Trần Huy Bích:
Song Thao, nhớ lại những ngày Chu-Văn-An

Luân Hoán:
Song Thao, người bạn văn, biết sớm, gặp muộn

Phiếm

Tiễn

Hú Hồn Vì Tính Thày Lay

Song Thao

Luân Hoán

Viết về Song Thao

Hà Thúc Sinh:
Nghe Song Thao kể chuyện

Hoàng Ngọc Hiến:
Đọc văn học hải ngoại

Nguyễn Đình Toàn:
Song Thao - Bên Lưng Những Con Chữ

Đọc PHIẾM của Song Thao

Nguyễn Mộng Giác:
Bài tựa tập truyện: Chân Mang Giầy số 6

Giữa người viết

Hồ Đình Nghiêm:
Montréal và Bỏ Chốn Mù Sương

Hai Mươi

Nhiều tác giả:
Chùm thơ kỷ niệm

Phạm Phú Minh
Đọc "PHIẾM" của Song Thao

Lưu Nguyễn
Luân Hoán trong chuyện PHIẾM của nhà văn Song Thao

Du Tử Lê
PHIẾM của Song Thao

Song Thao, phiếm

"Phiếm chủ" Song Thao với "Phiếm 15"

"Phiếm... chủ" Song Thao chuẩn bị đường gươm…Phiếm, mới

Hoàng Xuân Sơn
Đọc PHIẾM

Mượn vài ý của Song Thao...

Song Thao - Chùm trái cấm nửa vời

Trà Lũ
Tôi đọc sách PHIẾM của Song Thao

Phạm Xuân Đài
Đọc Chốn Cũ của Song Thao

Lương Thư Trung
Vài ghi nhận về PHIẾM của Song Thao

Lá thư văn nghệ gởi nhà văn Song Thao

Bắc Phong:
PHIẾM Song Thao

Lan man của PHIẾM

Nguyễn Vy Khanh:
Những chốn cũ của Song Thao

Lê Hân:
Chờ Song Thao

Đôi dòng kỷ niệm có với nhà văn Song Thao

Đinh Cường:
Một chữ

Đặng Thơ Thơ:
Đoc "Bên Lưng Những Con Chữ"

Phan Ni Tấn:
Một chút với nhà văn Phiếm: Song Thao

Minh Ngọc:
"Thời Nay" và tuổi thơ của tôi

New York dưới dấu chân lang bạt của Song Thao

Hoàng Quân:
Ông Anh

Minh Đạo Đoàn Vinh:

Song Thao - Truyện Phiếm Du

Nguyễn Dạ Quỳnh:

Tản mạn với chú Song Thao

Nguyễn Hoàng Quân:

Song Thao, Thời Nay và Đà Lạt

Orchid Lamquynh:

Viết vu vơ về chú Song Thao

Phạm Hiền Mây:

Viết về một người viết Phiếm

Quan Dương:

Với nhà văn Song Thao

Trang Châu:

Hai Thằng tuổi cọp

Trúc Lan:

Gởi nhà văn Phiếm chủ Song Thao

Trần Thị Nguyệt Mai:

Vua Phiếm

Trần Vấn Lệ:

Song Thao, một kỳ quan

Trần Yên Hoà:

Song Thao, vua Phiếm...

Võ Kỳ Điền:

Vài nhận xét thế giới văn chương của Song Thao

Luân Hoán trong chuyện PHIẾM của nhà văn Song Thao

Thời gian chúng tôi sinh hoạt báo chí và văn học tại Montréal tuy không nhiều, nhưng với gần hai mươi năm liên tục, cũng đủ giúp chúng tôi có những giao tình thân thiết với những người cầm bút Việt Nam, sống tại nhiều quốc gia. Riêng thành phố Montréal đã có các nhà văn, nhà thơ : Nguyễn Khắc Ngữ, Nguyễn Ðông Ngạc, Nguyễn Hữu Chung, Lê Hữu Mục, Tôn Thất Thiện, Ðỗ Qúy Toàn, Trương Bảo Sơn, Nguyễn Văn Trung, Ðoàn Thêm, Trang Châu, Nguyễn Minh Ðức,Võ Kỳ Ðiền, Bắc Phong, Hoàng Xuân Sơn, Hồ Ðình Nghiêm, Phạm Nhuận, Lê Tấn Lộc,Lê Quang Xuân,Nguyễn Vy Khanh, Vạn Gỉa, Hoàng Chiều Nhân, Cao Vị Khanh, Dương Tử, Trường Kỳ...Nhà thơ Luân Hoán và nhà văn Song Thao cùng đến định cư tại Montréal vào khoản năm 1985. Ngoài những giao hảo trong tình văn nghệ, chúng tôi còn chung tay trong việc cải tiến tạp chí Nắng Mới, đưa tạp chí này từ vị trí địa phương đến phổ quát tại nhiều nước như mọi tạp chí văn học chính trị khác. Tiếc rằng vì điều kiện phát hành thiếu thuận tiện cùng một vài nguyên nhân khác, chúng tôi phải đình bản vào năm 1995.

