Bay
Blog
Bồ
Cắt
Complet
Đạp
Gian
Giầu
Giữa

Hiếu
Hít
Học
Khám
Khói
Kín
Kỷ
Lái
Lìa

Mầm
Mở
Ngáy
Ngồi
Ngọt
Sách
Saigon
Sexting
Tạ
Tập
Tìm
Trai
Tử
Vân
Vận
Về
Xu

BAY

Mùa nghỉ lễ cuối năm người ta bay tán loạn. Làm như ai cũng có cánh. Bay về với gia đình, bay đi thăm bà con họ hàng, bay đi trốn lạnh, bay đi du hí. Cứ bay được là bay. Vui hết biết! Đang vui như vậy, ông George Szatmari bỗng ngứa miệng phá thối. Nếu ông chỉ là một tên cha căng chú kiết nào đó thì có thể phe lờ đi, coi như một tên ghen tị ngáng khúc gỗ vào bánh xe lãng tử, nhưng ông lại là một giáo sư môn vi sinh, bệnh nhiễm trùng và miễn nhiễm học của trường Đại Học Montreal thì không thể làm lơ được. Ông nói cái chi? Ông bảo chui vào trong máy bay là chui vào…bệnh! Bởi vì leo lên máy bay thường ai cũng bị stress. Stress làm yếu đi hệ thống miễn nhiễm trong cơ thể con người khiến vi trùng, vi khuẩn dễ chui vào sanh bệnh. Ngoài ra chui vào máy bay là chui vào một không gian hạn hẹp chen chúc những người là người, người nọ truyền vi khuẩn cho người kia. Một ông bà nào đó hắt xì một cú hay ho lớn một phát là tung ra vô số ám khí, người người chung quanh lãnh đủ. Lại nữa, môi trường không khí trong máy bay là một môi trường khô làm nứt nẻ phía trong mũi khiến vi khuẩn dễ a-la-xô vào.

Lại còn cái toilet trên máy bay. Đây là khu vực giao thông nhộn nhịp nhất. Trung bình có khoảng 50 người dùng chung một nhà vệ sinh. Không phải mỗi người chỉ một lần mà có thể nhiều lần tùy theo thời gian bay. Ai đã từng ngồi trên máy bay chắc có nhiều kỷ niệm đau thương về căn phòng bé chút xíu nhưng vô cùng quan trọng này. Thường thì mỗi lần chúng ta muốn…ngao du vào phòng đều phải xếp hàng. Sau bữa ăn, hàng người càng dài hơn! Hầu như ai cũng nhấp nhổm muốn đi thăm…lăng. Dĩ nhiên sau mỗi chuyến bay đều có chùi rửa sạch sẽ nhưng với mật độ khách thăm viếng ồ ạt như vậy, chuyện vệ sinh đôi khi phải nhắm mắt cho qua. Nhiều người lui tới dĩ nhiên là dẫn theo nhiều vi trùng, vi khuẩn!

Cái bàn ăn kéo lên gấp xuống trước mặt chúng ta cũng là một chốn cần phải để ý. Đó là nơi mà mật độ lưu thông của những bàn tay dày đặc nhất. Mà bàn tay là công cụ giúp cho vi khuẩn di chuyển hữu hiệu nhất. Có cái may là mấy anh nho nhỏ mắt thường chúng ta không nhìn thấy cần có thực phẩm nuôi dưỡng là sự ẩm thấp, thứ không có trên cái bàn ăn này.

Ngoài những khu vực tương đối nguy hiểm nhất trên máy bay kể trên, còn một khu vực mà chúng ta ít chú ý tới. Đó là những cái dựa đầu trên ghế. Thường thì mỗi khi bắt đầu một chuyến bay, những cái dựa đầu này được thay bằng một miếng vải giấy trắng tinh nên cũng không ngại lắm. Nhưng với những ghế ngồi sát đường đi, đây là nơi cần coi chừng. Những con người di chuyển trên máy bay thường loạng quạng phải vịn vào một chỗ nào đó. Chỗ tiện tay nhất là hàng ghế hai bên lối đi. Tay đi qua, tay đi lại, thường là tay của những người đi viếng căn phòng giải tỏa bụng dạ, không bảo đảm sạch sẽ. Vậy là hai hàng ghế này lãnh đủ.

