Trần Huy Bích:
Song Thao, nhớ lại những ngày Chu-Văn-An

Luân Hoán:
Song Thao, người bạn văn, biết sớm, gặp muộn

Phiếm

Tiễn

Hú Hồn Vì Tính Thày Lay

Song Thao

Luân Hoán

Viết về Song Thao

Hà Thúc Sinh:
Nghe Song Thao kể chuyện

Hoàng Ngọc Hiến:
Đọc văn học hải ngoại

Nguyễn Đình Toàn:
Song Thao - Bên Lưng Những Con Chữ

Đọc PHIẾM của Song Thao

Nguyễn Mộng Giác:
Bài tựa tập truyện: Chân Mang Giầy số 6

Giữa người viết

Hồ Đình Nghiêm:
Montréal và Bỏ Chốn Mù Sương

Hai Mươi

Nhiều tác giả:
Chùm thơ kỷ niệm

Phạm Phú Minh
Đọc "PHIẾM" của Song Thao

Lưu Nguyễn
Luân Hoán trong chuyện PHIẾM của nhà văn Song Thao

Du Tử Lê
PHIẾM của Song Thao

Song Thao, phiếm

"Phiếm chủ" Song Thao với "Phiếm 15"

"Phiếm... chủ" Song Thao chuẩn bị đường gươm…Phiếm, mới

Hoàng Xuân Sơn
Đọc PHIẾM

Mượn vài ý của Song Thao...

Song Thao - Chùm trái cấm nửa vời

Trà Lũ
Tôi đọc sách PHIẾM của Song Thao

Phạm Xuân Đài
Đọc Chốn Cũ của Song Thao

Lương Thư Trung
Vài ghi nhận về PHIẾM của Song Thao

Lá thư văn nghệ gởi nhà văn Song Thao

Bắc Phong:
PHIẾM Song Thao

Lan man của PHIẾM

Nguyễn Vy Khanh:
Những chốn cũ của Song Thao

Lê Hân:
Chờ Song Thao

Đôi dòng kỷ niệm có với nhà văn Song Thao

Đinh Cường:
Một chữ

Đặng Thơ Thơ:
Đoc "Bên Lưng Những Con Chữ"

Phan Ni Tấn:
Một chút với nhà văn Phiếm: Song Thao

Minh Ngọc:
"Thời Nay" và tuổi thơ của tôi

New York dưới dấu chân lang bạt của Song Thao

Hoàng Quân:
Ông Anh

Minh Đạo Đoàn Vinh:

Song Thao - Truyện Phiếm Du

Nguyễn Dạ Quỳnh:

Tản mạn với chú Song Thao

Nguyễn Hoàng Quân:

Song Thao, Thời Nay và Đà Lạt

Orchid Lamquynh:

Viết vu vơ về chú Song Thao

Phạm Hiền Mây:

Viết về một người viết Phiếm

Quan Dương:

Với nhà văn Song Thao

Trang Châu:

Hai Thằng tuổi cọp

Trúc Lan:

Gởi nhà văn Phiếm chủ Song Thao

Trần Thị Nguyệt Mai:

Vua Phiếm

Trần Vấn Lệ:

Song Thao, một kỳ quan

Trần Yên Hoà:

Song Thao, vua Phiếm...

Võ Kỳ Điền:

Vài nhận xét thế giới văn chương của Song Thao

SONG THAO, NHỚ LẠI NHỮNG NGÀY CHU VĂN AN

Để giới thiệu nhà văn Song Thao, tôi xin phép được đi ngược lại nửa thế kỷ trước, nói đúng hơn là 49 năm trước, khi đất nước Việt Nam bị chia đôi vào ngày 20 tháng 7 năm 1954. Tuy hôm nay mới là 19 tháng 7 tại Hoa Kỳ, nhưng giờ này, 4 giờ chiều tại California, chính là 6 giờ sáng ngày 20 tháng 7 ở Việt Nam. Tôi xin được bắt đầu câu chuyện đúng vào ngày hôm nay của 49 năm trước.

Ngày 20 tháng 7 năm 1954, đất nước Việt Nam bị chia đôi tại vĩ tuyến 17, miền Bắc thuộc cộng sản. Gần một triệu dân miền Bắc biết là không thể sống với chế độ ấy nên đã tìm đủ cách lánh vào miền Nam. Trường Chu Văn An di cư vào Sài Gòn đã mở các lớp Đệ Nhị cấp, gồm Đệ Tam, Đệ Nhị, Đệ Nhất. Mỗi năm nhà trường mở được cho mỗi cấp từ năm tới bảy, tám lớp ban B, tức là ban Toán, và khoảng hai lớp ban A, tức là ban Khoa học Thực nghiệm. Nhưng mỗi năm trường chỉ mở được một lớp cho ban C, tức là ban Văn chương thôi. Học sinh của ban này bao giờ cũng ít hơn học sinh theo các ban Toán và Khoa học Thực nghiệm. Hầu hết phụ huynh và học sinh đều đã biết rằng theo các lớp Khoa học Thực nghiệm hay Toán thì có thể lên học Y khoa, Dược khoa, Nha khoa, Khoa học..., vào các Trung tâm Kỹ thuật, và có thể trở thành các bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, khoa học gia, kỹ sư ..., sẽ có tài chánh và tương lai vững chắc. Còn tương lai một nhà văn An Nam thì ... không sáng sủa gì. Thời đó rất nhiều người đã biết câu: “Nhà văn An Nam khổ như chó” của Nguyễn Vỹ.

