Trần Huy Bích:
Song Thao, nhớ lại những ngày Chu-Văn-An

Luân Hoán:
Song Thao, người bạn văn, biết sớm, gặp muộn

Phiếm

Tiễn

Hú Hồn Vì Tính Thày Lay

Song Thao

Luân Hoán

Viết về Song Thao

Hà Thúc Sinh:
Nghe Song Thao kể chuyện

Hoàng Ngọc Hiến:
Đọc văn học hải ngoại

Nguyễn Đình Toàn:
Song Thao - Bên Lưng Những Con Chữ

Đọc PHIẾM của Song Thao

Nguyễn Mộng Giác:
Bài tựa tập truyện: Chân Mang Giầy số 6

Giữa người viết

Hồ Đình Nghiêm:
Montréal và Bỏ Chốn Mù Sương

Hai Mươi

Nhiều tác giả:
Chùm thơ kỷ niệm

Phạm Phú Minh
Đọc "PHIẾM" của Song Thao

Lưu Nguyễn
Luân Hoán trong chuyện PHIẾM của nhà văn Song Thao

Du Tử Lê
PHIẾM của Song Thao

Song Thao, phiếm

"Phiếm chủ" Song Thao với "Phiếm 15"

"Phiếm... chủ" Song Thao chuẩn bị đường gươm…Phiếm, mới

Hoàng Xuân Sơn
Đọc PHIẾM

Mượn vài ý của Song Thao...

Song Thao - Chùm trái cấm nửa vời

Trà Lũ
Tôi đọc sách PHIẾM của Song Thao

Phạm Xuân Đài
Đọc Chốn Cũ của Song Thao

Lương Thư Trung
Vài ghi nhận về PHIẾM của Song Thao

Lá thư văn nghệ gởi nhà văn Song Thao

Bắc Phong:
PHIẾM Song Thao

Lan man của PHIẾM

Nguyễn Vy Khanh:
Những chốn cũ của Song Thao

Lê Hân:
Chờ Song Thao

Đôi dòng kỷ niệm có với nhà văn Song Thao

Đinh Cường:
Một chữ

Đặng Thơ Thơ:
Đoc "Bên Lưng Những Con Chữ"

Phan Ni Tấn:
Một chút với nhà văn Phiếm: Song Thao

Minh Ngọc:
"Thời Nay" và tuổi thơ của tôi

New York dưới dấu chân lang bạt của Song Thao

Hoàng Quân:
Ông Anh

Minh Đạo Đoàn Vinh:

Song Thao - Truyện Phiếm Du

Nguyễn Dạ Quỳnh:

Tản mạn với chú Song Thao

Nguyễn Hoàng Quân:

Song Thao, Thời Nay và Đà Lạt

Orchid Lamquynh:

Viết vu vơ về chú Song Thao

Phạm Hiền Mây:

Viết về một người viết Phiếm

Quan Dương:

Với nhà văn Song Thao

Trang Châu:

Hai Thằng tuổi cọp

Trúc Lan:

Gởi nhà văn Phiếm chủ Song Thao

Trần Thị Nguyệt Mai:

Vua Phiếm

Trần Vấn Lệ:

Song Thao, một kỳ quan

Trần Yên Hoà:

Song Thao, vua Phiếm...

Võ Kỳ Điền:

Vài nhận xét thế giới văn chương của Song Thao

SONG THAO
TRUYỆN PHIẾM DU

 

Lần đầu tiên gặp anh, Hà Túc Đạo giới thiệu: Song Thao Thời Nay! Tôi ngước nhìn ông bạn mới, anh cao dáng người mảnh, thanh, ngược lại với Hà Túc Đạo thấp và đậm người. Song Thao cười đưa tay ra bắt, cái xiết tay ấm áp chân thành. Tôi nói có đọc anh, Sông Thao trên Thời Nay! Anh đáp: Song Thao! Tôi xin lỗi phát âm sai bị ám bởi “Du kích Sông Thao” của Đỗ Nhuận; thực tình tôi chưa hiểu hết nghĩa bút danh của anh! Anh cười Hà Túc Đạo có nói về “ông”, “Khô Vinh”! Khi nhắc đến cái tên đùa trong bè bạn, anh cười thoải mái, cái cười không chỉ là hàm răng khỏe mở rộng với chút kềm chế và cả cặp mắt to hơi lộ nheo lại. Có một chút gì trào lộng, khoái hoạt cái phong thái dễ gây thiện cảm.

Đó là khởi đầu quen biết giữa nhóm chúng tôi kéo dài đến nay có lẽ hơn năm thập kỷ.  Phần lớn bè bạn khi nói về anh đều gọi bằng bút danh Song Thao, đến quên cả cái tên cúng cơm của “tiền bối” Tạ Trung Sơn, nếu không có những thiệp chúc Tết hay Giáng sinh in sẵn tiêu đề!  Gọi đàn anh thì có vẻ giang hồ quá, nhưng thực tế cả về tuổi tác, kiến thức anh đích thực là tiền bối của tôi! Có lẽ những bài viết, tác phẩm của anh giúp tôi cảm nhận tầm vóc ấy. Anh là dân Hà Nội, học tại trường Dũng Lạc. Hà Nội theo tôi biết có hai trường đạo lớn, một là Dũng Lạc ở Nhà Thờ Lớn và trường Puginier thuộc dòng Lasan. Anh học trường đạo cho đến khi di cư vào Nam thì vào học Chu Văn An, hậu thân Trường Bưởi và Văn Khoa Sài Gòn; tôi có dính năm cuối học Chu Văn An và năm đầu ghi Văn Khoa Sài Gòn nhưng tình hình Sài Gòn lúc đó quá lộn xộn nên bỏ lên Đà Lạt học. Nếu nói là đồng môn với anh thì hơi quá “bắt quàng” vì đâu bằng vai bằng lứa; so tuổi tác cách nhau khá xa như thầy trò, khi tôi vào học thì anh đã ra trường mất tăm!  Cố gợi lại chút truyền thống của mấy ngôi trường này để hiểu và cảm nhận chút phong cách, cá tính trong đời sống cũng như đời văn của anh.