Trong thời gian Nắng Mới có mặt trên làng báo Việt ngữ, nhà văn Song Thao đã cho đăng nhiều chuyện phiếm của ông. Và cùng sự rút lui của Nắng Mới, Song Thao cũng ngưng viết phiếm một thời gian. Gần đây trên tạp chí Thế Kỷ 21 tại Hoa Kỳ và tuần báo Thời Báo tại Toronto Canada, bạn đọc lại bắt gặp chuyện phiếm của nhà văn Song Thao.

Chuyện phiếm, theo tôi, thường là những mẫu chuyện chung chung, vui vui, quanh quanh, quẩn quẩn trong cuộc sống hằng ngày. Chuyện có đủ giản dị và cũng không thiếu phức tạp để trình bày rõ ràng những hình ảnh sống động mà chúng ta vẫn bắt gặp. Người viết truyện ngắn, kẻ viết truyện dài, người viết tùy bút, kẻ viết hồi ký...viết cái gì...tác gỉa cũng có, cũng cần một mục đích. Có và cần luôn luôn giúp ngòi bút vững mạnh hơn. Gía trị của mỗi trang chữ nằm trong suy tư và lối diễn đạt của người viết, không cứ gì ở thể loại.

Song Thao là một nhà văn thành danh với nhiều tập truyện đã được xuất bản tại hải ngoại. Trên trang nhà riêng của ông, tại địa chỉ : http://www.songthao.com, ngoài việc cho đăng các truyện ngắn đã thành sách còn giới thiệu nhiều chuyện phiếm của ông.

Một bạn đọc, Ông P.Ð.Hùng, đã đăng ý kiến hoan nghênh của mình về chuyện phiếm Song Thao trên tạp chí Thế Kỷ 21, số 180, năm 2004. Riêng tôi rất chịu cái lối kễ chuyện đầy ngẫu hứng của Song Thao. Dí dõm, duyên dáng lẫn thông minh đã giúp ngòi bút của ông tạo nên những trang chữ linh động. Nhưng ở đây, tôi không có ý định bàn kỷ về những bài phiếm của Song Thao, mà tôi chỉ xin phép tác gỉa cho tôi nhặt ra và góp lại những nhận xét của ông về một nhà thơ, mà tôi nghĩ không quá xa lạ với bạn đọc người Việt : nhà thơ Luân Hoán.

Lẽ ra, viết về một người bạn, tôi nên ghi lại những suy nghĩ của mình, nhưng tâm đắc về những phác họa Luân Hoán của Song Thao, tôi chợt nẩy ý bê ra và sắp xếp lại những phác họa này, như vậy vừa nhanh vừa có một nội dung tốt . Hơn nữa còn có cơ hội giúp bạn đọc biết thêm một đôi điều về một nhà thơ, từ một nhà văn quả là một lý thú. Nghĩ vậy, nên tôi thêm mạnh dạn khởi sự nhặt và góp :

Sáng thứ bẩy, mồng một tết, mở cửa xuất hành đã thấy xuân nằm trước cửa. Không hiểu nhà thơ Luân Hoán tới cửa nhà đề thơ xuân vào lúc nào. Bài thơ được dán chênh vênh trên vuông cửa xanh. Thơ rằng:

“Chúa xuân đang thở khò khè
Nên đành phải đứng đầu hè tặng thơ”.

