Trần Huy Bích:
Song Thao, nhớ lại những ngày Chu-Văn-An

Luân Hoán:
Song Thao, người bạn văn, biết sớm, gặp muộn

Phiếm

Tiễn

Hú Hồn Vì Tính Thày Lay

Song Thao

Luân Hoán

Viết về Song Thao

Hà Thúc Sinh:
Nghe Song Thao kể chuyện

Hoàng Ngọc Hiến:
Đọc văn học hải ngoại

Nguyễn Đình Toàn:
Song Thao - Bên Lưng Những Con Chữ

Đọc PHIẾM của Song Thao

Nguyễn Mộng Giác:
Bài tựa tập truyện: Chân Mang Giầy số 6

Giữa người viết

Hồ Đình Nghiêm:
Montréal và Bỏ Chốn Mù Sương

Hai Mươi

Nhiều tác giả:
Chùm thơ kỷ niệm

Phạm Phú Minh
Đọc "PHIẾM" của Song Thao

Lưu Nguyễn
Luân Hoán trong chuyện PHIẾM của nhà văn Song Thao

Du Tử Lê
PHIẾM của Song Thao

Song Thao, phiếm

"Phiếm chủ" Song Thao với "Phiếm 15"

"Phiếm... chủ" Song Thao chuẩn bị đường gươm…Phiếm, mới

Hoàng Xuân Sơn
Đọc PHIẾM

Mượn vài ý của Song Thao...

Song Thao - Chùm trái cấm nửa vời

Trà Lũ
Tôi đọc sách PHIẾM của Song Thao

Phạm Xuân Đài
Đọc Chốn Cũ của Song Thao

Lương Thư Trung
Vài ghi nhận về PHIẾM của Song Thao

Lá thư văn nghệ gởi nhà văn Song Thao

Bắc Phong:
PHIẾM Song Thao

Lan man của PHIẾM

Nguyễn Vy Khanh:
Những chốn cũ của Song Thao

Lê Hân:
Chờ Song Thao

Đôi dòng kỷ niệm có với nhà văn Song Thao

Đinh Cường:
Một chữ

Đặng Thơ Thơ:
Đoc "Bên Lưng Những Con Chữ"

Phan Ni Tấn:
Một chút với nhà văn Phiếm: Song Thao

Minh Ngọc:
"Thời Nay" và tuổi thơ của tôi

New York dưới dấu chân lang bạt của Song Thao

Hoàng Quân:
Ông Anh

Minh Đạo Đoàn Vinh:

Song Thao - Truyện Phiếm Du

Nguyễn Dạ Quỳnh:

Tản mạn với chú Song Thao

Nguyễn Hoàng Quân:

Song Thao, Thời Nay và Đà Lạt

Orchid Lamquynh:

Viết vu vơ về chú Song Thao

Phạm Hiền Mây:

Viết về một người viết Phiếm

Quan Dương:

Với nhà văn Song Thao

Trang Châu:

Hai Thằng tuổi cọp

Trúc Lan:

Gởi nhà văn Phiếm chủ Song Thao

Trần Thị Nguyệt Mai:

Vua Phiếm

Trần Vấn Lệ:

Song Thao, một kỳ quan

Trần Yên Hoà:

Song Thao, vua Phiếm...

Võ Kỳ Điền:

Vài nhận xét thế giới văn chương của Song Thao

Đọc “BÊN LƯNG NHỮNG CON CHỮ”

Trong suốt hai tuần vừa rồi tôi đã phải đi theo tác giả Song Thao trong “Bên Lưng Những Con Chữ” của ông và thú thật là tôi đã tìm được rất nhiều điều thú vị từ góc cạnh của người đọc. “Bên Lưng Những Con Chữ” là một tuyển tập truyện ngắn trong đó có một số truyện về tình yêu và một số truyện về tình bạn, hai truyện có tính cách thời sự nói về vụ 9/11 và một người cựu chiến binh Mỹ tìm lại người con rơi ở Việt Nam, hai chuyện về chuyến hồi hương thăm lại Việt Nam và hai truyện nói về cái nhìn của tác giả trước bận tâm lớn nhất của đời người là cái chết. Thật sự thì giới thiệu sơ lược nội dung của từng truyện cũng không nói được gì nhiều vì khi thưởng thức một tác phẩm văn chương, điều mà người ta tìm kiếm không phải là truyện đó nói cái gì mà là người viết nói về vấn đề đó như thế nào. Điều đáng suy nghĩ không còn là đề tài mà là nét độc đáo riêng của người viết.

