Trần Huy Bích:
Song Thao, nhớ lại những ngày Chu-Văn-An

Luân Hoán:
Song Thao, người bạn văn, biết sớm, gặp muộn

Phiếm

Tiễn

Hú Hồn Vì Tính Thày Lay

Song Thao

Luân Hoán

Viết về Song Thao

Hà Thúc Sinh:
Nghe Song Thao kể chuyện

Hoàng Ngọc Hiến:
Đọc văn học hải ngoại

Nguyễn Đình Toàn:
Song Thao - Bên Lưng Những Con Chữ

Đọc PHIẾM của Song Thao

Nguyễn Mộng Giác:
Bài tựa tập truyện: Chân Mang Giầy số 6

Giữa người viết

Hồ Đình Nghiêm:
Montréal và Bỏ Chốn Mù Sương

Hai Mươi

Nhiều tác giả:
Chùm thơ kỷ niệm

Phạm Phú Minh
Đọc "PHIẾM" của Song Thao

Lưu Nguyễn
Luân Hoán trong chuyện PHIẾM của nhà văn Song Thao

Du Tử Lê
PHIẾM của Song Thao

Song Thao, phiếm

"Phiếm chủ" Song Thao với "Phiếm 15"

"Phiếm... chủ" Song Thao chuẩn bị đường gươm…Phiếm, mới

Hoàng Xuân Sơn
Đọc PHIẾM

Mượn vài ý của Song Thao...

Song Thao - Chùm trái cấm nửa vời

Trà Lũ
Tôi đọc sách PHIẾM của Song Thao

Phạm Xuân Đài
Đọc Chốn Cũ của Song Thao

Lương Thư Trung
Vài ghi nhận về PHIẾM của Song Thao

Lá thư văn nghệ gởi nhà văn Song Thao

Bắc Phong:
PHIẾM Song Thao

Lan man của PHIẾM

Nguyễn Vy Khanh:
Những chốn cũ của Song Thao

Lê Hân:
Chờ Song Thao

Đôi dòng kỷ niệm có với nhà văn Song Thao

Đinh Cường:
Một chữ

Đặng Thơ Thơ:
Đoc "Bên Lưng Những Con Chữ"

Phan Ni Tấn:
Một chút với nhà văn Phiếm: Song Thao

Minh Ngọc:
"Thời Nay" và tuổi thơ của tôi

New York dưới dấu chân lang bạt của Song Thao

Hoàng Quân:
Ông Anh

Minh Đạo Đoàn Vinh:

Song Thao - Truyện Phiếm Du

Nguyễn Dạ Quỳnh:

Tản mạn với chú Song Thao

Nguyễn Hoàng Quân:

Song Thao, Thời Nay và Đà Lạt

Orchid Lamquynh:

Viết vu vơ về chú Song Thao

Phạm Hiền Mây:

Viết về một người viết Phiếm

Quan Dương:

Với nhà văn Song Thao

Trang Châu:

Hai Thằng tuổi cọp

Trúc Lan:

Gởi nhà văn Phiếm chủ Song Thao

Trần Thị Nguyệt Mai:

Vua Phiếm

Trần Vấn Lệ:

Song Thao, một kỳ quan

Trần Yên Hoà:

Song Thao, vua Phiếm...

Võ Kỳ Điền:

Vài nhận xét thế giới văn chương của Song Thao

VÀI NHẬN XÉT THẾ GIỚI VĂN CHƯƠNG SONG THAO

 

 

1

Lần đầu tôi được gặp nhà văn Thụy Khuê là nhân dịp đến thăm thầy Nguyễn Văn Trung, Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, nhà ở khu Brossard miền nam thành phố Montréal, bên kia dòng Saint-Laurent vừa qua cầu Champlain là tới. Thầy tuy khá lớn tuổi nhưng hãy còn khỏe mạnh, trí óc vẫn còn minh mẫn, sức khỏe khá tốt đẹp. Có điều cặp mắt thầy suy yếu nghiêm trọng, thoạt nhìn thì thấy bình thường nhưng thiệt ra tầm nhìn rất hạn hẹp. Nhà văn Thụy Khuê từ Pháp qua thăm thầy với mục đích vừa phỏng vấn tìm hiểu các vấn đề văn học của miền Nam đã qua, vừa giúp thầy sưu tầm, cất giữ các tài liệu vào dĩa điện tử, gìn giữ dành cho mai sau các công trình văn học cả đời thầy đã sáng tác. Có lẽ đề tài Lục Châu Học thầy mới khám phá sau 1975 là quan trọng nhất, cả một nền văn học quốc ngữ của Miền Nam Lục Tỉnh đồ sộ mà chương trình giáo dục Việt Nam Cộng Hòa hình như đã bỏ quên. Thầy biết được tôi rất quí và thích công trình nầy nên rất vui.

