Những ngày tao loạn cuối tháng 4 năm 1975 người dân Việt như sống trong một lò lửa. Ai cũng muốn ra đi, thoát khỏi lưỡi lửa nóng bỏng của cộng sản. Cuộc đào thoát trong hỗn mang để lại biết bao chia lìa. Cho tới nay những cuộc tìm kiếm nhau vẫn còn tiếp diễn. Thường thì những người ruột thịt thất tán tìm nhau nhưng cũng có những cuộc tìm kiếm không ruột thịt. Tôi vừa đọc một bài báo của ký giả Hà Giang trên báo Người Việt về một cuộc tìm kiếm loại này. Tìm kiếm một ánh mắt.
Người đi tìm là một hạ sĩ vào những ngày di tản đó. Lúc đó hạ sĩ Hugh Gemmell mới 19 tuổi thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, được biệt phái tới hàng không mẫu hạm USS Denver để tham gia chiến dịch “Operation Frequent Wind” đưa người tị nạn Việt Nam tới bến bờ tự do. Trong số người tị nạn có một bé gái ông không biết tên nhưng lúc nào cũng đội chiếc nón trắng nên ông đặt tên là The White Hat Girl. Tại sao trong số bao nhiêu ngàn người mà ông gặp và giúp đỡ trên tàu, ông lại chỉ nhớ tới cô bé đội nón trắng? “Có lẽ hoàn cảnh em làm tôi chạnh lòng. Tôi không thấy cha mẹ bé Nón Trắng bên cạnh em bao giờ. Tôi nhớ rõ lúc đó em khoảng chín tuổi, lúc nào cũng đội chiếc nón trắng rộng vành. Chắc hoang mang lắm, nhưng em vẫn hay cười, tôi nhớ sức sống mãnh liệt trong đôi mắt đen láy của em…Kết thúc cuộc chiến Việt Nam lúc đó khiến tôi bàng hoàng. Và trong cái nắng đổ lửa trên sàn tàu, sự hỗn loạn xung quanh, nụ cười trẻ thơ của em sao vẫn cứ rạng rỡ, mà càng rạng rỡ thì nỗi buồn trong lòng tôi càng đậm nét tương phản…Tôi thường xuyên nghĩ tới những khuôn mặt non nớt đó. Và có lẽ suốt đời sẽ không bao giờ quên được. Tôi thường hỏi em bé đó bây giờ ở đâu? Việc gì xảy đến cho em sau khi chúng tôi và đoàn người tị nạn xuống quần đảo đó.”
Quần đảo đó là Phi Luật Tân. Khi hàng không mẫu hạm USS Denver cặp bến Phi Luật Tân thì hạ sĩ Gemmell cùng mọi quân nhân trên tàu rất bận rộn, ít có dịp gặp các em. Rồi đùng một cái, các em được đưa xuống tàu nhỏ vào bờ. Biến mất! Nhanh như một cái chớp mắt. Không có cả cái vẫy tay chào. Hình ảnh cô bé đội nón trắng từ đó cứ âm ỉ sống trong tâm khảm người hạ sĩ nhiều tình cảm. “Mấy chục năm rồi, cứ gần dịp kỷ niệm 30 tháng 4 thì tôi lại bất an. Nếu biết được cô bé ấy bây giờ ra sao thì có lẽ tôi mới hết day dứt!”. Tại sao ông Gummell lại nặng lòng với cô bé xa lạ đó? “Tôi nghĩ lúc đó chắc bé Nón Trắng đi một mình, thất lạc cha mẹ vì chẳng thấy người lớn nào lo lắng cho em. Chỉ thấy em lúc nào cũng luẩn quẩn bên cạnh một cô bé khác cùng tuổi. Tôi nhớ đã tự nhủ sẽ tìm cách mang em về cho cha mẹ tôi nuôi. Tôi cũng có đứa em gái trạc tuổi em”.