Xét về mặt kỹ thuật tác giả Song Thao trung thành với khuynh hướng hiện thực. Ông dùng cấu trúc cổ điển khi xây dựng truyện ngắn. Đọc Song Thao tôi chú ý nhiều đến giọng văn của ông. Vẫn là hơi văn quen thuộc trong “Đong Đưa Cuộc Tình” hay “Chân Mang Giầy Số 6” hay các tác phẩm trước đó nữa. Dù với đề tài nào, kỹ thuật chính ông sử dụng vẫn là đối thoại rất linh động giữa các nhân vật. Có thể chúng ta đi cùng ông vào cái cách nói chuyện rất nhẹ nhàng, thân mật và dí dỏm trong một bàn ăn, một tiệc cưới, một bữa nhậu, nghe các nhân vật nói cười, trêu chọc, khích bác hoặc chửi bới nhau bằng cái giọng hết sức linh động. Đó là những truyện như Canh Cánh Bên Lòng, Bốn Người Một Bàn, Cuộc Rượu Ngày Đi.

Luôn luôn đối thoại giữ một chỗ đứng rất lớn trong truyện của Song Thao. Người đọc dễ có cảm giác đi cùng với ông, nghe ông kể chuyện bằng một giọng nói rất có duyên về nhiều vấn đề và nhiều khía cạnh của đời sống, vào một lúc nào đó sẽ quên mất và vào một lúc nào đó sẽ rơi vào trong tình huống của câu chuyện để truyện cuốn mình đi. Đây chính là điểm mạnh nhất, nổi trội nhất mà Song Thao đã khai thác trong hầu hết các truyện. Ông không chỉ miêu tả quang cảnh mà ông dựng lên một sân khấu, đặt vào sân khấu ấy những nhân vật để họ nói cười và họ dùng cái duyên dáng của chính mình để lôi kéo người đọc nhập cuộc với họ.

Mỗi nhân vật của ông, dù chính hay phụ, đều được tác giả dùng cho một giọng nói riêng đúng với hoàn cảnh, đúng với tâm trạng của họ. Quý vị hãy nghe một cô bán hàng nói: “Cô hàng bán gương nhỏ nhắn dễ thương trong một siêu thị đã dùng miệng lưỡi trói tôi phải mua cặp kính này sáng hôm qua: “Chú coi! Kính tốt, đổi màu theo nắng, hàng xịn mà chỉ có hai trăm sáu chục ngàn, chú không mua dùm cháu thì thôi”. Chữ “thì thôi” ở đây rất hay, đúng là người ta không mua thì thôi chứ làm sao bây giờ nhưng mà nó nói lên được cái thất vọng của một cô hàng bằng một chút nhõng nhẽo của một cô bé nhỏ tuổi với một khách hàng hào hoa phong nhã. Nó bắt người đọc nhìn sâu vào cái hoàn cảnh mà mỗi người trong chúng ta đều có thể trải qua. “Hôm qua tôi đã vặn vẹo cô hàng: “Thật hay giả đây cô?”. Mắt cô nhỏ xịu lên, giọng vẫn cứng cỏi: “Không thật nhưng không phải là giả chú ạ!”. Cô hàng nói một câu rất hay, một thực tế bao trùm lên bên trên và bên ngoài vấn đề hàng hóa vì những gì chúng ta có thể mua bán, đổi chác trên tương quan có vẻ như là sòng phẳng thì phần nhiều như thế, không thật mà cũng không hẳn là giả. Cái thật hay giả vẫn có thể sống chung với nhau rất bình an.

Trong “Bên Lưng Những Con Chữ” tôi để ý tới Mai Sau, một truyện ngắn hay trong đó các tình huống và tâm lý nhân vật được khai triển rất tự nhiên, rất tới, rất nghề. Khi Giao nghĩ những ngày còn lại của đời mình đếm được trên những đầu ngón tay, anh đã kín đáo gửi gấm Lựu, vợ mình, cho một người bạn thân là Phụng. Câu chuyện xoay quanh những biến chuyển nội tâm phức tạp của từng nhân vật cùng lúc nhìn vào nỗi đau của một người sắp lìa đời. Một mẩu đối thoại giữa hai người bạn: “Ăn đi mày! Vợ mày vất vả đón ý mày để nấu cho mày những món ăn vừa miệng thì mày phải ăn đi chứ. Chất ga-lăng mày vất đi đâu hết rồi?” Giao cười mếu máo:“Ga lăng cái con khỉ ấy! Ăn cũng đi đứt, chẳng ăn cũng đi đứt. Chó má thật!”. Phụng làm bộ gân cổ: “Thì thằng chó nào chẳng phải đi đứt. Mày tưởng tao lột da sống đời được à?”. Giao chậm rãi: “Nhưng mày chưa trông thấy lằn mức. Tao thấy rồi!”. Phụng: “Trông thấy hay không thì lằn mức vẫn có đó. Mẹ kiếp, đời người mà! Có sinh có diệt. Khi mày chui ra khỏi bụng mẹ mày thì ông trời đã vẽ sẵn cho mày một vòng tròn rồi. Tụi văn vẻ chúng nó gọi là cái vòng tử sinh, cục súc như tao thì gọi là cái vòng chó má. Mày lớn lên một chút thì cái vòng kim cô đó thu nhỏ lại một chút. Lớn tới cỡ tao với mày thì nó đã chật lắm rồi!”.