Nhà văn Thụy Khuê thì tôi biết tiếng và hâm mộ từ lâu, là nhà phê bình văn học nổi tiếng hải ngoại, khi nhìn thấy chị thì không khác bao nhiêu với sự phỏng đoán của tôi.  Chị mặc một bộ đồ lụa ngà mềm mại nền nã, vóc dáng trang nhã và cử chỉ khoan thai điềm đạm, nói năng hòa nhã. Tự nhiên tôi nghĩ tới câu thành ngữ “Thăng Long ngàn năm văn vật” Qua những câu chuyện xã giao thăm hỏi, chị có nói một câu bâng quơ khiến tôi giựt mình -nhà văn nào cũng có dáng vẻ khắc khổ.

Nghe xong tôi bèn suy nghĩ lung tung trong đầu, không có gì rõ ràng hết. Chắc chị nói chung chung. Có phải chị nói tôi không? Cũng có thể vì đang nói chuyện với nhau mà. Tôi có thể được gọi là nhà văn chưa? Ai mà biết. Tôi có dáng khắc khổ không? Cái đó thì có chắc rồi.  Tôi cười nhẹ chấp nhận và tìm cách biện hộ -tại chị mới thấy có tôi thôi, phải chi có dịp gặp anh Song Thao thì chị không nói câu đó. 

Tại sao tôi liều gan đưa anh Song Thao ra đại diện cho nam giới viết văn ở cái Xứ Lạnh Tình Nồng nầy. Tôi nói chắc như vậy mà không sợ trật. Anh Song Thao đừng trách tôi nghen, với tôi trong các anh em ở đây, anh đẹp trai số một. Người thanh tao, cao lớn, đi đứng khoan thai, mái tóc muối tiêu vẫn còn bềnh bồng, tuy đã nhiều tuổi lắm rồi nhưng tiêu vẫn nhiều hơn muối, mắt sáng mũi cao môi hồng, ăn nói lưu loát trang nhã, chừng mực. Ở Sài Gòn thời tôi mới lớn, thấy các bạn trẻ đăng trong mục tìm bạn bốn phương báo Văn Nghệ Tiền Phong, Phụ Nữ Diễn  Đàn, bạn nào cũng viết câu tự giới thiệu mình “xấu đẹp tùy người đối diện”. Nghe hoài thì thấy khách sáo, hoa mỹ nhưng ngẫm nghĩ thì không chê vào đâu cho được, hay quá trời luôn.  Tôi bèn bắt chước để dùng, ai mà cười thì rụng mười cái răng. Tôi thấy rõ ràng, bạn tôi nhà văn Song Thao quả thiệt đẹp trai quá chừng chừng..

Tôi biết nhà văn Song Thao thời anh viết cho Thời Nay, lúc đó anh đã khá nổi tiếng rồi. Tờ Thời Nay ngày đó đã phổ biến rất rộng rãi. Tên tuổi Song Thao đã ngang hàng với các cao thủ như Nguyễn  Văn Thái, Khánh Giang, Trọng Thăng, Nguyễn Phù Động, Nguyễn Trọng Khanh... Trong khi đó thì tôi thường vô các làng quê đánh tứ sắc với các bà già ăn trầu, đi ăn nhậu la cà với bạn bè cùng lứa, câu cá, tát đìa, ngày lễ ngày Tết thì suốt ngày ngoài đường phố coi múa hẩu, múa cù (ở Thủ Dầu Một không gọi là múa lân) ...

Nhưng cũng không biết tại sao lúc mới lớn đó, khi đọc Thời Nay có các bài viết của Song Thao, tôi cứ nghĩ ông thợ sắp chữ của nhà báo đã sắp thiếu dấu cho bút hiệu của nhà văn. Phải là Sông Thao chớ. Tôi biết ở đất Bắc có ba dòng sông lớn, sông Thao, sông Đà, sông Lô hợp lại với nhau chảy ngang về Ngã Ba Hạc Việt Trì, đổ vào Phú Thọ

Sông Thao nước đục người đen
Ai lên phố Ẻn thì quên đường về.