Giáo sư George Szatmari là một nhà khoa học nên chỉ báo động cho các hành khách máy bay về tỉnh trạng liên quan đến sức khỏe của họ trên máy bay. Nhưng cưỡi máy bay còn nhiều điều đáng lo hơn nữa. Một trong những cái đáng lo là nạn ăn cắp. Đây là một điều cấn cái của các hãng máy bay mà họ không dám báo động cho hành khách đề phòng. Trộm cắp trên máy bay (in-flight theft) là điều có thật. Chính những hành khách đi cùng chuyến bay là thủ phạm. Điều này thực sự tôi không nghĩ tới khi ngồi trên…mây. Thường thì khi đi máy bay, hành khách nào cũng mang theo những thiết bị giải trí cho qua những giờ ngồi không nhàm chán. Tôi thường mang theo chiếc mini iPad gọn nhẹ để đọc sách, đọc truyện hay chơi game. Đó là một người bạn đồng hành cần thiết. Không có chiếc máy nho nhỏ này chắc chết! Ít năm trước, khi tablet chưa ra đời, tôi ôm theo chiếc laptop nho nhỏ. Cũng giết được thời giờ. Đọc một hồi phải mệt, thiếp đi một chút. Có khi đường bay dài xuyên đại dương, mệt quá làm ngay một giấc ngon lành. Chiếc máy có khi nằm trên lòng nhưng cũng có khi vất vưởng bên cạnh. Có lần chiếc máy còn rơi xuống sàn, không biết ai đi qua nhìn thấy nhặt hộ, đặt lại trên ghế. Các bà thì lỉnh kỉnh hơn, vừa máy, vừa áo quần, vừa bóp ví. Nhiều bà đi vào phòng vệ sinh vứt đại chúng trên ghế. Ai cũng nghĩ rằng trên máy bay chắc chẳng có ai ăn cắp. Cứ suy ra thì thấy: ăn cắp rồi chạy đi đâu? Chẳng lẽ nhảy dù! Vậy mà có. Tháng 6 vừa qua, một ca sĩ Việt Nam, trên chuyến bay từ Bangkok đi Brussels, đã bị mất sạch tiền trong chiếc ví để tại chỗ ngồi. Vài hành khách khác cũng bị chôm đồ. Thủ phạm chính là bạn ta, những hành khách ngồi trên những chiếc ghế gần hoặc sát với nạn nhân. Nạn trộm cắp trên máy bay ngày nay là chuyện thường ngày có thể xảy ra trên tất cả các chuyến bay trên trời Âu, Á hay Mỹ châu. Đã có loại hành khách ăn cắp chuyên nghiệp. Vừa bước lên máy bay là những tay trộm cắp trên không này đã làm việc. Chúng quan sát hành khách ngồi gần coi xem người nào có dấu hiệu mệt mỏi, dễ ngủ say hoặc có dấu hiệu lo âu vì sợ đi máy bay hoặc mới bay lần đầu dễ lơ là lo ra, hoặc chưng diện, kim cương vòng vàng xuyến bạc bám trên người. Vậy là khi thời cơ tới chúng sẽ ra tay liền. Càng trên các chuyến bay dài giờ, nạn trộm cắp càng nhiều. Các xách tay để dưới ghế ngồi hoặc trên những hộc để đồ cũng bị rút ruột.

Cuối tháng 5 năm 2013, các hãng thông tấn Mỹ đưa tin phi trường Los Angeles là nơi nhận được nhiều trình báo mất cắp trên máy bay nhiều nhất. Tính từ năm 2011 đến nay đã có 130 vụ xảy ra ngay khi đang bay hoặc sau khi máy bay hạ cánh.