Ngòi bút Song Thao vẽ những nhân vật rất sắc, rất đạt, chỉ cần một vài nét là lộ ra một phong cách, một hình tướng đặc thù. Đây là chị Marie, một chủ nhân của khu ăn chơi bề thế và trang trọng: “Hoàng giơ tay bấm chuông. Hai tiếng dài, ba tiếng ngắn. Nghỉ vài giây. Hai tiếng dài nữa. Đúng mật hiệu. Một đôi mắt hiện ra nơi chiếc lỗ vuông bằng bao thuốc lá vừa được kéo cạch ra. Nhận ra đúng người quen, cửa mở. Một nụ cười và một câu trách nhẹ: "Chào các anh. Các anh kéo nhau tới như đi hành quân không bằng. Lần sau các anh nhớ tách ra, hai người vào một lần thôi. Chịu khó giúp em một chút! Cẩn thận vẫn hơn!". Marie đưa bàn tay ra bắt tay từng người, kiểu cách như một mệnh phụ. Bộ đồ thêu mỏng màu kem không che dấu chi mấy hai mảnh đồ lót hồng ở bên trong…Thạch nhìn chăm chăm vào người thiếu phụ đối diện. Anh đang cố gắng lắp khuôn mặt quen quen này vào một nơi chốn nào đó trong ký ức. Chị Marie ngượng ngập sửa lại cổ áo: "Anh là bạn anh Hoàng?". "Phải, bạn từ nhỏ cho tới giờ. Có thể nói là bạn nối khố được đấy." Marie cười. Miệng chỉ hơi nhếch lên, nhưng người vặn vẹo thì nhiều: "Thời bây giờ có ai xài khố nữa đâu anh!" Thạch cười lớn. Người đổ về phía trước: "Vậy thì phải nói sao cho hợp thời bây giờ?". Marie vặn vẹo tiếp, mặt ánh hồng: "Em nghĩ, chắc phải gọi là bạn nối xi-líp!"

Phần đối thoại này trích trong truyện ngắn “Nhà Nằm Trong Hẻm”. Theo tôi đây là một truyện ngắn hoàn chỉnh nhất về tất cả các mặt: kỹ thuật, cấu trúc, đoạn văn và không khí. Truyện được kể lại luân phiên qua cái nhìn của hai nhân vật Thạch và Xoan, tự sự xen lẫn với hồi tưởng, tường thuật chen lẫn vào đối thoại dàn trải qua một khoảng thời gian hơn hai mươi năm trong nhiều không gian sống khác nhau như một cuốn phim lắp ghép bằng những mảnh vụn của ký ức. “Thạch không nói. Anh lần từng chiếc khuy áo trên người Marie. Marie giữ tay anh lại: "Cởi làm chi anh. Chơi chỗ nào mở chỗ đó thôi chứ!". Thạch kéo tay Marie đặt xuống giường: "Chắc lâu ngày em quên thật rồi! Nằm ngoan đi.". Marie thả lỏng người, tay úp lên mặt. Thạch ngồi lặng ngắm cặp nốt ruồi trên vú phải của người đàn bà giang hồ. Thân người anh như chìm xuống trong tiếng máy lạnh rì rì âm ỉ. Giọng anh lạc đi: "Xoan phải không?". Marie giật bắn người, vơ vội chiếc áo phủ lên ngực. Mắt giương lớn. Miệng run run: "Anh là ai vậy?"

Thú thật với quý vị là đọc đến đây tôi rất tò mò và nếu quý vị cũng tò mò như tôi thì có thể mở sách ra đọc để biết Thạch là ai và Thạch với Xoan đã là gì với nhau trước kia. Chắc họ không phải là người yêu đâu!