Trong bụng cứ cho là như vậy, mà thiệt ra không phải như vậy. Khi đã quen thân nhau rồi, có lần tôi đắn đo hỏi bạn việc nầy. Bạn biết tôi dân Nam Kỳ rặt nên trả lời bằng hai câu trong Lục Vân Tiên:

Văn đà khởi phụng đằng giao,
Võ thêm ba lược, sáu thao ai bì 

Vừa nghe xong tôi chợt hiểu ra nhảy nhổm. Trời đất, vậy mà cả chục năm nay mình đoán không ra, cứ cho là người ta viết trật. Tam Lược Lục Thao, bộ binh pháp nổi tiếng của Khương Tử Nha ai cũng biết mà. Trong sáu thao, văn thao, võ thao, long thao, hổ thao, báo thao, khuyển thao, bạn tôi giành lấy hai thao đầu tiên. Văn thao và võ thao là cách trị nước và cách dùng binh, hèn chi chữ Song Thao không có dấu mũ. Thiệt tình, phục bạn sát đất.

Tôi thường xuyên đi chơi xa với bạn nhiều lần nên có nhiều kỷ niệm chung, vui lắm. Một cái nón che đầu và một túi xách đeo vai, dáng vẻ một kẻ du hành điệu nghệ. Vậy mà có lần bạn tôi dở khóc dở cười. Vốn trong chuyến đi leo lên đỉnh núi Gibraltar chàng hớn hở ngắm nhìn bầy khỉ đói trên dốc đá. Một bên là biển xanh với xứ Maroc xa xa, một bên là đám khỉ lông nâu xám ghẻ chốc đầy mình... Nhè đâu có con khỉ lớn bằng đứa con nít vài tuổi, lẹ tay thọc vào túi xách nhanh như chớp mà lấy đi hộp thuốc mang theo, bạn ơ hờ không giành lại kịp và đứng trơ ra không biết phải làm sao. Cả hộp đầy thuốc men dành cho chuyến đi ba tuần lễ, lấy gì mà uống đây cho những ngày kế tiếp. Mà con khỉ mắc dịch sau khi lấy cắp xong đâu có chạy xa. Nó ngồi lại trên cục đá kế bên, nhe răng khọt khẹt như là muốn chọc quê bạn tôi vậy... Thiệt tình, khỉ thì lúc nào cũng làm trò khỉ. Thấy mà tức ứa gan, không biết phải làm sao. May quá, lúc đó có người giữ công viên đến dụ dỗ nó, lấy lại được hộp thuốc và giao trả cho bạn hiền. Nhờ đó mà vào buổi chiều chan hòa nắng đẹp Địa Trung Hải, tôi và bạn ngồi trên đỉnh núi đá cao chót vót của Gibraltar thuộc Anh Cát Lợi, vừa uống bia vừa nhắc tới chuyện con khỉ buổi sáng. Ôi, cuộc đời sao mà vui đến vậy, lon bia mát lạnh dưới trời nắng vàng trong, nhớ chuyện con khỉ buổi sáng, lon bia lúc đó ngon thiệt là ngon!

2

Có một chuyến đi đường trường bắt đầu từ tỉnh Toulouse nước Pháp hướng về phương Tây, len theo đường núi cheo leo vượt qua biên giới để vào Tây Ban Nha. Trời đã tối nhá nhem, anh em ghé vào một quán bên đường đèn đuốc sáng trưng để ăn tối. Tôi tò mò nhìn qua chỗ nầy chỗ kia vì phong cảnh nơi đây tất cả đều mới lạ mà có thấy được gì đâu, trời tối đen mù mù.  Thấy cô đầm trẻ bán hàng vui vẻ, dáng dễ gần, tôi liền bắt chuyện và hỏi thăm đây là ở đâu, thuộc vùng nào? Được trả lời là đường núi đỉnh đèo Pyrenées phía bắc. Nghe xong tôi giựt mình, danh từ nầy nghe quen thuộc. Tự nhiên tôi chợt hỏi ngay, vậy có gần thung lũng Roncevaux không? Cô đưa tay chỉ về một hướng và nói cách gần đây nè... Vậy là có đề tài để nói chuyện cho qua cơn buồn ngủ. Trên xe tiếp tục cuộc hành trình, tôi và anh Song Thao cùng nhau nhắc lại trận chiến giữa Charlemagne với các bộ tộc Vascons Hồi Giáo, mà lần nầy quân đại đế bị rơi vào ổ phục kích, dũng sĩ Roland là cháu đại đế chiến đấu rất oai hùng nhưng bị tử thương. Trước khi mất, dũng sĩ thổi một hồi còi lảnh lót tuyệt vọng, tiếng còi vang động cả núi rừng....  Những câu thơ học hồi nhỏ còn nhớ lõm bõm của thi sĩ Alfred de Vigny đã viết bài Tiếng Còi (Le Cor) (Cái Còi Trận cũng có thể giống như cái Tù Và) đọc lại cho nhau nghe:

Ta yêu tiếng còi, buổi chiều, bên vách núi,
Tiếng tù và ngân cùng dòng lệ huơu nai..

(J'aime le son du cor, le soir, au fond des bois
-Soit qu'il chante, les pleurs de la biche aux abois)
.....
Roncevaux! Roncevaux! Trong bóng tối đồi núi chập chùng
Hồn dũng sĩ Roland chưa từng được an ủi

(Roncevaux! Roncevaux! Dans ta sombre vallée
L'ombre du grand Roland n'est donc pas consolée)

Và cuối cùng bài thơ kết thúc bằng câu:

Trời ơi! sao mà tiếng còi buồn đến tận đáy rừng sâu

(Dieu! Que le son du cor est tríste au fond des bois)

Tôi cũng còn nhớ mà nhắc đến câu cuối của bài Cái Chết Của Con Chó Sói (La mort du loup) cũng của cùng tác giả:

Rên rỉ, khóc than, cầu xin, đều là hèn
(Gémir, crier, prier, est également lâche)

Giữa hai anh em chúng tôi bây giờ là tiếng quân reo, tiếng ngựa hí, tiếng la hét, tiếng gươm giáo đâm chém nhau, rừng núi như chìm trong cảnh long trời lở đất... cho đến khi xe vừa tới khách sạn Tây Ban Nha thì trời khuya đã vào lúc nửa đêm.

Chuyến đi xa rong ruổi để thăm Lourdes, rồi đến Portugal để thăm Fatima, hai nơi linh thiêng được Đức Mẹ hiện xuống báo tin cho các trẻ mục đồng. Kỳ lạ thiệt, tuy là hai chuyến khác nhau hai xứ khác nhau mà bị cùng mưa to gió lớn giống nhau y chang. Ở Fatima cây to gió lớn gãy đổ ngả nghiêng, tôi phải mua một cây dù màu đen để che chắn, còn ở Lourdes thì không có tiệm ăn phố xá gì kế cận, đành đưa đầu chịu trận.  Vừa đến nơi thì trời đã xế chiều, mây giông đầy trời, anh em chạy lẹ vào tới hang đá có tượng Đức Mẹ bên một vách núi và một nhà thờ cũng khá lớn bên trên. Thiệt là xui xẻo. Đi du lịch mà trời đất u ám như vầy làm sao mà quay phim, làm sao mà chụp hình!  Tôi tuy không có đạo, nhưng đứng trước tượng Đức Mẹ hiền hậu, uy nghi, tôi cảm thấy một cảm giác kính mến chan hòa và đầy ơn đức thiêng liêng.  Tôi lâm râm khấn vái kính xin Đức Mẹ ban phước lành ...

Anh Song Thao thì tay cầm một vỏ không một chai plastic nước lọc. Tôi không để ý và cũng không biết để làm chi. Cứ nghĩ là đã uống hết nước và đang tìm thùng rác để quăng. Tôi không nhớ là anh có dù hay áo mưa để che chắn gì hay không, lúc đó tôi sợ bị ướt quần áo nên đứng nép sâu vào trong hang đá.  Mưa vẫn tầm tã liên miên không dứt. Đến một hồi lâu, mưa đã giảm cường độ, chỉ còn lất phất từng cơn nhỏ. Thấy anh Song Thao chạy ra ngoài, đến bên chưn vách nhà thờ lớn, có một ống nước máy đặt ngang cao độ một thước với chừng độ hai mươi mấy cái vòi nước bằng đồng.  Cùng lúc đó có một cô đầm trẻ tuổi, kéo một xe hai bánh chứa nhiều vỏ chai không đến. Rồi cũng có vài người nữa đến tay cầm chai không.  Tất cả đều trùm áo mưa kín mít đứng cạnh nhau bên những vòi nước. Tôi tò mò, mấy người nầy họ làm cái gì vậy cà?  Nước lọc thì trong khách sạn có để sẵn cho khách rồi mà, hứng nước nữa để làm chi?

