Trần Huy Bích:
Song Thao, nhớ lại những ngày Chu-Văn-An

Luân Hoán:
Song Thao, người bạn văn, biết sớm, gặp muộn

Phiếm

Tiễn

Hú Hồn Vì Tính Thày Lay

Song Thao

Luân Hoán

Viết về Song Thao

Hà Thúc Sinh:
Nghe Song Thao kể chuyện

Hoàng Ngọc Hiến:
Đọc văn học hải ngoại

Nguyễn Đình Toàn:
Song Thao - Bên Lưng Những Con Chữ

Đọc PHIẾM của Song Thao

Nguyễn Mộng Giác:
Bài tựa tập truyện: Chân Mang Giầy số 6

Giữa người viết

Hồ Đình Nghiêm:
Montréal và Bỏ Chốn Mù Sương

Hai Mươi

Nhiều tác giả:
Chùm thơ kỷ niệm

Phạm Phú Minh
Đọc "PHIẾM" của Song Thao

Lưu Nguyễn
Luân Hoán trong chuyện PHIẾM của nhà văn Song Thao

Du Tử Lê
PHIẾM của Song Thao

Song Thao, phiếm

"Phiếm chủ" Song Thao với "Phiếm 15"

"Phiếm... chủ" Song Thao chuẩn bị đường gươm…Phiếm, mới

Hoàng Xuân Sơn
Đọc PHIẾM

Mượn vài ý của Song Thao...

Song Thao - Chùm trái cấm nửa vời

Trà Lũ
Tôi đọc sách PHIẾM của Song Thao

Phạm Xuân Đài
Đọc Chốn Cũ của Song Thao

Lương Thư Trung
Vài ghi nhận về PHIẾM của Song Thao

Lá thư văn nghệ gởi nhà văn Song Thao

Bắc Phong:
PHIẾM Song Thao

Lan man của PHIẾM

Nguyễn Vy Khanh:
Những chốn cũ của Song Thao

Lê Hân:
Chờ Song Thao

Đôi dòng kỷ niệm có với nhà văn Song Thao

Đinh Cường:
Một chữ

Đặng Thơ Thơ:
Đoc "Bên Lưng Những Con Chữ"

Phan Ni Tấn:
Một chút với nhà văn Phiếm: Song Thao

Minh Ngọc:
"Thời Nay" và tuổi thơ của tôi

New York dưới dấu chân lang bạt của Song Thao

Hoàng Quân:
Ông Anh

Minh Đạo Đoàn Vinh:

Song Thao - Truyện Phiếm Du

Nguyễn Dạ Quỳnh:

Tản mạn với chú Song Thao

Nguyễn Hoàng Quân:

Song Thao, Thời Nay và Đà Lạt

Orchid Lamquynh:

Viết vu vơ về chú Song Thao

Phạm Hiền Mây:

Viết về một người viết Phiếm

Quan Dương:

Với nhà văn Song Thao

Trang Châu:

Hai Thằng tuổi cọp

Trúc Lan:

Gởi nhà văn Phiếm chủ Song Thao

Trần Thị Nguyệt Mai:

Vua Phiếm

Trần Vấn Lệ:

Song Thao, một kỳ quan

Trần Yên Hoà:

Song Thao, vua Phiếm...

Võ Kỳ Điền:

Vài nhận xét thế giới văn chương của Song Thao

Đọc Chốn Cũ của Song Thao

[Chốn Cũ, tập truyện của Song Thao, Nhân Ảnh xuất bản 2006, 225 trang, giá 14 Mỹ kim]

Chốn Cũ là tên của một truyện trong tập truyện này, nhưng đó cũng là cái không khí chung của cuốn sách. Chốn cũ... một tiếng gợi nhớ về những không gian mình đã từng ở trong ấy, những thời gian mình đã trải qua, những tâm tình mình đã từng rung động, những khuôn mặt mình đã gần gũi... Mười truyện, đề tài khác nhau, nhưng khuynh hướng “đi tìm những gì đã mất” vẫn bàng bạc khắp nơi, tuy bàng bạc nhưng vẫn rõ rệt đến nỗi người đọc có thể xem nhan đề Chốn Cũ là chủ đề chính của cả cuốn tập truyện ngắn này.

