Trần Huy Bích:
Song Thao, nhớ lại những ngày Chu-Văn-An

Luân Hoán:
Song Thao, người bạn văn, biết sớm, gặp muộn

Phiếm

Tiễn

Hú Hồn Vì Tính Thày Lay

Song Thao

Luân Hoán

Viết về Song Thao

Hà Thúc Sinh:
Nghe Song Thao kể chuyện

Hoàng Ngọc Hiến:
Đọc văn học hải ngoại

Nguyễn Đình Toàn:
Song Thao - Bên Lưng Những Con Chữ

Đọc PHIẾM của Song Thao

Nguyễn Mộng Giác:
Bài tựa tập truyện: Chân Mang Giầy số 6

Giữa người viết

Hồ Đình Nghiêm:
Montréal và Bỏ Chốn Mù Sương

Hai Mươi

Nhiều tác giả:
Chùm thơ kỷ niệm

Phạm Phú Minh
Đọc "PHIẾM" của Song Thao

Lưu Nguyễn
Luân Hoán trong chuyện PHIẾM của nhà văn Song Thao

Du Tử Lê
PHIẾM của Song Thao

Song Thao, phiếm

"Phiếm chủ" Song Thao với "Phiếm 15"

"Phiếm... chủ" Song Thao chuẩn bị đường gươm…Phiếm, mới

Hoàng Xuân Sơn
Đọc PHIẾM

Mượn vài ý của Song Thao...

Song Thao - Chùm trái cấm nửa vời

Trà Lũ
Tôi đọc sách PHIẾM của Song Thao

Phạm Xuân Đài
Đọc Chốn Cũ của Song Thao

Lương Thư Trung
Vài ghi nhận về PHIẾM của Song Thao

Lá thư văn nghệ gởi nhà văn Song Thao

Bắc Phong:
PHIẾM Song Thao

Lan man của PHIẾM

Nguyễn Vy Khanh:
Những chốn cũ của Song Thao

Lê Hân:
Chờ Song Thao

Đôi dòng kỷ niệm có với nhà văn Song Thao

Đinh Cường:
Một chữ

Đặng Thơ Thơ:
Đoc "Bên Lưng Những Con Chữ"

Phan Ni Tấn:
Một chút với nhà văn Phiếm: Song Thao

Minh Ngọc:
"Thời Nay" và tuổi thơ của tôi

New York dưới dấu chân lang bạt của Song Thao

Hoàng Quân:
Ông Anh

Minh Đạo Đoàn Vinh:

Song Thao - Truyện Phiếm Du

Nguyễn Dạ Quỳnh:

Tản mạn với chú Song Thao

Nguyễn Hoàng Quân:

Song Thao, Thời Nay và Đà Lạt

Orchid Lamquynh:

Viết vu vơ về chú Song Thao

Phạm Hiền Mây:

Viết về một người viết Phiếm

Quan Dương:

Với nhà văn Song Thao

Trang Châu:

Hai Thằng tuổi cọp

Trúc Lan:

Gởi nhà văn Phiếm chủ Song Thao

Trần Thị Nguyệt Mai:

Vua Phiếm

Trần Vấn Lệ:

Song Thao, một kỳ quan

Trần Yên Hoà:

Song Thao, vua Phiếm...

Võ Kỳ Điền:

Vài nhận xét thế giới văn chương của Song Thao

"THỜI NAY" và tuổi thơ của tôi

Tối thứ năm 31 tháng 8 đọc thấy tin từ nhà văn Song Thao cho biết ông Nguyễn văn Thái vừa từ trần tại Sài Gòn, sau đó có hình ảnh từ nhà văn Thiếu Khanh về lễ viếng ông Thái, tôi bồi hồi cảm xúc, những tháng ngày thơ ấu như tập sách cũ lâu năm đóng bụi thời gian bỗng mở ra, tươi sáng rõ ràng như mới hôm qua. Những cái tên này có thể không có ý nghĩa với nhiều người nhưng đã đồng hành với tôi suốt bao năm tháng từ hồi mới biết giở sách đọc chữ. (Ngồi đây viết lại theo trí nhớ vì trong tay hiện không có cuốn Thời Nay nào, thể nào cũng có sai sót, mong các chú Song Thao và Thiếu Khanh lượng thứ, quả tình cháu không dám múa rìu qua mắt thợ.)