3
Lấy nước suối Lộ Đức được dẫn về bể chứa.

Tôi tò mò theo dõi coi họ làm cái gì. À, hiểu rồi, thì ra họ lấy nước linh thiêng từ hang đá Đức Mẹ.  Phải đi xa bao nhiêu dặm đường, tốn bao nhiêu công sức tiền của mới có được. Đâu phải dễ dàng gì. Anh Song Thao đã lấy đầy được một chai. Trời bắt đầu xẩm tối, tôi rủ anh đi về kẻo trễ. Anh nói chưa được, còn phải vô nhà thờ để Linh Mục làm phép. Trời bắt đầu tối mờ mờ, tôi sợ quá nói -thôi mình cứ về đi, khi tới Montréal nhờ Cha Khang ở nhà thờ Bélanger kế nhà làm phép cũng được vậy! Anh trố mắt nhìn sững tôi và khoát tay kêu tôi về trước. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu anh đã nghĩ gì trong đầu khi nghe tôi nói như vậy. Làm sao tôi biết được chớ anh Song Thao thì biết quá rõ tôi từ lâu rồi!  Từ cái lúc tôi nhờ anh chụp giùm cái ảnh tôi ôm cây cột đá xanh to lớn chần dần của cái Aqueduct khi đi ngang tỉnh Segovia, tôi đã nói tỉnh bơ như vầy-anh biết không ngày xưa tôi đã từng là một tên lính La Mã đục đẽo mấy cục đá nặng nề nầy, nè anh coi kỹ mấy cái lỗ tròn trên mỗi cục, làm vậy để khiêng vác cho dễ. Anh cũng đã nhìn sững tôi y như vầy. Và ánh mắt sững sờ nầy đã nhìn tôi nhiều lần khác nữa khi nghe tôi nói chuyện trên trời dưới đất. Tội nghiệp cho anh bạn, ai biểu chơi thân với tôi làm chi!

Rồi những bước chân lang thang từ tỉnh nầy qua tỉnh kia, phố xá, thành quách, nhà thờ, tu viện, lâu đài nối tiếp nhau của hai xứ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha khiến tôi mê mẩn, đẹp quá và nhiều quá làm sao nhớ hết cho được. Có một buổi vào một nhà thờ rất lớn ở tỉnh Burgos, tôi ngắm nhìn miên man mà không biết đâu là đâu.  Bên trong những hành lang dài là những công trình chạm trổ tuyệt mỹ tượng các thánh, tượng vua chúa bằng đá nối tiếp nhau... Nhiều quá đến độ tôi không còn chú ý đến tượng nào nữa hét. Bất ngờ nghe bên tai tiếng anh Song Thao nói. -Ô, nơi đây có mộ của Le Cid. Tôi bỗng giựt mình. Le Cid, làm sao mà tôi không biết được, Le Cid là một vở kịch nổi tiếng của Corneille mà...

Tôi ngó thấy bảng đề Tumbe Del Cid, hành lang thứ 5 mục số 15. Đúng rồi. Thắc mắc làm chi nữa, phải đến nơi coi cho biết. Khi đến thì thấy anh Song Thao đương chăm chú đọc mộ bia. Một tấm đá cẩm thạch lớn hình chữ nhựt vài thước vuông đặt trang trọng trên nền đá bóng loáng nhà thờ, có vòng rào bằng dây chắn lớn màu tím trên các cột đồng vàng óng xung quanh mộ. Tấm mộ bia đề chữ Tây Ban Nha, tên Rodericus Didacus Campidolior, tôi đoán là tên của Don Rodrigue, người yêu của Chimène mà tác giả Corneille đã viết lại trong vở kịch nổi tiếng thế giới. Chắc là như vậy. Nếu không phải tại sao người ta lại đề là Mộ Của Le Cid. Cách đó chừng mươi thước ở cửa ra có một hộp kiếng lớn chưng bày vài trang bản thảo vở kịch Le Cid chữ viết tay của tác giả Corneille, giấy xưa vàng ố, nét chữ lờ mờ không còn đọc được.