Có hai vụ được báo chí Mỹ đưa tin. Bà Virginia Blumenthal, 65 tuổi, ngụ tại Riverside, tiểu bang California, cho biết trong một chuyến bay từ Los Angeles đến Buenos Aires ở Á Căn Đình hồi năm ngoái, bà đã bị kẻ cắp lục túi xách lấy đi nữ trang, máy ảnh và iPad. Bà nói với các phóng viên: “Tôi chỉ biết mình bị mất cắp sau khi máy bay hạ cánh. Tôi liền báo an ninh phi trường nhưng họ chẳng làm chi được. Sau đó, mỗi lần đi máy bay, tôi cất những thứ quý giá và thông hành vào chiếc túi nhỏ, luôn để sát người, khi đi vệ sinh cũng mang theo”. Tháng 3 vừa qua, một cặp vợ chồng bay từ Singapore đến Hồng Kông bị trộm nữ trang và tiền mặt. Họ báo ngay với phi hành đoàn. Hành khách bị chặn lại trước khi rời máy bay. Và thủ phạm đã bị bắt.

Thường thì khi đi máy bay, chúng ta như lạc vào một cuộc sống khác. Vội vã, lúng túng, lơ là hoặc quên trước quên sau. Cẩn thận tới đâu cũng có lúc chúng ta sơ ý. Tôi đã có lần bay từ Montreal tới Houston, khi xuống máy bay, ríu rít gặp người thân, ra xe về. Trên đường đi mới biết đã bỏ quên chiếc túi đựng thông hành và tiền bạc trên máy bay. Tá hỏa tam tinh, vội vòng xe lại phi trường. Tiền bạc không nói làm chi nhưng tấm bùa hộ mạng là giấy thông hành thì vạn lần rắc rối. Nếu mất không biết tòa Lãnh Sự Canada có kịp phát cho cái khác để kịp ngày về hay không. Trở lại phi trường, tìm tới quầy vé của hãng máy bay trình báo. Họ cho biết chiếc máy bay sẽ rời phi trường đi nơi khác ngay. Họ vội dáo dác gọi máy liên lạc với toán thu dọn máy bay. Phúc bảy mươi đời, toán này cho biết có giữ chiếc túi đó. Chờ gần nửa tiếng, toán thu dọn mới mang tới. Họ hỏi tên tuổi, quốc tịch, dò soát lại thông hành trong túi mới xác nhận đây đúng là khổ chủ và cho lãnh về. Bữa đó tôi lên ruột dữ! Rút kinh nghiệm, khi rút một thứ gì trong túi xách ra, xài xong, phải bỏ vào trong túi liền. Vứt trên ghế, chờ cho khi xuống mới thu dọn có ngày mang hận.

Nhiều người khi bị trộm cắp trên máy bay đều nghi ngay các cô các cậu tiếp viên là thủ phạm. Bởi vì họ vẫn quan niệm hành khách chung chuyến bay là…bạn. Nhưng họ đã bé cái lầm. Đã có trường hợp ngay hành khách của khu hạng nhất cũng đã chôm đồ của người ngồi cạnh. Hành khách máy bay ngày nay tạp pí lù lắm. Chẳng nên đặt lòng tin vào họ. Phi hành đoàn thường là những người có kỷ luật, không dám làm càn. Họ cần giữ cái job khá thơm của họ. Sai một ly đi một dặm, họ ít khi dám phiêu lưu. Thọc tay vào túi tiền của hành khách chính là những ông chủ của họ.

Những anh tài phiệt có máy bay lấy cớ thua lỗ nên đưa tay thọc vào túi tiền của chúng ta bằng nhiều cách. Cách mạnh bạo nhất là lấy tiền cước hành lý của chúng ta. Nghĩ tới những ngày xưa thân ái mà thèm. Ngày đó, cứ cưỡi máy bay là có quyền gửi một hoặc hai va ly hành lý tùy theo từng hãng máy bay. Mà mỗi va ly được quyền nặng tới 32 kí chứ không chơi ngược con số thành 23 kí như ngày nay. Ngày đó, mỗi lần cưỡi máy bay tôi chơi một chiếc va li tổ chảng. Tha hồ nhồi nhét. Nếu về Việt Nam thì hai va li lớn đầy nhóc cho mỗi người, muốn mang nồi niêu soong chảo hoặc máy móc cồng kềnh chi cũng  có thể nhét vào dễ dàng. Chiếc va li bự con ngày đó sau này bị thất sủng. Năm ngoái, trong một lần dọn dẹp nhà cửa, được lôi từ trong xó xỉnh ra. Mắt đã quen nhìn những chiếc va li thanh cảnh gọn gàng thường dùng bây giờ nên anh chàng va li đã theo chân mình đi khắp chốn ngày xưa nay trông kệch cỡm ô dề. Biết chẳng có dịp dùng lại nên đành vứt bỏ chúng đi. Để chỉ thêm chật nhà chật cửa. Va li bây giờ nhỏ nhắn, nhét đầy ứ cũng chỉ 23 kí, vậy mà cũng không được thong thả mang theo. Muốn xách đi chu du phải trả tiền. Cái thứ nhất 25 đô, cái thứ hai 35 đô. Bỏ rẻ mỗi hành khách 25 đô, các anh chủ hãng máy bay thu vô bộn tiền.