Chính cậu hạ sĩ 19 tuổi lúc đó cũng nhớ nhà, nhớ cô em gái. Trong những tấm hình ông Gummell chụp trên tàu ngày ấy, hình như tấm nào cũng có mặt cô bé Nón Trắng. Những tấm hình cho tới bây giờ ông còn giữ như một kỷ niệm khó quên. “Có lần máy ảnh của tôi bị hỏng, chụp mãi không được hình, tôi bực bội nhăn nhó, không ngờ đã cho em những tràng cười dòn dã. Có những lúc bỗng dưng trời đổ mưa, nặng hạt, các em ướt hết, chạy loạn lên, nhưng vẫn có những tràng cười rộn rã”.
Bóng dáng cô bé Nón Trắng day dứt trong ông. Hễ chỗ nào có sinh hoạt cộng đồng của người Việt, ông cũng tìm tới với hy vọng bắt được hình bóng xưa. Nhưng chiếc nón trắng vẫn bặt vô âm tín. Tới nay đã 39 năm, nhân ngày 30 tháng 4, ông Gemmell quyết định phải cố gắng tìm ra em. “Tôi muốn tìm một cơ quan truyền thông có tín nhiệm để trao những tấm hình này. Những tấm hình này thuộc về em, thuộc về một quãng đời quan trọng của em. Tôi muốn trao tặng cho em những hình ảnh lịch sử đó”. Tại sao em bé đội chiếc nón trắng ám ảnh ông dữ vậy? Chính ông cũng thắc mắc không biết tại sao. “Em là một phần của đoạn đời tôi, một thời gian đầy cảm xúc cho chúng tôi cũng như cho người dân Việt. Biến cố tháng 4/1975 không chỉ ở mãi trong tâm người tị nạn mà còn khắc sâu trong tâm trí chúng tôi nữa”. Ông thú nhận là, với tư cách một quân nhân Hoa Kỳ, ông cảm thấy xấu hổ. “Dường như đất nước chúng ta có một lịch sử chuyên để mặc cho bạn bè “tả tơi trong gió”!”. Qua một tờ báo của người Việt, ông nhắn cô bé năm xưa: “Bé và những ngày phục vụ ở USS Denver mãi mãi ở trong tâm trí tôi. Chỉ cần biết bé đang ở đâu đó yên vui bên gia đình là tôi vui lắm. Và biết đâu, được tin bé, tôi sẽ đóng lại được một chương sách của đời mình”.
Bà chị họ của tôi đóng lại chương sách của gia đình bằng một con đường khác, thập phần gian truân. Trong những ngày chộn rộn của tháng 4 năm đó, ai cũng muốn tìm đường thoát. Nếu không được cả gia đình thì được người nào hay người đó. Bà chị tôi được giới thiệu với một gia đình người Phi Luật Tân làm việc ở Sài Gòn và sắp về nước. Bà muốn họ nhận hai đứa con trai của bà làm con ruột của họ để mang về Phi. Đi đâu cũng là đi, miễn thoát ra khỏi đất nước đang trong cơn bão. Dĩ nhiên bà phải trả họ một số tiền. Tôi không rõ là bao nhiêu. Đẩy được hai đứa con rời khỏi Sài Gòn, bà mừng hết lớn. Khoảng chục năm sau, cuối thập niên 1980, gia đình bà vượt biển thoát và định cư ở Mỹ. Bà liên lạc để đưa hai đứa con về đoàn tụ. Gia đình người Phi không chịu trả. Họ thương hai đứa như con ruột nên không muốn rời xa chúng. Bà năn nỉ ỉ ôi nhưng họ vẫn nhất quyết lắc đầu. Thấy dùng tình cảm không xong, bà dùng pháp lý. Bà ở thế yếu rõ ràng. Hai đứa con của bà nay đã có tên Phi, nói tiếng Phi, quên hết tiếng Việt, lý lẽ nào chứng minh được chúng là người Việt Nam. Chạy vạy đủ chỗ nhưng bà vẫn thua. Cuối cùng bà nhờ Hồng Thập Tự Quốc Tế. Cơ quan từ thiện này thành lập một hồ sơ thật đầy đủ để can thiệp. Họ thành công mang được hai đứa trẻ nay đã lớn về với gia đình. Tôi không rõ là Hồng Thập Tự dùng lý lẽ nào để thắng. Tôi nghĩ chắc có sự can thiệp của DNA.