Nhưng tại lớp Đệ Tam ban Văn chương của trường Chu Văn An Sài Gòn niên khóa 1954-1955 ấy, chúng ta có nhà văn Song Thao. Nói đúng hơn, hồi đó chưa có “nhà văn Song Thao,” mới có anh Tạ Trung Sơn, vui vẻ ngồi giữa khoảng năm mươi bạn học của anh. Một điều đáng ghi nhận trong lớp học là anh Sơn luôn luôn vui vẻ, dí dỏm, nhưng hiền hòa. Cụ Vũ Ngô Xán, Hiệu trưởng trường Chu Văn An giai đoạn ấy hiểu rõ giá trị của văn chương và nhân văn. Cụ thường nói: “Xã hội và đất nước chúng ta cần những bác sĩ, kỹ sư ..., nhưng cũng cần những bác sĩ, kỹ sư ... cho tâm hồn”. Cụ luôn luôn trân trọng đối với ban C của trường. Cụ mời các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng nhất có mặt tại miền Nam lúc ấy phụ trách môn Việt văn cho các lớp ban C của trường Chu Văn An. Lớp Đệ Tam C được học nhà văn Vũ Khắc Khoan, khi lên Đệ Nhị C được học nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Lên Đệ Nhất, sau khi đã đậu Tú Tài I, không còn môn Việt Văn nữa. (Chắc các nhà lãnh đạo ngành giáo dục nghĩ rằng khi lên tới Đệ Nhất, học sinh đã đủ trình độ để có thể tự trau dồi thêm về Việt văn). Có một điểm tôi xin được nói ngay, là mặc dầu với sự trân trọng, chăm chút của cụ Hiệu trưởng Vũ Ngô Xán, mặc dầu được gần gũi những nhân vật như Vũ Khắc Khoan, Vũ Hoàng Chương “bằng xương bằng thịt,” cho tới khoảng 10 năm trước đây, không một học sinh nào của lớp Đệ Tam ban Văn chương trường Chu Văn An niên khóa 1954-1955 ấy, tức là lớp Đệ Nhị Văn chương niên khóa 1955-1956, không một học sinh nào trở thành “nhà thơ” hay “nhà văn” cả.

Trong lớp Văn chương của trường Chu Văn An Sài Gòn niên khóa trước có nhạc sĩ Cung Tiến, tác giả các bản nhạc “Hoài cảm,” “Hương xưa” ... Trong lớp Văn chương của trường Chu Văn An một năm sau xuất hiện hai nhà thơ được giải Văn chương Toàn quốc, được nhiều người biết tới, là nhà thơ Vương Đức Lệ, tên thật là Lê Đức Vượng, và Mai Trung Tĩnh, tên thật là Nguyễn Thiệu Hùng. Sau một năm nữa, từ trường Chu Văn An Sài Gòn, không cần phải theo ban Văn chương, xuất hiện rất nhiều các nhà thơ, nhà văn như Dương Kiền, Đỗ Quý Toàn, Y Dịch Lê Đình Điểu. Vài năm sau nữa có thêm Ngô Tằng Giao, Du Tử Lê, Ngọc Hoài Phương, Nguyễn Mạnh Trinh ... và rất nhiều những tên tuổi khác.

Nhưng tại lớp Đệ Tam Văn chương đầu tiên của nhà trường sau khi di cư vào Nam, cho tới khoảng mười năm trước đây, không thấy ai in một tập thơ, không thấy ai có được một tập truyện ngắn. Công bình mà nói, các bạn học của Song Thao trong các năm Đệ Tam và Đệ Nhị ban Văn chương tại Chu Văn An thuở ấy đều không phải những thanh niên quá tệ. Hầu hết bọn họ đều đã đậu Tú tài, lên Đại học lấy được bằng Cử nhân, đa số là Luật hay Văn khoa. Một số tốt nghiệp các trường chuyên môn như Đại Học Sư Phạm hoặc Quốc Gia Hành Chánh. Một số khá đông học thêm ở ngoại quốc, ít nhất có ba người đậu Tiến sĩ, số người đậu Master (hay Cao học) thì rất nhiều... Nói chung họ đều trở thành những người đóng góp tích cực cho việc xây dựng quốc gia, xã hội. Trong bọn họ cũng có người thành Thẩm phán hoặc công chức cao cấp, nhưng đa số theo ngành giáo dục. Có người đã là Phụ tá Viện trưởng Viện Đại Học Đà Lạt như anh Nguyễn Duy Diệm. Có người trở thành Phụ tá Khoa trưởng, hoặc ở Đại Học Luật Khoa Sài Gòn như anh Nguyễn Văn Canh, hoặc ở Đại Học Vạn Hạnh như anh Trần Như Tráng. Số người dạy ở Đại học như các anh Phạm Văn Quảng, Trần Như Tráng ... thì hơi nhiều. Đến lúc “xếp bút nghiên theo việc đao cung,” cũng có những người trở thành sĩ quan ưu tú của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, được cực lực vinh danh, như anh Bùi Quyền. Theo ngành cảnh sát, nhiều anh lên tới địa vị lãnh đạo, như các anh Trần Minh Công, Viện trưởng, và Phạm Công Bạch, Phó Viện trưởng Học Viện Cảnh Sát.