Chiêu móc túi hành khách thứ hai là không cho hành khách ăn miễn phí. Trời đánh còn tránh miếng ăn, làm vậy sao đúng được ý trời! Nhưng chắc máy bay bay trên trời nên gần nhà gọi bụt bằng anh, coi trời như pha. Ngày xưa, cưỡi máy bay là được vỗ béo bằng những bữa ăn tới tấp. Ngày nay may ra được một bao bánh nhỏ xíu con nít ăn cũng còn thòm thèm. Nếu muốn có đĩa ăn nóng, cứ móc hầu bao ra. Rẻ nhất cũng 5 đô.

Chiêu móc túi tiếp theo là ưu tiên ghế ngồi. Thường thì những hàng ghế đầu có khoảng cách để chân rộng hơn những hàng ghế dưới. Những hành khách có trẻ em đi cùng được ngồi trên những hàng ghế này cho các bé thoải mái hơn. Đó là chuyện xưa tích cũ. Ưu tiên này nay đã bị bãi bỏ, thay vào đó nếu hành khách nào muốn ngồi nơi có thể duỗi chân thoải mái hơn cứ việc chi thêm tiền. Chẳng bao nhiêu. Chỉ vài chục đô tùy theo từng hãng. Nhưng nếu tạp ăn thì thêm đô nào hay đô đó, các anh tài phiệt vẫn cứ ngửa tay lấy tiền bỏ túi.

Trên máy bay có những cửa exit khi gặp trường hợp khẩn cấp. Những hàng ghế gần cửa thoát hiểm này có chỗ để chân rộng rãi hơn. Trước kia, các tiếp viên thường chọn những hành khách nhanh nhẹn, trẻ trung và khoẻ mạnh ngồi trên những hàng ghế này để lỡ khi máy bay gặp tai nạn, những người này sẽ nhanh nhẹn mở cửa cho hành khách thoát ra. Tính như vậy là hợp lý và an toàn hơn cho tính mạng hành khách. Ngày nay, tính mạng hành khách phải nhường bước cho túi tiền của chủ hãng. Cứ xùy thêm tiền ra thì dù có ốm yếu bệnh tật cũng được ngồi vào chỗ thoải mái này. Sự an toàn của hành khách coi như đồ bỏ! Các hãng máy bay thu thêm được bao nhiêu tiền cho chỗ ngồi liên quan đến sự an nguy của tất cả hành khách này? Xin thưa: hãng Qantas của Úc đưa ra cái giá từ 80 đô tới 160 đô tùy theo đường bay dài hay ngắn!

Những hành khách nặng quá khổ chịu khổ thêm khi leo lên máy bay. Họ phải trả thêm tiền một vé nữa! Phì tới cỡ nào thì phải tốn thêm vé? Cứ ngồi không lọt được xuống ghế với hai cái tì tay hạ xuống hoặc sợi nịt an toàn không đủ dài để có thể gài khóa được là phải chi thêm tiền. Thiệt tội cái thân nhiều mỡ! Nhiều tổ chức nhân đạo bênh vực quyền của giới tiêu thụ đã la oái oái cho trường hợp bóc lột thêm tiền này. Họ lý luận là dù có tội chiếm nhiều chỗ quá, những hành khách này cũng chỉ là một con người. Vé bán cho người chứ không phải cho ghế! Không biết có phải vì sự phản đối này không mà các hãng máy bay cũng đã xét lại. Các hãng máy bay American Airline, JetBlue US Airway và các hãng Canada đã tha tào cho cái túi tiền của những hành khách quá khổ nếu chuyến bay không bán hết vé. Tối Cao Pháp Viện Canada chúng tôi chơi ngon hơn. Tòa Tối Cao đã phán định là các hãng máy bay phải dành chiếc ghế thứ hai hoàn toàn miễn phí cho hành khách mập phì nếu họ không ngồi vừa một ghế. Nhưng phán quyết này chỉ thi hành đối với các chuyến bay nội địa.