Bèn phôn hỏi sự tình. Đầu dây bên kia có tiếng cười hề hề. Năm giờ sáng mồng một tết, cả nhà còn ngủ, nhà thơ pha trà ngồi thưởng xuân một mình. Bên ngoài từng cụm tuyết lớn như những cánh hoa mai rơi ngổn ngang trắng xóa cả bầu trời. Thi sĩ tính lấy giấy khai bút đầu năm nhưng cảnh đẹp kéo nhà thơ ra khỏi nhà, xuất hành khai bút giữa trời. Cứ nhà bạn bè trực chỉ lái xe tới. Vừa lái xe trên những con lộ vắng người sáng thứ bảy vừa làm thơ. Thú vị vô cùng. Chỉ có trời đất và ta. Xuân trong lòng thấm vào những vần thơ. Thơ đượm tình bè bạn. Tới từng địa chỉ thân quen, chép thơ lên giấy, dán vào cửa rồi lẳng lặng ra đi. Một mình chịu rét mướt mang cả mùa xuân ấm áp tới cho bạn bè. Thơ nằm trên cửa nhà Lưu Nguyễn, Hồ Đình Nghiêm, Lê Quang Xuân, Nguyễn Đông Ngạc, Song Thao. Tới nhà Phạm Nhuận loanh quanh tìm không có chỗ đậu xe đành tiếp tục ra đi. Định tới nhà Hoàng Xuân Sơn, Trang Châu, Đỗ Quí Toàn, Lê Tấn Lộc... nhưng bị nhiễm lạnh nên phải lái xe về. Xuân trong lòng chẳng át được đông ngoài trời khiến thơ xuân đành cam dang dở. Những câu thơ tặng bạn bè Luân Hoán cũng chẳng còn nhớ. Muốn ghi lại đây những vần thơ trên cửa, tôi phải điện thoại hỏi từng người được tặng thơ. Thơ trên cửa nhà:

* Nguyễn Đông Ngạc & Nguyên Ngọc:

“Chúa xuân đến thưởng giọng ca
Gõ vào cửa, ngại bạn già hưởng xuân”

* Lưu Nguyễn:

“Không ra đón chúa xuân vào
Phạt bạn uống cốc rượu đào phần ta”

* Lê Quang Xuân:

“Chúa xuân mang nặng thơ xuân
Bạn bận soạn máy chụp lưng, mắt... đời”

* Hồ Đình Nghiêm:

“Chúa xuân đến trước cửa nhà
Làm tình kỹ quá không ra rước vào”

Thơ xuân Luân Hoán dắt tôi trở về nét xuân một tuần trước đó trong Hội Tết của Cộng Đồng Người Việt ở Montreal.

(Song Thao - Thơ Xuân, tạp chí Nắng Mới số 18. Tháng 3-1993)

Ở một chuyện khác, Luân Hoán không được nhắc nhở nhiều, nhưng không thể vì thế mà chúng ta bỏ qua cơ hội biết thêm một chút về cái thú uống cà phê của một số anh em sinh hoạt văn nghệ tại thành phố lớn Montréal:

Không hiểu sao mấy ông bạn tôi lại thích ngồi tụ tập ở quán cà phê này. Có lẽ vì cái chữ M nằm đỏ chót trên tấm bảng hiệu chăng? Ôm M bao giờ mà chẳng gợi nên những êm đềm, lả lướt, mang mang một vị ngọt ngào đằm thắm. Mà chẳng phải chỉ có một M đâu nhé. Tới ba M lận. Một M nồng nàn đỏ chót nằm đầu, rồi tới một M tươi mát màu da cam, một M kiêu sa vàng chói. Quanh bàn cà phê là những khuôn mặt thường xuyên lui tới. Lưu Nguyễn chẳng bao giờ để quên nụ cười ở chốn thiên thai, Lê Quang Xuân kính trắng trễ xuống mũi nhẩn nha góp chuyện, Trang Châu dí dỏm ứng biến và Hồ Đình Nghiêm là người bỏ rất nhiều gia vị vào câu nói. Thỉnh thoảng xẹt tới với "anh em" là Luân Hoán, tứ thời bát tiết không nhức đầu thì cũng sổ mũi ho hen. Nguyễn Đông Ngạc trầm mặc chế tạo khói thơm cho chiếc tẩu luôn luôn nóng ấm, Vũ Ngọc Hiến không vợ con mà lúc nào cũng bận bịu như có cả chục đứa con nít nằm trong máy điện toán, Phạm Nhuận ngất ngưởng duyên dáng và Nguyên Ngọc, bóng hồng duy nhất mà chẳng lạc lõng một chút nào trong những câu chuyện khi đông khi tây quanh bàn cà phê.