Bất chợt không ngờ trước, thấy được cảnh nầy tôi thực sự xúc động rung tay, cố ý chụp mấy tấm ảnh kỷ niệm, đến khi coi lại thì thấy ảnh chụp lu câm. Thiệt là tức mình.  Cám ơn anh Song Thao, nếu không có anh thì tôi làm sao biết được Don Rodrigue đã yên giấc ngàn năm tại nhà thờ Burgos nầy.

Nhờ một thời gian quen nhau khá dài, những chuyến du lịch kỳ thú, tôi biết được con người Song Thao thêm chút ít. Đó là một nhà văn tài hoa, tinh tế, thông minh, phải nói là đầu óc quan sát cực kỳ bén nhạy, sức làm việc vượt xa mức bình thường. Cứ coi một cuốn Phiếm của anh, mỗi cuốn gần bốn, năm trăm trang dày đặc chữ. Vậy mà cứ hầu một năm anh ra một cuốn. Đến nay đã tới cuốn Phiếm số 29 rồi. Tôi không biết anh viết lúc nào và làm sao mà viết được nhiều như vậy. Mỗi tựa bài anh đặt chỉ một chữ và cho tới nay tất cả 29 quyển Phiếm của Song Thao có thể gôm lại các nhan đề theo thứ tự y như một cuốn tự điển. Năm nay anh đã 84 tuổi rồi, vậy mà sức viết vẫn bình thường, không hề suy giảm chút nào. Dễ nể thiệt tình.

Tôi nhớ lúc trước trong một buổi thuyết trình về cách viết tùy bút của nhà văn Trà Lũ, tôi có nhắc tới cách viết phiếm của nhà văn Song Thao:

“Thể loại tùy bút, loại văn nầy có từ thời Lê mạt Nguyễn sơ, cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Các tác phẩm buổi ấy phần nhiều ghi chép những điều tác giả mắt thấy tai nghe, tùy bút là theo ngọn bút, gặp cái gì chép cái ấy. Hai quyển Vũ Trung Tùy Bút (theo ngọn bút viết khi mưa) và Tang Thương Ngẫu Lục (ghi nhanh các chuyện tang thương, viết chung với Nguyễn Án) của Phạm Đình Hổ là hai tác phẩm tiêu biểu, mẫu mực. Sau nầy thể loại tùy bút là sở trường của nhà văn Nguyễn Tuân (Chiếc Lư Đồng Mắt Cua, Chùa Đàn, Vang Bóng Một Thời…Tùy bút dễ viết mà khó hay. Tại sao vậy? Bởi vì khi viết một truyện ngắn, tác giả phải suy nghĩ cho có lớp lang, và lúc nào cũng phải nhớ câu “văn thì phải có ý, thơ thì phải có tứ” Câu chuyện phải đặc biệt, phải hấp dẫn, bên trong phải có một thông điệp, phải có tình cảm đậm đà, ý phải cao xa để gởi gấm, bố cục phải chặt chẽ, các ý tưởng phải mạch lạc, thông suốt. Chuyện và văn không được giống những gì người đi trước đã viết. Trong khi đó thì tùy bút không đòi hỏi bất cứ điều gì, cứ đặt bút xuống, thấy gì viết nấy, đôi khi không cần đến mạch lạc, miễn sao tác giả và độc giả vui thích là được. Đọc tùy bút ta có cảm tưởng như đọc một cuốn sổ tay, tác giả ghi những điều chợt xảy ra trong óc hay nhân một việc gì đó mà nhớ đến chuyện nầy chuyện kia… Vì dễ viết và viết nhanh nên muốn cho hay, cho xuất sắc là điều rất khó. Văn bản cần giản dị nhưng phải làm sao đạt được tánh chất sinh động và hấp dẫn, bộc lộ được hết nét tài hoa, nét đặc thù. Nguyễn Tuân thành công lớn được nhờ nét khinh thế ngạo vật, Võ Phiến nhờ tánh thâm trầm, quan sát tỉ mỉ, tinh tế… Hiện nay thì có Tưởng Năng Tiến ngang tàng, cười cợt, châm biếm (Sổ Tay Phó Thường Dân). Bùi Bảo Trúc thông minh, sắc sảo, tài hoa (Thư Gởi Bạn Ta)… Ở Canada mình cũng có hai nhà văn viết tùy bút nổi danh, được mọi người yêu mến, nhà văn Song Thao ở Montréal và nhà văn Trà Lũ ở Toronto của chúng ta. Ngòi bút Song Thao thì kỹ lưỡng, tỉ mỉ, viết chuyện nào ra chuyện đó, mỗi đề tài là một trọng tâm, các tài liệu được dẫn chứng đầy đủ, thượng thông thiên văn, hạ đạt địa lý, trung quán nhân sự. Nhà văn tài hoa vùng đất nói tiếng Tây thiệt là giỏi, bao nhiêu chuyện của nhân gian nầy ông viết hết không thiếu món ăn chơi nào. Ông gọi thể loại tùy bút là chuyện phiếm. Phiếm có nghĩa là nói chơi, nói tào lao, nói bao đồng, nói lông bông… Tuy là nói chơi mà nét tài hoa là thiệt, nếu không thiệt tại sao có nhiều người mê, không tin quí vị mua các quyển Phiếm (1, 2, 3, 4, 5…nay đã tới số 29) mà xem qua cho biết”
(Võ Kỳ Điền,Trung Tâm Cộng Đồng St. Christopher Toronto, ngày 6 tháng 5 năm 2006)