Hà Túc Đạo giới thiệu tôi với anh là bạn cùng học với tôi từ nhỏ. Năm đó là năm cuối sưu khảo Chính Trị Kinh Doanh, khoa Báo Chí Đại Học Đà Lạt nên Đạo về Sài gòn thực tập tại báo Thời Nay và làm tiểu luận ra trường dưới sự hướng dẫn của Giám đốc báo, thầy Nguyễn Văn Thái. Anh nhà báo Hà Túc Đạo này không biết Tam Thánh của chàng là tài nghệ gì? Cái đa tài không rõ lắm, nhưng đa tình thì bạn bè đều biết! Chàng ra trường làm việc ở Sài Gòn, cô bạn gái vẫn còn học trên Khoa Học Đà Lạt, nên chàng không cách chi an tâm và Song Thao mượn lời nhân vật chính trong Bỏ Chốn Mù Sương kể: ““Hoàng tốt nghiệp Chính Trị Kinh Doanh năm ngoái rồi về Saigon làm báo. Nhờ cần cù, xốc vác và xông xáo anh đã sớm có chút tên tuổi trong làng báo Thủ Đô. Tiền vắt tim vắt óc kiếm được anh dùng để nuôi hãng máy bay Air Vietnam. Hãng Air Vietnam được cái diễm phúc như vậy cũng là nhờ...Việt Cộng. Số là Hoàng ở Saigon nhưng lại có cô bồ đang học ở Viện Đại Học Đà Lạt. Cái thỏi nam châm khả ái này kéo anh xuôi ngược Saigon Đà Lạt như một con thoi hạnh phúc. Đang yêu đương nồng nàn như vậy mà lại bị mấy anh mã tấu chặn đường kéo vô rừng thì mất vui đi nên Hoàng cứ đều đều góp tiền cho Air Vietnam mua thêm máy bay phản lực”.

Vậy mà vẫn chưa yên thân, không hiểu Song Thao có biết không, Hà Túc Đạo tránh trời vẫn không khỏi nắng! Không bị Việt Cộng điểm mặt thì bị quốc gia xách tay! Hắn kể cho tôi biết lần đó vừa xuống máy bay đã bị công an an ninh phi trường còng dẫn vào phòng điều tra vì bị nghi là Việt Cộng! Thẩm vấn hỏi anh có phải là Hoàng Phủ Ngọc Phan không? Oan ơi chỉ vì tên căn cước Hà Túc Đạo là Hoàng Ngọc Phan!

Lại nói, cái lối viết u mặc (humorous) của Song Thao không chỉ tếu trên báo mà lan cả  ngoài đời, giữa bạn bè gặp nhau là y như cái chợ, mạnh ai người nấy lây tính giễu cợt rất Chu Văn An của Song Thao. Còn Hà Túc Đạo họ Hoàng này gia đình sống bên Lào, bố là đại diện Việt kiều ở Lào! Nên ông Song Thao tặng ngay cho họ Hoàng cái tên rất ư kênh kiệu “Hoàng thân Lèo”! Mà cũng phải trong khi bọn “gia tư thường thường bậc trung” như chúng tôi với Movado, hộp quẹt Zippo thì chàng máng lên tay cái Rolex và châm thuốc bằng hộp quẹt Dupont! Thân tình lắm tôi mới nói: “Mày mang ba thứ của nợ ấy làm gì?”.  “Để khi cần,..cầm có giá!”. Cũng phải, ông bạn tôi trọ học mà gia đình ở xa.

Từ đó mỗi lần Hà Túc Đạo đi chơi với đào về, ôi thôi lắm chuyện lắm. Cứ ba ngày nắng bốn ngày mưa không biết đâu mà lường! Có lúc về cười toe, có khi mặt như cái mền, ném cái mũ xuống bàn như ném một con bài binh lủng! Những lúc đó Song Thao ổng đâu có tha, quơ tay kêu gọi “Anh em mau lên, Hoàng thân họp báo!” Hà Túc Đạo đến dở khóc dở cười.

Mối giao tình của bạn bè qua Hà Túc Đạo với Song Thao thêm gắn bó vì báo Thời Nay có vài anh em như Nguyển Hoàng Quân và tôi cũng đóng góp bài cho báo. Tưởng đâu nhà báo Song Thao chỉ dự họp báo với Hoàng thân Lèo như chuyến du lịch Đà Lạt không dè tiền bối cũng bị cuốn hút vào cuộc vui do Hoàng thân sắp xếp khiến những cuộc đi về giữa trung nguyên lên cao nguyên của hai vị đều đặn như tàu con thoi, chẳng ai thua ai; mãi sau tôi mới biết nguồn cơn! Những sắp xếp trong tình trường cũng hệt như những cuộc đi đêm trong chính trường. Nhân vật nữ trong Bỏ Chốn Mù Sương thuật lại: “Tôi hai mươi tuổi. Da tôi trắng ngần mượt mà mát dịu. Khí hậu miền núi tặng cho tôi đôi gò má hồng hào khỏe mạnh. Môi tôi như cánh hoa đào. Hai hàng răng trắng đứng xếp hàng thẳng tắp đều đặn. Nụ cười của tôi tươi trẻ thanh xuân rạng rỡ như ánh bình minh. Đó là nhận xét của chị Bích. Và chị cho nhan sắc tôi số điểm ngất ngưởng "mười phân vẹn mười"….“Tiếng Hoàng năn nỉ trong điện thoại: “Sao bà khó thế? Có ai đâu? Chỉ có mấy cô đàn em cũng dân Nha Trang mình vừa chân ướt chân ráo lên nhập Viện cần bà chỉ dẫn cho bước đầu. Có thêm vài ông bạn tôi ở Saigon lên chơi ngắm cảnh coi người xứ hoa anh đào cũng cần bà chỉ dẫn cho...đàn anh đang lạ nước lạ cái”.