(Song Thao – Trà Dư Tửu Hậu, Nắng Mới số 17 tháng 2-1993)

Tôi nghe nói: ngoài ghiền thơ và ghiền “nàng thơ tại gia”, ông Luân Hoán xưa nay vẫn ít ghiền thêm một thứ gì khác .Cà phê, thuốc lá, bia ruợu...chỉ là những thứ lâu lâu ông ấy mới đụng đến trong dịp phải làm, như một xã giao ?. Ông Luân Hoán thỉnh thoảng “xẹt tới với anh em” là đúng rồi. Còn cái khoản “ tứ thời bát tiết không nhức đầu thì cũng sổ mũi ho hen” thì không rõ có chính xác không ? Một người ai cũng biết thường đau rề rề như thế, mà làm thơ hình như mỗi ngày một vui ra, và rất tích cực cuộc chơi trên mạng lưới điện toán, không khỏi làm tôi nghi ngờ. Ðau thật, đau gỉa chắc đều có ở nhà thơ rất lười biếng trong việc thù tạc cùng bằng hữu này. Trở lại với nhận xét Song Thao,trong một bài viết được cho mang lại tên từ nhà thơ Vũ Hoàng Chương “Ta đã làm gì đời ta”, Song Thao nhắc đến Luân Hoán như sau:

Ta đã làm chi đời ta? Người đã bỏ cả đời rong chơi với thơ, tụ họp anh em văn nghệ lại để mừng tác phẩm thứ 17 của anh. Trên tường, nhà thơ đã cầy cục làm một tấm bích chương thật đẹp:

“Luân Hoán và các bạn văn cùng Mời Em Lên Ngựa”.

Các bạn văn đến với Luân Hoán để cùng mời em lên ngựa có Trang Châu, Lưu Nguyễn, Hồ Đình Nghiêm, Phạm Nhuận...

Mới tiễn ông Táo về trời mà không khí đã vui như tết. Mặt nào miệng nấy cười toe toét khi chị Luân Hoán bấm máy chụp hình. Hồ Đình nghiêm vớ được con ngựa nhồi bông trưng ở trong tủ, có yên cương đàng hoàng ôm khư khư trong tay. Mời Em Lên Ngựa phải có ngựa chứ! Phạm Nhuận thêm. Ngựa này trông giống ngựa trong đình trong chùa. Yếu xìu! Luân Hoán ngồi ký sách tặng mặt tươi rói. Đã nói cuốn chót là cuốn chót đấy nhé! Nhất định không làm thơ nữa! Luân Hoán nói tới đâu thì nghe tới đó, chứ thơ Luân Hoán là thứ thơ chảy từ trong người ra, không làm mà được à! Đã mang lấy nghiệp vào thân. Mà nghiệp thơ lại thường là nghiệp nặng nhất.

Cà phê, trà, bánh ngọt, lại thêm chè hột sen đánh do chị Luân Hoán làm. Ngọt như tình của chị với anh. Không có chị Luân Hoán liệu chúng ta có được một nhà thơ nòi tình như vậy không nhỉ? Chắc là không. Phải có một mối tình như vậy mới nảy ra được những câu thơ như thế.

Bấy nhiêu năm tình nhân, bấy nhiêu năm chồng vợ, đến nay con cái đã lớn bộn mà những chăm sóc, những lo toan, những trìu mến mà chị cho anh vẫn óng ả như xưa. Họ như đôi chim.Mà chim thì nhìn những cặp chim xinh xinh trong lồng treo đầy khắp trong nhà Luân Hoán thì biết. Suốt ngày líu la líu lo nhảy nhót reo cười.

.... “Vì không có chuyện buồn nên chúng tôi có quá nhiều chuyện vui”. Chị Luân Hoán đã trả lời cuộc phỏng vấn của Hồ Đình Nghiêm trong cuốn Chân Dung Thơ Luân Hoán như vậy.

Nghe Luân Hoán than thở chắc cũng là một chuyện vui? Than thở là một bệnh ghiền của ít nhất hai ông “sĩ”.