Chọn ghế ngồi là một cơ hội khác để moi hầu bao hành khách. Ngày trước, khi lấy vé là có quyền chọn chỗ ngồi. Ngày nay quyền này vẫn còn nhưng kèm theo quyền là tiền. Muốn chọn chỗ ngồi ngay tút suỵt thì xin chi thêm ra hai chục đô. Không muốn chi tiền thì ráng đợi tới 24 giờ trước khi máy bay cất cánh mới được vào internet chọn chỗ ngồi. Dĩ nhiên chậm chân như vậy thì chỉ còn những chiếc ghế ít ai ưa.

Mỗi lần đi máy bay, tôi hay chọn chỗ ngồi phía trên, gần cánh máy bay càng tốt, vì nghĩ là ngồi ở vị trí đó vững vàng hơn. Chỗ tôi chê nhất là cuối máy bay, vừa gần toilet có mùi, vừa phải thân cận với hàng người xếp hàng, vừa…xóc. Tưởng nghĩ như vậy là khôn ai ngờ là dại. Bởi vì, theo một cuộc nghiên cứu mới đây được thực hiện trên sa mạc Sonoran ở Mexico thì chỗ ngồi an toàn nhất khi máy bay bị rớt là chỗ đuôi máy bay! Người ta dùng một chiếc máy bay Boeing 727 cho rớt xuống đất. Khi ở độ cao 762 thước, viên phi công nhảy dù ra ngoài. Trên máy bay còn ba người nộm được chế tạo rất tinh vi, có thể chuyển động như người thật. Sau khi chiếc máy bay lao phần mũi xuống đất, ước tính có khoảng 78% hành khách sẽ thiệt mạng. Trớ trêu là tất cả hành khách hạng nhất chắc chắn sẽ chết trước bởi vì máy bay bị cắt nát ở phần giữa! Ai bảo đồng tiền bỏ ra là khôn!

Thông thường ghế trên máy bay được phân chia thành hai dãy, nằm giữa là đường lưu thông, mỗi dãy có nhiều hàng ghế. Đó là những máy bay lớn trung bình mà tôi thường hay di chuyển. Những máy bay lớn hơn hoặc nhỏ hơn có cách sắp xếp ghế khác nhau. Mỗi hàng ghế trên máy bay loại trung bình có ba ghế. Một ghế sát cửa sổ, một ghế giữa và một ghế sát bên đường đi giữa máy bay. Những người hay đi toilet hoặc muốn thỉnh thoảng đứng lên một chút cho giãn gân cốt thường chọn những chiếc ghế sát bên đường đi. Những người thích ngủ thì chọn ghế sát bên cửa sổ để có thể dựa đầu vào cạnh cửa sổ nằm ngủ. Chiếc ghế giữa chẳng ai ưa. Vừa chênh vênh vừa phải ké né với hai người ngồi hai bên.