Một người sinh ra trên đất Bắc, điển hình là Hà Nội chẳng hạn, vào khoảng cuối thập niên 1930 đầu thập niên 1940 thì cuộc đời quả có nhiều cơ hội dời đổi hơn người cùng lứa ở miền Nam. Cuộc toàn quốc kháng chiến bùng nổ chủ yếu là tại Hà Nội, tạo nên phong trào tản cư gần như toàn diện. Hầu như nhà nào cũng bồng bế gánh gồng đi về vùng quê, trong khi tại miền Nam, điển hình là Sài Gòn, lại chẳng có cảnh này. Cuộc chiến kéo dài được mấy năm thì lại có phong trào hồi cư, nhiều gia đình lại quay về thành phố là nơi Pháp chiếm đóng và chính phủ quốc gia non trẻ mới được thành lập. Cuộc sống thành thị bắt đầu ổn định yên vui thì đùng một cái, đất nước chia đôi, tạo nên cuộc di cư vĩ đại đi về miền Nam. Ở miền Nam được 20 năm, lại bắt đầu ra đi nữa, sống nhờ tại nhiều nước trên thế giới. Chưa kể chiến tranh và nhiều sự khắc nghiệt khác, chỉ nguyên một chuyện xáo trộn và di chuyển như thế cũng quả là quá nhiều cho thời gian của một đời người. Và dĩ nhiên các biến cố đã hằn những dấu vết khó phai trong tâm khảm những người trong cuộc.

Song Thao là một người đã trải qua đầy đủ các biến chuyển vừa kể. Người ta không thể không chờ đợi ở một người viết văn như ông, một lúc nào đó bắt đầu viết về... chốn cũ, cho người đọc chia sẻ với từng mảng quá khứ ông đã trải qua, đã trở thành quá xa trong không gian, trong thời gian và trong tâm tưởng, xa đến độ tưởng chừng không còn bao giờ gặp lại, nhưng cũng chính vì thế mà có một khí vị đặc biệt chỉ một số người sống qua hậu bán thế kỷ 20 của Việt Nam mới có kinh nghiệm thôi.

Một điều chắc chắn là tác giả sẽ không thể viết về chốn cũ nếu không có cơ hội về thăm chốn cũ. Chiến tranh kết thúc năm 1975 đối với miền Nam giống như một hòn đá lớn ném xuống một ao bèo, làm nước tung tóe, bao cánh bèo giạt ra tứ phía. Nhưng rồi sóng lặn dần, từng tí một các cánh bèo nhích về vị trí cũ. Song Thao là một trong những cánh bèo ấy, ông đã về thăm lại Việt Nam, không những chỉ miền Nam mà cả Hà Nội, cái nôi thời thơ ấu và niên thiếu của ông. Đó chính là “chốn cũ” quan trọng nhất của Song Thao, nơi tâm hồn và nhân cách của ông đã thành hình, nơi ông đã sống những ngày tháng huyền thoại mà sau khi rời bỏ năm 1954, và nhất là sau cơn biến động 1975 đã xô giạt ông ra nước ngoài, có lẽ ông không hề tưởng sẽ có ngày tái ngộ. Thế mà Song Thao đã về. Đã đi trên những con đường cũ. Đã tìm được và vào thăm ngôi nhà mình đã cùng gia đình cư ngụ thời xưa. Đã “nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ.” Đó là những thời khắc phải nói là lớn lao vào bậc nhất trong đời một người. Nhưng Song Thao không để xúc cảm tràn ngập, ông không khóc than trên giờ khắc tái ngộ, không triết lý về sự tàn phá của thời gian. Ông nói về chốn cũ vừa như một người con đầy xúc động tìm về ngôi nhà cũ của bố mẹ, nhưng cũng với sự tỉnh táo của một du khách của thời toàn cầu hóa. Ông đã tìm thấy Hà Nội huyền thoại của tuổi thơ với cơn dâng trào của biết bao đợt sóng kỷ niệm, nhưng ông cũng không quên Hà Nội hiện tại với bao phế hưng thay đổi không còn giống như ngày xưa. Ông đã gặp lại Hà Nội, tỉnh táo hơn người ta tưởng, mặc dù đã có lúc

“Tôi ngậm ngùi trước nhà cũ. Ngót nửa thế kỷ lưu lạc, tôi mới trở về. Tôi có phải khóc không nhỉ? Mắt tôi khô đi vì xúc động. Tôi đứng lặng người. Hình ảnh những ngày cũ quay mòng trong chiếc đầu đã hai thứ tóc, những sợi tóc bạc màu nhung nhớ nằm lấn lướt những sợi tóc ngày xanh.”