DNA rất được việc. Căn cứ vào phép thử khoa học này là xong hết. DNA không biết nói dối. Như trường hợp ông Phan Minh Triết, 64 tuổi, tìm được cô con gái Nguyễn Ngọc Như. Cha ở Sài Gòn, con ở Mỹ. Suốt 38 năm dài dằng dặc cha con không có tin tức gì của nhau, vậy mà anh DNA ra tay là nối lại tình cha con liền một khi! Năm 1973, chàng thanh niên Triết mới 23 tuổi, yêu một cô gái quê 19 tuổi từ Trà Vinh lên Sài Gòn mưu sinh. Mối tình của họ có kết quả là một bào thai. Anh Triết nhập ngũ trước khi vợ lâm bồn. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, anh Triết trở về Sài Gòn với hy vọng có một cuộc sống đoàn tụ với vợ con. Nhưng trở về nhà cũ bóng dáng vợ con mất tiêu. Hỏi thăm mới biết vì quá nghèo nên sau khi sanh con, cô vợ trẻ đã phải cho con vào Viện Dục Anh rồi bỏ đi biệt tích. Ông tìm tới Viện Dục Anh để xin lại đứa con. Nơi đây cho biết họ đã chuyển con ông về cô nhi viện của nhà thờ Hàng Xanh bên Gia Định. Ông vội tìm đến nhà thờ Hàng Xanh, cô nhi viện hoang tàn, giấy tờ vung vãi khắp nền nhà, chẳng thấy bóng dáng người nào. Tìm mãi ông mới gặp một phụ nữ làm việc trong cô nhi viện. Bà này xác nhận có nuôi em Nguyễn Ngọc Như nhưng vì em bị bệnh nặng nên đã qua đời! Nghe tin dữ, ông ngơ ngẩn. Nhưng ông có linh cảm là con ông không chết. Ông cất công hỏi thăm, tìm tòi và được biết trước ngày 30/4, các em trong cô nhi viện này đã được di tản trong chiến dịch Operation Babylift, nhưng họ phải nói chúng đã chết để tránh mọi rắc rối. Biết vậy, ông chờ cơ hội để kiếm ra đứa con gái ông chưa hề thấy mặt. Ông lập gia đình mới nhưng lòng vẫn vương vấn với đứa con bất hạnh. Ông thổ lộ: “Tôi chẳng biết phải dựa vào đâu để tiếp tục tìm con, nhưng luôn tự nhủ đã sinh con ra trên cõi đời này thì đó là máu mủ thịt xương của mình. Vì sự thiêng liêng đó mà tôi phải có trách nhiệm tìm con. Biết đâu con tôi vẫn ráo riết tìm cha mẹ nó mà tôi lại hững hờ thì tội lỗi vô cùng”.
Mãi tới năm 2005, ba chục năm sau, nghe tin có một đoàn trẻ em di tản trong chiến dịch Operation Babylift về Việt Nam tìm cha mẹ dừng chân ở cô nhi viện Thị Nghè, ông vội tới hỏi thăm tin con. Không ai biết tung tích con ông. Ông trình bày trường hợp của ông với bà Cheryl Livington Markson, Giám Đốc tổ chức Friends of Children of Various Nations cùng đi với đoàn. Bà mủi lòng nói ông cho bà tin tức, hình ảnh của bé Nguyễn Ngọc Như. Ông không có chi cả!
Nhưng ông chưa thất vọng. Tháng 5 năm 2011, ông tham gia vào chương trình lấy mẫu DNA tìm thân nhân thất lạc. Đến cuối năm 2012, ông mới được phái đoàn từ Mỹ về lấy DNA của ông. Cuối cùng, thần may mắn đã tới bên ông. Chỉ bảy tháng sau, họ thông báo là đã tìm được con gái ông! Con gái ông hiện là giáo viên có tên Mỹ là Tricia Houston. Từ Mỹ, cô gái đã quên hết tiếng Việt nhờ một người bạn dịch lá thư gửi về cho cha: “Ba mươi tám năm qua, con đã được nuôi dưỡng và lớn lên trong đầy đủ tình thương. Tháng giêng năm 1975, con đã được chuyển từ hội Dục Anh sang nhà nuôi trẻ World Vision ở Gia Định. Ở đó con được chăm sóc kỹ lưỡng, khỏe mạnh hơn. Tháng 4/1975 con được gửi về Mỹ bằng máy bay trong chiến dịch di tản trẻ em Babylift”.