Về phần phiếm thì tài hoa như vậy còn văn của Song Thao thì sao. Tôi xin mượn vài nhận xét của các bậc tài danh

1.“Chân Mang Giày Số 6” với cái nhìn sâu sắc của Nguyễn Mộng Giác:
“Tập truyện của Song Thao mang đến cho tôi nhiều tin vui, trả lời cho tôi nhiều câu hỏi mà lâu nay tôi chưa tìm ra lời đáp. Anh là người lạc quan. Nhờ thế, nhân vật của anh lạc quan trong những tình huống đáng lẽ phải buồn thương chán nản. Người bệnh vẫn nói cười rôm rả. Người già sống cô độc nhưng không hề cảm thấy lạc lõng. Mỗi truyện mới đọc tưởng là một thảm cảnh. Đang đọc thấy đúng là thảm cảnh. Nhưng đọc xong thấy lóe sáng niềm tin. Con người dù sao vẫn còn rất tốt. Cuộc đời dù đầy bất trắc nhưng vẫn là nơi đáng sống nhất. Xin cảm ơn anh Song Thao, về món quà quí giá này”.
(Chân Mang Giày Số 6. California, Nguyễn Mộng Giác )

2. “Bên Lưng Những Con Chữ” qua nhà văn Nguyễn Đình Toàn;
"Trông bộ mặt ngây ngô của anh tức cười quá! Làm sao anh hiểu được. Em phải đầu đuôi đàng hoàng cho anh lấy lại cái vẻ đẹp trai mới được. Nguyên là sau bảy lăm, em phải đi dạy học. Nhà thì tuốt trên ngã tư Bảy Hiền mà trường thi tuốt bên Gia Định, mỗi ngày phải đạp xe từ đầu này tới đầu kia thành phố, mệt ná thở luôn. Nhưng mệt thì nghỉ xong là hết mệt. Cái lo là đạp xe như vậy mòn quần hết. Gia tài chỉ có hai chiếc quần đen mặc đi dạy, vải mua thì khó, lương lại chẳng đủ ăn tiền đâu mua vải, nên đạp xe mà chỉ lo chiếc quần. Nói thấy tức cười chứ lúc đó em lo chiếc quần hơn là lo cho sức khỏe của mình". Trong cách viết truyện ngắn của Song Thao người ta luôn bắt gặp một nụ cười đằng sau những giọt nước mắt. Cả hai điều chứng tỏ ông có cái nhìn sắc xảo và là một người có từ tâm”.
(Nguyễn Đình Toàn, Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 4/9/2003
3. Hoàng Ngọc Hiến “Cái đẹp hoàn hảo lơ lửng tỏa ra từ lối sống của cộng đồng”:

