ông già thương bày chim ngoài công viên như
con, gọi là "My children", liệng bánh mì cho ăn mỗi ngày,
nhưng chỉ là để dụ chim đến bẻ cổ dấu vào trong áo mang về làm thịt.
Nguyễn Sao Mai tủi cái tủi nhục của những người nghèo. Hồ Trường
An khổ nỗi khổ của một anh chàng trời bắt khờ. Nguyễn Ngọc Ngạn
kể chuyện ma mà nghe như chuyện đắng cay của đời. Kiệt Tấn cay đắng
với bước đi của thời gian, bỏ ông lại thành một người già, trở lại
Xóm Học của một thời yêu đương ra rít, với đứa con nay đã lớn khôn.
Chồn gối, mỏi chân, ngồi trên ghế đá chờ con mua kem giải khát,
Kiệt Tấn đã than một cách hết sức Kiệt Tấn: "Hồi nào ba xếp
hàng chờ mua cà rem cho con bây giờ tới phiên con xếp hàng chờ mua
cà rem cho ba". Miên lại thắc mắc không hiểu nổi một bà cụ
cho vay ăn lời cắt cổ đồng thời vẫn ăn chay niệm Phật như một người
tu hành.
Có những Phật Tử mong lấy vải thưa che mắt thánh, nhưng cũng có
những Phật Tử thuần thành trút tất cả tâm não vào đường đi của Đức
Thích Ca. Như Phan Tấn Hải đã nhập tâm vào Thâm Tín Nhân Quả nghĩa
là phải Tin Sâu Vào Nhân Quả. Như Ngô Nguyên Dũng đã mang hương
vị phảng phất mùi thiền vào Tuyển Tập ra mắt ngày hôm nay.
Kính thưa quý vị,
Thưa các bạn,
Tôi vừa làm một công việc hết sức vội vàng nên chắc mang rất nhiều
thiếu sót, là lược sơ những gì mà 37 tác giả viết văn xuôi trong
Tuyển Tập đề cập tới. Tôi chỉ như đếm được những con thuyền đậu
trên bến mà không bắt được những cánh buồm no gió rong ruổi trên
sông nước. Bởi vì tôi chỉ thưa được với quý vị về đề tài viết của
mỗi tác giả mà không trình bày được những chở chuyên, những tinh
túy, những thần sắc của các áng văn trong Tuyển Tập.
Mỗi truyện được viết ra đều có cái hồn của nó mà hình thức, đề
tài chỉ là cái xác. Nhìn ra cái xác thì dễ, bắt được cái hồn là
chuyện chẳng dễ. Chuyện dễ thì tôi đã làm, chuyện chẳng dễ tôi xin
dành cho quý vị.
Chỉ có tự mình đăm chiêu vào các con chữ, ngâm hồn vào những trang
giấy, quý vị mới cảm được con người của mỗi tác giả, quý vị mới
thấm được cách viết của mỗi tác giả. Cái mà người ta thường gọi
là dấu ấn, là đặc điểm, là phong cách, là văn phong của mỗi người
viết. Cái làm cho Hà Thúc Sinh là Hà Thúc Sinh, Miên là Miên, Nguyễn
Mộng Giác là Nguyễn Mộng Giác, Phạm Thị Hoài là Phạm Thị Hoài, Ngô
nguyên Dũng là Ngô Nguyên Dũng....
Cái thần sắc đó chắc quý vị sẽ dễ dàng bắt được vì Tuyển Tập bao
gồm những bài viết do mỗi tác giả tự chọn và gửi đến cho chúng tôi.
Đời văn của mỗi tác giả có thể dài có thể ngắn. Là ba bốn chục năm
hoặc mới năm bảy năm. Nhưng những gì mà chúng tôi gửi đến quý vị
là những đỉnh cao trong mỗi đời văn này. Nếu gọi văn chương là món
ăn tinh thần thì những gì xuất hiện trong Tuyển Tập này là sơn hào
hải vị. Trên bàn ăn có tới 67 món sơn hào hải vị thì không thể không
gọi là một bữa ăn thịnh soạn.
Bữa ăn đó đã được dọn ra đãi quý vị bên kia cánh cửa hội trường.
Chúc quý vị có được một bữa ăn ngon.
Xin kính chào và cảm ơn quý vị và các bạn. |