“Cái bệnh ghiền này tôi có lần nghe Nghiêm nói rất giống họa sĩ Đinh Cường. Không biết anh Đinh Cường than thở ra răng, chứ cái ông nhà tôi thì mở miệng ra, không nhức chân quá thì đau đầu quá, không buồn quá thì cũng nản quá... Cứ thế gặp ai cũng than thở, làm như than thở thì hết buồn hết chán. Đặc biệt, đầu mỗi mùa đông anh thường phán một câu: -‘Chắc anh không qua khỏi mùa đông năm nay!’ Lần đầu tôi nghe thấy hoảng hốt, lo sợ phập phồng, nhưng năm này đến năm khác, câu đó vẫn lập lại mà may là ảnh cũng còn là ảnh nên tôi thấy đã quen”(CDTLH).

Ông Luân Hoán là cây than. Ông Đinh Cường là vua than. Khi hai cao thủ than gặp nhau thì sao? Trong Mời Em Lên Ngựa, bài Quấy bạn hè 93, có đoạn thơ ông Luân Hoán tới Virginia quấy ông Đinh Cường:

“phu mỏ than vào đúng mỏ than
sóc theo chân chủ vội dọn bàn
chim, hoa, thục nữ... nằm quanh vách
cùng thở thơm lừng nỗi bi quan”

Ta đã làm chi đời ta? Mới loanh quanh những ngày tết đó mà thoắt một cái đã đầu tháng tư. Mụ nặc nô tên tuyết quấy phá cho đã đời cũng đã phải cúi đầu ra đi. Những mầm cây nằm ngủ cho hết những tháng ngày lạnh lẽo đã bắt đầu nhú lên vẽ xanh đất trời. Một năm vừa thơn tháng giêng đã mẻ đi mất một góc. Ngồi thẫn thờ chẳng biết làm chi bèn nhấc phôn:

- Luân Hoán đó hả? Đang làm chi đó?
- Có làm chi đâu!

(Song Thao - Ta Ðã Làm Chi Ðời Ta ? Nắng Mời số 31 tháng 4-1994)

Rồi trong một bài tán về lứa tuổi “teen” ...Song Thao nhắc lại cuộc tình của nhà thơ ‘Ðưa Nhau Về Ðến Ðâu’ :

Những cuộc tình học trò ngon như một trái táo thơm. Khởi đầu một chuyện tình thường là những bức thư không qua bưu điện. Mực tím, giấy thơm, chữ biết thở, nếu thở được ra thơ càng...ăn tiền

“Mang vào lớp bài thơ anh mới tặng
Khoe bạn bè cho chúng lác mắt chơi
Í mà chết, anh viết gì trong đó ?
chuyện chúng mình ?, em hổng chịu đâu !”

Chuyện tình tuổi học trò, nó bấp bênh lắm. Có đó mà mất đó. Nhưng có khi có đó mà còn đó. Như cuộc tình của nhà thơ Luân Hoán. Nó bắt đầu từ khi nàng còn trong tuổi teen. Chàng phải mất tới bao nhiêu bài thơ mới dỗ dành nàng chìa được bàn tay ra, ‘văn học sử’ không thấy ghi! Giấy bút chỉ ghi lại được lời thú nhận của nàng như sau: “ Cảm ơn Trời Phật, cuộc tình của chúng tôi gần như không có chuyện buồn. Cái trở ngại lớn nhất là lúc khởi đầu. Tôi nhỏ hơn ảnh gần tròn một con giáp. Nói xấu hổ, phải tăng thêm hai tuổi trong khai sinh để được về nhà chồng, hư thật. Vì không có chuyện buồn nên chúng tôi có quá nhiều chuyện vui. Vui lúc lận đận, vui lúc thong dong. Chuyện vui nào cũng đáng nói, thành ra, chừ không có chuyện vui nào đáng kể cho anh nghe hết. Nhưng nghe để làm chi đây? Ðể cười người ta chắc?” ( Chân Dung Thơ Luân Hoán, trang 245 )

Tôi bỗng thấy muốn rời thơ để làm một con toán nhỏ. Tuổi lập gia đình, theo pháp luật, của một cô gái là 18 tuổi. Chị Luân Hoán khai tăng lên hai tuổi để đủ tuổi...xấu hổ. Như vậy là nhà thơ đón nàng thơ về dinh vào năm 16 tuổi. Cuộc tình khởi đầu lâu trước đó, lâu đủ để chàng thả hàng hàng lớp lớp thơ. Nó bắt đầu từ tuổi nào? Hình như chị Luân Hoán, trong một lần vui chuyện, đã tiết lộ là vào tuổi 13. Tuổi của ca dao!

lấy chồng từ thuở mười ba
đến nay mười tám thiếp đà năm con
ra đường thiếp hãy còn son
về nhà thiếp đã năm con cùng chàng

Như vậy, chị Luân Hoán chưa...ngon! Lấy chồng trễ mất ba năm và cho tới bây giờ chị mới có bốn con. Còn thiếu một đứa!