Rất nhiều truyện Song Thao viết ra như một cái cớ để nhân vật có chỗ sống, cười cợt, đấu láo, mắng mỏ, hỏi han nhau. Đọc truyện ông chúng ta có thể hình dung ra ngay lập tức một khung cảnh, một hoàn cảnh, một mảng đời còn tươi nguyên vừa mới cắt lát được tác giả mang thẳng   vào trang giấy. Xuyên suốt tuyển tập này mỗi truyện được chuyên chở một số vấn đề của đời sống, rải rác là những nhận định có tính cách triết lý mà tác giả lồng quan niệm sống của mình vào trong đó. Có thể nhẹ nhàng như “Người ta chỉ ăn thua so kè nhau khi cùng tôn sùng một thang biểu giá trị. Tôi đứng ở ngoài, mù mờ chẳng biết cái nào hơn cái nào kém, chẳng ai mê muội đòi nhìn vào mắt tôi để khẳng định giá trị chiếc xe của mình. Ngọc lại càng không vậy. Xe hắn cũ. Tôi lại chẳng tin là bạn tôi phải dựa vào một thứ vật chất bên ngoài để mập mờ làm giá trị của mình”. Hoặc dữ dội hơn, cảm nhận trước nỗi sợ hầu như vô hình, nỗi sợ trước bệnh tật và cái chết. “Nó đã từng vấy bẩn dòng máu của Thế, bóp vữa ruột già của Dinh, vọc nát lá gan của Hoàng, làm tan hoang buồng phổi của Thảo. Trò nào nó cũng chơi được. Toàn những trò chết người. Thân thể có bao nhiêu bộ phận thì nó có từng đó thứ để mầy mò phá phách. Nghe tới cái chết phía trước, nó. Phía sau, nó. Bên trái, nó. Bên phải, nó. Nó bao vây, dọa dẫm khắp nơi. Cách gì cũng là trò chơi điên cuồng của nó! Cái lối đánh lén nham hiểm của nó làm lũ chúng tôi sảng. Nghe thấy một ông bị phổi bèn thấy ngực mình râm ran, thở thiếc khó khăn. Người khác bị dạ dày thì thấy bụng mình hình như cứ quặn quặn bất ổn. Người ta bị gan thì tay cứ từng chặp sờ bụng có cảm tưởng như bụng mình phình lên hơn. Ông hàng xóm bị tuyến tiền liệt thì sao cứ thấy mình muốn đi tiểu hoài. Vòng vây không hình dạng, không tung tích làm thui chột cuộc sống của lũ chúng tôi”. Hoặc quan niệm về tình bạn mà tác giả đã ví rất hay, với rượu: “Rượu như một thứ hạnh phúc lỏng thấm vào đôi mắt lim dim của hắn. Ngọc uống như chiêm nghiệm, đón rượu như đón bạn. Để cho cái tình ngấm vào người. Chúng tôi nương nhẹ rượu. Nhất là rượu quý. Phũ phàng với rượu là một cái tội”. Hãy nghe tác giả tả cảnh một bàn rượu: “Anh bạn nhà báo Saigon, mặt bấm ra rượu, cầm ly rượu quý, nảy nảy thách thức từng người, đưa lên miệng ực một hơi, giơ chiếc ly không lên giục giã người khác uống. Anh bạn nghỉ hưu nhăn mặt trước cung đàn lạc điệu. Tôi thầm tiếc, rượu có cái kiêu kỳ của rượu, mỗi thứ rượu có cách uống riêng, mỗi bạn rượu có cách tiếp rượu riêng, mỗi bàn rượu có những cách đối xử riêng, lỡ một cái là hỏng”. Đúng như thế, rượu có rượu chua rượu chát, rượu nồng rượu lạt, rượu nhạt rượu cay. Rượu nào cũng là rượu, ngon hay không là do người đối ẩm, say hay không là do người uống rượu.