Vẽ đường cho hươu chạy là thế đấy! Lúc ấy chắc đàn anh thấy em út ong bướm đến sốt ruột. Dẫu lấy cái tên Song Thao ra mà bàn, thằng bạn sính chữ góp ý, chữ Thao Hối như Thao quang dưỡng hối, che dấu nỗi lòng, dễ gì mấy ai giữ được! Tiền bối cũng chỉ “Dĩ lạc thao ưu” Dùng cái vui giấu cái ưu tư khi người ta vướng vào bất cứ cuộc tình nào, dù tôi chẳng chút nghi ngờ năng lực đàn anh. Với tài du thuyết, du tình của người, cuốn tiểu thuyết ngôn tình ấy tất ắt đắt giá, đúng y như rằng, chẳng bao lâu giai nhân xiêu lòng theo chàng mà “bỏ chốn mù sương” về nơi nắng ấm:

Giấc ngủ miền xa ôm trời núi dựng
Bên rừng nhớ nắng trung nguyên
(Kim Tuấn).

Câu chuyện happy ending với hồi kết: “Những ngày trống vắng sau đó đã đưa tôi tới một quyết định: tôi phải về nơi đáng lẽ tôi phải có mặt. Còn một năm chót tôi sẽ về học ở Saigon. Tôi viết thư cho bà chị ngỏ ý muốn về trọ học. Tôi âm thầm tiến hành thủ tục ghi danh. Tôi báo tin cho Trung. Tôi thu xếp mọi việc một cách gọn gàng thuần thục như được soi sáng bằng một mặc khải nào đó. Hình như vạt nắng thắp sáng trên mắt Trung ngày nào trên thác Cam Ly cứ quẩn quanh trong tâm trí tôi. Và tôi thấy dâng lên trong tôi một niềm tin mãnh liệt. Ngày rời học xá chân tôi nặng nề đổ xuống con đường dốc. Chiếc va ly trên tay hay nỗi lòng tôi ngổn ngang trăm mối đã làm trì trệ đôi chân tội nghiệp. Xuống hết con dốc tôi đặt va ly xuống đất quay người nhìn lại. Những khóm hoa muôn màu ngoài sân, ngôi nhà thân thương im lìm dưới nắng chiều và chiếc cửa sổ phòng tôi, tất cả như quá vô tình với tôi. Tôi chẳng biết mình vui hay buồn. Tôi quay lưng bước đi để lại học xá ở phía sau.”

Cuộc thành hôn của Song Thao và Diệu Hương là khởi đầu cho những chân trời hạnh phúc. Có dịp nào tôi đến thăm anh chị, không quên được cảnh đầm ấm gia đình những đứa con trai gái hồn nhiên trong sáng như thiên thần, kết một cuộc tình được ươm lên trong một thành phố thơ mộng, của cỏ hoa, của những dấu tích kỷ niệm. Xin gửi anh chị một khúc tình ca gợi lại đôi hình ảnh các cuộc tình sinh viên thủa nào:

Đà Lạt diệu vợi cỏ hoa
Ngày trở về soi từng kỷ niệm
Căn nhà gỗ cửa sổ tường rêu
Tử đinh hương rải phấn
Hãy đổ đầy chúng tôi
Bằng hương da đào hoa của các em
Tuôn ra từ các giảng đường
Sũng đầy ký ức ngày mưa
Chiếc dù che chung niềm bí mật
Nụ hôn
Kính mừng các em xóm học
Đã dâng đầy hạnh phúc chúng tôi
Anh đào trở lại
Các em cũng trở lại với Xuân thì
Trên các lối đi
Forget me not
Học xá đồi hoa lối về
Pensée
Cửa sổ phòng em
Muguet
Hãy đánh thức em những hoa chuông nhỏ hò hẹn trữ tình
Những tờ thơ trao nhau đều như giảng khóa
Câu hát buổi chiều xuống phố
Thơm hàng quán vỉa hè
Tiếng dương cầm ngõ đêm
Chopin Nocturne
Hoài niệm nao nao.
Marguerite cánh sao phủ cuối tường
Mặt hồ màu nắng xa xăm hồn nhiên trắng xóa…
(Đoàn Minh Đạo).

1
Minh Đạo Đoàn Vinh – Song Thao – Hà Túc Đạo.

Nếu nói mỗi người sinh ra đời đều dưới một ngôi sao bản mệnh thì ngôi sao của Song Thao khá lấp lánh. Tiểu hay đại đăng khoa đều thuận lợi. Lúc đó đường công danh hoạn lộ của chàng đúng thời tấn phát. Mới thành hôn xong vợ chồng chàng đã được ông bà cụ chia cho một căn nhà khang trang, trong khuôn viên xây nhiều căn cho các con có thể sống quây quân với nhau như một tiểu gia trang bên Thị Nghè. Dịp đến thăm anh chị và thán phục các cụ thân anh đã chu đáo sửa soạn cho con cháu; cần nhất phải ổn định cuộc sống, trong tinh thần người xưa: Tri chỉ nhi hậu hữu định! Trước tiên phải có nơi sống chắc chắn. Nếu đọc truyện Song Thao viết thì mới hiểu đây là cơ ngơi thứ hai, cái đầu là ở Hà Nội phố Trần Xuân Soạn cũng lớn không kém đã bỏ lại để di cư vào Nam 54! Ở Hà Nội tòa nhà nhiều tầng với nhiều phòng ốc sau này được phân cho mười hộ gia đình cán bộ ở. Khi anh thăm lại mọi thứ đều xuống cấp, hư hỏng thảm hại. Trong “Chốn Cũ” anh nhắc lại những kỷ niệm Hà Nội  từ phố xá, trường học với những hoài niệm niên thiếu, những nuối tiếc day dứt, xót xa của tuổi 15-16 mà tôi nghĩ với Song Thao những ngày vào Nam chắc hẳn có nhiều dịp ký ức Hà Nội trở về, giữa những ngày Sài gòn se lạnh tưởng đâu cái rét nàng Bân xưa làm xao động tâm hồn, như một hoài cảm thắt tim!