Má tôi nói tôi biết đọc từ lúc bốn tuổi vì má tôi chở theo vào lớp học, để ngồi bàn cuối. Đó là thời điểm khủng hoảng không chỉ với gia đình tôi mà cho đại đa số gia đình miền Nam. Ba tôi trình diện tập trung cải tạo, bà Tư hàng xóm vẫn coi giữ chị em tôi hàng ngày cho má tôi đi dạy nay phải về quê phụ con dâu có chồng đi cải tạo, má tôi chỉ gởi được em tôi mới một tuổi cho người quen, còn thì đưa tôi và chị tôi theo vào trường. Lớn lên vào thời điểm chiến dịch kiểm kê văn hóa, tôi đáng lẽ cũng chịu chung cảnh bưng bít kiến thức như nhiều trẻ em Việt Nam hồi ấy nhưng may mắn được ở vùng Tân Quy có làng thương phế binh và cư xá cho công chức, sĩ quan, đa số người dân cùng chung hoàn cảnh nên đùm bọc thương yêu nhau, cán bộ phường xã cũng dĩ hoà vi quý. Đội kiểm kê gồm nhiều học trò cũ của má tôi nên tuy biết nhà tôi nổi tiếng có tủ sách lớn nhất vùng đã làm ngơ vì tiếc, chỉ kê vài cuốn giáo khoa cũ mà không tịch thu. Hàng xóm và các thầy cô giáo thấy vậy chở thêm sách lại cho tị nạn nhà tôi. Má tôi cẩn tắc vô ưu nên dù được bảo đảm vẫn đóng khóa sách cẩn thận. Nhà tôi có một tủ sắt loại locker cho cầu thủ trong sân vận động, cao tới nóc nhà. Má tôi tống hết sách báo vào đó, từ tạp chí Văn, Bách Khoa, sách Trung Hoa xưa, tiền chiến, Tự Lực Văn Đoàn, cho đến các tác giả bị liệt vào hạng phản động Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Thụy Long, Mai Thảo, Chu Tử, Duyên Anh, Nguyễn Mộng Giác, Ngô Thế Vinh, Vũ Hoàng Chương, Nhất Tuấn, Nguyên Sa, Trần Dạ Từ, Phạm Công Thiện, Túy Hồng, Nhã Ca, Thụy Vũ … Một cô giáo còn chở lại cả tủ Quỳnh Dao. Má tôi khóa tủ sắt, dặn chị em tôi không được lấy sách ra đọc rồi bỏ lung tung lỡ có ai thấy, ai hỏi thì nói khóa tủ hư lâu rồi không mở được. Dĩ nhiên chị em tôi tránh sao khỏi tò mò, má tôi đi dạy là mở tủ lôi sách ra đọc ngấu nghiến, canh giờ má tôi sắp về thì gom sách cất khóa lại. Cũng từ lúc này tôi mới biết ở Huế có cây sầu đâu!

Riêng bán nguyệt san Thời Nay, do số lượng quá nhiều (mỗi tháng hai số trong mười lăm năm) và cũng là tờ tạp chí yêu thích nhất, má tôi dành riêng một chỗ rất đặc biệt và an toàn. Dân miền Nam xưa chắc ai cũng biết cái garde-manger, người Bắc gọi là chạn thức ăn, phần trên có hai ngăn, hai cánh cửa tủ, giữa là ngăn trống để chai hũ, phần dưới không có ngăn nên rất rộng, chắc dành cho những bao hũ khổ lớn, có cửa đóng lại, là chỗ trú ẩn của bộ Thời Nay gia đình tôi. Đội kiểm kê có vào chắc cũng chẳng nghĩ tới xét lục ngăn thường đựng nước mắm, dưa cải v.v… này. Chị em tôi say mê đọc Thời Nay từng số tới lui đến thuộc lòng mà không chán, mỗi lần lấy ra mấy cuốn một lúc, đọc xong nhét giấu dưới gối nệm, tránh sao khỏi quăn góc, rớt bìa. Hễ má tôi thấy là la, vậy mà không chừa. Ngày đầu kỳ nghỉ hè, má tôi quậy một nồi hồ, chị em tôi mở tủ Thời Nay lôi cả bộ ra, tìm những trang bìa rời dán lại, sắp theo thứ tự ngày tháng. Ít lâu lại tiếp tục rớt bìa, lại dán, lại sắp. Tụi tôi thuộc lòng tới nỗi nhìn tờ bìa là nhớ vanh vách trong cuốn đó có bài nào, ai viết.