Đọc xong lá thư của con gái, ông Triết nghẹn ngào cho biết: “Người ta trao cho tôi mấy tấm hình và một thư của con đã dịch ra tiếng Việt. Nhìn hình thì con có nét đúng là con tôi, rất chính xác, không nghi ngờ gì cả”. Ông vui mừng phân tích: con gái ông giống hệt như mẹ, mặt tròn đầy hiền lành, phúc hậu, miệng xinh xắn, đôi mắt hiền hòa, tóc đen nhánh. Ông cũng được một điều an ủi: tay chân Ngọc Như rất giống cha, những ngón tay “ngòi bút” dài thườn thượt! Cô Nguyễn Ngọc Như, nay là Tricia Houston, dự tính sẽ về Việt Nam gặp cha lần đầu tiên trong đời vào mùa hè 2014 sắp tới. Ông Triết cho là việc tìm được đứa con chưa biết mặt của ông là một “câu chuyện tuyệt vời đến kỳ bí và gần như hoang đường”. Đó là thành tựu của khoa học hiện đại!
Có tất cả 2548 em được di tản theo chiến dịch Babylift tới Mỹ, Canada, Úc và một số quốc gia Âu Châu. Một số em đã trở về tìm được cha mẹ tại Việt Nam. Cuộc trùng phùng nào cũng đầy ắp tiếng cười và nước mắt, chúng ta nghĩ như vậy. Nhưng thực tế có những khắt khe riêng. Một cuộc trùng phùng đã được quay thành phim mang tên Daughter from Danang (Người Con Gái Đà Nẵng). Bộ phim dài 80 phút do hai nhà đạo diễn Mỹ là Gail Dolgin và Vicente Franco thực hiện vào tháng 3 năm 1997 đã đoạt giải thưởng của ban Giám Khảo trong đại hội phim Sundance vào năm 2002 và năm sau, 2003, đã lọt vào vòng chót trong danh sách đề cử giải Oscar. Chuyện phim dựa trên cuốn sách The Life We Were Given (Cuộc Sống Chúng Ta Nhận Được) của bà Dana Sachs. Nhân vật chính là mẹ con bà Mai Thị Kim và Mai Thị Hiệp. Bà Kim có chồng bỏ lên núi theo Việt cộng để lại cho bà ba đứa con nhỏ. Bà vào làm tạp dịch tại một trại lính Mỹ. Tại đây bà gặp một người lính Mỹ tỏ tình với bà. Khi bà mang thai 4 tháng thì người lính này trở về Mỹ. Đà Nẵng rối loạn di tản khi bé Hiệp vừa được 7 tuổi. Bà Kim vội gửi con vào một cô nhi viện vì nghe đồn Việt cộng sẽ bắt và giết các con lai. Bé Hiệp được mang qua Mỹ trong chiến dịch Babylift và được một phụ nữ Mỹ độc thân nhận nuôi. Bé được nuôi dưỡng đầy đủ, đi học nhưng vẫn không cảm nhận được tình mẫu tử nơi người mẹ nuôi này. Bà là Giáo sư Đại học và rất nghiêm khắc. Năm Hiệp 20 tuổi, đang là sinh viên, bị mẹ nuôi đuổi ra khỏi nhà vì đi chơi về muộn. Cô sống nhờ bạn bè. Hai lần bị bỏ rơi, cô cảm thấy bất hạnh và đến các tổ chức con nuôi nhờ tìm mẹ ruột. Trong khi đó, tại Đà Nẵng, bà Kim nhờ người viết một tấm bảng bằng tiếng Anh, lê la khắp thành phố, gặp người Tây phương nào cũng nhờ giúp tìm con. Bà đã may mắn gặp được một người Anh làm ở Hồng Thập Tự. Ông hứa sẽ giúp bà. Hồng Thập Tự đã tìm được cô Hiệp, nay đã có chồng là một quân nhân trong binh chủng Hải quân, và hai con. Nhận được tin cô vội về Việt Nam gặp mẹ. Cùng đi với cô là nhà báo Trần Tương Như, người Việt Nam mà cô quen biết. Cuộc gặp gỡ diễn ra khá cảm động trong những ngày đầu nhưng càng về sau càng tạo thêm nhiều vấn đề. Bà Kim coi cô Hiệp, nay là bà Heidi Bub, vẫn là đứa con nhỏ ngày xưa nên đi đâu bà cũng dắt tay, đòi ngủ chung để nói chuyện. Ba người chị và anh thì kể công nuôi dưỡng mẹ với mục đích moi tiền cô em gái từ Mỹ về. Cô Hiệp thông cảm với tình trạng đói nghèo của gia đình nhưng những khác biệt về lối sống khiến cô muốn về Mỹ sớm hơn dự tính. Ngày cuối có cuộc họp gia đình, người anh tên Tình nói thẳng: “Mẹ đã có công sinh ra em, giờ em phải có trách nhiệm báo hiếu cho mẹ. Em có thể bảo lãnh cho mẹ qua Mỹ sống những năm tháng cuối đời. Ước nguyện của mẹ là như vậy. Em có thể làm được hay không, xin nói thẳng ra. Nếu em chưa làm được, hàng tháng có thể gửi tiền về giúp mẹ được không?”. Cô Hiệp cho biết cô chỉ mới thực hiện được việc về thăm mẹ, còn những chuyện khác cô chưa chuẩn bị. Cô ôm mặt khóc và chạy ra ngoài hiên. Bà mẹ chạy ra muốn an ủi, cô càng chạy xa hơn và hét lên: “Mẹ đừng động vào con! Xin để con được yên!”. Phim kết với cảnh anh Tình cho biết sẽ đi học thêm tiếng Anh để nói cho cô em Hiệp hiểu rõ hơn, cảnh bà Kim khấn vái trước bàn thờ tổ tiên xin cho đứa con gái lai làm ăn khấm khá để có tiền gửi về xây mồ mả tổ tiên. Và cảnh cô Hiệp, hai năm sau, thú nhận là cô cảm thấy mẹ và gia đình “như những người xa lạ”. Cô muốn quên họ đi vì thư gửi qua “cái nào cũng chỉ xin tiền”. Những cánh thư cô vứt lăn lóc như muốn chối bỏ quá khứ!
Sau cuộc chiến khốc liệt, những con người thất lạc tìm nhau. Phần lớn là máu mủ. Nhưng cũng có những người dưng nhưng nặng nợ với nhau tìm kiếm nhau. Như anh chàng thủy thủ Hugh Gummell 19 tuổi ngày ấy đi tìm cô bé đội nón trắng trên con tàu di tản. Như cô Trung Tá trong quân đội Mỹ Kimberly Mitchell mà chắc nhiều người còn nhớ câu chuyện cảm động này.
