Tôi là một người ưa thể dục thể thao, ngay từ nhỏ. Bắt đầu lên trung học là đã tập tạ mỗi ngày, cũng bắp tay bắp chân tuy chưa tới mức cuồn cuộn như dây thừng!
Cũng eo thon bụng nhỏ, chỉ tội đếm mãi vẫn chưa thấy đủ sáu múi! Sáng sáng thức dậy từ năm giờ, đạp xe tới hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm, trước cửa Sở Thú Sài Gòn, bơi một tiếng rồi về đi học. Bơi dọc theo hồ, vòng nọ nối tiếp vòng kia không biết mệt. Còn lặn thì hết xảy. Chúng tôi thi đua lặn xuống chỗ sâu nhất của hồ, sâu trên 4 thước, ngồi đồng ở dưới coi xem đứa nào lặn được lâu nhất. Nói không phải để khoe, tôi bao giờ cũng trồi lên sau cùng. Khi đi học, lúc đó trường Chu Văn An còn học nhờ ở dãy nhà dưới của trường Petrus Ký, sát sân vận động, rất dễ bát học, tôi lặn cũng nghề lắm. Vậy là lặn dưới nước hay trên cạn, tôi cũng vẫn ngon lành!
Chỉ có điều tôi chưa bao giờ là một vận động viên. À quên, cũng có chứ! Hồi tôi đi tu nghiệp dài hạn ở Phi Luật Tân, khoảng năm 1972, lúc đó đã là công chức, già rồi, tôi có tham gia cuộc thi đánh bóng bàn cho kiều bào Việt Nam do tòa Đại Sứ tổ chức. Cũng cờ quạt, cũng ủng hộ viên, toàn là người Việt, họa hoằn mới có khán giả người ngoại quốc. Tụi tôi ở trong International Center của trường Đại Học University of Philippine, gồm toàn sinh viên ngoại quốc, nên kéo được các ủng hộ viên là bạn bè trong dorm. Vòng đầu, tôi gặp đối thủ là một ông cha Việt nam, tôi thắng. Vòng hai, gặp một tên bạn sinh viên khoa Canh Nông ở dưới Los Banos. Tên này ma lanh có thừa nên thắng tôi dễ dàng. Vậy là vận động viên tôi chỉ giỏi bắt nạt các vị tu hành!
Chẳng gì cũng vận động viên một thuở nên cứ mỗi kỳ Thế Vận Hội hay tranh giải Bóng Tròn Thế Giới World Cup là tôi leo lên máy bay. Có điều là leo lộn! Kỳ Thế Vận Hội Mùa Đông năm 2010 tổ chức tại Vancouvermáy bay chở tôi tới…Cali! Kỳ World Cup 2010 tổ chức tại Nam Phi, tôi tới Cuba! Kỳ Thế Vận Hội Mùa Đông năm nay tổ chức tại Sochi bên Nga, tôi tới Punta Cana bên nước Cộng Hòa Dominican. Vậy nên tôi chỉ coi được phía sau của Thế Vận Hội! Không gì vô duyên bằng!
Nhưng vô duyên cũng có cái hay của vô duyên. Biết được thế giới có những khác biệt. Nằm trong khách sạn ở Punta Cana trong tuần qua, tôi cũng cố vớt vát chút đỉnh bằng cách mở ti vi coi xem bên Sochi các lực sĩ làm ăn ra sao. Cầm cái remote control rà từ trên xuống dưới các băng tần thể thao nói tiếng Tây Ban Nha, thấy toàn đá banh, chẳng Sochi chi cả. Chỉ có một đài Sochi suốt ngày, chỉ chiếu độc nhất môn curling. Dân Việt ta rất xa lạ với môn này. Môn này có hai đội đấu với nhau. Các đấu thủ lăn những trái cầu tới mục tiêu là những chiếc vòng tròn đồng tâm. Một người ném trái cầu và những đồng đội của họ, mỗi người một cây…lau nhà quét phía trước và hai bên trái cầu để tạo lực ma xát điều khiển tốc độ và hướng đi của trái cầu. Càng nhiều trái của đội mình nằm trong vòng tròn càng có nhiều điểm. Môn mà tôi thường tếu là môn…lau nhà này lại được dân địa phương khoái. Họ hầu như quên hết các món thi đấu khác. Tôi thắc mắc: bữa coi diễn hành của các đoàn lực sĩ trong buổi lễ khai mạc, tôi thấy đoàn Cộng Hòa Dominican chỉ vỏn vẹn có vài ba lực sĩ. Chẳng biết họ dự tranh môn gì. Chắc là môn…lau nhà!
Kỳ World Cup 2010 tại khách sạn ở Cuba tôi thấy những du khách bày tỏ lòng ái quốc một cách nồng nhiệt. Họ reo hò, mặc áo đội banh nước mình, trương cờ nước mình, nhảy múa mỗi khi đội tuyển nước mình đưa banh vào lưới. Tôi vô tổ quốc làm kẻ đứng bên lề coi thiên hạ múa may. Dân mỗi nước biểu tỏ sự vui mừng một cách khác nhau. Dân da trắng giơ tay đập nhau chan chát, dân da đen nam cũng như nữ ưỡn ẹo nhảy múa, mông lắc dẻo quẹo. Có dân lại vác cờ chạy một vòng quanh sân như ma đuổi. Có dân nốc rượu ào ào như chết khát. Vui hết biết.
Tôi tưởng mình vô tổ quốc hóa ra cũng yêu nước…người ra rít. Kỳ Thế Vận Hội Mùa Đông năm 2010, tôi tới nhà ông anh họ ở Sacramento chơi. Trên đường đi tôi đã dục chú em làm tài xế từ San Jose lên Sacramento lái nhanh lên coi có vớt vát nghía được chút nào trận chung kết hockey giữa Mỹ và Canada không. Vậy mà khi tới nơi, nhà ông anh tôi đang ồn ào tranh cãi. Trận đấu vừa kết thúc. Canada thắng trong giờ overtime với cú sút của Sydney Crosby. Ông anh tôi, mặt đỏ tía tai, cay cú nặng lời: “Mẹ kiếp! Tụi Canada thắng không xứng đáng!”. Chợt nhìn thấy tôi, ông le lưỡi cười. Tụi Canada đang ngồi lù lù trước mặt ông! Thiệt tức cười. Anh em người Việt bỗng một người yêu nước Mỹ, một người yêu nước Canada!
Chuyện hockey tại Thế Vận Hội mùa đông chẳng chỉ làm quê ông anh tôi mà ngay cả Tổng Thống của ông anh tôi là ông Obama cũng quê luôn. Kỳ thế vận năm 2010 mà tôi đang nói tới được tổ chức ở thành phố Vancouver, hai ông Obama và Thủ Tướng Canada Stephen Harper đánh cá một két bia. Họ giao hẹn trước là, nếu thua, ông Obama phải mua bia Canada của hãng Molson. Ngược lại, nếu ông Harper thua, thì phải mua bia Yuengling do tiểu bang Pennsylvania của Mỹ sản xuất. Đây là hãng bia lâu đời nhất của Mỹ. Đội hockey Mỹ thua, ông Obama phải chi ra 45 đô 40 xu Canada, tính ra tiền Mỹ ông lời được chút đỉnh, chỉ móc túi 43 đô 20 xu tiền Mỹ thôi, để mua một két bia Molson trụ sở tại Montreal chúng tôi sản xuất. Ông Harper có tới Vancouver coi trận đấu. Sau khi đội Canada thắng, ông vào phòng thay đồ của các tuyển thủ Canada, nói với họ là ông đang chờ ông Obama chi két bia. Chỉ là một két bia nhưng là thứ cỗ ngoài đình nên giá trị lớn lắm. Tôi mà là ông Harper thì tôi đã tặng két bia này cho các tuyển thủ Canada uống lấy hên!
Hai ông tà lọt là phát ngôn viên tòa Bạch Ốc Robert Gibbs và phát ngôn viên của Thủ Tướng Canada Dimitri Soudas, cũng cá. Không dám phạm thượng, họ chỉ dám cá phía hockey nữ thôi. Bên thua sẽ phải mặc áo đồng phục của đội thắng trong cuộc họp báo kế đó. Kết quả, đội nữ Canada cũng thắng. Ông Soudas đía liền: “Màu đỏ và trắng sẽ lộ ra trong mắt ông Robert!”. Hai màu này là màu áo của các tuyển thủ Canada! Thấy câu nói có vẻ ăn thua cay cú quá nên ông Soudas vuốt thêm: “Tôi sẽ gửi chiếc áo của đội tuyển Canada cho ông Robert để ông ghi nhớ và cưng quý trong suốt cuộc đời còn lại của ông tình thân giữa bất cứ hai nước nào trên thế giới”.