Thời Nay được ông Nguyễn văn Thái khai sinh và gầy dựng từ tháng 9 năm 1959, tới lúc ra số chót tháng 4 năm 1975 là hơn mười lăm năm, một quãng thời gian quá ngắn ngủi so với đời người, nhưng đủ để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng độc giả miền Nam, với đứa hậu sinh như tôi thì đó là tờ tạp chí tiếng Việt hay nhất trên đời. Mô hình tương tự Reader’s Digest, nhưng nếu Reader’s Digest như một chương trình tạp kỹ với một vài bài về y tế sức khỏe, chính trị, giải trí, xã hội, tâm lý v.v… gom tứ tung vào một số, Thời Nay chọn lựa và sắp xếp bài vở công phu, thường có chủ đề cho mỗi số, ngoài số Xuân, kỷ niệm chu niên. Hình bìa trình bày mỹ thuật, thường là tranh, ảnh nghệ thuật hay địa danh nổi tiếng, không bao giờ có hình chính trị gia, tài tử hay ngôi sao thể thao. Hình bìa thường theo nội dung chủ đề của số đó. Phần quảng cáo cũng hạn chế để đảm bảo tính nghệ thuật, trang đầu là nước ngọt Con Cọp “Nước ngọt Con Cọp ở đâu, Đấy là khỏe mạnh sống lâu yêu đời”, trang chót là dầu gội đầu Lan Sơn “Tóc mai sợi vắn sợi dài, Lan Sơn em gội thương hoài ngàn năm