“Một bạn đọc nói với tôi: “Trong thực tại không có người nào hoàn hảo như Loan! Loan chỉ là mơ ước, trăm lần mơ ước của Song Thao”. Cứ cho là trong thực tại không có người hoàn hảo như Loan, tại sao Song Thao không có quyền mơ ước một người như vậy. Cái “hoàn hảo lơ lửng” vừa là thực tại vừa là mơ ước; đây là cái lơ lửng thơ mộng. Trong thực tại, cái hoàn hảo của nhân vật Loan tản mạn ở nhiều người, có nét ở người này, có nét ở người kia, đậm nhạt khác nhau lại tùy ở từng người, người mang vẻ này, người mang vẻ nọ, cũng tùy từng người mà sắc thái khác nhau. Đây là cách hiểu của tôi về sự “lơ lửng” trong ý niệm “cái hoàn hảo lơ lửng” của Trần Anh Hùng.
(Đọc “Văn Học Hải Ngoại, Hoàng Ngọc Hiến)

4. Phạm Xuân Đài nhận xét tập truyện Chốn Cũ, Nhân Ảnh xb 2006:   
Kẻ “tìm về” này, kể ra cũng thật là may mắn! Mấy ai, sau bao nhiêu biến đổi sâu xa của đất nước có tác động ghê gớm vào số phận con người, khi tìm về chốn cũ mà được gặp lại một tẬ.m tình của tuổi mười ba còn sót lại như vậy. Dưới ngòi bút của Song Thao – có lẽ ông cũng viết với tâm tình của cậu bé 15 tuổi năm 1954 – câu chuyện diễn ra cảm động và rất đẹp. Trong tất cả những tâm tình viết về các chuyến đi về mà tôi đã được đọc, tôi rất thích truyện này, nó cho thấy thời gian, chiến tranh, chế độ chính trị v.v... có thể nhào nặn, biến đổi, làm méo mó xấu xí đi nhiều thứ, nhưng ẩn dưới bao nhiêu lam lũ và thô thiển của cuộc đời vẫn còn những mảnh kim cương ngời sáng của tình người, của tình yêu khi người ta vừa chớm lớn.

5. Hồ Đình Nghiêm đọc Bỏ Chốn Mù Sương.
“Cái đoạn cuối này cũng là cánh cửa sau cùng vừa đóng lại. Gấp tập truyện trong tôi dồn lên nhiều cảm nghĩ. Một trong những cảm nghĩ cần thổ lộ ra trước tiên, đó là tôi mong mỏi nhà văn Song Thao cứ mãi trân trọng cầm lấy cây bút của mình. Không có chuyện đi biển một mình thì xin anh viết tới chuyện đi núi một mình, chuyện đi uống cà phê một mình, chuyện bát phố một mình hoặc thậm chí đến chuyện đi chợ một mình. Mang tiếng là một mình nhưng thực ra anh không đơn lẻ đâu, bởi vì văn của anh đầy lòng nhân ái thế kia và tôi tin là có ai mà nhắm mắt được, quay lưng lại được đối với những dòng chữ luôn ca tụng vẻ đẹp, sự giàu có lòng vị tha mà anh đã chắt chiu viết ra với cả một lòng thành. Văn chương hải ngoại, dù hoàn cảnh sáng tác có gặp khó khăn, vậy mà mỗi ngày một tăng trưởng. Tập truyện “Bỏ Chốn Mù Sương” của nhà văn Song Thao sẽ là một cây lúa mọc lên cứng cáp giữa cánh đồng phì nhiêu ấy. Tôi tin vào điều đó, cũng như tôi hy vọng rằng sang năm, nhà văn Song Thao sẽ gắng “đẻ” thêm một đứa con nữa. Và khi ấy, thay vì lên đứng nói một cách khó nhọc như thế này, tôi chỉ xin được đề nghị với nhà văn là hãy thử dùng một cái tên truyện cho lạc quan: “Về Lại Chốn Mù Sương”. Hoặc là: “Nơi Ấy Đã Hết Sương Mù”.
(Nắng Mới, Montreal, Canada, số 21, tháng 6/1993)

Con đường văn chương của Song Thao còn rất dài trước mặt và hứa hẹn rất nhiều. Tôi rất vui mà giới thiệu được một chút tài hoa và kỷ niệm với bạn những ngày sinh hoạt vui vẻ bên nhau. Tới đây chợt nhớ tới câu kệ trong bài Cáo Tật Thị Chúng của Thiền Sư Mãn Giác, xin được ghi tặng bạn đọc:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Ngô Tất Tố đã dịch như vầy:

Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước nở nhành mai

Võ Kỳ Điền
Brossard, Québec, 18-03-2023