Nay người tìm về cố quận lòng mang nặng nhớ thương từng góc phố, con đường, mảng tường, mái cũ, vỉa hè nay đã thành chợ vải: “Đất thánh của tuổi thơ tôi. Mắt tôi hoa lên vì tức. Người ta đã ăn cắp vỉa hè của tôi. Tôi ngậm ngùi trước nhà cũ. Ngót nửa thế kỷ lưu lạc, tôi mới trở về. Tôi có phải khóc không nhỉ? Mắt tôi khô đi vì xúc động. Tôi đứng lặng người. Hình ảnh những ngày cũ quay mòng trong chiếc đầu đã hai thứ tóc, những sợi tóc bạc mầu nhung nhớ nằm lấn lướt những sợi tóc ngày xanh.”

Một Hà Nội lầm than, lạc hết phong cách, dù xưa kia giấy rách vẫn phải giữ lấy lề. Khi cái hạ tầng nhếch nhác ấy nắm đầu cái thượng tầng; khi cuộc cách mạng thứ nhất vừa qua đang lăm le xốc tới ván nhì, xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa thì chỉ thấy đổ nát chưa biết về đâu! Vì thực tế bày ra: “Chắc đã lâu, tòa nhà không biết mùi vôi vữa gì. Hai tấm hoa văn trắng chạy dọc từ trên xuống lấy gió và ánh sáng cho cầu thang nay đen đủi thảm hại. Chấn song sắt trên các cửa sổ nhìn ra đường vẫn là chấn song xưa nay đã bị thời gian gậm nhấm lồi lõm. Những cánh cửa vênh váo, sứt mẻ, tróc sơn không biết có còn đóng kín lại được không? Phương đứng bên tôi, ngắm tòa nhà, giọng e dè. “Nhà anh đấy hả?’’. Tôi gật đầu không nói gì. Phương dựa tay lên vai tôi, ghé sát tai nói nhỏ.“ Anh là con địa chủ!’’

Câu nói vô tình khiến cố gắng chắp nối với quá khứ của nhà văn bỗng bị khựng lại. Dòng hồi niệm hiện ngay những biến cố lịch sử nửa thế kỷ tưởng đã  qua đi như cơn ác mộng, nhưng bỗng hiện về đè nặng trên vai; nào kháng chiến, chiến tranh Quốc Cộng, cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, Mậu thân, 30 tháng Tư, cải tạo, vượt biên…một vòng lich sử tàn nhẫn, khốc liệt, vô lý… người ta gán cho nhau những tên gọi vô nghĩa để đàn áp, tiêu diệt, để khủng bố, để thuần hóa lớp người bị trị! Chung kết là một giai cấp bóc lột mới hình thành: Cộng sản! Chắc những ý nghĩ này vụt hiện trong đầu nhà văn khi nghe câu: “Anh là con địa chủ!’’. Không lẽ bài học cải cách ruộng đất phi nhân còn ảnh hưởng truyền đời? Nhưng cái tâm lành của anh luôn nhìn thấy mặt sáng và tìm được lý do để cảm thông: “Tôi quay phắt người lại. Phương buông tay khỏi vai tôi, đứng sững. Tôi nhìn chằm chặp vào mặt Phương. Khi chiến tranh kết thúc, Phương còn chưa tượng hình trong bụng mẹ. Em học ở đâu được cái danh từ tưởng đã phải bị chôn vùi với thời gian từ lâu rồi. Mắt tôi chắc lạ lắm. Tôi thấy vẻ sửng sốt trên mặt Phương. Khắp người tôi ớn lạnh trước giọng nói nhởn nhơ của em. Mặt Phương bỗng giãn ra. Miệng em nhếch lên bày ra một nụ cười bằng hai hàm răng muốt mát. Cũng may! Phương có nụ cười hiền, thật hiền.”

Song Thao với Nguyễn Đình Toàn có thể nói là đồng trang lứa. Di cư 54 anh 16, Nguyễn Đình Toàn 18. Nhưng sự cách biệt nhỏ ấy lại cho ta hai nét hoài niệm về “chốn cũ” khác nhau. Tuổi trẻ đầu đời mỗi năm thân xác và tâm hổn đổi thay rất lớn. So ký ức 8 tuổi của tôi về Hà Nội thì chỉ đầy những trò nghịch ngợm! Trong “Áo mơ phai” của Nguyễn Đình Toàn tìm lại quá khứ qua hình ảnh được Xuân Diệu lãng mạn hóa “Đây mùa Thu tới, mùa Thu tới/ Với áo mơ phai dệt lá vàng”, hồi niệm trên trang văn người thanh niên Hà Nội ấy nhuốm đậm ưu tư, nỗi sầu mộng của những cuộc tình chia ly Nam Bắc. Nhà văn họ Nguyễn mô tả: “Cái màu xanh của lá sẫm lại trong mùa Thu kéo dài sang mùa Đông, bao giờ cũng làm cho Hà Nội có một vẻ xanh xao ủ ê”. Ủ ê ấy chính là sầu muộn trong lòng kẻ tha phương. Nhưng Hà Nội sau 50 năm trở lại trong mắt Song Thao nó thực tế hơn, nó phũ phàng hơn, dẫu vậy những nét thân thương của “đường xưa lối cũ” tha thiết ấy mấy ai đã chối bỏ được: “Tôi vẫn nhận ra cái ngã tư này. Hàng cây xanh trên đường Ngô Thời Nhiệm vẫn đứng như vậy chờ tôi từ nửa thế kỷ trước. Từ con đường Trần Xuân Soạn chạy ngang trước cửa nhà tôi quẹo trái là những bóng cây lực lưỡng hơn, nơi những chú ve sầu họp nhau lại kêu ra rả suốt mùa hè. Bây giờ đang mùa đông, ve sầu vắng bóng. Những con sâu tiền thân của ve chắc còn đang nằm im lìm dưới lòng đất chờ tới đầu mùa hè sẽ nhích dần lên gốc cây để hóa thân”.

Miền đất chỉ sống động khi nó được nối kết với hồn người. Sợi dây ràng buộc mong manh ấy có thể chỉ là những rung động của mối tình “chanh cốm” khi xưa Hà Nội.  “Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba / Tôi phải van lơn ngoan nhé, đừng ngờ.” (Nguyên Sa). Khói sương cuộc tình ấy nằm trong vùng mây ký ức, bỗng trở về thì đã thành  “Tình già” hơn của Phan Khôi, âu là : “Năm mươi năm sau, tìm về đất cũ gặp nhau: Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được? Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi, con mắt còn có đuôi.”