Năm nay, hai ông Obama và Harper gặp nhau tại cuộc họp thượng đỉnh ba nước Bắc Mỹ tại Toluca bên Mễ Tây Cơ vào đúng lúc thế vận hội đang diễn ra bên Nga, máu cờ bịch lại nổi lên, hai ông lại cá nhau nữa. Hăng tiết vịt, họ cá luôn hai cú: cả hockey nam lẫn nữ, chẳng chừa cửa đánh cá nào cho hai ông phát ngôn viên cả. Ngày thứ năm 20 tháng 2, trận chung kết nữ giữa Mỹ và Canada diễn ra. Chỉ còn gần 4 phút là kết thúc, Mỹ đang dẫn trước 2-0. Chắc lúc đó ông Obama đang xoa tay, cười toe, sửa soạn nhận két bia của ông Harper. Ai ngờ gió đổi chiều. Chỉ vỏn vẹn trong bốn phút phù du, Canada gỡ huề 2-2. Đánh overtime tiếp, Canada thắng luôn. Vậy là người nhận bia là ông Harper chứ không phải ông Obama. Ngày kế tiếp, 21 tháng 2, hai đội hockey nam của Mỹ và Canada đụng nhau, lần này là vòng bán kết chứ không phải chung kết như kỳ trước. Kết quả Canada thắng 1-0. Vậy là ông Harper ẵm trọn hai két bia. Tôi tìm hiểu nhưng không biết lần này ông Obama sẽ phải chi cho ông Harper loại bia nào. Tonton Obama vốn là một người quyền biến nên tôi nghi quá! Năm nay ông đã tự sản xuất được bia ngay trong tòa Nhà Trắng nên ông dám gửi cho ông Harper thứ cây nhà lá vườn này quá. Làm như vậy ông vừa khoe được tài làm bia vừa đỡ móc tiền túi mua bia làm phiền bà Michelle.
Hãng bia Molson kỳ này coi bộ chẳng mấy hy vọng có tí tiền của ông Obama tuy vài chịch đô cũng chẳng đáng là bao. Nhưng cuộc đánh cá giữa hai ông to đầu nhất của hai cường quốc Bắc Mỹ là một cú quảng cáo đáng giá bạc triệu. Năm nay, chỉ vì quảng cáo, họ đã phải cho các tuyển thủ và dân Canada tham dự thế vận hội uống bia free. Những tủ bia màu đỏ có chiếc lá phong màu trắng được đặt tại địa điểm thế vận cho công dân Canada uống thả cửa tới say thì thôi. Tủ bia lạnh để khơi khơi ngoài trời, chẳng có nhân viên phục vụ chi cả, vậy thì làm sao biết ai là dân lá phong, ai không phải, để mà xì bia ra. Phải nhờ máy móc điện tử. Dân Canada chỉ việc đút chiếc sổ thông hành Canada vào một chiếc lỗ cho máy đọc. Nếu đúng là con dân xứ lá phong, cửa sẽ mở khóa, cứ việc lấy bia Molson uống chơi! Báo chí có mặt tại thế vận đã ví von là chiếc sổ thông hành của Canada tăng thêm giá trị: nó cõng được những lon bia!
Công dân các xứ khác nhìn cảnh dân Canada mở tủ bia bằng thông hành thèm nhỏ giãi. Một đạo diễn của hãng truyền hình ABC, ông Meredith Frost, la lên: “Canada chơi điệu quá!”. Một ông Mỹ tên John Elder ở Nashville tiếc rẻ: “Chưa bao giờ tôi muốn là dân Canada như bây giờ!”. Một người lấy bí danh “From Ice Level” viết trên trang mạng xã hội Twitter: “Điều này chứng tỏ Canada là một nước vĩ đại nhất trên thế giới!”. Còn ký giả của báo USA Today không ngần ngại viết: “Chiếc tủ bia Canada này là kỹ thuật đáng nể nhất ở Thế vận Hội!”.Phát ngôn viên của hãng bia Molson, ông Forest Kenney, cho biết đây là tiếp nối một chiến dịch quảng cáo của hãng đã thực hiện tại Âu Châu trước đó. Molson đã từng đặt những chiếc tủ bia này tại một vài địa điểm ở Luân Đôn, Paris, Brussels và ngay ở một vài nơi hẻo lánh trong vùng quê nước Bỉ. Mỗi nơi chỉ đặt trong mười ngày. Riêng ở Sochi thì kéo dài trong suốt thời gian thế vận hội.