Nhưng Song Thao không bao giờ bị chìm đắm trong kỷ niệm. Ông luôn luôn cho thấy là mình đang đối diện với Hà Nội bây giờ, với những nhận xét, những ký ức chợt đến khi đi qua nơi này, nơi khác. Tác giả đã nhìn lại Tháp Rùa, mà bây giờ ông thấy là “quá nhỏ” và nhận ra “cái gì trong kỷ niệm cũng vạm vỡ hơn trong thực tế. Mình thường phóng đại, tô hồng chuốc lục cho những kỷ niệm.” Ông nhớ cái bánh mì ba tê “ngon thấu trời” do một chú bé bán ngày xưa, nhớ món đậu phọng rang húng lìu của ông già tàu có “cái miệng lúc nào cũng nhe ra như cười mà không phải cười,” nhớ “chiếc xe điện xưa leng keng kéo chuông giữa lộ nay đã biến đâu mất chẳng còn dấu tích”... Là người từng trải qua bao biến đổi lớn trong đời, ông đến Hà Nội không mang ảo tưởng phải bắt gặp lại ngày xưa “của mình” để rồi kêu la thất vọng, ông rất biết điều chấp nhận cái đang có để thỉnh thoảng lại lặn sâu vào các kỷ niệm chỉ của riêng ông. Nhờ thế mà đọc truyện của ông ta luôn luôn gặp cái linh động của Hà Nội ngày nay, điểm xuyết đó đây là các hồi ức của một thời niên thiếu làm ta xúc động một cách nhẹ nhàng và đằm thắm.

Truyện “Tìm Về” nội dung không khác truyện “Chốn Cũ” (nếu nghịch ngợm nối hai cái tên đó lại thành Tìm Về Chốn Cũ cho hai truyện nhập thành một thì có lẽ cũng... được), nhưng có một chỗ làm cho tôi rất cảm động, đó là cái gần như là mối tình của người con gái tên Chuyên 13 tuổi thời 1954 với nhân vật trở về. Câu hát trong bài Ngày Trở Về của Phạm Duy tôi trích dẫn trên kia “nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ” là nhằm vào “chuyện tình” này. Xin đọc một trích đoạn:

“Gian bên cạnh là cơ ngơi của một cặp vợ chồng trẻ, lúc nào cũng nồng nàn, phơi phới. Có lần đứng với tôi bên khung cửa này, Chuyên đã thầm thì. Khi nào chúng mình lớn, anh với em sẽ thành vợ chồng như vậy nghe! Tôi bỗng nhớ tới Chuyên. Cô bé mười ba tuổi trắng trẻo, mũm mĩm, mắt tròn to, tóc rậm rạp đen nháy, lúc nào cũng theo tôi trong các cuộc chơi.”

Thế mà nhân vật trong truyện, mà tôi nghĩ rất có thể là chính tác giả, lại bỏ cô Chuyên ở lại để đi di cư vào Nam. Bây giờ gặp lại Chuyên đã là một bà góa, đã về hưu. Nhưng Chuyên đã gặp lại người xưa với đúng cái tình của một cô gái 13 tuổi.

“Chuyên luồn ra phía sau, ôm cứng lấy tôi, thì thào bên tai.
Vậy thì em phải giữ anh cho chắc. Ngày xưa em cũng đã giữ anh như vậy nhưng anh vẫn gỡ vòng tay em chạy mất. Anh còn nhớ vòng tay xưa của em không?.”

Kẻ “tìm về” này, kể ra cũng thật là may mắn! Mấy ai, sau bao nhiêu biến đổi sâu xa của đất nước có tác động ghê gớm vào số phận con người, khi tìm về chốn cũ mà được gặp lại một tấm tình của tuổi mười ba còn sót lại như vậy. Dưới ngòi bút của Song Thao – có lẽ ông cũng viết với tâm tình của cậu bé 15 tuổi năm 1954 – câu chuyện diễn ra cảm động và rất đẹp. Trong tất cả những tâm tình viết về các chuyến đi về mà tôi đã được đọc, tôi rất thích truyện này, nó cho thấy thời gian, chiến tranh, chế độ chính trị v.v... có thể nhào nặn, biến đổi, làm méo mó xấu xí đi nhiều thứ, nhưng ẩn dưới bao nhiêu lam lũ và thô thiển của cuộc đời vẫn còn những mảnh kim cương ngời sáng của tình người, của tình yêu khi người ta vừa chớm lớn.

Nếu chỉ dừng lại ở vài truyện có chủ đề tìm về cái cũ thì công việc giới thiệu Chốn Cũ chưa hoàn tất. Còn nhiều điều để nói và đáng nói về cuốn sách này. Nhưng khi đã chọn chủ đề là chuyện trở về Hà Nội thì chỉ nên nói một chuyện ấy thôi. Vì với một người có tiểu sử như tác giả Song Thao, không một chốn cũ nào có thể cũ hơn thành phố Hà Nội nữa.

Phạm Xuân Đài