Câu chuyện tâm tinh nhẹ nhàng qua ngòi bút của nhà văn Song Thao mà tôi rất yêu, rất xúc động được kết thúc như sau: “Tôi muốn hỏi cô Chuyên?”. Mắt Chuyên nheo lại. “Cô Chuyên?”. “Vâng! Cô ấy khoảng mười ba tuổi”. “Làm gì có cô Chuyên nào ở đây! Ông có nhầm nhà không vậy?”. “Không. Tôi không nghĩ là tôi nhầm. Tôi ở xa về, mới hỏi thăm nơi nhà cũ của cô ấy và được người em cho địa chỉ ở đây.” Chuyên run lên.
“ Anh Ngạn phải không?”

Bao chuyện xưa như thước phim cũ tái hiện:
“Chuyên cười. “Bố em dữ, em biết. Nhưng tưởng chỉ dữ với tụi em thôi chứ. Ai ngờ ông còn dữ cả với anh nữa.” Tôi vẫn chưa ngưng được cuộc chơi. “ Chắc tại em khai anh ra nên ông ấy đuổi anh chạy xa như vậy cho chắc ăn!” Chuyên luồn ra phía sau, ôm cứng lấy tôi, thì thào bên tai. “Vậy thì em phải giữ anh cho chắc. Ngày xưa em cũng đã giữ anh như vậy nhưng anh vẫn gỡ vòng tay em chạy mất. Em còn nhớ vòng tay xưa của em không?”. Ngày xưa, Chuyên cũng ôm sát lưng tôi, đôi tay ngắn cố nối thành vòng, giọng nồng nàn. Em cầu trời cho ngực em mau lớn để em lấy anh! Tôi đứng như trời trồng. Gió bên bờ đê lồng lộng thổi bên tai. Vòng tay Chuyên chặt chịa. Ngực Chuyên giờ tràn đầy sau lưng”.

Lần này Song Thao nhắn Nguyễn Hoàng Quân và tôi Tạp chí Ngôn Ngữ sắp ra số đặc biệt về anh, anh muốn có bài của anh em chúng tôi, những người từng cộng tác với Thời Nay xưa! Nhóm này coi lại đếm không hết bàn tay. Nhất là những người khai phá như anh hầu như không còn mấy ai! Hai anh em chúng tôi lớp trẻ đến với Thời Nay muộn màng nhất nên còn lại! Trả lời phỏng vấn với Lê Bảo Hoàng, giờ đây Song Thao là người có đủ tín dụng nhất nói về một tờ tạp chí đã có mặt trên thị trường sách báo Sài Gòn trước đây 65 năm: “Tôi tới với Thời Nay ngay từ những số đầu khi còn là sinh viên Văn Khoa và viết cho Thời Nay tới số cuối cùng. Trong năm học, tôi viết bài ở nhà và gửi tới tòa báo. Mỗi kỳ hè, tôi tới tỏa soạn ngồi viết thường xuyên. Có số tôi viết tới bảy, tám bài dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Những bút hiệu tới ngày nay tôi còn nhớ được là: Sơn Nhân, Tạ Sương Phụng, Phượng Uyển và, dĩ nhiên, Song Thao! Khi nhà thơ Hoài Thương nhập ngũ thì tôi thay anh phụ trách việc chọn thơ đăng báo. Những cộng tác viên của Thời Nay ngày xưa, tôi còn liên lạc được với một số như Hoàng Hà, tức Bác Sĩ Hoàng Bính Tý, hiện cư ngụ tại Úc; Minh Đức Hoài Trinh hiện sống ở Hoa Kỳ; Hà Túc Đạo hiện ở Sài Gòn; Thiên Ân cũng còn ở Sài Gòn; Đông Quân ở Hoa Kỳ. Tổng Thư Ký Khánh Giang đã mất vào tháng 2 năm 2003 tại Sài Gòn, Hoài Thương cũng đã mất. Ông Giám Đốc Nguyễn Văn Thái hiện vẫn còn ở Sài Gòn”.

Cuộc phỏng vấn trên là vào ngày 11/7/2006, thì những người nêu danh hầu như đã ra đi! Chắc chỉ còn Hoàng Hà ở Úc theo tôi biết. Ký ức đẹp về Thời Nay mà mỗi người không khỏi tiếc nuối. Cái không khí tòa báo bình an, thân thiện như một gia đình. Tờ Thời Nay mượn hình thức, khuôn khổ các tạp chí ngoại quốc như Reader’s Digest của Mỹ hay Constellation - Le  monde vu en français của Pháp và Thời Nay - Thế giới dưới mắt người Việt! Mục tiêu đem đến những kiến thức hiện đại phổ thông và đại chúng cũng như những tiết mục văn học, giải trí tầm cỡ đã giúp tờ báo định hình qua 15 sinh hoạt phục vụ độc giả cho tới 30/4/1975! Trong bài báo kỷ niệm 10 năm, Thẩm Dương còn kể đến nhiều khuôn mặt, tác giả đã từng cộng tác với Thời Nay : “Mười năm Thời Nay không quên những Trần Nhã, Đoàn Bích, Trần Thọ, trong những số đầu rồi kế đến những Song Thao, Đoàn Văn Lập, Hoài Thương, Diệu Liên, Phạm Ánh Dương. Đó là những người vắng mặt mang ít nhiều kỷ niệm, có lẽ là kỷ niệm của “thủa ban đầu”  (Thẩm Dương, Về Với Thời Nay.)