Không biết có phải vì được uống bia free mà hai đội hockey nam và nữ của Canada đều đoạt được huy chương vàng hay không, nhưng chỗ ở của đoàn tại Sochi chắc chẳng giúp ích chi cho việc gìn giữ và bồi bổ sức khỏe trong thời gian tham dự thế vận hội. Các tuyển thủ hockey được xếp cho ở ba người một phòng. Trong phòng chỉ vỏn vẹn có ba chiếc giường đơn nhỏ xíu kê song song với nhau và hai chiếc table de nuit nơi đầu giường. Thiệt không bằng phòng trong những motel hạng bét ở Canada. Tất cả phải dùng chung phòng tắm và vệ sinh. Chẳng cứ các tuyển thủ hockey mà toàn thể 110 vận động viên Canada đều phải chịu ăn ở với tiện nghi tối thiểu này. Ngôi sao Steven Stamkos của đội Tampa Bay Lightning được tuyển vào đội Canada nhưng đang bị thương gẫy chân không biết có tham dự được không, chẳng biết có mỉa mai không khi nói: “Tôi nhớ hồi chơi cho đội tuyển nhí dưới 17 tuổi, tôi cũng đã ăn ở kiểu như thế này. Kể cũng vui. Chỉ hy vọng là không có ai ngáy thôi!”.
Thường thì mỗi dịp thế vận hội, các nguyên thủ quốc gia có vận động viên tham dự đều thu xếp để tới tham dự. Trước là kết tình ngoại giao, sau là ủng hộ con dân đang đổ mồ hôi trên đấu trường. Kỳ thế vận Sochi này, các vị rủ nhau tảng lờ. Chỉ có ông Tập Cận Bình của Trung Quốc, Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới với ông Putin. Sao lại vắng vẻ như vậy? Họ bảo là để phản đối đạo luật kỳ thị người đồng tính của ông Putin! Ông Obama không tới lại còn chơi khăm ông Putin khi cử phái đoàn chính thức đại diện Hoa Kỳ do bà cựu Bộ Trưởng Nội An Janet Napolitano cầm đầu, mà thành phần có tới ba cựu vận động viên đồng tính! Đó là đầu thủ quần vợt Bille Jean King, huy chương vàng Thế Vận Hội 2006 Caitlin Cahow và chàng tuyển thủ trượt băng Brian Boitano. Lý do nổi của sự xa lánh của các nguyên thủ là vậy nhưng báo chí nghi đó chỉ là động tác giả mà các tuyển thủ thường hay dùng để lừa đối thủ khi thi đấu. Lý do thực sự là tình hình khủng bố. Các nhóm Hồi giáo tại Nga đã dọa sẽ phá thế vận hội. Họ là con cháu của vụ diệt chủng tàn bạo cách đây 150 năm. Ngày đó, ngay tại Sochi, đã có hàng trăm ngàn dân Hồi giáo bị tàn sát. Ngày nay những cái chết năm xưa chưa phai nhòa trong cộng đồng người Hồi giáo tại Nga. Chỉ trong vòng 9 tháng năm ngoái, từ tháng giêng tới tháng 9, các vụ nổi dậy của dân Hồi giáo đã làm 375 người bị giết và 343 người bị thương. Trong hai tháng cuối năm đã có ba vụ đánh bom làm hơn 40 người thiệt mạng. Chính ông Putin là kẻ thù không đội trời chung của các nhóm Hồi giáo tại vùng này khi ông cho tiến hành hai cuộc chiến tranh ở Chechnya và tiêu diệt quân nổi dậy Dagestan. Có lẽ vì những cái rắc rối dây mơ rễ má như vậy mà các vị nguyên thủ khôn ngoan đã lỉnh đi cho lành. Dại chi mang thân vào chốn gió tanh mưa máu!