Mùa hè đỏ lửa 1972, trên đại lộ Kinh Hoàng, một người lính Quân Cụ chạy ngang một em bé 4 tháng tuổi đang nhay vú người mẹ đã chết. Anh vội bồng em bé bỏ vào chiếc nón lá chạy như bay qua cầu Mỹ Chánh, khi đó là phòng tuyến cuối cùng của quân đội Cộng Hòa ngăn chặn Việt cộng tràn xuống phía Nam. Lúc đó, khoảng 4 hoặc 5 giờ chiều ngày 1 tháng 5 năm 1972, bên này cầu, Thiếu úy Thủy Quân Lục chiến Trần Khắc Báo, trông thấy người lính ôm chiếc nón lá, dáng điệu hết sức mệt mỏi, muốn chạy qua giúp nhưng vị Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng ngăn lại: “Cây cầu tao đã gài mìn, có thể nổ và sẵn sàng phá hủy khi thấy chiến xa Việt cộng xuất hiện, đừng chạy qua, mày sẽ bị bỏ lại bên đó không về được đâu nghen!”. Thiếu Úy Báo năn nỉ xin cho cứu người cuối cùng này. Ông chạy tới giúp người lính qua cầu. Ông còn…phiếm: “Đi không nổi mà còn mang theo vàng bạc châu báu gì nữa đây cha nội?”. Người lính mệt lả nói: “Em là lính Quân Cụ thuộc Tiểu khu Quảng Trị, trên đường chạy về đây, em thấy cảnh tượng hết sức thương tâm, em bé này đang trườn người trên bụng mẹ nó tìm vú để bú nhưng mẹ nó đã chết từ bao giờ không biết. Em cầm lòng không được nên bế nó bỏ vào chiếc nón lá này. Em trao cho Thiếu Úy, xin ráng cứu nó vì em kiệt sức rồi, không thể đi xa được nữa và cũng không có cách gì giúp em bé này”. Ông Thiếu Úy độc thân 24 tuổi nhận em bé trong chiếc nón lá. Ông leo lên xe jeep đưa em bé về Phong Điền, cách đó khoảng 20 cây số, trao em cho Phòng Xã Hội của Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Ông Thiếu Tá Nhiều, Trưởng Phòng 4, nhận đứa bé và…phiếm: “Mày thiệt! Đi đánh giặc mà còn con rơi con rớt tùm lum!”. Cô nữ quân nhân của phòng Xã Hội nói với viên Thiếu Úy trẻ: “Thiếu Úy giao thì Thiếu Úy phải có trách nhiệm. Thiếu Úy phải đặt cho nó một cái tên để sau này nó biết cội nguồn của nó mà tìm”. Anh Thiếu Úy trẻ chưa vợ chưa con bối rối. Anh đã kết hai cái tên nếu sau này anh có con, con trai là Bảo và con gái là Bích. Anh vội đặt tên em bé là Trần Thị Ngọc Bích theo họ của anh.
Sau đó, anh trở về đơn vị. Khi cuộc chiến tàn vào tháng 3 năm 1975, anh bị Việt cộng bắt làm tù binh. Năm 1981, anh được thả. Tháng 9 năm 1994, anh sang Mỹ và định cư tại thành phố Albuqueque thuộc tiểu bang New Mexico.
Bé Trần Thị Ngọc Bích ngày đó đã được Phòng Xã Hội của Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến mang đến cô nhi viện Thánh Tâm ở Đà Nẵng để các dì phước chăm sóc. Số hồ sơ : 899. Chỉ hai tháng sau, em Bích được Trung sĩ Không Quân Hoa Kỳ James Mitchell nhận làm con nuôi và đưa em về Mỹ khi em mới được 6 tháng tuổi. Từ nay em mang tên Kimberly Mitchell. Khi đã có trí khôn, Kimberly thắc mắc về nguồn cội của mình. Cô đánh bạo hỏi bố. Ông Mitchell không hề dấu diếm: “Con là người Việt Nam, bố mẹ xin con từ cô nhi viện Đà Nẵng. Nếu con muốn tìm nguồn cội của con, con có thể về Đà Nẵng, may ra tìm được tông tích của gia đình con”. Cô thực hiện được việc này vào năm 2011. Trước đó, năm 1996, cô đã tốt nghiệp Cơ Khí Hàng Hải và phục vụ trong Hải Quân Hoa Kỳ. Cấp bậc hiện nay của cô là Trung Tá, Phó Giám Đốc Văn Phòng Trợ Giúp Quân Nhân và Thân Nhân tại Ngũ Giác Đài.
Về Việt Nam, cô tới cô nhi viện Thánh Tâm ở Đà Nẵng và may mắn gặp được sơ Mary, người đã tiếp nhận cô từ Phòng Xã Hội của Thủy Quân Lục Chiến vào năm 1972. Cô được sơ kể về trường hợp cô được các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa cứu và mang vào viện. Cô trở về Mỹ và viết câu chuyện của mình trên website.