2

Vì phải đi dạy học xa và sau này đi lính; thuộc lớp cuối cùng nên tôi ít có dịp  tiếp xúc với anh em viết bài cho báo, may ra kỳ hè hoặc mãn khóa về Sài Gòn có dịp gặp gỡ thân tình với vài người. Trên đây tôi đã lướt qua một chút giao tình với Song Thao, tôi còn trở lại với anh. Tòa báo Thời Nay là một căn nhà phố đường Phạm Ngũ Lão. Bước vào bên phải ngay cửa là bàn của Cô Ca thủ quỹ và phía trong là phòng in ấn, tôi nhớ có một máy in Offset Heidelberg KORS hay KORD gì đó tôi không rõ, vì thường đi vào là leo cầu thang lên căn gác lửng có bàn làm việc của Khánh Giang, thư ký tòa soạn và phòng phía trong là nơi làm việc của ông Giám đốc Nguyễn Văn Thái. Song Thao viết: “Rồi bài được chọn đăng. Rồi giáp mặt với Khánh Giang”! Có lẽ cái thủa ban đầu với Thời Nay ai cũng qua cánh cửa đó. Cảm tưởng lần đầu gặp gỡ của tôi với Khánh Giang rất thoải mái. Anh khá cao lớn so với tầm vóc chung, nước da mỏng trắng với khuôn mặt bầu bĩnh rất baby! Cung cách thân thiện, hào phóng kiểu công tử nhà giàu Nam kỳ, học trường Tây vừa học vừa ăn chơi tá lả! Anh là thư ký tòa soạn chăm sóc bài vở cũng là hồn của tờ báo, góp công tạo nét riêng và lớp đọc giả riêng cho tờ báo.

Chủ nhân tạp chí ông Nguyễn Văn Thái là người chừng mực, tổ chức rất giỏi. Tâm nguyện ông làm báo chí không chỉ là kinh doanh.  Thời Nay với số phát hành mười ngàn mỗi kỳ là một thành tích quán quân lúc đó, những ảnh hưởng đưa đến chủ trương đặt nặng kiến thức, giáo dục. Nhớ một lần ông gọi tôi vào phòng và đưa cho tôi mấy quyển sách như The living philosophy, How shall we live hay đại loại như cuốn khá phổ biến The important of living của Lâm Ngữ Đường bảo tôi thử theo lối viết đó để viết một loạt bài về ý thức sống và mục đích hành động đối với người trẻ. Tôi thưa, thầy ơi em sợ không viết nổi vì kinh nghiệm và kiến thức chưa đủ. Ông khích lệ, cuối cùng tôi cũng ráng. (Tôi quen gọi ông là thầy theo bạn tôi là Hà Túc Đạo, mỗi lần đi ăn uống, cà phê cùng ông khi ông lên dạy ở Đà Lạt.) .

3
Từ trái sang phải: Song Thao, Nguyễn Văn Thái (đã mất ngày 31/8/2017), Khánh Giang (đã mất vào tháng 2/2003), Nguyễn Hoàng Quân, Hà Túc Đạo (đã mất ngày 24/11/2020), Thiên Ân - (Saigon, 2/2003)

Trở lại với người lo bài vở ở Thời Nay là Sáu Khoa, Song Thao viết về bạn cũ: “Tôi không nhớ rõ lần đầu tiên gặp Khánh Giang, chúng tôi đã nói với nhau những gì. Tôi chỉ mường tượng được một vài điệu bộ, cử chỉ và lối nói của anh. Trước ly rượu (Khánh Giang bao giờ cũng phải có rượu) anh cân nhắc câu nói và như khó diễn tả những ý tưởng của mình. Những lúc đó anh thường nhờ vả đến đôi tay khua thành nhiều vòng trong không khí. Trong đời tôi, tuy đã nhiều lần tức bực vì sự kém trí nhớ của mình, bây giờ cũng vậy, tôi không thể nào mường tượng được “sắc đẹp” của Khánh Giang hồi đó. Nhưng có một điều chắc là từ đó tới giờ Khánh Giang đã khác xa. Anh sống một ngày bằng một năm, một năm bằng một đời. … Nếu Khánh Giang có một tiểu sử thì tiểu sử đó phải có rất nhiều chữ đại loại như “rượu, nhậu, nhảy, OK, té”. Và người ta có thể nhìn lối sống của anh trên chiếc xe Vespa EB của anh. Nó hư máy, cong lá chắn, bể lốp, móp méo, vỡ đèn… Dĩ nhiên những “hiện tượng” này không phải không liên quan tới những ly rượu và những cái té. Người buồn nhất vì những cái té đó lại không phải là Khánh Giang mà là ông Giám đốc! Mỗi cái té, đối với ông Giám đốc, là một ngày không có mặt Khánh Giang trong tòa soạn, một ngày anh Ba Dân – sếp thợ chữ - nhăn nhó, gãi đầu gãi tai đòi bài, một ngày báo ra trễ. Báo ra trễ là điều lo sợ nhất của ông”.

Song Thao  kể về những kinh nghiệm mưa nắng bất thường của Khánh Giang .  Và tôi gặp anh thường là kỳ hè. Khi thì anh đang vui vẻ bia bọt một bàn.  Có lúc thấy anh đang bận tíu tít trong tòa soạn. Nhưng không sao chỉ dăm phút là anh xong việc! Có bữa thấy anh gạch chỗ nọ xóa chỗ kia, xé dăm trang kẹp lại…nhớ lại trước đây có thời tôi là độc giả ái mộ và trung thành với những sáng tác của Khánh Giang, rất hấp dẫn dễ thương, chỉ tiếc nhiều khi chuyện đang đến hồi gay cấn … bỗng ngưng, hồi đó đâu có biết ai để hỏi! Sau này làm việc với anh, tôi thấy ít có người đặt đề tựa cũng như làm “chapeau” lời mào đầu cho một bài báo khi dí dỏm lúc sâu sắc hay được như anh! Tôi có lần thầm cám ơn nhờ anh bài viết của tôi thành trong sáng, quyến rũ hơn nhiều ! Nhớ một hôm đến định rủ anh bia bọt lai rai, rồi ngần ngại thấy anh đang mắc công chuyện tính đi ra, anh bảo chờ chút làm xong cái quảng cáo. Anh nói một cái quảng cáo dầu gội đầu thôi, nhanh lắm. Tôi thấy sản phẩm của Lanson nên bật miệng đọc: “Tóc mai sợi vắn sợi dài / Lanson em gội thương hoài ngàn năm!”.

Anh bỏ bút xuống, đứng dậy nói câu cửa miệng thường ngày: Xong, thôi đi kiếm cái gì mát mát uống đi!