Thời gian đầu, Thời Nay có khổ nhỏ, vuông vuông, chữ in nhỏ rí, bìa tối màu, những năm về sau khổ dài hơn, rõ ra hình chữ nhật, chữ in lớn và thưa hơn, bìa nhiều màu sáng hơn. Lối in tựa Thời Nay bằng chữ thường “thời nay” giản dị trên bìa đã từng bị các độc giả khó tính phê bình là sai luật văn phạm/chính tả (trong mục thư độc giả) nhưng Thời Nay trung thành với lối trình bày rất đặc biệt đó tới số chót. Sau trang Con Cọp là mục lục bài vở. Những trang đầu dành cho “Thời Nay Khắp Nơi”, “Người Tạo Thời Cuộc” và “Dưới Mắt Người Việt” điểm tin trong và ngoài nước với lối viết cô đọng, sắc sảo và trào phúng của Trọng Thăng và Trang Cung làm tôi rất mê đọc dù lúc tôi đọc những chuyển biến thời cuộc đó đã quá cũ, mục này giúp tôi hiểu rõ những sự kiện mà sau này tôi được dạy khác hẳn. Những bài viết theo chủ đề của số được sắp gần nhau rất dễ đọc, gồm phóng sự của An Phong, Đông Quân, phiếm luận hài hước cười đau bụng của Thiên Ân, Thẩm Dương, Thẩm Diên An (có phải một người?), bình luận thể thao của Lân Lũy Thân, những bài có tính cách khảo cứu giáo dục tâm lý của Xuân Tước, Thượng Nhân, ký sự và phiếm của Song Thao … Sau Đỗ Vinh có Minh Trí là một bác sĩ y khoa viết nhiều bài về y học và chuyện vui đời sinh viên Y khoa. Các học giả nổi tiếng Sơn Nam, Nguyễn Hiến Lê, Vương Hồng Sển, Lãng Nhân cũng góp mặt thường xuyên. Xen lẫn đây đó là truyện ngắn của Thiếu Khanh, Lê Tất Điều, Tạ Sương Phụng … Thỉnh thoảng có truyện ngắn dịch từ các tác giả ngoại quốc O. Henry, Guy de Maupassant, Andre Gide, Leo Tolstoy, Alberto Moravia... ngoài mục “Sách rút ngắn” giới thiệu tiểu thuyết Âu Mỹ. Thơ không nhiều, nhưng bài nào được chọn đăng cũng thật hay, thường hai ba bài thơ sắp cùng một trang, tựa bài thơ và các chữ đầu câu bao giờ cũng in bằng chữ thường, không hề có chữ in hoa. Ngoài thơ cộng tác viên như Hoài Thương, Mạc Vỵ, Thiếu Khanh nhiều tác giả gửi thơ lúc đó là học sinh sinh viên, sau thành những nhà thơ tên tuổi những năm 80-90. Trang trí bên cạnh tựa bài là những ký họa đơn sơ, hình như của Khánh Giang? Cuối các bài viết có một chuyện vui ngắn in bằng chữ nhỏ nghiêng, nhờ đó tôi thu thập cả kho chuyện cười kể cho bạn bè nghe. Sau mục truyện dài là những trang cuối dành cho độc giả với mục câu đối, câu đố và hộp thư bạn đọc. Trang bìa sau đề tên giám đốc Nguyễn văn Thái, thư ký tòa soạn Khánh Giang, địa chỉ 217 Phạm Ngũ Lão, Văn Thái Ấn Quán. Thời Nay có khuynh hướng chính trị phóng khoáng với thành phần cộng tác viên trẻ nên có bài bị đục đen lỗ chỗ trong những giai đoạn kiểm duyệt khắt khe, bây giờ trong nước gọi là “nhạy cảm”! Mỗi kỳ sự kiện quan trọng như Đại Hội đồng Liên Hợp quốc, hòa đàm Paris, cho đến World Cup (hồi đó gọi là giải túc cầu thế giới), Thế Vận Hội, Thời Nay có cộng tác viên tường thuật tại chỗ với bài vở, hình ảnh phong phú, khi tôi đọc là cũng cả chục năm rồi mà vẫn thấy hấp dẫn.

Nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh cộng tác rất đắc lực cho Thời Nay. Cô có những thiên phóng sự nhiều kỳ rất đặc sắc về những chủ đề trong xã hội như “Con không cha”, “Đàn ông ngoại quốc nghĩ gì về đàn bà VN” ký tên “cô Minh Đức”. Cô có lối viết giản dị mà sắc bén, lôi cuốn, những chủ đề vui cô cũng rất hóm hỉnh trào lộng. Có dạo cô viết phóng sự vui nhiều kỳ “Ôi đàn ông”, sau đó lại xuất hiện “Ôi đàn bà” mà cô giải thích là vì bị độc giả nam giới khiếu nại quá nhiều nên cô phải viết để đảm bảo lẽ công bằng! Cô đi ngoại quốc rất nhiều và thỉnh thoảng có một ký sự vui. Những trang cuối Thời Nay thường dành cho truyện dài nhiều kỳ của cô như Phi lễ, Thiên Nga, Bên ni bên tê. Khi viết truyện dài, giọng văn cô tuy gai góc bướng bỉnh nhưng vẫn mềm mại nữ tính. Dù sao đọc văn cô tôi vẫn tưởng tượng cô là một phụ nữ mạnh mẽ, độc lập kiểu nữ quyền (feminist). Mãi tới khi ra hải ngoại thấy hình cô, một phụ nữ mảnh mai xinh đẹp, thanh lịch, tôi mới tin đó là tác giả những dòng thơ yêu đương mãnh liệt mà nhạc sĩ Phạm Duy đã làm cho bất tử với hai bản nhạc “Đừng bỏ em một mình” và “Kiếp nào có yêu nhau”. Cô vừa mất cách đây không lâu.