Chuyện chính trị, chán chết. Nói chuyện ăn coi bộ lý thú hơn. Với các vận động viên, ăn là chuyện hàng đầu. Không ăn được, sức đâu mà tranh tài với người ta. Vì vậy, các đoàn thể thao các nước thường mang theo các đầu bếp tới Sochi để bảo đảm sức khỏe cho các lực sĩ thi đấu. Đoàn trượt tuyết của Mỹ đã mang đến Sochi tới bốn đầu bếp để nấu cho hơn một trăm người. Một trong bốn bếp trưởng này là một người Việt Nam: anh Allen Trần! Vậy là chúng ta có một vận động viên gốc Việt tại Sochi! Tôi không nói sảng. Đầu bếp Allen Trần đã phải thi…marathon. Đối thủ của anh là các bếp trưởng của đoàn Đại Hàn. Anh cho các phóng viên biết: “Ở Sochi, đầu bếp Hàn Quốc là đối thủ lớn nhất của chúng tôi. Tiêu khoảng 35 ngàn đô Mỹ mỗi ngày, họ thu vét bằng hết gạo và mì. Thật may, chúng tôi đã điều nghiên trước nên không đến nỗi. Đó là một cuộc thi đấu thực thụ, không chỉ ngoài sân đấu mà còn trên từng quầy bán đồ ăn trên từng khu chợ!”. Toán của anh Allen Trần đã khệ nệ mang tới Sochi hàng tạ dụng cụ, gia vị, những thứ không mua được ở Nga. Anh cho ví dụ như si-rô cây phong và tương ớt Sriracha! Tương ớt Sriracha, thứ mà dân ta gọi là tương ớt con gà, cũng là sản phẩm của một người Việt Nam. Kỳ này Allen Trần phải vác theo tới 16 lọ. Lại còn sữa chua nữa chứ! Đây là thứ mà các lực sĩ rất cần để giữ sức khỏe. Vụ này đã gây nên chuyện! Mỹ muốn mang theo năm ngàn hộp yagourt hiệu Chobani sản xuất tại New York. Nga cấm nhập nội lô sữa chua này vì không có giấy chứng nhận hải quan mà bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ từ chối không cung cấp. Từ nhiều năm nay Nga vẫn không cho nhập cảng bất cứ loại sữa chua hay các sản phẩm từ sữa nào của Mỹ vì họ cho là có vấn đề khác biệt về tiêu chuẩn giữa hai nước. Bộ Nông Nghiệp cho biết sẽ sẵn sàng cấp một giấy chứng nhận vệ sinh an toàn cho lô sữa này nhưng Nga không chịu. Chuyện lên tới tòa Đại Sứ Mỹ tại Nga. Ông Đại Sứ Michael McFaul đã tích cực can thiệp để mang được lô yagourt này tới cho các vận động viên Mỹ dùng. Đó là diễn tiến vài ngày trước khi tháp đuốc thế vận tại Sochi bùng lên ngọn lửa thiêng. Sau đó chuyện này ra sao, các vận động viên Mỹ có sữa chua tẩm bổ không, tin tức không thấy nói tới nữa. Chẳng lẽ đây là đòn trả đũa mà ông Putin thân tặng ông Obama!
Nước ở Sochi không bảo đảm nên họ phải mang theo cả hệ thống lọc nước để rửa rau hay hoa quả mua tại địa phương. Để có thực phẩm tốt, họ phải mang theo thông dịch viên về các vùng quê để mua rau quả. Phải nhanh chân nhanh tay kẻo các anh kim chi vớ hết sạch! Rồi còn các chai nước cho các vận động viên dùng để uống và để đánh răng.
Chắc cũng cần chua thêm cho oai: anh Allen Trần, năm nay 28 tuổi, ngoài bằng bếp trưởng còn có bằng chuyên môn về dinh dưỡng và bằng Master về dinh dưỡng thể thao!
Lên lộn máy bay nên tôi chỉ biết chuyện behind the scene của thế vận. Cũng đành! Mùa hè này, giải túc cầu thế giới World Cup 2014 sẽ được tổ chức tại Ba Tây, tôi sẽ lại leo lên máy bay. Có leo lộn nữa không? Dám lắm! Tôi vốn là người đãng trí!
03/2014
|