Nhậu với Khánh Giang mới thấy cái vui hào sảng. Bất cứ Martel, Rivalet gì cũng ly cối soda đá chế vừa đậm đưa lên mời anh em: Zô một cái cho nó mát. Thường thì đồ nhậu tươm tất, và bia rượu thoải mái. Thiếu thì ký ứng trước tiền bài nơi Cô Ca. Cô chẳng hơi đâu mà thắc mắc, có lẽ anh em đều có tín dụng! Mỗi cuộc gầy sòng mà Sáu Khoa chủ xị biến thiên khôn lường khó đoán, người đến kẻ đi. Những người bạn của anh rất đa dạng nhưng có một người anh đặc biệt quý mến, đó là nhà văn Nguyên Vũ, một sĩ quan tác chiến và là một tác giả ăn khách của Sài gòn lúc bấy giờ. Nguyên Vũ hẹn đến là Khánh Giang bồn chồn ra mặt. Cũng phải, có bằng hữu từ phương xa đến chẳng là vui lắm sao? Tuy chưa hẳn là tri âm tri kỷ, nhưng có lần Khánh Giang đang ngồi buồn nhổ râu thấy tôi bèn rủ kiếm cái gì uống cho nó mát, tôi gợi ý ra Ngã tư quốc tế kiếm cái lẩu đầu cá hấp. Hết la de đến rượu cũng trễ, bà bán dọn hàng đi về. Chưa đến chỉ, anh Sáu khều tôi về nhà nhậu tiếp. Chàng chạy vespa dẫn đường cũng dễ theo thẳng Trần Hưng Đạo gần Đồng khánh, quẹo vào căn nhà phố mặt tiền, nhìn vô tối thui không đèn đóm, gọi không người mở, lần túi không tìm thấy chìa khóa! Má con nó chắc sang ngoại! Ông để tui! Vậy là chàng đưa vai dựt vô cái rầm, hai cánh cửa xanh bung ra tức thì! Bước vào nhà trên bàn đã sẵn sàng một mâm cơm mở lồng bàn thấy nửa con gà, tô canh, đĩa xào… tối đó đúng uống xả láng sáng về sớm!

Ăn nhậu mỗi người một nết, lâu quá tôi không nhớ hết những người sơ giao, chỉ đóng gọn trong nhóm bốn người chúng tôi:  Hà Túc Đạo, còn ký tên Trang Cung một tên ký chung khi chúng tôi làm báo sinh viên. Côn Lôn Tam Thánh lả lướt bao nhiêu thì y lầm lỳ bấy nhiêu trong bàn rượu, y uống đằm và bền, ai tới đâu tôi tới đó. Vừa bập điếu thuốc tay trái vân vê cái hộp quẹt Dupont, nói năng chậm rãi như nhả chữ, hơi cúi đầu liếc nhìn người chung quanh như nhìn bài binh xì phé. Tôi cứ thắc mắc đi đứng như gấu sao hắn lại đào hoa vậy? Vợ tôi nói anh không thấy con mắt ổng đa tình lắm sao? Đàn bà thiệt rắc rối!

Hà Túc Đạo và tôi bạn bè từ nhỏ.  Không đồng ý nhau là nói thẳng chẳng bao giờ giận. Vui buồn có nhau. Có lần ngồi quán cà phê trên Đà Lạt, hắn lên gặp được, tay bắt mặt mừng, khi chia tay hắn hỏi mày còn tiền xài không, rồi rút ra 5.000 đồng bảo viết bài gửi không gấp. Chợt nghĩ Thời Nay chơi đẹp quá còn ứng trước, nhẩm tính ít ra phải viết hai bài trả nợ. Sau này mới biết hắn trúng độc đắc! Lần sau về Sài gòn hắn lái cái Citroen đưa tôi đi ăn. Tên này còn nhiều cú phát tài lớn khác nhưng số không giữ được của!

Ngược lại với họ Hoàng. Nguyễn Hoàng Quân cũng bạn tôi thời trung học. Nếu chọn người hiền trong bàn hay trong đời tôi sẽ chọn anh. Trong bàn anh ăn uống từ tốn, chưa bao giờ thấy anh say. Và theo mọi người, anh đẹp trai nhất trong đám bạn tôi và cũng là mẫu người tình thủy chung của quý bà, người chỉ thuộc có bài ca Only You! Anh thông minh, học giỏi, hiểu biết rộng.  Khi cùng học hai đứa đều thích đọc và cùng có tủ sách khá tốt. Tôi quý và học nơi anh cái suy nghĩ độc lập. Chẳng hạn nói anh thích Thượng Chi Văn Tập hơn Nhận Định! Và tôi không ngạc nhiên khi anh thích Doãn Quốc Sỹ. Có vẻ bảo thủ, dù còn là học sinh chúng tôi đọc đều các tác giả cả trong lẫn ngoài nước. Nên sau này rắn rết sinh ra chúng tôi ít chịu tác hại.  Anh thoát khỏi Việt Nam 30 tháng Tư 75.  Nhờ khi tập sự ở văn phòng Thủ lãnh Luật sư đoàn  Hồ Tri Châu anh có mối quan hệ với Luật sư đoàn Anh Quốc, anh được bảo trợ đến Anh làm việc, học tiếp và là Luật Sư cho chính phủ, một trong những luật sư Việt đầu tiên ở Anh, nay đã nghỉ hưu.

Trở về người đàn anh Song Thao của chúng tôi. Anh nặng như ngọn núi đứng giữa chúng tôi, Tạ Trung Sơn! Hồi đó anh giữ chức vụ chuyên môn trong Bộ Xã Hội, có nhiều chuyến xuất ngoại công vụ hay tu nghiệp. Đi nhiều cũng là điểm mạnh giúp anh có nhiều kiến thức, nhận định và hiểu biết xứ người là đề tài cho những du ký, hay chuyện phiếm vui trên báo. Nhìn cái Passport công vụ đóng đầy dấu quá cảnh hồi đó mà thèm.  Một lần trên bàn nhậu Khánh Giang cho biết Song Thao mới báo đến Tokyo và có mua một chai Sake, anh em chờ về tới Tân Sơn Nhất là đến ngay!   Anh em nhậu tiếp chờ, và Song Thao, người từ xứ mặt trời mọc trở về, tươi cười được nồng nhiệt chào đón bởi nhiều mặt trời trong bàn sắp lặn! Mọi người cầm chai Sake bàn nhau uống nóng hay lạnh đây?  That’s a question! Khánh Giang tiện tay cái ly trống bỏ cục đá rót gần đầy ly: Zô cái cho nó mát! Rồi anh em chuyền nhau mỗi nguời thử một chút để xem đồ Nhật khác với đồ nhà ra sao.