Quý vị hãy nghe một mẩu tâm sự giữa một cựu chiến binh Mỹ da đen với nhân vật xưng tôi trong “Đôi Mắt Vời Trông”: "Tôi thương yêu Nụ và nàng cũng thương yêu tôi nhưng tôi để ý thì thấy nàng luôn luôn tránh né việc đi cùng tôi ra giữa đám đông. Những người con gái sống với những bạn da trắng của tôi thì không vậy. Sự kỳ thị ở bên này tôi hiểu được, đó là một dấu vết đau buồn của lịch sử, từ những ngày tổ tiên tôi bị mang tới châu Mỹ như những tên nô lệ. Nhưng bên nước ông, tại sao cũng có sự kỳ thị, nhiều khi tôi thấy còn nặng nề hơn ở bên đây. Tại sao vậy, ông bạn?". Và nhân vật xưng tôi trả lời: "Sự kỳ thị, như ông biết đấy, bao giờ và ở đâu cũng là điều đáng chê trách, nhưng khốn nạn thay, nó lại luôn luôn có mặt bất kể thời gian và không gian. Để hiểu nó, người ta phải gác lại tình cảm để chỉ dùng lý trí mà phân giải. Ông cảm thấy bị kỳ thị bên nước tôi thì tôi nhiều khi cũng cảm thấy bị kỳ thị trong cuộc sống ở nơi đây. Rồi chúng ta có đi tới chân trời góc biển nào cũng vậy. Nếu phải trả lời cho câu hỏi của ông thì tôi cũng qui trách nhiệm cho lịch sử như ông vậy. Lịch sử cận đại của nước tôi là một quãng thời gian đau buồn của một nước nhược tiểu bị một cường quốc phương Tây chiếm đóng và cai trị. Người Pháp đã mang đến nước tôi một đạo quân hỗn tạp trong đó có những người da đen ở Phi Châu, nơi xuất phát của tổ tiên ông. Và, phải xin lỗi ông trước, ông đừng buồn khi nghe tôi nói là những người da đen này, với những vết rạch trên mặt, là những người hung hãn trong việc cướp bóc, hãm hiếp dân Việt Nam chúng tôi. Trong khi đó thì người da trắng là những người cai trị, quyền sinh sát trong tay, làm dân nước tôi tuy không ưa, thậm chí còn chống đối nữa, nhưng những người dân đen nước tôi trong thâm tâm vẫn phải nể sợ họ. Chính tình huống này đã đặt ngôi thứ cho mầu da trắng và mầu da đen trong suy nghĩ và tâm cảm của dân nước tôi. Xóa đi một vết đen của lịch sử kéo dài cả trăm năm chẳng phải là điều dễ. Khi các ông sang, vết đen đó vẫn còn tồn tại và sự kỳ thị mà ông cảm thấy là hậu quả tất yếu vậy thôi."

Song Thao đã cài đặt những ý tưởng, những nhận định của ông vào trong truyện một cách vô cùng tự nhiên. Ông không lên lớp, không giáo điều. Ông chỉ để cho nhân vật nói bằng giọng nói rất đời thường, rất đơn giản như đi một đường thẳng tới tâm hồn người đọc. Nhân vật của ông là nhà văn, là người đọc, là người bạn, là người tình. Họ có khi là người Việt Nam, có khi là người nước ngoài. Họ là những mẫu nhân vật rất đa dạng nhưng cùng một mẫu số chung là tính nhân bản của chính con người tác giả. Trong trường hợp Song Thao, theo tôi nghĩ, phẩm chất sáng tác của ông không nằm ở điều thường biết hay thể loại, trong khung cảnh, trường phái. Phẩm chất sáng tác mà chúng ta thấy ở đây nằm trong chính chiều sâu của tác phẩm. Một tác phẩm hiện thực hay thì vẫn là một tác phẩm giá trị, và chọn theo đường hiện thực vào thời điểm này là chọn một con đường khó, gian nan. Lý do là vì đã có quá nhiều người viết, quá nhiều người đã có thành tựu, đã có thu hoạch, đã có cả một đội ngũ sáng tác văn chương hiện thực. Song Thao đã chứng minh, với giọng văn cổ điển, dùng hình thức cũ vẫn có thể viết được hay. Trào lưu này vẫn còn đứng vững trước những khuynh hướng mới như hiện đại, hậu hiện đại. Người viết có tự do tuyệt đối trong sáng tác, toàn quyền chọn lựa khuynh hướng cá nhân của riêng mình chỉ với một yêu cầu duy nhất: công phu, không dễ dãi, tác giả không lập lại chính mình và bảo đảm chất lượng của mình.

Để kết thúc, tôi xin được nhắc lại quan niệm viết của chính tác giả Song Thao: “Sự đồng dạng giết chết những con chữ. Sự khô cứng cũng vậy.Nếu không những tác phẩm chỉ là những xác ướp, vừa khô đét, vừa đông cứng.”. Với Song Thao quan hệ giữa người viết và cuộc sống quanh ông là quan hệ của con tằm ăn dâu và sẽ nhả ra tơ. Những sợi tơ mềm óng, luôn luôn tinh khôi, tươi tắn. Những sợi tơ đặc thù của người viết , và chỉ của người ấy mà thôi.

Ngày hôm nay chúng ta có hân hạnh có mặt ở đây để dự phần với tác phẩm “Bên Lưng Những Con Chữ”, tác phẩm thứ sáu của nhà văn Song Thao, những con chữ chuyên chở những xúc cảm sâu xa nhất sẽ không bao giờ đồng dạng.