Một cộng sự nhiệt tình khác của Thời Nay là Song Thao. Ông đi đây đi đó nhiều theo nhu cầu công việc, đi đến đâu ông không quên gửi một ký sự cho độc giả cùng thưởng thức. Từ Manila, Hương Cảng, Hán Thành, Đông Kinh, đến New York, Washington DC, Los Angeles … độc giả đi du lịch theo ngòi bút sống động đầy hình tượng của ông với những chuyện vui chuyện buồn. Hồi đó còn nhỏ xíu tôi rất mê đọc ký sự Song Thao, đọc đi đọc lại, mơ ước một ngày đặt chân đến những nơi ấy. Bây giờ đi du lịch đã nhiều, những ấn tượng đầu tiên vẫn còn nguyên vẹn khi đọc lại những ký sự này in trong tập “Dấu chân lang bạt” ông xuất bản năm ngoái. Mục “Những điều trông thấy” của Song Thao điểm những sự kiện nổi bật bằng ngòi bút châm biếm sắc bén, nhiều lần nằm dưới lưỡi kéo kiểm duyệt. Ngoài phiếm luận thường xuyên, Song Thao còn giữ mục “100 cuốn tiểu thuyết hay nhất thế giới”, mỗi kỳ tóm tắt một tác phẩm cổ điển rất cô đọng mà diễn cảm. Lúc ấy tôi đọc ông viết về Jane Eyre (Charlotte Bronte), Đỉnh gió hú (Emily Bronte), Phù hoa giả dối (William Thackeray), David Copperfield (Charles Dickens) … Lên cấp hai, đủ trình độ đọc các tác phẩm này trọn vẹn, bài giới thiệu của Song Thao vẫn là cảm hứng ban đầu giúp tôi say mê những nhân vật trong sách. Sau này, khi cộng tác với tạp chí Văn của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, thấy tên Song Thao dưới một truyện ngắn, tôi hỏi có phải đó là Song Thao của Thời Nay không, ông Hoàng bảo “đúng rồi” mà ngạc nhiên không hiểu sao tôi biết Thời Nay! Hay tin ông đã ở Canada, vẫn viết rất mạnh, thiên về truyện ngắn, tôi mừng vì biết thân phận những người cầm bút còn ở lại rất lao khổ. Máu viết phiếm luận và ký sự vẫn còn tươi trong Song Thao nên ông viết đều đặn, đã xuất bản tới cuốn “Phiếm” số 19. Ông cho biết những truyện ngắn ký tên Tạ Sương Phụng, Phượng Uyển trên Thời Nay cũng là của ông.

Khi nhớ lại giai đoạn “đổi đời” của người dân Sài Gòn, tôi cứ nghĩ về ông Thái. Gầy dựng, nuôi nấng tờ tạp chí và nhà in với tất cả tâm huyết qua mười lăm năm nhiều biến động chính trị đến khi chứng kiến nó bị khai tử, hủy diệt, chắc ông phải đau lòng lắm? Phạm Ngũ Lão bây giờ là khu Tây ba-lô xô bồ xô bộn với đủ loại dịch vụ to nhỏ mọc lên như nấm, không còn dấu vết gì của khu báo chí ngày xưa. Tôi thử tìm trên google địa chỉ 217 thì thấy một khách sạn mini, không còn giống gì hình tòa soạn Thời Nay mà nhà văn Song Thao gởi cho tôi xem. Không biết số nhà có thay đổi không, thật đúng là nơi tòa soạn cũ chắc tôi chẳng bao giờ muốn đi ngang nếu là ông Thái.

Tạ thế ở tuổi chín mươi, ông đã chứng kiến lẽ đời thăng trầm bể dâu, có thể cuối đời ông cũng chẳng còn tiếc nuối gì. Thời Nay bị khai tử nhưng nó không chết trong lòng độc giả ái mộ và thế hệ hậu sinh như tôi. Xin vĩnh biệt ông, thần tượng tuổi thơ của tôi, một thời ôm Thời Nay đọc giấu dưới gối!

Tháng 9/2017

1

2

3
Tang lễ ông Nguyễn văn Thái, Giám Đốc Bán Nguyệt San Thời Nay (09/2017)

4

5
Thời Nay hội ngộ: Song Thao, Nguyễn văn Thái, Khánh Giang, Nguyễn Hoàng Quân, Hà Túc Đạo, Thiên Ân (Saigon, 02/2003)

6

0