Song Thao quý và chân thành, tin cậy bạn bè, đó là cái thiên lương của anh. Từ cách sống đến cách viết, từ công việc đến giao du lúc nào cũng chừng mực. Thái độ lạc quan; giọng văn của anh không nghiêng về lối phúng thích, lối châm biếm, trào phúng mà theo tôi là lối văn u mặc (humour), thâm trầm, nhẹ nhàng, hóm hỉnh hơn, không nhắm đả kích, chỉ trích hay chế nhạo. Hướng tới đề cao xây dựng và hòa đồng. “Thực ra Phiếm không phải là một thể loại mới viết của tôi. Tôi đã viết phiếm trên Thời Nay ngày xưa ở Sài Gòn, trên Nắng Mới ở Montreal khoảng trên mười năm trước đây. Sở dĩ tôi viết phiếm trở lại bởi vì tôi…già! Khi có ý định về hưu, tôi sắp đặt cho tôi một chương trình làm việc thật bận rộn để tránh cái cảnh ra shopping mall ngồi nhìn ông đi qua bà đi lại. Vậy là tôi cứ ngày ngày ngồi gõ computer, giao du với cái anh mặt vuông, cho qua ngày. Không ngờ những bài phiếm dối già đó lại được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Tôi làm tới: cho in Phiếm1, rồi Phiếm2, và vừa hoàn tất Phiếm3. Ai ngờ già rồi vẫn còn duyên. Sách bán khá chạy. Phiếm1 hết, vừa tái bản lại. Phiếm2 cũng vừa hết. Hứng chí, tôi chơi luôn Phiếm3 và còn mon men làm thêm Phiếm4 nữa!’

Từ Truyện đến Phiếm những cuốn sách của anh mang tính lạc quan vui sống, và nếu được, cố sống đẹp với đời! Lối suy nghĩ tích cực ấy giúp anh đạt được những kết quả tốt và niềm vui ngoài mong ước. Tôi nhớ lần ở tù cải tạo về anh đến chơi nhà tôi hỏi tình hình ngoài này ra sao, tôi sống được không? Hỏi đến chuyện tình hình trong ngoài nước, tôi nói lâu nay tôi không quan tâm, hỏi chuyện gì tôi cũng không biết, tôi hờ hững, dửng dưng với xã hội này! Anh nói thế ông còn thua bọn chúng tôi trong tù, chúng tôi biết hết! Không những biết các anh còn đảo ngược tình thế bi quan thành tích cực lạc quan, để sống còn để tồn tại. Anh hát cho tôi nghe những bài hát như Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây mà các anh chế lời khôi hài, châm biếm đến khiến chúng tôi cùng bật cười.

Chuyện viết lách của anh cũng là một hiện tượng. Thị trường sách báo Việt ngữ ở đây nhỏ, mà cứ mỗi ngày một teo tóp lại. Báo giấy phải chuyển thành báo điện tử, còn sách số phát hành mỗi lúc một khiêm tốn hơn. Vậy mà Truyện, Phiếm của Song Thao vẫn bán được, vẫn phát hành mới đều đều. Hồi đó tôi thấy anh liên tục in sách hết Phiếm 1 lại 2, 3 đã đùa anh: “Bao giờ ông qua mặt Bầu Long đây?”, chẳng là bầu Long chủ gánh cải lương Kim Chung Tiếng chuông vàng thủ đô hồi đó làm ăn khấm khá, mở thêm hết đoàn này đến đoàn khác, đến Kim Chung 6 mới ngừng. Nay Song Thao đã qua mặt bầu Long tới năm lần, anh được tôn là Vua Phiếm. Anh đã tìm được tiếng nói chung của người đọc. Con người ta ai cũng mong được sống vui và hạnh phúc. Và tiếng cười là khởi đầu và là chấm dứt cho một câu chuyện hạnh phúc.

Tôi định phân tích , minh giải một số Truyện và Phiếm của nhà văn Song Thao nhưng thấy nếu cố gắng cũng chỉ là cỡi ngựa xem hoa, mà cái vườn hoa văn học ấy anh cần mẫn vun trồng mấy chục năm nay với tôi nó bao la ước lượng tới gần 12,000 trang sách! Chắc nếu muốn tôi phải dành cả đời.

Ông Vĩnh nói người Annam ta cái gì cũng cười, bớt cười lại vì nó thiếu nghiêm túc. Mấy chục năm trước tôi không chấp nhận và đã suy tôn bằng bài Cái Cười trên Thời Nay. Nhà văn Song Thao qua con đường văn học trong sáng, thái độ mẫu mực, anh hiểu hơn ai giá trị xã hội của tiếng cười, sự hữu ích của nó làm cho xã hội nhân văn hơn, hạnh phúc hơn. Gửi đến nhà văn một tư duy của triết gia Bergson trong tác phẩm Cái Cười  (Le Rire) như một lời chúc hoan lạc. “Tiếng cười có chức năng xã hội: Muốn hiểu tiếng cười, chúng ta phải đặt nó trở lại môi trường tự nhiên của nó, đó là xã hội, và trên hết, chúng ta phải xác định tính hữu ích của nó, đó là tính xã hội. Đó sẽ là ý tưởng chỉ đạo cho tất cả các cuộc thẩm tra của chúng tôi. Tiếng cười phải đáp ứng những yêu cầu nhất định của cuộc sống chung. Nó phải có một ý nghĩa xã hội” (Henri Bergson).

MINH ĐẠO ĐOÀN VINH
California 4/14/2023.