Chiếc ghế giữa bị chê này cũng có chuyện hay. Chuyện do ca sĩ Don Hồ kể. Kể cũng lạ, anh chàng Don Hồ này có giọng hát khàn khàn riêng biệt, được mời đi show liên miên, tưởng chỉ ca thôi, ai ngờ viết rất có duyên. Chuyện “Chiếc Ghế Giữa” là chuyện xảy ra trên một chuyến bay qua Úc trình diễn. “Chẳng biết ngày quái quỉ chi mà chuyến bay đông nghẹt? Đông lắm! Chật ních những hàng ghế từ trên đầu khoang hạng nhất cho tới mãi tận đuôi máy bay. Cũng may mình đã chọn lấy ghế trước từ lâu rồi nên…phước bảy mươi đời  vẫn còn được cái ghế cửa sổ để dựa vào mà ngủ cho dễ hơn”. Tưởng ngon hóa ra khi tới chỗ đã thấy một bà già ngồi ngon lành. Sau một hồi xác minh, bà già đành phải miễn cưỡng trả lại chỗ cho chàng ca sĩ. Chỗ của bà là chỗ giữa, ngay bên cạnh. Bay 14 tiếng mà ngồi giữa mệt ngất ngư là cái chắc. Yên vị nơi chiếc ghế bên cửa sổ, lòng nhân ái của Don Hồ mới chồm chồm ngồi dậy. “Cũng thấy động lòng nhưng tự nhủ là “Không nha. Không được đâu nha. Đường dài lắm, cần phải giữ cái ghế cửa sổ này ngủ lấy sức để khi về tới nơi còn làm việc được ngay. Rồi còn có sức để ba bữa nữa còn bay qua Âu Châu nha. Không được yếu lòng mà nhường ghế đâu nha”. Bà cụ cuối cùng như an phận chịu đựng, ngồi lọt hẳn vào giữa lòng ghế, mắt ngó thẳng ra trước, chắc hẳn trong đầu bà cũng đang nghĩ về đoạn đường bay dài dằng dặc và sức khỏe của mình…Đã cố ngó lơ đi rồi đấy chứ, nhưng rồi cuối cùng không đành lòng, rồi cũng xoay qua nói nhẹ như hơi thở, một phần chắc cũng hy vọng cho bà ta đừng nghe thấy rõ: “Bà sẽ có cảm thấy tốt hơn khi tôi đổi ghế cho bà không?”. Bà cụ nẩy lên hết sức mừng rỡ, nói như reo: “Cậu nói gì? Thật à? Cậu đổi ghế cho tôi thật à? Ôi thật sung sướng quá, cậu thật tốt. Rồi Chúa sẽ ban ơn lành cho cậu!”. Chắc Chúa có mặt tại đó nên ban ơn liền: tuy phải ngồi ghế giữa mà chàng ca sĩ ngủ rất dễ dàng suốt chuyến bay, quên cả bữa ăn tuy bụng rất đói. “Khi bừng mở mắt dậy, chung quanh mọi người đang lách cách muỗng nĩa ăn tối, trước mặt một khay đồ ăn đã nằm ngay đó chờ đợi với lon nước ngọt. “Tôi đã lấy cho cậu thịt bò vì tôi nghĩ nó ngon hơn món nui. Máy bay đông quá nên khi thấy ai cũng lấy thịt bò tôi sợ hết nên đã mạo muội bảo lấy trước cho cậu…” Bà cụ nói. Món thịt bò ăn vừa miệng thiệt. Cũng nhờ bà cụ mà mình còn khay thịt. Ăn xong lại thiếp ngủ đi cho tới bụng lại cồn cào đói thì lại thức dậy. Trước mặt đã lại có ổ bánh mì kẹp jambon. “Tôi nghĩ cậu thức dậy sẽ lại đói nên hồi nãy họ mang bánh mì tới, tôi lại bảo để lại cho cậu…”. Và cứ như thế cả chuyến bay mình đã ngủ ngon lành, khi tỉnh dậy thức ăn đã có sẵn ngay tầm tay. Khi thì thanh kẹo, khi thì ổ bánh mì, khi thì cái bánh bông lang. Có lúc cũng hơi thắc mắc là sao chuyến bay này có vẻ cho khách ăn “phủ phê” hơn những lần khác?”. Khi bà cụ đi vệ sinh, cô gái ngồi ghế bên ngoài mới nói nhỏ cho biết là kẹo bánh là đồ ăn riêng của bà cụ mang theo trong túi xách! Thì ra vậy! Nhưng chuyện còn đi xa hơn vậy. “Sau những câu chuyện qua lại nhỏ nhặt trên chuyến bay mới biết được bà cụ là một người gốc Do Thái. Trước khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, toàn gia đình đã từng bị đầy lao động khổ sai trong trại tập trung của Đức Quốc Xã. Trên chuyến xe cuối cùng chở tới phòng hơi ngạt bà ngồi giữa ba mẹ của bà cho tới khi hai ông bà bị giật phăng ra khỏi ghế. Và từ đó bà rất hãi sợ ngồi ghế giữa ở bất cứ nơi nào, bất cứ tình huống nào…”.

01/2014