Nghịch ngợm một chút thôi, chị Luân Hoán à! Coi như thêm một chuyện vui trong cuộc đời chỉ có toàn chuyện vui của chị.

(Song Thao- Teen).

Những nét ‘ngộ ngộ’ trong suy nghĩ của Luân Hoán, Song Thao cũng phát hiện được , cụ thể như việc tiểu tiện :

Trạng Quỳnh đi một đường tiện nhỏ chống lại cái tiện giữa của anh sứ Tầu. Thường tiện nhỏ, người ta không ngang nhiên hoạt động giữa trời như vậy. Nó có chỗ đàng hoàng. Ông bạn Luân Hoán của tôi, thơ cũng nghênh ngang phát khiếp, vậy mà trên đường di tản sang Canada, máy bay ghé lại một phi trường của Ý, bụng đang rối bời vì vừa dứt bỏ quê hương, cũng...kỷ luật như ai.

‘tàu bỏ ta trên đất Ý
vài giờ đợi đổi đường bay
ngồi không bỗng dưng mắc đái
bỗng thèm rửa mặt rửa tay

kéo nhau đi vào toilette
gởi đây chút kỷ niệm này
biết đâu thấm vào thớ đất
nuôi mầm sống nức lên cây”

Dựa vào chuyện người nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh khỏa thân tập thể giữa thanh thiên bạch nhật tại các thành phố lớn trên thế giới, (dĩ nhiên thành phố Montréal không thể không là một cái nền nghệ thuật nằm ngoài sự chọn lựa của nghệ sĩ lạ đời này). ông Song Thao tán rất vui về đề tài ‘khoe của ’ . Vừa vui vừa rất văn hóa nghệ thuật, ông dẫn ca dao : “yêu nhau cởi áo...” để nhập đề rồi kể ra một nội dung rất phong phú , trong đó có cả giai thoại về họa sĩ Ðinh Cường vẽ khỏa thân, rồi trích thơ. Ông viết :

Bạn tôi, ông Luân Hoán, thấy ông Larry Flynt múa cũng múa, Ông Larry lót tay bằng đô la để cởi, bạn tôi cởi bằng thứ mà bạn giàu có: thơ !

“với thân thơm suối thơm đồi
xin em dành một cõi ngồi tôi riêng
một mình tôi được ưu tiên
một mình tôi đủ thẩm quyền nhớ nhung
sẽ chạm tình dọc sống lưng
sẽ khắc thơ giữa hồng trung chánh tòa
cho em mặc sức trổ hoa
bốn mùa vĩnh viễn đều là mùa xuân
em tha hồ cởi áo quần
ngâm mình giữa cõi nhớ nhung sinh tồn
câu thơ lục bát dẫu mòn
vẫn còn thơm ngát lũng cồn nữ vương”

(Song Thao - Cởi, Thế Kỷ 21 tháng 3-2004)

Trong bài viết luận về cái “già” mà một phần nguyên nhân khởi từ việc tham dự nhiều tiệc vui trong mùa cưới 2003, Song Thao nhìn thấy bạn bè, nhìn thấy cả mình vào những ngày đã bước vào ngưỡng cửa sáu mươi. Mỗi người một cảnh, gìa cứ cho gìa, vui vẫn cứ vui. Với Luân Hoán , tác gỉa ‘ Chân Mang Giày Số 6’ thông tin :

Ông Luân Hoán bây giờ cũng mải mê với cháu. Cháu có phá phách, giật đổ, giật bể đồ đạc cũng cứ ngồi cười. Một cháu ra đời, thơ cũng vung vít cựa mình :
“đất trời thơm ngỡ hoa
tâm nhẹ tưởng hoan ca
hóa ra là không phải
chỉ đời thêm Nina”

lần hai :

“Montréal thơm lá thơm hoa
giữa xuân vàng đón Lyna vào đời
nghiêng vai mây đứng giữa trời
thòng tay ve vuốt mắt môi ngập ngừng...”

lần ba :