Nhưng để đóng góp cho văn chương, cách đây ít năm, mới có người in được một tập thơ, là anh Nguyễn Tiến Đức, một người nữa đưa ra một bản dịch mới cho cuốn Animal Farm của George Orwell là anh Đỗ Xuân Triều. Hầu hết các bạn khác khi cầm bút đều thành “nhà biên khảo,” viết về những vấn đề cần thiết nhưng khô khan, không mang tính cách văn chương gì hết, chẳng hạn như “Cộng Sản Trên Đất Việt,” hay “Tình Trạng Nông Dân Việt Nam Giai Đoạn 1954-1975,” hay “Tiến Trình Dân Chủ Hóa Tại Đài Loan” ... như các anh Nguyễn Văn Canh, Trần Như Tráng, và một vị nữa.

So sánh văn chương với các vấn đề thời thế, nhà văn, nhà cách mạng Nhất Linh Nguyễn Tường Tam từng viết: “Tào Tháo và Châu Du đều không còn, giờ đây Việt Quốc và Việt Minh cũng không còn, nhưng những lời hay ý đẹp của Tô Đông Pha trong bài “Tiền Xích Bích Phú” vẫn sống mãi với thời gian”. Nhà thơ Lý Bạch cũng có câu: “Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt / Sở Vương đài tạ không sơn khâu,” tức là “thơ văn của Khuất Nguyên treo mãi với mặt trời, mặt trăng, trong khi lâu đài, cung điện của vua nước Sở không còn gì giữa núi và gò hoang.” Một người bạn học cũ của nhà văn Song Thao đã dịch là “Khuất Nguyên trang gấm truyền lâu / Điện đài vua Sở chìm sâu lớp gò”. Cái đẹp của văn chương vẫn lâu bền, tồn tại mãi với thời gian.

Được giao nhiệm vụ giới thiệu nhà văn Song Thao hôm nay, trong cương vị một người bạn học từ nửa thế kỷ trước, tôi xin được nói với anh Song Thao rằng: “Tinh hoa văn chương của những lớp ban Văn chương trường Chu Văn An từ khi đất nước chia đôi, lớp Văn chương mà cụ Hiệu trưởng Vũ Ngô Xán đã đặt rất nhiều tin tưởng, mà các thầy Vũ Khắc Khoan, Vũ Hoàng Chương đã bỏ ra rất nhiều công lao, nay đã tập trung vào một người. Người ấy là Song Thao Tạ Trung Sơn. Trở thành một nhà văn được nhiều người mến mộ, một nhà văn có thành tích và văn tài, anh đã làm được một việc mà tất cả các bạn cùng lớp với anh từ 1954 như Nguyễn Văn Canh, Trần Như Tráng, Phạm Văn Quảng, Nguyễn Duy Diệm, Bùi Quyền, Trần Minh Công, Phạm Công Bạch, Trần Huy Bích ... không làm nổi. Tuy học với nhau từ nửa thế kỷ trước, tuy nhiều lúc không ở gần nhau theo “mệnh nước nổi trôi,” chúng tôi vẫn luôn luôn quan tâm tới nhau, rất vui khi thấy nhau thành công. Chúng tôi coi sự thành công của một người như một thành công chung của cả nhóm. Chúng tôi mong ước anh Song Thao sẽ còn thành công hơn nữa vì chúng tôi quan niệm rằng, khi hoàn thành một tác phẩm văn chương, anh đã làm một việc thay tất cả anh em. Tôi tin chắc các bạn đồng học sẽ chấp thuận đề nghị của tôi: để Song Thao đứng đầu tiên khi nhóm Đệ Tam C Chu Văn An niên khóa 1954-55 chúng tôi có hoàn cảnh gặp lại các vị thầy cũ như các Thầy Vũ Ngô Xán, Vũ Hoàng Chương, Vũ Khắc Khoan.

Tháng 7/2003
Trần Huy Bích