Phần ông Trần Khắc Báo, sau khi tới Mỹ, ông tình cờ đọc được một bài báo trên tờ Việt Báo Hải Ngoại phát hành tại New Jersey. Ký giả Trúc Giang viết về câu chuyện đi Mỹ của cô nhi Trần Thị Ngọc Bích. Ông Báu gần như chắc chắn đây chính là em bé ngày xưa trên Đại Lộ Kinh Hoàng. Ông vội nhờ một người bạn tên Đào Thị Lệ làm việc tại New York Life, có chồng người Mỹ làm việc trong Hải Quân Hoa Kỳ tìm kiếm. Cô Lệ là người đầu tiên nói chuyện trực tiếp với cô Kimberley. Sau đó ông Báo và cô Kimberley liên lạc với nhau. Và chính cô Trung Tá ngày nay tổ chức buổi hội ngộ với ông Thiếu Úy ngày xưa.
Cuộc hội ngộ ly kỳ này diễn ra vào ngày 29 tháng 8 năm 2012 tại trụ sở Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia New Mexico, nơi ông Báu cư ngụ. Cô mời 7 đài truyền hình và nhiều phóng viên tới tham dự và đưa tin. Cô muốn ông Báu mặc bộ quân phục giống như bộ ông mặc khi tiếp nhận cô 41 năm trước. Khi cô tới New Mexico, ông Báu muốn ra phi trường đón và đưa cô về khách sạn nhưng cô từ chối vì muốn cuộc hội ngộ diễn ra trước mặt nhiều người. Ông Báu cùng vợ con có mặt tại hội trường. Ông Chủ Tịch Cộng Đồng hỏi cô Kimberley Mitchell: “Cô đến đây tìm ai?”. Cô trả lời: “Tôi muốn tìm ông Trần Khắc Báo”. Ông Chủ Tịch quay sang ông Báo và giới thiệu: “Đây là ông Trần Khắc Báo!”. Cô Ngọc Bích vội chạy tới ôm ông Báo và cả hai cùng khóc nức nở. Cô Ngọc Bích choàng chiếc khăn choàng hình lá cờ vàng ba sọc đỏ. Ông Báo ôm chiếc nón lá có con búp bê nhỏ nằm bên trong. Cô Ngọc Bích hỏi: “Ông là người đã cứu mạng tôi, tôi mới có ngày hôm nay. Bây giờ ông muốn tôi làm chi?”. Ông Báo nói ngay: “Thực sự bây giờ tôi chỉ muốn cô nói với tôi một lời bằng tiếng Việt. Cô hãy kêu tôi là “tía” vì tất cả các con tôi đều gọi tôi là “tía”. Tôi xem cô cũng như con tôi, tôi chỉ mong điều đó”. Cô Ngọc Bích ôm ông và gọi: “Tía!”.
Cô Trung Tá Kimberley Mitchell vẫn còn độc thân. Cả ông Báo lẫn cô Ngọc Bích còn có một điều ân hận. Họ chưa tìm được tung tích người lính Quân Cụ năm xưa! Ông Báo tâm sự: “Mình là người lính Việt Nam Cộng Hòa, mình đã được huấn luyện và thuộc nằm lòng tinh thần “Tổ Quốc – Danh Dự - Trách Nhiệm”. Trách nhiệm của mình là lo cho dân”. Cả hai, người lính Quân Cụ và Thiếu úy Trần Ngọc Báo, đã làm tròn trách nhiệm của họ giữa lửa đạn chiến tranh. Họ xứng đáng là quân nhân.
Từ chuyện anh Hạ Sĩ Hugh Gummell tìm em bé nón trắng tới chuyện ông Thiếu Úy Trần Ngọc Báo và cô Kimberley Mitchell tìm nhau, một câu hỏi bỗng nẩy ra trong đầu tôi: sao người dưng mà người ta tìm nhau rộn ràng như vậy nhỉ? Vì trái tim họ đều bị bầm dập trong những giờ phút cay nghiệt của cơn quốc nạn, tôi nghĩ vậy!
05/2014
|