“Black Foot Idoho
tuyết bay phai nắng sớm
chợt nở nụ ca dao
giữa sáu giờ chín phút
ngày mười một tháng hai
nhằm ba mươi tháng chạp
Vincent nằm trên vai
Việt Nam vào nguyên đán
Không bén hương quê nhà
vẫn thơm tình nguồn cội”

Song Thao đưa ra nhận xét chung về lứa tuổi của thế hệ ông :

...Chúng tôi tụ họp nơi đây để dự đám cưới con gái của nhà thơ Tô Thùy Yên. Nhìn nhau thấy đã bàng bạt khói sương. Già rồi.Chuyện đi đứng nghe chừng đã biếng nhác. Không có dịp thì ngại đi. Phải có cái trẻ trung của đám cưới, cái níu kéo của số đông bạn bè thì cái thân rệu rạo mới cất bước làm một chuyến đi...

(Song Thao – Gìa, Thế Kỷ 21177 &178 tháng 1&2-2004)

Qua những bật mí của nhà văn Song Thao, chúng ta còn biết Luân Hoán rất thích những con vật, trong bài Trà Dư Tửu Hậu, ông viết: Nhà thơ Luân Hoán, một chuyên viên có thẩm quyền về sở thú, đã quả quyết là ở Sở Thú Granby người ta đã ghi rõ ràng ngoài chuồng heo là "Cochon Vietnamien" đàng hoàng. Câu này có thể cho chúng ta cái cảm tưởng nhà thơ Luân Hoán đang hành nghề thú y, hoặc gỉa phục vụ lao động trong một sở thú nào đó, nhưng sự thật, Luân Hoán mê thăm các sở thú nếu có cơ hội.

Cuộc sống ở hải ngoại, chắc chắn có nhiều phần dễ thở hơn với cuộc sống trong nước, kể riêng cho nhà thơ đã gối đầu cỏ hoa.Nhưng không hiểu sao ông Luân Hoán vẫn thường mất ngủ. Song Thao cho rằng tại thơ. Nhà văn giải thích :

Mất ngủ, cực lắm. Thức đêm mới biết đêm dài. Bệnh mất ngủ thường là bệnh của những người viết lách. Cái đầu còn vấn vương với những bài viết chưa đặt được dấu chấm hết là một cái đầu rộn ràng băn khoăn. Ngủ sao được? Văn đã hành, thơ còn hành bạo hơn nữa. Câu thơ mới tượng hình, chưa trải được ra giấy, hoặc trải ra được rồi nhưng chữ dùng chưa đắt, làm cái đầu cấn cái triền miên. Ngày này qua ngày khác, bệnh mất ngủ cứ lấn dần. Thuốc ngủ chỉ được vài bữa rồi đâu lại vào đó. Rồi lại phải tăng liều lượng. Tăng đến đâu mới tới...bến? Mặc mẹ nó! Nhà thơ Luân Hoán đã có lần thốt lên. Giấc ngủ èo uột một hai tiếng mỗi đêm. Hai giờ sáng đã mở mắt, trước cả mặt trời. Nằm trằn trọc ngó trần nhà thế mà ra thơ. Thơ bình minh nên thơ có hồn chăng?

Và ở chặng đường cuối đời, thường thường ai cũng nghĩ về cái chuyến ra đi cuối cùng. Song Thao có khai thác đề tài này.Tôi bê ra cái kết luận của bài Sống, Chết:

Về với đất là kết thúc một chu trình làm người. Có sinh có tử. Lẽ thường! Cát bụi rồi sẽ trở về với cát bụi. Trừ có một người không chịu như vậy: ông Luân Hoán.
“Không từ đất sao phải về với đất
Thịt xương này không thể mất khơi khơi
Khi tôi chết xin đem giùm thi thể
Chia cho thù lẫn bạn nhậu chơi.”
Hừm! Lại thêm một anh đồ gàn!

(Song Thao - Sống Chết, Nắng Mới số 21 tháng 6-1993)

Thưa nhà văn Song Thao, Tôi có phần khách sáo, nhưng cần phải vậy. Chúng ta là bạn của nhau là một việc. Nhưng chuyện trích bài viết của bạn, thiếu đầu, hụt đuôi có thể phá hỏng một số công trình sáng tác của bạn. Chẳng ai có thể ngắm một ngón tay để thấy một con người. Nhưng mong ông bạn vàng của chúng tôi (tôi và Luân Hoán) thông cảm, lượng thứ.

Lưu Nguyễn